PDA

View Full Version : Buồn vui kỷ niệm



Longhai
10-22-2016, 08:05 PM
Buồn vui kỷ niệm


MX Phan Công Tôn


Khi muốn viết về kỷ niệm, đặc biệt là những kỷ niệm liên quan đến đời sống của mình nói riêng hay những kỷ niệm của đời lính nói chung thì có nhiều, thật nhiều. Ở đây, kỳ này, vì trang báo có hạn, tôi chỉ xin ghi lại ba câu chuyện liên quan đến đời lính của mình trước 1975 và sinh hoạt của mình từ sau 1975. Những đề tài và mẫu chuyện đưa ra là những sự kiện có thật, cộng với những ý nghĩ, tâm tình của riêng mình trong mỗi bối cảnh liên hệ.

1. Cái Huy Chương Đầu Tiên Trong Đời Lính.

Năm 1962, Tiểu Đoàn 1/TQLC được tăng phái cho Tiểu Khu Biên Hòa để hành quân trong vùng Cù Lao Phố, Tân Biên, Long Bình, v.v… Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đóng tại Biên Hòa. Tiểu Đoàn chỉ định Đại Đội 3 của Trung Úy Lê Ngọc Châu về hoạt động trong vùng Trảng Bom (phía Đông của Biên Hòa và cách Biên Hòa 12 cây số).

Sau khi mãn khóa Anh Văn tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội, đồn trú trong Bộ Tổng Tham Mưu, tôi bị “đá” ra khỏi Tiểu Đoàn 3 và được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 1/TQLC vào dịp Tết Trung Thu năm 1961 (lúc bấy giờ Đại Úy Trần Văn Nhựt là Tiểu Đoàn Trưởng và Tiểu Đoàn đang hành quân tại Ban Mê Thuột). Sau này ông Nhựt là Thiếu Tướng Tư Lệnh SĐ2BB từ tháng 2/1972 đến 4/1975.

Tôi bị “dí” về Đại Đội 3 của Trung Úy Lê Ngọc Châu, nổi tiếng là để “canh me” và “đì” những ông sĩ quan “ba gai”. Trung Úy Châu có cái nickname là “Ông Châu Phước Hiệp”, tôi tìm hiểu mới biết về “lịch sử” của cái “hỗn danh” này như sau:

- Hai năm trước, khi Tiểu Đoàn 1 hành quân ở xã Phước Hiệp, thuộc quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Đại Đội của Ông Châu hành quân ở khu nào thì du kích Việt Cộng coi như… tới số ! Ông Châu mà tấn công vào mật khu Việt Cộng thì coi như lùng sục và bắn bỏ không còn một mống du kích nào sống sót. Thậm chí có những toán Việt Cộng mới bị bắt, (lợi dụng trong lúc Đại Đội đang lao xao, lộn xộn) bỏ chạy trốn, Ông Châu và thuộc cấp chạy nạp theo, bắn chết hết. “Không thèm bắt đứa nào làm tù binh cả!” Ông Châu được nổi tiếng trong “kiểu” hành quân “dọn sạch chiến trường” tại Phước Hiệp cho nên từ đó, cả Tiểu Đoàn đặt cho Ông cái hỗn danh để đời : “Ông Châu Phước Hiệp”.

Đại Đội 3 của “Ông Châu Phước Hiệp” phụ trách hành quân và giữ an ninh vùng Trảng Bom (trong khu Cây Gáo, Bàu Hàm, Sông Thao, v.v…) cho đến gần Hố Nai. Đặc biệt là hành quân và thường xuyên đặt phục kích dọc theo đường xây các trụ sắt nối dây điện của đường điện cao thế từ Đa Nhim về Biên Hòa. Vì thời gian trước đó không lâu, Việt Cộng đã về gây mất an ninh và giật sập nhiều cột điện cao thế trong vùng này.

Một hôm, các Sĩ quan Trung Đội Trưởng lên gặp Đại Đội Trưởng để họp và bàn kế hoạch cho cuộc hành quân vào ngày hôm sau (cuộc hành quân ở cấp Đại Đội, dự trù 3 ngày trong vùng xã Bàu Hàm, theo lệnh của Tiểu Khu Biên Hòa và BCH/Tiểu Đoàn1/TQLC). Thời gian ở Trảng Bom, Ban Chỉ Huy Đại Đội đóng ké trong tòa nhà của Lực Lượng Hiến Binh (thời đó, Hiến Binh đội nón cát két ‘casquette’ màu đỏ).

