PDA

View Full Version : Tuỳ Duyên - Trần Ngọc Nguyên Vũ



khongquan2
11-30-2016, 04:01 PM
Tuỳ Duyên

Trần Ngọc Nguyên Vũ

http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1480559129-chua4.jpg

(Nhân mùa Phật Đản. Xin thắp một nén nhang lòng tưởng nhớ về Mẹ.)

“Tác hữu trần sa hữu”
“Vi không nhất thiết không” (1)

Thiền-Sư Đạo-Hạnh

Tới phi-trường San José International, tôi lấy xa-lộ 101 South, rồi rẽ vào đường Tully West để về nhà mẹ tôi. Nhưng mải suy-nghĩ về món qùa sẽ làm mẹ ngạc-nhiên khi thấy tôi bất chợt về thăm mẹ mà không báo trước, tôi đi qúa ngã tư Mc. Laughling lúc nào không hay, đến lúc nhìn ra thì đã trễ. Tôi quẹo phải để vào một con đường khác định đi lối tắt cho gần, nhưng loay-hoay mãi mà không tìm được lối ra. Đang tính ngừng lại để coi bản đồ thành phố, tôi bỗng thấy một ngôi chùa trước mặt, với mái ngói đỏ uốn cong, lẩn khuất giữa lùm cây tùng bách xum xuê, xen lẫn những bụi trúc đứng vươn mình trong ánh nắng của buổi ban mai, có sức thu hút tôi phải ghé vào. Cổng chùa mở rộng, tôi lái xe giữa hai hàng trúc xanh biếc, lả ngọn rì rào theo gió, như để đón chào người khách lạ phương xa. Con đường từ cổng vào sân trong không rộng lắm, nhưng đủ để cho xe hơi qua lại. Hàng gạch lát từ ngoài dẫn vào sân chùa nhú lên những lằn cỏ xanh mọc xen kẽ giữa những viên gạch mầu đỏ làm cho con đường trở nên thêm phần u-tịch.

Tôi cho xe đậu dưới một gốc cây đa già Nhật-Bản, rồi tắt máy bước ra khỏi xe. Một nhà sư trong bộ áo nâu sồng đang khom lưng quét lá trên sân, thỉnh-thoảng lại cúi mình nhặt những bông hoa Ngọc-Lan, hoa Đại, rơi rụng quanh bức tượng Quan-Thế-Âm bằng thạch-cao trắng toát. Mùi hoa thanh-thoát, quyện với mùi trầm hương thoang-thoảng, bao phủ cả một mảnh không-gian tĩnh-mịch. Không đợi nhà sư hỏi, tôi chắp tay cúi đầu cung kính chào:

- Nam Mô A-Di Đà-Phật, bạch thầy con đi lạc đường, thấy cảnh chùa u-nhã nên vào để xin thắp nén nhang và xin được vãn cảnh chùa.

Vị sư già ngừng tay, ngước mắt nhìn lên, Ngài dựng cây chổi bên gốc cây hoa đại, rồi chắp tay trước ngực cúi đầu chào tôi nói:

- Nam-Mô A-Di-Đà-Phật! Xin mời thí-chủ vào viếng cảnh chùa.

Nghe giọng nói trầm hùng của nhà sư cất lên cùng với dáng-điệu hiền-hòa, ung-dung tự-tại, tự-nhiên tôi cảm thấy mình như nhỏ bé lại, và bị hút vào một chiều thời-gian vô-hình nào đó. Tôi chậm rãi bước theo sau nhà sư. Nhà sư vừa đi trước dẫn đường vừa nói:

- Đêm qua thầy nằm mộng thấy có người đi ngang qua cửa nói là ngày mai có khách qúy tới viếng cảnh chùa. Thầy giật mình tỉnh dậy nhìn qua khung cửa sổ thì thấy trên cành đa có con chim lạ đậu, kêu lên mấy tiếng rồi bay đi mất. Vừa rồi thầy ra sân nhặt mấy bông hoa rụng, vừa nghĩ đến giấc mộng hồi đêm thì thí-chủ đến. Thầy chắc đây là cái duyên gặp gỡ của nhà chùa với thí-chủ. Thí-chủ chắc không phải là người vùng này.

- Bạch thầy con ở tiểu-bang North Carolina, bên miền Đông. Vì phải đi làm việc xa, hôm nay nhân dịp phi-cơ đáp phi-trường này để đổi chuyến bay, nên con lấy vài ngày nghỉ để về thăm mẹ con trước khi đi nhận công việc mới.

- Mô Phật, thiện-tai thiện-tai. Xin mời thí-chủ vào trong niệm-phật-đường thắp nhang cúng Phật rồi xuống nhà trai dùng trà.

