PDA

View Full Version : Cái thuở học trò lưu luyến ấy... !



Longhai
11-05-2016, 04:48 AM
Cái thuở học trò lưu luyến ấy...!


Lê Hùng Dương


...Thằng Bôm học hành không có gì xuất sắc. Cuối tháng xếp hạng trong lớp, nó thường thường bao giàn từ hai mươi đến hai mươi lăm gì đó. Nó có vài tài vặt ngoài cái khả năng thiên phú của nó là đá bóng. Nó thường bắt chước giọng nói tiếng Anh của thầy Ưng Đồ bằng cách nói bằng cổ họng để cho có giọng ồm ồm như một người ngoại quốc: “Do you take an umbrella when the sun shines?” Cả lớp cười rùm lên. Nó thường nói vào giờ giải lao sau giờ dạy của thầy Ưng Đồ nên thầy không hề biết. Thầy Ưng Đồ khoảng ngoài năm mươi, dạy tiếng Anh cho chúng tôi ở năm Đệ Thất. Thầy rất nghiêm không bao giờ nói đùa trong lớp. Giờ dạy của thầy là thời gian căng thẳng đối với chúng tôi. Cả lớp im phăng phắc, chăm chú nghe thầy đọc từng chữ rồi từng đứa đứng dậy đọc lại từng câu. Cứ mỗi câu đọc xong, đứa nào đứa nấy cảm thấy như thoát nạn, mồ hôi tuôn ra ướt cả lưng áo. Bài làm ở nhà cho môn Anh văn không kém phần gian nan. Năm đó chúng tôi học cuốn sách tiếng Anh L’Anglais vivant, 6è bleu, của nhà xuất bản Hachette, sách thuê của nhà trường. Bài giảng trong sách bằng tiếng Pháp và bài học bằng tiếng Anh. Về nhà chúng tôi phải chép phần bài học vô vở và phải vẽ lại những bức tranh in trong phần bài học. Vô phước cho đứa nào vô lớp bị thầy kêu lên mà không chép đầy đủ bài học bảo đảm sẽ lãnh điểm không và nửa cái “cấm túc” (consigne), trên sổ điểm sẽ ghi số không và một cái khung hình vuông bao bọc số không đó, nếu không có chép gì hết thì tin chắc rằng sẽ lãnh điểm không và nguyên cái “cồng xin” và con số không được bao bọc bằng hai cái khung chung quanh. Có thầy ghi số không rồi khoanh thêm một vòng tròn bên ngoài gọi là “zéro encerclé”. Đứa nào bị “cồng xin” phải đi học vào ngày Chủ nhật... Nửa “cồng xin” phải ngồi học từ 8 giờ đến 10 giờ. Nếu nguyên một cái “cồng xin” phải ngồi đến 12 giờ. Lớp học của những đứa bị “cồng xin” luôn luôn có giám thị canh giữ, không chạy đi đâu được, còn đám học trò bị phạt phải làm bài tập hoặc chép bài còn thiếu ở lớp.

Những đứa không phải làm gì cả thì lén lút đánh cờ “ca rô” (có đứa gọi là “croix zéro”) trên một tờ giấy, chuyền qua lại sau mỗi lượt đi. Đứa nào trong tháng đã bị “cồng xin”, dù chỉ nửa cái, coi như mất điểm đạo đức, không được thầy cô chọn lựa cho lãnh Tableau d’honneur (bảng danh dự).

Thầy Ưng Đồ nghe nói cũng thuộc dòng hoàng phái, cùng ngang cấp với thầy Ưng Thiều, như là anh em chú bác, nhưng không hề thấy hai thầy nói chuyện với nhau bao giờ.

Hồi đó, bài học thường được thầy cô đọc cho ghi vào vở để về nhà học thuộc lòng. Bài tập của các môn Toán, Lý Hóa thầy cho làm trong sách Giáo khoa. Vào những năm phải thi như Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài 1, Tú Tài 2, muốn rèn luyện thêm Toán, chúng tôi phải kiếm thêm các sách của Lebossé, hoặc của tác giả Nguyễn Văn Phú để làm càng nhiều bài tập càng tốt.