Vừa họp hành quân xong thì “người nhà” của Ông Châu Phước Hiệp mới từ Sài Gòn lên thăm. Tôi đã gặp và biết bà xã Trung Úy Châu khi Tiểu Đoàn 1 về hậu cứ ở Nha Trang mấy tháng trước. “Người nhà” này chắc chắn không phải là Chị Châu, có thể là “đào” hay “vợ bé” gì đó… Thế là, có sự thay đổi, tôi sẽ thay Trung Úy Châu chỉ huy và điều động Đại Đội 3 đi hành quân vào ngày hôm sau.

Ngày N và giờ G xuất phát, đúng theo lệnh hành quân. Cả ngày Đại Đội tiến chiếm các mục tiêu qui định, không chạm địch, bình an vô sự ! Buổi chiều, sau khi dừng quân, vào lúc chạng vạng, tôi đi một vòng tìm vị trí để đặt toán phục kích cho ban đêm, thấy bên kia bờ con rạch cạn có một cái đồi và phía dưới đồi có con đường mòn chạy từ xóm nhà phía Bắc, qua con rạch để vào xã Bàu Hàm rồi mới vào Trảng Bom. Với địa thế như vậy, nếu muốn vào Bàu Hàm và Trảng Bom, du kích Việt Cộng phải dùng con đường mòn duy nhất này. Tôi quyết định cho tiểu đội phục kích nằm trên đồi bên kia con rạch để chận đứng con đường mòn xâm nhập. Địa điểm phục kích này chỉ cách tuyến đóng quân của Đại Đội khoảng hơn 200 mét.

Khoảng hơn 10 giờ đêm, chúng tôi nghe tiếng súng nổ từ phía tiểu đội phục kích. Qua máy truyền tin, toán phục kích cho biết đang chạm súng với một toán Việt Cộng. Tôi gom khoảng một Tiểu đội, báo cho toán phục kích biết, chúng tôi sẽ tới nơi chạm súng trong vòng vài phút…

Khi đến nơi, tiếng súng đã im hẳn. Tiểu Đội Trưởng tiểu đội phục kích cho biết có một toán du kích Việt Cộng đang đi trên đường mòn hướng về con rạch. Toán phục kích nổ súng. Toán Việt Cộng bắn trả lên hướng đồi. Hai bên bắn nhau khoảng hơn 15 phút. Rất may phe ta không có ai bị thương.Toán phục kích đang lục soát vùng tác xạ. Có thêm một tiểu đội ra tăng cường, tất cả bung ra lục soát vùng đường mòn và phía bên kia đường. Cũng may, đêm đó có trăng, nên việc lục soát được dễ dàng hơn. Kết quả, chúng tôi tìm thấy 4 xác Việt Cộng, 3 khẩu súng “Oảnh tầm sào”*, hơn chục quả lựu đạn và 3 cái xắc (như kiểu ba lô đeo vai). Trong ba cái “ba lô” này có đựng khoảng hơn 50 ngàn tiền mặt, một nửa số tiền này bị rách nát và dính đầy máu. (Sau này mới biết, nhóm Việt Cộng này thuộc tổ chức đặc công Kinh Tài, thường tới vùng bất an ninh bắt ép dân đóng thuế cho chúng).

Sau khi tịch thu tất cả chiến lợi phẩm, tất cả rút về vị trí đóng quân của Đại Đội, ngoại trừ Tiểu đội phục kích nằm lại ở một vị trí mới, gần hơn khoảng trăm thước bên kia con rạch và vẫn kiểm soát được con đường mòn.

(*Theo lời các quân nhân lớn tuổi, đã từng ở trong các đơn vị “Commandos du Sud” hay “Commandos du Nord” của Pháp, trước khi về với các Tiểu Đoàn tân lập của TQLC/VN thì “Oảnh tầm sào” là một loại súng trường rất dài (dài hơn khẩu Garand M1 có gắn lưỡi lê). Loại súng này do Việt Minh lấy được từ thời Pháp thuộc và còn xử dụng, trước cả loại “Súng Bá Đỏ” sau này).

