PDA

View Full Version : Mứt Tết, thấy làm sợ ăn



chimtroi
01-30-2008, 04:51 AM
Thứ năm, 17/01/2008

http://www.canhbang.com/hoiquanphidung/Pictures/Mut1.jpg
Bí được trơi trắng giữa đường làng, lâu lâu lại có người dùng chân để gạt bí.

Xuân Đỉnh là một làng làm mứt Tết thủ công lớn nhất ở khu vực miền Bắc, mứt được bán rộng rãi khắp mọi nơi. Nhưng chị Lan, một người làng thật thà: “Mứt làng bán về đâu chẳng biết. Còn mình chẳng bao giờ dám ăn”.

Đường làng thành sân phơi

Vào làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm) vào chiều 15/1, trời mưa lép nhép. Vậy nhưng, mặc mưa, mặc gió dọc hai đường làng Xuân La, bí được phơi trắng, tràn ra giữa đường. Nhiều vũng nước, phân bò, phân trâu nằm ngay bên cạnh. Bí được phơi trên những tấm bạt mỏng, tung té ra ngoài đất...

Anh Hùng, một nhân công làm thêm dùng chân để đảo bí lên xuống như đảo thóc cho biết: “Nhiều nhà tháo cả những tấm bạt vẫn làm mái lợp nhà vệ sinh lâu năm xuống để phơi. Dùng bạt phơi là để lúc gom lại cho tiện chứ chẳng phải để cho sạch”.

Ngay giữa đường làng và các đường trong ngõ, nhiều bể nước như những chiếc bể sú vôi lâu ngày được dùng để rửa bí. Bí sau khi được thái mỏng, được đem rửa nhưng thật ra là được nhúng nước để bớt chất nhờn.


http://www.canhbang.com/hoiquanphidung/Pictures/Mut2.jpg
Bể nước rửa bí này gần cả tháng chưa hề được thay nước.


Một điểm chế biến sát ngay biển chào "Làng nghề bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh kính chào quý khách", hai bể nước nhỏ xíu dùng để rửa hàng tấn bí, cà rốt. Theo một nhân công đứng vớt bí ở đây thì “gần cả tháng làm mứt rồi, chưa thay nước lần nào”. Người này cho biết, năm nay thế là còn sạch, các năm trước bí còn được rửa ở ngay ở con mương nhỏ giữa làng, nước đen đặc mà trâu bò vẫn dầm. Do làm đường, con mương đã bị lấp, rồi cạn nước.

Nấu mứt cạnh nhà vệ sinh

Rẽ vào trong ngõ, vào một hộ làm mứt bí khá lớn với hơn mười người đang tích cực làm việc. Ngay cạnh một khu nhà bếp chừng 20m2, tất cả từng "nhà xưởng" làm chỗ gọt bí, rửa bí, giá phơi bí, nấu bí và cả một nhà vệ sinh kiểu cũ (không dội nước). Mùi thơm của nối bí đang nấu không át nổi mùi xú uế nhà vệ sinh. Tẩt cả công nhân làm việc đều không đeo gang tay, ủng chân nhưng mặt thì phải đeo khẩu trang kín mít..

Hai chiếc nối nấu bí to đùng nằm trong cùng, sát vách với nhà vệ sinh kiểu cũ (không dội nước). Chiếc muỗng vừa dùng đảo bí xong được đặt ngay giữa nền bếp toàn là than, ướt nhẩm, sau lại đưa vào đảo. Nồi bí sôi sùng sục, không hề có nắp đậy. Lâu lâu, từng xẻng than lại được xúc đổ vào lò bay mịt mù…

Phóng viên đưa máy ảnh ra chụp thì bác chủ nhà nhất quyết không cho, vì “Ảnh này mà lên báo thì đố còn ai dám ăn mứt…”


http://www.canhbang.com/hoiquanphidung/Pictures/Mut3.jpg
Gom bí đã phơi xong lại, đi cả dép dẫm lên…
Bí chế biến xong được phơi ngay giữa nền gạch hoa mà chủ nhà nói là đã được lau rất sạch sẽ. Bí chỉ còn chờ khô rồi được đóng gói.

Đi dọc các ngõ trong làng, qua các xưởng thấy những lao động nữ đều tay không bốc bí vào bao bì đóng gói. Nhét thêm những gói chống ẩm không rõ nguồn gốc từ đâu nữa là xong. Các khâu hoàn tất chẳng phải qua một khâu kiểm duyệt nào cả vì lâu lâu mới có một đoàn kiểm tra đột xuất như một chủ sản xuất mứt nói.

Xuân Đỉnh là một làng làm mứt Tết thủ công lớn nhất ở khu vực miền Bắc, mứt được bán rộng rãi khắp mọi nơi. Nhưng chị Lan, một người làng thật thà: “Người ta nói công nghệ sản xuất mứt đã được cải tiến để đảm bảo vệ sinh nhưng bẩn thì vẫn cứ bẩn. Mứt làng bán về đâu chẳng biết. Còn mình chẳng bao giờ dám ăn”.


Theo VTC

chimtroi
01-30-2008, 05:00 AM
Thứ hai, 21/01/2008

http://www.canhbang.com/hoiquanphidung/Pictures/Mut14.jpg
Nhiều miếng mứt đã mốc xanh khi chưa kịp đóng gói xuất xưởng. (Ảnh: T.N)

Trong khi cho mứt bí vào túi nylon, thỉnh thoảng cô nhân viên một cơ sở bánh mứt kẹo lớn ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) lại nhặt ra một miếng đã mốc xanh, để vào một góc mẹt rồi thản nhiên tiếp tục đóng gói.

Còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, tại các chợ và cửa hàng đã bày bán rất nhiều mứt. Trừ sản phẩm của các công ty bánh kẹo, phần lớn mứt bí, khoai tây, dừa, cà rốt... từ các lò thủ công sản xuất ra đều không có nhãn mác ghi thông tin về địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng...

Nhiều bà nội trợ đã bắt đầu sắm Tết và mua loại mứt kể trên. "Nó rẻ hơn hẳn so với hàng của các công ty. Gói mứt dừa này tôi mua có 17 nghìn đồng, trong khi mua nhãn sang một chút phải hơn 30 nghìn đồng" - một phụ nữ mua hàng ở chợ Mơ (Hà Nội), nói. Chị cho biết không lo lắng về chất lượng vì cũng phải gần Tết người ta mới làm mứt, không có chuyện để quá lâu.

Chị Hoa, chủ một quầy bánh kẹo nhỏ ở Quỳnh Mai, cho biết bắt đầu nhập mứt Tết về bán từ 2 tuần nay, có cả hàng của các công ty bánh kẹo lớn lẫn hàng không nhãn mác. Người dân xung quanh nhiều người là viên chức, người lao động, buôn bán nhỏ, thu nhập không cao nên loại mứt đóng túi nylon bán chạy hơn cả.

"Yên tâm đi, hàng chị nhập từ Xuân Đỉnh chứ có đâu xa, họ làm đến đâu bán đến đó, không sợ mốc hay quá đát gì đâu" - chị Hoa khẳng định.

Thế nhưng ngay tại một cơ sở khá lớn ở Xuân Đỉnh - trung tâm sản xuất mứt Tết ở Hà Nội - phóng viên đã ghi nhận tình trạng sản phẩm bị mốc ngay trước khi đóng gói tiêu thụ. Trước mẹt mứt bí, hai cô gái mặc áo bảo hộ trắng xúc hàng vào túi nylon, đặt lên cân rồi dán lại. Thỉnh thoảng, các cô lại nhặt ra từ đống mứt bí những miếng đã mốc xanh, để riêng ra một góc mẹt rồi tiếp tục làm việc.

http://www.canhbang.com/hoiquanphidung/Pictures/Mut5.jpg

Nước đường đựng trong thùng sơn này sẽ được dùng để làm mẻ mứt khác. (Ảnh: T.N)
Cũng tại cơ sở này, ở gần toilet, nơi không khí sực lên mùi khai nước tiểu là bể cà chua ngâm nước vôi. Trên thành bể vương vãi các đoạn ống cao su, găng tay bẩn và các thanh gỗ bám bụi.

Ở một điểm sản xuất lớn khác, sàn xưởng luôn ướt, nhiều chỗ nước đọng do sàn mấp mô, trong khi các máng mứt mới nấu được đặt cách mặt đất chừng hơn nửa mét. Phía trên mái có những chỗ chưa được căng các tấm bạt ngăn bụi và bồ hóng rơi xuống. Nước đường nóng chảy từ các máng mứt được hứng vào các thùng vốn đựng sơn tường, để dùng cho các mẻ mứt sau.

Cách đây vài ngày lúc trời nắng ráo, đoạn vỉa hè con đường rộng nhưng nhiều bụi trước cổng làng nghề Xuân Đỉnh thường được lấy làm chỗ phơi bí, đã được thái hình con chì và ngâm nước vôi. Thỉnh thoảng, lại có người chân trần di chuyển giữa đám bí để đảo cho chóng khô.

Các gói mứt bày bán tại cơ sở này và nhiều nhà khác ở làng Xuân Đỉnh chỉ là túi nylon trắng trơn hoặc có thêm mẩu giấy màu ghi "Chúc mừng năm mới", không hề có thông tin gì về cơ sở sản xuất. Người tiêu dùng nếu không may bị ngộ độc hay rối loạn tiêu hóa sẽ không thể tìm được ai chịu trách nhiệm.

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh, cho biết trong vụ làm mứt Tết, tuần nào phường cũng đi kiểm tra về vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, nhưng vẫn chưa xử phạt một trường hợp nào.

Xuân Đỉnh hiện có 52 nhà làm mứt, mỗi vụ cho ra 400-450 tấn. Những cơ sở lớn sản xuất đến 20-30 tấn/vụ.

Tại buổi kiểm tra sáng 19/1, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận tuy vệ sinh sản xuất ở Xuân Đỉnh đã tiến bộ hơn nhiều so với các năm trước nhưng vẫn chưa tốt hoàn toàn. Ông khẳng định việc phơi bí trên vỉa hè, đựng nước đường trong thùng sơn cũ... đều vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất độc từ thùng sơn có thể vẫn còn và thôi ra, nhất là với nhiệt độ cao như nước đường nóng.

"Mứt có hàm lượng đường cao, lại được đun nấu kỹ nên cũng diệt khuẩn tốt. Nhưng nếu môi trường xung quanh không sạch thì bụi bặm, vi khuẩn và các chất độc từ ngoài có thể xâm nhập, có hại cho người dùng" - ông Tuấn nói.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng khi mua bánh mứt kẹo cho ngày Tết nên chọn loại có nhãn mác, ghi rõ địa chỉ sản xuất và hạn sử dụng. Với những sản phẩm không rõ xuất xứ, sẽ không thể đảm bảo an toàn.

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.


Theo VnExpress