PDA

View Full Version : Giữa một chặng đường



Longhai
10-01-2016, 12:35 AM
Giữa một chặng đường


Hoa Biển


Ngày giã từ Như Xuân Thanh Hóa, khi vẫy tay chào vùng đất nơi anh em tù trải qua một năm khổ ải biền biệt, ai cũng không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến những người bạn đi có về không đang nằm lại nơi vùng núi rừng hoang vu,... lạnh lẽo nầy. Núi rừng bạt ngàn nhấp nhô dưới tầm nhìn lúc mới đến vang vọng mãi tiếng chim kêu vượn hú nay đã trở thành những vùng đất khai hoang màu mỡ uốn lượn chập chùng được trải rộng và nối kết từ vị trí các trại tù T1,T2,T3,T4,T5.

Có ba người chết thảm ở lại: Anh Trần Hữu Lực, Nguyễn Di và Bùi Băng Bim. Nghiệt ngã nhất cho ba cái chết là một người chết giữa trời là anh Bim vì ức quá, hận quá đã tự mình treo cổ chết trên cành cây dẽ phía sau trại. Cái chết thứ hai là anh Di lúc băng sông một mình vào sáng sớm thì bị cóng do đói lạnh, mất giữa nước và cái chết thứ ba là lúc anh Lực, thiếu thốn quá ăn phải mật cóc lăn ra chết liền trên đất rừng Thanh Hóa.

Đất, Nước, Trời - ông cha mình dạy con phải kỵ húy. Cuộc chiến chống cộng sản xâm lược cũng vì gìn giữ, bảo vệ vùng Đất Nước, Trời... cho miền Nam thân yêu. Nay các anh ra đi, về nơi không thù hận, không muộn phiền, tù nhân nhìn lại mình, đâu đây cũng toàn là anh lính bộ, anh lính thủy hay anh lính trời, để làm sao không khỏi xót xa khi phải bỏ lại đồng đội mình mà chắc là không an giấc nghìn thu được dưới chân núi Như Xuân nơi mùa đông lạnh đến ghê người và đàn mối như trấu đang đục khoét dưới lòng đất nơi các anh nằm xuống.

Đoàn xe hướng về Nam trong nỗi vui mừng rộn rã. Khi băng qua cầu Hiền Lương, hình ảnh quê hương miền Nam trong nỗi nhớ chợt hiện về... Những ngôi làng, đồng ruộng, nương vườn dọc Quốc lộ và bao người dân hiền lành thật gần gũi từ một nơi nào trong đáy sâu của tiềm thức. Trong ánh mắt của bà con bên đường dù âm thầm, nhưng vẫn thể hiện niềm tươi vui được thấy lại người mình :

- Các anh đã về…!

Khi từ trại Cồn Tiên dồn về Ái Tử, các anh em phải làm quen với một khung cảnh mới : đất đai ở đây khô cằn, rừng cây đốn củi thì quá xa, hút tận vùng núi xanh. Đi rừng lấy củi phải khởi hành từ sáng sớm. Đưa được gánh củi về tới lán trại thì cũng chiều tối. Đường xa, gió Lào nóng như lửa và nổi đói khát triền miên đã làm anh em rã rời, thậm chí cả ngày uống không biết bao nhiêu là nước suối rừng mà lúc đi tiểu chỉ ra một chút nước vàng khè. Về đến lán trại, sinh-hoạt giao ban xong là ngủ, chưa tròn giấc thì vội thức dậy cho một ngày rừng kế tiếp. Nay từ Bắc trở về, biết rằng, Ái Tử vẫn khắc nghiệt như xưa, nhưng vẫn là niềm vui mơ ước, giục-giã hết anh em. Nhóm anh em Trại 2 Ái Tử chuyên ngành cuốc rựa như Cương, Phước lùn, Hoạch lé, Mạnh khỏe, Tuấn móm, Chiến méo, Hiển luật sư, Chút dù, Long phè, Chi trỉ, Diệu chị, Tính lé… lần nầy được "gả" vào một trại khác, lạ và chưa biết : T3.