Khi về đến vị trí Đại Đội, tôi dùng máy truyền tin gọi về báo cáo với Trung Úy Châu mọi diễn tiến đã xảy ra. Theo lời ông Châu dặn, tôi không báo cáo gì với Tiểu Đoàn hay Tiểu Khu và sáng hôm sau, cho một Trung Đội ra điểm xuất phát (hôm trước) để đón “Ông Châu Phước Hiệp” vào vùng hành quân. Đại Đội tiếp tục và hoàn thành cuộc hành quân 3 ngày như đã dự trù.

Khi Đại Đội trở lại Trảng Bom, thì ngày hôm sau Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Trần Văn Nhựt từ Biên Hòa lên thăm và ủy lạo Đại Đội. Hôm đó, tất cả Đại Đội 3 tập họp trước sân Trụ Sở Hiến Binh Trảng Bom để nhận lời khen thưởng của Tiểu Đoàn Trưởng trong việc đem lại an ninh trong vùng đường điện cao thế đi qua và đặc biệt là kết quả đã đạt được trong đêm phục kích Việt Cộng của cuộc hành quân vừa rồi. Đại Úy Nhựt hứa sẽ đề nghị ban thưởng cho Tr/Úy Châu một huy chương Anh Dũng Bội Tinh qua kết quả của vụ phục kích hai đêm trước. Trung Úy Châu lên tiếng cám ơn nhưng xin nhường cái huy chương ân thưởng này cho Thiếu Úy Phan Công Tôn vì Thiếu Úy Tôn là người có công và rất xuất sắc trong đêm đó

… Thế là, đây là lần đầu tiên tôi nhận được cái Ngôi Sao Đồng (loại Anh Dũng Bội Tinh thấp nhất) cho cuộc đời lính chiến của mình !

Cũng nên nói thêm, vào thời Cụ Diệm, việc ân thưởng huy chương, ngay cả cái Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Đồng cũng thật là hiếm và quý… vô cùng!

Về sau, khi nhận được giấy tờ từ Bộ Tổng Tham Mưu, qua Lữ Đoàn/TQLC, qua Tiểu Đoàn 1/TQLC tôi mới chính thức được đeo cái… Ngôi Sao Đồng.

Khi “Ông Châu Phước Hiệp”, một đàn anh và cũng là một ông thầy mà tôi rất quý mến, đến bắt tay, miệng cười chúm chím và nháy nháy con mắt như tỏ lộ lời cám ơn tôi. Tôi thông cảm cho cái nụ cười và mấy cái nháy mắt đó và liên tưởng đến việc Ông đang nhớ về hình ảnh và kỷ niệm: có “người nhà” đến thăm và ở lại với Ổng tại Trảng Bom… đêm nào !

2. Thăng Cấp Đặc Cách Mặt Trận: Sao Cũng Lắm Nhiêu Khê!

Vào đầu tháng 6 năm 1965 Tiểu Đoàn 1/TQLC chiến thắng lớn tại Ba Gia (Quảng Ngãi). Trong cuộc hành quân này Thiếu Tá Tôn Thất Soạn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1/TQLC kiêm Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn B/TQLC cũng đã chỉ huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù (Lực lượng tăng phái), do Thiếu Tá Nguyễn Khoa Nam làm Tiểu Đoàn Trưởng. Đại Đội 2/TĐ1/TQLC được trực thăng vận đợt đầu tiên vào vùng mục tiêu (Trung Úy Phan Công Tôn là Đại Đội Trưởng) và chạm súng với VC ngay khi trực thăng vừa xuống bãi đáp.

Trận chiến thật là nguy hiểm và cam go nhưng được kết thúc trong ngày với kết quả; Phía ta : có hơn 10 tử thương và hơn 30 bị thương. Phía địch: có khoảng 100 xác còn nằm tại trận địa, khoảng hơn 90 vũ khí cá nhân và cộng đồng bị bị lực lượng ta tịch thu.

Sau chiến thắng này, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù có đề nghị 1 Trung Úy được thăng cấp Đại Úy. Riêng TĐ1/TQLC, vì chiến công của trận này nhiều hơn TĐ5/ND nên Tiểu Đoàn đề nghị có 3 Trung Úy được thăng cấp đặc cách mặt trận lên Đại Úy theo thứ tự ưu tiên: Phan Công Tôn, Trần Văn Bi và Trần Văn Hiển.

