PDA

View Full Version : Người Việt lênh đênh trên Biển Hồ (Tonle Sap)



KiwiTeTua
09-14-2016, 07:41 AM
<iframe width="800" height="450" src="https://www.youtube.com/embed/EfJvPeK764M" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>


<iframe width="800" height="450" src="https://www.youtube.com/embed/JyaGIaLIaPk" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>


<iframe width="800" height="450" src="https://www.youtube.com/embed/Bu2k7-7WSD4" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>


Người Việt lênh đênh trên Biển Hồ (Tonle Sap)
Sỹ Hoàng

Tonle Sap ở Siem Reap (Cambodia) nổi tiếng là một biển hồ rộng lớn bao la và có rất nhiều sản vật tôm cá. Người Việt tập trung sinh sống ở đây khá nhiều, đa phần sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và buôn bán nhỏ.



http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1473221757-2.jpg
Một em bé người Việt dùng con trăn để kiếm tiền từ du khách


Tuy thế, phải tới tham quan đời sống nơi Biển Hồ mới thực sự thấu hiểu thế nào là sự lênh đênh, khốn khó và thiếu thốn của Việt kiều Cam-pu-chia nơi đây.

Con cái là công cụ kiếm tiền
Khác với người Việt sống trên cạn có thể làm rất nhiều công việc để kiếm sống, người Việt vùng Biển Hồ chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt cá. Vì thế, con thuyền (cũng chính là ngôi nhà) và những dụng cụ thô sơ như: Lưới cá, dây câu, đăng chài... là những thứ thiết thân với họ. Người càng ngày càng đông thêm mà sản vật thì lại có chừng có hạn. Lượng thủy sản ngày càng ít đi do môi trường nước ở Biển Hồ ngày càng ô nhiễm. Thế là một số người đã tìm cách khác để kiếm tiền.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1473221824-3.jpg
Khi thấy có thuyền du lịch đến, những đứa bé được bố mẹ chèo thuyền đưa đến để xin tiền du khách

Từ khi lượng khách du lịch đổ về đây nhiều, nhiều bậc cha mẹ đã biến trẻ em trở thành công cụ “moi tiền” du khách. Mỗi khi có tàu chở khách du lịch ghé vào tham quan các làng nổi, thường có vài ba chiếc thuyền nhỏ chở trẻ em đeo bám theo để bán hàng rong hay xin tiền. Cha mẹ hay anh chị lớn cầm lái, còn các em nhỏ làm duyên để khách chụp hình rồi xòe tay xin tiền khách (thường là 1 USD hay vài ngàn riel). Có những em bé chỉ mới vài tháng tuổi cũng phải lênh đênh dầm mưa dãi nắng theo cha mẹ hay anh chị đi xin. Ðiều này đánh động lòng thương cảm của du khách nên thường được cho tiền.

Trẻ em ở đây đa số không được học hành, dù có trường dạy tiếng Việt miễn phí. Cha mẹ các em dùng các em làm công cụ để kiếm sống từ sự thương hại của các du khách. Việc bám theo tàu khách du lịch rất nguy hiểm. Khi áp sát tàu khách, các em nhỏ thường nhảy từ thuyền nhỏ qua tàu hay đứng trên thành tàu rất dễ té ngã. Có trường hợp bởi vì cha mẹ hay anh chị bất cẩn không để ý, một vài em bé đã rớt xuống hồ chết đuối.

Cư dân sống ở đây thường nghèo đói, thất học và đông con. Có một bà mẹ mới 25 tuổi nhưng đã có 5 đứa con, đứa nhỏ nhất mới có vài tháng tuổi đang nằm đong đưa trên chiếc võng nhỏ. Khi được hỏi cha mấy đứa bé làm gì thì mấy đứa nhỏ nhao nhao lên rằng: “Cha con ốm nằm nhà. Cho tiền đi! Cho tiền đi!” Dường như chúng đã được dạy dỗ, “mớm” lời trước đó.

Do sống lênh đênh suốt ngày trên nước, trẻ em ở đây thường hay bị các bệnh da liễu như: Lác, chàm, lang ben, ghẻ lở, mụn cóc... Nguồn nước tại Biển Hồ ngày càng bị ô nhiễm, khi hồ tĩnh lặng ta thấy trên mặt nước có một lớp màng màu xanh lá cây. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ vô tư tắm rửa giặt giũ bằng thứ nước đó. Hiện nay, có khoảng trên 900 hộ gia đình người Việt (với khoảng 6,000 người) sinh sống trên 15 làng nổi ở Biển Hồ này.