Đang thời kỳ làm quen với trại mới, người mới và đặc biệt có những vệ binh trại biết lần đầu nổi tiếng tàn ác như : Mịch, Mịnh, Tiếng, Chính. Đa số anh em chưa hết hoàn hồn vì đói, lạnh và xa nhà… Hơn một năm gò bó ở đất Bắc, chân cẳng có dịp miệt mài tiếp nơi chốn núi rừng mịt mù xa xôi mỗi khi được cắt cử đi rừng. Đồng hồ, nhẫn vàng, áo quần thủ thân được dịp đem ra đổi chác ở những khu làng bên bìa rừng Trấm đề lấy được một bữa ăn có thịt, có gạo... Hạnh phúc trong chốc lát, tù đánh đổi được những phút giây như vậy, thế nhưng cũng đôi khi bị vệ binh rình rập, ốp bắt… chỉ tội nghiệp cho con heo sữa, con gà mái đẻ trị giá của một chiếc khâu vàng hoặc chiếc đồng hồ Seiko, đều trở thành vật tế thần cho mấy tên vệ binh đang hơm hớp :

- Cho phép đi rừng tiếp, tang vật để lại!

Hóa ra chúng cũng đói, cũng thèm.

Không lâu sau ngày về lại Ái Tử, một danh sách đi rừng được trại lập ra: Ba lô, cuốc rựa, lương thực đi đường sẵn sàng cho một chuyến đi khác. Khoảng năm mươi tù binh được làm thợ rừng lại giả từ T3 Ái Tử đề chuẩn bị lên đường đi Ba Lòng. Đây được mô tả là nơi rừng thiêng nước độc, sương lam chướng khí! Đoàn tù trại 3 lần nầy đa số cấp Thiếu úy, được dịp gặp gỡ quý vị đàn anh T1 mà đa số là cấp Đại úy trở lên tại việc khai phá rừng lần nầy.

Long phè, Cương, Phước lùn, Mạnh khỏn, Diệu chị, Tuấn móm, Chót đen có cùng danh sách với tôi. Hành trình chung bước cùng trại khá dài, trải rộng và sâu trên tấm bản đồ đời người của nhau. Đi ở tù, dù cùng làm quen với đá lát khi nạo vét ba ra Đô Lương, triệt hạ cây rừng Như Xuân,phát quang đồi Cồn Tiên nhưng vẫn chưa thể nào sánh với nỗi lao-lực nhọc nhằn và hiểm nguy như khi ở rừng Ba Lòng.

Đoàn người lầm lũi tiến bước, ra khỏi Ái Tử, băng qua Quảng Trị, Đông Hà và bám đường Quốc lộ số 9 hướng lên Khe Sanh. Rừng vẫn bạt ngàn hai bên, dốc cao lần. Chiếc cổ tù cúi xuống cố nhấc chiếc ba lô trĩu nặng lê theo từng bước chân. Lâu lâu nghe tiếng quát tháo dọa dẫm của vệ binh đằng sau khi có vài anh em chậm lại vì lết không nỗi. Đường đi Ba Lòng có cảnh trí thiên nhiên rất đẹp, hùng vĩ. Con đường chính ngoằn ngoèo chạy quanh quất trong một tầm nhìn ngắn ngủi. Người Pháp tạo ra con đường nầy với những tính toán tinh-vi về độ dốc nhằm khi ô tô chạy không bị trở ngại thụt lùi khi leo núi. Năm ba cây số lại có một đồn lính bỏ ngỏ. Những vị trí thật chiến lược, khống chế cả một vùng đồng bằng… Nhìn về bên dưới là miền xuôi quen thuộc Đông Hà… Rải rác ven đường là những chiếc xe tăng cũ kỹ thời Pháp thuộc nằm im bên bìa rừng. Núi ở đây rất cao, cây rất lớn, mọc thẳng,đứng sừng sững vi-vu một cách khoan thai trước gió ngàn. Từ lâu, người ta đã có câu : Ai chiếm được Ba Lòng thì sẽ là người chiến thắng.