Đêm trước ngày làm lễ gắn cấp bậc tại sân vận động tỉnh Quảng Ngãi, có một phiên họp khẩn cấp của Bộ Chỉ Huy TĐ1/TQLC (gần cầu Trà Khúc). Thiếu Tá Tôn Thất Soạn thông báo tin tức của Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn/TQLC liên quan đến vụ thăng cấp đặc cách:

- “Theo hồ sơ của Phòng Tổng Quản Trị/ Lữ Đoàn thì Trung Úy Tôn lên cấp bậc Trung Úy thực thụ mới có đúng một tháng 9 ngày, (Năm 1963-1964, Phan Công Tôn còn là Thiếu Úy và đang học Khóa Căn Bản TQLC tại Quantico, Virginia nên “mất dịp” thăng “Trung Úy Cách Mạng”), Trung Úy Bi mới lên Trung Úy thực thụ được hơn 5 tháng nên cả hai người không đủ điều kiện thăng cấp đặc cách lên Đại Úy. Chỉ có Trung Úy Hiển là đủ điều kiện vì đã được thăng cấp Trung Úy từ năm 1963, khi TĐ1/TQLC tham gia lực lượng lật đổ chế độ cựu Tổng Thống Ngô Đình Diệm.”

Thiếu Tá Tôn Thất Soạn có ý kiến, nếu dựa vào chiến tích của trận đánh mà chỉ cho Trung Úy Hiển thăng cấp thì đó là một bất công và gây “mất vui” cho hai Trung Úy còn lại, do đó Tiểu Đoàn đề nghị với Lữ Đoàn chỉ thưởng cho ba Trung Úy mỗi vị một Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu mà thôi chứ không có ai được thăng cấp Đại Úy cả…

Tôi còn nhớ, sau phiên họp (vào khoảng gần 12 giờ khuya) tại bãi đậu xe, Trung Úy Bi “xì nẹc” dữ lắm, văng “Tiếng Đức” tùm lum và nói ngày mai sẽ không ra dự lễ tại sân vận động. Trung Úy Bi là khóa đàn anh của tôi (Khóa 8 Thủ Đức), thuộc loại “Nam Kỳ rặc”, bình thường thì Bi rất nhỏ nhẹ, vui vẻ, dễ thương và ưa cười “mím chi” với mọi người, nhưng tối đó anh ta nổi nóng và “óe” dữ quá! Phần tôi thì cũng không sao, ngày mai vẫn ra sân vận động, vì tôi mới làm quen với một cô nữ sinh, con gái ông bà chủ tiệm bán sách ngoài phố Quảng Ngãi. Ngày mai ra đó, có mấy cô nữ sinh tới gắn vòng hoa, như vậy cũng… “dzui” lắm rồi!

Sáng hôm sau, ngày làm lễ tại Sân vận động Quảng Ngãi. Các đơn vị như TĐ1/TQLC, TĐ5/ND, một số các đơn vị địa phương, đặc biệt là một số học sinh tại các trường học và dân chúng địa phương đến tham dự rất đông. Khi loa phóng thanh loan báo chương trình và nghi thức buổi lễ, được biết có Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I, Trung Tướng Tôn Thất Đính, đại diện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ Sài Gòn ra dự lễ…Qua loa phóng thanh thì biết TĐ5/ND có một Trung Úy được gắn lon Đại Úy đặc cách, còn TĐ1/TQLC thì có một số Quân nhân được gắn huy chương và ba Trung Úy Tôn, Bi, Hiển được gắn Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, v.v…

Một lúc sau, tôi thấy “Lâm Cò Mồi” (Trung Úy Quách Ngọc Lâm của TĐ1/TQLC) hớn hở chạy về phía chúng tôi, đưa dấu ba ngón tay vỗ vỗ lên vai của mình, chỉ về phía tôi và nói : - “Ca Tô (tiếng lóng của Đại Ca Facoto) sẽ được gắn “Úy Nậy*” (*tiếng lóng của Đại Úy)

Tôi cười cười nghĩ bụng :

- “Anh chàng Cò Mồi này nghe ba chớp ba nháng ở đâu mà báo tin tào lao như vậy ?”

