PDA

View Full Version : Chuyện kể trong tù



Longhai
08-23-2016, 08:59 PM
Chuyện kể trong tù


Thủy Lan Vy


Từ ngày đội chăn nuôi giải tán giao cho Hình sự, tù trong đội được phân tán ra làm nhiều nhóm nhỏ bổ sung cho nhiều đội khác trong trại cải tạo Hà Tây; đa phần nhóm trẻ bổ sung về đội rau xanh, phần còn lại về đội xây dựng, đội Nông nghiệp và một vài đội khác ...

Nói tới đội rau xanh do Anh Nguyễn Hữu Hải làm đội trưởng, cán bộ toàn trại đều phải kiêng dè, vì người trong đội đa phần có cấp bậc và chức vụ thuộc hạng cao cấp và đại đa số từng phục vụ trong ngành Tình báo Việt Nam Cộng Hòa. Bản thân Anh đội trưởng từng mang cấp Trung Tá giữ chức vụ trưởng E vùng 2, tên tuổi các anh trong đội nhắc lại thì những người có dính dáng với chế độ Cộng Hòa đều biết, như Anh Tư Dư, Trưởng Ty Cảnh Sát Huế thời đệ nhất Cộng Hòa, Anh Thái Đen, Nguyễn Tư Thái từng được gọi là mật vụ đời Ngô Đình Diệm, Anh Nguyễn Phát Lộc XLTV Đặc Ủy Trưởng phủ Đ. U ,T .Ư .T.B, gần 10 trưởng F như các Anh: Sơn gà tre (Quảng Nam), Cò Thịnh (Sa Đéc), cò Ngưu (Tây Ninh), Cò Thành (Bà Rịa), Cò Trân (Em Cò Dung công lộ), Long Đen (Nguyễn Thành Long), Võ văn Ca, Hoạch (Tình báo quốc ngoại) Võ trí Tín (Sinh viên vụ ), Lựu, Nguyễn Đức Thắng (Kỹ thuật), Thanh Tân (ban Q), Chương, Bảy Khương (An ninh phủ đặc ủy) Dương Quang Tiếp (nguyên Chỉ huy trưởng CS Vùng ) và một số Trung Tá (Nguyễn Tấn Bộ, quân Nhu, Nghiệp : Công binh)… Thiếu tá phi công vận tải Ngọc Minh cũng như một số dân cử, đặc biệt nhà thơ Trung Tá Võ Ý (L19) cũng trong đội nầy.

Thành phần trẻ tụi tôi xếp vào đội nầy như những con độn để cứ mỗi đợt tha thì đội rau cũng có người được thả chứ chánh hiệu con nai như quý vị kể tên trên thì... chỉ chờ tới "cóc mọc râu" mới được thả, ngày đó Anh em thường gọi là ngày dở bội, và quả đúng như vậy, Anh Ngưu phải hơn 17 năm khi bội được mở hết mới trở về được mái nhà xưa và dĩ nhiên, nhiều Anh đã phải chết trong sự tiếc thương của anh em đồng cảnh, như Đại Tá Dương Quang Tiếp, Trung Tá Cung (D trưởng CSQG) Trung Tá Kiên (đặc biệt) ... người lãnh án rẻ nhất cũng phải hơn 10 năm ...

Đội rau sồn sồn chúng tôi thường chung buồng với đội rau già của Phạm Thái (Quốc vụ Khanh) (Trại Hà Tây có 3 đội rau, một đội rau xanh đa phần còn trẻ từ cấp Trung Úy tới Đại Úy, Một đội rau sồn sồn là đội mà Anh Hải làm đội trưởng, Một đội rau già của Phạm Thái đa phần là đảng phái, Dân cử, hành chánh cao cấp...)

Tôi nằm cạnh anh Riệp (khóa 10 ĐL) và Anh Ca (Tình báo quốc ngoại), so với anh em trong đi tôi còn quá trẻ (Tôi còn nhớ mỗi lần họp đội, tôi phát biểu mở đầu bằng: Thưa các Anh Em thì thường bị Anh Tân chỉnh... vui: Ở đây ai là em của mầy?) nên rất dễ dàng thích hợp với anh em trong đội. Những người lớn tuổi cấp bậc cao thường có những sự việc mắc mứu nhau từ ngòai đời, hay vẫn thường không nể phục nhau nên không ít nhiều cũng có những sự tỵ hiềm dù ngòai mặt vẫn luôn hòa nhã vui vẻ, tôi thì tuổi tác và cấp bậc so ra đáng hàng em út nên được hưởng nhiều cảm tình đặc biệt của các đàn anh…