Cơn mưa rừng ập xuống khi đoàn người vừa tới nơi. Mồ hôi đang nhễ nhại vì chuyến đi dài và toàn dốc núi. Hơi lạnh do cơn mưa và ẩm khí bìa đất núi làm anh em lạnh run như từ xương sống bùng ra. Cán bộ quản giáo Điến theo anh em khối 6 từ lúc còn ở trại 2 Ái Tử từ năm 1976 vẫn còn bám sát chúng tôi cho đến bây giờ. Ông chỉ thị đi kiếm cây rừng gồm rui, mèn, cột, kèo ngay. Giữa cơn mưa rừng, đoàn tù với đôi dép râu dính đầy bùn, lao vào rừng sâu và trở về liền sau đó để lợp lán trại bằng cây rừng và vải ni long Trung Quốc. Dãy lán hình thành, anh em liều-lĩnh chuồi nhanh vào và trãi tấm lưng ngay vì quá mệt mỏi. Giữa cơn mưa rừng, lại tập họp, lại chưa hoàn chỉnh doanh trại, hầm hố vệ sinh, nhà kho, khu vệ binh. Anh em lại bật dậy, tập họp, ra công tiếp và cả đến ba lần như thế trong bộ đồ ướt nhẹp thì cũng là lúc trời buông tối, mọi việc mới tạm ổn. Ướt sủng, đói, mệt và muỗi rừng, anh em ăn vội vắt cơm tiêu chuẩn và lăn vào chiếc mền, cố dỗ dành cho một giấc ngủ sau một ngày dài đi đường và lao động vất vả.

Buổi chiều hôm sau khi cơn mưa rừng bớt nặng, vừa về tới lán trại không thấy toán Cương, Phước, Mạnh, lo lắng quá mà không biết làm sao. Ban chiều, khi hạ xong cây súc, chặt nhánh, đẽo bìm, tôi đạp cây xuống triền. Cây cổ thụ lao nhanh, theo đà từ núi cao, rú lên một chuỗi tiếng động dài ghê rợn và lao xuống suối bằng một tiếng "ầm" rất lớn. Tôi lần theo triền núi, mon men xuống suối, tìm cây gỗ mình,lấy sợi mây rừng cột vào lổ bìm, rồi quàng qua vai, bì bỏm kéo theo dòng nước. Hình dung lại hình ảnh y chang bức họa thảm họa Cộng Sản ngày xưa ở miền Bắc. Áo quần lúc nầy te tua, nhưng quên hết vì sắp được ăn và nghỉ. Quanh bãi gỗ, toán vệ binh rãi đều dọc theo suối, chúng bước từng bước thận trọng. Vài anh tù cố lôi khúc gỗ nặng, gặp những lúc bị kê, kẹt lại trên gò đá chìm dưới mặt suối và khi cố ráng sức bừa qua, đôi chân vuột nhanh đạp mạnh xuống mặt suối làm tóe nước dội vào quần tên vệ binh đi tuần gần đó. Tên nầy ngước mặt nhìn trời cười nhẹ rất nham-hiểm rồi quay nhanh mũi súng AK vào người tù binh đang kéo gỗ và bắt lạy nó như tế sao. Trò thù nầy lũ vệ binh lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi ngày, anh em uất hận liếc nhìn nhau, nước mắt ứa ra, không nói một lời…

Khi kéo gổ vào bãi và cột lại cũng là lúc cơn mưa rừng trút xuống như cơn thịnh nộ. Bỗng khu rừng ào ào lên một khúc nhạc cuồng loạn do giòng nước chảy mạnh và vụt dâng lên từng phút từng phút một... Giây lát sau, cơn thác lũ dâng cao nửa lưng đồi. Gỗ mục, cây rừng, cành khô từ trên chóp núi chảy vèo như tên bắn. Khiếp nhất là chứng kiến một anh tù không rõ trại, vì nóng ruột trở về lán trại, liều lĩnh phóng qua và bị lùa vào luồng thác nước mênh-mông. Liền sau đó, tấm thân anh chìm nổi tuyệt vọng giữa bao hãi hùng sóng nước bị đánh giạt vào một bìa rừng. Toán đi rừng của Cương Phước Mạnh cũng chịu một số phận : Bên nầy suối khi thấy nước dâng, thúc ngược dần dần tràn ngược lên đỉnh núi và khi nước lớn quá, cả ba đành chịu lạnh, đói, lả, run người và chỉ còn cách cùng ngồi quây quần lại sưởi ấm cho nhau dưới cơn mưa rừng tầm-tã và sự hải hùng do thú từng đe dọa : Một đêm trường thức trắng trong rừng giữa cơn mưa lạnh !

