PDA

View Full Version : Tiếng Việt Kinh Hoàng Ở Trong Nước



TAM73F
10-18-2016, 11:58 PM
Sở dĩ tôi nói “kinh hoàng” là vì tiếng Việt ngày nay ở trong nước:
-Pha tiếng Anh, tiếng Tây ‘ba rọi”.
- Dùng quá nhiều tiếng lóng và ngôn ngữ đường phố.
-Văn bất thành cú, bất kể văn phạm .
-Sáng chế ra những từ ngữ dị hợm, phản nghĩa
-Cường điệu, làm dáng hoặc bi thảm hóa vấn đề. Miền Nam gọi là “dốt hay nói chữ”. Chẳng hạn, “Dân Hà Nội tan tác dưới cơn mưa” (Đài Tiếng Nói Việt Nam). Đây là câu văn bi thảm hóa vấn đề. Mưa thì người ta chạy tìm chỗ tránh mưa, cái gì mà tan tác? Trong những bức ảnh lại có cả một cặp trai gái che dù đi sát bên nhau. Dường như mưa làm họ gần nhau hơn. Hình ảnh này rất lãng mạn, có gì là “tan tác” đâu? Đây là câu văn “bi thảm hóa” vấn đề.
-Câu văn tối nghĩa.
-Cắt cụt tiếng Việt hoặc thêm cái đuôi vào cả những tiếng đã thông dụng ngàn năm.
-Dùng những chữ khiến người ta sợ.

A.Câu văn pha tiếng Anh “ba rọi”
1) Báo Tuổi Trẻ ngày 4/9/2016: “ Nỗi lòng “hot teen” trường học” Đây là loại tiếng Anh ba rọi và người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì.
2) Báo Tuổi Trẻ ngày 4/9/2016: “Bạn Khánh Ly top 5 Duyên dáng ngoại thương 2014”. Tác giả có lẽ không được học hành đàng hoàng cho nên không hiểu nghĩa hai chữ “đứng đầu” cho nên phải nói là “top”.
3) Báo Tuổi Trẻ ngày 4/9/2016: “Gara ôtô sẽ đóng cửa vì đề xuất của Bộ Công thương”. Gara là nơi chứa xe, nơi để xe, nhà để xe. Ngoài ra, lối viết hoa cũng rất là lộn xộn hoặc không biết cách viết hoa.
4) VnExpress ngày 4/9/2016: “Murray mất bốn set để vượt qua tay vợt số 40 thế giới”. Xin thưa, từ điển Anh-Việt xuất bản ở Việt Nam trong môn quần vợt, “set” có nghĩa là “ván”. Còn “game” nghĩa là “bàn”. Câu văn không lai căng sẽ là, “Murray phải mất bốn ván mới hạ được tay vợt xếp hạng thứ 40”
5) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 5/9/2016: “Top những hậu vệ cánh sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện.” Đây là loại tiếng Việt rất bát nháo, vừa pha tiếng Anh “ba rọi” (top) vừa lai Tàu (sở hữu). Câu văn không “ba rọi”, không lai Tàu sẽ là “Những hậu vệ cánh/biên hàng đầu có kỹ thuật điêu luyện”
6)VOV (ĐàiTiếng Nói Việt Nam) ngày 5/9/2016: “Muller lập cú đúp”. Câu văn không “ba rọi” sẽ là, “Muller thắng hai bàn” hay “Muller làm bàn hai trái”.
7) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 6/9/2016: “Lực lượng Mỹ đã sử dụng hệ thống phóng rocket cơ động”. Xin thưa “rocket” có nghĩa là “phi đạn”.
8) VnPlus ngày 6/9/2016: “Bồ Đào Nha thua sốc trận mở màn vòng loại World Cup” Thua sốc (shock) là thua thế nào? Câu văn không “ba rọi” sẽ là, “Bồ Đào Nha choáng váng vì thua trận mở màn.”