Năm tôi về đội nầy thì tuổi tù cũng đã 7 niên nên được các anh em trong đội thương mến như một người em có cuộc đời bất hạnh, chưa hưởng được gì mà phải chịu cảnh lưu đày nơi đất Bắc, Về đội nầy hàng ngày tôi được nghe kể nhiều chuyện trong quân đội, trong ngành Cảnh Sát, trong Phủ đặc ủy, nghe hoài nghe mãi rồi nó in vào trong trí nên tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ từng chức vụ từng đặc tính của mỗi người, tôi biết rõ từng phần hành trong từng chức vụ kể trên, ngày còn trong quân đội, tôi đâu có am tường chức vụ và ngạch trật bên Cảnh sát, cứ nhìn thấy 2 gạch một con lăng quăng là biết Biên Tập Viên, hai gạch trơn là Thẩm sát viên, mang bông cúc trắng chắc là Trưởng ty hay biệt đội trưởng (Biệt Đội Trừ gian), đại khái chỉ biết như thế đó chứ nào biết được còn ngạch Quận Trưởng, Kiểm tra, Tổng kiểm tra, cũng như mù tịt về Phủ Đặc Ủy, về đội nầy tôi mới được khai thông ...

Tuổi tù càng cao thì sinh hoạt hàng ngày càng thong thả, ở tù lâu sinh lì đâm ra coi thường, xem Cán bộ trại như em cháu trong nhà (Như Thượng Sĩ Từ trực trại Hà Tây, lúc tôi mới đến trại nầy, hắn ta chỉ là công an mới vô, mặt mày trông hết sức ngố, khi tôi chuyển trại qua Nam Hà thì hắn đã mang thượng sĩ thâm niên ) khỏe thì đi làm lười thì khai bệnh, mình đừng có ý xách động hay chống đối thì cán bộ trại chẳng làm gì được mình cả.

Đêm đêm tôi thường cùng Anh Ca, Anh Riệp kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, mùa Noel 81 sắp đến, tôi đề xướng cùng Anh Ca tổ chức ăn Noel trong vòng thân mật vài người, sau khi coi lựa gà (bạn tù) và rỉ tai nhau, bốn người chúng tôi đồng ý hùn nhau ăn Noel, Anh Tư Thái ( Thái Đen ) Anh Lựu ( QGHC biệt phái phủ Đặc Ủy ) Anh Ca và tôi. Thực đơn gồm gà nấu cháo xé phai (chủ yếu là cháo và rau) rựơu trắng và trà. Anh Ca phụ trách tải gà vô trại (Anh là đội phó được ưu tiên không khám xét khi vô cổng trại) Anh Lựu phụ trách mua và đem vô 2 xị rượu, tôi và Anh Tư Thái lo bắp cải và rau thơm để tẫn liệm con gà, tôi còn nhớ một con gà mái khoảng 900 gr mua với giá 90 đồng Việt Cộng (lúc đó gói thuốc thơm cao cấp nhất của đất Bắc Hà hiệu Điện Biên giá 1$ 50) Chiều trước đêm Noel vào trại là cả một vấn đề vì chắc chắn là an ninh trại sẽ khám xét rất kỹ, rau cải tôi đã tải vào những ngày trước cũng như 2 xị rượu của Anh Lựu . Vẫn nhớ chiều hôm ấy, kẻng thu quân từ lâu mà các đội vẫn còn xếp hàng dài bên ngoài trại như vậy là đã có kiểm tra bên trong, cá nhân nào có tải hàng đều lo chuẩn bị cho vén khéo, lọt được thì ăn, không lọt được thì chửi thề... lầm thầm.

Vào tới sân trại tôi nhìn thấy trên khoảng sân trống... đủ thứ trên đời, củi, rau, gô đựng dầu lửa, trứng, trà, cá sống... Rất may đội tôi vào trót lọt...

Đêm Noel năm nào cũng vậy, trại cúp điện tối thui, phòng thắp sáng bằng những ngọn đèn dầu leo lét, hầu hết anh em đều có một cái bếp dầu riêng ( làm bằng lon đồ hộp ), đèn con cóc riêng... nhậm lẹ nấu nướng là thói quen trong tù, nên khoảng một giờ sau khi đóng cửa buồng là nồi cháo đã bốc khói, Anh Ca gọn gàng xé gà, con gà 9 lạng bỏ lông bỏ móng còn lại khoảng gần nửa ký, trộn với 2 cái bắp cải xắt nhuyển thật lớn, cũng rau thơm rắc lên trên, cũng có chén muối ớt...

