PDA

View Full Version : Thi với cử .



loibangTQLC
07-14-2009, 05:46 PM
Thi với cử
Trần Đỗ Cung

Xã hội ta từ ngàn xưa, do ảnh hưởng Khổng Mạnh nên nặng về khoa cử. Khổng giáo được phát triển nhờ các
vua như Lý Thánh Tông dựng Văn Miếu năm 1070 và Lý Cao Tông mở kỳ thi Tam Giáo năm 1195, xây Văn Miếu tại Thăng Long để thờ Chu Công, Khổng Tử và 72 vị hiền triết. Đến thời Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám năm 1076 và mở Hàn Lâm Viện năm 1086. Việc thi cử để chọn nhân tài được khởi đầu tổ chức năm 1075.

Sang triều Hậu Lê Nho Giáo được coi trọng và quốc gia được tổ chức theo khuôn mẫu Trung Hoa rất trọng Nho Học. Đó là thứ Tống Nho mà quan quân nhà Minh đã hết sức truyền bá trong thời gian 15 năm cai trị, là phải tuyệt đối trung quân, không biết thích ứng với thời đại. Tướng nhà Minh là Trương Phụ ra lệnh tịch thu sách vở của người Việt chở về Tầu. Còn lại tài liệu nào thì cho đốt sạch, đó là một đại nạn cho nước ta. Suốt thời Lê qua Chúa Trịnh việc trọng Nho học được tiếp tục. Đến thời đại nhà Nguyễn các vua nhà Nguyễn lại cũng sùng thượng Nho học. Đặc biệt vua Minh Mạng đã tổ chức triều đình và trị nước theo khuôn phép của Tống Nho, qui định chính sách giáo dục văn hóa : Trẫm mong triệu thứ các ngươi tôn sùng chính học, giảng minh nhân luân, đạo Nghiêu Thuấn chỉ là đạo hiếu đễ mà thôi, giáo dục Khổng Mạnh chủ trương nhân nghĩa trước hết, đó là những điều phải giảng vậy. Tống Nho là lấy quá khứ làm mẫu mực, không biết dự phóng tương lai, đi đến Hủ Nho cản trở đà tiến bộ của dân tộc.

Việc học dần dần tiến đến chỗ từ chương mà tham vọng là thi đỗ làm quan, không tìm tòi sáng tạo để giúp dân giúp nước. Cho nên cái mộng lớn nhất là đậu đạt để hưởng kiệu anh đi trước võng nàng theo sau. Và trong những kỳ thi Hương thi Hội ở Thăng Long cũng như đế đô Huế các sỹ tử dập dìu lều chõng như chẩy hội. Các cụ Đồ Nho xứ Nghệ nghèo xác xơ cũng vẫn cùng nhau đem theo một con cá gỗ vào quán gọi bát cơm trắng và một bát nước mắm cùng ăn cơm trong khi chấm con cá gỗ mút mát vào chén nước mắm không mất tiền. Đó là giai thoại dân Nghệ Tĩnh nghèo mà ham học được đặt tên là dân-cá-gỗ. Một giai thoại độc đáo nữa là cái tên quần-cháo-lòng vì nước phèn xứ Nghệ đã làm cho quần áo họ từ trắng đã ngả sang mầu vàng xỉn. Nếu không được diễm phúc có tên trên bảng vàng để thành ông Cử ông Tú và đến tuyệt đỉnh danh vọng khi danh tính được khắc trên bia đá Văn Miếu Thăng Long hay Quốc Tử Giám chốn Thần Kinh thì cũng đã có hân hạnh lều chõng một thời, lầu lầu kinh sử để quy cố hương làm ông đồ hay cụ lang bốc thuốc cứu dân độ thế.