Ở các năm đầu của bậc Trung học, chúng tôi đứa nào cũng mê môn bóng đá. Trong giờ tập thể dục thầy thường cho lớp chia ra hai phe thi đấu và thầy làm trọng tài. Thuở đó có thầy Bích và thầy Khê thường làm trọng tài cho học trò thi đấu trong giờ thể dục. Sân bóng hồi đó là sân Lam Sơn nằm trên đường Trần Bình Trọng bây giờ. Trong lớp chúng tôi được chia làm hai đội A và B. Đội A gồm những đứa lớn con ngồi ở những dãy bàn cuối lớp, còn đội B ngược lại gồm những đứa khá nhỏ con, ốm nhưng không đến nỗi yếu lắm, ngồi ở những dãy bàn đầu. Tôi thì vóc dáng không lớn, không nhỏ, được chúng nó kêu vào đội A và thường được ngồi ghế dự bị. Ngồi ghế dự bị ở đây thực ra là ngồi bẹp dưới đất, trên đường chạy dọc theo chiều dài của sân, chờ khi nào có đứa bị thương hay mệt thì vào thay thế. Thầy Khê còn là một cựu cầu thủ của đội bóng Ngôi sao Gia Định nổi tiếng ở Saigon thời bấy giờ, cho nên thầy thường hướng dẫn chúng tôi một số kỹ thuật nhồi bóng, tuy nhiên chỉ có một vài đứa tập được còn những đứa khác chỉ biết đứng nhìn và khi vào trận thì “búa” tự do, mà cái búa nặng ký nhất có lẽ là thằng Bôm. Ngoài ra, còn có thằng Chiến, ốm, dong dỏng cao, thường đứng hàng ba ở giữa với cú đá “cẳng vịt” làm cho mấy đứa giàn trên của đội bên kia phải ngán. Có thằng Bình, mập, to con, thường đứng “a-de” mặt, càn lướt bằng cách xoay mông về phía đối thủ, luôn tự hào có cú bấm banh xoáy đi đúng vào tầm của trung phong đội nhà là thằng Sơn, có biệt danh là Sơn Sừng. Nó được coi là đội trưởng của đội bóng và có cái tật là hay la lối anh em trong đội. Trong khi mọi người khác im lặng cố gắng thi đấu, anh chàng này vừa chạy vừa la như có hỏa hoạn: “lẹ lên, đưa liền đi, lừa hoài”, hoặc “kẹp sát thằng đó, ‘mạc-kê’ nó”, hoặc “trời ơi, bỏ góc hoài vậy!”. Có lần thằng Châu, cũng chạy giàn trên bực quá nói với nó: “Mầy la quá, Sơn! Để cho anh em đá thoải mái đi mày!” Nói cho ngay, nó đá banh rất giỏi vì lúc đó nó cũng là một cầu thủ của đội bóng trong xóm nó ở, và được đá giày thay vì đá chân không như cái đám học trò chúng tôi.

Năm Đệ Lục, ở Saigon thường có các đội bóng Hồng Kông qua đá giao hữu. Các trận đấu thường được tổ chức vào chiều Chủ Nhật hoặc tối Thứ Năm trong tuần. Chúng tôi đứa nào cũng muốn đi xem, nhưng bài làm ở nhà nhiều quá, khó sắp xếp để xem vào ngày Chủ Nhật. Vào ngày này chúng tôi phải ở nhà để làm một bài Thủ Công. Giáo sư dạy môn này là thầy Ý. Thầy tên là Ý chứ không phải người nước Ý. Môn Thủ Công của thầy là môn điêu khắc trên đất sét. Đầu tiên để tìm cho ra cái loại đất sét đặc biệt để làm những bài tập Thủ công này. Theo mấy đứa ở lớp đàn anh hướng dẫn chúng tôi phải vào các lò chén của người Hoa ở miệt Phú Lâm, hoặc lên tận Lái Thiêu, Bình Dương đến các lò gạch mới có. Chúng tôi đã đi xe đạp lọc cọc vào tận rạch Lò gốm tìm được một lò chén của người Hoa. Khu vực lò chén được bao bọc bởi một bức tường thành có chừa một khoảng trống làm lối ra vào. Nhìn vào bên trong chúng tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi đang quét sân, đầu ông đội một cái nón rộng vành có chóp nhọn ở giữa đầu. Phía xa một chút là một đống đất sét không phài màu vàng như ở các giếng nước mới đào mà là có màu trắng, một màu trắng đặc biệt y chang như lời thằng đàn anh đã mô tả. Như những người vừa tìm được mỏ vàng, chúng tôi xúc động và hồi hộp vô cùng. Một thằng trong bọn đánh bạo bước vô hỏi:

“Chú Ba bán cho tui một cục đất sét”.