Từ ngày vô tù tới bây giờ mới được thưởng thức cháo gà nóng, khỏi tả cũng biết rõ người ăn ngon miệng như thế nào, trước 75, tôi chưa bao giờ được ăn một bữa ngon như thế , chỉ tiếc là rượu lạt như nước lã, với tửu lượng như tôi từng một mình cưa hết một chai martell cổ lùn mà bây giờ uống một hai chun rượu lạt nầy thì giống như thằn lằn... uống nước cúng, vừa lạt vừa quá ít.

- Ê, no rồi nói dóc nghe chơi Mỏng, hôm trước mầy kể với tụi thằng Giai chuyện vể Sơn Vương nghe hấp dẫn quá, nay mầy kể tiếp nghe chơi đi Mỏng. Anh Tư Thái góp ý.

- Ừ cũng dễ thôi, kể là chuyện nhỏ.

Anh Lựu rất vén khéo thu dọn chiến trường, Anh Ca châm lửa bắt gô nước chuẩn bị pha trà, tôi ngắt một bi thuốc lào Tiên Lãng vàng tươi đượm mật, đóm cật tre bắt lửa bùng sáng, kéo một hơi dài, sáo nỏ đá kêu ro ro thánh thót.

- Hôm trước tôi kể cho tụi thằng Giai nghe về chuyện Sơn Vương đánh cướp nay kể chuyện khói lửa Côn Đảo và mối tình Sơn Vương, mà khi nào có trà tôi mới kể...

- Có ngay đây, mầy đừng lo Mỏng. Anh Ca vừa nói vừa chuyển nước vô gô trà, cẩn thận đậy nắp kín lại chờ ra trà.

- Kể đi Mòng, mầy câu giờ hoài. Anh Lựu dọn dẹp xong trở lại góp ý, Anh người miền Trung, tôi tên Mỏng mà anh thường gọi là Mòng Mòng ...

....Người Gò Công rất ít người biết chuyện Sơn Vương, tại làng Hòa Nghị (Giồng Nâu) những gia đình họ Trương đa số đều có họ hàng với Sơn Vương, ở đời có bà con làm vua làm chúa còn bắt quàng làm sang được chứ nhìn bà con mà làm tướng cướp thì chắc là chẳng có lợi lộc gì. Tôi biết nhiều chuyện về Sơn Vương cũng nhờ tình cờ đọc mấy bài báo lúc tôi còn học Tiểu học, hình như là báo Đời Sống, một phần cũng nhờ Ba tôi kể lại vì người có một khoảng thời gian 6 tháng sống gần Sơn Vương trong khám Chí Hòa, Ba tôi vốn là một thầy giáo vì thời cuộc phải bỏ sang nghề buôn bán, giữa chợ đời tráo trở thì lòng thật thà chẳng có ích chi cho nghề nghiệp, để rồi bị vu cáo mua xăng của quân đội mà phải bị câu lưu( khoảng 1956) vào Chí Hòa gặp lúc Sơn Vương đang làm xếp tù tại khám nầy, biết Ba tôi là thầy giáo lại là người đồng hương, Sơn Vương hết lòng ưu ái giúp đở và che chở Ba tôi khỏi bị tù cũ ăn hiếp, Ba tôi được phân công dạy học cho những người tù không biết chữ.

- Ừ kể thì kể, đêm nay có mấy chén cháo gà, cũng đã ấm lòng chiến sĩ, nhớ tới đâu tôi kể tới đó ...

Ba của Sơn Vương tên Trương Đình Cung Anh là một điền chủ hào hiệp ở xã Hòa Nghị, Ông cha vốn là thuộc tướng của Nguyễn Vương; theo chân Nguyễn Ánh về đất Gò Công sau lần sóng gió vượt trùng vây tại đảo Côn Sơn, tưởng đâu thầy trò đã bị chôn vào bụng cá. Ông tổ của Sơn Vương có được bản đồ kho tàng của Nguyễn Ánh cất dấu ở Côn Sơn, trước khi người bôn tẩu, nên khi quân Nguyễn Lữ vào Gò Công truy kích, Nguyễn Ánh chạy về Mỹ Tho, Ông ở lại trong đoàn quân Võ Tánh và có ý ở đây lập nghiệp chờ ngày tìm lại kho tàng.

Nguyễn đình Cung Anh không có máu giang hồ dù trong tay có được bản đồ, Ông chí thú khẩn đất làm ăn trở nên giàu có, tính hào hiệp trượng nghĩa khinh tài, luôn giúp đỡ bọn tá điền khi túng ngặt nên rất được cảm tình của dân chúng địa phương.