Nghèo chơi với nghèo
Trên Biển Hồ có một vài hộ gia đình người Việt là khá giả (so với người ở đây) có thuyền lớn, nhà hàng nổi và nhà trọ qua đêm cho khách du lịch. Có hộ còn đóng bè nuôi cả cá sấu để khách ghé chơi chụp ảnh lưu niệm và sẽ bán cá sấu cho các cơ sở chế biến da cá sấu thành đồ trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, “nhà giàu” ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Hơn nữa, trên Biển Hồ cũng có sự phân biệt giai cấp, phân chia khu vực rất rõ ràng. Những hộ gia đình giàu thường neo thuyền gần nhau, còn những hộ nghèo thì do mặc cảm, tủi phận cũng tránh xa khu “nhà giàu” mà kết lại chơi với những nhà thuyền nhỏ có điều kiện tương tự như mình thôi. Thấp thoáng vài ba hộ cũng có nuôi heo, gà, vịt “trên mặt nước” để cải thiện đời sống.

Anh T., 25 tuổi, một thanh niên nhà nghèo ở đây cho biết: “Nghèo ở đây có hai loại: Một loại siêng năng làm ăn kiếm sống bằng sức lao động của chính mình, còn loại kia thì chỉ biết ăn nhậu bài bạc rồi xòe tay ra xin tiền du khách”. Anh cho biết có nhiều bậc cha mẹ chỉ ngồi ở nhà ăn xài từ số tiền con cái kiếm được. “Những người đi ăn xin toàn là người Việt mình mới đau. Không biết sự tự trọng của họ để ở đâu nữa?” - anh bức xúc.

Tôi có một người bạn tên H., làm việc ở Jesuit Service, có tổ chức những lớp học hoàn toàn miễn phí (cả tiếng Việt và tiếng Khơ-me) cho các trẻ em Việt Nam trên Biển Hồ. Tuy nhiên, số lượng trẻ theo học cũng rất lèo tèo và “bữa đực bữa cái”. Anh H. cũng rất bức xúc khi thấy tình trạng người Việt bám theo xin tiền du khách. Anh nói: “Vận động cha mẹ cho mấy em đi học thì họ nói tụi nó đi học lấy ai kiếm tiền cho tui đây? Thế là bó tay luôn!” Chỉ có bữa nào được thông báo trước là có phát soup miễn phí hay bánh kẹo thì lớp học miễn phí ấy mới đông đảo, vui nhộn.

Khi thấy một em bé gái khoảng 5-7 tuổi cởi trần, trên mình khoác một con trăn to làm trò để du khách chụp hình, tôi hỏi mẹ em bé: “Sao chị không cho nó đi học? Bên kia có trường dạy học miễn phí mà? Học để sau này có tương lai chứ!” Chị ta trả lời rằng: “Cần gì đi học anh ơi! Chỉ cần no bụng là đủ rồi! Bữa nào rảnh thì cho nó đi học chút chút để biết tính cộng trừ nhân chia đặng mua bán hàng hóa là đủ...”

Về đâu?
Vào ngày Chủ Nhật hàng tuần, tại ngôi nhà thờ nổi Chong Khneas hoặc Prek Toal (đều là của Jesuit Service) có cử hành thánh lễ và có bữa trưa miễn phí: Cháo, bánh mì... Người dân ở đây dù có đạo Công Giáo hay không có đạo, dù là người Việt hay người Campuchia đều đến tụ họp ca hát, dự lễ rất đông đảo. Ðúng thật là “có gạo, có cháo thì có đạo”!


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1473221936-classes.jpg
Lớp 1, lớp 2 học chung trong một phòng học của Jesuit Service tại nhà thờ nổi Chong Khneas. Jesuit Service (JS) là một tổ chức hoạt động của Dòng Tên

Tuy tình hình quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia đã cởi mở và thoải mái hơn xưa, mối quan hệ giữa người Việt và người Campuchia đã xích lại gần hơn, nhưng người Việt vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như việc làm giấy tờ tùy thân (làm CMND Campuchia phải có người Campuchia đỡ đầu và tốn kém hơn 1,000 USD), việc mua bán và xây dựng nhà cửa, cho con cái đến trường học Campuchia... Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng rất ít người dân ở đây có con em có trình độ Đại Học, Cao Đẳng.

