PDA

View Full Version : Chuyện Hai Con Mèo Chết



Longhai
08-26-2016, 05:55 AM
Chuyện Hai Con Mèo Chết (*)


Khải Nguyên


Một buổi tối khoảng tháng 3 năm 1982 các đội thuộc khu A (Z 30D/K2) được cho đi xem chiếu film. Phần nhiều những buổi xem chiếu film không có mặt người viết với lý do kiếu bệnh. Thật ra những lúc ấy mới là thời gian được yên tĩnh nghỉ ngơi trong nhà giam, vì lúc nào cũng hừng hực hơi người, ồn ào, ngộp ngạt và không khí nghi ngờ lẫn nhau bao trùm, có người đã gọi đó là thứ “đáy địa ngục trần gian”!

Những người không đi xem chiếu film của đội 3 và 4 còn lại trong nhà số 2 khoảng 5-7 người gồm ốm thật và “ốm vờ”. Những người đi xem film ra khỏi nhà để tập họp, cửa nhà khóa lại. Người còn lại trong nhà, ốm thiệt thì nằm bẹp tại chỗ như cái xác không hồn còn thoi thóp thở, kẻ ốm vờ cũng phải ra điều là bệnh, không ồn ào nói cười để tránh bị nghi ngờ để ý.

Trong sự yên tĩnh buồn tẻ của nhà giam, Chí, Linh và Nghĩa đã lặng lẽ chuẩn bị xong nước chanh đường (dĩ nhiên là không có nước đá), thuốc rê... Chí đi ngang chỗ tôi nằm ra dấu, ý bảo tôi lại chỗ Chí nằm, tôi sẽ làm công việc “máy chiếu film”. Đây là cách nói để đặt tên những người kể cho bạn tù nghe các bộ tiểu thuyết, kiếm hiệp, trinh thám, tiếu lâm, chuyện chưởng, chuyện film... thượng vàng hạ cám đủ mọi thể loại, hầu giải khuây giết thời gian trong những lúc không phải lao động khổ cực.

Tôi vốn dĩ không phải là “máy chiếu film chính”, chỉ năm thì mười họa muốn lợi dụng việc này để làm cớ trao đổi với anh em những chuyện cấm kỵ trong đời tù tại các trại tập trung. Nói khác đi, trong Xã Hội Chủ Nghĩa có tên gọi quen thuộc là “chuyện phản động”. Nhiều người đã phải chết rũ trong tù chỉ vì chuyện phản động!

Chuyện film duy nhất của tôi là “Tám mươi ngày vòng quanh thế giới” (loại truyện ngắn Anh ngữ dễ đọc, dường như của Jules Verne). Những "máy chiếu film" nổi tiếng cự phách như Tô Quang Vượng, Hà Khắc Huỳnh của Khu B đã từng làm say mê nhiều người hằng đêm và những ngày thứ bảy, Chủ Nhật với những pho truyện như “Nhất Phiến Cô Thành”, “Lãnh Diện Băng Tâm”, “Cô Gái Đồ Long”, “Thủy Hử”...

Đang chăm chú trong câu chuyện kể với nhau về tình hình ở trong trại, những biến chuyển bên ngoài do tin tức thu lượm từ các thân nhân đến thăm nuôi cho biết, bỗng Chí hô lên: “Ê coi con mèo làm gì kỳ quá kìa?” Tất cả chúng tôi nhìn theo hướng tay Chí chỉ, ở lối đi giữa hai hàng sàn ngủ, con mèo đang nhảy chồm lên liên hồi, vật vã... rồi lăn ra nằm ngay đơ.

Mọi người đổ xô tới xem thì con mèo đã chết tốt! Ai nấy ngỡ ngàng vì cái chết đột ngột của nó, tất cả đều cho rằng có thể nó bị rắn rít cắn, nhưng vẫn không tìm thấy có dấu vết gì.

Câu chuyện bàn tán về nguyên do cái chết của con mèo còn đang sôi nổi thì con mèo thứ hai lại từ gầm sàn ngủ gần đó chạy ra, vẫn cùng một cách giẫy dụa như con trước rồi lăn ra chết luôn! Bây giờ thì ai cũng bàng hoàng xúc động vì thương hai con mèo, ái ngại và thương cho chủ nuôi chúng là Danh Mổ Bụng. Đi xem chiếu film về thấy hai con mèo đã chết, chắc Danh Mổ Bụng sẽ buồn lắm, vì hàng ngày anh nựng nịu chơi đùa với chúng như chơi với các con của anh hay thân thiết như những người bạn chí cốt trong cuộc đời lao lý trầm luân!

Chí và Linh vốn là những người trẻ rất sôi động và nghịch ngợm ngay cả trong đời sống ở tù, nhất mực đòi đem làm thịt hai con mèo ăn. Mọi người đều ngăn cản và phản đối vì nghĩ rằng nếu hai con mèo bị rắn cắn chết thì còn nọc độc, ăn thịt mèo sẽ bị trúng độc chết. Cuối cùng quyết định chung là đem hai con mèo đến đặt tại chỗ chủ nuôi chúng nằm để chờ Danh Mổ Bụng về làm gì thì làm.

Danh Mổ Bụng chỉ là hỗn danh người trong tù đặt cho Danh, nó vừa có nghĩa tả chân vừa mang ý nghĩa về thành tích của anh, Danh có vẻ hài lòng chấp nhận nó như có một chút hãnh diện nữa là khác. Tên thật của anh là Nguyễn Văn Danh. Danh bị bắt vì là thành viên của một tổ chức Phục Quốc. Ở trong trại tập trung, Danh vẫn luôn chứng tỏ mình là người có lập trường dứt khoát không chấp nhận Cộng Sản. Danh thường bị Trại lưu ý và liệt vào thành phần xấu vì có những thái độ chống đối cải tạo, thế nên Danh bị quản giáo và trực trại ghét lắm, trù dập, hằn học mỗi khi thấy mặt Danh.

Trong nhóm 13 người trốn trại trước đó mấy năm, Danh là người ốm yếu nhất. Cái cuộc trốn trại thật hết sức “táo bạo và liều mạng”! Danh bị bắn vào bụng và bị bắt lại. Sau khi lành vết thương, ra khỏi trại kỷ luật bị đưa về lại đội cũ, dấu ấn của cuộc vượt ngục bất thành vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm Danh và bây giờ hằng ngày Danh vẫn sờ tay thấy nó như con đỉa dài no tròn bám chặt trên da. Bụng Danh có một thẹo lớn của vết mổ, cái thẹo kéo dài từ ngực tới dưới phần rốn, lồi cộm lên và đen ngòm trông rất ghê sợ!

Chẳng hiểu ai là người đầu tiên ghép liền tên Danh với hai chữ “Mổ Bụng”. Có thể chỉ do một ai đó gọi đùa trong một phút cho vui, thế rồi nhiều người cứ quen miệng gọi “Danh Mổ Bụng” thay vì gọi tên Danh như trước và anh cũng không phản đối việc gọi tên mới. Tên Danh Mổ Bụng trở thành tên gọi hằng ngày của Danh ở trong trại giam từ bao giờ không ai để ý biết, cái tên ấy phổ biến thậm chí chính các cai tù cũng gọi anh là Danh Mổ Bụng!

Từ ngày về lại đội cũ sức khỏe của Danh Mổ Bụng càng suy yếu đi thêm, anh cũng có thái độ trầm hẳn xuống chứ không còn sôi nổi như trước, anh không còn thể lao động nặng được như đào đất, khiêng đá v.v... Rồi không rõ do đâu Danh Mổ Bụng được Trại giao làm công việc cắt tóc cho các tù thuộc Khu A. Cũng kể từ ngày đó trở đi Danh Mổ Bụng bị mọi người trong khu A xa lánh anh dần, những bạn thân rời bỏ anh và hầu như không còn ai là bạn thân nữa! Danh Mổ Bụng ngày càng thu hẹp đời sống của mình ở trong trại, ít còn giao tiếp với ai.

Một hôm nọ Danh Mổ Bụng kiếm đâu được hai con mèo con đem về nuôi làm bầu bạn. Từ khi có hai con mèo ngày ngày anh chỉ chơi với hai con mèo, chăm sóc trìu mến chúng như con. Nhờ có hai con mèo Danh Mổ Bụng sống vui vẻ trở lại dần và vì đời sống trong tù thật buồn chán nên cả nhà ai cũng thích hai con mèo của Danh Mổ Bụng. Hai con mèo là nguồn vui chung cho cả gia đình nhà số 2, nó còn có ích lợi lớn là diệt lũ chuột nhắt, loại kẻ thù truyền kiếp mà tù nhân nơi nào cũng căm ghét vì chúng chuyên phá hoại, trộm cắp, vày vò đồ ăn thức uống, áo quần và đồ đạc của tù nhân. Hai con mèo cũng còn làm được một việc khá quan trọng nữa cho Danh Mổ Bụng, chúng như là một gạch nối lại sự liên hệ giữa Danh Mổ bụng với mọi người khác trong nhà.