Năm 1909 vợ Ông hạ sinh người con thứ năm, Ông đặt tên là Trương văn Thoại, vừa là một nhà Nho, vừa là một nhà tướng số. Ông nhìn đứa con trai nhân trung sâu, trán rộng, mắt sâu, mũi khoằm, dáng dong dỏng, Ông nhìn kỷ đứa con trai sơ sinh rồi bỗng chốc thở dài ...thằng bé tài hoa lại gan mật, sau nầy nổi danh mà cuộc đời lận đận... Ngày thôi nôi theo truyền thống của người Việt Nam, một lễ cúng kiến tạ ơn Bà Mụ với Ông Bà gồm xôi chè là chánh, thức ăn là phụ, sau màn cúng kiến và chúc mừng của bà con thân thuộc là phần trắc nghiệm tâm lý đứa bé, nhiều đồ vật được bày trên một cái mâm lớn gồm đủ thứ như sách bút, gươm, kéo, gương, lược... thằng bé sau khi nhìn qua mâm đồ vật, tay mặt cầm lấy quản bút , tay trái cầm chặt thanh kiếm, Trương Đình Nam Anh nhìn con, lại chắc lưỡi thở dài, hình như ông nhìn thấy được tương lai của đứa con trai vừa tròn 1 tuổi nên ông lo lắng mà không tỏ nên lời.

- Thằng Mỏng, mầy có họ hàng gì với Sơn Vương mà mầy rành quá vậy mậy. Anh Tư Thái lên tiếng. Nó kể y như nó có dự đám thôi nôi…

- Để nó kể nghe chơi, Anh Tư sao hay thắc mắc quá, tiếng càm ràm của Anh Lựu.

Tôi ve tròn một bi thuốc Lào, thong thả đốt đóm, rít một hơi dài...

Thời cắp sách, Thoại là một đứa bé hiếu học thông minh, trong lớp thường đứng thứ hạng cao, nhưng Thoại chỉ học hết chương trình Cours superieur ( ết bậc Tiểu học). Thời đó, học sinh học xong lớp nhì 2 năm là đã đọc được tiểu thuyết Pháp và nói tiếng Tây dòn như cốm. Ông học xong lớp nhất là bỏ học ngang, bắt đầu học võ và chữ Hán, thời gian rảnh rỗi Ông đọc truyện Tàu, kiếm hiệp, những gương hiệp sĩ giúp dân cứu đời rất được Ông ưa chuộng, Ông ước muốn được đi khắp bốn phương trời, mong gom mây tám hướng về xây lại một xã hội công bằng, Ông rất gai mắt trước cảnh những người làm giàu bằng cách bóc lột công nhân tá điền, cũng như trước những cảnh ỷ quyền dựa thế hiếp đáp dân lành của những quan lại chức sắc đương thời, ngọn lửa tang bồng hồ thỉ trong Ông ngày càng bén cao ngọn.

Năm 1925, dù mới là một cậu bé 16 tuổi, Thoại bỏ làng, nơi có biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu để ra đi theo tiếng gọi giang hồ, Thoại đến Bà Rịa, Long Hải, bước chân người đã in khắp các ngọn núi Thị Vải, núi Ông Thịnh, núi Mây Tào, theo làm môn đệ một đại lão sư để học võ và học đạo. Năm 1931, vị đại lão sư viên tịch Thoại trở lại Sài Gòn sống bụi đời cùng với giới thợ thuyền nghèo khó. Thoại ở trọ trên một căn gác gỗ rộng khoảng 20 mét vuông của tiệm may Nam Chấn Hưng ở số 2 đường Lefèvres (Hồ Tùng Mậu, Quận nhứt) Ông Tư Chiêu, chủ tiệm may Nam Chấn Hưng vốn là bằng hữu của Ông Cung Anh cha của Thọai; tài sản của Thoại ngoài một mớ sách vở , chỉ có một bao margarin bằng vải kaki, ban ngày trải bao lên lề đường, Thoại hành nghề bán sách, đêm biến bao tải thành chiếc võng cho kẻ giang hồ. Những năm đầu thập niên 30, đường De la Some (Hàm Nghi) được coi là nơi tập trung của đủ hạng người, từ thầy bói, thầy tướng số, thầy địa lý... cho đến các văn nhân thi sỹ, chủ báo, mỗi hạng người bày sản phẩm của mình trên những vuông chiếu trải trước mặt chỗ ngồi; Ông Nguyễn An Ninh là một nhà ái quốc đậu cử nhân luật khoa bên Tây trở về cố quốc, đường hoạn lộ thênh thang, nhưng Ông không chịu hợp tác với thực dân Pháp, chấp nhận cuộc sống đời đạm bạc viết báo chống Tây, Ông là chủ bút tờ Tiếng Chuông Rè, Nguyễn An Ninh sinh khoảng cuối thế kỷ 19, lớn hơn Thoại khoảng 10 tuổi; Thoại rất cảm phục ý chí và sự nghiệp của Nguyễn An Ninh, dần dần ngoài việc bán sách, Thoại bước dần vào nghiệp cầm bút và cũng là một cộng tác viên đắc lực của tờ La Cloche Fêlée. Cũng từ tờ báo nầy bút hiệu Sơn Vương ra đời, ngoài ra Ông cũng còn ký một bút hiệu khác là Trương Vạn Năng để tự bộc lộ ý chí và tham vọng của mình.

