PDA

View Full Version : Khóa 10, Bản Du Ca những ngày cuối cùng - Nguyễn Minh Hùng



Longhai
09-07-2016, 01:37 AM
Khóa 10, Bản Du Ca những ngày cuối cùng

Nguyễn Minh Hùng


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1473527115-csqg.jpg

Màn đêm phủ trùm vạn vật với bầu không khí oi bức ngột ngạt của nhiệt độ ngày qua chưa tan hẳn như báo hiệu sẽ có cơn mưa đầu mùa sắp đến trong những ngày cuối tháng Tư vào hạ. Học Viện chìm trong tĩnh mịch hắt hiu, những cao ốc rải rác im lìm trong bóng đêm có thể nhận ra từng khối đen lù lù như để thôi thúc con người vào giấc ngủ bình yên thư giãn sau một ngày vất vả mưu sinh dưới cơn nóng gay gắt của bầu trời nhiệt đới.

Nhưng, Học Viện... không có giấc ngủ bình yên!

Gần 2 giờ sáng, từ vòng đai phòng thủ chúng tôi kéo quân về cao ốc Đại đội, chỉ kịp trút bỏ vũ khí xuống nền gạch để phóng mình lên chiếc giường êm ái với nguyên trang phục tác chiến còn thấm đẫm sương đêm trong trạng thái suy sụp cả tinh thần và thể xác, để rồi thiếp đi trong mỏi mệt rã rời!

Bỗng còi báo động rú lên thảng thốt xé màn đêm làm chúng tôi bật dậy như một phản ứng tự nhiên với động tác nhanh nhẹn thuần thục trong im lặng chịu đựng bất thường (tắt hẵn tiếng cười đùa rộn rã). Hiển hiện trước mắt tin tức về sự chiến đấu đang vỡ vụn ở nhiều nơi không thể che dấu niềm đắng cay chua xót đang xảy ra.

Chụp chiếc nón sắt lên đầu, xỏ vội túi áo đạn cùng cây M79 đặt dưới đầu giường, nghe âm thanh va chạm lách cách khô khan của súng đạn được mang vào người với tiếng soàn soạt của nhiều bước chân hối hả trong âm vang chát chúa của đạn pháo nổ chụp hòa lẫn tiếng súng lớn nhỏ dồn dập liên hồi xa xa từ hướng Bắc. Chúng tôi âm thầm băng màn đêm vượt qua Câu Lạc Bộ thấy loang loáng những chiếc nón sắt của hằng trăm bước chân bạn đồng môn (được trang bị với súng M16 mới, 2 cấp số đạn 600 viên, 2 đến 4 quả lựu đạn M67, cùng mìn Claymore, v.v…). Tất cả đang chạy rầm rập trong sương đêm tạo nên bức tranh sống động và hùng tráng. Cũng trong hối hả rộn ràng đó lại nghe âm vang nón sắt rơi, tiếng va chạm nhiều hơn của súng đạn, tiếng cự nự càm ràm và cũng có tiếng cười đùa lạc lõng. Phút chốc không gian trở lại im vắng khi bóng người tan biến trong màn đêm mờ mịt để vào vị trí phòng thủ là dãy giao thông hào bao quanh chu vi rộng lớn của Học Viện với gần cả ngàn tay súng của Sinh viên hai khóa 10 và 11 (Khóa 10 có 400 SV, khóa 11 có gần 600) cùng Đại đội CSDC Phòng vệ và một số cán bộ cơ hữu.