Chắc Lâm đoán được ý nghĩ ngờ vực của tôi nên “phang” thêm :

- “Mồi (tiếng lóng của Lâm) mới nghe lóm được và nói thiệt đó Ca Tô !”

Tôi chưa kịp định thần và chưa biết thực hư ra sao thì nghe có mấy tiếng cọc cọc từ loa phóng thanh và xướng ngôn viên lên tiếng xin bổ túc và điều chỉnh chương trình…

Thế là, như Lâm Cồ Mồi báo tin, cả ba mạng Tôn, Bi và Hiển đều được đặc cách thăng cấp Đại Úy ! Về sau mới được kể lại tình huống như vầy :

Khi Trung Tướng Tôn Thất Đính chỉ thấy có tên một Trung Úy TĐ5/ND thăng cấp, mới hỏi còn bên TQLC sao không thấy ai cả ? Lúc bấy giờ “Ông Già Hự” (Thiếu Tá Nguyễn Thành Yên, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn A/TQLC, đến dự lễ, có mặt tại khán đài) cho biết các chi tiết liên quan đến thâm niên cấp bậc của ba Trung Úy Tôn, Bi và Hiển. Theo hồ sơ của Lữ Đoàn/ TQLC, chỉ có Trung Úy Hiển mới đủ thâm niên đề nghị thăng Đại Úy, còn hai người kia thì chưa. Do đó Lữ Đoàn/TQLC chỉ đề nghị ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh cho ba Trung Úy này mà thôi, v.v…Sau khi nghe xong, Trung Tướng Tôn Thất Đính quyết định cho cả ba Trung Úy TQLC được thăng cấp mặt trận trong buổi lễ hôm nay và sẽ trình với Tổng Thống khi về lại Sài Gòn.

Hôm đó Trung Úy Trần Văn Bi “bất mãn” không đi dự lễ nên Tiểu Đoàn nhờ Trung Úy Vũ Văn Vương (bạn cùng Khóa 8 Thủ Đức với Trung Úy Bi) ra nhận thế ba Bông Mai Vàng cho Bi. Qua vụ này mới thấy rõ một điều : Khi đánh giặc thì biết bao là gian khổ và hiểm nguy, vậy mà ngay cả sau khi thắng trận, việc được thăng cấp đặc cách sao mà nhiêu khê đến như vậy!!!???

3. Lễ Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Tại Utah.

Ngày 22 tháng 9 năm 2007 một lễ khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ được tổ chức tại Trung Tâm Đa Văn Hóa, thành phố West Valley, Utah. Được biết tiểu bang California là Tiểu bang đầu tiên xây dựng Tượng Đài Việt Mỹ, kế đến là Tiểu bang Texas (ở Houston) và thứ ba là Tiểu bang Utah. Utah là một Tiểu bang nhỏ, dân số chỉ hơn hai triệu người và người Mỹ gốc Việt chỉ hơn năm ngàn người (năm 2007).

Công trình xây dựng Tượng Đài này thực hiện được là do công sức của ông Tom Huỳnh, một cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Utah đã thai nghén trong thời gian ông giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng trong hai nhiệm kỳ (2002-2006) và ngay cả sau khi hết làm Chủ Tịch Cộng Đồng, ông vẫn tiếp tục đóng góp để hoàn thành dự án. (Về sau, ông Tom Huỳnh là Nghị Viên dân cử tại Thành phố West Valley qua hai nhiệm kỳ 2012-2016 và 2016-2020).

Ông Tom Huỳnh đã nhờ ông Nguyễn Mạnh Trí (một cựu SVSQ Khóa 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt) đảm trách chức vụ Trưởng Ban Xây Dựng Tượng Đài trong suốt mấy năm liền.

Theo nhận xét của MX Phan Công Tôn (cựu Chủ Tịch Cộng Đồng tại Utah trong các năm 1995-1998) : số lượng anh em cựu Quân nhân bận Quân phục tại Utah chưa tới 10 người và đặc biệt, chưa có toán thủ Quốc Quân Kỳ, nên ngày làm Lễ Khánh Thành sẽ rất khó hoàn chỉnh.

