PDA

View Full Version : Chuyến Xe Buýt Đầu Đời



Longhai
09-21-2016, 01:10 AM
Chuyến Xe Buýt Đầu Đời


Tâm Nguyên


Câu truyện ngắn nhân Mùa Tựu Trường của các con cháu.

(Thân gửi đến Quý H.O đã nhiều năm định cư tại Hoa Kỳ - một chút tình thương mến gia đình cùng xẻ chia.
Đặc biệt riêng tặng những người con yêu vẫn hết lòng lo lắng chăm sóc cho cha mẹ già đang ở tuổi cuối đời.)
Tâm Nguyên

***

Phillip Phú là tên gọi thằng con trai út của tôi. Năm đó nó vừa lên năm tuổi.

Lần đầu tiên trong một buổi sáng, nó phải tạm xa lìa căn phòng chôn chặt tuổi thơ, với biết bao tình cảm thương yêu tràn đầy của cha mẹ, của người anh ruột, của chiếc giường với nệm ấm chăn êm, với những con thú nhồi bông mà nó vui đùa, hay ôm ngủ mỗi đêm.

Cả tháng trước đó, chúng tôi đã sắm sửa cho Phillip một chiếc túi nhỏ đựng một cuốn tập, một cây bút chì. Mẹ nó cũng không quên, bỏ vào cho nó một hộp chì màu, và ân cần dặn bảo thằng con bé bỏng:

- Đi học cho thật giỏi, mẹ thương nghe; mẹ cho một hộp chì màu con thích nhất nè, mang theo mà tô hình cho thật đẹp;về mẹ thương, mẹ thưởng cho nghe… học giỏi cô thương, ba mẹ thương, ai cũng thương con hết; học giỏi sau nầy lớn lên, đi làm có nhiều tiền về cho mẹ nghe…

Thằng bé cũng nghiêng tai, chăm chú lắng nghe, nhưng chắc không hiểu gì nhiều, rồi ngước mặt nhìn mẹ, mỉm cười. Mẹ nó cũng không quên gói theo cho con vài cái bánh ngọt, mấy cục kẹo thơm ngon. Thằng bé lại nũng nịu vói tay đòi hôn mẹ. Thế mà, ngày mai nó phải một mình lần đầu đến trường học. Nghĩ tới đó, mẹ ôm siết nó vào lòng mà rơm rớm nước mắt.

Ở nhà, mẹ nó đã tập cho viết hai mươi bốn chữ cái. Nó có thể đọc làu làu những con số từ một đến một trăm bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Nó còn biết làm vài con tính cộng trừ. Hằng ngày vui chơi với trẻ con hàng xóm người Mỹ, ở nhà xem TV, anh nó cũng chỉ thêm cho một số tiếng Anh; nên chúng tôi rất vui mừng và hãnh diện khi thấy nó có thể nói và hiểu những câu nói thông thường qua hai thứ tiếng Việt và Mỹ. Chúng tôi cũng ý thức rất rõ ràng mối nhục quá lớn lao: là người Việt mà không biết nói tiếng Việt. Nên cũng thường xuyên tập cho nó nói tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra nó còn lõm bõm nói được vài câu tiếng Mễ.

Vì là lần đầu tiên đưa con đến trường, nên chúng tôi đã hết sức cẩn thận làm mọi cách để con mình được an toàn tối đa. Mẹ nó còn căn dặn kỹ phải giữ yên lặng trong lớp học, nghe lời cô giáo dạy bảo. Không làm điều gì xấu khiến cho người ta khinh chê người Việt của mình… Tôi dư biết, chỉ vì tấm lòng bao dung, yêu thương con quá lớn, nên mẹ nó mới ân cần khuyên bảo nó đủ điều như thế. Nhưng mọi thứ đối với Phillip đều quá mới mẻ và hoàn toàn xa lạ.