Năm tôi lên bẩy tuổi ở huyện Nghi Lộc ông thân sinh cũng đã đón một thầy đồ Nghệ về nhà dạy Tam Tự Kinh, ê a chi-hồ-giả-dã suốt ngày. Cụ đồ nho sứ Nghệ mặc quần chùng áo dài thâm, tóc búi củ hành, nói giọng trọ trẹ khó nghe, móng tay để dài quá cỡ nhưng hết sức nghiêm khắc luôn dọa dẫm chiếc roi mây. Cụ bắt môn sinh học cách mài mực Tầu và mài son đúng phương pháp. Lại điều khiển anh em chúng tôi rọc giấy bản rồi gấp đôi lại trước khi gấp như làm đèn xếp thành bốn hàng dọc để tập viết, ngang bằng xổ ngay đúng tim của mỗi hàng và đi ngược từ phải qua trái, trên xuống dưới. Viết không đúng chuẩn thì cụ xổ toẹt mực Tầu và bắt ngửa lòng bàn tay lên để cụ phạng yêu cho một roi nhẹ nhàng. Còn khi viết đúng thì cụ khuyên cho một vòng son đỏ rực.

Sau khi triều đình ta đã ký thỏa ước Patenôtre năm 1884 Pháp đã cho du nhập văn tự và văn hóa mẫu quốc. Các cuộc thi hương thi hội bắt đầu hết thời. Chữ Nho còn tồn tại trên các văn kiện chính thức để lần hồi bị thay thế bằng chữ quốc ngữ theo ký hiệu La Tinh. Thời buổi bắt đầu thịnh cho công việc thông ngôn thông phán giúp các quan đại Pháp thi hành sứ mệnh cai trị khai hóa. Hình như khóa thi Hương năm Giáp Ngọ 1894 là khóa gần cuối cùng trước các khóa Giáp Ngọ 1894, Canh Tý 1900 và Canh Tuất 1909. Theo bài viết của Cao Xuân Tứ, cháu nội cụ Cao Xuân Dục khi cụ làm Bố Chính ở Hà Nội năm 1886 rồi làm Tổng Đốc Nam Định-Ninh Bình từ 1896 đến 1898 cụ đã làm chủ khảo khóa Giáp Ngọ 1894 mà Tú Xương chỉ đỗ Tú Tài sau khi đi thi tám lần tại quê Nam Định mà đến năm ấy mới được đậu vớt gọi là Tú Thiềm.

Văn tài Tú Xương trong thể trào lộng đã để lại những bài ghi chép trên mẩu giấy gói hàng cũ. Trường Thi Nam Định năm 1894 đông như kiến cỏ... Ngày 8-12-1894 là lễ xướng danh những người đỗ. Tiếng loa ran lên, ồm ồm lanh lảnh. Tiếng í ới gọi nhau lạc đường của các thầy khóa, của tiểu đồng lão bộc quản gian nhổ lều đội chõng ra về. Lễ xướng danh từ sớm cho đến chiều. Quan Toàn Quyền De Lanessan bận không đến, có quan cai trị Thống Sứ Moren thay mặt. Xướng xong tên 60 cử nhân tân khoa thì quan Moren về. Các ông tân khoa phục lạy. Ở tỉnh đường quan Tổng Đốc, quan Kinh Lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải ban mũ, ban áo tấc xanh, ban ô, ban tráp sơn, nó là những huân hiệu cụ thể của những người men chân lên cái thang hoạn lộ... Ngày yết bảng ấy được kết thúc nhốn nháo la đà ở Tòa Sứ Nam Định bằng một tiệc rượu nhẩy đầm có mặt đủ các thứ tai họng tai mũi thực dân nứt mắt cũng như xồm xoàm.

Khóa thi Đinh Dậu 1897 thiên hạ nháo cả lên vì có tân Toàn Quyền Paul Doumer dùng đường thủy tới dự lễ xướng danh, nào tầu chiến hộ tống, đại bác bắn chỉ thiên ra oai. Ngoài Doumer còn có sự hiện diện của Thống Sứ Bắc Kỳ Fourrès và Công Sứ Nam Định Lenormand. Cái hoạt cảnh Tây Ta giao lưu được ghi lại thật sống động:

Cờ cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Rồi,

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

Tội nghiệp cho văn tài Tú Xương tức Trần Tế Xương, thi cử lận đận, công danh bất thành và đời chỉ vỏn vẹn có 37 năm. Ông đã bất toại trong hoạn lộ nhưng vẫn trào phúng cho thế sự trong mấy câu thơ sau đây cười với đời một cách chua chát ý nhị.