Anh ba Ca không hút thuốc, thỉnh thoảng nhấp một ngụm trà, tai Anh nghe mà có lẽ trí Anh gửi về chợ Bà Chiểu, nơi đường Diên Hồng có ngôi nhà thân yêu đầy ấp kỷ niệm của Anh, có chị Thủy, người vợ đảm đang vẫn đều đặn 3 tháng ra thăm chồng vừa nuôi 2 con thơ còn nhỏ dại, ở tù, có vợ có con, ai mà không nhớ không thương, người đàn ông làm chủ gia đình, nay người đàn bà lên thay liệu có cáng đáng nổi việc nhà .. vừa nuôi chồng ở tù vừa nuôi con thơ dại giữa một xã hội nhiễu nhương hỗn loạn tình người.

Anh Lựu cười cười khẻ khều Anh Tư Thái.

- Ba Ca ngồi nghe mà nhớ vợ kìa Anh Tư.

Ba Ca cười vã lã :

- Tiêm cho thằng Mỏng một bi thuốc để nó kể tiếp nghe chơi, vợ con gì mà nhớ hổng biết ....

Bụng no, có nước trà nóng, tôi chiêu một bi thuốc lào, cảm giác thật lâng lâng sảng khoái ...

...Tên tuổi của Sơn Vương từ từ nổi danh trong làng bút qua những truyện ngắn truyện dài đầy màu sắc bình dân, ân đền oán trả phân minh, bất công được san bằng trước ý dân và ý trời... lúc đó Sơn Vương khoảng 23 tuổi, các tác phẩm của Ông đương thời có: Luật rừng xanh, Chén cơm chan máu, Tướng cướp hào hoa.

Tác giả viết truyện không cần tìm ý từ sự kiện ngoài đời, mà những nhân vật Ông xây dựng bằng chính hình ảnh của cá nhân Ông, một tư liệu sống tự Ông tạo ra.

Từ năm 31 đến năm 33 Sơn Vương đã đơn thân độc mã tạo ra hàng chục vụ cướp kinh thiên động địa lúc bấy giờ, đối tượng cướp của ông là những tay trọc phú, địa chủ gian ác, từ Biên Hòa, Sài Gòn đến Tân An, tất cả các vụ cướp đều trót lọt, làm điên đầu cho sở mật thám Pháp, cũng như gây sự mất ăn mất ngủ cho những nhà giàu trọc phú ác ôn.

Đến lần cướp biểu diễn cho Nguyễn Phương Thảo (tướng Nguyễn Bình) xem, Sơn Vương ẳm trọn 50.000 đồng của Giám đốc đồn điền Cao su Mimot mà tôi đã kể tuần trước. Sơn Vương bị bắt nguội vì người tài xế đàn em đã khai báo, ra Tòa lãnh án 5 năm xuống tàu lưu đày ra Côn Đảo ngày 16 - 8 - 1933.

Sơn Vương ở đảo được 3 năm thì bị đưa về Hà Tiên cũng là một nơi để Tây đày tù thời đó. Sở dĩ ông được đưa về là vì năm 1936, Léon Blum lên cầm quyền ở Pháp, mặt trận Bình Dân thi hành chánh sách dân chủ ân xá tù nhân ở Đông Dương nên đám thường phạm như Sơn Vương được đưa về đất liền, Sơn Vương trong mình vốn có chút máu Lương Sơn Bạc nên thấy việc bất bình thì dù có bị thiệt đến thân cũng đều ra tay nghĩa hiệp.

Lúc bấy giờ, thằng Tây quản lý Bungalow ở Hà Tiên mất 200 đồng, nghi cho bồi lấy, nó tra khảo bằng cách lấy đèn cầy cho nhểu sáp nóng vô mũi anh nầy, tra khảo dã man nên anh bồi chết. Dân Hà Tiên biết tin kéo đến biểu tình đã đảo tên Tây dã man đó, dù đang ở trong tù, hay tin nầy Sơn Vương cũng hưởng ứng bằng cách đập phá trại tù, gõ thùng thiếc gây ồn ào náo loạn, chánh tỉnh ra lệnh đuổi cổ tên tù gây rối nầy ra Phú Quốc. Ở Phú Quốc gặp thằng Tây Đoan kiêm chủ quận Phú Quốc hà khắc làm khổ dân trên đảo. Biết được tội ác của thằng Tây chủ quận, Sơn Vương bí mật gửi thư kể tội chủ quận gửi cho các cơ quan báo chí ở Sài Gòn. Thằng Tây mất chức, chủ quận mới trả Sơn Vương về Hà Tiên và được mãn tù ngày 16-8-1938.