Giao thông hào được chúng tôi hoàn tất trong tháng qua khi chiến sự bắt đầu căng thẳng dồn dập từ vùng chiến tuyến địa đầu. Thật sự chúng tôi vẫn bình tĩnh với mức độ nào đó để sẵn sàng cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra mà không hề sắp đặt ý niệm lượng định mức độ hung hiểm bủa vây như thế nào. Chúng tôi không sợ hãi một cuộc tấn công của kẻ thù vì biết rằng ý nghĩa cuộc chiến không còn trải rộng ở tầm mức “Diện” (vị trí chiến đấu), mà cường lực vũ bão tấn công của địch đang tập trung nỗ lực dứt “Điểm” đầu não chính quyền của ta ở ngay Sài Gòn. Trách nhiệm phòng thủ của tiểu đội chúng tôi là đoạn giao thông hào bên cạnh sau nhà ĐT Viện Trưởng dài hơn trăm mét, chạy vòng cung tiếp giáp đoạn (GTH ) của Tiểu đội khác sau Câu Lạc Bộ, ôm trọn vườn mía với thân cây to mập tươi tốt. Mặt chiến đấu phía trước qua hàng rào kẽm gai là rừng khoai mì (sắn) cao không quá đầu người, thoai thoải tiếp giáp rừng chồi cỏ dại với từng bụi cây thấp lưa thưa trên địa hình nhấp nhô hố trũng, để rồi chạm với lề phải của xa lộ Biên Hòa. Hướng quan sát bên trái bị che khuất bởi hàng cây cao đen thẫm rải rác ánh đèn nhà dân trong phạm vi an ninh tuyệt đối của khu Chợ Nhỏ liền kề và cũng được phòng thủ bởi đơn vị bạn trải rộng trong vùng. Bên phải (GTH) tiếp nối Tiểu đội khác theo vòng cung có 3 vọng gác chánh được đánh số 7, 9, và 11. Qua đoạn GTH sau Câu Lạc Bộ sẽ gặp vọng gác số 7 bảo vệ khu Gia binh của ĐĐ Phòng vệ, đến vọng gác số 9 (sau đình Thổ Thần) nhìn xuống vườn khoai mì lác đác xen kẽ nhà dân khuất sau những chòm cây. Hướng quan sát không hoàn toàn giới hạn mà có thể thấy thấp thoáng ánh đèn xe ngoài xa lộ cách khoảng 400 mét. Kỷ niệm ở vọng gác số 9 này với chúng tôi là…sợ ma, ngồi thu mình trên chòi cao đơn độc gác ca từ 12g đến 2g hay từ 2g đến 4g trong không gian vắng lặng với 2 nấm mồ mới đắp được phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ qua hàng rào kẽm gai dưới ánh sáng vàng vọt lung linh của bóng điện trên cao không đủ soi sáng cho những thằng yếu bóng vía an tâm mà cứ hình dung ra những hình ảnh ma quái chờn vờn, nên lúc nào cũng cảm thấy rờn rợn bởi không thể rời cặp mắt ra khỏi 2 nấm mồ ấy được vì đó là hướng quan sát trước mặt. Có bạn nào đó nói đùa, “Gác trên vọng số 9 tao hỏng sợ VC mà… sợ ma thấy mẹ”. Tiểu đội trưởng không “bị” gác nhưng ở vọng gác số 9 tôi “bị” dựng dậy liên tục còn thê thảm hơn “bị” gác. Hết thằng này tới thằng khác, “Tiểu trưởng ơi, Tiểu trưởng à ! Tao thấy…có bóng người !” Tôi nghe nhưng cứ phớt lờ vì giấc ngủ đang kéo đến chập chờn, một chốc lại… “Tiểu trưởng ơi, Tiểu trưởng à”. Cứ thế đến thằng gác ca cuối mới yên. Vọng gác 11 to đùng cao vòi vọi đắp bởi hàng trăm bao cát, là cao điểm quan sát cuối cùng nhìn ra khoảng không gian mở rộng trống trải trước mắt, có thể quan sát mọi sinh hoạt từ Học Viện xuống xa lộ trải dài trên bình nguyên có núi Châu Thới mờ nhạt ở chân trời xa.

Tiếng súng, tiếng đại pháo vẫn nổ ầm ỉ rền vang với ánh chớp lóe sáng bùng lên từng hồi như vầng thái dương tan vỡ từ cuối trời. Dưới giao thông hào chúng tôi im lặng thu mình nghe nhịp thở rời rạc của chính mình trong nỗi trầm tư chờ đợi. Nỗi thất vọng hằn trên ánh mắt xót xa, trên đầu môi lập lòe của điếu thuốc rít liên tục, trên ánh nhìn xa vắng tắt hẳn bao nụ cười rộn rã. Những SVSQ quê miền trung còn đau đớn hơn vì có những vùng đã rơi vào tay giặc khiến cho bất chợt sự chia lìa đến với gia đình và người thân trong một sớm mai.