Sau biến cố mồng bốn Tết Nguyên Đán Tân Dậu (1981) khoảng độ một tháng, nhóm 29 người của khu A và C bị chuyển đi trong đêm về Chí Hòa và sau đó chuyển đến Xuân Phước. Nhóm 7 người khu B bị chuyển sang Khu A gồm có: Mai Trọng Tố và tôi cho vào Đội 3, Văn Liên Sở và Nguyễn Mậu Thanh vào Đội 4 (bốn chúng tôi cùng ở nhà số 2), Tô Quang Vượng, Phan Phú Nghiễm và Nguyễn Văn Đạt (Đạt Phè) bị chuyển vào nhà số 1. Vượng và Nghiễm ở Đội 1, Đạt Phè ở Đội 2. Chuyển sang khu A được ít tuần lễ thì Vượng và Nghiễm bị đưa vào nhà kỷ luật cùm hai ba tháng.

Tôi được chỉ định chỗ nằm ở sàn trên kế bên Nguyễn Phú Biển, giáp với cầu tiêu, sàn dưới chỗ tôi nằm là chỗ Danh Mổ Bụng. Trước khi tôi được xếp vào chỗ nằm ấy, một mình Biển nằm hết cả gian tầng trên, cách xa Biển còn 4 chỗ bỏ trống mới có người khác nằm.

Ngay trong ngày đầu đến Đội 3, anh em trong nhà thấy có người mới đến đã niềm nở tiếp đón thăm hỏi bọn tôi, rồi tìm cách kéo tôi ra ngoài sân nói chuyện. Nhiều người đặt câu hỏi cho tôi: "Tại sao Văn Liên Sở cũng bị đưa đi chung sang Khu C với chúng tôi ?" Có người kín đáo cho tôi biết Nguyễn Phú Biển và Danh Mổ Bụng làm “ăng-ten” đấy, họ ân cần dặn dò tôi đủ thứ, nào là phải cẩn thận, coi chừng và đừng liên hệ với hai người ấy nguy hiểm lắm, cả nhà đều cô lập họ v.v...

Tôi nói cám ơn tất cả mọi người và để trả lời câu hỏi về Văn Liên Sở, tôi nói với mọi người rằng quyết định chuyển khu là của Trại làm sao tôi biết. Tôi không xác định Sở là người thế nào, sự quan sát và xét đoán về Sở tùy nơi mỗi người.

Tôi không sống theo như lời khuyên của anh em trong nhà vì nghĩ rằng mình là “người mới”, cảnh giác dĩ nhiên là thái độ cố hữu trong tù, tôi cứ tỉnh bơ như không hay biết mọi việc. Tôi rủ Biển đánh cờ, chia sẻ với Biển muỗng mắm, tán đường, thìa mỡ vì từ lâu Biển không có thăm nuôi. Nhưng Biển nhất mực không chịu nhận món gì của ai kể cả của tôi. Biển chịu đựng rất hay, trại phát thứ gì thì ăn thứ ấy. Thấy Biển ho tôi cho thuốc và Biển chịu nhận thuốc. Chẳng phải là tôi tốt bụng gì đâu, cách xử sự chỉ là xã giao thân thiện thông thường. Vả lại, vì Biển ho nhiều hằng đêm tôi cũng không ngủ nổi, hoặc nếu Biển bị bệnh phổi thì tôi sẽ là kẻ lây bệnh đầu tiên trong nhà.

Cái cánh cửa nhà cầu cứ thình thình đập rung cả sàn nằm suốt đêm vì 120 người sử dụng. Đó là cực hình mỗi đêm cho tôi, chưa kể đến những đêm có nhiều người bị bệnh tiêu chảy hay kiết lỵ!

Tôi phục Biển lắm về sự chịu đựng thiếu thốn. Đêm Biển ngủ ngon lành và tôi được biết rằng chính Biển đã chọn xin Cán bộ cho phép được nằm chỗ ấy chứ không phải bị chỉ định phải nằm kế Biển như tôi.

Hai Đội 3 và 4 đi xem film về, Danh Mổ Bụng vừa bước vào nhà là Chí đã la to lên: Ê, ông Danh Mổ Bụng, hai con mèo của ông chết rồi! Danh Mổ Bụng nhìn Chí vẻ còn bán tín bán nghi cho rằng Chí dỡn chơi? Linh cũng lên tiếng: Chí nó nói thiệt đấy, tụi tui để chúng ở chỗ ông nằm đấy. Ông cho tui với thằng Chí làm thịt ăn nghe?

Danh Mổ Bụng không nói tiếng nào đi thẳng về chỗ mình, ôm hai con mèo lên, ...lặng người đi một lúc rồi thút thít khóc kệ cho mọi người trong nhà bàn tán. Trong nhà ồn ào như có đám tang lớn!

Đội trưởng đội 4 kiêm nhà trưởng Nguyễn văn Thơ kêu Chí và Linh hỏi nguyên do sao hai con mèo của Danh Mổ Bụng bị chết. Linh thuật lại: Mấy ông vừa đi xem film độ nửa tiếng, tụi tui đang ngồi nói chuyện chơi chỗ thằng Chí nằm thì một con nhảy ra từ gầm sàn nằm, nó chồm lên chồm xuống ít cái rồi chết. Độ 10 phút sau con kia cũng y như vậy rồi chết, tụi tôi bật quẹt soi tìm khắp các gầm sàn không thấy rắn rít gì. Câu chuyện bàn tán về cái chết của hai con mèo cứ rì rào đến rất khuya.

Danh Mổ Bụng không cho Chí và Linh hai con mèo chết để ăn thịt mặc dù Chí và Linh năn nỉ nài xin thiệt tình.

Ngày hôm sau tin hai con mèo chết được truyền đi rất nhanh khắp khu A rồi sang Khu B và C. Không biết Danh Mổ Bụng đã đem xác hai con mèo chết đi chôn ở đâu hay trình cho Ban Giám Thị Trại thế nào, chẳng ai biết.

Đến giờ đếm số chiều tối, trực trại là Lợi Bần Cố Nông tuyên bố trước sân tập họp khu A: Đội 3 và 4 nhà 2 tối nay họp để tìm ra thủ phạm giết chết hai con mèo. Tình hình có vẻ nghiêm trọng rồi chứ không đơn giản như mọi người nghĩ về cái chết của hai con mèo.

Các Đội khu A vào nhà xong, trật tự khóa cửa, Lợi Bần Cố Nông cho trật tự mở cửa nhà 2 để vào giám sát sinh hoạt. Nhà Trưởng Nguyễn văn Thơ cho cả nhà ngồi tập trung vào hai gian giữa để bắt đầu họp. Lợi Bần Cố Nông không nói gì trước giờ họp, ngồi gờm gờm nhìn từng người như thể dò xét suy đoán mỗi cá nhân. Không khí thật nặng nề!

Mở đầu buổi họp, nhà trưởng Thơ nói: “Đêm nay có cán bộ trực trại làm chủ trì buổi họp tại nhà 2 để mổ xẻ vấn đề hai con mèo của anh Danh bị giết chết. Theo lệnh của Cán bộ trực trại thì chúng ta phải sinh hoạt mỗi tối từ 7 đến 10 giờ, bắt đầu từ hôm nay cho đến khi nào tìm ra được thủ phạm giết hai con mèo mới thôi. Yêu cầu mọi người đóng góp ý kiến tích cực, đào sâu vấn đề và xoáy vào trọng tâm...”

Các tổ trưởng bao giờ cũng là người tiên phong phát biểu, tựu trung mọi người phát biểu đều có ý chung giống nhau là:

- Lên án kẻ nào đã hành động dã man giết hai con mèo là quá ác, vì chúng chỉ là những con vật và có ích lợi cho cả nhà. Nếu chúng có ăn vụng mất chút ít thức ăn cũng không đáng phải giết chết tàn nhẫn như vậy.

- Nếu có kẻ nào ganh ghét với Danh Mổ Bụng vì được phép nuôi mèo trong trại mà giết hai con mèo cũng là ác quá! Hai con mèo đâu có tội tình gì, ghét chủ nuôi chúng mà giết chúng là hèn hạ! Mọi người cần mạnh dạn đấu tranh để tìm ra thủ phạm, vạch mặt tên xấu xa đó ra cho mọi người biết.