- Uống miếng trà cho thấm giọng rồi kể tiếp Mỏng, Anh Tư Thái rót một lon trà đưa tận tay tôi.

Anh Lựu thì cười cười: Thằng Mỏng vô tù nó đói, nó bứt rau cỏ ăn bậy bạ, không biết nó ăn trúng cây gì mà nó nhớ kỷ quá.

Anh Ca cười ngất : Nó ở ngành Chiến Tranh Chính Trị, quen nói dóc nên nó phải nhớ mới nói dóc được, chứ ăn trúng rau thần rau thánh gì đâu, Ê mầy kể mấy chuyện tình của Sơn Vương nghe chơi Mỏng.

- Thì từ từ, chuyện gì cũng phải có đầu có đuôi chứ anh, phải có éo le gay cấn mới hấp dẫn, chứ như đời người học xong, thi đậu, làm quan, cưới vợ, sinh con, tiền để đầy tủ rồi chết thì cuộc đời bình lặng quá, có gì mà vui mà hấp dẫn phải không anh, Tôi chiêu ngụm trà sau khi trả lời anh Ba Ca rồi bắt đầu kể tiếp.

Ngày 16 tháng 8 cũng là ngày đáng ghi nhớ của Sơn Vương, ngày nầy năm 1938 Sơn Vương ra tù thì cũng ngày nầy năm sau Sơn Vương đi xem cine trong Chợ Lớn, Trong lúc chen lấn mua vé tại rạp trước ghi sê, Sơn Vương bị một người đạp giày lên chân rất đau, nổi nóng anh quay lại xô người đó, không ngờ vì nóng giận nên xô mạnh tay nên người đó té ngửa, lồm cồm ngồi dậy, mắc cỡ trước đám đông mà đa phần là đàn bà con gái, bởi quê xệ nên làm bậy móc còng ra còng hai tay Sơn Vương, thì ra tên nầy là xếp bót Polo, một bót nổi tiếng ác ôn, nó thổi tu hít vang rân, cảnh sát chạy tới áp giải Sơn Vương về bót, Sơn Vương lớn tiếng phân trần nhưng vẫn bị lôi đi. Về tới bót Polo, gặp tên phó cò là tay anh chị, thích bắt nạt người bị bắt, biệt hiệu của hắn là "Cọp Lửa", vừa thấy Sơn Vương, Cọp Lửa ngắm nghía rồi hỏi " Mầy có võ không mậy ? Sơn Vương cười khẽ :"Chút chút đủ phòng thân "Cọp Lửa nghe trả lời xong liền thách "- Mình thử vài hiệp chơi ?"

Sơn Vương ngạc nhiên - đây là cò bót chứ đâu phải là võ đài, tôi đâu có tội gì mà giải về đây? Cọp Lửa nhăn mặt: -nhưng tao ngứa tay muốn dợt mầy được không, mầy sẳn sàng chưa?. Sơn Vương cười: - Nếu ông muốn thì tôi chìu theo ý ông vậy. Cọp Lửa thủ hai tay theo kiểu đánh boxe, vừa nhảy vừa đấm vào mặt vào người Sơn Vương, Sơn Vương chỉ né cho khỏi trúng mặt còn những quả đấm vào mình thì vận nội công chịu đựng.Vốn khổ công tập luyện trong lúc theo vị sư trong phong trào Cần Vương từ miền Trung thất bại trốn vào Nam tu luyện chờ thời, Sơn Vương lại được học võ chân truyền từ phụ thân mà ông tổ là một trong rất ít người còn sống sót vào đất Gò Công với Nguyễn Vương Phúc Ánh trong lần bị quân Nguyễn Lữ truy kích từ Côn Đảo.

Hai tay Cọp Lửa càng đánh trúng người Sơn Vương thì càng bị dội ngược đau điếng, biết gặp phải tay dữ, Cọp Lửa đành chào thua không dám đánh tiếp nữa, lòng thầm cảm phục anh chàng lỏng khỏng mà chắc nịch nầy.