Nào có ra gì cái chữ nho
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm ông phán
Sáng rượu sâm banh tối sữa bò.

Lại có một bài thơ nữa cũng khẩu khí cay chua mà tôi không biết rõ có phải của Tú Xương không và cũng không nhớ có trích đúng hay không.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước đứa mua quan
Phen nàỳ ông quyết đi buôn lọng
Vửa chửi vừa rao cũng đắt hàng,

Nói về các thầy thông thầy phán thì đó cũng là bước đầu cho con đường hoạn lộ mới, chỉ cần chịu khó đôi chút và cái ranh mãnh tinh khôn của dân tộc đã rèn luyện qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước mà tiến lên. Có nhiều chuyện trong dân gian truyền khẩu cho thấy cái tháo vát ranh mãnh mà Tây gọi là système D phong phú của người Việt. Tại tỉnh Thanh người ta hay kể câu chuyện hóm hỉnh của một thầy thông khi đi theo quan Sứ vi hành lên miệt trung du Cẩm Thủy thăm-dân-cho-biết-sự-tình. Quan Sứ to cao, đầu đội mũ-thuộc-địa đít bằng, chân đi ghệt với đôi tất mầu nâu nhạt lên đến gần đầu gối, quần cụt, thấy rõ lông lá xồm xoàm, tay cầm khúc gậy chỉ huy ve vẩy. Thầy thông mới vào nghề tò toe, khăn đóng áo dài thâm chân đi giầy bố trắng người nhỏ thó, kéo theo sáu lính khố lục đội nón sơn son chân quấn xà cạp và tay cầm mút-cơ-tông. Đến nơi thì các kỳ-mục-kỳ-nát đã đợi sẵn hai tay chắp lại xoa xoa cúi đầu chào Quan Sứ. Cả một nhóm vài phụ nữ thôn quê mặc váy dài nhai trầu bỏm bẻm cùng lũ con nít đứa bụng ỏng đít eo đứa thì thò lò mũi xanh quấn quanh các mẹ. Quan Sứ thăm hỏi và thầy thông phỏng dịch trả lời, lủy bớp nô bớp, lủy ti-ti no-a tí-ti giôn, lủy xực cả me-xừ xực cả mo-a. Thì ra cụ Lý Toét trình có hổ về phá phách dữ tợn.

Một trường hợp khác lưu danh muôn thuở là một ông thông khá thạo chữ Tây tự học đã từng leo thang danh vọng lên đến Tổng Đốc Cao Bằng rồi về kinh làm Thượng Thư triều Nguyễn. Trong phiên tòa xử Phan Bội Châu khi tội nhân tay xích chân xiềng bị đưa vào trước Tòa Quan Lớn trông tiều tụy vì chắc hẳn đã bị bợp tai đá đít nhiều phen thì quan Tòa ngước mắt sau mục kỉnh và hỏi cung theo thủ tục, comment t'appelles tu? Thầy thông vội dịch ngay, Quan hỏi tên mày là gì? Chắc hẳn thầy thông cũng biết là xưng hô không ổn nhưng khi học người ta bảo tu là mày, il là nó, thì cứ nói vậy cho chắc ăn. Lỡ dùng những danh từ lịch sự hơn mà nếu quan Tây biết thì đi đời còn gì!

Nhu cầu cần đào tạo gấp các quan chức địa phương cai trị, các chức sắc tri phủ tri huyện mà chờ lựa được trong giới thông phán thì quá lâu. Cho nên phủ Toàn Quyền sau khi mở trường Cao Tiểu Paul Bert liền tiến tới thành lập Lycée du Protectorat mà dân gian gọi là trường Bưởi học đến Tú Tài. Rồi lại mở trường École Supérieure de Droit et d'Administration học thi ra làm Tri Huyện. Trường này hoàn toàn địa phương với các giáo sư Pháp tại chỗ. Khóa đầu tốt nghiệp năm 1924 đã có 41 tân quan trong số có các ông Phủ Nguyễn Ước Lễ, Nguyễn Đình Tại Giám Đốc Công An Bắc Việt, Vũ Quý Mão Đổng Lý phủ Thủ Hiến Bắc Việt, Bố Chánh Quảng Yên Nguyễnh Đình Duy, ông Phủ Hiệu nhạc phụ bạn Nguyễn Khắc Hoạch, Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí và ông Tham Chương. Đó là một đội ngũ hùng hậu các ngài cai trị dân học thức đầu tiên ngồi trong tấm ảnh cổ bốn hàng quanh vị giáo sư người Pháp mặc áo toge đen.