Khó khăn không những chỉ về điều kiện vật chất (tiền bạc), hay điều kiện địa hình (trên nước nên đi lại bất tiện, tốn kém) nhưng còn cả điều kiện về ý thức-quan niệm sống (do thất học, kém hiểu biết nên không biết nhìn xa, không phấn đấu vươn lên để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo). Khi được hỏi về những suy tính dự định trong tương lai của họ, tôi toàn bắt gặp những tiếng thở dài xa xăm...

Nếu không tìm cách thức sinh sống khác đi mà chỉ biết dựa dẫm vào lòng thương hại của du khách và quà cáp của những chuyến từ thiện, công tác xã hội ghé ngang đây thì cuộc sống người Việt nghè khó sẽ mãi không có lối thoát. Họ sẽ chỉ biết ăn sẵn những con cá người ta cho mà không biết tự mình cầm cần đi câu lấy cá. Thân phận họ cũng giống như những chiếc thuyền mãi lênh đênh trên Biển Hồ mênh mông. Nếu không tự câu, sẽ không có cá...


*******

Người Việt ở Biển Hồ

Đầu năm 2007, chúng tôi có dịp đến Tonle Sap Lake - người Việt thường gọi là Biển Hồ. Tại đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống của những phận người Việt trên xứ người.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1473222073-1.jpg

Cuộc đời như con cá lội
Cách trung tâm tỉnh Pursat 30 km về phía nam, xã Pung - Luông, huyện Ka - Kô là nơi có số lượng người Việt sinh sống đông nhất của tỉnh. Trên chiếc tắc-rán, chúng tôi được ông Huỳnh Lũy - Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Pursat đưa vòng vèo qua các dãy nhà nổi của bà con người Việt. Biển Hồ đang là mùa khô, theo quy định của Chính phủ Campuchia, bà con không được đánh bắt cá lớn vào mùa này, vì thế đa số bà con đều thất nghiệp.

Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền trên khuôn mặt rám nắng, bà Nguyễn Thị An, ở ấp 5 trầm ngâm kể lại những tháng ngày lênh đênh trên sóng nước: "Sinh ra và lớn lên ở đây với nghề đánh bắt cá. Khi Campuchia có chiến tranh, gia đình dắt díu về Châu Đốc, An Giang sinh sống. Về đó, cả gia đình không biết làm gì ngoài nghề cá, mà cá ở dưới đó không nhiều, vì thế sau khi Campuchia hết chiến tranh, chúng tôi lại ngược thuyền về đây sinh sống". Nhìn gia sản của gia đình bà An, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ngoài những vật dụng cần thiết trong gian bếp, tài sản có giá trị cao nhất có lẽ chỉ là chiếc tivi trắng đen. Hỏi bà có được bao nhiêu người con, bà nhẩm đếm và trả lời được 8 người, nhưng khi hỏi bà được bao nhiêu đứa cháu thì bà cười vì... không nhớ hết. Các con bà đều sống bằng nghề đánh bắt cá quanh Biển Hồ này. Nay chồng bà đã lên bờ đi tu, chỉ còn bà thui thủi một mình bên cạnh thuyền người con gái. Mỗi ngày bà bán vài thứ lặt vặt kiếm chút tiền lời sống đắáp đổi qua ngày.

Theo ông Kiều Văn Danh, cán bộ của Hội đồng xã Pung - Luông thì số người Việt sống ở xã này khoảng hơn 1.000 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu, tất cả đều sống trên thuyền hay nhà nổi, đó chỉ là con số tương đối vì những người đến và đi ở xã này thường xuyên dao động, lúc thì đưa nhà (cũng là thuyền) về đây ở dăm ba ngày rồi đi, cũng có những thuyền làm ăn ở đâu đó rồi ghé vào đây sống vài bữa lại ra đi. "Cuộc đời của người Việt trên Biển Hồ là thế, tuy mỗi người mỗi cảnh nhưng tất cả đều như con cá lội, nơi nào nước trong, sóng êm thì chạy đến, nơi nào sóng to, nước đục thì bơi đi, cuộc sống cứ lênh đênh, vô định không biết nơi nào là điểm dừng" - ông Danh trầm tư.