Tòa Sài Gòn kết tội du côn đưa Sơn Vương lên căng Pursat trên đất Miên, ở đây một thời gian, Sơn Vương khéo léo ngoại giao xin được một lưỡi cưa sắt cưa song sắt trốn mất qua Thái Lan, không bao lâu lại bị bắt giải về Sài Gòn, trong khám lớn Sơn Vương bị giam ở phòng 17 cũng là phòng mà thực dân để cái máy chém chặt đầu tử tội, lần nầy ra tòa lãnh án 10 năm về tội vượt ngục, lưu đày Côn Đảo vào năm 1942 .

Côn Đảo thời Tây là nơi địa ngục trần gian cho các tội nhân bị lưu đày (dĩ nhiên còn kém xa các trại tù dưới ngụy danh là Cải Tạo của Cộng Sản), nhưng với Sơn Vương thì Côn Đảo lại là một thiên đường, thiên đường của tình ái.

Tôi ngưng kể, tay với lấy ống thuốc lào tay ve một bi thuốc Tiên Lãng, Anh Tư Thái vội lấy đóm cật tre tiếp lửa cho tôi, điếu cày làm bằng ống nứa già, nỏ bằng đá bùn mài, tôi kéo một hơi dài, âm thanh thật dòn dã, tôi nghe tiếng anh Lựu nói nhỏ với Ba Ca - Thằng Mỏng nầy mỗi lần đổi cảnh là hút thuốc không thì cũng uống trà, nó câu giờ hết biết... Tôi nghe mà không trả lời, mắt mơ màng nhìn theo khói quyện bay dần ra cửa sổ, tôi bỗng nhớ đến hai ngôi nhà, một ở Gò Công là nhà của Ba Mẹ tôi, một ở ngã tư Bình Hòa là nhà của cô tôi, ở gần như sát bên Nhà Thờ Họ Bình Hòa, ngôi nhà mà sau khi tôi rời khỏi trường Gò Công lên ở đây cô tôi nuôi tiếp tục đi học... Kể đi Mỏng, hút thuốc rồi còn nhìn trời, lại nhớ đào... Tôi khẽ cười kể tiếp:

Sơn Vương tuy không theo học đến nơi đến chốn, nhưng ông có rất nhiều tài, nội mấy vụ đánh cướp cũng đủ biết ông nhiều mưu lược, chưa có trận nào bị bắt quả tang, chữ viết của ông vừa đẹp vừa rõ ràng. Lúc bị đày ra đảo lần thứ nhất (1933) Ông dự kỳ thi thư ký do đảo tổ chức, ông được xếp hàng đầu, lúc bấy giờ Vệ Liển là xếp khám Côn Sơn, có cảm tình với Sơn Vương nên vận động với chúa đảo cho Sơn Vương làm thư ký Ty Ngân Khố, đồng thời Vệ Liển cũng nhờ Sơn Vương kèm dạy học cho con gái ông là bé Võ Thị Kim Hoa năm đó vừa tròn 9 tuổi, hàng ngày sau giờ làm việc, Sơn Vương đến nhà Vệ Liển dạy kèm cháu Hoa đến 9 giờ tối thì về ngủ chung với các anh em trong ty Ngân Khố, sau ba năm ở đảo, cũng là ba năm dạy kèm bé Hoa, Sơn Vương được đưa về Hà Tiên. Năm 1942, Sơn Vương trở ra đảo lần thứ hai, lần nầy thì cháu Hoa đã bắt đầu trổ mã... Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê, Sơn Vương lúc bấy giờ 31 tuổi (Ông bà vẫn thường nói "31 bước qua, 33 bước lại", lúc trong hai tuổi nầy tôi đều gặp cảnh lận đận, dậm chân trong tù) hai chú cháu cách nhau 13 tuổi, từ mối liên hệ chú cháu, đến mối liên hệ thầy trò, sau một khoảng thời gian xa cách gặp lại, đã trở thành một đôi bạn cùng chung sở thích văn chương. Sơn Vương có ghi trong nhật ký hai câu thơ như để cảm khái cho sự chênh lệch về tuổi tác của hai người.

"Ước gì kéo được thời gian.
Cho tôi trẻ lại, cho nàng già hơn."

Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp (ngày 9 tháng 3) Tàu Nhật đổ bộ lên Côn Đảo bắt Tây nhốt hết vào khám.Trên đảo, còm mi Lê văn Trà lên nắm quyền chúa đảo thay Hilairé. Lê văn Trà ra một tờ báo giao cho Son Vương phụ trách. Tờ báo lấy tên là Tờ "Tiếng Nói Tự Do" Trước khi Nhật đảo chánh Sơn Vương ở hầm xay lúa, một cửa ngục mà nghe nói tới đã làm xây xẳm mặt mày của các tù nhân Côn Đảo. Đồng thời Lê văn Trà cũng cất nhắc Kim Hoa lên làm giáo viên. Cô giáo Hoa bây giờ được xem như hoa khôi trên đảo. (Có phải trong xứ mù thì thằng chột....)