Đầu óc khoa cử đã thấm nhuần từ đời nọ đến đời kia không bao giờ gột rửa hết được. Ở tỉnh tôi Thanh Hóa năm 1938 chỉ có ba thanh niên đậu Tú Tài một. Đi đâu cũng xầm xì cậu Tú nọ cậu Tú kia làm biết bao trái tim thổn thức. Tại đất Hà Nội thanh lịch lại có câu vè phi cao đẳng bất thành phu phụ, và các sinh viên Nam Kỳ đều bị hớp hồn bởi các kiều nữ Hà Thành của những đại gia Mai Kắm cũng như Đức Âm, những gia đình các cụ Phủ Hoàng hay cụ Tuần Nguyễn. Các sỹ tử Nam Cờ ăn nói thật thà với phát âm líu lo trầm bổng đã làm xiêu lòng các thục nữ kiều diễm trong chiếc áo lụa Hà Đông.

Thế rồi thiên hạ nhao nhao xuýt xoa tin Tiến Sỹ Kép văn chương Nguyễn Mạnh Tường xuất thân từ cái nôi văn học Đại Pháp Sorbonne của kinh đô Ánh Sáng Ba Lê cũng như Thạc Sỹ Phạm Duy Khiêm kiêm Tiến Sỹ Văn Phạm Tây, một con người khó tính chẻ-sợi-tóc-ra-làm-tư đã làm điên đảo bao nhiêu thế hệ sỹ tử Tú Tài Pháp. Cũng cần kể thêm Thạc Sỹ Toán Học Hoàng Xuân Hãn cũng như Tiến Sỹ Vật Lý Ngụy Như Kontum và còn nhiều bằng cấp to-bằng-cái-mẹt nữa chứa đựng bao nhiêu là bồ chữ nghĩa làm hài lòng tâm thức dân ta vốn trọng sách vở Thánh Hiền, từ một-ngàn-năm-đô-hộ-giặc-Tầu cho đến một-trăm-năm-đô-hộ-giặc-Tây.

Tới thời cách mạng đấu tranh dành độc lập cũng những đầu óc thông minh ấy đã bị sự xoa bóp mơn trớn của bọn Việt Cộng theo chỉ giậy của đồng chí vĩ đại Mao Chủ Tịch nhắn nhủ họ Hồ trong công tác trồng-người-một-trăm-năm mà trí thức là cục phân tối hảo. Cơ hội đã đến cho cái-ta-tổ-bố được trọng dụng cho đến hết thời thì vứt bỏ không thương tiếc. Ta đã biết cảnh Nguyễn Mạnh Tường mất tem phiếu hộ khẩu nên phải đạp cái xe cà tàng đi chợ Đồng Xuân mua mớ rau muống cuối ngày về nuôi vợ con nheo nhóc. Cảnh nhà trí thức Hướng Đạo Lam Sơn Nguyễn Hữu Đang sau khi đã hoàn tất vai trò trí-thức-vận và tổ chức Ngày-Tuyên-Bố-Độc-Lập mùng Hai tháng Chín ở Ba Đình cho Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã được an dưỡng 15 năm cải tạo trong vụ Nhân-Văn-Giai-Phẩm và lúc cho về quê an trí đã phải thu lượm các vỏ bao thuốc lá đổi cho bọn trẻ con lấy các con nhái đem về kho mặn ăn dần lấy chút chất đạm. Cảnh nhà triết học đại tài với thuyết Mác-Lê, tiến sỹ Trần Đức Thảo cũng đã bị rút hết ruột tầm, bỏ đói trong trại cải tạo Nhân-Văn-Giai-Phẩm để bà vợ phải nhắm mắt lấy cán bộ gộc Nguyễn Khắc Viện nuôi bản thân và gia đình nheo nhóc. Cảnh Tráng Trưởng tốt nghiệp Oxford Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu đại diện chính phủ Vẹm ký hòa ước đình chiến với Tướng Tây Deltheil mà lúc cho về hưu ở Huế bị cắt tem phiếu cấp cao phải cùng vợ đói khát nuôi một con heo để sinh nhai trong lúc cùng cực.