Mới ba bốn ngày ở rừng sâu mà cảm thấy như lâu lắm. Những vắt cơm tiêu chuẩn đem theo vào ban sáng cứ lởn vởn quanh mình, tự nhủ như đong đếm thời gian bằng những công đoạn : tìm cây xong, chật hạ, đẽo cành và trổ bìm là tới bửa. Khi ngồi xuống xúc miếng cơm cũng là lúc những hạt mồ hôi rơi rớt, tôi cố tình cho nhỏ giọt vào chén cơm, nghe vị mặn mồ hôi mình lắng lịm vào từng tế bào thực quản. Nỗi niềm hạnh phúc làm người giúp tỉnh táo lại khi nhận ra mình còn may mắn đủ năng lực chống chọi với phong ba cuộc đời. Bữa cơm chiều nơi đây, thì giờ thư thả hơn, ăn như sợ hết, ăn trên giường mèn trước giấc ngủ say vì mệt, những hạt cơm được trân quý, trì đùa với thời gian, để nghe vị ngọt êm đềm lắng trôi vào bụng. Nhìn qua bên cạnh có Diệu, Tuấn, Long phè và xa hơn là anh Chót… những người đi quá lâu trong đời tù, trời cho luôn có nhau, trên mỗi chặng đường gian nan. Tuấn móm, trẻ đẹp trai có nụ cười vô tư rất duyên dáng và những câu chuyện ái ân hấp dẫn, ly lỳ ngày vợ chồng son nồng ấm bên nhau. Tuấn đem chia sẻ, kỷ niệm êm đềm và thơ mộng với anh em như sức mạnh để gượng lại những lần ngã chúi, sẩy bước trên rừng. Nhìn qua phía cuối dãy thấy anh Chót đang lim dim tụng kinh Phật. Cũng như mọi anh em, tôi thường bắt gặp nụ cười vô vi, hiền hòa của người anh đầy bản lỉnh và đức độ nầy như một tín hiệu hãy can đảm và xem thường trở lực.

Ai lên Ba Lòng đều phải sợ đĩa vắt và muỗi bòng hong. Chiều tối xong việc rừng mà đi cầu là phải liều lỉnh : Cần phải nhanh, động tác như trốn chạy, kéo quần xuống, xong việc là kéo ngược lại liền, sau đó vào chỗ ngủ tha hồ gãi. Bòng hong ở đây rất đông, dày kịt, chúng xông ngay vào đít và cắn như điên dại, cả ngày hôm sau hai bảng mông còn sưng vù và ngứa ngáy. Đó là chưa kể đến những con vắt nằm ẩn-kích trong chổ ấm như nách, háng. Khi thấy nhột nhột mới phát hiện ra chú vắt nằm thè lè một đống, bụng nung to như có chửa bằng máu.

Vào một ngày nắng ấm trên rừng, Diệu và tôi gặp một cây khế chín mọng. Gặp lúc đói bụng, cả hai trèo lên và hái ăn thỏa thích. Khi vừa no là lúc thấy đau bụng đòi đi cầu và khi tụt xuống chưa tới gốc cây thì miệng trên mửa, lổ hậu dưới tuôn tràn quần. Lết về tới trại với một cây rừng trên vai mà sao thấy đường đi xa quá trong khi hai đầu gối mỏi một cách rã rời. Đêm đó trăng tròn tháng tám Âm lịch, đúng tết Trung Thu, Diệu và tôi chạy liên tục ra vào hố tiêu. Khi tôi lao xuống suối tắm rửa cũng là lúc bạn mình bung ra một bãi phân do chạy không kịp đến hố phân. Trần Sùng, tên mà anh em đặt cho tên vệ binh quái ác nầy, kêu tôi lên dù đang trần truồng và đọc bản án :

- Mầy tắm không quần lót mất văn hóa, phải xử lý!

Cùng lúc hắn cũng ví Diệu vào:

- Xơi bãi phân nầy ngay!

Hai đứa nghẹn ngào, chỉ còn chờ chết! Thời gian trôi nặng nề. Anh em trong lán vén mùng nhìn ra, ai cũng rợn mình nghe tiếng cơ bẩm súng AK vang lách cách giữa đêm khuya thanh vắng... Kêu tên Chúa và niệm Phật cũng không kịp rồi. Trăng rằm sáng soi mồn một, tiếng suối vẫn róc rách và gió trên ngàn cây vẫn vi-vu thổi. Tôi chỉ thầm mong anh em năm sau xin nhớ lấy ngày…

Một bóng đen lướt tới kịp lúc, gạt cây súng và rỉ tai nhau. Tên vệ binh lẩm bẩm điều gì trong miệng, có vẻ không mấy hài lòng với người Cán bộ quản giáo vừa xen vào, chợt lấy đà, đá mạnh vào quai hàm tôi làm ngã lăn quay xuống tận bờ suối. Đau quá và phải lâu lắm mới định thần được một cách mơ màng mình đang ở đâu... thiên đàng hay địa ngục.