Tôi theo nhà sư bước lên bậc tam cấp để vào niệm-phật-đường. Trước cửa vào gian chánh-điện, ở giữa có treo một tấm bảng bằng gỗ chạm ba chữ đại-tự "Quan-Âm Tự". Bên trong gian chánh-điện, phía bên trái là bệ thờ Phật, hương trầm nghi-ngút. Trên từng cao nhất ở giữa bệ là pho tượng Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni uy-nghi, trang-nghiêm, hiền-từ ngồi tham-thiền trên tòa sen. Dưới một bậc, trước tượng Phật có đặt một chiếc đại-lư bằng đồng bóng loáng. Hai bên là hai hàng lư nhỏ hơn cùng với hai ngọn bạch-lạp cao, và hai bình hoa huệ trắng ngát. Bậc dưới cùng được bầy những đĩa hoa qủa, chen lẫn với những chậu cúc mầu vàng. Phía bên trái bệ thờ là một qủa chuông đồng được treo trên chiếc gía gỗ sơn đỏ, cao khoảng hơn một thước. Bên cạnh qủa chuông là một cái kệ thấp, trên có đặt mấy quyển kinh và một chiếc mõ bằng gỗ mầu nâu xậm. Trên sàn nhà trước bệ thờ được trải một hàng chiếu cạp điều dành cho khách thập-phương và các phật-tử ngồi tụng kinh lễ Phật. Nhà sư đích thân lấy 3 nén hương thắp cho tôi rồi ngài đứng qua một bên, cầm chiếc dùi chuông đánh lên ba tiếng. Tiếng chuông ngân trầm dìu-dặt làm lòng tôi như chìm xuống. Tôi cầm mấy cây nhang chắp tay vái, và thầm khấn xin đức Phật từ-bi gia-hộ cho mẹ tôi được bình-an trong tuổi gìa. Tôi cũng thầm khấn nguyện đấng đại-từ đại-bi gia-hộ cho các chúng sinh oan hồn uổng tử, phát tâm bồ-đề rộng lớn, dứt sạch nghiệp-chướng sâu dầy, sinh về thế-giới an lành. Lễ Phật xong, tôi theo nhà sư đi xuyên qua dẫy hành-lang nối liền khu niệm-phật-đường tới nhà trai.

Khu nhà trai là một căn nhà cũ được nhà sư cho sửa sang lại nên trông rõ nét sinh-hoạt của chốn thiền-môn. Sàn nhà bằng gỗ mầu nâu bóng loáng, mọi đồ vật trong phòng đều ngăn nắp, và sạch sẽ không có một hạt bụi. Nhà sư dẫn tôi đến chiếc bàn vuông bằng gỗ khảm xà-cừ, kê thấp sát mặt sàn ở giữa nhà. Bên cạnh bàn có đặt một chiếc lò điện để đun nước uống. Chung quanh bàn là những chiếc gối nệm dầy dùng để ngồi, và mấy chiếc kệ gỗ để tựa tay. Trên tường bên phải, có treo một bức đại-cổ-họa vẽ Đức Đạt-Ma Sư-Tổ, quảy trên vai cây thiền-trượng có treo một chiếc dép cỏ đang chậm rãi bước. Nét vẽ theo lối thủy-mạc, trông thật dữ dội, mạnh và siêu-thoát. Nhìn vào cặp mắt trong tranh mà tôi có cảm tưởng như bị chạm vào một luồng điện. Đối diện về bên trái là một bức hình phóng-đại chụp Bồ-Tát Thích Quảng-Đức, hai tay chắp trước ngực, mắt nhắm nghiền, ngồi xếp chân bằng tròn, trầm mình trong ngọn lửa bập bùng. Ảnh chụp sắc nét và sống động làm tôi phải rùng mình trước cảnh tượng bi-hùng trong hình. Phía trước mặt căn phòng nhìn qua dẫy hành lang dẫn xuống khu vườn trồng trúc là một hồ sen và hòn giả-sơn ở giữa hồ. Một con lạch quanh co như rồng uốn khúc có cây cầu gỗ bắc ngang. Bên chân cầu là một cây tùng uy-nghi cao lớn đứng đối diện với một cây liễu ẻo-lả rủ cành làm tăng thêm vẻ u-trầm của khu vườn. Tôi tấm-tắc khen thầm khung cảnh vừa đơn-sơ, vừa có nét đẹp thanh-thoát và hùng-tráng của nhà chùa. Thấy tôi cứ đứng tần-ngần nhìn bức tranh vẽ Đức Đạt Ma Sư Tổ treo trên tường, nhà sư mỉm cười khoan-thai đặt bình nước lên chiếc lò cạnh bàn rồi nói:

- Thí chủ nhìn bức tranh này chắc là đang nghĩ đến chiếc dép cỏ treo trên đầu cây thiền-trượng…

Tôi giựt mình nhìn vị sư già rồi nói:

- Bạch thầy quả là con đang nghĩ đến hai vế đối bằng chữ Hán của thầy Tuệ-Sỹ, tả cảnh thoát trần của ngài Đạt-Ma Sư-Tổ, để lại một chiếc dép trong động, nhưng con không nhớ rõ.

Nhà sư gật gù giơ tay chỉ về chiếc gối nệm trên sàn rồi nói:

- Thì ra là như thế. Mời thí-chủ ngồi.

Tôi ngồi xuống, hai chân khoanh tròn một cách khó khăn trên chiếc gối nệm đối diện với nhà sư. Sau khi an-vị xong, nhà sư hỏi qua về gia-cảnh cùng công ăn việc làm của tôi, ngài châm nước sôi vào bình trà rồi hướng tia nhìn ra ngoài vườn, giọng nói thoang thoảng như chìm vào một khoảng không-gian mơ-hồ xa- xôi nào đó:

