PDA

View Full Version : Tài Liệu về Bình Long



Longhai
09-05-2016, 05:50 AM
Tư Liệu về Bình Long


Vũ Minh Ngọc


Đồng Bào Chiến Nạn Tỉnh Bình Long Và Chương Trình Khẩn Hoang Lập Ấp...

Bình Long, một tỉnh lỵ nằm về phía Bắc của Sài Gòn, cách khoảng trên 110 cây số, trước đây chỉ là một Thị trấn nhỏ mang tên Hớn Quản thuộc Tỉnh Thủ Dầu Một, nay thuộc tỉnh Bình Phước (nhập 2 tỉnh Bình Long và Phước Long).

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1956, để đáp ứng nhu cầu hành chánh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tách tỉnh Thủ Dầu Một thành 4 tỉnh : Bình Long, Phước Long, Phước Thành và Bình Dương. Tỉnh Bình Long với 3 quận: An Lộc, Lộc Ninh và Chơn Thành. Tỉnh Bình Long nằm giáp biên giới Campuchia về phía Bắc và Tây Bắc, Đông giáp Tỉnh Phước Long, Nam giáp Bình Dương và phía Tây giáp Tỉnh Tây Ninh. Diện tích tỉnh Bình Long với 2,140 cây số vuông, có nhiều núi đồi thấp và rừng rậm, hầu hết ở phía Bắc và phía Đông. Về phía Nam ít núi hơn hoặc là núi thấp như núi Đất cao khoảng 108 thước.

Về hệ thống sông ngòi, con sông chính là sông Bé và sông Sài gòn, Sông Bé ở phía Đông chảy dọc từ Bắc xuống Nam và nằm trên ranh giới các Tỉnh Bình Long, Phước Long và Phước Thành. Sông Sài gòn nằm song song với sông Bé, nhưng nằm cạnh biên giới Tỉnh Tây Ninh và có những chi lưu chảy qua Tỉnh Bình Long như những con sông: Prek Thléa, Tonglé Cham và sông Cây Da. Bình Long là một vùng đất đỏ rất phì nhiêu và chịu ảnh hưởng khí hậu với hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười Một và mùa khô từ tháng Mười Hai đến tháng Tư. Những trục lộ giao thông chính là Quốc Lộ 13 nối liền Bình Long với Bình Dương để dẫn vào Thủ đô Sài gòn. Ngoài ra Liên Tỉnh Lộ 13 là một trục giao thông quan trọng để liên lạc với các Tỉnh phụ cận. Về dân cư, với trên 76.000 người, đa số là người Kinh và rất đông đồng bào Thượng thuộc các sắc dân Stiêng, Mọa, Tà Mun, người Việt gốc Chàm và gốc Khmer. Những tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, thờ cúng Tổ Tiên và Thần Linh... Riêng Quận An Lộc bao gồm Tỉnh lỵ rộng khoảng 760 cây số vuông, qui tụ trên 45.000 dân, tập trung trong Xã Tân Lập Phú.

Với rừng rậm và đất đỏ, Bình Long được bao quanh bởi những đồn điền cao su rộng ngút ngàn, và là nơi có nhiều rừng cao su nhất nước. Rừng Bình Long có rất nhiều loại gỗ quý như cẩm lai, sao, gõ... nên ngành khai thác lâm sản tại Bình Long phát triển rất mạnh... Ngoài các loại gỗ quý, rừng Bình Long cũng cung cấp nhiều loại gỗ tạp hoặc các cây rừng cho các lò than… Dọc Quốc Lộ 13, từ Tân Khai dẫn vào An Lộc, những rừng cao su xanh rì và xếp hàng thẳng tắp, là những hình ảnh thiên nhiên và hùng vĩ của Bình Long…

An Lộc được bao quanh bởi những ngọn đồi Gió, đồi 100 và đồi Đồng Long, là những hình ảnh đẹp thiên nhiên, nhưng lại mang những giá trị chiến lược về lãnh vực Quân sự.

Về lãnh vực Hành chánh, Tỉnh Bình Long gồm 3 Quận Chơn Thành, An Lộc và Lộc Ninh. Từ Sài gòn đi, sau khi vượt qua Quận Bến Cát, vào Lai Khê, là gặp Quận Chơn Thành, một Quận nhỏ gồm hai xã Hưng Long và Minh Thạnh. Chơn Thành với trên 10.000 dân nằm trên trục giao thông Quốc Lộ 13 (lên An Lộc) và Liên Tỉnh Lộ 13 (qua Sông Bé - Phước Long). Qua khỏi Chơn Thành, sẽ gặp các địa danh Tàu Ô, Tân Khai, Xa Cát, Xa Cam, Xa Trạch rồi bước vào Tân Lập Phú, thị trấn trù phú như cái tên được đặt cho. Xa hơn về phía Bắc, là Quận Lộc Ninh nằm sát biên giới Việt - Campuchia, bao bọc bởi rừng rậm và rừng cao su và là nơi sinh sống của rất đông đồng bào Thượng và công nhân cao su được Pháp mộ từ miền Bắc vào.