Chú Ba dừng chổi, phun nước miếng xuống đất, theo phong cách của người Hoa, như vịt xiêm phẹt, ngó nó:

“Mầy mua đất sét để làm gì?”. Thằng nhỏ trả lời:

“Dạ để học”. Chú Ba cười:

“Hề, hề hổng có pán, đi dìa đi”.

Thằng nhỏ nói liều mạng:

“Chú cho xin một miếng đi!”.

Chú Ba xoay chổi, vác lên vai:

“Đi dìa! Tao giỡn với mày hả?”

Thằng nhỏ phóng nhanh ra cửa báo cáo lại mặc dù lúc nãy đứng bên ngoài chúng tôi đã nghe hết trơn. Một thằng bàn:

“Mua, nó không bán. Xin, nó không cho, làm sao bây giờ ?”.

“Thì chờ thằng chả vô trong rồi nhào vô ăn cắp chứ còn cách nào nữ ?”.

“Phải rồi, có ai bị ở tù vì tội ăn trộm đất sét đâu ?”.

Lúc đó, phía trước lò chén vắng vẻ, ít người qua lại. Chúng tôi đẩy mấy chiếc xe đạp ra gần đường tráng nhựa, cho nằm xuống đất rồi quay trở lại núp trước cửa lò chén, theo dõi. Một lát sau chú Ba đùa rác xuống một cái hố gần đó rồi dựng chổi dựa vách tường, bước vội vào trong. Một thằng ra lệnh qua hơi thở:

“Rồi nhào vô. Làm lẹ nghe bây !”.

Đầu tiên chúng tôi ngỡ đất sét sẽ mềm nhão dễ lấy, ai ngờ nó khô cứng, cho nên chúng tôi phải ôm đại mấy cục đất khô lớn hơn quả bóng rồi chạy như ma đuổi về chỗ xe đạp. Chúng tôi vội vã bỏ vào bao có mang theo sẵn, lên xe, đạp vội về.

Khi ra đường nhựa chúng tôi không thấy có ai rượt theo nên an tâm và vụ trộm đã được thực hiện trót lọt. Như một thằng bạn đã nói, đất sét đem về bỏ vô xô nước qua sáng hôm sau đất sẽ mềm có thể làm bài tập được liền.

Bài làm của chúng tôi có hình dáng như một tấm gạch hình vuông lót nền nhà, mỗi bề hai tấc, trên bề mặt, chúng tôi phải khắc một phù điêu hình bông hoa trang trí theo kiểu người ta làm bông gạch bằng thạch cao để trang trí trần nhà hiện giờ. Chúng tôi phải dành cả ngày Chủ Nhật để làm bài tập điêu khắc đất sét này. Mỗi khi có đá bóng ở sân Tao Đàn chúng tôi phải sắp xếp làm trước từ thứ sáu, thứ bảy, để rồi đến thứ tư kịp khô nộp cho thầy. Muốn làm bài tập điêu khắc đất sét, chúng tôi phải có một món đồ nghề do thầy đem vô lớp bán cho mỗi đứa. Đó là một con dao bằng gỗ mít, ở đuôi có một khung bằng kẽm hình chữ nhật để móc đất sét sau khi dùng lưỡi dao cắt sâu lên bề mặt tấm gạch. Việc vận chuyển tấm gạch vô lớp cũng rất dễ vỡ mặc dù đã có lót một tấm gỗ ở phía dưới và bọc giấy báo trên mặt trước khi ràng dây thun vào poọc-ba-ga. Đứa nào rủi ro bị bể nếu còn ráp lại được dễ dàng thì thầy vẫn cho điểm như thường. Một hôm, cũng nhằm ngày nộp bài Thủ công, thằng Thủy ngồi ở dãy bàn thứ nhì được thầy kêu lên nộp bài lấy điểm. Nó cúi xuống hộc bàn huơ tay đùa những thứ lỉnh kỉnh trong đó ra. Chúng tôi thấy nó gom một đống đất đá để trên một tấm gỗ mang lên bàn thầy, Thầy ngạc nhiên hỏi :

“Ủa, mầy đem cái đống gạch đó lên đây làm gì ?”, Thủy đáp :

“Thưa thầy, cái này là bài làm của con”.