- Cách đây đã lâu lắm rồi, dễ chừng cũng khoảng gần bốn chục năm, thầy có nghe một câu chuyện về sự gặp gỡ của Thầy Tuệ-Sỹ và Sư Thiện-Chiếu hồi còn ở quê nhà. Ngày đó thầy Tuệ-Sỹ tới thăm một người bạn là một phật-tử tục-gia. Vì nghe tin người bạn vừa mua được một bức đại cổ-họa rất qúy. Khi đến nơi, thầy Tuệ-Sỹ thấy trên vách có treo một bức tranh vẽ một vị Thiền-Tăng hình dung cổ quái, râu ria lởm chởm, cặp mắt sáng quắc, gánh trên vai một chiếc dép, đó là bức tranh vẽ Đức Đạt Ma Sư-Tổ, vị tổ thứ 28 của thiền-phái Thiên-Trúc và cũng là vị sơ tổ của thiền-phái Trung-Hoa, đời nhà Tùy. Nét vẽ xuất-thần đến nỗi khi nhìn vào người ta cứ tuởng như người trong tranh đang lướt đi trên những phiến đá trên mặt đường. Bức tranh có uy-lực thu-hút vị thiền-tăng trẻ, và trong một lúc nhập thần, thầy Tuệ-Sỹ đã làm hai vế câu đối bằng Hán văn vịnh bức tranh như sau: "Chích lý thiên-trùng ẩn-ước chiêu huy tà cốc khẩu – Song kiều tuyệt-lãnh trập-trùng thanh-thủy trục vân không". Viết xong thầy Tuệ-Sỹ đọc lên cho gia-chủ nghe. Người bạn thích qúa rồi nói với thầy Tuệ-Sỹ là cách đây mấy hôm, bỗng xuất hiện một cụ già tinh thông Hán văn và viết chữ rất đẹp, không biết từ đâu đến ngồi viết thuê ngoài đầu phố. Nay lại có thêm đôi câu đối bằng chữ Nho, thật là một sự trùng-hợp hy-hữu. Rồi ông sai con chạy đi nhờ cụ viết lại trên giấy đỏ để treo lên vách…

Nói đến đây nhà sư ngừng lại, rót nước ra chén rồi nói:

- Mời thí-chủ dùng trà.

Vì nóng lòng muốn nghe tiếp câu truyện nên tôi chỉ cám ơn nhà sư, bưng chén nước lên tay rồi lại để xuống bàn, ra vẻ như chờ đợi. Nhìn điệu bộ nôn náu của tôi, nhà sư mỉm cười rồi nói tiếp:

- Khi đọc xong hai câu đối, cụ già mỉm cười gật gù rồi sửa soạn bút mực, cẩn thận trải tờ giấy điều trên tấm ván, ngồi khom lưng, rồi vung tay phóng ngọn bút lông trên giấy. Viết xong cụ gói lại cẩn thận trao lại cho thằng bé. Thằng bé chạy một mạch về nhà đưa cho bố. Khi dở ra coi, hai người bỗng giựt mình, vì ngoài hai câu chính bằng Hán văn, còn có thêm lời dịch ra chữ Việt bên cạnh: "Một chiếc dép đi ngàn trùng thấp thoáng nắng mai nghiêng cửa động – Đôi cánh non trên vạn nẻo trập-trùng nước cuốn đuổi trời mây." Nét chữ như có thần khí tung hoành, cuồn cuộn bay theo với lời văn siêu-thoát. Thầy Tuệ-Sỹ nói với người bạn: "Nét chữ và lời dịch này, ngoài một người ra, thời nay không còn ai có thể viết được những nét chữ linh-động, và dịch hay như vậy được." Rồi hai người vội chạy ra để kiếm cụ già. Tới nơi thì cụ đang sửa soạn thu dọn giấy bút để đi về. Thầy Tuệ-Sỹ nhìn cụ già một giây rồi cúi đầu vòng tay thi lễ. Cụ già ngẩng lên thấy thầy Tuệ-Sỹ thì ngẩn người ra một chút rồi nắm lấy tay thầy Tuệ-Sỹ hỏi thăm rối rít, ra chiều như đã lâu lắm rồi hai người mới gặp lại nhau. Hôm đó gia-chủ cố nài-nỉ lưu hai người khách quý ở lại, và sai người nhà sửa-soạn bữa tiệc chay thật thịnh- soạn để khoản đãi khách. Trong bữa tiệc, gia-chủ ngồi im say-sưa nghe hai con "phượng-hoàng linh-điểu", một già một trẻ, bàn luận về thơ văn và đạo-pháp; lúc đó chủ nhà mới biết cụ già là nhà sư Thiện-Chiếu cải dạng. Vì lý do gì mà cải dạng thì cụ không nói đến và cả thầy Tuệ-Sỹ cùng gia-chủ cũng không hỏi qua… Sáng hôm sau, cụ già dậy thật sớm từ giã gia-chủ và thầy Tuệ-Sỹ để ra đi. Kể từ đó người ta không còn thấy cụ già ngồi viết chữ thuê mỗi ngày nơi đầu con phố vắng, và cũng không ai còn nghe nhắc đến tên nhà sư Thiện-Chiếu nữa.

Nhà sư kể đã xong, mà tôi còn tưởng như hình ảnh và âm-hưởng lời thơ của người xưa đang chập-chờn trước mặt. Vị sư già cất tiếng kéo tôi về thực tại:

- Thí-chủ dùng trà đi kẻo nguội. Loại trà này từ bên Đài-Loan gởi qua đấy, trà đặc-biệt lắm, càng pha nước càng xanh, và vẫn giữ được vị thơm của trà chứ không phai như các loại trà khác.

Tôi ngước nhìn nhà sư và nói:

- Bạch thầy con nghe nói bên Đài-Loan có một loại trà đặc-biệt và hiếm, năm nào may mắn lắm người ta mới hái được, không biết có phải là loại này không ạ?