Mùa Hè 1972, lực lượng quân sự của Quân Giải Phóng mở một mũi tiến công vào Bình Long, lực lượng này gồm quân số 4 công trường : Công trường 5, 7, 9 và công trường Bình Long cùng Trung đoàn 203 chiến xa từ vùng Lưỡi Câu, Campuchia tràn qua được trang bị bởi những khẩu trọng pháo 130 ly có tầm bắn xa. Tổng số ước chừng khoảng 40.000 lính Giải Phóng đã tham gia trận đánh tấn công vào Bình Long với ước muốn là dứt điểm Bình Long hầu dùng đây làm bàn đạp để tiến quân về phía Nam, uy hiếp thủ đô Sài gòn. (Trong phạm vi bài viết, tác giả xin miễn ghi lại những chi tiết về mặt Quân sự)

Ngày 12 tháng 6 năm 1972, hàng chục ngàn trái đạn pháo đổ xuống An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long, đã xua đuổi người dân hiền hòa xứ Hớn Quản, phải xa lìa quê hương, chạy dọc Quốc lộ 13 để về Chơn Thành, hay chạy ngược lên vùng Giải Phóng : Lộc Ninh, Bù Đốp. Đoạn đường gần 20 cây số ngàn, đã đượm máu và xương của dân lành, của những người lính Cộng hòa, của quân Giải Phóng… toàn là xác người Việt Nam!

Chuyến đi đông nhất về phía Nam, vào ngày 12 tháng 6, với trên 12.000 người đã rời bỏ ruộng vườn, bồng bế nhau để chạy trốn chiến tranh… Hai mươi cây số ngàn đượm máu.

Công cuộc tiếp cư.

Tính đến cuối tháng 6 năm 1972, trên bốn chục ngàn đồng bào Bình Long đã về tới Bình Dương để lánh cư, một số lớn, đã chết vì bom đạn, hoặc mất xác dọc trên Quốc lộ Máu... Chính quyền và đồng bào Tỉnh Bình Dương đã tiếp đón họ... trại gia binh Phú Văn được tu sửa khẩn cấp để tiếp đón đồng bào chiến nạn. Lúc đầu, chỉ có 2 trại Phú Văn 1 và Phú Văn 2, nhưng số đồng bào tỵ nạn càng ngày càng đông nên các trại 3 và 4 được thành lập để đáp ứng nhu cầu... Những căn lều dã chiến được dựng lên nhanh chóng... nhưng dựng đến đâu, dân vào ở đến đó... Một điều không tránh khỏi là lợi dụng cơ hội này, một số đồng bào không phải là dân chiến nạn Bình Long cũng xin gia nhập để được nhận lãnh trợ cấp xã hội, lý do rất giản dị... giấy tờ tùy thân bị cháy trong chiến trận, tình trạng này càng tạo nên một gánh nặng cho cơ quan chính quyền…

Các trại tạm cư được tổ chức khá quy củ, các viên chức Xã Ấp, quý vị dân cử của Bình Long vẫn tiếp tục lo lắng, phụ giúp cho cơ quan chính quyền trong công tác điều hành trại. Trong thời gian tạm trú, tiêu chuẩn cấp phát của Bộ Xã Hội dành cho dân tỵ nạn là mỗi đầu người lãnh 500gr gạo mỗi ngày, ngoài ra còn có bánh mì, nước mắm... Để phần nào xoa dịu những vết thương do chiến tranh gây ra, rất nhiều cơ quan từ thiện từ Saigon và các tỉnh phụ cận, hàng tuần xuống cứu trợ, họ muốn trực tiếp trao tận tay đồng bào chiến nạn, từng gói mì, túi gạo, hộp sữa... đó là những món quà ân tình trong tình nghĩa đồng bào bao bọc lẫn nhau, Họ đến với những lời an ủi và mong rằng một ngày gần, đồng bào chiến nạn sẽ được về xây dựng lại căn nhà đã đổ nát vì bom đạn. Trước tình hình an ninh, không cho phép người dân Bình Long trở về quê hương của họ, Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Khẩn Hoang Lập Ấp đã quyết định cho giải tỏa trại tạm cư và chuyển sang chương trình khẩn hoang lập Ấp, theo bước chân người dân chiến nạn, Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh Bình Long được điều động về Bình Dương để trực tiếp điều hành công tác này.

Theo chương trình của Bộ Xã Hội, người dân chiến nạn đang sống trong các trại tạm cư được lựa chọn một trong hai chương trình, hoặc là định cư tự túc, hoặc là định cư theo chương trình khẩn hoang lập ấp. Nếu chọn chương trình định cư tự túc, mỗi gia đình được trợ cấp 100.000$ để làm phương tiện sinh sống mới, họ sẽ rời khỏi trại tạm cư để về Saigon hay đến các tỉnh khác để tự túc làm ăn. Đã có gần 3.000 gia đình quyết định lựa chọn phương thức định cư này. Số còn lại, sẽ theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp tại Long Khánh.