- Nếu muốn ăn thịt mèo vì thèm mà giết hai con mèo là độc ác quá! Thèm thế nào thì thèm chứ giết hai con mèo để ăn thịt là điều quá quắt đê tiện, đáng lên án và phải được trừng trị đích đáng! Thèm thịt mà đi giết hai con mèo để định ăn thị được thì việc gì xấu mà không dám làm?

- Ai đã lỡ hành động giết chết hai con mèo hãy thành thật tự giác nhận để xin cán bộ khoan hồng và xin lỗi Danh Mỗ Bụng, chắc cũng không phải bắt thường gì đâu, chứ đừng để đến khi trại tìm ra sẽ bị kỷ luật rất nặng, “Cách mạng” bao giờ cũng “rộng lượng khoan hồng, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại".

- Kẻ giết hai con mèo nhất định phải có thù oán hay ghen ghét gì với Danh Mổ Bụng chứ không phải vì thèm thịt mà giết hai con mèo. Nay giết mèo được thì mai mốt cũng giết người được. Đã được “Cách Mạng khoan hồng cho vào trại để cải tạo rèn luyện bản thân trở thành người tốt, lương thiện mà không chịu cải tà quy chánh”! Đề nghị Danh Mổ Bụng cho biết những ai có xích mích gì từ lâu nay hoặc có nghi ngờ cho ai giết hai con mèo không?

Suốt gần 3 tiếng đồng hồ mọi người phát biểu cũng loanh quanh mấy nội dung như thế. Danh Mổ Bụng không chịu nói ra những người có xích mích và nói không nghi cho ai giết chết hai con mèo. Tình thế không đem ra một dấu tích thủ phạm mà lại có vẻ hướng vào sự thù oán giữa Danh Mổ Bụng và người khác là nguyên nhân để kết tội cho thủ phạm giết chết hai con mèo.

Hết tổ này đến tổ khác của hai Đội 3 và 4 thay phiên phát biểu cho thật sôi nổi trước mặt Lợi Bần Cố Nông. Rồi cũng đến lượt mình phải phát biểu, tôi nói : Theo tôi, bất cứ vì nguyên nhân nào mà giết chết hai con mèo đều đáng trách cả. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng để chứng minh ra được bằng chứng của thủ phạm, tránh sự kết án oan cho người nào như vì có một vài xích mích với Danh Mổ Bụng chẳng hạn, làm như vậy là tội nghiệp người ta...

Tôi vừa nói tới đó thì Lợi Bần Cố Nông đứng phắt lên, chỉ tay thẳng vào mặt tôi và quát to:

- “Câm mồm ngay! Từ "lay" tôi cấm không cho anh được phát biểu điều gì lữa. Muốn "nái nạc" hướng cuộc họp đi ra ngoài trọng tâm hả? Anh "nà" sót "nại" của vụ Tết "lăm" 81 đây”.

Sau đó cuộc họp chấm dứt với bầu khí căng thẳng nặng nề. Ai về chỗ người đó mặt mày ủ rũ. Nhà giam im lặng chỉ còn vài tiếng dép đi lẹp xẹp. Nhà trưởng Thơ đi theo Lợi Bần Cố Nông ra ngoài một hồi lâu mới trở vào nhà.

Những ngày kế tiếp suốt tuần, nhà 2 đều họp mỗi đêm theo lệnh trực trại. Có đêm vào nhà ngồi chủ trì, có đêm Lợi Bần Cố Nông chỉ đứng bên ngoài nhà nghe, hoặc đi vòng vòng vừa nghe vừa quan sát sinh hoạt bên trong nhà giam. Tôi vẫn phải ngồi tịnh khẩu tham dự các buổi họp hằng đêm suốt tuần, vừa mệt mỏi vì nhàm chán vừa buồn ngủ!

Trực trại có tên gọi "Lợi Bần Cố Nông" là do tù nhân trong trại đặt cho hắn để phân biệt với "Lợi Heo" chấp pháp. Chẳng mấy ai cần tìm hiểu để biết cái họ của các cai tù. Muốn phân biệt cho khỏi lộn cai tù này trùng tên với cai tù khác, người ta cứ chọn ghép thêm một vài chữ nào đó với tên để gọi, miễn sao có thể diễn tả được tính khí và diện mạo vừa mang diễu tính vừa khinh miệt vì sự căm ghét đối phương trong lúc bị sa cơ thất thế.

Lợi Bần Cố Nông lúc làm quản giáo đội nông nghiệp thì có vẻ hiền lành như một người nhà quê chân thật, nhưng sau vụ diệt "ăng-ten" tại khu A hôm mồng 4 Tết Tân Dậu (1981), toàn trại đứng lên tranh đấu đòi cải thiện chế độ lao tù, chống ăn chặn thực phẩm, thuốc men, quần áo của tù nhân và phản đối đánh đập tù nhân... Lợi Bần Cố Nông được cho làm trực trại, từ đó hắn tỏ ra hách dịch lặt vặt và nhiều hận thù với tù nhân, coi các tù nhân là "những kẻ ác ôn đầy nợ máu với nhân dân, là lính đánh thuê, tay sai thực dân, đế quốc và phản bội tổ quốc..." giống như những gì Đảng đã nhồi nhét từ nhiều năm tháng vào đầu óc quân dân miền Bắc!

Có thể Lợi Bần Cố Nông liệt tôi vào hạng nguy hiểm vì hắn quan sát việc tôi sinh hoạt trong ngày mồng một Tết Nguyên Đán Nhâm Tuất (1982) vừa qua. Sự thể là các đội thuộc khu A phần lớn là thành viên các tổ chức Phục Quốc bị bắt, nhiều người là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo từ Long Xuyên, Châu Đốc, gia đình ở xa và miền quê rất khó khăn, cơm ăn cho gia đình còn không có, biết lấy gì để đi thăm nuôi người thân ở tù xa xôi được.

Ba ngày Tết bao giờ cũng là những ngày buồn tủi nhất cho đời tù nhân cải tạo, nhất là những tù nhân ở các trại tập trung cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.

Chiều 30 Tết, Mai Trọng Tố đến chỗ tôi nằm thì thầm nói: Tình hình đã êm êm rồi đấy, bác (Tố cứ hay gọi bác và xưng em với tôi theo kiểu miền Bắc) tổ chức ăn Tết cho anh em trong nhà bớt buồn kẻo tội nghiệp những anh em Châu Đốc, Long Xuyên quá! Tôi bị xiêu lòng vì đề nghị của Mai Trọng Tố.

Mặt khác, trước ngày quản giáo đội 3 là Dưỡng Tài Tử đổi đi, đang trong lúc lao động cho gọi tôi ra nói riêng cho biết như sau:

- "Lẽ ra với cương vị là quản giáo thì tôi không được cho anh biết điều gì. Tôi sắp phải đổi đi xa, chưa biết sẽ đi đâu, có thể phải đi Cambuchia. Có lẽ tôi phải khai bệnh để ra khỏi ngành chứ đào ngũ thì ảnh hưởng cho ông Thiếu Tá chú tôi đã bảo đảm cho tôi vào công an. Nói thật với anh, trên thế giới này không có bọn nào quân phiệt như bọn này (ý nói Đảng Cộng Sản Việt Nam)... Tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ anh rồi, tất cả chỉ là nghi vấn thôi. Mọi chuyện phải để trong đầu, đừng để lộ ra ngoài, anh muốn làm gì cũng phải ra khỏi nơi này. Có thể năm tới anh được tha đấy. Tôi đi rồi, người khác đến coi đội, nếu họ có nhờ anh làm thư ký hay đội phó thì nên nhận lời làm giúp cho họ, ai đến thì cũng phải cần tới anh, làm một ít thời gian cho bớt cực rồi về... Chỗ anh đang nằm đấy có được không hay muốn đổi đến chỗ nào thì cho tôi biết trước khi tôi đi".

Tôi suy đoán Dưỡng Tài Tử nói vậy có thể vì trong đội 3 chỉ còn lại Tố, Thiệp và tôi là Sĩ Quan, hầu hết là anh em bị bắt từ Miền Tây sau này, không có ai học đến bậc Trung học, Thiệp thì bị tê liệt không lao động được. Tố vừa lên làm đội trưởng sau khi đội trưởng cũ là Ký được tha về.

Chúng tôi gọi Dưỡng là Dưỡng Tài Tử vì Dưỡng có nước da trắng hồng, để tóc dài, dáng dấp phong lưu như tay ăn chơi ngoài đời. Làm quản giáo một đội trọng điểm như đội 3, hầu như suốt mấy tháng liền Dưỡng chẳng bao giờ tập họp đội để sinh hoạt. Mọi việc lao động giao cho đội trưởng và ban điều hành muốn làm sao thì làm. Ra bãi lao động, Dưỡng hay bỏ đội đi với bạn bè đến gần giờ về mới trở lại đội. Chúng tôi thường mừng rằng ở đội trọng điểm lại sướng hơn các đội khác và mong được Dưỡng cứ coi đội hoài hoài.