9) Báo Thanh Niên ngày 6/9/2016: “Giảm cholesterol để giảm cân”. Xin thưa, “cholesterol” là chất độc trong máu có thể gây bệnh tim (A substance in your body which doctors think may cause heart disease)
10) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 9/9/2016: “Phát động cuộc thi Video Clip “Đà Nẵng- Khoảnh khắc ấn tượng”. Trong kho tàng tiếng Việt, không có chữ nào để dịch hai chữ “video clip” sao? Xin thưa, đó là đoạn phim ngắn, là băng thu hình ngắn. Do đó, tiêu đề không lai căng sẽ là, “Phát động cuộc thi thực hiện đoạn phim ngắn về Đà Nẵng: Khoảnh khắc đáng ghi nhớ”
11) Báo Tuổi Trẻ ngày 8/9/2016: “Trao cúp Vô lăng vàng cho tài xế cứu xe khách mất thắng”. Ông Tây về nước năm 1954 mà 62 năm sau vẫn có người viết văn lai Tây. Thế mới hay dấu ấn thuộc địa có khi cả ngàn năm vẫn chưa tẩy rửa được. Câu văn không laiTây “ba rọi” sẽ là: “Trao giải thưởng ‘tay lái vàng’ cho tài xế cứu xe đò đứt thắng/lao dốc”
12) VnExpress ngày 14/9/2016: “Hacker Nga tố WADA cho phép chị em Serena, Venus dùng doping”. Xin thưa “doping” là “dùng thuốc kich thích”.
13) VnExpress ngày 14/9/2016: “Việt Nam giành chiến thắng gây sốc trận ra quân Futsal World Cup 2016 .” Câu văn vừa tối nghĩa vừa lai căng. Chiến thắng gây sốc là chiến thắng gì và gây sốc cho ai? Cho khán giả Việt Nam à? Câu văn rõ nghĩa và không lai căng sẽ là, “Chiến thắng của Việt Nam tại Giải Túc Cầu Thế Giới Fusal 2016 gây kinh ngạc cho các đối thủ”.
14) Báo Tiền Phong ngày 14/9/2016: “Điều tra lại vụ người trốn truy nã được tuyên dương trên tivi “. Có lẽ người viết bản tin này ở Mỹ lâu quá, ăn Hamberger nhiều quá cho nên quên tiếng Việt hoặc không biết tivi là truyền hình. Ngoài ra tivi chỉ là phát âm của T.V. chứ trong Anh Ngữ không có danh từ tivi.
15) VOV(Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 14/9/2016: “Aguero lập hat-trick”. Xin thưa “hat-trick” là “làm bàn ba trái”, “thắng ba trái”.
16) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 15/9/2016: “Những bức ảnh tuyệt đẹp mà không cần qua photoshop”. Xin thưa, “photoshop” là chinh sửa, thêm thắt chi tiết vào một tấm hình, một hình ảnh khiến không còn giống tầm hình gốc nữa hoặc ngụy tạo một tấm hình khác.
17) Báo Giáo Dục ngày 23/9/2016: “Ca sỹ nhận cát-sê hàng trăm triệu”. Cát-sê tiếng Pháp “cachet” có nghĩa là tiền thù lao trả cho ca sĩ hay gái nhảy.
18) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 28/9/2016: “Thanh Hằng diện váy tua rua lấp lánh làm vedette” Người viết bản tin này giống như một ông Tây lai thời Thực Dân Pháp. Xin thưa “vedette” là tài tử điện ảnh, đào hát.
19) VnExpress ngày 28/9/2016: “Đỗ Mạnh Cường yêu cầu mẫu mặc đồ đen khi casting show Thu Đông”. Rồi cũng VnExpress cùng ngày, “Cặp người mẫu ngực trần catwalk trong show Hood by Air”. Tôi tin chắc rằng người viết bản tin này tiếng Anh “ ăn đong” và tiếng Việt kém cỏi cho nên không hiểu và không thể dịch ra tiếng Việt cho nên cứ để kiểu “lai căng” như thế để tỏ ra mình rành tiếng Anh lắm.
Ngày nay trong nước, kể cả BBC Việt Ngữ, bạ gì viết nấy không cần biết đúng sai và cũng không có ai quan tâm để sửa chữa. Ngày xưa Miền Nam không có Bộ Văn Hóa mà tiếng Việt đâu vào đấy. Ngày nay đất nước có Bộ Văn Hóa, Viện Ngôn Ngữ, Trung Ương Đảng có Ban Văn Hóa Tư Tưởng, đường phố, làng thôn, ngõ hẻm tràn đầy những biểu ngữ “nổ như tạc đạn” mà tiếng Việt lại trở nên lai căng, bát nháo.
Xin nhớ cho, mình chen tiếng Anh “ba rọi” để tỏ ra giống Mỹ, người ta đánh giá thấp mình. Mình viết tiếng Việt tinh ròng người ta kính trọng mình. Tiếng mẹ đẻ là linh hồn của dân tộc. Mất tiếng mẹ đẻ tức là bị đồng hóa, là diệt vong. Giả thử ngày mai cả dân tộc Việt Nam không còn nói tiếng Việt nữa và nói toàn tiếng Anh thì toàn bộ gia tài văn hóa, thi ca, văn chương, văn tự viết bằng tiếng Việt của 4000 năm đương nhiên bị hủy diệt.