Nhà sư nhìn tôi nở một nụ cười hiền-hoà:

- Thầy không rõ, nhưng cách đây 2 năm trên đường đi hành-hương xứ Phật bên Tây-Trúc, thầy có ghé Đài-Trung thăm một vị thiền-tăng, và ngài tặng thầy ít trà này. Rồi cứ lâu lâu ngài lại gởi sang cho thầy một ít. Đây không phải là loại trà bán trên thị-trường, nên cũng không có tên gọi. Mời thí-chủ.

Tôi nâng chén trà lên miệng, hít một hơi dài để thưởng-thức hương-vị ngào-ngạt từ chén nước trà tỏa ra, rồi nhắp một ngụm gật gù thưởng-thức. Quả thật là loại trà ngon, uống thấy thơm và đậm giọng. Nhà sư nhìn tôi mỉm cười nói:

- Thường thì thầy chỉ dùng trà Thiết-Quan-Âm của các phật-tử thập-phương cúng dường, hôm nay có khách qúy nên mới lấy loại trà này ra mời khách đấy.

Tôi thấy lòng rúng động khi nghe nhà sư nói câu ấy. Rồi cứ lúng-túng mãi mới thốt lên được một lời để đáp lại tấm lòng khiêm-ái và hiếu-khách của vị sư già. Nhà sư nhìn tôi bằng tia mắt hiền-từ nói:

- Chẳng còn bao lâu nữa là đến ngày Phật-Đản rồi, thí-chủ chắc không có dịp ghé về đây lần nữa đâu nhỉ.

- Bạch thầy lần này con phải ở bên Bangkok cho đến cuối năm mới xong công việc nên không có dịp về đây để dự lễ mừng ngày Phật Đản. Con nghĩ mình thật là vô-duyên, năm nào cũng định tâm là phải về thành-phố này vào ngày Phật-Đản, rồi chở mẹ con đi chùa lễ Phật. Vậy mà chả có năm nào được như ý. Không mắc chuyện này thì cũng vì chuyện khác mà phải lỡ dở.

Nhà sư với tay lấy ấm nước sôi châm thêm vào bình trà rồi chậm rãi nói:

- Thật ra thì chuyện gì cũng đều phải tùy duyên cả, khi cái duyên nó chưa đến thì dù cho mình có muốn cũng chả được. Cũng vì cái duyên mà thầy Tuệ-Sỹ và Sư Thiện-Chiếu đã để lại cho người đời những vần thơ tuyệt-tác. Còn như thí-chủ đây thì cái duyên của mình tuy không đậu vào thành-phố này, nhưng mà nó lại đậu vào một cảnh-giới khác cách xa đây hàng chục ngàn dặm đường thì sao. Thái-Lan cũng là một trong những xứ mộ đạo lắm.

Tôi lặng người khi nghe nhà sư nói. Trong một thoáng, tôi cảm thấy như mình đang ngồi nói chuyện với mẹ. Mẹ tôi cũng vẫn thường hay nói đến cái "duyên" của cuộc đời. Mỗi lần từ xa gọi điện-thoại về thăm mẹ, tôi luôn luôn tỏ ý hối hận là đã không về thăm mẹ được, thì lần nào mẹ tôi cũng nói: "Mẹ còn khỏe lắm các con đừng lo. Cứ việc đi làm đi ăn đi, rồi chừng nào thuận-tiện thì về thăm mẹ. Miễn sao công việc trôi chẩy và cứ ăn hiền ở lành, thì rồi cái duyên tốt nó sẽ đến với mình, chả có gì phải bận tâm, lo-lắng cả. Mẹ còn khỏe lúc nào là mẹ cầu Trời Phật phù hộ cho các con lúc đó..."

- Chắc Cụ bà ở nhà cũng thường hay nhắc đến thí-chủ lắm phải không.

Tôi giựt mình tròn mắt kinh-ngạc khi thấy vị sư già như đọc được ý-nghĩ thầm kín của mình. Tôi ngước nhìn nhà sư, miệng muốn nói mà chưa tìm được câu trả lời, thì nhà sư lại cười nhẹ cất giọng hiền-hòa nói:

- Mô Phật! Thầy thấy gương mặt thi-chủ hơi biến đổi khi nghe nói đến cái "duyên", nên thầy chắc là Cụ bà ở nhà cũng thường hay nói đến nó với thí-chủ.

- Bạch thầy đúng như vậy ạ. Mẹ con vẫn thường hay an-ủi con cái, để các con khỏi phải mang mặc-cảm là thiếu bổn-phận đối với mẹ, và lo lắng nhiều về mẹ.

Cầm ly nước trên tay, nhà sư nhìn vào khoảng không, mắt lim-dim cất giọng chậm rãi nói:

- Nam Mô A-Di-Đà-Phật! Công ơn cha mẹ nuôi con như trời như biển… Con cái dù có hết lòng trả hiếu cho cha mẹ trong kiếp này cũng chẳng bao giờ đủ. Trong kinh Phật có dậy là: "Hiếu là độ được song thân, Nhân là vượt khỏi trầm luân mọi loài.". Bởi vậy trong kinh Địa-Tạng có nói về những sự báo hiếu của Bồ-Tát Địa-Tạng từ hằng hà sa số a-tăng kỳ kiếp trước, ngài đã nguyện là chỉ khi nào độ cho hết thẩy chúng-sinh thoát ra khỏi vòng trầm-luân khổ-ải rồi ngài mới chứng thành Phật qủa.

Tôi ngồi im một lúc như để cho lòng mình lắng xuống, và ngấm được hết những lời vi-diệu của vị cao-tăng, rồi chắp tay cúi đầu nói:

- Nam Mô A-D-Đà-Phật! Bạch thầy con xin ghi nhớ những lời thầy dậy.

