PDA

View Full Version : Hồi ức 40 năm



Longhai
08-27-2016, 05:51 AM
Hồi ức 40 năm


Lâm Minh Sơn


Nửa kiếp lưu vong hận một đời.
Bao niềm tâm sự vẫn đầy vơi.
Nước non, non nước, điêu linh mãi.
Chẳng lẻ xuôi tay phó mặc trời !

Mất nước đã 40 năm rồi. Thời gian này là thời gian tôi phải xa cách miền Nam thân yêu với 17 năm lưu đày trong các trại tù Cộng sản và hơn 20 năm sống ở đất khách quê người.

Vẫn biết rằng, số phận một nước nhược tiểu bao giờ cũng nằm trong quỹ đạo tính toán của các siêu cường, nhưng bây giờ đã ở tuổi “cổ lai hy” rồi mà sao vận nước vẫn còn mập mờ, chưa được như ý muốn.

Bốn mươi năm không phải là con số nhỏ, không phải là “một chút gì để nhớ để thương”, mà là biết bao điều đã xảy ra của một thời gian hơn nửa đời người. Tôi chỉ ghi lại đôi điều không thể nào quên được với niềm thương cảm lẫn xót xa...

I. Chuyện dài Cải Tạo :

Trước 1975 ta có “Chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ”, vì lực lượng này chiếm đa số của các tầng lớp xã hội miền Nam. Sau 1975, hầu hết thành phần của xã hội miền Nam đều chui vào “rọ” của VC, được chúng gọi là “Học tập Cải tạo”, và trong các “Trường cải tạo” này có biết bao điều đắng cay, chua xót không thể nào kể hết được... Do đó, sau ngày mất nước, những chuyện thường được nhắc đến không phải là “Chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ” mà là “Chuyện dài Cải Tạo”.

1) Con Đường Vui: Đây là bài hát được nhạc sĩ V. Th. An sáng tác đầu tiên tại trường “15 NV” tức trại giam nằm trong làng Cô Nhi Long Thành. Tại đây, VC nhốt đủ mọi thành phần của VNCH. Chúng chia làm 4 khối. Khối 1, gồm các Viên chức hành chánh và Dân cử, khối 2 thuộc diện Đảng phái, khối 3 là Nhân viên tình báo và khối 4 là Cảnh Sát Quốc Gia.

Dĩ nhiên, thời gian này, những người trình diện “học tập” đều ngoan ngoãn phục tòng chỉ thị của VC. Chúng khéo léo tổ chức điều hành không để chúng tôi cảm nhận được mình là người tù mà chỉ là những “học viên” đến trình diện để nghe giảng về chính sách của “kẻ thắng cuộc” đối với “người thua cuộc”.

Những mánh khóe và thủ đoạn của VC để gom người chế độ cũ vào “rọ” (như đem theo 1 tháng tiền ăn, chính sách 12 điểm do Thủ Tướng ký đăng trên công báo v.v...), tuy xảo trá trắng trợn nhưng không có gì cần phải nhớ đối với ai hiểu rõ bản chất CS. Điều không thể quên được ở làng Cô Nhi Long Thành là những bài hát bất hủ của VTA, một nhạc sĩ tài danh với những “bài không tên” được nhiều người ngưỡng mộ.

Nhạc sĩ này có lẽ không biết cộng sản là gì nên đã xoay chiều nhanh chóng và tích cực phục vụ cho Ban Điều Hành trại giam với chức vụ là Trưởng Ban Văn Nghệ. Bài hát “Con Đường Vui” không biết VTA sáng tác lúc nào, mà khi chúng tôi vừa ổn định chỗ ăn ngủ thì các buồng trưởng, đội trưởng phải lên Ban Văn Nghệ học hát và về dạy lại cho chúng tôi hát mỗi đêm. Từ đó, cứ mỗi lần lên Hội trường để học tập thì chúng tôi phải ca bài này trước khi “thầy” vào lớp. Tôi còn nhớ vài câu của bài hát như sau: “... Trồng khoai trồng đậu, trồng tình thương trong tâm hồn người, trồng niềm tin cho con tim đổi mới...” hoặc: “ngày vui đã tới, đã tới, chúng ta xây lại đời ta...”.

Vì cứ ngỡ thời gian “học tập” là một tháng, các tù nhân đành nhắm mắt tuân theo lệnh của tên Cán bộ Văn hóa VC, hàng ngày rống cổ hát, dù phải hát những câu nghe đến nổi da gà!