Chúng tôi đi sâu vào bờ - nơi những gia đình nghèo nhất sinh sống. Ở sông nước, tuy không có số nhà, tên đường nhưng cũng có một quy luật bất thành văn về neo đậu nhà hẳn hoi. Nhà nào cứng cáp thì neo đậu xa bờ, giống như mặt tiền, nhà nào nghèo, thuyền nhỏ, mỏng manh thì neo đậu sát bờ. Quy luật ấy đơn giản vì nhà nghèo, thuyền nát đâu chịu được những cơn sóng to, gió lớn thổi vào từ ngoài khơi.

Vào xóm bờ - xóm của những người nghèo mới cám cảnh những phận đời trôi nổi. Những dãy thuyền gần như rách nát nằm ép mình sát bờ như nói lên tất cả nỗi tủi buồn của những thân phận nghèo. Nhìn chiếc thuyền của gia đình chị Trần Thị Hạnh, 36 tuổi, chúng tôi ai cũng lắc đầu. Gọi là thuyền nhưng kỳ thực chỉ còn trơ lại cái khung thuyền, phần thân gần như mục nát, vợ chồng chị phải lấy bao ni-lông bọc thuyền làm nhiều lớp để tránh nước vào và chỉ dám neo đậu sát bờ. Hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị Hạnh rưng rưng: "Lúc vợ chồng ra riêng cũng có chút vốn làm ăn, sau một đêm bị ăn cắp mất hàng trăm mét lưới, gia đình mới rơi vào túng bấn, phải vay nóng vay nguội người ta mua lại lưới làm ăn. Nhưng rồi làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất, đồ đạc trong nhà bị siết hết, chỉ còn chiếc thuyền nát không ai lấy. Hằng ngày, chồng chị đi làm thuê cho mấy chủ nợ, vừa trả nợ, vừa kiếm cái ăn cho cả nhà. Mà làm thuê trên Biển Hồ kinh hoàng lắm, lúc xin việc, chủ hỏi "mày mắt tre hay mắt người", trả lời thành thật "mắt người" thì chủ không nhận, phải "mắt tre" tức mắt không nhắm, làm việc không ngủ thì chủ sẽ nhận và phải làm việc gần như 24 giờ mỗi ngày".

Đường về còn quá gian nan
Thật khó khăn chúng tôi mới đến được trường học của thầy Nguyễn Viết Đạt nằm sâu trong khu nhà nổi. Nói là trường nhưng kỳ thực đó chỉ là khoảng không gian 18m2 kê vài tấm ván làm bàn học do Hội người Việt tại Campuchia tài trợ. Thầy Đạt cùng một lúc phụ trách 5 lớp của cấp 1 và các em phải học chung cùng nhau trong gian phòng này. Nói về những khó khăn, thầy Đạt trầm ngâm: "Thương các em lắm, nhà nghèo, sách tiếng Việt không nhiều vì ở đây không ai bán mà chương trình vẫn dạy như bên nước nhà. Những ngày đầu, một mình tôi phụ trách 5 lớp, không có sách nên phải chép lên bảng cho các em chép lại, cực lắm. Mấy năm gần đây, Hội người Việt có tài trợ một ít sách nhưng cũng không đủ cho các em, hai ba em học chung một quyển sách. Đó là trường của tôi do Hội tài trợ, còn 3 ngôi trường tự phát còn lại, tất cả các em hầu như không có sách. Khát khao nhất của các em là sách và các vật dụng thủ công".

Chúng tôi đến vào lúc các em bắt đầu đến lớp. Nhìn các em vào lớp với những bộ áo quần cũ kỹ, vài cuốn vở, không nhiều sách, luôn kèm bên mình chiếc dầm bơi xuồng mà cứ thấy xót xa. Theo thầy Đạt, ở đây chỉ dạy đến hết cấp 1 rồi thôi, em nào có khả năng thì gửi về Việt Nam hoặc gửi trường Campuchia cho các em học nhưng con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay vì các em không theo kịp chương trình. Hiện có khoảng 600 em ở độ tuổi cấp 1 nhưng chỉ có 1/3 số đó đến trường. Hỏi thầy Đạt rồi tương lai các em sẽ đi về đâu nếu không được học hành, thầy lặng thinh, chỉ cười buồn. Chúng tôi hiểu nỗi lòng của thầy bởi chính 2 người con trai lớn của thầy cũng không thể đi lên bằng con đường học tập.