Nhà sư cười cất giọng hiền-từ nhìn tôi nói:

- Thí-chủ dùng nước đi kẻo nguội. Trà này phải uống khi còn nóng mới cảm được hết cái vị thơm ngon của nó. Ấy lại nói đến cái "duyên" thì tiện đây thầy muốn kể cho thí-chủ nghe một câu chuyện về đời nhà Lý của mình. Chắc thí-chủ thường hay đọc sử nước nhà.

- Bạch thầy con rất thích nghiên-cứu về lịch-sử. Những lúc nhàn rỗi, con hay tìm-tòi truy-cứu lịch-sử dân-tộc và lịch-sử của những nước có liên-quan, và ảnh-hưởng đến nước mình.

- Như vậy chắc thí-chủ còn nhớ về đời nhà Lý, khi Thái-Tổ Lý-Công-Uẩn mới lên ngôi, ngài xa-giá về thăm làng Cổ-Pháp, và được thiền-sư Vạn-Hạnh đọc cho nghe một bài sấm truyền: "Nhất bát công đức thủy - Tùy duyên hóa thế-gian - Quang quang trùng chiếu chúc - Một ảnh nhật đăng san". Nếu đem chiết tự từng câu sấm ra thì có nghĩa là: " Nhà Lý khởi nghiệp từ Lý Công-Uẩn làm vua được tám đời, đến đời Lý Huệ-Tông thì hết, phải nhường lại cho dòng họ khác." Bởi thế cho nên khi Thái-Sư Trần Thủ-Độ dùng mưu cho cháu mình là Trần-Cảnh lấy Hoàng-Đế nhà Lý là Lý Chiêu-Hoàng, rồi Lý Chiêu-Hoàng nhường ngôi cho chồng xuống làm Chiêu-Thánh Hoàng-Hậu, để vương triều từ đó được sang tên, thì các tôn thất dòng họ Lý, ai nổi lên chống đối cũng đều bị Trần Thủ-Độ giết hết cả.

Lúc đó có một vị danh-tướng của Lý triều là Thủy-Sư Đô Đốc Hoàng-Tử Lý Long-Tường, con thứ của vua Lý Anh-Tông, tức là Hoàng-Thúc của vua Lý Huệ-Tông, đang nắm hết các lực-lượng thủy-quân trong tay. Là một người tài-trí và dũng-lược, Hoàng-Tử muốn đem quân về chống lại Trần Thủ-Độ không phải là chuyện khó. Nhưng Hoàng-Tử là người hiếu-thuận, từ trong nội tâm của mình, Ngài nhìn rõ thấy cái duyên-nghiệp của dòng họ Lý tại vùng đất này đã hết, dù có cố cưỡng lại, cũng chỉ là tạo thêm phần sát-nghiệp cho mình, và gây ra không biết bao nhiêu oan-nghiệt tang tóc cho các sinh-linh khác, nên ngài đã quỳ xuống, ngửa mặt lên trời bái lạy "Thất Tổ Cửu Huyền" của dòng họ, rồi âm-thầm đem hết lực-lượng quân sỹ dưới trướng, vượt biển sang Cao-Ly lánh nạn, và cũng để tránh cho dân lành khỏi sa vào cảnh máu đổ thịt rơi trong cuộc tranh dành ngôi báu giữa hai họ Lý, Trần. Đó là lúc cái "nhân" của dòng họ Lý được Thiền-Sư Vạn-Hạnh gieo trên vùng địa-linh Thăng-Long hơn 200 năm về trước, đã được Lý Long-Tường nhổ lên, mang sang trồng trên vùng đất Cao-Ly xa xôi vạn dậm.

Khi sang tới đất người, Hoàng-Tử được Cao Triều kính nể, và trọng-dụng. Để sau đó một thời-gian ngắn, khi cái duyên đã tụ trên vùng đất lạ, thì cũng là lúc dân Cao-Ly được hưởng cái phúc của vị Hoàng-Tử lưu-vong. Ngày đó, khi đại quân Mông-Cổ hùng-hổ kéo sang định làm cỏ nước Cao-Ly. Cả nước hỗn loạn, triều-đình phải bỏ hoàng-cung đi lánh nạn, thì Hoàng-Tử đã đứng lên lãnh-đạo quân dân, trổ thần-uy đánh tan được đạo quân xâm-lăng bách chiến bách thắng của Hốt Tất-Liệt, và cứu dân-tộc Cao-Ly cùng hoàng-tộc thoát khỏi sự tàn-sát thô-bạo của giặc Ngoại-Mông, để dân chúng đời-đời nhớ ơn "Bạch-Mã Tướng Quân" họ Lý. Sau này khi cái duyên ấy đã nẩy mầm, đơm hoa kết trái, thì dòng họ Lý, khởi đi từ Lý Long-Tường đã phát thêm được 4 đời vua, và một đời Tổng-Thống trên đất nước Đại-Hàn ngày nay.

Tôi ngồi im lặng, say sưa theo-dõi câu truyện của vị sư già. Tôi đọc sử cũng nhiều mà chưa bao giờ được nghe một câu chuyện về lịch-sử vừa bi-hùng, vừa có sức lôi-cuốn như lần này. Nhà sư ngưng lại một chút rồi với tay châm thêm nước vào bình trà, Ngài nhìn tôi nói:

- Thí-chủ dùng thêm nước đi, thầy châm nước lần này là lần thứ 3 rồi đấy, thí-chủ uống thử xem có thấy khác gì nước đầu không.