Một lần đội được đi phụ thu hoạch ngô cho một đội nông nghiệp. Dưỡng Tài Tử gọi tôi và tổ trưởng của tôi là Trạch ra bảo: Đội mình không được đi làm công việc như hôm nay bao giờ, hôm nay hai anh có nhiệm vụ lấy thùng luộc bắp thật nhiều cho đội ăn một bữa thật no. Nói xong Dưỡng Tài Tử bỏ đi lên nhà lô cùng quản giáo Đương của đội 9. Tôi và Trạch lấy bắp luộc, mẻ đầu chín, tôi chọn mấy cái bắp non ngon và bảo Trạch đem lên nhà lô cho Dưỡng Tài Tử và Đương để đền ơn sự tốt bụng của hai người.

Hôm gần Tết, tôi không nhớ là ngày thứ mấy trong tuần mà được nghỉ. Dưỡng Tài Tử vào trại kêu đội trưởng lấy tổ tôi đi ra hồ kéo lưới bắt cá cho cơ quan. Trời mưa lất phất, gió thổi lạnh, trên đường đi chúng tôi bực trong lòng lắm vì cả trại được nghỉ chỉ có chúng tôi bị bắt đi làm!

Đến bờ hồ, Duỡng Tài Tử bảo Trạch lấy hai cái thùng giấu trong bụi cây, kéo được mẻ lưới nào thì bắt những con cá to bỏ vào hai thùng ấy, khéo đừng cho ai thấy. Chúng tôi đều nghĩ rằng Dưỡng Tài Tử muốn cùng bạn bè chơi gác cơ quan. Nhưng hồ không có bao nhiêu cá, kéo lưới suốt buổi chỉ có mười mấy con trọng trọng đem giấu cả tại hai thùng thiếc trong bụi cây, cá con được độ vài tô. Chúng tôi rét run cầm cập. Khi cán bộ nhà bếp cơ quan cùng Dưỡng Tài Tử ra hồ hỏi chúng tôi kéo lưới được nhiều cá không? Dưỡng Tài Tử bảo làm đếch gì có cá, chúng mày đã lưới trộm hết mẹ nó rồi, thôi mấy con lẹp này cho các anh ấy cho rồi. Nhưng trưởng bếp cơ quan cũng lấy cá con chứ không cho chúng tôi. Dưỡng Tài Tử cho chúng tôi đi tắm sơ và bảo đội trưởng đưa tổ kéo lưới về trại, bỏ quần áo ướt phủ lên trên cá chứa ở hai thùng và đem về trại chia cho đội ăn.

Dưỡng Tài Tử thân với chúng tôi như tình đồng đội. Đêm đói Dưỡng đến gõ đầu giường Tố xin mì, đau lấy thuốc. Cũng có hôm Dưỡng đem vào cho chúng tôi cả ký đường trắng và mấy ký đậu xanh, trà, thuốc lá Hoa Mai. Có thể Dưỡng đã "thuổng" được của hậu cần?

Tôi đề nghị với Tố khi hai đội trong nhà họp bàn ăn Tết thì nêu ra ý kiến rằng ngày Mồng Một Tết, tất cả nhà ăn cơm chung với nhau, ai có mứt hay kẹo bánh gì cùng bỏ ra ăn chung hết, người không có thăm nuôi cũng cùng ăn chung luôn cho có tình thân thiện đoàn kết. Đề nghị ấy được cả nhà đồng ý và hăng hái hưởng ứng ăn Tết chung.

Buổi tối Mồng Một Tết tôi bày trò hái "hoa dân chủ" bằng cách viết những lời chúc và một số trò vui, bỏ các thăm giấy vào một cái loong cho mọi người bốc. Đại loại, nội dung như :

- "Người bốc được thăm này sẽ phải hát một bài hát xuân. Nếu không hát được thì phải uống hết một "gô" nước trong một hơi"...

- "Người bốc được thăm này trong năm nay sẽ được tha về với gia đình, nếu chưa có vợ sẽ cưới được vợ đẹp và hiền"... Người bốc được thăm này phải đấm lưng cho Cụ Lến ba đêm liền (nếu Cụ Lến bốc được thăm này thì "cu Lợi" phải đấm lưng cho Cụ) vân vân... (Lợi trẻ nhất nhà, vào tù lúc 14 tuổi, không biết chữ, nay em đã biết đọc, biết viết).

Cuộc vui khá hào hứng cho cả nhà. Sau đó Tố cho tôi biết, hôm ấy nhiều anh em cảm động đã khóc, họ nói rằng chưa bao giờ hưởng được cái Tết trong tù có đầy tình người như vậy!

Có ngờ đâu rằng việc làm hôm ấy đã đem đến cho tôi biết bao là hệ lụy trong đời tù đày ngay tháng sau đó. Có anh em thân tình đã thương trách tôi sao dại dột quá vậy! Vâng, có thể quả là tôi đã dại dột thật đấy. Sống trong hoàn cảnh tù đày như vậy mà còn phô bày cái khả năng nhỏ mọn của mình ra cho đối phương biết, có khác nào tự mình thành thực khai ra trước quân thù?

Nhưng tôi không thấy có ân hận nào về những gì mình đã làm. Ngược lại, cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ đến hình ảnh anh em được hưởng đôi chút hương xuân an ủi trong dịp Tết năm đó, tôi có được niềm vui kín đáo trong lòng mình. Một chút hạnh phúc riêng cho tâm hồn tôi.

Đội 3 trước kia là đội 7 cũ. Khi trại chưa chia ra thành các khu A, B và C, đội 7 mở màn cuộc trốn trại 5 người rất ngoạn mục. Khoảng tháng 12 năm 1979, giờ mở cửa đếm số (tức đếm số lượng tù nhân) các nhà buổi sáng là 6 giờ.

Mùa Đông mặt trời mọc chậm nên 6 giờ sáng trời còn tối. Vừa mở cửa là mọi người chạy ào ra. Phần vì suốt đêm ở trong nhà ngộp ngạt hơi người, hơi thuốc rê thuốc lào, mùi hôi khai của thùng chứa phân nên ai cũng muốn ra ngoài để hít thở, khua tay múa chân vài động tác ban sáng cho khoan khoái. Cũng có người sợ không dám đi cầu tại thùng chứa phân trong nhà nên ráng nhịn chờ đến khi mở cửa sẽ tranh thủ ra đi cầu trước lúc tập họp lại báo cáo "quân số" (chẳng hiểu sao người ta cứ gọi là báo cáo quân số thay vì báo cáo nhân số).

Sáng mở cửa ra, mọi người đem "ca cóng" đặt tại vị trí để chờ nhận chia nước nóng và phần ăn buổi sáng như khoai, sắn khô độn cơm, "bánh bẹp" (bột mì hấp), bo-bo, bắp luộc... tùy theo từng bữa khác nhau.

Sau khi đi mở cửa một loạt các nhà trong khu, trực trại mới quay trở lại để nhận báo cáo từ các nhà trưởng về số tù nhân còn hiện diện. Thời gian trực trại đi mở cửa mỗi sáng như vậy cho 6 - 7 căn nhà thường phải mất 15 - 20 phút. Nhận báo cáo của nhà trưởng và đếm lại số lượng tù cũng mất khoảng 5 phút cho một nhà. Lợi dụng khoảng thời gian ấy, những người trốn trại đã tính toán rằng họ có khoảng trên dưới 30 phút, từ khi mở cửa cho đến lúc trực trại trở lại đếm số nhà 4 có đội 7 ở.

Năm người trốn trại hôm ấy đã ra khỏi nhà 4 đầu tiên (bấy giờ chưa có Khu A và C), chạy thẳng ra dẫy cầu tiêu, thay vì đi cầu thì đã xé hàng rào cây sau nhà cầu, lách người chui ra êm ả. Dạo ấy tre trồng dọc hàng rào quanh trại chưa lên cao và dầy chằng chịt như mấy năm sau này. Một chi tiết khác, chưa tới 6 giờ sáng là hai vọng gác góc Tây Bắc và Đông Bắc, lính gác đêm thường bỏ vọng trống, về sớm trước khi có người đến thay phiên. Đó là mấy lợi điểm, thêm nữa vì chưa có vụ trốn nào nên trại lơ là.

Giữa hai vọng gác cách nhau trên dưới 300 mét. Đèn hàng rào đã tắt từ 6 giờ sáng, lính gác có còn cũng khó quan sát thấy người trốn trại vì vị trí giữa hai vọng gác đó quá xa.