Chúng tôi, những SVSQ K10, mạnh dạn tự hào với sự chọn lựa lý tưởng cùng bao lớp người trai đã dấn thân và tiếp tục dấn thân với hành trang trăm lối cùng mục đích chống lại kẻ thù CS. Tôi có cái duyên với CSQG từ hình ảnh Th. Tá Phước hiên ngang dẫn đầu đoàn SVSQ K6 diễn hành Ngày Quân Lực 19/6/73 trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Cái duyên được dự khán lễ mãn khóa 6 huy hoàng tại Học Viện sau đó, và lần tình cờ gặp K7 Đinh Công Nghĩa trên đường phố trong bộ Quân phục hoa màu đất, bê rê đen, giầy sô bóng loáng, cặp mai vàng trên bờ vai, bước đi oai dũng…thay đổi hình tượng “gà chết” trong tấm áo thư sinh bạc màu năm xưa. Tất cả đã đủ thôi thúc biện minh cho sự quyết định xếp bút nghiên từ bỏ giảng đường để thi vào K10. Nhớ ngày đi xem kết quả, vừa xuống xe buýt trời đổ cơn mưa xối xả, tay sẵn cầm tờ báo che đầu chạy vụt qua cổng BCH/CSQG/Đô Thành thì có một người chạy theo sau, anh cũng đến xem kết quả. Chúng tôi dễ dàng làm thân với nhau, ngồi trên thềm tâm sự rộn rã về đời lính sắp đến, để chờ qua cơn mưa đi uống với nhau ly cà phê đánh dấu ngày trúng tuyển K10. Được biết, anh chàng đang học cao học Tư pháp (Luật) năm thứ hai và đã tập sự Luật Sư được 6 tháng (sau này mới biết anh ta là một K10 ngoại hạng, rất giỏi Đông y, kiến thức Tây y cũng thật phong phú, đặc biệt với tài xem tử vi, vì ông nội anh cũng là danh sư), anh tên Lê Khắc Chiếu người bạn cùng khóa đầu tiên.

Hai mươi chiếc GMC mười bánh cắm cờ CSQG chở đoàn người trai trẻ rời Học Viện có cán bộ đoàn theo gởi gắm cho TTHL / CSQG ở Rạch Dừa Vũng Tàu. Cán bộ đoàn do Đại Úy Đặng Thanh Thủy, TĐT/TĐ3 HV CSQG hướng dẫn bàn giao đám lính mới. Không biết Đại úy Thủy gởi gắm đàn em ra sao mà K10 bị hành thê thảm. Hai tuần huấn nhục người nào cũng hôi thúi không chịu nổi, không được đi tà tà mà phải chạy với ba lô súng thép miệt mài, cả ngày lẫn đêm bò lê bò lết cho Quân trường đổ mồ hôi, vì thế chừng hơn tháng sau tất cả có vẻ đổi thay lột xác thuần thục như lính thứ thiệt. Chúng tôi có 2 Đại đội và tôi là một trong những Tiểu đội trưởng của ĐĐ2 do Thiếu úy Phạm Văn Sáu (đang ở San Jose Bắc Cali) làm ĐĐT; ĐĐ1 do Thiếu úy Trần Bá Ngoạn (đang ở San Francisco). Trong Tiểu đội tôi có một nhân tài là Kiến trúc sư Khưu Phan, mấy tháng ở Rạch Dừa anh ta được sự chiếu cố của Trung Tá Giám Đốc Nguyễn Quang Cảm dành cho cảm tình đặc biệt là ngồi chơi, không phải rờ tới súng đạn gì cả, có văn phòng riêng để vẽ cho ông bản thiết kế cổng TTHL/CSQG Rạch Dừa mới (còn được xe riêng của Giám đốc chở về Sài Gòn 2 lần lấy đồ nghề), và độ hơn tháng sau Khưu Phan cho tôi xem 12 bản vẽ khác nhau rất đẹp, trước khi trình lên Trung Tá Cảm. Ngày thi tác xạ, tôi bắn tiếp vào bia của anh ta gần chục viên để trấn an bởi lời hăm dọa đánh rớt xạ thủ nào bắn quá tệ của Thiếu úy Lê Đình Đa (Trưởng ban tác xạ). Gần bản doanh ĐĐ2 có một giếng nước cho cả Tiểu đoàn, mặt nước lúc nào cũng nằm trơ đáy giếng, và trên miệng giếng thì luôn luôn có người chờ chực để vét những giọt cuối cùng. Chỉ một giếng nước không đủ cung cấp cho bao người lính cứ tối ngày chạy nhảy trườn bò lết trên đất cát dưới ánh mặt trời đổ lửa cháy da. Nhưng là lính, mà lính của một đất nước nghèo quen dần thì đời cũng qua.