Thế mà đầu óc khoa cử tiềm tàng từ thời Tống Nho vẫn ngự trị trong tâm khảm. Bọn Nga Sô Viết hiểu rõ yếu điểm dân tộc ta cộng thêm kinh nghiệm của Mao xếnh-xáng trong lịch sử ngàn năm đô hộ nên khi cáo Hồ gửi du sinh qua học tập đã rỉ tai cho các đồng chí Bôn-Xê-Vích nhược điểm cố đế ấy. Bởi vậy các nghiên cứu sinh trở về đều trở thành các Phó-Tiến-Sỹ cả. Những người như Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng còn lo công tác công an mật thám và ám sát trong B nên không qua Nga lấy bằng Phó Tiến Sỹ được thì nay lại hãnh diện vỗ ngực là đã tốt nghiệp Tú Tài hay theo học hành chánh tại Sài Gòn Việt Nam Cộng Hòa.

Đến lúc dân chúng ùn ùn tháo chạy sau khi bị bọn nón-cối cướp bóc hãm hiếp để đến được xứ tự do ổn định lại đời sống thì tâm thức tiềm tàng lại trổi lên mãnh liệt. Các thế hệ thứ nhất, các quý vị HO ngày đêm lao động, dành dụm dè xẻn cho con cháu học hành nên người. Bây giờ đi đâu cũng thấy biết bao Sỹ, Sư và chuyên gia các cấp. Nào là Y Khoa Bác Sỹ, Nha Khoa Bác Sỹ, Tiến Sỹ và thậm chí có cả Ngục Sỹ. Rồi đến các Kỹ Sư, Luật Sư, Giảng Sư, Sư Ông Sư Cụ và lẽ cố nhiên còn Thiền Sư nữa. Các vị Bác Sỹ Y Khoa lại ráng học thêm MS-PHD để đăng quảng cáo lên mặt với đồng hương. Có một thời nhiều vị lương y ta lại phải choang thêm chức Thạc Sỹ sau khi hoàn tất thêm chương trình chuyên môn hậu Đại Học mà quên hay không hiểu rằng Thạc Sỹ chỉ là danh hiệu Tây cấp cho những ai đã hoàn tất chương trình giảng sư. Hay là quý vị cũng hiểu như vậy nhưng đưa thêm vào cho sang và để lòe bọn thân chủ ngu tối chúng tôi. Các vị lang băm giờ đây cũng tự dán nhãn hiệu Bác Sỹ cho xôm tụ vì ở cái xứ tự do này cứ tự nhiên mà đặt chức vị, chả luật lệ cấm đoán nào miễn là chẳng thiệt hại đến ai hay không ai kiện tụng cả!