Tội nghiệp trong nước! Những người văn chương lỗi lạc lại thường thừa kế và theo gót tổ tiên. Chẳng hạn tác phẩm “Nửa Chừng Xuân” của Khái Hưng, tựa đề lấy từ câu thơ “Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương” của Cụ Nguyễn Du. Rồi thi phẩm “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên Thư đểu dùng văn chương bình dị, cổ văn hoặc ngôn ngữ của Thiền Tông mà rung động lòng người. Rồi Cung Trầm Tưởng làm thơ lúc còn du học ở Pháp mà không một chữ nào lai Tây. Còn những kẻ kém cỏi thường hay chế bậy, kiểu cọ, làm dáng, lai căng, dị hợm. Ngày xưa khi còn ở học tiểu học ở Hải Phòng, tôi thường đọc ra rả hai câu thơ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:
Văn chương phú lục chẳng hay.
Trở về làng cũ học cày cho xong.

B.Câu văn sai văn phạm:
1) Báo Kiến Thức ngày 6/9/2016: “Cách làm bánh trung thu không cần lò nướng siêu ngon”. Đây là câu văn sai văn phạm, câu văn đúng văn phạm phải là, “Cách làm bánh trung thu thật ngon không cần lò nướng.” Ngoài ra, “Thật ngon” là đủ rồi. “Siêu ngon” là cường điệu, là bắt chước, là “dổm, rởm đời”.
2) BBC Việt Ngữ ngày 4/9/2016: “Diễn văn Chủ tịch VN nhắm vào 'kẻ hung hăng”. Đây là câu văn què. Câu văn đúng văn phạm phải là, “ Diễn văn của chủ tịch Việt Nam nhắm vào kẻ hung hăng”
3) BBC Việt Ngữ ngày 3/9/2016: “Khánh Ly sắp lần đầu biểu diễn tại TP.HCM” Tôi chưa bao giờ thấy một câu văn ngớ ngẩn như vậy. Câu văn không ngớ ngẩn sẽ là, “Khánh Ly dự trù trình diễn lần đầu tại TP. HCM.”
Theo tôi nghĩ, cái gì bao gồm nhiều động tác thì gọi là “biểu diễn”, chẳng hạn như “biểu diễn máy bay”, “biểu diễn một màn nhào lộn trên không”, “biểu diễn bắn súng”…Còn hát một bản nhạc thì nên dùng hai chữ “trình bày” hoặc “trình diễn”. Chẳng hạn như : “Nữ ca sĩ Thái Thanh sẽ trình bày bản nhạc Tình Hoài Hương của Phạm Duy”, “Các nghệ sĩ đã liên tiếp trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc”.


C. Câu văn dị hợm, phản nghĩa:
1) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 6/9/2016: “Nữ thủ khoa đầu tiên của Đại học PCCC được phong hàm vượt cấp” Câu văn rắc rối và khó hiểu. Miền Nam trước đây chỉ cần nói ngắn gọn và dễ hiểu là, “Nữ thủ khoa đầu tiên của Đại Học Cứu Hỏa được đặc cách thăng trung úy.”
2) VOV(Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 6/9/2016: “Quảng Nam vượt quỹ khám, chữa bệnh BHYT hơn 210 tỷ đồng”. Câu văn vô cùng tối nghĩa. Câu văn rõ nghĩa sẽ là, “Số bệnh nhân quá đông, bảo hiểm y tế của Quảng Nam vượt qua mức 210 triệu đồng.”
3) Báo Tuổi Trẻ ngày 7/9/016: “Tài xế xe tải dũng cảm cứu hàng chục hành khách trong xe đổ đèo mất phanh.” Hiện nay tại Việt Nam, “lạc tay lái, lạc bánh lái” được gọi là “mất lái”. Còn “thắng không ăn, thắng hư” thì gọi là “mất phanh”. Đúng là bịa đặt chữ nghĩa.
4) Báo An Ninh Thủ Đô ngày 5/9/2016: “Sát hạch lái xe tăng độ khó, tỷ lệ trượt lên tới 45%” Tại sao dùng chữ khó quá vậy? Câu văn đơn giản chỉ là, “Sát hạch lái xe khó hơn khiến 45% thi rớt.”