Ngoài bài hát “Con đường vui”, VTA còn dựa theo nội dung của những bài giảng của VC để sáng tác thành những bản nhạc khác, bắt chúng tôi phải tập và hát mỗi đêm dưới sự giám sát của cán bộ VC và Trưởng Ban Văn Nghệ VTA!

Đặc biệt, khi VC giảng bài có đề tài: “Ngụy quyền là cặn bã của xã hội” thì VTA sáng tác ra bài hát có các câu hát mà khi người tù hát lên phải thấy hổ thẹn trong lòng! Tôi còn nhớ như sau :

“... Nay biết rõ Đế quốc Mỹ là quân xâm lược, lũ ngụy quyền là bọn tay sai... Bao nhiêu năm cúc cung tận tụy miệt mài...”

Không biết các bạn tù khác thì sao, chớ riêng tôi, đã 40 năm rồi, tôi vẫn còn thấy nhột nhạt trong lòng khi nhớ lại chính mình đã một thời cất lên tiếng hát đau lòng này.

Nhạc sĩ VTA dù đã lập công cho VC đúng mức ngay từ những ngày đầu, nhưng cũng chẳng được tha về sớm và bị đày ra Bắc, nhưng ở một trại giam khác.

Vài năm sau, khi phong trào “trùm mền đánh ăng-ten” nổi ra ở nhiều trại giam, VTA được chuyển về trại giam Hà Tây với chúng tôi và được biên chế vào đội Văn Nghệ. Đặc biệt, thời gian này, tối ngủ anh luôn gặp ác mộng, la hét dữ dội. Sau đó, không biết vì ác mộng hay ăn năn điều gì, anh xin rửa tội theo Đạo (Lễ rửa tội do bạn tù lén tổ chức).

Từ ngày vô đạo, VTA không còn sống lặng lẽ một mình nữa mà hòa mình sinh hoạt vui vẻ với anh em tù đạo Công Giáo. Anh quả là một nhạc sĩ có tài. Anh đã tự hát những bài Thánh Ca rất có ý nghĩa do anh sáng tác. Bây giờ anh đã qua Mỹ, tiếp tục tu hành và làm việc thiện. Rất mong, sự hướng thiện của anh là thật lòng theo ý Chúa.

2) Quyết tâm không toại nguyện của người dũng cảm: Dân biểu Đặng Văn Tiếp. Trước khi đắc cử Dân biểu, anh Đặng Văn Tiếp là Thiếu Tá Không Quân của QL/VNCH. Tôi không quen với anh ở ngoài đời. Tôi chỉ biết anh vì anh nằm trong số hơn 100 người tù được đưa ra Bắc bằng phi cơ C.130 với tôi và khi đến trại giam Hà Tây, cán bộ VC đã chỉ định anh làm buồng trưởng ngay vì anh nói giọng Bắc và có tướng tá to lớn.

Sau thời gian khai báo do Bộ Nội Vụ tổ chức hoàn tất, trại giam Hà Tây thực hiện chủ trương tiêu diệt chúng tôi bằng biện pháp không cho ăn đủ, không cho thuốc men và không đưa đi bệnh viện cấp cứu trong những trường hợp khẩn cấp. Kết quả, từ 1976 đến 1979, rất nhiều tù nhân phải chết tức tưởi do một bệnh không nguy hiểm là bệnh phù thủng. Đã bị thủng rồi mà vẫn phải ăn với nước muối, rồi uống nước thật nhiều cho no bụng, nên nước bị giữ lại trong người ngày càng nhiều và nhập vào phổi, lại không có thuốc chữa, nên đành phải chịu chết...

Tôi nghĩ anh Tiếp là một trong những người tù hiếm hoi, tuy cũng bị gạt chui vào rọ nhưng biết ngay được ý đồ của bọn CS.

Khi VC cho tù liên lạc với gia đình xin quà hoặc thăm nuôi, thay vì xin các món ăn mà lâu ngày chưa được ăn, anh lại đi xin Vitamine B1 và thức ăn chống thủng rẻ tiền là cám rang trộn đường. Đặc biệt, nhờ cám và thuốc này, anh đã cứu được rất nhiều anh em bị thủng.

Tại trại giam Hà Tây, thời gian đầu, chúng tôi không bị đưa đi lao động vì Bộ Nội Vụ VC chưa khai thác hết tin tức của chúng tôi. Mỗi ngày, nếu không có cán bộ BNV đến bắt chúng tôi viết lại quá trình hoạt động của mình, thì Ban Giám thị trại giam cũng sắp xếp cho chúng tôi sinh hoạt như: thảo luận, kiểm điểm... theo giờ giấc hành chánh và cũng có giờ nghỉ giải lao. Trong những phút giải lao, anh Tiếp đã kéo đám xi-cà-que (không thăm nuôi, không quà cáp) trèo lên chỗ ngủ của anh để đút cho mỗi người một muỗng canh cám rang đường và dặn ngày mai đến ăn tiếp. Từ đó, khi tới giờ giải lao, nhóm Xi-cà-que đùa kêu nhau : “... đến giờ cho heo ăn rồi, đi mau...”