Nói đến bằng cao quý nhất ở xứ Cờ Hoa này thì không có gì tuyệt đỉnh như bằng lái xế. Là vì khi trên xa lộ thênh thang mà bị CHP chớp đèn hụ còi nếu quý ngài chỉ chưng ra bằng Tiến Sỹ thơm tho thì chắc chắn sẽ bị còng tay tức khắc về nằm ấp. Vừa chân ướt chân ráo từ trại Fort Chaffee về đến Monterey do nhà thờ Saint Timothy Lutheran Church bảo lãnh định cư thì ngày nào cũng được vị Mục Sư khả kính Đại Tá Hải Quân hồi hưu Ernie Lineberger lái xe chở đi xin việc. Một hôm có một khách lạ đến nhà ở số 6-9th Street tìm và khi chạy ra thì là một bà cụ cỡ 75 chào hỏi và nói: Tôi đọc báo Monterey Herald thấy tin quá cảm động là gia đình ông đã bỏ quê hương đến đây với cộng đồng chúng tôi. Tôi không có gì để giúp đỡ ông nhưng tôi có thể tặng ông cái này. Ông sẽ cần lái xe và tôi đưa ông đến DMV thi lấy bằng với xe của tôi. Nhìn ra thì là một chiếc Cadillac cũ to tổ chảng nên tôi thấy quá ngại ngùng, nghĩ bụng mình có bao giờ lái xe Mỹ to như vậy đâu và vả chăng nếu có việc làm thì dùng xe buýt thành phố hoặc cuốc bộ cũng xong. Nhưng bà cụ tốt bụng nhất định kéo tôi lên xe, chỉ dẫn cách thức. Cụ bắt tôi lái thử vòng vòng quanh phố, ngưng lại các bản STOP đúng cách trước khi lái vào xa lộ toát mồ hôi hột. Rồi cụ nói, Lái được rồi, tôi chỉ đường cho ông lái đến DMV thi bằng lái. Và tôi đậu bằng hạng C Ca-Li từ ngày ấy. Thời ấy xe cộ không đến nỗi mắc cửi như bây giờ và DMV cũng dễ dãi. Đến ngày nay, qua bao lần thi lại mà đã 35 năm qua thấm thoát, suy nghĩ cho cùng thấy rằng cái bằng lái xe còn quý hơn bằng cấp chữ nghĩa khoa cử nhiều. Không có bằng để lái xế-hộp hay xe-đồng-nát-phế-thải thì như cụt chân không đi làm kiếm chút cháo hay đi chợ mua bao gạo Thái-Lan và chai nước mắm thì chỉ có toàn gia vợ hiền và năm con thảo ngơ ngác treo mõm.

Nay tôi đã sơ sơ được 87 mà dân ta gọi là Đại Thọ. Tôi có quyền an-hưởng-tuổi-già từ lâu, thơ thẩn gật gù trên ghế xích đu và chơi với các cháu nội ngoại mặc dầu khiếp chúng nó quá hoạt động có thể lỡ xô cụ té gẫy xương thì khổ. Bằng lái xe phải thi lại vì chỉ còn hiệu lực đến ngày sinh nhật 28 tháng Ba. Con cháu chắc không nhờ vả được vì chúng cũng tất bật và nhiều đứa ở xa đâu có thể mỗi lúc nhờ chúng nó đưa mình đi Bác Sỹ hay đi chợ Costco mua bán đôi chút. Đi đứng bây giờ lại phải có cái gậy tuy rằng còn may phúc tổ chưa có thêm cái bị. Mắt thì kém, tai bớt tinh tường, suy tính phải liều đến DMV cuối tháng Giêng cầu âu, mong chó-ngáp-phải-ruồi, học-tài-thi-phận các cụ đã nói vậy mà! Bà Xã đi kèm vào DMV thấy quá đông đúc, đủ hạng người và đủ giống trắng-đen-xì-vàng nối đuôi chầu chực. Nhìn thấy bảng treo cho người-bất-cập tôi liền lộc cộc khua gậy nhào đến thì được nhân viên phụ trách tươi cười đưa cho tấm số ưu tiên đến nhân viên thử mắt ngay. Tôi đeo mục kỉnh lên và nhìn đọc các chữ cái, nhưng sao mà mờ-mịt-trăng-sao dzậy cờ? Người thử mắt nhoẻn miệng và ôn tồn bảo đến Bác Sỹ mắt đo thị giác xin toa mua kính mới rồi trở lại.