Chính vì thế mà cuộc trốn trại của 5 người đội 7 hôm đó chỉ được phát hiện khi trực trại đến nhận báo cáo tại nhà số 4 mới biết thiếu tù. Lúc đầu còn lệnh cho ra cầu tiêu tìm xem có ai đi cầu chưa về chăng. Nhà trưởng đến nhà cầu không thấy ai, nhưng thấy có đôi dép còn bỏ lại phía sau nhà cầu, về báo cáo cho trực trại. Sau đó sự thể mới được báo lên trên để trại báo động cho đi truy đuổi.

Trong lúc công an đi truy đuổi có mấy tiếng súng nổ, một số anh em lo cho số phận của 5 người trốn trại. Nhiều người khác khi nghe súng nổ thì lại tỏ ra vui mừng, cho đó chỉ là trò thị uy, vì biết chắc rằng 5 người đã ra thoát khỏi trại cả giờ đồng hồ trước rồi!

Từ đó về sau, giờ mở cửa sáng có lệnh cấm không được ai chạy đi đâu mà phải vào ngồi tại vị trí sắp hàng ngay để chờ đếm số.

Năm người trốn trại lần đó thoát hết, nhưng khoảng nửa năm sau có một người bị bắt đem về lại trại. Khi chuyển đến đội 3 ở chung với Huỳnh Văn Ân tôi có dịp hỏi vì sao anh bị bắt lại. Sống gần Ân, tôi nhận thấy anh rất hiền lành, cười nhiều ít nói. Ở nơi Ân tôi không nghĩ anh là người có gan dạ dám trốn trại và đã thực hiện cách tài tình như trên. Anh Ân nói:

- Khi trốn trại thoát, anh đã tìm đường về được địa phương ở, không dám về nhà ngay, cứ trốn trong đồng ruộng mấy tháng mới tìm cách gặp người nhà. Gặp được mấy lần thì bị lộ, anh bị bắt. Anh lại trốn thoát một lần nữa trước khi giải đi lên Huyện.

- Lần trốn sau vì không biết nơi nào để đi, anh vẫn phải sống loanh quanh ngoài đồng ruộng như trước một thời gian thì bị phát hiện vây bắt lần nữa, rồi bị giải về trại cũ. Số phận của 4 người kia anh không rõ ra sao, vì sau khi trốn thoát mạnh ai nấy đi, không có kế hoạch chung nào nên không có sự liên lạc với nhau sau khi trốn trại.

Đội 3 trốn trại nhiều nhất tại K2, đến tháng 4 năm 1982 tôi bị chuyển đi K3 thì tại K2 đã có 5 vụ trốn trại. Riêng đội 3 tức đội 7 cũ đã có 4 vụ cả thảy. Vụ quan trọng nhất và cũng là vụ mà mọi người đều cho là táo bạo và "liều mạng" nhất.

Khoảng giữa mùa Hè năm 1980, độ 1 giờ 30 chiều, trời nắng chang chang, các đội tập họp ngoài sân với cái nóng như thiêu đốt buổi trưa hè, ngồi chờ gọi đi lao động. Thường thì các đội thuộc khu A bao giờ cũng đi sau cùng, chẳng hiểu sao dạo ấy trực trại lại cho các đội khu A ra cổng trước.

Đội 3 trưa hôm đó được ra cổng đầu tiên. Sau đội 3 là hai đội khác mới ra vừa khỏi cổng. Đội 3 đi xa cổng trại độ 150 mét, còn cách cơ quan lối trên trăm mét, đội đang di chuyển đến vị trí lao động là cái hồ cá đang đào dở dang. Toán 13 người hè nhau cùng chạy một lượt, băng qua con suối cạn để chạy vào bìa rừng hướng núi Mây Tầu.

Vì quá gần cơ quan và toán Công an bảo vệ đi theo các đội còn tụ tập đông ngay trước cổng trại để chờ nhận đội đưa đi lao động. Nhóm Công an này liền được điều động đuổi bắt những người chạy trốn. Mặt khác rất không may cho họ, có thể họ đã không tính tới trước khi quyết định chạy trốn, đó là bầy chó của cơ quan nuôi đã đuổi theo họ xuống tận tới suối, cắn áo quần giữ nhiều người lại. Vì vậy nhiều người không leo lên được bờ suối bên kia và đã bị bắt ngay tại đấy!

Hai người bị bắn chết (tôi không nhớ tên). Hai người bị thương là Danh Mổ Bụng và Phan Dưa. Chỉ có một người chạy thoát. Nghe nói anh này là một Hải Quân Trung Úy đã cải tạo về, bị bắt lại vì tội tham gia Phục Quốc.

Theo lời kể lại của Phan Dưa thì khi bị bắt đem về sân cơ quan, những người bị thương hay không đều bị trói thúc ké lại để nằm giữa sân cho cả bọn Công an đánh "hội đồng", họ đánh thả dàn suốt đêm. Tất cả đều bị đánh "hội chợ" ngất đi tỉnh lại nhiều lần!

Bị đánh túi bụi nhiều quá, khắp mình tê dại, chẳng còn biết đau hay sợ hãi gì nữa. Những cú đá hay đánh bằng gậy gộc, báng súng... lúc đó giống như đánh vào những khối thịt bèo nhèo hay những cái xác không hồn nằm co quắp thở thoi thóp!

Dưa vạch bụng cho tôi xem những vết thẹo do lưỡi lê công an đã rạch bụng Dưa trong khi chân anh đã bị bắn bể đầu gối! Khi đã lành thẹo, đầu gối Phan Dưa còn một lỗ lõm đen sâu hút, có thể bỏ quả cau ăn trầu lọt vào được! Nhờ còn trẻ, Phan Dưa có sức nên vẫn đi tập tễnh được, không cần phải chống gậy. Dưa nói còn sống được là nhờ có Bác sĩ Của hay Hạc (cũng là tù nhân) tận tình cứu chữa.

Có thể Nguyễn Phú Biển cho rằng tôi không muốn giữ khoảng cách với anh trong giao tiếp hằng ngày, Biển hay rủ tôi đi dạo ngoài sân để tâm sự. Một hôm Biển thổ lộ:

- Cái án 10 năm tù về tội cướp chỉ là ngụy tạo. Thật ra Biển tham gia vào một tổ chức Phục Quốc từ cuối năm 1975. Dạo ấy cứ có tin nói rằng ở trên Saigon, Bộ Chỉ Huy Trung Ương do Tướng Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu và đã mấy lần anh được lệnh đi đón phái đoàn Trung Ương nhưng chẳng thấy bao giờ! Anh bị một người trong toán dưới quyền anh làm phản, ban đêm đến nhà bắn chết hết cả vợ con anh, may là lúc đó anh không có trong nhà. Sau khi chôn cất vợ con xong, anh bị bắt nên khai rằng vì trong băng cướp ăn chia không đều nên thanh toán lẫn nhau. Biển cho tôi xem hai vết thẹo đen ở hai cổ chân và nói sau sáu tháng bị cùm trong biệt giam tối tăm, vết thương lở loét, anh đã giả điên bốc cứt ăn nên mới khỏi bị cùm chân cho ra ngoài xà lim...?

Một hôm khác Biển dặn dò tôi rằng:

- Nếu tôi có bị trại kêu lên hỏi gì thì cứ nói thế này, thế nọ... vì anh đã báo cáo về tôi lên trại như thế. Điều ấy có nghĩa là Biển xác nhận rằng anh đã được giao công tác theo dõi và báo cáo mọi sinh hoạt của tôi cho Ban Giám Thị trại, nhưng anh không có ý hại tôi nên đã báo cáo sai sự thật về tôi. Biển bảo rằng lần này thì anh sẽ không bị lầm về Sĩ Quan Cộng Hòa nữa. Tôi hỏi lại, anh nói như vậy là nghĩa thế nào? Biển giải thích:

- Trước đây tôi tin lầm anh Lợi Râu (Trung Úy Cảnh gốc Hiến Binh, có râu rậm) làm đội trưởng nên đã thổ lộ với anh ta, tôi nhờ anh Lợi Râu giúp cho tôi trốn trại...Thế là tôi bị kêu làm việc mãi và cúp thăm nuôi cả hơn năm nay! Tôi tin là lần này tôi không còn bị lầm nữa.

- Nếu mai đây anh có được lên làm trong ban điều hành đội, anh đề nghị giúp tôi xin được chân nấu nước cho đội khi đi lao động, chừng đó tôi sẽ được cho gia đình thăm nuôi lại. Tôi sẽ báo về tổ chức của tôi lên thăm và đem nhiều đồ để mua chuộc cán bộ... Anh tạo điều kiện giúp cho tôi trốn trại. Tôi rất quý trọng anh, tôi muốn mời anh cùng trốn với tôi và vào hoạt động với chúng tôi... Tổ chức sẽ sắp xếp kế hoạch đón đi cho tôi và anh được an toàn...?