Chúng tôi đến cũng là lúc người Việt ta chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Hỏi thầy Đạt bà con ở đây năm nay đón Tết thế nào, thầy lại cười buồn: "Mấy năm trước giờ này đã thấy xôn xao, năm nay làm ăn thất bát, cá ít đi nên bà con cũng không có nhiều tiền để đón Tết xôm tụ mặc dù những hàng quán ngoài kia cũng đã rôm rả hàng hóa Tết. Mà nhắc gì đến Tết, cứ đến Tết ai cũng thấy chạnh lòng, buồn và nhớ quê hương"!

Hỏi bà con mình sống khổ thế này sao không chịu hồi hương, bác Huỳnh Lũy - Chủ tịch Hội người Việt trầm tư: "Thật ra đã có rất nhiều người hồi hương về quê sinh sống, đa số là về miền Tây. Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất của bà con khi hồi hương là không ai có giấy tờ tuy thân, về lại quê nhà không được xét nhập hộ khẩu, con cái không được làm giấy khai sinh, không được học hành nên có một số không chịu được đành quay lại Biển Hồ sinh sống. Cái khó thứ hai là bà con ở đây quen sống với nghề đánh bắt cá, khi về quê không thể sống bằng nghề khác nên không dám về. Cái khó nữa là cuộc sống ở đây quá khó khăn, muốn về cũng phải có chút vốn làm ăn, nhưng nghèo quá làm gì có vốn để về. Vì thế đường về với bà con nói chung và cả như bản thân tôi cũng vậy xem ra còn quá gian nan!".

Rời Biển Hồ khi hoàng hôn xuống. Nỗi buồn về những thân phận bà con mình nơi xứ người cứ bám riết những người trở về.

Hồng Nga (Theo Thành Đông-Thanh Niên)


********

Người Việt ở Biển Hồ

NDĐT- Khởi hành từ thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) từ 4 giờ 30 phút sáng nhưng gần 8 giờ đoàn công tác của Liên Hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang mới đến điểm tập kết. Con đường cát xuống bến sông khá ghồ ghề, bụi mù mịt. Thuyền cặp bến đón chúng tôi đưa ra một làng bè trên Biển Hồ (Tonle Sap) thuộc xã Chhok Tru, huyện Baribour, tỉnh Kampong Chnăng.

Lênh đênh tuổi thơ nơi xứ người
30 phút sau, thuyền cặp một nhà bè rộng. Moi người bảo, “Đây là nhà sinh hoạt cộng đồng”. Hai dãy ghế một bên người lớn, môt bên trẻ em, chật kín người, tôi nhận ra nhiều người Việt. Không sai.

Hai đưa trẻ tôi tiếp cận đầu tiên đúng là người Việt. Bé gái nói rất rành tiếng Việt. Em thưa: “Trời chưa sáng, mẹ đã giục hai em thức dậy để mẹ bơi xuồng đưa đến đây xếp hàng nhận quà. Hôm nay có đoàn công tác từ thiện từ Việt Nam sang. Mẹ nói như vậy”.

Bé gái tên là Lê Thị Tiểu Yến còn bé trai là Lê Na Đô. Tiểu Yến năm nay 11 tuổi, còn Na Đô lên 8. Mặc dù nói rành tiếng Việt, nhưng Tiểu Yến không biết quê em ở nơi nào trên đất nước Việt Nam. Từ khi sinh ra đến nay, hai đứa chỉ quanh quẩn trên bè, trên xuồng nổi trôi theo con nước, chưa một lần được đặt chân đến chợ huyện và cũng chưa một lần được theo cha mẹ về Việt Nam. Tiểu Yến đã học tiếng Việt được 3 năm, còn Na Đô thì mới học, nên chưa biết chữ Việt. “Cha em làm nghề hớt tóc, còn me bán chè. Mẹ bơi xuồng đi bán rồi” - Na Đô cướp lời chị.

Không may mắn như Tiểu Yến và Na Đô, bé Hên đã chín tuổi nhưng vẫn chưa được đi học. Đầu trần, mình không áo, trên người chỉ có cái quần cộc, trông Hên như cục than biết đi. Vì chưa đi học nên Hên không có phiếu nhận quà. Em và một bé gái cũng là người gốc Việt đứng nép mình vào một gốc cột, tròn xoe đôi mắt nhìn mọi người. “Nhà cháu ở xa lắm! Cha mẹ làm nghề lưới. Cháu chưa được đi học” - Hên trả lời theo từng câu hỏi của tôi. Rồi Hên cười, lộ ra hàm răng trắng khi nghe tôi hỏi em có muốn đi học không?