Tôi nâng ly trà lên nhắp thử, qủa thật là hảo trà, hương vị vẫn đậm-đà, chẳng khác gì nước thứ nhất. Tôi nhìn nhà sư nói:

- Bạch thầy qủa là loại trà ngon. Chỉ tiếc là nó không được bán trên thị-trường, nên chả biết đâu mà mua.

Nhà sư nhìn tôi mỉm cười:

- Cái gì qúy thì bao giờ cũng khó thấy, chẳng khác nào cái "tâm thiện" của con người.

Tôi giật mình khi nghe nhà sư nói câu đó. Trong một thoáng, tôi thấy như có một tia chớp lóe lên trong đầu tôi. Qua cái trực-giác mơ-hồ, hình như tôi đã lờ mờ hiểu tại sao nhà sư cho tôi uống loại trà không tên này. Cuộc sống của con người vốn dĩ cứ bị quay cuồng, chìm đắm trong vòng hư-ảo, bám víu vào cái chấp ngã, suốt đời loay-hoay đi tìm bắt những thứ mình không có, mà không biết rằng mình đang có cả một kho-tàng quý báu nằm trong nội tâm của mình. Vị sư già như soi thấu ý-nghĩ trong đầu tôi. Ngài nhìn tôi mỉm cười hiền-từ nói:

- Xưa kia về đời nhà Trần, Thái-Tông Trần Cảnh bị Thái-Sư Trần Thủ-Độ ép phải lấy chị dâu của mình là Thuận-Thiên Công-Chúa, đang là vợ của Vương-Huynh Trần-Liễu. Thấy làm như vậy là nghịch với luân-thường đạo-lý, nhà vua chán-nản bỏ ngai vàng lên núi Yên-Tử, muốn nương nhờ nơi chốn thiền-môn để tìm con đường thoát tục. Trần Thủ-Độ đem quân hộ-giá lên núi thỉnh nhà vua về triều. Vị Thái-Sư họ Trần nại lý do là một nước không thể một ngày không có vua. Vua không chịu về, Thái-Sư liền hô quân-sỹ: "Vua ở đâu tức triều-đình ở đó." Rồi truyền quân lính sửa-soạn xây cung-điện ngay bên cạnh chùa. Vị sư trụ-trì "Phù-Vân tự" thấy vậy mới khuyên nhà vua một câu: " Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng ta. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ-hạ giác-ngộ tâm đó, thì lập tức thành Phật, không phải nhọc lòng tìm kiếm ở bên ngoài." (2) Nhà vua nghe vậy tỉnh-ngộ, và trở về triều. Sau này ngài thường thân cầm quân đi dẹp Chiêm-Thành và lãnh-đạo cuộc chiến cùng quân dân đánh bại cuộc xâm-lăng lần đầu của quân Mông-Cổ. Khi việc nước đã tạm yên, Ngài truyền ngôi lại cho con, lên làm Thái Thượng-Hoàng, rồi tìm về Yên-Tử sơn tu-tập. Cứ theo như trong tập "Thánh-Đăng Ngữ Lục" về đời nhà Trần có chép truyện năm vị Hoàng-Đế Thiền-Sư coi ngai vàng và quyền-uy tột-đỉnh của con người như của phù vân. Đó là các Vua Trần Thái-Tông, Trần Thánh-Tông, Trần Nhân-Tông, Trần Anh-Tông và Trần Minh-Tông. Mà một vị là Trần Nhân-Tông đã lập ra dòng Thiền Trúc-Lâm, sau này Ngài đắc đạo và trở thành vị Tổ thứ nhất của dòng Thiền Trúc-Lâm Yên-Tử vậy.

Tôi lắng nghe nhà sư kể truyện mà thấy hồn mình như bay bổng rồi nhập-thể vào với âm-thanh trầm-mặc của vị sư già. Truyện nào cũng có sức lôi-cuốn người nghe, và đầy ý-nghĩa. Tôi chắp tay cúi đầu nói:

- Bạch thầy… bấy lâu nay con đọc sử cũng đã nhiều, nhưng hôm nay mới có duyên được nghe những truyện thầy kể.

Nhà sư gật gù mỉm cười. Ngài với tay lấy hộp trà đổ vào một cái bao giấy, gói lại cẩn-thận rồi nói:

- Để thầy san ra một ít trà này biếu thí-chủ đem về dùng. Sau này mỗi khi uống trà thì nhớ lại những chuyện thầy kể ngày hôm nay.

Tôi cảm-động lúng-túng nói:

- Bạch thầy… thật tình con không dám nhận. Thứ trà này phải để trong chùa mới quý, đem ra ngoài đời con sợ nó loãng đi mất.

- Mô Phật, thí chủ chẳng nên câu-nệ. Thầy cất trong chùa mà không gặp người thích uống trà như thí-chủ, thì cũng chẳng khác gì đem nó để trong cái lọ kín, chả khi nào lấy ra uống cả. Vừa rồi thí-chủ lại nhắc đến cái duyên. Để thầy đọc một câu kệ trong một bài phú của vị Thiền Sư Trúc-Lâm đệ nhất Tổ cho thí chủ nghe nhé: "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên – Cơ tắc xan hề khốn tắc xan – Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch - Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền." (3)

Rồi không để cho tôi có dịp từ chối, nhà sư bọc lại gói trà cẩn-thận đẩy qua trước mặt tôi, rồi ngài chuyển câu chuyện qua một đề tài khác:

- Thí-chủ sắp đi xa, lại nhân ngày Phật-Đản sắp tới, thầy có câu chuyện làm qùa tặng thí-chủ. Đó là ý-nghĩa và lịch-sử của ngày Phật-Đản. Thí-chủ chắc đã đọc qua những kinh sách của nhà Phật, nhưng thầy cũng xin nói lại để thí-chủ có thêm dữ-kiện để đối chiếu.