Đặc biệt tôi cũng không quên viết tên cha mẹ, địa chỉ nhà cùng số phôn trên một trang giấy, kẹp vào túi xách và một mảnh giấy nhỏ khác, cẩn thận bỏ vào túi áo của nó. Chúng tôi cũng không quên cầu nguyện Ơn Trên, luôn chăm sóc gìn giữ và soi sáng cho tương lai của nó. Đến sở làm, là tôi gọi ngay về nhà thăm hỏi. Lòng vui mừng được nghe mẹ Phillip tường thuật mọi chi tiết về buổi sáng, lần đầu tiên đưa con lên xe buýt đến trường theo lời hướng dẫn của cô giáo. Bằng một giọng nói đầy thương yêu và cảm động khi nhắc lại mới ngày nào mình cũng được mẹ hoặc bà ngoại cầm tay dẫn bộ tới trường. Và luôn luôn cho rằng con cháu ngày nay được may mắn và sung sướng hơn mình bội phần. Tôi cũng nhẹ nhàng nói đôi lời an ủi mẹ nó. Thời gian làm việc tại bàn giấy trôi đi thật chậm. Tôi nhiều lần nghĩ tới vẻ mặt ngơ ngác của nó khi gặp gỡ những đứa bạn mới và cô giáo mà nó chưa bao giờ quen biết. Lòng tôi bồi hồi cảm động như chính mình đang lần đầu tiên đến trường. Tôi tiếp gọi điện thoại về nhắc nhở mẹ Phillip cố gắng thu xếp mọi việc để có thể ra trạm xe, đón con cho thật sớm. Nhưng lòng vẫn cảm thấy không được an ổn lắm. Tôi lại xin phép sở cho về sớm hơn thường lệ.

Từ xa, tôi an tâm khi thoáng thấy mẹ Phillip đang đứng dưới bóng cây cạnh chỗ xe buýt dừng. Ngay lúc đó, chiếc xe buýt dài màu vàng, từ từ tắp vào đậu sát bên mé đường, trong khi hai chiếc đèn đỏ sang trưng, nhấp nháy liên hồi. Chúng tôi cùng nhau mau lẹ tiến tới sát bên hông xe. Nhìn ngang cánh cửa xe vừa mở, tôi tưởng tượng hình dáng thằng con đang vui mừng chạy ào ra để ôm chầm lấy cha mẹ. Nhưng bỗng dưng mỗi giây phút trôi qua, tôi càng thêm bối rối. Trên chiếc xe to lớn kia, không thấy bóng dáng một đứa trẻ con nào. Vợ tôi đã hoàn toàn mất tự chủ; vừa khóc vừa chạy ào tới bên cánh cửa vội vã hỏi người tài xế da đen:

- Where is my son? (Con tôi đâu?)

Người tài xế trẻ với vẻ mặt đầy tự tin, nhún vai, lên tiếng trả lời:

- He is sitting… right behind me! (Nó ngồi ngay phía sau tôi đây)

Nhưng khi anh ta quay đầu lại thì nét hốt hoảng hiện ra trên khuôn mặt biến sắc. Anh ta bỏ tay lái, vụt đứng dậy, vòng ra phía sau, nói lớn tiếng:

- He just sat down here… right here! (Nó vừa mới ngồi đây… ngay đây mà!)

Lập tức như linh cảm một cơn đại nạn đang ập tới, tôi vội bước nhanh vào xe, vừa kêu vợ tôi phải về nhà mau, may ra có thể nghe được một cú điện thoại báo tin nào. Tôi mau chóng giục người tài xế nhanh tay lái xe trở lại những con đường mà anh vừa chạy qua để thả những đứa bé xuống. Anh đã làm theo lời yêu cầu của tôi. Lúc đầu còn có vẻ bình tĩnh đôi chút. Nhưng khi vượt qua những con đường quen thuộc theo chuyến hành trình đưa rước học sinh, thì tôi thấy anh tỏ ra vô cùng lo lắng.