MX Phan Công Tôn đã gợi ý muốn mời phái đoàn MX tại Nam California và Toán Thủ Quốc Quân Kỳ của Young Marines về dự Lễ, đó là lý do ông Nguyễn Mạnh Trí đã nhờ MX Phan Công Tôn giúp một tay, mời dùm Phái Đoàn MX tại California. MX Phan Công Tôn đã liên lạc và sắp xếp chương trình với anh Hội Trưởng TQLC Nam CA MX Nguyễn Phục Hưng để mời. Phái Đoàn TQLC tại Nam California và MX Tống Huy Đính tại San Jose để mời Phái Đoàn TQLC tại đây.

Thành phần Phái Đoàn TQLC tại Nam California tổng cộng có 21 người, gồm có : vợ chồng MX Nguyễn Phục Hưng/Liên, vợ chồng MX Trần Thị Huy Lễ/Đoàn Đường, vợ chồng MX Lê Đình Bảo/Tuyết, vợ chồng MX Trương Văn Thường, MX Tô Văn Cấp, MX Quách Ngọc Lâm, Lê Tường Vũ (Ký Giả/Nhà Báo), Cô Dạ Lý (Ca Sĩ), MX Phan Bửu Ngọc, MX Lý Kim Toàn, MX Trần Văn Thuận, MX Lý Khải Bình.

Toán Thủ Quốc Quân Kỳ của Young Marines, gồm có : Nguyễn Thu Hà, Thomas Chong, Zody Huỳnh, Christine Trần Thanh Vân và Hổ Nguyễn.

Thành phần Phái Đoàn TQLC ở San Jose tổng cộng có 7 người, gồm có : MX Tống Huy Đính, MX Trần Ngọc Bảy, MX Cao Phát Minh, MX Trần Văn Lượm và ba Biệt Động Quân : Hồng Tăng Dư, Nguyễn Tín, Nguyễn Đăng Khoa.

Phái đoàn MX Nam California lên tới Utah lúc 8 giờ sáng ngày 21 tháng 9, 2007 (bằng hai xe Van mướn), được MX Phan Công Tôn và phái đoàn Địa Phương đón tiếp và đưa đến khách sạn Country Inn, sau đó mọi người trong phái đoàn MX ra quan sát địa điểm hành lễ.

Khi thấy tại địa điểm hành lễ có rất nhiều bậc tam cấp, đặc biệt là các bậc tam cấp phía trước Tượng Đài, MX Nguyễn Phục Hưng và Lý Khải Bình đã quyết định cho Toán Thủ Quốc Quân Kỳ tập dượt tại vị trí hành lễ, đặc biệt là việc bước lên và xuống các bậc tam cấp. Sau hơn hai tiếng đồng hồ tập dượt rất là công phu và khó khăn, Toán Thủ Quốc Quân Kỳ đã thực hiện được các thao tác rất chuyên nghiệp, thật là đều và thật là đẹp mắt. Đến khoảng 6 giờ chiều, tất cả Phái Đoàn MX Nam California và Phái Đoàn Địa Phương đến nhà MX Phan Công Tôn dự Barbecue và tất cả mọi người trở lại khách sạn lúc 9 giờ tối ngoại trừ MX Huy Lễ & Phu quân, MX Tô Văn Cấp và Nhà Báo Lê Tường Vũ ở lại, ngủ tại nhà MX Phan Công Tôn.

***

Gia chủ chỉ có hai phòng dành cho khách: một phòng đã dành cho vợ chồng MX Huy Lễ, phòng còn lại (cũng chỉ có một giường ngủ với tấm đắp mỏng phủ giường) đành phải dành cho MX Tô Văn Cấp và Nhà Báo Lê Tường Vũ ngủ chung.

Sáng hôm sau, gia chủ nghe hai ông bạn Cấp/Vũ “óe”: “Cả đêm, không có mền, lạnh quá !” Thật sự, chúng tôi đã có hai cái mền để sẵn trong closet nhưng vì lu bu quá nên quên bỏ ra giường. Không có mền thì lên tiếng hỏi, người ta đưa cho, chớ có mất mát gì ! Còn ở đây, “hai ông bạn dzàng” này chắc có “ý đồ” gì đó, làm bộ nín khe, lấy cớ “lạnh quá” để mà “ôm nhau” suốt… cả đêm trường!

Gia chủ chỉ “diễn tỏa” hai ông “ôm nhau” thôi, còn nếu có “ninh tinh” hay “vớ vẩn” cái gì khác nữa thì chỉ có cái… trần nhà mới thấy và biết mà thôi !!!