Nghe những chuyện Biển nói quả thực tôi rất phân vân, nửa tin nửa không. Tôi chỉ cười, không phản đối, không chấp nhận và nói bâng quơ rằng anh nói với tôi những chuyện này làm gì, rồi tôi tìm cách lảng qua chuyện khác.

Muốn tìm hiểu thêm về Nguyễn Phú Biển, tôi đã hỏi Chí và Linh rằng trong suốt thời gian vụ tranh đấu Tết Nguyên Đán Tân Dậu (1981) những người trong nhà tham gia tích cực thật sự là những ai, Lành có tích cực không mà bị đưa đi trong nhóm 29 người? Trong thời gian ấy Nguyễn Phú Biển làm gì, đã nằm chỗ hiện nay Biển đang nằm chưa?

Chí và Linh nói:

- Ông Lành không biết trước gì về kế hoạch hành động, khi sự việc nổ ra ông ấy tham gia hơi ồn ào. Tất cả bọn em chủ động không đứa nào bị gì hết. Ông Biển nằm tại đó lâu rồi và những ngày lộn xộn ông ấy nằm im tại chỗ, đâu có dám nhúc nhích gì, nếu rục rịch gì là tụi em chơi luôn. Tôi nhớ lại trong những ngày biến động Tết Tân Dậu, chính tôi đã có lần nhìn thấy tại nhà 9 (nay đổi thành nhà số 2), từ vị trí Biển nằm, một hôm có một miếng giấy bay ra ngoài. Và chính Biển đã có lần nói với tôi rằng những thằng ấm ớ tôi cho đi. Mấy sự kiện này đã làm cho tôi nghĩ rằng Biển chỉ nhận công tác với trại để đoái công chuộc tội khi bị Lợi Râu báo cáo rằng anh có ý đồ trốn trại. Biển đã tương kế tựu kế cho bớt bị để ý và thực tâm Biển không muốn hại anh em. Nếu không thì Linh, Chí, Nghĩa, Sang Chảy, Lợi Lác, Phiệt vân vân... khó mà thoát không bị cùm hay chuyển đi trong đợt 29 người về Chí Hòa?

Có thể tôi đã suy luận sai trong trường hợp này? Tuy nhiên trước khi rời trại bị chuyển đi K3, tôi đã nói với Mai Trọng Tố (lúc đó đang làm đội trưởng đội 3) rằng nếu Biển có nói với Tố và có thể thì giúp cho Nguyễn Phú Biển như hắn đã tâm sự với tôi. Nhưng nhớ cẩn thận đừng để liên lụy gì với tổ chức của hắn. Tôi chuyển đi K3 được một ít ngày thì nghe tin Nguyễn Phú Biển trốn thoát.

Sau này có dịp gặp lại Tư Đen ngoài đời, tôi hỏi về chuyện Nguyễn Phú Biển trốn ra sao. Tư Đen nói:

- Sau khi tôi chuyển đi ra K3 rồi thì Biển được xếp nấu nước cho đội. Hôm Biển trốn thì đội trưởng Mai Trọng Tố bị bệnh không đi lao động, nằm nghỉ bệnh ở trại. Tư Đen lúc đó làm đội phó dẫn đội đi làm. Trong lúc Biển đi gánh nước để đem về nấu cho đội thì trốn. Tư Đen không bị làm khó dễ gì về việc Biển trốn trại và quả thực Tư Đen không hề biết gì về âm mưu trốn trại của Nguyễn Phú Biển.

Lợi Râu làm tổ trưởng khi tôi còn ở chung đội 10 cũ (sau thành đội lâm sản), sau đó được chuyển sang khu A làm đội trưởng đội 7. Khi tôi chuyển đến khu A thì Lợi Râu đã được tha về trước đó cả hơn năm. Không rõ chuyện hư thực ra sao, nhưng anh em ở đội 3 kể lại rằng nếu Lợi Râu chưa được tha về trước mà còn ở lại đến vụ Tết Tân Dậu (1981) thì tên Lợi Râu cũng phải được liệt vào danh sách thanh toán như 5 người bị trừng trị trong dịp đó.

Khi Lợi Râu còn ở chung trong đội 10, Lợi Râu là một thuộc nhóm khoảng 10 người với tôi, cùng nhau âm thầm chuẩn bị tìm cách bắt liên lạc với bên ngoài. Nếu đích thực có đơn vị còn đang chiến đấu quanh vùng thì chúng tôi sẽ tìm cách cướp súng của bảo vệ đội lúc lao động để vào khu kháng chiến. Nhưng chuyện ấy không thành vì hầu như tất cả chỉ là tin đồn được thổi phồng về các đơn vị còn đang chiến đấu tại vùng núi Mây Tầu?

Hồi đó có người cho tôi hay rằng: Cuối tháng 4-75 khi Tiểu Khu Bình Tuy được lệnh rút về Phước Tuy, anh ta dẫn Đại Đội di chuyển theo lệnh Tiểu Khu để về tập trung tại Phước Tuy nhưng thiếu mất Trung Úy Bé và Đại Đội của Bé. Ngày hôm sau, Trung Úy Bé liên lạc bằng máy về Phước Tuy và yêu cầu cho đem 4 xe GMC vào rừng đón đơn vị của Bé. Đoàn xe 4 cái GMC đi không thấy xe nào trở về Phước Tuy!

Sau đó mấy năm thì anh ta được tin Bé đã lên Trung Tá, chỉ huy cánh quân còn hoạt động cấp Trung Đoàn ở trong vùng rừng núi giữa Phước Tuy và Bình Tuy. Bé là bạn với anh và Bé có cho người về móc nối với gia đình anh, vì thế nên anh đã trốn trại từ Phước Long dự tính để vào hoạt động với Bé. Nhưng không may dọc đường từ Phước Long về Vũng Tầu anh và một người bạn cùng trốn trại đã bị bắt lại. Sau này thì mất liên lạc với Bé? Anh cả quyết Bé còn trong đó!

Chuyển đến đội 3 được ít lâu thì Minh Mập ăn cơm chung với tôi. Minh Mập nằm tầng dưới, gần với Danh Mổ Bụng. Tôi không rõ do đâu tôi và Minh Mập lại có quyết định ăn cơm chung với nhau. Có thể Minh Mập thấy mỗi lần ăn cơm tôi phải leo lên leo xuống đem thức ăn qua chỗ Minh Mập nằm nên đề nghị tôi ngồi chỗ Minh Mập ăn chung luôn cho tiện. Minh Mập có nghề sửa TV, Radio nên được làm việc quanh trong trại, đi khắp đó đây thoải mái, rộng thời giờ nấu nướng tôi cũng được nhờ nhiều. Có người cũng cho tôi hay Minh Mập làm "ăn-ten" cho trại.

Một hôm Minh Mập cho tôi hay rằng chính tai Minh Mập đã nghe cán bộ giáo dục Bình nói với Văn Liên Sở ở Trạm y tế rằng: "trong vụ Tết anh chủ động tham gia, bây giờ còn nói gì...".

Minh Mập nói nghe lén được thế là vì lúc đó hắn đang núp trốn tại phòng kế bên định ngủ. Minh Mập cho tôi biết thêm rằng Sở trước kia quen làm đội trưởng đã lâu, nay làm đội viên đi cuốc đất không nổi nên cứ khai bệnh để lấy cớ lên gặp cán bộ giáo dục và chấp pháp để xin được làm đội trưởng lại. Hơn nữa trong đội 4 mọi người vẫn giữ khoảng cách tiếp xúc với Sở. Sở nhận ra mình bị anh em trong nhà và cả khu A cô lập, không ai muốn gần anh. Ta thì không ai tin Sở, địch thì vẫn nghi ngờ anh!

Nhờ Minh Mập mà tôi được biết nhiều chuyện của giữa các Cán bộ với nhau cũng như một số chuyện của nhiều tù nhân khác trong giới đội trưởng, nhà trưởng, trật tự... trong trại. Nếu Minh Mập làm "ăng ten" như người ta đã nói chắc chắn tôi đã bị hại nặng vì những chuyện tôi đã nói hoặc nhờ anh làm.

Khi vụ tranh đấu xẩy ra dịp Tết Tân Dậu thì Sở là đội trưởng rau xanh của tôi và là nhà trưởng nhà số 4. Lúc đó tinh thần tranh đấu phát lên hăng quá vì từ suốt bao lâu mọi người phải chịu sự đè nén, áp bức căng thẳng. Một số anh em trong nhà đòi đánh Sở và mấy người khác như Thêm và Bạch (Hải Quân) ở đội 16.

Tôi đã lên tiếng phản đối và can ngăn không để xảy ra, tôi nói rằng: "Bây giờ là lúc tất cả chúng ta 120 người trong nhà phải là một, nếu khác chúng ta sẽ chết. Xin mọi người cần bình tĩnh và tạm gác hết mọi việc đã qua với nhau".