5) Báo An Ninh Thủ Đô ngày 6/9/2016: “Giới nghệ sĩ phía Bắc sẽ có lễ giỗ Tổ sân khấu quy mô và hoành tráng”. Diễn binh cũng “hoành tráng”, nhà cửa cũng “hoành tráng” nay lễ giỗ cũng “hoành tráng”. Vậy “hoành tráng” là gì? Đúng là văn tự nghèo nàn và bát nháo, bạ gì viết nấy. Câu văn rõ nghĩa và đơn giản chỉ là, “Giới nghệ sĩ Miền Bắc …..tổ chức lễ giỗ Tổ quy mô và trang trọng.” Dường như người trong nước, từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh, kể cả các ông bộ trưởng, họ đều thuộc lòng, nhập tâm một số chữ rồi cứ thế ghép lại như một phản xạ tự nhiên, không hề suy nghĩ xem những điều họ nói ra có dài lòng thòng, nhức đầu và khó hiểu không? Nhiều khi không cần gặp những biến cố kinh hoàng trong đời mà người ta hóa điên. Nghe mãi những lời nói nhức đầu, dài lòng thòng, khó hiểu như vậy người ta cũng “hóa điên”. Xin nhớ cho, lời nói êm dịu, đâu vào đó làm người ta cảm thấy dễ chịu và thấm vào lòng người. Cho nên muốn ru con ngủ, người mẹ phải hát những lời nói ngọt ngào, thường là trong Ca Dao và giọng ru êm ả.
6) VnExpress ngày 8/9/2016: “Thời tiết cực đoan”. Từ cha sinh mẹ đẻ hơn 70 năm nay tôi chưa bao giờ nghe thấy ai nói “Thời tiết cực đoan”, mà chỉ nghe nói “Thời tiết khắc nghiệt”, “Thời tiết tệ hại”, “Thời tiết xấu”... Trong nước đã dịch danh từ “Extreme weather” thành “Thời tiết cực đoan”. Cực đoan là thái độ quá khích, cay nghiệt, khắc nghiệt của con người. Thời tiết vô tình làm gì có tình cảm cực đoan, cay nghiệt? Vả lại theo Từ Điển Anh Việt Hiện Đại xuất bản ở trong nước thì “extreme” có nghĩa là: Hành động cực đoan, biện pháp khắc nghiệt. Vậy thì “extreme weather “ có thể dịch là: Thời tiết khắc nghiệt, thời tiết biến động nguy hiểm.
7) VOV(Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 8/9/2016: “Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm”. Không gian (space) ở ngoài trái đất, làm sao có thể đi bộ ở đó được? Khoa học không gian, trung tâm không gian là khoa học nghiên cứu là nơi để đưa người lên khám phá mặt trăng cùng các hành tình khác như Hỏa Tinh, Thổ Tinh…Do đó danh từ hoàn chỉnh và đúng đắn phải là, “Khu vực đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm”.
8) Vnplus ngày 8/9/2016: “Đô cử Việt Nam đoạt HC vàng Paralympic 2016”.Trời đất quỹ thần ơi! Môn cử tạ đã có ở Việt Nam lâu lắm rồi, không chịu dùng lại “chế” ra “đô cử”. Chỉ có “đô vật” chứ làm gì có “đô cử”? Thật dị hợm quá mức!
9) Báo An Ninh Thủ Đô ngày 8/9/2916: “Sức nóng của vấn đề Biển Đông”. Ý tác giả muốn nói vấn đề Biển Đông đang được mọi người, mọi quốc gia chú ý nhưng lại dùng chữ “sức nóng” khiến người ta liên tưởng tới một lò lửa, lò bếp, lò than…đang cháy hừng hực. Nếu đúng ý tác giả muốn thế thì câu văn phải là, “Tầm mức quan trọng của vấn đề Biển Đông”. Xin nhớ, muốn sáng tạo danh từ phải là người kiến thức sâu rộng và ngôn ngữ thật tinh tế. Không biết thì học hỏi và đi theo bước chân của người xưa là chắc nhất. Đừng “chế” bậy.
