PDA

View Full Version : Chiến Sĩ Vô Danh



Longhai
11-18-2016, 12:50 AM
Chiến Sĩ Vô Danh


Kb Vũ Đình Lưu

(Viết sau khi nhận những lời phản hồi của độc giả về bài “Quốc lộ 20, hành lang của Tử thần”.)

Cuộc chiến đấu tự vệ của Dân quân miền Nam chống lại sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt tại miền Nam VN được xem như chấm hết từ năm 1975. Tính đến nay đã 36 năm rồi. Lịch sử đã sang trang, những trang sử đẫm máu và nhơ bẩn nhất cho cả lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nhưng, một thời chinh chiến điêu linh của tuổi trẻ chúng tôi chưa hẳn đã đi vào quá khứ.

Bài bút ký “Quốc lộ 20, hành lang của Tử thần”, tôi viết lên có mục đích là để góp phần nhỏ vào việc lưu lại cho thế hệ hậu duệ biết và hiểu được cuộc sống hào hùng, sự hy sinh to lớn của của cha ông vì 4 chữ Bảo Quốc An Dân. Một lớp người đã chiến đấu và hy sinh trong một thời gian nhất định. Vì thế tôi ghi lại những đau thương nghiệt ngã của người lính chiến trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, không gian nhỏ hẹp. Và cũng vì tôi là người lính chiến trẻ trong cuộc, đã chứng kiến những đau thương ,tàn khốc của chiến trường.

“Tuổi trẻ ơi sao quá nhiều nước mắt.
Chiến tranh ơi bóng tương lai mịt mù”
( Góa phụ ngây thơ. Thơ Hà Huyền Chi)

Một vùng tuy nhỏ hẹp chừng 30 cây số dọc theo Quốc lộ 20. Mười hai ngày đêm khá ngắn (huống chi trên khắp nẽo đường quê hương miền Nam, trong suốt chiều dài cuộc chiến). Chúng tôi những người lính trẻ đã khóc, khóc cho Mẹ Việt Nam điêu linh, khóc cho Đồng bào bất hạnh, và khóc cho Đồng đội thương vong. Nhưng không khóc cho chính mình dù cuộc sống nằm trong hiểm nguy chực chờ; dù sinh mạng đặt trên đường bay của đạn thù.

Trận chiến năm nào đã để lại sau lưng; nhưng, những vết thương đau của chiến tranh vẫn còn tồn tại. Một thương binh VNCH tên Trang ở VN sau khi đọc bài “Quốc lộ 20...” trên báo “Người Việt online” đã “òa khóc” khi nhớ lại thủa nào (15-4-75). Một bàn chân đã để lại tại ấp Nguyễn Thái Học trên Quốc lộ 20 trong lúc giao tranh với lực lượng CSBV đông gấp hàng chục lần. Anh và gia đình gởi lời tri ân anh em Thiết giáp đã “giật anh từ trên tay tử thần” và đưa anh lên xe M113. Và cảm ơn tôi.

Hôm nay tôi xin phép các bậc tiền bối các Niên trưởng, Huynh trưởng và anh em chiến hữu trong và ngoài binh chủng Thiết giáp. Tôi mạn phép đôi lời với những người đã gởi lời phản hồi về bài viết của tôi.

Những gia đình Tử sĩ, anh em thương binh, cô nhi quả phụ và gia đình. Cũng như những chiến hữu may mắn được an lành sau trận chiến khốc liệt tại Dầu Giây, ấp Trần Hưng Đạo, ấp Phan Bội Châu, ấp Nguyễn Thái Học. Chính tôi, gia đình và kỵ binh các cấp trong Chi đoàn 2/5 Thiết kỵ (CĐ2/5TK) phải cảm ơn và tri ân tất cả các anh.

Những cuộc giao tranh đẩm máu đó, tôi là một trong những người chỉ huy trực tiếp. Tại ấp Nguyễn Thái Học lực lương chiến đấu thực sự chỉ còn CĐ2/TK và Đại đội 52 Trinh sát (có thêm một số đơn vị nhỏ Pháo binh, Bộ binh, Địa phương quân). Nhờ các anh em cùng với CĐ2/5TK chiến đấu dũng cảm đối đầu với lực lượng CS hung hãn gấp cả 20 lần. Vì thế nên sau trận chiến mới còn có người sống sót trong đó có tôi. Các anh cũng đã biết câu “ba đánh một không chột cũng què”; còn lấy 20 đánh một thì kết quả ra sao rồi.

Giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hiểm nguy đó là bổn phận của mọi người lính VNCH. Phải chăng, Thiết giáp có hỏa lực mạnh, xe bằng thép, phản ứng nhanh nhẹn nên có điều kiện che chở giúp đỡ anh em trong lúc bị thương nặng, không còn khả năng chiến đấu hơn là Bộ binh.

Tôi đại diện cho anh em kỵ binh trong đơn vị, xin chân thành xin lỗi quí anh em và gia đình đã không có thể làm gì hơn được nữa.”Lực bất tòng tâm” . Lui binh trong lúc giao tranh ác liệt là chiến thuật khó khăn nhất để bảo toàn đơn vị.

