PDA

View Full Version : Học trò quỷ sứ



Longhai
11-21-2016, 09:35 AM
Học trò quỷ sứ


Nguyễn Đông Thức


Ngày Nhà giáo năm nay, post đoạn ngăn ngắn này trong Hồi ký cho thấy mình đã là học trò quỷ sứ từ năm 14-15 tuổi rồi nha!

… Trước cổng Sở Thú, bên phải từ đường Thống Nhứt nhìn vào, một cái kiosque đã mọc lên không biết từ lúc nào. Thoạt đầu kiosque chỉ bán một số văn phòng phẩm và học cụ, dần dần bắt đầu bán cà phê, nước ngọt, rồi thức ăn sáng, với vài bộ bàn ghế gỗ nhỏ kê trên lề đường. Chủ kiosque đã đặt cho quán cái tên cực hay: Hẹn.

Đám học sinh Võ Trường Toản từ sáng sớm đã độc chiếm quán Hẹn, đứng ngồi la liệt để “duyệt binh”, “rửa mắt” đầu ngày, vì quán nằm ngay đầu con đường độc đạo mà các cô Trưng Vương phải đi qua để vào trường mình. Cô nào chạy xe hoặc đi bộ ngang đó khó mà giữ được tự nhiên, vì những “ánh mắt mang hình viên kẹo” cứ dán chặt vào mình. (Nhưng thử tưởng tượng “Trứng Vịt” mà không có “Vỏ Trứng Thúi” (6) thì sẽ buồn biết chừng nào !). Cuộc “chấm tuyển hoa hậu” kéo dài đến đúng 7g30, khi tiếng trống trường vang lên thì các chàng mới luyến tiếc đứng lên đi vào lớp.

Tuyển được người đẹp của lòng mình rồi sẽ là một cuộc trường chinh, làm cái đuôi chạy xe theo đến tận nhà, làm quen, gởi thư… Không mấy khi thành công vì các cô gái Bắc thường kiêu, dễ gì cho bọn con trai làm quen ngoài đường ngoài xá. Hơn nữa, cùng lứa tuổi hoặc còn học Trung học, dễ gì được các cô để mắt tới! Mẫu người lý tưởng của các cô phải là các anh phi công mặc đồ bay chạy xe Honda Super 90, các anh sĩ quan Hải quân với quân phục trắng toát đi Lambretta SX200 cũng trắng, hoặc các sinh viên trường Y trường Dược… Còn thành công? Thường cũng chỉ là một cuộc tình học trò, mưa bóng mây, cho vui một thời hoa mộng.

Tôi cũng bon chen có mặt ở quán Hẹn từ khá sớm, với mấy thằng bạn thân trong lớp. Cũng từng làm cái đuôi chạy theo một vài em Trưng Vương và từng bị nói: “Em còn nhỏ lắm, đi theo chị làm gì?” như đã kể ở đầu chương này. Còn hoa hậu thật sự của lòng tôi trong những năm Trung học là ai, tôi luôn giấu kín và hôm nay mới thổ lộ cùng các bạn.

Năm Đệ Tứ (1965), giáo sư Hóa của tôi là một cô giáo trẻ măng, mới ra trường, khoảng 22-23 tuổi, tên X. (xin lỗi các bạn, đây không phải tên cô). Cô da trắng tóc dài, mắt to môi đỏ, người dong dỏng cao, hay mặc áo dài tơ tằm trắng trông rất đài các. Trong mắt tôi, một thằng 14 tuổi đã mê gái từ năm lớp Nhứt (lớp 5 bây giờ), cô là cô giáo đẹp nhất trường. Giờ nghĩ lại, cô còn là cô giáo đẹp nhứt trong cả cuộc đời đi học của tôi.

Lúc đó chưa có truyện Vòng Tay học Trò của Nguyễn Thị Hoàng (1966), chưa có phim Mourir d'aimer (7) của Andre Cayatte (1971), hai sáng tác trứ danh một Việt một Pháp về tình yêu giữa cô giáo và học trò. Cũng không thể nào biết tình cảm tôi - một thằng con trai đang lớn - dành cho cô X. là thứ tình cảm gì, chỉ biết là tôi rất thích nhìn cô không rời mắt, nghe cô giảng như muốn nuốt từng lời. Tới giờ của cô là tôi vào lớp sớm, lau dọn bàn ghế của cô thật sạch, trước cả thằng “trực nhật” hôm ấy. Tôi học bài làm bài Hóa rất kỹ, luôn sẵn sàng xung phong giơ tay khi cô hỏi. Lẽ dĩ nhiên cô chẳng hề biết và chẳng hề quan tâm gì tới tôi, mãi mãi là như vậy.

Khoảng gần cuối năm học, trong một buổi dạy phản ứng hóa học ở phòng thí nghiệm, một bạn đã làm nổ ống nghiệm văng hóa chất (hình như là acid sulfuric H2SO4) lên mặt cô X., khiến cô phải đi cấp cứu. Mấy hôm sau cô mới đi dạy lại, phải che mặt bằng cái khăn mỏng, thế mà tôi vẫn có thể thấy được những chấm đỏ của mấy vết thương chưa lành bên trong. Tôi nhìn mà thấy thương cô nhói lòng.

Chỉ vậy thôi! Chín tháng.

Ra trường, tôi không bao giờ được gặp cô nữa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn bâng quơ nhớ về cô, nhất là mỗi khi chạy xe qua trường cũ. Khoảng năm 2002, tôi làm Hội trưởng Hội cựu học sinh Võ Trường Toản, cùng vài người bạn đi đưa thư mời các thầy cô xưa về dự buổi tất niên lần đầu tiên với chúng tôi tại trường. Có người bạn biết về cô X. kể lại, sau năm 1975, cô nghỉ dạy, sống khép kín, không giao tiếp với ai, có mời chắc cô cũng không đi. Nhưng tôi vẫn cương quyết tìm đến nhà, bấm chuông và hồi hộp chờ đợi. Và rồi “thần tượng” ngày nào của tôi xuất hiện. Cô đã trên 60 tuổi, không còn một nét nào của ngày xưa! Chỉ trò chuyện với cô được vài câu và cô nói ngay là không đi, nhưng tôi vẫn cố nhìn vào hai má cô để tìm mấy vết sẹo ngày nào và hoàn toàn không thấy. Lẽ dĩ nhiên cô cũng chẳng nhớ tôi là thằng khỉ nào!

Tôi ngậm ngùi ra về, thấm thía câu “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”! (Người đẹp từ xưa như tướng giỏi. Chẳng cho ai thấy lúc bạc đầu)…


Nguyễn Đông Thức