Một hôm khóa sinh Đại Đội Trưởng Nguyễn Trọng Phụng (SV Luật năm thứ 3) kéo tôi ra báo một tin động trời, “Hùng , tao vừa phát hiện một hồ nước lộ thiên rất lớn, tao đã lén tắm đêm qua, tối nay tao dẫn mày đi tắm. Nhớ đừng nói cho thằng nào nghe mày, bể ra chết cả đám”. Tôi bước về phòng mà lòng dạ bồi hồi như người nông phu hớn hở nhìn bầu trời sắp đổ mưa xuống đám ruộng khô cằn của ông sau những ngày nắng hạn. Cứ đi tới lui trong hành lang Đại đội với gương mặt chắc cũng dễ coi, gặp Vương văn Hải (thằng bạn thân từ ngày đầu vào HV, học văn khoa Đà Lạt năm thứ hai) vồn vã. “Mày đi đâu tao kiếm quá chừng, chú thím tao từ SG ra thăm cho mớ tiền đã quá đi làm ly cà phê”. Trời, thằng bạn thân quá tốt với mình, mà mình có “sự kiện trọng đại” mà không cho nó biết thì còn ra thể thống gì, nên rốt cuộc chúng tôi có bốn thằng tắm trộm ròng rã hơn tháng. Cho đến một đêm thằng Phụng tắm sau cùng, ba thằng còn lại canh chừng, tôi, Hải, và Sang đứng tán gẫu quên quan sát chung quanh đến khi một ánh đèn pin rọi phớt qua đồng thời giọng đanh thép của Trung Tá Cảm (Ông có cắm 24 cần câu từ trước ngã ba phạn xá ra gần đến xạ trường, bình thường ông đi thăm trước 10 giờ tối, sao đêm nay ông thăm trễ dử vậy cà ?) vang lên “ Anh nào đó ?” Ánh đèn dừng ngay trên thân thể khó coi của Nguyễn Trọng Phụng đang chà xà bông khắp người, chỉ mặc chiếc quần sì bên dưới và vòi nước đang chảy sè sè, tôi chỉ kịp la lên “Chết…chạy”. Chúng tôi vụt chạy, cùng lúc thằng Phụng phản ứng nhanh không kém chụp chiếc khăn biến trong màn đêm. Sáng sớm hôm sau bốn thằng chụm đầu bên ly cà phê ở CLB cười lỏn lẻn, quân ta thua nhưng bảo toàn lực lượng chỉ tổn thất không đáng kể (cục xà bông và một cái ca nhựa được ghi nhận mất tích tại hiện trường).

Rồi chúng tôi chuẩn bị cho cuộc di hành vào TTHL Vạn Kiếp (đi bộ hơn 15 km) để học bò hỏa lực, thực tập một vài bài học Quân sự quan trọng, mang theo cây đại liên 30 riêng của mình, đạn thì TT Vạn Kiếp cung cấp. Khởi hành từ sáng sớm đến lúc mặt trời vừa phà hơi nóng đủ đốt cháy mặt đường thì đoàn quân tơi tả kéo lê từng bước chân nặng nhọc, ba lô như cục đá đè trên lưng. Có một cảnh làm chúng tôi nhớ mãi, khi đoàn quân đi được 2/3 đoạn đường dài, có một tên gần bị xỉu lảo đảo quỵ xuống bên lề đường, một bà cụ người Bắc từ trong nhà bương bả chạy ra : “Trời ơi, con ơi sao khổ thế này”, một tay bà đỡ thằng “con”, tay kia cho vào túi tìm chai dầu “song thập” mở nắp thoa túi bụi lên cổ, lên mũi, lên hai bên màng tang thằng con. Ngay khi ấy Trung Úy Huệ bước đến ông hài lòng và cảm động với tình quân dân cá nước, nhưng ông phải giữ thể thống Quân đội, ông xin bà hãy bước ra để dằn mặt thằng đàn em không nên bệ rạc và luôn nhắc nhở mình là một SVSQ. Bà già chắc lưỡi nhìn theo không thấy Trung Úy Huệ dấu nụ cười bước đi. Rồi đường xa vạn lý cũng tới, đoàn quân nghỉ ngơi, xe phạn xá cũng vừa chở thức ăn đến trong lúc quân ta đang đói khát đợi chờ.