Sau đó tôi kéo Sở vào cầu tiêu, tôi hỏi:

- Anh Sở bây giờ anh nghĩ thế nào?

Sở trả lời:

- Tôi thề tôi đi theo anh em, tôi có bị cùm tôi cũng đi theo anh em.

Tôi nói:

- Việc này chỉ có anh và tôi biết thôi nhé. Tôi bảo đảm không để ai đụng đến anh đâu. Nhưng chuyện không phải chấm dứt ở đây, nó sẽ còn dài dài sau này. Mai đây anh có bị trại kêu lên hỏi, anh chỉ cần trả lời rằng lúc đó anh sợ bị đánh quá nên nằm đắp mền kín, nhắm mắt quay mặt vào vách, không dám nhìn ai và không biết việc gì xảy ra trong nhà hết.

Sở hứa với tôi sẽ không khai ra ai làm gì trong những ngày ấy. Nhưng có lẽ Sở muốn chứng tỏ là anh thật tình đi theo anh em trong nhà nên thỉnh thoảng cũng hô to những khẩu hiệu tranh đấu với anh em. Tiếng Sở khá lớn khiến Công an nhận được ra tiếng của Sở. Có lúc đêm khuya Cán bộ trực trại là Trị đến đứng ngoài nhà 4 dằn mặt:

- "Anh Sở, anh Nghiễm, anh Vượng, anh Thán dậy hô hẩu hiệu nữa đi chứ ? Hô to lắm mà?"

Có thể Sở đã giữ lời hứa như trên với tôi nên hậu quả sau vụ Tết Tân Dậu anh đã có tên chuyển sang khu A trong nhóm 7 người với chúng tôi?

Trở lại chuyện hai con mèo chết, sau một tuần nhà số 2 họp để điều tra tìm thủ phạm giết hai con mèo của Danh Mổ Bụng vẫn không có ai đưa ra được bằng chứng nào. Hôm họp cuối cùng có trực trại Lợi Bần Cố Nông chủ trì. Trước khi kết thúc buổi họp, Lợi Bần Cố Nông kêu tôi, Chí và Linh đứng lên. Nhìn chằm chặp vào mặt tôi với vẻ đầy đắc thắng pha cả hận thù, Lợi Bần Cố Nông nói:

- Hôm lay tôi tiến hành "nập" biên bản để kỷ "nuật" anh về tội anh "nà" thủ phạm giết 2 con mèo để đe dọa sinh mạng những người học tập tốt, khống chế những người học tập tiến bộ khác.

- Chính anh đã sai anh Minh đi tìm hóa chất để anh giết hai con mèo. Anh đã đi tìm hai con mèo trong buổi chiều hôm ấy để giết và đến tối không đi xem film. Tại sao không ở chỗ mình mà nại đến chỗ người khác ngồi khi hai con mèo chết ? Có phải anh đến đó để quan sát xem hai con mèo anh thuốc có bị độc chết không chứ gì ? Trong khi họp thì "nại" định "nái" cuộc họp "nạc" hướng đi để không đi đúng vào trọng tâm buổi họp, anh tưởng tôi không biết hả ? "Lếu" không có tôi chủ trì hôm đó thì anh đã thao túng, "nàm" rối "noạn" sinh hoạt và đưa cuộc họp đi "nạc" đề tài rồi. Anh "nà" sót "nại" của vụ Tết "lăm" 81 đây, "nà" tình báo Trung Quốc và CIA đây, tôi sẽ nhốt cho anh đầu gối quá tai...

- Tôi đồng thời hôm "lay" cũng tiến hành "nập" biên bản kỷ "nuật" hai anh Chí và "Ninh" về tội tự hủy hoại thân thể. Đã biết hai con mèo chết vì trúng thuốc độc mà hai anh vẫn đòi "nàm" thịt ăn. Anh có ý kiến gì không?

Lợi Bần Cố Nông nhìn tôi và hất hất hàm, môi hơi trề ra.

Tôi đưa tay cao tỏ ý xin phát biểu.

Lợi Bần Cố Nông: Cho phép anh "lói" đấy.

Tôi nói: Tôi đề nghị nếu cán bộ đồng ý để cho tôi nói hết ý của tôi mà không bị cắt ngang thì tôi sẽ phát biểu. Còn như nếu tôi đang nói mà cán bộ cắt ngang không để cho tôi nói những gì tôi muốn trình bày trong vấn đề này thì tôi sẽ không phát biểu điều gì hôm nay.

Lợi Bần Cố Nông chấp nhận đề nghị điều kiện của tôi và gật đầu cho tôi nói.

Không khí buổi họp bấy giờ có vẻ giống như tại phòng xử của một phiên tòa. Mọi người nhìn tôi ánh mắt như thầm chia sẻ và ái ngại, lo lắng cho tôi hoặc thắc mắc không biết tôi sẽ nói gì để biện hộ cho mình có thể thoát khỏi những điều mà Lợi Bần Cố Nông đã gán buộc cho tôi?

Nhìn thẳng vào mắt Lợi Bần Cố Nông, tôi giữ cho giọng thật bình tĩnh nói:

- Tôi cám ơn Cán bộ. Trước hết tôi khẳng định rằng tôi không phải là thủ phạm giết hai con mèo của anh Danh như Cán bộ đã gán tội cho tôi và quyết định kỷ luật tôi. Những gì tôi sắp nói tới đây có thể sẽ làm phiền cho một số người vì bất đắc dĩ tôi phải đề cập tới tên. Tôi xin các anh em ấy hãy miễn lỗi cho tôi vì tôi không thể không làm phiền đến anh em được trong trường hợp của tôi hôm nay.

Tôi có một điều thiết tha xin các anh em mà tôi sắp đề cập đến hãy vì lương tâm của mỗi người nói ra mọi điều đúng với sự thật. Tôi chỉ xin nói đúng sự thật chứ tôi không xin ai thêm bớt để bào chữa điều gì hay gán ghép điều gì cho tôi. Tôi xin cám ơn trước các anh em ấy.

Để trả lời cho câu hỏi của cán bộ Lợi rằng tại sao tôi đi tìm hai con mèo vào buổi chiều tối hôm hai con mèo bị chết, tôi xin mời anh Đủ nói giùm. (Ông Nguyễn văn Đủ đã khoảng ngoài 60 tuổi, bị đau bao tử kinh niên, thường không phải ra bãi lao động, được ở nhà quét dọn vệ sinh, cũng có tiếng trong đội xầm xì là ăng-ten).

Ông Đủ nói :

- Tôi xin nói đúng sự thực, có sao tôi nói vậy. Chiều hôm ấy sau khi ăn cơm xong, tôi và anh ấy đang nằm nói chuyện chơi, tôi thấy có con chuột con nó chạy ngay trên mái nhà gần đấy. Tôi bảo anh ấy đi tìm hai con mèo cho nó bắt con chuột. Anh ấy đi tìm trong nhà không thấy rồi ra ngoài sân tìm cũng không thấy hai con mèo. Rồi anh ấy vào cho tôi biết như vậy và nằm chơi với tôi cho đến giờ tập họp đếm số. Thật tình anh ấy đi tìm hai con mèo chiều hôm đó là do tôi nói chứ không phải tự ý anh ấy đi.

Tôi nói:

- Tôi xin cám ơn bác Đủ (trong tù lệnh bắt mọi người phải gọi anh và xưng tôi với nhau bất luận già hay trẻ).

Để trả lời cho câu hỏi của Cán bộ Lợi rằng tại sao tối hôm hai con mèo chết tôi đã không nằm ở chỗ mình mà lại đến chổ anh Chí để theo dõi hai con mèo chết, xin anh Chí nói giùm là vì sao tôi đã đến chỗ anh nằm tối hôm ấy.

Chí phát biểu:

- Tôi với thằng Linh xin lỗi, anh Linh (Chí cười làm cả nhà cười theo) và anh Nghĩa muốn nghe anh ấy kể chuyện 60 ngày đi du lịch vòng quanh thế giới nên tôi mời anh ấy đến để kể chuyện cho chúng tôi nghe. Anh ấy hứa với tụi tui lâu lắm rồi, hôm đó anh ấy mới chịu kể. Đang kể nửa chừng thì tôi thấy một con mèo chạy từ gầm sàn ra giẫy chết. Một hồi lại thấy con kia cũng chạy ra chết luôn. Tôi với thằng Linh muốn làm thịt hai con mèo ăn thì anh ấy cản tụi tui...

Chí nói tới đó thì Lợi Bần Cố Nông khoắc tay ra hiệu thôi không cho Chí nói tiếp nữa.