Riêng tôi, bị thủng nặng hơn, tuy mỗi ngày cũng vui đùa với nhóm xi-cà-que, lên chỗ ngủ của anh làm heo ăn cám, nhưng mặt đã bắt đầu sưng lên!

Một đêm, tôi đang ngủ bỗng có cảm giác bàn chân mình có người khều. Tôi nhổm dậy và thấy bóng người to lớn đi về phía nhà cầu và dưới chân mình là ống thuốc Vitamine B1. Tôi biết ngay là anh Tiếp lén giúp. Tôi rất cảm động nhưng không sao cám ơn anh được vì biết anh muốn dấu điều này. Tôi rất kính phục anh vì anh giúp người không phải để củng cố chức vụ Buồng trưởng của mình mà chỉ giúp những ngưòi cần giúp.

Từ đó, tôi đến với anh như người em trong gia đình và nhờ vậy, tôi mới biết được anh dự định trốn trại ngay từ năm 1976. Không biết anh liên lạc và nhắn gởi gia đình như thế nào mà có một lần, trong gói quà anh nhận, có một hộp sửa hai nắp. Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, anh cho tôi và hai người bạn thân nữa quan sát anh khui hộp sửa này. Khi khui nắp lên, ta cũng thấy sửa, nhưng chỉ khoảng một phân thì đụng đáy, tức là nắp sửa thứ hai và dưới nắp sửa này là lon sửa không, trong đó có chứa một bản đồ và một địa bàn. Khi thấy những vật này, chúng tôi giật mình nhìn anh, anh đưa ngón tay lên miệng ra dấu im lặng rồi khẻ nói : “Mình phải vượt ngục, nếu không, cũng chết lần, chết mòn trong tù, chẳng bao giờ có ngày về...”

Thật ra, lúc đó tôi rất hoang mang vì ý định táo bạo của anh, bởi địa thế miền Bắc đối với chúng tôi quá xa lạ. Hơn nữa, suốt ngày chỉ sinh hoạt trong 4 bức tường của nhà tù, đâu biết được dân tình ngòaì xã hội miền Bắc như thế nào. Nhưng ý định trốn trại của anh không thực hiện được vì những chuyện bất ngờ xảy ra :

a/- Đám tang của Luật sư Trần Văn Tuyên: LS Trần Văn Tuyên cũng là Dân Biểu VNCH là người chết đầu tiên của nhóm tù trong Nam bị chuyển ra trại giam Hà Tây bằng phi cơ. Ông bị đột quỵ sau khi tắm ngoài trời vào mùa lạnh (trại giam VC không có buồng tắm, tù nhân đứng xung quanh miệng giếng xách nước lên tắm tại chỗ)

Tôi được nghe kể lại, Ông Tuyên là đảng viên kỳ cựu của VN Quốc Dân Đảng. Hồi thời kháng chiến chống Pháp, lực lượng VC còn yếu kém và chưa lộ nanh vuốt của kẻ lưu manh. Hồ chí Minh kêu gào liên kết mọi lựclượng yêu nước cùng với ông ta hoạt động cứu nước. Thời gian này, nghe đâu gia đình của Tướng Võ nguyên Giáp có món nợ ân tình gì đó với LS Tuyên, nên khi LS Tuyên bị đưa ra Hà Tây thì con cháu của VNG cũng có nhắn lời đến trại giam thăm hỏi. Có lẽ vì sự thăm hỏi này mà khi LS Trần Văn Tuyên chết, ông là người tù độc nhất được VC cho làm lễ mai táng có người đưa đến tận phần mộ chôn cất đàng hoàng.

Ban Giám thị trại giam đã chỉ thị xuống anh Buồng Trưởng (anh Tiếp) phải cử một số tù nhân đi theo quan tài cho đến nơi chôn. Khi được lệnh này, anh Tiếp đâu biết được nguyên nhân bên trong, anh chỉ tưởng, dù sao VC cũng còn chút tình người đối với một người tù qua đời nơi xứ lạ. Anh họp anh em lại và đề nghị mỗi ngành trong chính phủ VNCH đề cử người đi theo, tức là đủ mọi thành phần gồm có Hành Chánh, Luật Sư, Dân Biểu, Quân Đội, Cảnh Sát, Tình Báo, Đảng Phái.v.v...