Thằng Phụng điều chỉnh xong cây đại liên trên giá an toàn rồi bảo tôi: “Mày bò trước đi, tao bắn cho, rồi một lát tao cho mày bắn”. Chúng tôi bò, bò trong tiếng đạn nổ ròn rã, xé không gian, xớt trên đầu, tưởng chừng như bay nón sắt, cùng tiếng nổ kinh hồn của những quả mìn hơi dưới hố sâu làm cho lòng ngực chúng tôi muốn vỡ ra và hơi thở như ngưng lại, phủ chụp lên người một chất nước xền xệt, nhớp nhúa, đen kịt (thúi hết chỗ nói) bởi nước mưa, bùn đất chứa đựng lâu ngày được cơ hội giải thoát sau tiếng nổ. Khi mặt trời ngả về Tây, chúng tôi đi bộ ra bờ sông cặp bên xa lộ tha hồ tắm rửa, vì mình mẩy hôi thối không chịu nổi, sau đó tập họp ngồi chờ Trung úy Huệ giải thích chỉ dẫn cách dùng Pông-sô làm bè, trong ráng chiều đỏ rực với những cơn gió nhẹ trên mặt sông lăn tăn gợn sóng. Mỗi toán 6 người trầm mình dưới nước bám vào chiếc bè (vũ khí để trên bè) lần theo sợi dây được cột chặt vào thân cây bờ bên kia bởi một người lội giỏi. Hình ảnh sống động thích thú này làm tôi nhớ đến cảnh trong phim “Cầu sông Kwaii” với tài tử William Holden đóng vai Đại úy biệt kích Anh đã dùng bè giống như thế này tải chất nổ phá cầu trong đêm tối (chúng tôi chỉ thiếu bôi đen mặt ngụy trang). Toán thứ 3 thứ 4 vừa rời bờ thì có 4 ông dân sự Hoa Kỳ dừng xe chụp hình lia lịa và nghe Trịnh Ngọc Đông “tuyên truyền” về nội dung của buổi thực tập làm mấy ông Mỹ phục lăn. Anh chàng TNĐ này cũng đang chờ thi lấy cao học Tư pháp với Lê Khắc Chiếu, rất giỏi tiếng Anh, ở Học Viện đêm đêm anh chàng thường dịch nguyên tác bản tiếng Anh “Papillon người tù khổ sai” cho những người bạn cùng phòng nghe. Sau hai tháng rưỡi, Trung Tá Cảm vội vã tống khứ K10 về lại Học Viện vì bên ĐĐ1 có một khóa sinh đột tử làm cả khóa hoang mang loan truyền bởi chứng “đau màng óc” truyền nhiễm. Cho nên K10 không có lễ gắn Alpha, về HV phải thi hoàn tất giai đoạn 1 (còn thiếu nợ Rạch Dừa). Sau đó, cán bộ ĐĐT ở HV tập họp tuyên bố K10 đã “tốt nghiệp” giai đoạn 1 và… tự mua Alpha gắn cho mình (hay bảo mấy em bồ thêu cho cũng được).