- Bạch thầy thật là qúy-hóa, con rất thích nghe những chuyện về Phật pháp. Cứ như sự hiểu biết nông cạn của con thì ngày Phật-Đản phải gọi là mùa Phật-Đản thì mới đúng, có phải vậy không ạ.

Vị sư già nâng chén trà đang bốc khói lên môi, mắt lim-dim cất giọng trầm-trầm nói:

- Mô Phật, thí chủ nói đúng đấy. Cứ theo như truyền-thống Bắc-Tông thì các đại-sự được chia ra làm 4 phần khác nhau. Như ngày đản-sanh của đức Phật nhằm ngày rằm tháng Tư, ngày xuất-gia lên đường tầm đạo là ngày mồng 8 tháng Hai. Ngày thành đạo là ngày mồng 8 tháng chạp (tháng 12 âm-lịch), và ngày Đức Phật nhập niết-bàn là ngày rằm tháng Hai. Nhưng theo Phật-Giáo nguyên-thủy thì ngày Phật-Đản lại là tam-hợp của các duyên-sự trọng-đại là ngày đản-sinh, ngày thành đạo, và ngày nhập niết-bàn. Ngày này đã được các phật-tử cử-hành vào ngày trăng tròn của tháng Tư âm-lịch. Tuy-nhiên dù là Nam-Tông hay Bắc-Phái thì hàng năm cứ vào độ tháng Tư âm-lịch, còn được gọi là mùa Phật Đản, phật-tử khắp nơi trên thế-giới đều tổ-chức nhiều ngày lễ trọng-đại để chiêm-bái đấng đại-từ, đại-bi, và đại-giác của chúng-sinh nhân-loại…

Ngừng lại một chút, nhà sư với tay lấy ấm nước sôi châm vào bình trà trên bàn rồi nói tiếp:

- Hơn hai ngàn năm trăm năm trước đây, vào một ngày mà cái vẻ cao-cả và hùng-vĩ của ngọn Hy-Mã-Lạp-Sơn bỗng nhiên thấy nhỏ bé lại, và tất cả ánh sáng của trời đất, trăng sao bỗng nhiên bị lu-mờ trước ánh hào-quang chói-lọi từ thinh-không dọi xuống. Đó là ngày vào đời của đấng từ-phụ của nhân-loại. Ngài từ ngoài cõi sinh tử bước vào cuộc đời nơi trần-thế trong cái nhục-thể của phàm-nhân. Cùng chịu-đựng, và chia-sẻ những sự khổ đau của đời người, để tìm phương cứu-độ chúng-sinh thoát khỏi vòng trầm-luân khổ-ải.

Sinh-trưởng trong cảnh giầu sang phú-quý và quyền-uy tột đỉnh của loài người, nhưng Ngài đã nhận thấy rằng những gì mà con người cho là hạnh-phúc, thì đó chỉ là những ảo-ảnh nơi cõi ta-bà này; bởi vì, dù là bậc vương-gỉa hay thứ-dân, dù là người sang-trọng giầu có hay nghèo khổ, ai ai cũng phải tuần-tự đi theo một con đường duy-nhất nơi trần-thế. Đó là sinh ra đời để chịu-đựng những khổ đau về thể-xác, cũng như về tinh-thần do ái-dục tạo ra, rồi trở nên già yếu, và cuối cùng phải kết-thúc cuộc sống theo với sự tàn-lụn của nhục-thể. Chính vì nhận-thức được rằng đời người chỉ là một bể khổ mênh-mông , nhục-dục ngũ-trần không phải là những thứ mang lại hạnh-phúc tuyệt-đối, nên với một tấm lòng từ-bi vô-độ, Ngài đã dứt bỏ tất cả những gì mà người đời hằng mơ-ước, để đi tìm một con đường giải-thoát cho chúng-sinh nhân-loại ra khỏi kiếp luân-hồi.

Qua những tháng năm dài tu tập, từ những sự khắc-khổ về thể-xác, tới con đường trung-đạo. Tới một ngày Ngài bỗng nhận ra được cái chân-lý tối-thượng của sự giải-thoát, tận diệt mọi thứ ô-nhiễm tiềm-ẩn trong tâm từ vô-lượng kiếp. Tự thanh-lọc, và trực-ngộ được thực-tướng của vạn pháp. Đó là lúc Ngài đã giác-ngộ thành đạo-qủa, và trở thành Phật, tức là Đấng Giác-Ngộ.

Sau khi giác-ngộ, Ngài bắt đầu chuyển pháp-luân dậy chúng-sinh tìm hiểu khổ đau là gì, làm sao mà đau khổ phát sinh, đâu là kết thúc khổ đau, và làm thế nào để khổ đau chấm dứt. Đó là bốn chân lý trong giáo-thuyết của nhà Phật gọi là "Tứ-Diệu-Đế" tức là: "Khổ, Tập, Diệt, Đạo".