Sau khi dự lễ an táng của LS Tuyên xong, anh Tiếp thuật lại mọi việc cho anh em trong buồng nghe với nỗi ngậm ngùi về một người cùng chung số phận đã qua đời!

Một buổi sáng, sau đám tang vài ngày, đột nhiên chúng tôi được lệnh dọn dẹp để đón Giám thị trưởng. Tên này đã xuống tận buồng chúng tôi, với nét mặt nghiêm trọng, lên giọng buộc tội anh Tiếp về việc cử thành phần tham dự đám tang và ra lệnh cho chúng tôi chia tổ để kiểm điểm về việc cử người của anh Tiếp. Hắn đã lên án anh Tiếp, tới giờ phút này rồi mà vẫn còn mơ tưởng đến thành phần tổ chức của Ngụy quyền ngày xưa!

Nhờ vụ kiểm điểm này, anh em trong buồng mới biết được những mặt chuột đã lòi ra, sau khi “cháy nhà” anh Tiếp có cơ hội từ chối “chức” buồng trưởng mà anh bị bắt buộc phải nhận trong ngày đầu tiên đến tại Hà Tây.

b/- Phản đố chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe tù nhân của trại giam: Sau khi hoàn tất việc khai báo của chúng tôi, VC bắt đầu thi hành chủ trương tiêu diệt tù nhân bằng đói khát và bệnh hoạn. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, lần lượt số tù tử vong đã tăng lên ngày càng nhiều. Sớm nhận ra được thủ đoạn ác độc này, anh Tiếp đã công khai hô hào anh em phải lên tiếng phản đối chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe của trại giam đối với những người tình nguyện trình diện để “cải tạo”. Việc làm này của anh đã đưa đến hậu quả là sau đó anh bị chuyển trại.

Từ đó, tôi bặt tin tức về anh mãi đến đầu năm 1988, là năm VC gom tất cả các tù nhân thuộc chế độ cũ về trại giam Nam Hà để làm lễ phóng thích dưới sự hiện diện của giới truyền thông quốc tế, tôi mới tìm vài người quen để hỏi thăm về anh. Thì ra, sau khi rời trại Hà Tây, anh Tiếp bị chuyển lên trại giam Cổng Trời, là trại tù nổi tiếng hắc ám nhất của VC. Đến năm 1979, khi Trung Cộng tấn công các tỉnh phía Bắc VN thì trại tù này giải tán, anh Tiếp được chuyển vào trại Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây anh vẫn không từ bỏ quyết tâm vượt ngục, nên cùng vài anh em khác tổ chức trốn trại, nhưng không thành công, Anh bị bắt và bị đánh cho đến chết! (Chung vụ với Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, bị đánh hư một con mắt, hiện ở Úc).

Tiếc rằng anh không được ở trại Hà Tây đến 1979 là năm một phóng viên Bắc Âu đã lừa được VC để báo cho anh em tù biết tin tức về Mỹ và Hà Nội đã họp, thảo luận về số phận những người của VNCH bị giam cầm. Nếu biết điều này, có lẽ anh Tiếp sẽ bỏ ý định trốn trại và không bỏ mạng vì quyết tâm của mình ngay trong những ngày đầu bị lưu đày ra Bắc!

3). Cái khéo của kẻ có lòng: Anh Nguyễn Quốc Thụy, Thứ Trưởng Bộ Chiêu Hồi. Dường như tại bất cứ trại giam nào của VC, chúng đều tổ chức hệ thống chỉ huy tù từ trên xuống dưới theo các chức vụ : Trưởng Ban Văn Hóa, Buồng trưởng, Đội trưởng, Tổ trưởng.

Hầu hết những tù nhân có chức vụ này đều bị các anh em đồng tù đề phòng, vì ngoài nhiệm vụ nhận chỉ thị của Ban giám thị trại để truyền đạt xuống cho các tù nhân thi hành, họ còn phải theo dõi, báo cáo những ai có tư tưởng hoặc hành động chống đối, trốn trại v.v...

Tại trại giam Hà Tây, sau khi anh Tiếp từ chức, cán bộ VC đặc trách Ban Văn hóa (ngụy danh của Ban An Ninh) đã tổ chức được một hệ thống điều hành hầu hết là những người bán rẻ tư cách để mong được ân huệ hảo huyền của VC (được cho về sớm). Thời gian này, tên Trưởng Ban Văn Hóa là Đỗ Công Thành đã tận tâm phục vụ cho VC đến nỗi ai ai cũng phải sợ hắn, dù hắn cũng là một người tù cùng hoàn cảnh với mình.