Ngày ra mắt ban giám đốc HV trên sân khấu đại giảng đường, ĐT Viện Trưởng đọc diễn văn ngắn gọn chào mừng các tân SVSQ K10, tuyên bố chính thức khai giảng giai đoạn 2. Ông nồng nhiệt tỏ lời khen K10 là khóa đầu tiên có rất nhiều anh em khoa bảng (theo chúng tôi được biết, tổng số SV đang học cao học, cử nhân và…xém cử nhân chừng hơn 120 người). Tôi lại tiếp tục làm Tiểu đội trưởng, lính cũ của tôi ngoài Rạch Dừa chỉ còn 3 người. KTS Khưu Phan, Nguyễn Văn Vinh (SV Luật năm thứ 3), Đỗ Văn Xuân IBM, và lính mới bổ xung gồm Nguyễn Văn Đông (Cao học Sử Văn Khoa SG), Nguyễn Trung Lên (xém Cử nhân Luật, có vợ Dược sĩ), Phùng Kim Long (Kỹ sư NLS), Nguyễn Đại Hùng (IBM), năm thứ 2 Luật thì có Nguyễn Đức, Nguyễn Đình Đích, Hoàng Văn Ngọc (tay đào giao thông hào cừ khôi), Nguyễn văn Tâm (một K8 kẹt đạn ở lại để rồi không bao giờ tốt nghiệp).

Ầm! Ầm! Tiếng đạn đại pháo nổ ầm vang làm mọi người giật mình lo sợ. Huấn khu Thủ Đức đang bị pháo, có vài trái rớt trước cổng Học Viện. Trời đã sáng tỏ, ánh dương đang rụt rè ẩn trong làn mây xám trải những vệt sáng yếu ớt xuống khoảng không gian u ám như sự giao thoa đất trời, xót xa cho một Dân tộc đang bước đến cuối đường oan nghiệt! Nhìn lại chúng tôi, hiển hiện những gương mặt bồn chồn ngơ ngác. Tôi phải có một quyết định cần thiết ngay vì tình thế có tính đe dọa nguy hiểm mà tôi cảm nhận được bởi ý thức tối thiểu về một thảm cảnh bi thương có thể đến nhanh ngoài lượng định ! Và bởi sự yên lặng hoàn toàn mọi tin tức từ hệ thống chỉ huy, nên tôi vội vã chạy nhanh về Đại đội thì thấy số lớn SV chạy từ vòng đai phòng thủ bên ngoài về các cao ốc, ngay lập tức tôi quay trở lại vị trí phòng thủ gọi các bạn Tiểu đội tôi và Tiểu đội kế bên (sau vườn mía CLB) về hết trong các cao ốc để tránh pháo. Tầng trệt các cao ốc chen chúc một rừng SVSQ đứng ngồi nằm la liệt trên nền gạch với nét mặt hoảng hốt suy sụp ! Tôi lại chạy ra giao thông hào, đoạn giữa vọng gác số 9 và 11, đang có đông SV trong đủ mọi tư thế chiến đấu đang lao xao chỉ xuống xa lộ mà mắt thường cũng có thể thấy được trong phạm vi giới hạn. Hai chiếc thiết giáp M113 của ta cắm cờ VC (MTGPMN) đang rượt đuổi một chiếc xe Jeep đang chạy bạt mạng về hướng Sài Gòn và bắn xối xả, cây đại liên M60 ở vọng gác số 9 lập tức khai hỏa ào ạt nhắm vào 2 chiếc xe tăng địch cướp của ta nhằm ngăn chận và đánh lạc hướng tiến của xe tăng địch. Tiếng nổ giòn tan của cây đại liên át hẳn tiếng nổ khiêm nhường của hằng chục thậm chí hằng trăm cây M16 của SVSQ đang thi nhau bắn xuống xa lộ, nhưng vì khoảng cách khá xa nên không đạt hiệu quả. Bóng người chạy lăng xăng qua lại nhộn nhịp trong âm vang tiếng súng ròn rã, cùng mùi khói súng lan tỏa đã khích động tinh thần mọi người quên lãng hiểm nguy như đang nhập vai (không có đạo diễn) trong một phim chiến tranh nóng bỏng sôi động. Bỗng chiếc xe tăng đi sau trúng quả đạn pháo trực xạ (từ bên Thủ Đức) dạt qua đường bốc cháy làm chúng tôi reo hò tở mở. Vài phút sau, 2 chiếc tăng T54 của địch chầm chậm đi qua và dừng lại quay pháo tháp vào Học Viện (bởi địch thấy huy hiệu HV sáng lòa phơi mình dưới ánh nắng ban mai, mà chúng cho là đã bắn cháy tăng của chúng, Thủ Đức bên kia đồi Tăng Nhơn Phú không nhìn thấy từ xa lộ). Hàng ngũ SV náo loạn, ùn ùn chạy về các cao ốc trong tiếng nổ kinh hồn của quả pháo đầu tiên của địch phá tan hoàn toàn vọng gác số 11 trong cột khói đen bao phủ. Một số SV đang chạy bị sức ép của tiếng nổ té nhào dưới đất lồm cồm bò dậy chạy trong âm vang tiếng nổ long trời của nhiều quả kế tiếp. Tôi vừa đến cửa cao ốc (tầng trệt) trong tư thế lom khom chen trong rừng người thì ầm một quả đạn trúng phần trên mái sau đại giảng đường đục mất một góc không lớn lắm. Một quả khác rớt ngay giữa Vũ đình trường làm đất đá văng tung tóe đến trước cửa cao ốc nơi chúng tôi đang ẩn nấp (chúng tôi thầm mong địch chỉ bắn đạn nổ cao, nên cao ốc 3 tầng che chắn cũng cảm thấy an tâm). Hai quả đạn nổ sau CLB làm sập phần nối phía sau cho những sinh hoạt phụ (SV có thể ngồi uống cà phê, điểm tâm với không gian trống trải yên tĩnh và có thể ăn cơm tháng tại đây). Một vài quả rớt ngay vườn mía, nơi chúng tôi vừa rời khỏi, cày xới tan hoang mặt đất.

