PDA

View Full Version : Đêm cuối cùng



Longhai
08-25-2016, 06:42 PM
Đêm cuối cùng.


L.V. L


Em lên Sàigòn ở với anh ba tháng sau ngày thành hôn, cư ngụ trên đường Võ Tánh gần nơi sở anh làm chi năm phút xe đạp, mỗi ngày anh chạy về ăn trưa với em. Đây là lần đầu em đi chung sống với chồng trong thành phố xa lạ ồn ào của đô thị.

Trước nhà là những quán dọc theo lề đường cũa khu ăn uống Nguyễn Cư Trinh, phía sau là đại lộ Trần Hưng Đạo nối dài, em chỉ biết có bấy nhiêu con đường của thành phố xa lạ thênh thang đầy chen chút đông người của thủ đô. Hình như dân Saìgòn không bao giờ ngủ, lúc nào trở giấc cũng nghe tiếng người và xe. Đầu tháng Tư, trời Sài Gòn đã đem cái oi bức cũa khí hậu mùa hè đến sớm hơn bình thường. Không như tháng trước, anh về mỗi trưa càng trễ, ăn vội vàng rồi vội đi nhanh vào sở, bộ đồ bông dã chiến lúc nào cũng khoát gọn lên người và tay áo được xoắn lên tới bắp thịt nở rộng trên tay. Nét mặt có vẻ đâm chiêu lo lắng nhiều hơn, anh không nói nhiều về Saìgòn và chương trình đi tuần trăng mật, anh thỉnh thoảng nói về chiến sự và những tin không vui của tình hình chiến cuộc đang xãy ra quanh thủ đô. Dặn dò em nếu có chuyện xãy ra thì phải tìm cách ứng phó.

Đường về miền Tây đã tắt nghẽn từ tháng trước, má đi đường bộ hơn bảy ngày mới đến được và định đưa em về, má lo cho em có thể trận chiến xảy ra tại trung tâm của thành phố, vì có rất nhiều trận chiến xảy ra dọc theo quốc lộ bốn trên đường về Sàigòn, mọi đường xe đều bị đào phá xe không thể đi. Em không sợ gì hết chỉ biết đợi gặp anh về mỗi trưa, tối không gặp được anh vì tối anh cùng đơn vị ứng chiến một nơi nào đó trong Thành phố. Dự định lên Saìgòn cùng anh hưởng tuần trăng mật sau ngày cưới, thật là đời sống không bao giờ đẹp như mình mơ mộng lúc mới lớn trong thời yêu đương, kết hôn vào thời chinh chiến không biết ngày mai sẽ ra sao, chỉ mong và nguyện cầu cho chồng và đất nước khỏi cảnh khói lửa điêu linh được bình an, với đôi vai nhỏ, đôi tay mềm mình có thể làm gì hơn đây ? Những lúc gặp mặt rất nhanh vào dịp ăn trưa mà thôi và tối nhớ anh, em phãi ngủ một mình với giấc ngủ chậ̣p chờn đầy lo lắng.

Đêm đêm nghe tiếng súng lớn nhỏ vọng về thành phố càng nhiều và càng gần hơn. Phi cơ bay ngang nhà ngày càng nhiều càng mau, ngoài kia đường phố chung quanh khu Nguyễn Cư Trinh được khép lại, nhiều Nhân Dân Tự Vệ ôm súng gác mỗi góc đường, lính rất nhiều mầu aó khác nhau đào những hố sâu ngang đầu đặt súng lớn với những xâu đạn dài nối lại nhau quấn nhiều vòng chung quanh súng đặt trên giàn có ba chân. Mấy anh lính mũ đỏ trên đường Trần Hưng Đạo, đứng chung quanh khẩu súng nét mặt thản nhiên hút thuốc như sẵn sàng đợi chờ một trận thư hùng gay go sẽ xảy ra giữa lòng đô thị. Đêm ba mươi, một đêm dài nhất đầu tiên trong cuộc đời của em, có lẽ cũng là đêm hận lòng tức tưỡi của anh và cũa tất cả các anh trong vị trí sẵn sàng đợi lịnh. Các anh không cần biết ngày mai sẽ ra sao ? Ai còn ai mất ? nhưng các anh đã sẵn sàng dọn con đường đi cho mình theo lệnh chiến đấu. Em cũng đang thức cùng anh, dù em trong nhà nhưng lòng em vẫn bên anh, cùng anh cùng chia xẻ nỗi lo âu, lo sợ, nhưng anh cùng các bạn không bỏ trốn vị trí, em cũng không trốn, em đợi anh, mặc cho ngày mai ra sao em vẫn sẽ đợi anh về ở đây. Đêm em nghe súng đại bác nổ lớn trên đường Võ Tánh, tim em hồi hộp nhịp nhanh, rồi nghe lủa cháy ngụt trời bên kia đường khu xóm Nguyễn Cư Trinh, em thấy xe chữa lửa chạy đến, dù tiếng đạn pháo vẫn chưa dứt. Em không biết chiến trận có xảy ra nơi anh và đơn vị ở một nơi nào đó trong Thành phố không ? Em mong trận chiến chưa xảy ra thì dân mình vẫn được an toàn và được các anh che chở. Em nghe tiếng phi cơ bay và đâm vào ngôi nhà cao trong Quận năm trên đường Trần Hưng Đạo, lửa bốc cao, mảnh phi cơ và xác người văng chung quanh đó. Chiến trận chưa đến nhưng tang tóc gieo khắp nơi trong Thành phố nó báo trước tử thần sắp đến nơi đây. Trên nền trời về đêm, những lằn đạn cháy đỏ sáng rực khắp hướng từ phía dưới bay lên liên tục từ phía xa xa rồi lịm hẵn trong màn đêm. Những ngọn đèn trên đường phố đã tắt ngấm, bóng tối đem đến nhiều kinh sợ hơn cho em cũng như dân thành phố lần đầu biết bầu không khí của chiến tranh và tiếng súng lớn nổ gần đem kinh hoàng nhiều hơn nữa.