Chương Trình Khẩn Hoang Lập Ấp.

Sau hơn một năm dài tạm cư trong trại Phú Văn, niềm hy vọng trở lại Hớn Quản thật xa vời. Trại tạm cư Phú Văn đóng cửa, từng đoàn xe đò, GMC đã chuyên chở đồng bào Bình Long, để một lần nữa, họ đi càng xa hơn An Lộc, để về một vùng đất màu mỡ hơn, đang đón chờ họ như một quê hương thứ hai. Long Khánh, vùng đất đỏ màu mỡ đã dang tay đón chờ người dân chiến nạn Bình Long, họ đến định cư tại Gia Rây, Xuân Lộc, Long Khánh, nằm trên liên Tỉnh lộ nối liền với Quận Tánh Linh, Tỉnh Bình Tuy và phần còn lại, bồng bế nhau ra Rừng Lá, gần ngã ba đưa đến Bình Tuy, Phan Thiết và xa hơn nữa là xã Đồng Đền, cạnh biển Hàm Tân, Bình Tuy.

Những dãy nhà tạm trú lại được dựng lên để chờ đợi ngày ra lô, đây là một danh từ để chỉ lúc mỗi gia đình nhận được một nửa mẫu đất cho khu gia cư và một mẫu đất cho khu canh tác. Một ủy ban phối hợp gồm Bộ Xã Hội, Quân đoàn 3, Công Binh, Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh Bình Long đã nhận trách nhiệm ủi rừng, phóng đường để làm khu gia cư. Ty Công Chánh, Ty Điền Địa, Trung Tâm Bình Định và Phát Triển Tỉnh Bình Long ráo riết thực hiện để hoàn thành họa đồ khu gia cư với tất cả tiện nghi tối thiểu của một khu phố tân lập, những khu Hành Chánh bao gồm văn phòng hành chánh, chợ búa, trường học, bệnh xá… khu Tôn giáo với những khu đất dành riêng để xây chùa, nhà thờ. Nhưng một vài khó khăn đã đến trước sự đòi hỏi của một số anh em thương phế binh, cô nhi quả phụ xin được ưu tiên ở những lô đất đặc biệt để phù hợp nếp sống mới của họ. Rồi những đòi hỏi cũng được Chính quyền Tỉnh Bình Long đáp ứng thỏa đáng. Mọi người ai nấy háo hức bốc thăm lô đất dành cho mình, họ vui vẻ chấp nhận định luật hên xui may rủi khi bốc thăm. Ai nấy đều cùng chung sức xây dựng mái ấm gia đình trong vùng đất mới này. Đất được ủi bằng phẳng, mỗi gia đình được lãnh trợ cấp 35.000$ để mua gỗ, tôn và vật liệu xây cất. Họ tự tay xây dựng căn nhà theo mẫu có sẵn và trong khi chờ đợi ngày ra khu canh tác, người dân chiến nạn Bình Long vẫn còn tiếp tục được trợ cấp theo tiêu chuẩn như lúc trong trại tạm cư. Khu canh tác là một khu đất xa hơn, nằm bao quanh khu gia cư. Theo tiêu chuẩn, mỗi gia đình có một mẫu đất để trồng trọt, canh tác gây hoa màu như một lợi tức cho gia đình.

Chỉ hơn 6 tháng sau ngày rời trại tạm cư Phú Văn, đồng bào chiến nạn Bình Long đã có một mái nhà ấm cúng. Chung quanh nhà, những rặng khoai mì, vừa làm hàng rào, vừa góp vào lợi tức gia đình, những luống khoai, vườn rau trông thật xinh, phần nào đã giúp cho họ quên đi những tang thương của chiến cuộc mùa Hè đỏ lửa.

Toàn bộ Quân Cán Chính Tỉnh Bình Long được chuyển dần sang Long Khánh, vùng đất này, dự trù sẽ là một Quận tân lập của Long Khánh, họ đến để tiếp tục phục vụ và bảo vệ người dân Bình Long trong vùng đất mới, Nhưng chiến cuộc năm 1975, một lần nữa, lại đem lửa đạn đến với người dân Bình Long: Long Khánh là trận chiến cuối cùng khốc liệt nhất, nhưng cũng dũng cảm nhất. Người dân chiến nạn cứ tưởng rằng những nơi này là nơi họ sẽ sống yên vui trong mái nhà mới. Nhưng định mệnh không tha cho họ, và như vận nước đã an bài, nhiều người dân Bình Long lần này phải bỏ ra đi thật xa, xa quê hương, xa xứ sở.

Ngót 40 năm đã qua, xin ghi lại đôi dòng để nhớ đến cuộc chiến đấu hào hùng của Quân dân Cán chính Tỉnh Bình Long, để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh nằm xuống, và nghĩ đến những người, đã một lần trong đời tô đượm cho danh từ Bình Long Anh Dũng.



Vũ Minh Ngọc - Nguyên Phó Tỉnh Trưởng từ năm 1974.
(Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long)