10) Báo Kiến Thức ngày 9/9/2016: “Vẻ đẹp hút hồn của phụ nữ Sài Gòn những năm 1960”. Tôi đã sống ở Sải Gòn từ 1954-1975 và các cô ở Sải Gòn đã thay đổi nhiều kiểu áo dài và chỉ thấy “đẹp” chứ có “hút hồn” hay “mất hồn” gì đâu. Bây giờ ở Việt Nam, bất cứ cái gì đẹp cũng phải thêm cái đuôi “hút hồn”hoặc thô tục hơn “đẹp khó cưỡng”. Xin đừng cường điệu một cách rẻ tiền. Ở trong nước, ngay các bản tin trích dịch từ các hãng thông tấn AP, AFP, Reuters v.v..cũng không giữ nguyên vẹn ý mà lại cường điệu hoặc tô vẽ theo ý của người dịch. Điều này chứng tỏ làng báo Việt Nam không được dạy dỗ về lương tâm nghề nghiệp (code of ethics). Khi dịch, phải giữ nguyên ý của tác giả, không được bịa đặt hoặc bịa ra một tiêu đề khác theo ý mình. Đọc những bản tin quốc tế bị bóp méo, xuyên tạc như thế người dân hoặc các giới chức cao cấp của chính phủ không đủ trình độ đọc nguyên bản bằng ngoại ngữ, sẽ có cái nhìn sai lệch về tình hình thế giới, từ đó sẽ có hành động không đúng và nguy hiểm!
11) Báo Tiền Phong ngày 9/9/2016: “Nho xanh 1,3 triệu/kg: Đắt vô địch, Hà thành tranh mua”. Đắt mà cũng có giải vô địch nữa sao? Đúng là loại văn chương bát nháo hay của trẻ con chưa được đi học nói chuyện với nhau. Câu văn không bát nháo sẽ là, “Nho xanh 1.3 triệu/kg: Đắt như vàng, dân Hà Thành tranh nhau mua.”
12) VOV(Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 6/9/2016: “siêu mẫu quyền lực Irina Shayk”. Thật tình tôi không hiểu cô người mẫu Irina Shayk này có “quyền lực” gì? Không biết tác giả dịch từ tiếng gì qua tiếng Việt? Rồi BBC Việt Ngữ ngày 9/9/2016: “Zuckerberg hãy làm đúng vai trò chủ biên quyền lực nhất thế giới của mình.” Người dịch bản tin này từ BBC News đã không phân biệt được thế nào là “quyền lực” thế nào là “có tầm ảnh hưởng rộng lớn”. “Quyền lực” là khả năng sai khiến người khác. Zuckerberg không có quyền và không có tư cách sai khiến ai, ngoại trừ nhân viên của mình. Nhưng những bài báo/tin được cậu ta đưa lên Facebook có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Cũng như Cô Oprah Winfrey không có quyền lực gì cả nhưng những chương trình của cô ta có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên nước Mỹ- vì có nhiều người xem. Nếu không còn ai xem nữa thì ảnh hưởng cũng tan biến. Nhưng “quyền lực” thì không cần nhiều người xem, nhiều khán giả. Không khán giả, không độc giả, không người xem, quyền lực vẫn còn đó. Chẳng hạn quyền lực của tổng thống/thủ tướng. Còn “một nhân vật đầy quyền thế” là một người không giữ một chức vụ nào trong chính quyền, không làm chủ bất cứ một cơ quan truyền thông nào, nhưng người ta đến quỵ lụy, xin xỏ quyền chức và đặc quyền đặc lợi…chẳng hạn như vợ, anh, em, em dâu, em vợ, anh vợ, chú, bác…của tổng thống. Chẳng hạn khi Ô. Bill Cliton làm tổng thống thì Bà Hillary là “nhân vật đầy quyền thế” của nước Mỹ.
13) BBC Việt Ngữ ngày 11/9/2016: “Tài xế 'tự sát' làm chết người ở Đài Loan”. Đây là câu văn vô cùng tối nghĩa. Câu văn sáng sủa sẽ là, “Đài Loan: Tài xế gây tai họa vì muốn tự sát”.
14) Đầu ra/đầu vào. Hiện nay input:output được trong nước dịch là “đầu ra/đầu vào” nghe không thanh tao tí nào. Trước 1975 GS. Nguyễn Cao Hách- Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn đã dịch là “nhập lượng:xuất lượng”. Nay chúng ta cũng có thể dịch là, “vốn:thành phẩm”.
15) Đường giây nóng: Bây giờ chữ “hotline” được trong nước dịch là “đường giây nóng” hoàn toàn sai và không rõ nghĩa. Theo từ điển tiếng Anh, “hotline is a direct telephone line set up for a specific purpose, especially for use in emergencies or for communication between heads of government”. Vậy “hotline” là “đường dây thông báo khẩn cấp” giữa hai nguyên thủ quốc gia liên quan đến những biến cố cực kỷ quan trọng chứ không hề có nghĩa nóng hay lạnh gì hết. Và nó cũng không phải là đường dây nói chuyện thường nhật. Ở trong nước tiếng Anh rất kém, cứ thấy tiếng Anh viết như thế nào thì đoán mò mà dịch, không chịu tra từ điển Anh-Anh và các từ điển riêng cho mỗi ngành.
...