Sau khi bị thương các anh ở trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê nằm trong xe M113 chắc không biết diễn tiến tiếp theo. Kết quả như thế nào ? Các anh đọc bài “Quốc lộ 20…”đã thấy rõ. Quá đau thương, tàn khốc của chiến trường. Còn các anh đã nằm xuống tại ấp Nguyễn Thái Học, ấp Trần Hưng Đạo, ấp Phan Bội Châu (tên các ấp này nằm chung quanh khu vực Ngã Ba Dầu Giây). Tổ quốc ghi ơn như những anh hùng : Yên Bái , Bạch Đằng Giang, Việt Nam Quang Phục Hội.

“… Nhân dân đau thương.
Ghi nhớ ơn của bao người.
Chiến đấu dâng tấm thân cho nước nhà,cho giống nòi.
…Ngàn muôn năm Tổ Quốc ghi ơn.”
(Hồn Tử Sĩ - Lưu Hữu Phước)

Tôi cũng xin lỗi tất cả các anh và gia đình vì đã khơi lại những đau thương đã thuộc về dĩ vãng.

Trong trận chiến bi hùng này, còn có nhiều đơn vị chung quanh chúng tôi đã chiến đấu can trường với những chiến công hiển hách, nhưng sử sách nào ghi ! Các đơn vị đó là các Đại đội, các Tiểu đoàn 1,2,3 của Trung đoàn 52 Sư đoàn 18 Bộ binh. Các đơn vị Địa phương quân trấn thủ cầu La Ngà. Lực lượng bán Quân sự dũng cảm là anh em Nghĩa quân, Nhân dân tự vệ, một lòng bảo vệ cho đồng bào địa phương (La Ngà).

Anh Khách (một độc giả đã gởi phản hồi trên báo Tổ quốc online) đã chứng kiến. Tai nghe, mắt thấy (vì anh cách địch quân có 10 mét) “có vài anh hùng vô danh đã hạ 2 T54 của CSBV cách cầu La Ngà 200 mét”. Một Tiểu đội địch “banh xà rông” tại cổng nhà thờ La Ngà bởi đạn pháo binh.

Trong bài viết chúng tôi không nhắc đến những chiến tích của một đơn vị nào cả. Vì lúc bấy giờ rất nhiều nơi đang giao tranh, thế trận bao la. Hệ thống truyền tin liên lạc hàng ngang, hàng dọc rối ren, tin tức không được nhận đầy đủ. Như các pháo thủ đã dùng pháo đội 105 ly để bắn trực xạ vào địch quân. Công binh,Trung đội hỏa tiển Tow cũng kết hợp với lực lượng phòng thủ xã thân đối đầu chống trả. Tất cả các anh, người đã giữ vững tay súng trong thời gian này đều là những Chiến Sĩ không tên tuổi và không còn kịp nhắc đến !

“ Gươm anh linh đã bao lần vấy máu.
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.
Rừng trầm phai sắc.
Thấp thoáng tàn canh.
Hỡi người Chiến sĩ Vô danh”
( Chiến sĩ Vô danh - Phạm Duy)

Tất cả các anh, những người cầm súng bảo vệ quê hương, có tinh thần nào cao cả hơn; ý chí, có sắt thép nào bằng. Gia đình các anh chấp nhận hy sinh, chịu biết bao thiệt thòi, trao đổi hạnh phúc để con em, những người chồng ra đi vì bổn phận làm trai thời chiến. Dù biết rằng khoác áo chinh nhân biết bao giờ trở lại !? “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

Vận mệnh một nước VN nhược tiểu, kết cục ra sao chắc hẳn dân tộc Việt Nam đều đã biết. Chúng tôi đã bị buộc phải thua cuộc, bắt nguồn từ sân khấu chính trị của các cường quốc. Rồi kể từ thời điểm 30 tháng 4-75 người lính đi vào đáy trầm luân, trở thành vật thụ nạn “thời bình”. Dân, Quân, Cán Chính bắt đầu đi những bước cuối cùng trên trái đất. Dù ở bất cứ nơi đâu người lính khó có thể bắt đầu, chỉ có thể trôi theo dòng đời nghiệt ngã !

Ba mươi sáu năm qua kể từ 1975, bây giờ nhiều người lính đã vĩnh viễn ra đi. Những người còn lại với mái tóc đã bạc, mang nhiều bệnh vì ảnh hưởng của chiến tranh và tù đày. Hai, ba mươi năm sau chắc rằng người lính trẻ ngày nào không còn tồn tại.

Để xây dựng một xã hội Việt Nam được gọi là Nhân Bản, phải chăng chúng ta kỳ vọng vào những thế hệ hậu duệ. Cầu mong trong sao giới trẻ có những người vì lòng ái quốc, tinh thần cách mạng cao cả để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, dân tộc Việt Nam phú cường.


Vũ Đỉnh Lưu
CA tháng 2 - 2011