Em không chợp mắt được, những cảnh tàn phá và tiếng đạn nổ rung chuyển chát chúa rợn người, em nghĩ đến anh, các bạn anh vẫn ở ngoài kia chờ đợi lịnh để chống lại quân thù không ngại nguy hiễm cho chính mình, không lo cho sự sống chết riêng mình, chỉ lo sự an toàn cho em và người khác. Đêm thật dài, những biến cố xảy ra chung quanh nơi em ở, em rợn người không dám nghĩ thêm những tang thương có thể đè nặng hơn. Em mong trời mau sáng để mau biết về anh và đơn vị anh, em lo sợ nôn nao, ba lần bước ra trước nhà định tìm anh, nhưng má lại khuyên nên ở lại nhà vì loạn lạc ngoài kia làm sao tìm anh ? Em chưa quen đường phố Sàigòn, tất cả con đường đều bị đóng không cho xe chạy. Em ngồi nhà lại không yên. Em chỉ biết rưng rưng rơi lệ, làm sao đây ? Em muốn biết sự an toàn của anh, của đơn vị anh. Đó là điều em mong nhất trên thế gian ngay bây giờ trong lúc nầy, ngày nầy. Không biết anh ngoài kia có cảm nhận cảm giác lo âu và sợ hãi của em không ? Mấy đêm liền lo âu không ngủ được, nhưng đêm qua là đêm dài với nhiều lo lắng làm em đã thấy mình tiều tụy hơn nhiều vì mất ngủ hoặc ngủ trong mộng mị âu lo.

Trời lại sáng, màn đêm đem đi bớt những lo âu, nhưng lo lắng không mất hẵn đi vì không khí hoà bình vẫn chưa xuất hiện nơi đây. Em là người thức sớm, nói khác đi là không ngủ, đầu tiên trong nhà bước ra ngoài nhìn đường phố. Trước nhà vẫn còn đông người có súng, em đi vòng phía sau mấy anh mũ đỏ vẫn đứng bên hố và đạn vẫn đầy hầm, người sĩ quan chỉ huy vẫn nói chuyện và dặn dò, chỉ thị. Anh vẫn chưa về, em chưa thấy anh thì lòng vẫn chưa yên. Mong gặp chồng bình yên trở về là điều tất cả người vợ lính trong thời chinh chiến đợi mong, trong đó có em, trong đó có tâm hồn, trái tim và tình yêu của em theo anh.

Tiếng loa từ đài phát thanh hát vang vang bài Nối vòng tay lớn cũa Trịnh Công Sơn như mỉa mai hơn là an ủi. “Nối vòng tay với kẻ xăm lăng à ?” là điều phản lại dân tộc với danh dự và trách nhiệm các anh không bao giờ làm. Một lúc sau có lời của Dương Văn Minh trên đài phát thanh yêu cầu mọi đơn vị bỏ súng đầu hàng. Em thật đau lòng cho anh, cho tất cả các anh, các anh sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh chống lại kẻ xăm lăng, những lời kêu gọi đầu hàng như trăm ngàn dao nhọn đâm vào tim các anh, các anh không muốn kết quả của cái hòa bình trong đau thương và tủi nhục. Thân phận làm vợ của chiến binh, em thấy thật đau lòng và đau nhói trong tim, em hiểu anh hơn ai hết, em hiểu anh hơn cả các vị lãnh đạo của anh nữa, anh vẫn tại đơn vị vào giờ nguy hiễm nhất, anh vẫn mang trách nhiệm vào giờ phút chót và đau lòng vâng lệnh bỏ súng đầu hàng dù trong lòng anh không bao giờ muốn chuyện buông súng xảy ra.