***

Ở rừng Như Xuân, Thanh Hóa, Phát đờn tình cờ được cắt cử thợ cưa cá mập với tôi. Năm tháng dài ngồi cắt gổ rừng bên nhau có dịp ôn lại nhau nghe những kỷ niệm Đà lạt thời hoa mộng thuở làm Sinh viên Sĩ quan Quân trường hiện dịch. Anh xuất thân Võ Bị quốc gia khóa 25, là phi công phản lực A37. Hai đứa vừa kéo cưa vừa nhắc chuyện xưa cho quên cơn đói : đồi Cù thơ mộng, thác Prenn tình tứ, nhà thờ Con Gà có những cặp tình nhân bên nhau cùng nguyện cầu... Từ chốn rừng sâu nầy, tôi thấy bớt cô đơn nhờ ở gần một tài năng đúng với tinh thần đa hiệu. Phát nhiều tài, sửa máy radio, đai đen thái cực đạo, kiến thức phổ thông sâu rộng, nguồn sinh ngữ Anh, Pháp phong phú và đặc biệt nhất là đa tài âm nhạc. Anh giỏi về ký‎ âm pháp và xuất sắc về Tây ban cầm. Tiếng đàn của anh thu hút mọi người như một ma lực, níu kéo và ru ngũ thần tình, kể cả những ai có tâm hồn chai đá nhất. Những buổi trưa không ngủ, anh mượn cây đàn ghi ta của Văn đù và khi cao hứng, anh độc tấu những bản nhạc cổ điển Tây Phương như Love story, Romeo & Juliette, Paloma, Green field, God Father... thế là nguyên một lán trại không ngủ, ngồi sững nghe anh đàn…thời gian trôi như vô tình khi tiếng kẻng báo giờ lao-động ban chiều. Hiển luật sư, người ngang bướng và khó tánh nhất cũng thè thẹ ra ngồi trước góc lán, gật gù thú vị, cố níu từng chuỗi âm thanh trân quý‎ khi nghe bài độc tấu Cô Láng Giềng của Hoàng Qúy trước khi lật đật trở về chuẩn bị ra rừng lao động cùng anh em.

Bên trong lòng hồ sông Mực, giữa cơn đói lạnh kinh hồn trong một thời gian vô định, sắn Tây nguyên, bo bo kèm với rau tàu bay, môn thục cọng với canh đại dương (nước muối) đã bào mòn sinh-lực của một thế hệ. Những dũng sỉ ngày nào giờ như những khối thịt xác xơ di động. Lẽ sống giữa những vô vọng là anh em, là tình người, là đồng đội. Nổi buồn mất nước, xa gia đình, người thân ly tán qua nét ưu tư trên vừng trán nhăn nhiều người với đôi mắt xa vời, bên giấc ngủ dằn vặt thao thức trong khoảng không gian thời gian rời rạc mãi chầm chậm trôi. Trong âm thầm, ai cũng mong mỏi chút ánh sáng cuối đường. Những tổ ấm tự động hình thành, chống đở bạo lực của thời gian đang dũa mòn : Giữa lán là Chút dù ăn cơm với Chiến méo, Bá ngồi chung mâm với P Hiền và Kỳ Thế, Cương Phước Mạnh san sẽ với Hoạch, Diệu với Long phè, Tính lé với Huê và Tâm bụng, Tuấn móm với Huệ Phùng, bên kia có Thục với Cẩm và Tá Trực, Phát với Hương đẽo, Thống Alain kèm với Chuân Costguard… Họ sống như dưới một mái gia đình với tâm sự nhỏ to chuyện đời, chuyện lính, chuyện tình yêu trước khi tan đàn sẩy nghé, và đặc biệt cuối lán có Hiển luật sư ngồi ngúc ngắc nhún nhẩy rất khó hiểu, lại hòa điệu bên cạnh độc cô Lương Tử Anh. Thời gian tù tội cứ trôi như vậy đó!

