PDA

View Full Version : Qui Nhơn



Longhai
10-05-2016, 02:01 AM
Qui Nhơn


Nguyễn Thế Hồi


Chiến-chinh, chinh-chiến bao giờ dứt,
Sắt đá, ờ sao cũng nhớ nhà,
Nguyễn-bắc-Sơn.

Lâu rồi không nhận được lá thư nào từ Sài-Gòn. Người lính Văn phòng của Chi-đoàn đã lắc đầu khi thấy tôi : "Ông không có thơ." Tôi quay về Chi-đội. Có cái gì buồn-phiền nhè nhẹ ở trong lòng.

***

Tất cả bắt đầu từ một ngày mưa tháng Sáu. Tôi mới ở Nha-Trang về. Mưa tháng sáu ào-ạt, vội-vã và nông-nổi như tâm-tình chàng thanh-niên tuổi mới ngoài hai mươi. Đang trú mưa ở hiên một tiệm sách thì nghe có tiếng gọi nhỏ : "Anh H. ! Phải anh đó không ?"

Tôi quay lại. Một cô gái cũng đang trú mưa mỉm cười chào. Y. là em của một người bạn thân thời Tiểu-học. Anh bạn đã ra nước ngoài du học. Còn cô bé vẫn hay cúi đầu chào khi tôi đến chơi, nay đã là một thiếu-nữ xinh-đẹp. Ông trời vẫn không ưa tôi. Không hiểu sao hôm nay ông lại tử-tế với tôi như vậy. Hai đứa ghé vào một quán nước và nhắc đến những kỷ-niệm thật vui ngày xưa. Khi cô nhỏ hay đứng trên vai tôi để hái trộm cây mận nhà hàng xóm.

Y. gởi thư cho tôi đều đặn. Những lá thư dễ thương làm mát vai áo người lính đường xa nắng gắt, và ấm lòng khi cơn mưa chiều về bất chợt trên đỉnh núi xa.

Tuy vậy, tôi vẫn cố giữ một khoảng cách với cô nhỏ này. Mẹ của Y. rất coi trọng địa-vị và danh-vọng. Trong khi tôi, ngay cả gia-đình, cũng không có. Từ nhỏ, sống với ông bà nội. Và bây giờ cũng chỉ là một anh lính rất nghèo. Làm gì mà tính chuyện tương-lai được. Thôi cứ để cho cuộc đời đưa đẩy, chứ biết làm sao bây giờ ?

***

Người Hạ-sĩ-quan thường vụ Chi-đoàn đón tôi ở giữa đường : "Thiếu-úy ! Đại-úy bảo ông phải giải-quyết vụ thằng Đức càng sớm càng tốt. Hay là ông báo-cáo nó đào ngũ đi. Chứ để như vầy, có ngày nó quậy nát chợ Phù-Mỹ là ông lãnh đủ". Lì, đi cạnh tôi nghe thấy vậy, lắc đầu buồn-bã. Tôi nói với ông thường vụ : "Cho tôi thêm vài ngày nữa". Rồi rảo bước về chỗ đóng quân.

Đức và Lì là hai Lao công Đào binh, từ quân lao Gò Vấp về Chi-đội tôi mấy tháng trước. Tụi nó gốc Thiết-giáp vùng bốn. Không biết bị tội gì phải vào tù. Vì nhu-cầu chiến-trường, Đức và Lì được trả về với Quân-đội. Hai thằng rất thân với nhau. Tôi chỉ biết có vậy. Đức bỏ đơn-vị ra sống trong một ổ điếm ngoài chợ Phù-Mỹ đã hơn hai tuần nay. Lì mấy lần lên năn-nỉ tôi đừng báo-cáo Đức đào ngũ. Bởi vậy tôi vẫn dùng dằng chưa quả-quyết. Thâm-tâm tôi cũng rất thích hai đứa này. Tụi nó phá-phách ở đâu không biết, nhưng với tôi vẫn kính-trọng và làm việc đàng-hoàng.

Mấy cô gái ăn sương về chiều, khi ra đến Phù-Mỹ thì nhan-sắc đã tàn-tạ lắm rồi. Nghề gì cũng vậy, càng nhiều kinh-nghiệm thì càng được trọng đãi. Chỉ có nghề này, càng lâu năm thì càng bị hắt hủi.