Tên Thành kể ra cũng có tài tổ chức hệ thống ăng-ten đến nỗi chuyện nhỏ gì trong các buồng ngủ của tù hắn đều biết rõ. Điển hình như ở buồng tôi, có anh Nguyễn Xuân Phong (nguyên Trưởng Đoàn Hòa Đàm Balê của VNCH), tối tối, theo lời yêu cầu của các bạn tù, đã kể và tả lại các món ăn ngon trên thế giới cho mọi người nghe cho đã thèm mà quên đói, cũng bị hắn biết và báo cáo với cái tội danh là chưa quên được cuộc sống tư bản! Hắn còn có ăng-ten bên khu hình sự, nên hình sự nào bán thức ăn cho chúng tôi (thường là mỡ) là hắn biết ngay và cho xét phòng để tịch thu làm chúng tôi mệt nhoài vì phải đứng ngoài phòng khi đi lao động về, chờ hắn lập biên bản!!!

Cũng may, trong những đợt xét tha sau đó có tên hắn, nên Ban Giám thị trại cho tổ chức lại với Ban điều hành khác mà anh Thụy được chỉ định làm Trưởng Ban Văn Hóa.

Tại trại Hà Tây, tôi và hai bạn trẻ khác thuộc loại “xi-cà-que”, đã kết bạn với nhau, cùng ăn uống chung như anh em trong gia đình. Chúng tôi thân nhau vì chúng tôi cùng vô sản, sống với nhau không sợ phải hơn thua hay ganh tị về vật chất. Hơn nữa, lúc đó chúng tôi đều còn trẻ nên dù bị lưu đày ra Bắc, cũng không ưu tư lắm và cũng tìm được cái vui trong tù như lén đàn ca nhạc miền Nam, kể và nghe chuyện kiếm hiệp Kim Dung v.v... Được cái, chúng tôi đều tự trọng, không luồn cuối nịnh bợ cán bộ VC hoặc các “đại gia” trong tù, nên cũng được nhiều người thương mến. Ba đứa chúng tôi đếu có nick name. Tôi tuổi gà nên có biệt danh là “Gà Tre”, Huỳnh Diễn, cũng là Khóa 1 HV/CSQG như tôi, người cao to lại có răng lòi sỉ nên được gọi là “Voi”, còn Hà Lý Luận, Trung Úy đơn vị 101, đã đem giống hoa Sao Nhái từ làng Cô Nhi Long Thành ra trồng trong sân trại giam nên có biệt danh là “Sao Nhái”, lâu dần mất tiếng Sao chỉ còn lại tiếng “Nhái”. Rốt cuộc, bộ ba chúng tôi có tên là Gà Tre, Voi và Nhái nên anh em cùng trại gọi chúng tôi là nhóm “Sở Thú”.

Anh Thụy, bên ngoài vui vẻ cởi mở, nhưng thực tế anh là người có những ý tưởng và dự tính rất sâu sắc đã vượt qua mọi khó khăn và giữ vững được phong cách của một viên chức cao cấp VNCH trong ngục tù cộng sản. Anh tự tìm đến chúng tôi để làm quen vì biết chúng tôi còn trẻ, bộc trực, quan hệ với ai cũng không màu mè hay thủ đoạn..

Khi anh nhận lời làm Trưởng Ban Văn Hóa, chính tôi đã hỏi thẳng anh tại sao? Anh mỉm cười và cho biết việc anh nhận lời, chỉ có hại cho anh, nhưng sẽ có lợi cho các bạn đồng tù. Nếu anh không nhận thì sẽ có kẻ khác nhận và biết đâu, kẻ khác này cũng giống như tên ác ôn đã được thả về thì anh em sẽ lại khốn đốn nữa..

Quả thật, từ ngày anh làm TBVH, trong trại không còn những vụ xét buồng hay tù bị chụp mũ nữa. Đặc biệt, có số anh em nóng tánh chống đối lộ liễu bị cùm ở khu biệt giam, khi được thả ra, họ kể lại không biết vì sao có tù hình sự leo tường vào cho họ thêm phần ăn và nhờ đó, họ mới có sức chịu đựng cho đến ngày được trở về buồng...

Sau này, chúng tôi mới biết, tất cả việc làm táo bạo đó đều do anh Thụy bỏ quà cáp ra mua chuộc đám hình sự, liều mạng hành động. Chỉ có anh, với tư cách là TBVH mới có thể quan hệ với khu hình sự để giúp bạn bè. Tuy nễ phục việc làm của anh, chúng tôi không thể truyền đạt sự nễ phục này cho mọi người biết, vì nhiều người biết thì VC cũng sẽ biết, mà VC biết thì dĩ nhiên anh Thụy sẽ gặp điều bất lợi và kỷ luật trong tù sẽ gắt gao hơn, sẽ khổ cho anh em hơn nữa.

Khi tù được chuyển từ trại Hà Tây đến trại Nam Hà thì anh Thụy thoát được cảnh “trên đe dưới búa” và được biên chế vào tổ phiên dịch, dịch những tài liệu tiếng Anh ra tiếng Việt cho Bộ Nội Vụ VC. Tại trại giam này, anh vẫn sống trầm lặng với tấm lòng nhân hậu của mình. Có lẽ, anh có thân nhân ở nước ngoài hay gia đình khá giả nên anh chẳng những không gặp khó khăn về cuộc sống vật chất mà còn có dư để âm thầm giúp đỡ những anh em đồng tù không có quà cáp hoặc thăm nuôi...

Năm 1988, VC tổ chức lễ phóng thích qui mô để tuyên bố với thế giới là họ thả hết tù chính trị. Anh Thụy và hai người bạn ăn chung với tôi được về trong dịp này. Tôi cùng với 90 tù nhân khác được dấu lại rồi sau đó chuyển chúng tôi về Nam, tiếp tục giam tại trại Hàm Tân (cộng với 68 bạn tù từ Z.30A chuyển qua là 159 người).

Năm 1989, khi biết chúng tôi được chuyển về Nam, anh Thụy từ Sài-gòn ra Hàm Tân để “thăm nuôi” anh em. Tuy chẳng có bà con họ hàng gì, anh cũng tự nhận mình là thân nhân của một số tù ít được tiếp tế để gởi quà và tiền cho họ và tôi là một trong những bạn đã chịu ơn của người có lòng này.

Khi việc đi Mỹ của tù chính trị được chấp thuận, anh qua Mỹ theo diện HO.2, anh vẫn không quên những người bạn đồng tù khốn khổ ở Việt Nam. Năm 1991, anh lại gởi tiền về cho anh Hà Lý Luận để anh này phân phối quà và tiền cho số “xi-cà-que” còn đang ở tiếp trong tù.

Bây giờ đã hơn 25 năm rồi, tôi vẫn nhớ mãi phần quà cuối mùa cải tạo này, dù cuộc sống mới ở quê người có ít nhiều bận rộn và người anh có lòng năm xưa đã ra đi về miền miên viễn!


II- Điều khó quên nơi đất khách :

Tuy đã sống hơn 20 năm trên quê hương thứ hai này, nhưng những điều tạo ra ấn tượng để khó quên hầu như không có. Những năm đầu thì cố bươn chải để làm quen với cuộc sống mới. Khi đã đâu vào đấy, thì cuộc sống ăn no mặc ấm chỉ là nếp sống đời thường tại vùng đất tự do này. Tôi nghĩ các bạn đồng tù thuộc diện H.O khác cũng như tôi, sẽ không có gì đặc biệt để xếp vào hồi ức mình, nếu tôi không gặp lại Thiếu Tá Lê Văn Hoan, nguyên Hội Trưởng Hội CSQG Dallas - TX.

Tôi biết Hoan từ ngày đầu tiên chiu vào rọ VC tại làng Cô Nhi Long Thành. Sau đó, anh bị chuyển đi nơi khác vì VC dàn cảnh cho là anh có ý định trốn trại. Khi VC chuyển tôi ra Bắc giam tại trại Hà Tây thì Hoan cũng bị chuyển về trại này. Từ đó, chúng tôi không phải chỉ là quen biết mà là bạn thâm giao “mày mày - tao tao” trong trại tù cho đến ngày được VC xả cảng theo kết quả giao dịch với Mỹ. Chúng tôi dễ thân nhau vì cùng ngành Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc LL/CSQG. Hoan là Trưởng F/ĐB Ban Mê Thuột, còn tôi là Trưởng F/ĐB của Quảng Nam. Chúng tôi có máu văn nghệ. Tôi thì chơi đàn còn Hoan thì thích hát. Có điều Hoan không phải là dân hát thứ thiệt mà chỉ hát vì ham vui khi bạn tù tụ lại, lén đàn ca những bản nhạc miền Nam cho đỡ nhớ nhà! Thời gian đầu, Hoan chỉ ca có một bản Passo là bài “Dừng bước giang hồ”. Sau này, không biết Hoan học ở đâu lại hát thêm bài nữa là bài “Cô láng giềng” với điệu Slow.

Đặc biệt, có hai trường hợp xảy ra trong tù có dính líu đến Hoan mà theo tôi nghĩ, những ai ở tù chung với anh không thể quên được. Đó là hai màn kịch do VC dựng nên để răn đe tù phải thi hành ý muốn của chúng :

1) Trường hợp 1: Làm cho tù không có ý định trốn hoặc không dám trốn trại xảy ra tại làng Cô Nhi Long Thành:

Những ngày đầu tại đây, vì chúng tôi có đóng một tháng tiền ăn nên chúng tôi được ăn uống đầy đủ theo cung cấp của nhà thầu. Dĩ nhiên lúc này bọn tôi còn hoang mang, ăn uống không nhiều, nên sau khi ăn, cơm và thức ăn có bữa còn dư. Hoan và một vài anh em khác thấy đem đổ cơm thì uổng nên mang đi phơi để dành dùng lại khi hữu sự. Các anh làm việc này một cách công khai và VC lợi dụng điều này để dàn cảnh một màn kịch hầu răn đe bọn tôi. Một buổi chiều, VC cho khoảng một Trung đội “bò vàng” (công an) đi rảo quanh các khu ăn, ở của chúng tôi một lúc rồi áp tải Hoan và vài người khác lên xe chở đi. Hôm sau, chúng tôi được lệnh xuống Hội trường và được Ban chỉ Huy cho biết là Cách Mạng vừa khám phá và bắt trọn ổ những tên có ý đồ trốn trại với tang vật đầy đủ. Lúc đó chúng tôi tin ngay nhưng sau này nghĩ lại thì không phải, vì thời gian sự việc xảy ra quá sớm. Thời gian “học tập” chưa đủ tháng, ai lại dại làm chuyện phạm pháp như vậy. Mà nếu có ý định trốn trại, ai dại gì phơi cơm công khai cho mọi người thấy? Sự thật vì thời gian một tháng sắp hết, VC mượn cớ này để tăng cường thêm hệ thống an ninh mà không làm chúng tôi nghi ngờ.

2) Trường hợp 2 : Ngăn chận mọi tiết lộ về số tù còn giữ lại :

Năm 1988, VC muốn cho thế giới biết là mình không còn giam giữ người của chế độ cũ nữa, nên gom tất cả tù chính trị nhốt trong các trại giam ngoài Bắc về trại giam Nam Hà, rồi mời các cơ quan truyền thông ngoại quốc đến tham dự lễ phóng thích.

Dĩ nhiên, chúng vẫn phải giữ lại một số tù để đến giờ cuối cùng mới thả ra khi cuộc thảo luận với Mỹ có kết quả. Số người cuối cùng này gồm các vị Tướng lãnh và những người mà chúng nghĩ là tình báo của Mỹ.

Khoảng 3 ngày trước lễ phóng thích, chúng cho đọc tất cả danh sách người được tha, trong đó có anh Lê Văn Hoan. Số người bị giữ lại là 90 người (ít ngày sau, trước khi chuyển về trại Hàm Tân, chúng chuyển thêm 1 người là anh Phan Nhật Nam, vị chi là 91) gồm Tướng Tá quân đội và hầu hết các Trưởng F/Đặc Biệt thuộc LL/CSQG, trong đó có tôi.

Chúng tôi bị đưa đi dấu vào 2 buồng phía sau, bên phải của trại Nam Hà, cách xa địa điểm làm lễ. Hoan cùng số tù có trong danh sách tha, được tập trung vào khu riêng và cấm liên lạc tin tức với những người bị ở lại vì sợ báo chí biết.

Thình lình ngay đêm trước ngày lễ, cán bộ an ninh VC vào khu tù được tha, nói anh Hoan có “vấn đề” phải giữ lại và dẫn Hoan trở về khu của chúng tôi. Màn kịch này quả đã thành công vì hôm sau, khi giới truyền thông ngoại quốc đến phỏng vấn, không một ai dám hó hé về việc số tù còn bị giữ lại. Phía tù bị giữ lại cũng sợ bạn mình được về gặp trở ngại, cũng không dám nhắn gởi điều gì!

Sau này ngẫm nghĩ lại, chúng tôi biết VC dùng Hoan như con cờ trong kế hoạch bảo mật của chúng. Sự thật, Hoan cũng là một Trưởng F. như tôi, làm sao có thể về trước được. Chúng cố tình đọc thêm tên Lê Văn Hoan vào danh sách được tha, cũng chuyển Hoan ra ở khu ngoài rồi giờ chót đem về khu bị giữ lại, để cho mọi người thấy rằng, dù có năm trong danh sách tha của Bộ Nội Vụ, VC cũng có thể giữ lại, nếu xét thấy có “vấn đề”.

Riêng Hoan, dù được về hụt cũng chẳng buồn gì, vì thấy các Trưởng F. như mình đều bị giữ lại cả. Hơn nữa, anh là người rất lạc quan, cho rằng những người về sau sẽ được Mỹ bốc thẳng và chiếu cố hơn.

Tóm lại, nói đến Lê Văn Hoan thì cũng vẫn là “Chuyện dài Cải tạo”, nhưng giao tình giữa tôi và Hoan vẫn còn nồng ấm nơi xứ người cho đến ngày anh ra đi, từ bỏ bạn bè khắp nơi. Khi tôi và gia đình về định cư tại Dallas, TX, và tìm đến Hội CSQG vào ngày Truyền Thống 1 tháng 6 năm 2005, tôi mới gặp lại người bạn thâm giao này và biết Hoan vừa được Ban Chấp Hành Hội bầu làm Hội Trưởng thay thế anh Phạm Văn Giao, lên làm Cố Vấn cho Hội. Tôi thấy Hoan chẳng có gì thay đổi. Vẫn là đôi mắt hơi lộ và nụ cười cởi mở như thuở nào.

Nhà Hoan và địa điểm sinh hoạt của Hội ở thành phố Arlington, cách chỗ tôi ở (thành phố Rowlett) hơn một tiếng lái xe, nên chúng tôi ít gặp mặt nhau, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc qua Email hoặc điện thoại.

Trước vài ngày Hoan qua đời, tôi và vợ chồng đứa con gái lớn, có đến thăm Hoan. Anh nằm trên đầu giường, đầu đội mũ của những người đang chữa Chemo (hóa trị), nhưng cặp mắt lộ vẫn đi đôi với nụ cười cởi mở. Thấy con gái tôi, anh buột miệng gọi: Khánh Dung, làm con tôi ngạc nhiên hỏi lại :

- Bác vẫn nhớ con sao?

Hoan cười :

- Toán hầu kỳ của CSQG Dallas mà!

Nghe bác cháu nói chuyện, tôi có chút an tâm, nghĩ là Hoan chưa đến nỗi nào, nhưng vài ngày sau, tôi sững sờ khi nghe tin Hoan ra đi vĩnh viễn! Có điều an ủi là đám tang của Hoan rất đông người đến đưa tiễn, không phải chỉ có đầy đủ các Hội Đoàn tại địa phương mà còn rất nhiều bạn bè đồng nghiệp, đồng tù, đồng chí hướng đến đưa Hoan đến nơi anh nghỉ cuối cùng.


III - Tâm sự thay lời kết:

Hoan thân,

Tao và mày đã lưu vong hơn nửa kiếp người, nhưng tao còn có thể viết được hồi ức bốn mươi năm, còn mày thì không!

Với bản tánh vui vẻ thương người của mày, tao chắc giờ này mày đã ở Thiên Đàng rồi. Trên đó, dĩ nhiên là mọi sự đều đẹp đẽ từ phong cảnh đến các đấng Thần linh. Thiên đàng mà! Nhưng có điều chắc chắn là mày phải “dừng bước giang hồ” và dù cho mắt mày có lộ thêm nữa cũng chẳng tìm được “cô láng giềng” nào. Mày đừng lo nghĩ về Hội CSQG Dallas. Hội vẫn hoạt động bình thường dưới sự lèo lái của anh Đoàn Tống, tân Hội Trưởng. Đặc biệt chị Hoan, bà xã của mày vẫn tiếp tục giúp đỡ Hội như ngày mày còn với anh em.

Lúc ở tù, mày đã từng lạc quan nói những người tù ở lại sẽ được Mỹ bốc thẳng và chiếu cố hơn. Bây giờ tao cũng lạc quan nói rằng tao và bạn bè còn ở lại dưới này sẽ được Chúa bốc thẳng và chiếu cố hơn mày!

Tóm lại, để kết thúc Hồi Ức này, tao cho mày biết, bốn mươi năm qua, dù bị mất nước, mất người thân, mất bạn bè, mất tiếng nói... mất rất nhiều, nhưng cũng có điều thêm để tự an ủi cho kiếp tha hương, đó là:

Bốn mươi năm thêm con, thêm cháu.
Thêm tuổi đời, thêm nỗi nhớ quê hương.


Lâm Minh Sơn
Dallas 10/2015