Tôi hỏi Lợi Bần Cố Nông có còn cho tôi tiếp tục trình bày không, y gật đầu.

- Bây giờ tôi xin anh Minh nói cho mọi người biết rằng tôi đã ra lệnh cho anh Minh đi kiếm hóa chất độc như thế nào, để cho tôi giết chết hai con mèo của anh Danh như lời cán bộ Lợi đã quy buộc cho tôi.

Chung Phối Minh (người Hoa dáng mập mạp nên thường được gọi là Minh Mập) nói:

- Sự thực là như thế này, cách đây đã mấy tháng, tôi đọc báo Saigon Giải Phóng thấy nói rằng Thành Phố Hồ Chí Minh có phát động chiến dịch diệt chuột bằng chất thạch anh. Cái hóa chất này tôi sửa Radio cho Cán bộ tôi cũng có thấy trong Radio có cái chất đó. Tôi thấy nó nguy hiểm cho tôi có khi phải sờ vào nó lúc sửa máy mà không biết có sao không.

Trong lúc ngồi ăn cơm tôi kể chuyện cho anh ấy nghe như vậy đó. Chớ anh ấy không có biểu tôi làm gì hết trơn à. Anh ấy không biết cái chất gì hết mà là tôi kể chuyện cho anh ấy nghe. Sự thực là vậy đó. Anh ấy không bao giờ biểu tôi lấy cái chất ấy. Tôi chỉ kể chuyện đó với anh ấy có một lần vậy thôi.

Tôi cám ơn Minh rồi nói tiếp:

- Điều tôi sắp nói đây sẽ đụng chạm đến mấy người và có thể xúc phạm đến danh dự nữa, tôi mong những ai tôi phải nói đến tên bây giờ thông cảm cho tôi. Thực sự tôi không muốn làm điều này. Nhất là anh Danh, tôi xin anh Danh đừng trách tôi khi nói ra một số điều. (Danh Mổ Bụng không nhìn tôi mà lại cúi mặt xuống khi nghe tôi nói đến tên anh). Sau khi hai con mèo chết được vài bữa, một đêm tôi đi tiểu, khi đi đến ngang chỗ anh Danh nằm, anh Danh vén mùng lên và lấy tay kéo tôi đứng lại, anh ngồi dậy thì thầm nói với tôi như sau: "anh là người em kính trọng nhất trong nhà...em nói thật em rất kính trọng anh, vì thế em có điều này muốn hỏi ý kiến anh. Hai con mèo của em bị chết chính là do thằng Thiệp nó giết! Cái thằng Thiệp nó ác và xấu lắm, anh không biết đâu! Em định lên báo cáo cho trại biết là nó đã giết chết hai con mèo của em. Theo anh nghĩ em có nên làm như vậy không?"

Khi nghe anh Danh hỏi vậy tôi đã trả lời anh rằng:

- Tôi thành thực cám ơn anh đã có lòng kính trọng và tin tưởng tôi để hỏi ý kiến. Tôi không dám khuyên anh nên hay không nên làm. Việc đó hoàn toàn do anh tự quyết định, nhưng có một điều nếu anh có bằng chứng thật sự chính xác thì hãy báo cáo, nếu không lỡ oan cho người ta thì tội nghiệp lắm!

Thưa anh Danh, có phải những điều tôi vừa nói là đúng sự thực không, xin anh lên tiếng xác nhận giùm.

Danh Mổ Bụng đứng lên nói: "Tôi xác nhận tất cả những điều anh ấy vừa nói ra là đúng hoàn toàn sự thật".

Tôi nói:

- Cám ơn anh Danh và cám ơn Cán bộ. Phần phát biểu của tôi đã đủ những điều tôi muốn trình bày hôm nay.

Thiệp được gọi là Thiệp Què vì bị liệt hai chân không bao giờ phải đi lao động. Nghe nói hồi ở trại Đồng Ban (Tây Ninh) Thiệp trốn trại bị bắt lại, anh bị đánh một trận nhừ tử cùng với Khán (đội 4), cả hai cùng bị liệt chân, sau được chuyển về Hàm Tân Z 30D/K2. Thiệp cũng bị anh em trong nhà xì xầm là làm "ăng ten" và không ai muốn đến gần Thiệp. Hôm đó Thiệp không phát biểu gì sau khi tôi nêu ra việc Danh nghi đích danh cho Thiệp giết hai con mèo. Thái độ đó của Thiệp thật khó hiểu?

Lợi Bần Cố Nông đứng dậy, không nói điều nào, vùng vằng bỏ ngang cuộc họp đi ra và không thấy trở lại. Nhà trưởng Thơ đi theo Lợi ra ngoài nhà, độ 5 phút sau quay trở vào và cho giải tán sinh hoạt.

Từ ngày đó trở đi tôi có bị đau cũng không được nghỉ đi lao động ở nhà để khám bệnh một ngày nào nữa. Mỗi khi tập họp đội đi lao động, trực trại Lợi Bần Cố Nông không thấy tôi ra tập họp thì để đội 3 ngồi lại sân trại, ra lệnh cho đội trưởng vào nhà bắt tôi ra đi lao động. Quản giáo thấy vậy thì bảo đội trưởng vào nói tôi cứ đi ra bãi sẽ cho tôi nghỉ chứ không thể ở nhà khám bệnh được!

Mỗi lần đi lao động về lúc nào cũng có hai trật tự lảng vảng quanh tôi. Có lần tôi đã kêu thẳng Lê Lịch lại gần, một trong hai anh trật tự được chỉ định theo dõi tôi hằng ngày, tôi hỏi rằng: Các anh theo tôi suốt thời gian qua đã có phát hiện được tôi làm điều gì vi phạm nội quy trại chưa? Lê Lịch lúng búng nói, xin anh thông cảm chúng tôi phải làm chỉ là theo lệnh trên. Tôi nói: Tôi không có trách gì các anh đâu, nhưng tôi chỉ hỏi để biết được xem mình có điều vi phạm nào để tự sửa chữa. Lê Lịch không nói gì thêm, bỏ lảng đi ra xa tôi.

Chẳng bao lâu sau đó, đột nhiên tôi có lệnh chuyển đi ra trại K3 với 3 người khác thuộc Khu C. Đến K3 tôi được cho vào đội làm bếp, hàng ngày phải đem rau ra suối ngoài trại rửa một mình, chẳng có ai canh giữ! Rồi một buổi sáng tôi được kêu ra nhận giấy tha ra trại thật bất ngờ. Nhận giấy là được về nhà ngay chứ không phải ra ở cách ly, lao động thêm mấy tuần như các đợt tha tôi thường thấy. Sau này được biết cùng đợt tha với tôi, người ta đã đọc danh sách trước đó 3 tuần tại K2. Những người có tên tha đợt ấy đã đưa ra ở cách ly và lao động cho đến hôm tôi về mới được thả về cùng ngày với tôi.

Khoảng năm 1985-1986 tôi gặp Lộc Lác đạp xe lang thang gần cầu Trương Minh Giảng, kéo nhau vào quán cà phê. Lộc Lác cười hề hề nói rằng chính anh là người đã đầu độc hai con mèo của Danh Mổ Bụng chết? Đầu óc tôi lúc đó đang lung bung vì tìm đường vượt biên nên rất tiếc đã bỏ lỡ cơ hội, không hỏi cho rõ chi tiết việc Lộc Lác đã đầu độc hai con mèo thế nào!

Nếu đúng như lời Lộc Lác nói thì quả thực tôi hoàn toàn không bao giờ ngờ được là anh ta đã thực hiện điều đó. Lộc vì ghẻ lở quanh năm nên bị gọi là Lộc Lác, lúc nào cũng chỉ cười hề hề, rảnh giờ nào thì ngồi đan hết cái rổ này đến cái rổ khác cho anh em trong nhà, có vẻ con người như vô thưởng vô phạt, chẳng hề mất lòng ai bao giờ. Vậy mà là người làm chuyện tày trời được?

Không biết giờ đây Danh Mổ Bụng có biết ai là người thật sự đã giết chết hai con mèo của anh hay vẫn còn nghi ngờ cho Thiệp Què như đã nói với tôi trong lúc đêm khuya chăng?

Sống trong sự ngờ vực lẫn nhau là thảm họa tinh thần khốn nạn nhất cho con người. Nhất là những người từng phải ở trong các trại tập trung, nó còn gây ra hệ lụy lâu dài mãi cho đời sống về sau khi đã ra khỏi cảnh tù đày.



Khải Nguyên

_______________________
(*) Ghi chú : Đây là câu chuyện thật, để giữ an toàn cho nhiều người còn đang sống tại VN, nên tên các nhân vật trong truyện đều là hư cấu. Nếu có sự trùng hợp tên thật với ai ngoài đời là điều ngoài ý muốn của người viết.