Tôi thúc giục anh báo cho sở Cảnh sát địa phương, đồng thời gọi ngay về trường xin ý kiến giúp đỡ cấp thời.

Vài chiếc xe Cảnh sát hú còi, tới tấp chạy trên đường, khiến cho quang cảnh càng thêm căng thẳng. Lòng dạ tôi như lửa đốt khi bất chợt nghĩ tới đứa con mình chắc chắn đã bị lạc mất rồi. Nghĩ tới những bất hạnh xảy ra cho nó mà tôi thấy lo sợ hơn. Hai bên đường xe cộ vẫn qua lại tấp nập. Những con đường dẫn vào trường giờ này lại vắng lặng một cách ghê rợn. Tôi ngước mắt nhìn lên trời cao mà chẳng còn thấy gì, ngoại trừ một tấm màn vô vọng trắng xóa. Tim đập như muốn vỡ tung giữa lồng ngực trong nỗi đớn đau tột cùng. Giây phút nầy, tôi bỗng chợt nhớ tới ơn thương xót đã bao lần cứu độ mình thoát qua những cơn giông tố phũ phàng trong cuộc đời. Tôi gục đầu trên chiếc ghế da, chấp hai tay cầu nguyện Ơn Trời : Xin một lần nữa dang tay cứu giúp, cho gia đình tôi được tai qua nạn khỏi. Có lúc, tôi thấy mình như đang lâm vào một ngõ cụt không lối thoát mà lòng đau thương xót xa vô cùng tận. Thằng con nhỏ giờ nầy đang ở nơi đâu? Nghĩ tới bộ mặt dễ thương của nó, đang ngơ ngác nhìn người lạ mặt mà tưởng ai cũng hiền lành, thương yêu, như cha mẹ mình, tôi lại càng thấy xót xa thêm. Trên đời, có mấy ai giữ được bình tĩnh trong những giây phút nầy. Riêng tôi, với biết bao nỗi chua cay, thống khổ đã đi qua trong cuộc đời. Với những năm tháng dài vô tận. Bị vùi dập trong các trại tù giam của Cộng sản, trên khắp hai miền Nam Bắc Việt Nam; Quê hương của những đắng cay và đau khổ tột cùng. Tất cả những gì bất hạnh nhất mà cuộc đời đã dành cho tôi là ở chốn quê nhà trong những ngày xuân trẻ. Mà thực sự, những bất hạnh khủng khiếp đó gom lại, cũng không thể nào làm cho tôi đau xót hơn là khi nghĩ tới việc tự dưng phải mất biệt đứa con nhỏ thơ ngây yêu dấu của mình.

Ngồi trên chiếc xe buýt, ngay trên hàng ghế dài, mà chỉ vừa mới đây, có lẽ nó đang cười vui với những người bạn nhỏ mới quen. Hoặc cũng có thể đang nôn nao chờ giây phút trở về bên mẹ. Tôi nghĩ tới giờ nầy chắc vợ tôi, lòng dạ cũng đang rối bời như tôi.

Khi chiếc xe quay đầu trở lại bãi đậu xe, thì tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng…

Giữa giờ phút bi thảm đó, chợt có tiếng chuông reo trong bộ máy điện đàm treo ngay phía trước mặt. Người tài xe la toáng lên:

- What? What are you talking about? He… was found? (Hả, bà nói gì?... Tìm ra rồi hả?...)

Chưa nghe dứt câu trả lời, anh tài xế mừng rỡ quay mặt về phía tôi nói thật to:

- He was found! (Thấy nó rồi)

Tôi như người đang mộng du, bán tín bán nghi, hỏi ngay:

- What? What did they find out? ( Hả, họ tìm thấy cái gì?)

Mới đầu tôi nghĩ họ đã tìm ra địa chỉ nhà của chúng tôi. Sau khi nghe tiếng bà Hiệu Trưởng đòi nói chuyện với tôi thì tôi mới tỉnh cơn mê. Bà báo cho tôi biết đã tìm ra Phillip và yêu cầu tài xế đưa tôi đến ngay địa chỉ mà bà đã cho.