Hơn một giờ sau vẫn chưa thấy anh về. Em không thể ở yên trong nhà nữa, em chạy ra ngoài tìm anh. Giữa đám người loạn lạc, tiếng súng vẫn còn vang vội trên đường, em cỡi xe đạp nhưng không chạy được vì không ai tránh ai cả, mọi người, kẻ đi nhanh về hướng Chợ Bến Thành, người đi ngược về chợ lớn, em đứng giữa giòng thác người ngơ ngác chen lẫn vào đám đông tìm anh và chính em cũng lạc lõng bơ vơ giữa dòng người chạy loạn không định hướng. Một đoàn hơn ba chiếc xe tăng có nhiều cành cây che xung quanh trên xe có cần cắm cờ đỏ Việt cộng đáng ghét hung hăng chạy nhanh trên đường phố. Hai bên đường quân Việt cộng mang dép râu, cầm súng mang đầy đạn trên người chạy dọc hai bên họng súng hướng về phía trước như sẵn sàng bắn hạ những ai cản bước xâm lăng. Dân chúng hai bên đường ngơ ngác ngỡ ngàng nhìn trân trối những chiếc xe tăng xa lạ không kịp phản ứng. Một đám lính Việt cộng chạy theo đánh tới tấp vào mấy trẻ em người Mỹ trắng đang chạy tìm nơi lẩn trốn, em dắt xe đạp tránh đi nơi kinh hoàng không còn tình nhân loại và chỉ biết hành động như dã thú giữa ban ngày.

Bên kia đường mấy anh lính mũ đỏ trên xe nhà binh nhảy xuống xe với vẻ đau hận, cởi bỏ đi áo trận, bỏ ba lô và Quân trang trên xe nhưng trên tay vẫn còn cầm súng đạn và bước lẫn nhanh vào ngỏ hẽm. Những hố chiến đấu góc đường hôm qua còn đầy mấy anh lính mũ đỏ, mũ xanh, nay chỉ còn những cây súng đầy đạn vô tri không người giữ lăn lóc bên dưới. Em đau buồn dẫn xe đạp về nhà, mệt mõi, em rưng rưng nhưng vẫn cố cầm không cho nước mắt rớt rơi. Đêm đã dài, thời gian đợi anh về sau cuộc chiến cùng lẫn trong đau buồn càng kéo dài hơn nữa. Anh đi đâu ? Lệnh bỏ súng đầu hàng đã ban ra ? Anh còn hay đã mất ? Em nghe tin có nhiều người lính tại ngã bảy đã tự tử hy sinh khi nghe lịnh đầu hàng ban ra. Không biết đơn vị của anh ra sao? Bao nhiêu câu hỏi em tự đặt ra rồi để tự mình rối rắm không có câu trả lời.

Rồi anh trở về, em gặp được anh với ánh mắt đau buồn, khuôn mặt trắng bệch đau khổ không thể nói lên tất cả đau thương đọng trong tâm hồn của anh, những dũng khí đã mất đi trong đêm qua khi lịnh buông súng ban ra, và em chỉ biết ôm anh khóc đau cho số phận đất nước, đau cho số phận kẻ thua trận, anh cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán và ôm em với đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ, anh chỉ nói được “Mất hết rồi em ơi”. Người ta nói còn người còn của, nhưng với anh, còn người nhưng tất cả đều mất. Chúng ta mất tất cả.

Đã hơn bốn mươi năm qua, cảm giác trong đêm cuối cùng vẫn còn mang nặng trong lòng em. Trong ánh mắt đau buồn của anh, em không bao giờ quên được, anh mắt đỏ như sắp rơi lệ thật đau lòng của anh nói lên sự tột cùng đau khổ uất hận khi trận chiến chưa tàn mà phải làm kẻ bại trận, trách nhiệm làm tròn nhưng nhiệm vụ vẫn chưa xong.

Anh ơi mình có thể làm gì khác hơn đây?


L.V. L
(San Jose, November 24, 2014)