“Mình không có phiếu, người ta không phát đâu?”. Nghe nói tiếng Việt, tôi quay lại, thấy một người đàn ông đang cố đẩy một bé trai về phía trước. Tôi hiểu ý của người đàn ông kia muốn đẩy bé trai vào hàng để được nhận quà, nhưng em gượng lại vì không có phiếu của chính quyền phát. Khi biết đứa trẻ kia đã 16 tuổi tôi giật mình, vì em chỉ cao ngang ngực tôi. Em cho biết tên là Nguyễn Văn Hoàng nhà có 4 anh em đang sống cùng với mẹ. Cách đây vài tháng, cha em bị tai biến đã trở về Việt Nam trị bệnh. “Nhà em làm nghề bán cá, hôm nào mua được nhiều thì có dư chút đỉnh, hôm nào mua ít thì đủ ăn. Kiếm được tiền còn phải dành dụm gửi về Việt Nam trị bệnh cho ba”-Hoàng bộc bạch.

Mong muốn… được học chữ mẹ đẻ
Trò chuyện với nhiều người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Biển Hồ, ai cũng vui mừng vì hai ngôi trường trong khu vực vừa được khánh thành và sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới. Trong đó có một ngôi trường chính quyền sở tại thông báo sẽ tổ chức dạy tiếng Việt.

Hai ngồi trường mới, nằm trên hai nhà bè lớn neo cặp với nhà sinh hoạt cộng đồng. Trường được cất dựng bằng cây, ván tốt, đã trang bị đầy đủ bàn nghế, bảng đen và những vật dụng cần thiết khác. Mỗi ngôi trường có ba phòng, gồm hai phòng học và một phòng giáo viên, với kinh phí xây dựng hơn 420 triệu đồng/trường (21.500 USD).

Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang - đơn vị đứng ra vận động tài trợ một ngôi trường cho biết: Trong chuyến đi phát quà cho bà con trên Biển Hồ cách đây một năm, ông đã được chính quyền sở tại đưa đi thăm nhiều lớp học chữ Việt do bà con lập nên trên Biển Hồ. “Được chuyện trò với bà con, thầy cô giáo và học sinh, ai cũng tỏ rõ nhu cầu cháy bỏng về những lớp học chữ Việt. Tôi đã hứa và thực hiện lời hứa đó với bà con. Hôm nay, tôi được mời sang đây dự lễ khánh thành ngôi trường mới”.

Chú Lê Văn Lời - người trực tiếp nhận xây cất hai ngôi trường cho hay, ông và bốn người thợ nữa làm suốt hai tháng mới hoàn thành. Mỗi ngôi trường, nhóm thợ được trả công hai nghìn đô la. “Bà con ở đây biết được trường sẽ tổ chức dạy chữ Việt ai cũng vui. Tôi cũng rất vui, vì mấy cháu tôi sẽ có cơ hội được học chữ Việt”.

Ở Biển Hồ trường dạy chữ Campuchia vẫn còn thiếu, nên việc chính quyền tổ chức dạy chữ Việt hầu như không có. Nhưng cộng đồng người Việt sống ở đây đông, hầu hết người lớn tuổi đều dốt, nên họ luôn tha thiết có trường, có thầy để con cái của họ được đi học. Họ quan niệm, học để biết chữ mẹ đẻ, để nhớ về quê hương, về nguồn cội.

Một vài gia đình khá giả, có nhà bè lớn, giàu lòng hảo tâm, họ đã đứng ra tổ chức những lớp học chữ Việt rồi vận động các nhà hảo tâm ở Việt Nam gửi tập, sách giáo khoa sang cho, tìm những người khá chữ Việt về dạy cho lũ trẻ.