Tiếng đàn của Phát có Thu đệm phụ họa làm thời gian không buồn trôi. Nước sông Mực và công tù trên rừng ngàn Đô Lương lâu quá rồi cũng đến đoạn cuối, nghĩa là không còn miếng mồi vờn vĩnh, gợi khêu, dụ dẫm được về sớm nữa rồi. Mỗi tối sau một ngày vất vả, trả xong nợ đời, anh em ngồi lại, tựa vào vách nứa, thưởng thức những âm giai ngọt ngào, nhẹ nhàng làm gợi nhớ bao kỷ niệm êm đềm, thơ mộng đầy dấu vết tình yêu thời hoa mộng... Một ngày qua, một tháng qua, rồi một năm qua, và tuổi đời tiếp đi qua…cho đến một ngày chúng ta trả lại núi rừng Thanh Hóa với Như Xuân hơn một năm lưu đày có đói, lạnh, có bạo lực thù hằn,nhưng cũng là nơi có tình người cảm thông, gắn bó và chia sẻ và cũng nơi có ba người đồng đội nằm xuống trong giấc ngủ không an giấc nghìn thu…

***

Dưới chân đồi Bastogne, trại 3 Bình Điền nằm giữa một thung lũng bao quanh toàn đồi núi chập chùng. Trại được thành lập trước đó khi anh em tù Quân đội còn ở Thanh Hóa, Ái Tử. Giã từ xứ Cọp Ba Lòng nay đến chốn Ma Bình Điền, những ngày đầu của "người về đơn vị mới", trừ tổ rèn của Xuân bệ, Quyến, Dương, Thanh Bảo và lán anh nuôi, đa số anh em được tung vào rừng để phát quang, khai khẩn. Cuốc rựa quen thuộc thành thân yêu mỗi ngày cứ đều đặn sáng đi chiều về. Toàn lán dàn đội hình hàng ngang, vệ binh cầm AK47. Ngồi phía sau vừa coi tù vừa soi gương nặn mụn. Anh lán trưởng vừa làm vừa đốc thúc anh em, cứ vờ hò hét ra hiệu cho anh em trở lại động tác phát rẩy hoặc cuốc đất khi có biến. Bastogne gợi nhớ chiến trường xưa làm buồn hận những dũng sĩ như Phú Tề, Tảo, Quế, Bông…khung cảnh làm đau lòng như tâm trạng Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ:

"Gậm một khối căm hờn trong củi sắt.
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua"

Cây cối to nhỏ biến dần dưới những nhát rựa, thỉnh thoảng tù nhân bắt gặp một chiếc giày bố có nắm xương khô trong đó, một chiếc nón sắt, chiếc xẻng đào đất nằm lẻ loi dưới một lùm cây, bên một góc đồi… người tình không chân dung phải u-uất sầu hận, hồn vương vấn đâu đây :

"Hỡi người Chiến sĩ đã để lại chiếc nón sắt bên bờ lau sậy nầy.
Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu…"

Đôi ngày khi phát quang trên rừng, anh em tù đội 4 và 5 thường thấy Lê Phiếu đứng ngẫn ngơ nhìn lên bầu trời, đôi chân bất động trên đôi dép râu cũ kỷ, quên cả chiếc rựa đang cầm tay. Trên vùng không gian bao la, hai chiếc phản lực siêu thanh đang thực tập nhào lộn, rẻ cánh, hợp đàn, triệt năng. Tốc độ gầm rú như xé cả không gian, âm thanh dội ngược từ dãy núi cao trước mặt nghe như rung chuyển cả sơn hà. Người phi công trẻ, cao lớn đó, một thời đầy khí phách và kiêu hãnh của Quân đội VNCH, từng đã ngang tàng trên vùng Không gian đất nước khi phục vụ trong Phi đoàn F5 E không chiến Hồng Tiễn.

Đầu năm 1979, đồi Bastogne lạnh ghê hồn. Những lần ra ngoài lao động nhìn mặt nước một màu đen thui, làm chim trời không buồn ló dạng, vượn không buồn hú ban mai… Lâu ngày chuyện gì cũng qua, mới đó mà đã hết bốn cuốn lịch rồi.