Phái Đoàn MX & BĐQ San Jose đi bằng xe Van của MX Tống Huy Đính, anh em trong Phái Đoàn đã thay phiên nhau lái suốt đêm và tới nhà MX Phan Công Tôn vào khoảng 8 giờ sáng ngày 22 tháng 9, chỉ kịp tắm rửa, thay quần áo, ăn sáng vội vàng để đi đến địa điểm hành lễ.

Lễ Khánh Thành kết thúc thành công và tốt đẹp vào khoảng 2 giờ chiều ngày 22 tháng 9 năm 2007. Sau đó, hai Phái Đoàn TQLC và Phái Đoàn Địa Phương cùng kéo nhau ra Crazy Buffet trên đường Redwood để dùng cơm trưa. Ban Tổ Chức đã ngõ lời chân thành cám ơn hai Phái Đoàn TQLC vì nếu không có quý vị ân nhân này, buổi lễ Khánh Thành sẽ không được đẹp đẽ và thành công đến như vậy !

Hơn 4 giờ chiều, hai Phái Đoàn TQLC ra về trong cơn mưa tầm tã, Ban Tổ Chức và các đồng hương tại Utah vẫy tay chào hai Phái Đoàn với đầy tình thương và luyến nhớ !

Đoàn MX Nam Cali đi theo xa lộ I-15 South, sau hơn 5 tiếng đồng hồ sẽ đến Las Vegas (thành phố sòng bài của Nevada) rồi tiếp tục về Santa Ana.

Đoàn MX San Jose đi theo xa lộ I-80 West, sau hơn 2 tiếng đồng hồ sẽ đến Wendover (một thành phố sòng bài của Nevada) rồi tiếp tục về San Jose.

Lễ Khánh Thành Tượng Đài Việt Mỹ tại Utah có khoảng 400 người (cả Việt và Mỹ) đến tham dự. Và đây là lần đầu tiên, người Mỹ và đồng hương người Việt tại Utah mới thấy một phái đoàn gần 30 người (cả nam và nữ) bận Quân phục rằn ri TQLC thật là đẹp mắt. Hai toán chào kính mặc Quân phục TQLC (cả nam và nữ) đứng bên phải và bên trái của Tượng Đài thật là uy nghiêm, đặc biệt các Hậu Duệ Mũ Xanh trong Toán Thủ Quốc Quân Kỳ đã làm mọi người ngẩn ngơ và thích thú qua các thao tác đi đứng, chào kính thật là điêu luyện, nhờ đó càng làm tăng thêm sự trang trọng và hào hùng cho buổi lễ.

Kể từ đó, hằng năm, Cộng Đồng Người Việt tại Utah tổ chức ngày Chiến Sĩ Trận Vong tại khu vực Tượng Đài này. Mỗi lần có dịp gặp nhau, bà con, bạn bè đều nhớ và nhắc về ngày Lể Khánh Thành độc đáo năm xưa !

Ngày Lễ Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Utah coi như là một thành công, một niềm tự hào của Cộng Đồng người Việt tại Utah và sự kiện này cũng được chính quyền địa phương khen ngợi và ghi nhận.

Riêng cá nhân tôi, mặc dù đã tổ chức và tham gia biết bao nhiêu ngày lễ hội trong suốt gần 30 năm qua, tôi vẫn còn ghi đậm nét ngày Lễ Khánh Thành Tượng Đài Việt Mỹ tại Utah và coi đây như là một kỷ niệm đáng nhớ liên quan đến bạn bè trong Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến của mình.

Và tôi vẫn còn nhớ mãi, hôm đó, khi buổi lễ gần kết thúc, Thượng sĩ Mark Montez, một trong những hội viên của Tổ Chức Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tại Utah đã ôm choàng lấy tôi và nói với một giọng điệu rất là thích thú và đầy xúc tích :

- “Today, the Vietnamese Marines had actually landed in the valleys of Utah and brought with them the waves of love that wrapping up these Mountains !”

(Tạm dịch thoáng: “Hôm nay, TQLC Việt Nam đã thực sự đổ bộ lên vùng thung lũng của Utah và đã đem theo những đợt sóng yêu thương phủ ngập ắp đầy “Phố Núi’”)


MX Phan Công Tôn