“Ráp lại tao coi”.

Nó để tấm gỗ xuống bục giảng, đặt lên từng cục đất khô theo từng cạnh bị vỡ ra. Chúng tôi thấy không xong rồi. Miếng gạch bể ra chừng vài miếng còn ráp nối được, đằng này nó bể vụn ra thành từng cục nhỏ xíu, có đến trên một chục cục, còn khó hơn trò ráp hình trăm miếng bán ở các tiệm đồ chơi trẻ con. Thằng Thủy loay hoay một hơi không thấy có kết quả, mồ hôi tươm ướt đầy trán và ướt cả lưng áo sơ mi trắng tinh của nó. Đột nhiên nó đứng thẳng lên giơ hai tay lên trời :

“Thưa thầy con đầu hàng”. Thầy phán :

“Về chỗ, nửa ‘cồng xin’ nghe !”.

Thằng Thủy dạ một tiếng nhỏ nhẹ, hai tay quơ cái đống xà bần của nó về chỗ ngồi. Ra chơi nó nói :

“Hồi nãy đi học tao vừa đạp xe vừa ngủ gục, tao ủi xe vô lề đường, xe ngã, miếng đất sét bể tan, khi lượm lại lộn một cục gạch xây nhà thành ra ráp không được”.

Khi sắp xếp xong bài làm ở trường được đàng hoàng và dư ra buổi chiều Chủ Nhật, chúng tôi hẹn nhau ra sân Tao Đàn xem bóng đá quốc tế. Hầu hết chúng tôi đi xem đá bóng đều là xem “cọp” vì chúng tôi thường không có “ngân khoản” để giải trí. Tại sân Tao Đàn, mỗi khi có chương trình người ta luôn luôn tổ chức hai trận, một trận hạng nhì và sau đó là trận hạng nhất hay trận quốc tế. Sân Tao Đàn hồi xưa cũng rất “dễ thương”, thường có thông lệ là sau khi bắt đầu trận thứ hai rồi, dù trận hạng nhất hay trận quốc tế, họ mở toang cửa cho tất cả dân ghiền bóng đá mà không tiền được vào xem “chùa”. Tuy nhiên có khi chúng tôi muốn vô sớm để xí chỗ tốt, chúng tôi phải tìm mọi cách để vào sân mà không cần vé. Có nhiều cách. Mấy đứa nhỏ con, thường tìm người nào đi một mình, chạy tới xin “chú” hoặc “bác” dẫn vô (một vé cho kèm trẻ em dưới 15 tuổi), Có đứa canh chừng chỗ hàng rào bị hỏng, đợi nhân viên gác quay lưng, chui lẹ vào và chạy nhanh lên khán đài. Cách vào này thường bị rách áo vì máng vào kẽm gai. Có lần một đứa trong bọn vừa leo qua khỏi phía trên cửa sắt, chui qua một chùm dây kẽm gai, buông tay nhảy xuống, nhưng một cái móc kẽm gai quái ác câu dính vào lưng áo và giữ chặt ở đó.

Thằng nhỏ bị treo lủng lẳng, nhảy xuống không được mà leo trở ra cũng không xong, nó sợ quá la bài hải : “Chết cha, cứu tao tụi bây !” Ngay lúc đó một nhân viên canh gác chạy trờ tới, thấy nó đang bị kẹt toòng teng trên dây kẽm gai, anh bắc ghế leo lên đỡ nó xuống. Thằng nhỏ bị anh kia một tay chận cổ, một tay nắm tay nó dẫn tới cổng, đẩy mạnh ra ngoài kèm thêm một cái đá vô mông để cảnh cáo. Mãi đến một lát sau, khi trận quốc tế khởi tranh chừng mười lăm phút, nó mới lọt tọt bước vào nhập bọn với chúng tôi, cái áo sơ mi bị rách một đường dài sau lưng. Nó nói để chữa thẹn: “Tụi bây thấy không, kiên trì rồi sẽ thành công”...


Lê Hùng Dương
Cựu HS Pétrus Ký 56 - 63