Cũng có một vài lớp học được lập ra nhưng duy trì không đều, vì nhiều nguyên nhân. Mùa lũ, Biển Hồ mênh mông nước. Thuận theo thiên nhiên và trong cuộc mưu sinh, những nhà bè phải thả trôi theo dòng nước. Làng bè tan rả. Con nước lũ đã vô tình đánh tan những lớp học, mơ ước học tập của các em. “Cách đây không xa có lớp học của cô Thắm. Khi làng lập, cô tổ chức dạy chữ Việt cho bọn trẻ trên chính ngôi nhà bè của mình. Có những lúc học sinh đến đông, bè khẵm nước ngập lên đến chân. Nhưng bọn trẻ được học chúng vui lắm! Cô Thắm cũng mừng lắm vì có học sinh đông”- Chú Lê Văn Lời nói.

Chật vật cuộc tha phương cầu thực
Rót thêm ly trà mời tôi, chú Lê Văn Lời bắt đầu kể lại cuộc tha phương cầu thực của gia đình mình. Năm 1975, gom góp ít tài sản, đôi vơ chồng trẻ xuống xuồng ngược dòng Mê kong tìm đến cái bao la của Biển Hồ với một mong muốn thỏa chí tang bồng. Sáng thả câu, chiều buông lưới, tối lai rai sị đế, nhưng cuộc sống chú Lời cho rằng hạnh phúc trong tự do tự tại không tồn tại được lâu. Gia đình chú cùng một số người Việt khác phải vội vã trốn về Việt Nam vì bị quân Pol Pot truy sát.

Trở về Việt Nam làm lụng cắc củm được ít tiền, năm 1980 tình hình ở campuchia êm dịu, chú Lời lại cùng vợ và ba đứa con nhỏ một lần nữa quay sang Biển Hồ sinh sống. Trở lại với nghề cũ, nhưng cuộc sống ngày một chật vật, vì cá ngày một hiếm, người làm nghề này ngày một nhiều, con ngày một đông. Có nghề mộc trong tay, chú chuyển sang nhận đóng xuồng, tủ, bàn, ghế và làm cả nhà bè cho những người mới sang. “Cuộc sống giờ đã dễ thở hơn, không ai bắt bớ. Trước đây làm nghề lưới tích cóp chút đỉnh thì lưới rách, bị kiểm bắt, thế là trắng tay!”.

Cùng cảnh như chú Lời, bà Nguyễn Thị Hoa (52 tuổi) quê ở tỉnh Sông Bé (cũ) cũng đã sang Biển Hồ sinh sống gần 30 năm. Bà Hoa là thông gia với chú Lời, nhưng cuộc sống thì vất vã hơn nhiều. Bà Hoa đã 12 lần hạ sinh trên thuyền bè nhưng chỉ nuôi được 7 người con. Trước đây, bà cùng chồng sống bằng nghề chày lưới, nhưng ông bà tuổi ngày một cao. Ông đau bệnh liên miên, bà chuyển sang nghề bán xôi bắp. “Mỗi ngày tôi bơi xuồng đi bán hai buổi khắp các làng bè kiếm cũng được 6-7 nghìn ria. Cuộc sống cũng đắp đổi”. Cũng như ông Lời, bà Hoa, nhiều gia đình người Việt đang sinh sống ở Biển Hồ dù rất nhớ quê hương, nhớ bà con cô bác nhưng rất ít lần được trở về Việt Nam do không có điều kiện. “Từ năm 80 đến giờ, tôi chỉ về Việt Nam được một lần. Tôi rất nhớ quê hương, nhớ bà con nhưng không có tiền… về quê”- bà Hoa buồn bả nói. Theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền sở tại, tại tỉnh Kampong Chnăng hiện có khoảng 11.200 hộ, với khoảng 55.200 khẩu là kiều bào Việt Nam đang làm ăn sinh sống. Riêng tại xã Chhok Tru có khoảng 1 nghìn hộ, với hơn 4.500 khẩu. “Đa số người Việt sống tại Biển Hồ đều nghèo. Cuộc sống của họ chủ yếu bằng nghề chày lưới và mua bán trên nước”- Ông Som Chi, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Campuchia cho biết như vậy.

Trời đứng bóng, những phần quà cuối cùng cũng đã phát xong. Thuyền đưa chúng tôi rời nhà bè lớn. Những chiếc thuyền nhỏ của bà con cũng túa ra các hướng. Xa dần, xa dần rồi khuất vào mênh mông nước. Tạm biệt Biển Hồ trong một buổi trưa nắng gắt.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1473222217-4.jpg
Thuyền là phương tiện đi lại chủ yếu của người Việt ở Biển Hồ

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN