PDA

View Full Version : Lời nhắn nhủ 40 năm



Longhai
08-26-2016, 09:47 PM
Lời nhắn nhủ 40 năm


Bích Ngọc


Vào một buổi chiều cuối Đông 1974, đầu năm 1975, nhận được tin chồng từ nơi chiến trường do người tài xế thân tín sau cùng đem về. Lời tạ tội của người đồng đội đã không cứu được vị Đại Đội Trưởng của mình sau 2 ngày băng trong rừng sâu, không một bóng người, đành phải tuân lệnh cấp chỉ huy của mình là đem những kỷ vật về trao lại cho người vợ hiền và 2 đứa con thơ dại, cùng những lời dặn dò, nhắn nhủ, rồi để ông nằm dưới một tàng cây lớn bên cạnh giòng suối, chỉ mong có người Thượng hay ai đó đi qua và... cứu sống ông.

Nhìn con đang ngủ trên tay, mới được 16 tháng tuổi, và bé chị được hơn 3 tuổi, không ai không tự hỏi... Làm sao có thể lo được cho hai con đến ngày khôn lớn ??

Thời gian lặng lẽ trôi...

Ngày ngày đưa đón con đến trường học và dành những thương yêu còn lại của đời người cho hai con, luôn mang theo hình ảnh của người chồng đã mất tích trên đường rút lui từ tỉnh lỵ Phước Long trước khi bị giặc cộng đánh chiếm. Những buổi tối Sài-Gòn thường hay cúp điện, phải ngồi bên con quạt muỗi, cho đến khi con học xong bài vở, cho đến khi con được an giấc....

Cũng vì hoàn cảnh đất nước tang thương, nỗi đau nghiệt ngã của nhiều gia đình cũng phải chịu cảnh chia ly và mất mát. Nhiều khi phải nói dối cho con đỡ buồn tủi là cha của chúng đã đi Mỹ... (vì trong gia đình cũng có một ông chú chồng làm Quận Trưởng một quận ở Bến Tre đã đến được Hoa Kỳ vào những ngày cuối tháng 4/1975).

Trong ánh mắt con trẻ như hiểu rằng, nỗi đau mà mẹ nó đang gánh chịu vì thiếu vắng ba, nên 2 chị em cố gắng , chăm chỉ học hành. Hai cháu luôn được làm lớp trưởng từ lớp 1 đến lớp 12.

Hàng ngày phụ giúp việc gia đình bên ngoại, trông coi cửa hàng bán tạp hóa ở chợ Hòa Hưng. Đôi khi thì đạp xe vào Chợ Lớn chở vài chục ký đậu xanh, đậu đỏ, vừng, lạc. v.v..., có khi thì ra tận xa cảng miền Tây mua đường và các thứ rẻ hơn ở Chợ Lớn về bán lại. Dù cực nhọc, lam lũ, nhưng phải làm để nuôi gia đình và cũng để che mắt đám cán bộ ở phường khóm, luôn luôn dòm ngó từng nhà. Dòm ngó để tìm cách bắt nạt, răn đe, những hành động thường thấy của bọn “cướp ngày” sau 1975.

Những mùa nghỉ Hè, ba mẹ con về Huế thăm quê nội, cho tuổi thơ con trẻ được ấm áp thêm với tình thương của ông bà nội, cùng các bác, các chú. Nhà nội có tiệm bán đồ gỗ, đối diện chợ An Cựu, nơi thị tứ sầm uất.

Ở chơi ít ngày lại trở về làng. Thời buổi lúc bấy giờ, đi xe đò phải chen chúc, chật chội, nên cùng ra bến đò gần nhà, xuôi dòng sông An Cựu để về làng Lương Văn, Hương Thủy.

Từ những chùm nhãn nội hái từ trên cây xuống cho đến những củ khoai lang ông nội đào lên từ sân sau nhà đem vào luộc cho cháu ăn. Những cánh rau húng quế bà hái vào để ăn chung với dưa leo... Có lẽ vì tình thương nhớ người con trai nên ông bà nội đã dành hết những sự chăm lo còn lại cho hai đứa cháu như là sự hiện thân của một bóng hình đã khuất. Những hương vị nồng ấm nơi quê nội ngày nào, hai cháu vẫn còn nhớ và nhớ mãi trong cuộc đời.

Đến năm 1979, bắt đầu có những chuyến vượt biên, khi thì ngay tại cầu Chữ Y, lên đò nhỏ để ra ngoài tìm tàu lớn, khi thì ra Long Thành- Bà Rịa, có khi thì tại Bến Tre và Rạch Giá. Mấy mẹ con cũng đã ra đi 7 hay 8 lần, nhưng đều bị trở ngại phải quay về. Cũng may là chưa bị bắt, chưa bị vận đen của Xã Hội Chủ Nghĩa !

Thôi đành an phận lo cho các con học thêm vài năm nữa, nhất là học Anh ngữ, chờ ngày xuất cảnh do các cậu bảo lãnh. Khi cháu trai vừa xong lớp 12 mấy mẹ con lại được lên đường đi Mỹ theo diện ODP năm 1991.

Đến Hoa Kỳ lại được sống trong tình thương của gia đình bên ngoại. Hàng ngày 5 cậu cháu đi học tại trường OCC, sau đó lên học ở UC Irvine. Mỗi ngày phải học đến 10 giờ đêm mới về nhà, vì còn phải học thêm ở Thư Viện.

Suốt 4 năm Đại học, có thể nói “cơm hộp nuôi chí thành công”, cho đến sau này, các cháu thi đậu vào School of Pharmacy tại Tiểu Bang Michigan. Nơi đây cũng là định mệnh sắp đặt, hai đứa đều chọn người bạn đời cùng ngành Y mà đến hôm nay đã có được 3 Dược Sĩ và 1 Bác Sĩ.

Sau 40 năm, gia đình Võ Lệ đã có được các cháu nội ngoại..

Sau gần 40 năm, ngồi đây nhớ lại chuyện xưa, chuyện của đời mình, chuyện của các con... không làm sao quên được những dòng chữ dặn dò “... Em cố gắng lo cho hai con đến ngày khôn lớn” -

Vâng, có lẽ em đã làm tròn những gì mà anh đã nhắn nhủ trong quyển sổ đã cũ, nhưng hãy còn hơi ấm của tình thương mà anh đã gói ghém trong đó cho mẹ con em. Những dòng chữ cuối cùng của một đời người mà trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc đổi đời sau 1975, luôn là những động lực vô biên đã giúp em vượt qua, để sống và để lo cho các con được như ngày hôm nay.

Ngày nay, các con đều có được cuộc sống hạnh phúc và thành đạt, chắc anh cũng đã thấy và anh cũng đã mãn nguyện theo những gì mà anh đã dặn dò từ 40 năm trước.

Những gì của ngày hôm nay có được, em xin kính dâng lên anh, Đại úy Võ Lệ, Đại Đội Trưởng 301 Cảnh Sát Dã Chiến của Tỉnh Phước Long Anh Dũng !



Bích Ngọc