Đêm Giáng Sinh vừa rồi qua đi không lặng lẽ, nhiều anh em nhịn phần ăn, đợi đến nửa đêm, chờ canh thức. Nhìn quanh thấy bạn mình ngồi quyện trong những chiếc mền, đầu cúi xuống. Trước đó, Phát đờn gảy lên những bản Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời, Đêm Thánh Vô Cùng, Tà Áo Đêm Noel... những bản nhạc đến quá đúng lúc, đúng tâm trạng đã tạo một nét xúc động dâng tràn. Nhiều anh em như Cường Đốc Sơ, D Thật,.. muồn nín thở, như được sưởi ấm, như được vỗ về bằng sự hồng-ân Thiên Chúa trong giây phút thiêng liêng nầy.

Đêm giao thừa đến như không hẹn, bất ngờ. Một ngày cuối năm đóng cửa rừng, dọn dẹp dụng cụ, lãnh tiêu chuẩn Tết, lên Hội trường ngồi đón xuân và về lán nghỉ. Cổng trại được khóa kỹ lưỡng.

Về đến đội, khi mọi người nằm dài trăn trở, buồn suy tư nợ nước tình nhà. Giữa giây phút giao thừa thiêng liêng nầy thì tiếng đàn của Phát đờn và Thu đệm do nổi rạo rực một năm mới sắp về chợt vang lên. Những bản nhạc mùa xuân tấu lên nhịp nhàng: Xuân Đã Về, Ly Rượu Mừng, Anh Cho Em Mùa Xuân… Chuổi âm thanh ngọt ngào thần diệu bốc lên khi dồn dập, khi réo rắc như mang pháo tết, mang người thân, người tình về nơi đây. Không gian rộn rã như có hoa pháo ngập tràn. Tiếng đàn như thúc dục đứng lên, như gọi ta về với yêu thương và hạnh phúc.Tiếng đàn giữa đêm xuân như dứt đoạn sợi dây xiềng oan trái, như phá vỡ không gian đã đọa đày tù tội. Tiếng đàn đem về bao nỗi nhớ, thỏa thê bao ức nén tội tình. Mùa xuân thực sự đến bởi trong lòng hoan ca, chấp nhận và thách đố thương đau. Tiếng đàn khơi lại bao mùa xuân dĩ vãng, có những cánh chim mang tình yêu và hy vọng tìm về. Tiếng đàn làm sống lại tràn trề nghĩa tình yêu thương cho người tình, cho người thân và cho cả quê hương đang điêu linh. Tiếng đàn lãng đãng như mây khói vô hình để bạo lực và dọa dẫm đứng bên lề. Tiếng đàn tiếp vang xa, xoáy sâu vào cõi không gian xa vắng của đêm giao thừa và dẫn lối cho những cõi lòng khát khao mùa xuân tìm ngồi lại. Tiếng đàn bất chấp vòng kẽm gai vây kín với lũ cai tù súng đạn gườm vây quanh. Góc lán đội 5 của Bá, Chiến đầy người, các đội khác quy về ngồi, đứng, ngồi mê miệt lắng nghe. Âm thanh vẫn mồn một, nốt nhạc như sứ điệp nàng xuân tuôn tràn hả hê trên mỗi tâm hồn lữ thứ tha phương.

Mùa Xuân trong đời với kỷ niệm khó quên đã trả giá cho khoảng năm mươi người khăn gói lên đường lưu đày đi trại khác. Bao nhiêu năm tha phương, duyên nghiệp đời người đẩy đưa những tù nhân ngày xưa cũ đó đến đất nước Hoa Kỳ với nhiều bù đắp cho tình thương và hy vọng. Hạnh phúc đời người đến như mơ giữa lòng nhân đạo của người dân đồng minh cũ. Đằng sau những tiện nghi cao sang và văn minh vật chất đầy đủ, khi nhớ về ngày cũ, trại cũ, bạn tù cũ và lúc đi tìm những dư âm, hình bóng cũ… trong một lần họp mặt Ái Tử Bình Điền tại Dallas 11/2007, cựu tù Đ. Ngãi thổn thức:

- Trong lòng cứ mong gặp và nghe lại tiếng đàn của Văn Phát, Thu Đệm vì không nơi nào, lúc nào kể cả Paris By Night, Asia đề không thể so sánh được nguồn hạnh phúc tâm hồn bao la, lòng rung cảm tuyệt vời bằng kỷ niệm và hình ảnh đầy ấn tượng của đêm GIAO THỪA NĂM ĐÓ đó ở trại 3 Bình Điền.


Hoa Biển