Sau khi nghe lệnh buông súng của TT Dương Văn Minh, chúng tôi về phòng thay đồ dân sự và rời Học Viện trong bẽ bàng tủi nhục, với tâm trạng đau xót cùng cực, cúi đầu cất bước nặng nề về phía trước. Hai chiếc xe tăng địch bị SV Thủ Đức bắn cháy còn đang bốc khói trước cổng Thủ Đức. Chúng định tấn công HV để trả thù, theo đường lộ chánh, không ngờ gặp Thủ Đức trước và bị SVSQ Thủ Đức bắn hạ sau khi giết chết một số SV của Thủ Đức và Võ Bị Đà Lạt cùng một vị Trung Tá. Trong khi hàng vạn người trai trẻ cùng tâm trạng cảnh ngộ như một luồng thác đổ tuôn về mọi ngả đường để bắt đầu cho ngày mai vô định, chắc chắn sẽ là những bước trần ai gian lao trước mặt! Cứ đi, tôi và Nguyễn Bác Ái (học năm thứ nhất cao học Luật ban Công pháp Quốc tế và cũng là một Tiểu đội trưởng) lầm lũi trong dòng người để đến được Xa cảng miền Tây trong đói khát mỏi mệt chiều tối 30 tháng 4, mướn ghế bố nghỉ ngơi (chờ chuyến xe sớm về Cần Thơ) sau cuộc hành trình đớn đau bước vào địa ngục thênh thang ! Đêm đó tôi trăn trở suy sụp và lên cơn nóng sốt. Nghe tiếng tôi rên rỉ, Nguyễn Bác Ái vén mùng cạo gió, thoa dầu cùng khắp thân tôi và thì thầm, “Không sao, tại mày bị khủng hoảng quá độ. Thôi, ráng ngủ một giấc đi” .

Ngoài đường mọi người vẫn hối hả đi lại. Tiếng loa phóng thanh oang oác những thông cáo của Chính quyền mới cùng hát những bài ca mừng chiến thắng với những lời lẽ xa lạ khó nghe. Thỉnh thoảng có tiếng xe chạy vùn vụt hối hả với âm thanh ken két rờn rợn của bọn người chiến thắng đang phô trương thành quả gọi là… Cách mạng trên đà tự mãn cuồng say dưới ánh mắt tò mò khiếp sợ của người miền Nam!

Dưới ánh sáng vàng vọt của bóng đèn nhỏ bé trên cao, tôi bất động nhìn trừng trừng khoảng không mờ tối với hai hàng nước mắt chảy dài, bên kia Nguyễn Bác Ái nằm co úp mặt vào gối thổn thức. Chúng tôi đang thầm gào thét trong ác mộng kinh hoàng!



Nguyễn Minh Hùng
(K10)