Để giúp cho chúng-sinh đi trên con đường giải-thoát, Ngài vạch ra tám nguyên-tắc gọi là "Bát Chánh-Đạo" gồm: "Chánh-Kiến, Chánh-tư-duy, Chánh-Ngữ, Chánh-Nghiệp, Chánh-Mạng, Chánh-Tinh-Tấn, Chánh-Niệm, và Chánh-Định."

Nhà sư ngưng lại một giây lát, với tay cầm ly nước nhắp giọng, rồi từ-tốn đặt ly nước xuống bàn, nói tiếp:

- Đức Phật là một chúng-sinh trong cảnh người. Ngài sinh ra từ cái nhục-thể của phàm-nhân. Sống và chấm dứt cuộc đời như một người nơi cõi tục. Nhưng cũng từ cái nhục-thể phàm-trần này, Ngài đã giác-ngộ từ nội-tại của trí-tuệ vô-biên của một người phàm, chứ không dựa vào một quyền-năng nào từ ngọai-giới; vì thế, Ngài đã cho chúng-sinh biết rằng: "Ngài là Phật đã thành, còn chúng-sinh là Phật sẽ thành", và với một tấm lòng từ-bi vô-biên, Ngài đã dìu-dắt chúng-sinh trên con đường Bát-Chánh để đạt thành đạo-qủa.

Nói đến đây nhà sư ngừng lại, rồi ngài hướng tia nhìn vào khoảng không-gian vô-tận, trầm giọng nói:

- Con đường này… dài hay ngắn, một kiếp phù-sinh hay vạn kiếp u-minh, thì chỉ còn là tùy-thuộc vào cái nghiệp-độ của mỗi người.

Nhà sư đã dứt lời mà âm-hưởng còn vang-vọng trong đầu tôi như một hồi chuông cảnh-tỉnh… Trong một thoáng, tôi thấy như mình đang bồng-bềnh trôi theo với thanh-âm trầm-mặc của bậc tu hành. Tôi ngước nhìn vị sư già bằng tia nhìn đầy tôn kính, rồi chắp tay nói:

- Nam-Mô A-Di-Đà-Phật! Bạch thầy, hôm nay tình-cờ mà con có một cơ duyên vô cùng quý báu, là được nghe những lời thầy giảng về ý-nghĩa của ngày Phật-Đản, cùng những câu truyện về Phật pháp của lịch-sử nước nhà.

Nhà sư mỉm cười khoan-thai đứng dậy. Tôi đứng lên theo và chắp tay đảnh lễ, qùy lạy dưới chân vị sư già. Nhà sư cúi xuống nâng tôi dậy, Ngài chắp hai tay trước ngực cúi đầu nói:

- Nam Mô A-Di-Đà-Phật! Thầy chúc thí chủ lên đường được bình-an. Sau này nếu có dịp về ngang đây, xin ghé cảnh chùa cho thầy lại được tiếp chuyện cùng thí-chủ.

Tôi ôm gói trà trong vòng tay, cúi lạy nhà sư một lần nữa rồi lui ra. Khi đi ngang qua gian chánh-điện, nhìn vào tôi thấy có nhiều phật-tử đang quỳ trên chiếu tụng kinh. Lời kinh u-trầm quyện theo tiếng mõ nhặt khoan, như một âm-thanh mơ-hồ huyền-ảo đưa tiễn khách phàm-nhân rời chốn thiền-môn về nơi cõi tục…

Từ giã ngôi chùa và vị sư già trụ-trì, tôi lái xe ra ngoài. Quang-cảnh ồn-ào, nhộn-nhịp của thành-phố kéo tôi trở về với cuộc sống thực-tại. Tới ngã tư đèn đỏ, tôi ngưng xe và quay đầu nhìn lại… Ngôi chùa và hình-ảnh vị sư già khiêm-ái đã khuất sau dòng xe xuôi ngược trên nẻo đường đời… Tôi lắc đầu thở mạnh như còn tiếc nuối những giây phút vừa qua. Chỉ trong một khoảng thời-gian ngắn ngủi của buổi sáng hôm nay, nhà sư đã dìu tôi vượt qua từng quãng đường dài thăm-thẳm, quãng nào cũng bồng-bềnh lãng-đãng, lững-lờ như những đám mây trôi… Thoang-thoảng đâu đây, tôi như còn ngửi thấy mùi trầm hương nơi Phật điện, và văng-vẳng bên tai, mơ-hồ như còn nghe thấy tiếng ngân dài của hồi chuông trầm-mặc… Tôi lấy hướng về nhà mẹ. Dọc đường, tôi nghĩ đến tấm lưng còng của mẹ hiện ra nơi khung cửa, và nụ cười rạng-rỡ trên khuôn mặt già nua của người... Rồi thế nào mẹ tôi cũng mắng tôi: "Con thật là! Bằng này tuổi đầu rồi mà vẫn cứ còn như con nít. Sao về thăm mẹ mà không cho mẹ biết trước để mẹ sửa-soạn làm đồ ăn cho." Tôi sung-sướng mỉm cười, hít một luồng hơi dài vào buồng ngực, rồi nhấn ga phóng xe vượt qua khúc đèn vàng nơi ngã tư để rẽ vào con đường về nhà mẹ.

Trần Ngọc Nguyên Vũ


Chú-Thích:

(1) "Bóng trăng đáy nước" của Thiền-Sư Đạo-Hạnh

“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế-gian này cũng không.”

(2) Trần Thái-Tông toàn tập của Lê Mạnh-Thát

(3) "Cư trần lạc đạo phú" của vua Trần Nhân-Tông, đệ-nhất Tổ thiền-phái "Trúc-Lâm Yên-Tử":

“Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền.”