Khi chiếc xe dừng lại, tôi lao xuống thật nhanh. Người Cảnh sát đang có mặt tại đó chặn tôi lại, hỏi han tên tuổi. Tôi thật sự vui mừng khi thấy trên tay của ông ta đang cầm tờ giấy mà tôi đã ghi tên, số phôn và địa chỉ nhà của mình. Người cảnh sát còn yêu cầu tôi lập lại số nhà hai ba lần, rồi mỉm cười dẫn tôi băng qua khu vườn đầy hoa lá để bước vào ngôi nhà to bên cạnh. Tiếng chuông reo vang. Một người đàn bà Mỹ trắng xuất hiện sau cánh cửa mở toang. Bà đã mau mắn mời tất cả chúng tôi cùng bước vào nhà. Tôi như người chết đi, sống lại. Rõ ràng, thằng Phillip con tôi, đang ngồi ăn bánh ngọt, uống Sô cô la, nói cười vui vẻ với hai đứa con gái nhỏ xinh xắn của gia đình người Mỹ tốt bụng nầy. Người đàn bà Mỹ cho hay, do lỗi người tài xế bất cẩn, đã không theo dõi thật kỹ khi đám trẻ rời khỏi xe để gặp cha mẹ của chúng. Có lẽ vừa khi Phillip thoáng thấy có dáng người đàn bà giống mẹ, đã nhanh chân theo những đứa bé khác, nhảy vội xuống khỏi xe. Mọi người réo gọi theo, nhưng chiếc xe đã rời đi. Bà Mỹ thấy Phillip không có ai đón nên lo lắng lắm và quyết định đưa nó về nhà cùng với hai đứa con nhỏ của bà. Bà cũng hết lời khen ngợi tôi. Nhờ giấy ghi địa chỉ trong túi áo thằng bé nên bà đã dễ dàng thông báo cho sở Cảnh sát địa phương cùng Văn phòng nhà trường. Chính người Mỹ giàu lòng nhân ái nầy cũng đã gọi báo tin cho vợ tôi đang bù lu bù loa khóc lóc ở nhà.

Ngay lập tức, tôi chạy tới, dang tay ôm siết thằng con vào lòng giữa nụ cười cảm thông của viên Cảnh sát và gia đình người Mỹ kia: Họ chính là những ân nhân tuyệt vời của chúng tôi.

Thêm một lần nữa, tôi muốn quỳ sụp xuống để lạy tạ ơn Trời, tạ ơn người, vì đời vẫn còn biết bao tấm lòng nhân hậu đẹp đẽ vô cùng. Tôi vừa cảm nhận được những giây phút tuyệt vời, cực kỳ hạnh phúc trong đời mình.

Tôi muốn chấm dứt câu chuyện ở đây với những lời nhắn nhủ những người con yêu trong mọi gia đình: Hãy hết lòng yêu thương, tôn kính cha mẹ mình. Vì cha mẹ sẽ sung sướng biết bao khi các con vẫn còn ở trong vòng tay êm ấm của gia đình. Cha mẹ có thể tận tụy ngày đêm chăm sóc và nuôi dạy các con nên người tốt trong xã hội. Khi biết được tình thương các con bao la như trời biển, thì các con ơi, hãy làm mọi điều để cho cha mẹ được vui lòng. Kẻo mai đây, khi lớn khôn, dù con có tài giỏi tới đâu, hoặc sống trong một khung trời quyền quý cao sang tới bậc nào đi nữa, cũng chẳng bao giờ có thể tìm được một thứ tình yêu quý báu và lớn lao hơn là tấm lòng của cha mẹ đã dành cho các con. Và không có gì có thể bù đắp nổi khi các con không còn ở trong vòng tay thương yêu trìu mến của các Người…



Tâm Nguyên
Portland, OR
(NT1 Nguyễn Lương Tâm)