Đầu tháng Hai tôi đã đến Bác Sỹ chuyên khoa Stuart Paul khám mắt thì ông ta nói mắt phải đã đủ chín để mổ cataract. Chương lịch Bác Sỹ định là ngày 13 tháng Hai phải đến phòng mạch 622 Abbott Street Salinas với con gái lớn để chuyên viên cắt nghĩa cách thức và xem một đoạn phim về mổ cataract. Cháu gái phải lái từ San José về đưa bố đến Vantage Eye Center tối tân, nghe chương lịch chữa trị. Thứ Ba mồng 3 tháng 3 phải đến lúc 7 giờ 15 sáng và đúng 9 giờ là giải phẫu tại Vantage Surgery Center ngay kế bên rất hiện đại, dặn dò là ngày mổ cháu gái phải đưa đến để biết cách thức xuất viện. Thứ Tư mồng 9 cũng cháu gái phải lái xe đưa đến lúc 1 giờ 25 chiều để gỡ băng. Ngày mổ vợ tôi cùng đi, nàng lo ra mặt khi tôi thay áo choàng và leo lên bàn mổ có bánh xe để được y tá lấy máu rồi đẩy vào phòng mổ. Công việc nhanh chóng, tôi bị đánh thuốc mê bán phần nên tôi vẫn nghe rõ Bác Sỹ Paul nói chuyện với Bác Sỹ phụ về cuộc đấu bóng bầu dục cuối tuần. Chắc chỉ độ nửa giờ sau là mổ xong, mắt phải được đậy bằng một cái chụp nhựa trắng và băng lại, bàn mổ được đẩy ra phòng ngoài, nhìn thấy vợ con mỉm cười mà vui là mọi việc đã ổn thỏa.

Ngày hôm sau gỡ băng nhưng vẫn còn phải đậy mắt bằng chụp nhựa. Về nhà mỗi ngày nhỏ mắt theo thuốc Bác Sỹ biên toa rồi chụp nhựa chỉ còn phải đậy ban đêm để tránh dụi mắt. Mươi ngày sau thì thấy mọi sự vật sáng choang, mầu sắc tươi tắn hẳn lên và đường nét rõ rệt. Thật là kỳ diệu kỹ thuật y khoa và tôi đã bắt đầu lái xe đi Costco làm kính mới theo toa vào ngày 25 tháng 3. Kính mới phải 10 ngày mới được có nghĩa là sẽ quá hạn bằng lái. Đem biên nhận đặt kính đến DMV thì họ cho gia hạn đến đầu tháng 7, thu 25 Mỹ Kim và cho tôi thi viết ngay. Chẳng may tôi bị vỏ chuối vì trả lời sai vài câu thật là buồn cho cái đầu óc kém bén nhậy của mình. Họ cho tôi sách về học lại, ngày nào cũng nghiền ngẫm học-gạo sáng lại chiều, thoạt nhớ lại cảnh đi thi Méca Rat hồi xưa cũng vừa run vừa sợ! Ngày 15 tháng 6 sau khi đã học ôn bài vở và nhiều lần thử trắc nghiệm DMV trên computer tôi và nhà tôi lái xe đến DMV thử thời vận. Sáng hôm ấy tôi mặc cái quần tây mới và áo sơ mi ủi thẳng nếp khác hẳn bộ thể thao bạc mầu vẫn mặc, đi đôi giầy Adidas mới toanh. Nhà tôi bảo sao hôm nay anh diện thế? Tôi tủm tỉm nói hôm nay đi thi mà, phải chững chạc cho mình yên trí và để lấy lòng giám khảo. Kết quả ngoài dự đoán, thi viết 100 phần 100, thử mắt hoàn toàn 20/20 và lại còn thi o-ran nữa khi giám khảo viên đọc cho mười câu hỏi để phải trả lời yes-or-no (họ thử tai còn bén nhậy chăng?). Lúc xong tôi hỏi tôi đậu hay hỏng thì được câu trả lời you passed. Sao mà dzui dzậy, tôi bắt tay giám khảo và hỏi thêm được cấp bằng mấy năm thì được một câu mát ruột nữa five years, nghĩa là còn lái xế đến tháng 3-2014, lúc tôi đó sẽ sơ sơ có 92 xuân, có còn xanh nữa chăng hay là đã xanh cỏ rồi

Chú thích.- Tài liệu tham khảo:
(1) Văn Hóa Việt Nam, tác giả Mặc Giao, Calgary, Canada
(2) Nhìn tây đầm ... nhớ Tú Xương, Cao Xuân Tứ, Amsterdam, Holland