Khi Quân-đội Đồng-minh còn ở Việt-Nam, các cô cũng đã có một thời huy-hoàng. Bây giờ tình-hình khó khăn, bởi vậy các cô, hầu hết là dân Vùng 3, Vùng 4, phải lưu-lạc ra đây. Tôi nghe kể, ngay trong mặt trận Điện-biên-Phủ cũng có mấy chục cô gái Việt-Nam và Bắc-Phi sống chui rúc, gian-khổ trong những căn hầm lầy-lội để phục-vụ cho đoàn quân viễn-chinh Pháp kiếm sống.

Khi nghe Lì nói là Đức nó thương một trong những cô gái này, tôi đã thấy có cái gì không ổn. Nhưng Lì vẫn khẩn-khoản : "Tôi nói thiệt mà. Nó bị con nhỏ đó bỏ bùa. Tôi có cách giải rồi. Ông cho thằng Đức một cơ hội nữa đi".
Nghe tới bùa ngải, tôi hỏi thêm : "Thằng Đức trời đánh không chết, ai mà bỏ bùa cho nó được ?"

Lì giải-thích : "Mấy con nhỏ ăn sương khi về chiều, cần có một chỗ nương tựa. Nó kiếm một thằng coi được rồi cho uống bùa. Bùa này có thể mua từ mấy cha thầy pháp. Ông nội tôi làm thầy pháp, nên tôi rành lắm".

- "Có cách nào giải bùa không ?"

- "Mình phải kiếm một cây chổi chà, càng dơ càng tốt. Đốt mấy cọng chổi thành than. Bỏ vào một cái chén nước mưa, rồi đem phơi sương 3 đêm. Sau đó cho người bị ếm uống".

Tôi nghe thấy tức cười, nhưng vẫn phải làm bộ nghiêm-chỉnh : "Thằng Đức đã uống thuốc giải bùa chưa ?"

- "Uống rồi. Nó bây giờ muốn về đơn-vị. Nhưng sợ bị ông phạt".

Tôi bảo Lì : "Bây giờ mình ra nói chuyện với nó. Nếu nó không dính vào sì-ke, tao sẵn-sàng cho nó một cơ hội nữa".

Lì dẫn tôi tới một căn nhà lá lụp xụp ngoài Phù-Mỹ. Giữa tháng, ế khách, mấy cô đang ngồi bắt chí cho nhau trước cửa. Một mụ sồn sồn, chắc là bà chủ, thấy tụi tôi tưởng có khách "sộp", đon-đả chào : "Mời mấy anh vô chơi".
Tôi nói thẳng với bà ta : "Tụi tôi tới đây kiếm thằng Đức. Nhờ chị gọi nó ra dùm".

Đức mặt mũi hốc-hác, râu tóc bờm sờm đứng đợi tôi ở bên hông nhà. Tôi vỗ vai nó khuyên-nhủ : "Bộ mầy muốn vùi cuộc đời mầy ở đây hả ? Thôi về Chi-đội với anh em đi. Không có chuyện gì đâu".

Thằng em cảm-động : "Thiếu-úy để em từ-giã con nhỏ đó cho phải nghĩa. Rồi mai sẽ về".

Không biết khi thằng Đức đi rồi, cô em của nó sẽ kiếm ai khác để bỏ bùa đây ? Cuộc đời giang-hồ sao bạc-bẽo, hẩm-hiu quá.

Cụ Nguyễn-Du khi nhắc đến mấy cô cũng đã phải ngậm-ngùi :

"Sống làm vợ khắp người ta,
Đến khi thác xuống làm ma không chồng."

Lúc sống thì có hàng trăm ông chồng. Nhưng khi chết xuống âm-phủ, Diêm-Vương hỏi chồng tên gì, chỉ biết đứng khóc mà thôi.

Đức trở lại với đơn-vị. Chúng tôi có thêm một tay súng, một người bạn. Có phải vì thuốc giải bùa của Lì hiệu-nghiệm ?

Chuyện thằng Đức coi như là êm. Nhưng chuyện của tôi thì chẳng vui chút nào. Những cánh thư từ Sài-gòn thưa dần rồi vắng hẳn. Người ta chắc bận-bịu với sách vở nên không có thời giờ biên thư. Hay là cô em đã quên người lính phong-trần này ?

" Ngày xưa em để tóc thề ,
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay."
PTT

Nói vậy để tự an-ủi thôi. Người ta cũng chã có thề thốt gì với mình cả. Chỉ còn biết nhìn những dãy núi vàng úa mà nghe lòng mình ủ dột.


Nguyễn Thế Hồi
11 / 2011