Phe thân Nhật đưa 8 thuyền lớn ra rước các tù Tôn giáo về đất liền như Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa, Phật giáo... Tình hình Việt Nam lúc bấy giờ đầy nhiểu loạn, tôn giáo, đảng phái, thế lực ngoại bang xoay tình hình chính trị Việt nam như một bàn cờ rối. Vài tháng sau nhật đảo chánh, Việt Minh cướp chính quyền, Thuyền trưởng Lê văn Ngạnh tức Bảy Ngạnh lái tàu Phú Quốc ra Côn Đảo rước tù chính trị (chuyến đầu) và thường phạm (chuyến sau) về đất liền tham gia kháng chiến.

Chuyến đầu, Sơn Vương không được rước, tự đóng ghe để vượt biển về Gò Công. Sơn vương định hạ thủy vào sáng sớm ngày 12 - 12 - 1945 thì phái đòan Việt Minh từ đất liền ra đảo lần thứ hai để rước thường phạm, người trưởng tàu là Văn Cừ khuyên Sơn Vương ở lại đảo để tham gia bộ máy điều hành trên đảo, Sơn Vương chịu ở lại, có lẽ một phần cũng vì tình cảm đã vương nở với cô giáo Hoa, một cô bé chú cháu ngày xưa, nay đã đầy đủ sắc hương trong dáng dấp của một cô giáo nhu mì. Có tờ báo trong tay, Sơn Vương có dịp phóng bút trong lãnh vực sở trường của mình, những bài thơ, những bài văn càng ngày càng làm cho tình cảm Thoại - Hoa thêm nhiều gắn bó, Cô giáo Hoa cũng rất có tâm hồn, đặc biệt lại rất thích thơ văn, từ sự gần gủi từ ngày còn bé đến sự yêu thích văn thơ qua các bài viết của Sơn Vương, tình yêu ngày càng nảy nở, dù tuổi tác chênh lệch nhưng hai tâm hồn đã cảm thấy rất gần gủi đậm đà, Trong một bài thơ "Vịnh Hai bà Trưng" Sơn vương cho đăng báo thì vài ngày sau Sơn Vương nhận được một bức thư bình bài thơ trên với hai câu đầy ý nghĩa:

"Sa trường chi nhượng tài trai.
Phòng xuân trổi gót, dặm hài có em..."

Trong một cuộc bầu Ủy Ban Nhân Dân Côn Đảo gồm 12 vị theo công thức 6 giám thị cộng với 6 tù nhân, Sơn Vương được nhiều thăm nhất nên được giữ chức chủ tịch, Lê Tấn Đức phó chủ tịch, Tổng thư ký là Trần Dần, trưởng Công An là Cò Út Nguyễn Thành Út tự Nguyễn Kim Cúc... Giám Thị Trưởng về tay Võ Văn Liễn (Vệ Liễn) thân sinh cô giáo Kim Hoa.

Vệ Liễn, người coi ngục từng gây nhiều ân oán giang hồ với tù nhân trên đảo, nay thời thế đã đổi thay, Vệ Liễn rất sợ bị trả thù nên đã ngầm tính một kế vẹn toàn bằng cách thuận ý gã Kim Hoa cho Sơn Vương, đương kim chủ tịch Ủy ban nhân dân Côn Đảo và lễ thành hôn của Sơn Vương sẽ được cử hành trọng thể vào tháng hai năm 1946. Ngày tổ chức tiệc cưới cũng là ngày vui lớn trên đảo, dù hoàn cảnh kinh tế tại đảo lúc bấy giờ rất khó khăn nhất là lương thực rất là khan hiếm, nhưng vì trước một mối tình thơ mộng giữa đôi trai tài gái sắc, Vệ Liễn cũng phải cố gắng hết khả năng của mình để tổ chức lễ cưới thật long trọng. Chính những chi phí và việc tận dụng nhân lực trong ngày cưới nầy đã tạo nên một trong nhiều yếu tố buộc tội Sơn Vương khi Pháp trở lại nắm quyền.

Côn Sơn trong thời Tây có tên là Poulo Condore có nghĩa là quần đảo ngục tù, khi chánh phủ thân Nhật Trần Trọng Kim lên cầm quyền, và khi Trần văn Trà làm chúa đảo đã đổi tên đảo thành một tên dài lê thê "Quốc Gia Tự Do Nông Dân Huynh Đệ Quần Đảo Côn Lôn" (État libre agricole et fraternel de L Archipel de Poulo Condore).

Khi Sơn Vương lên làm chủ tịch lại đổi tên một lần nữa "Quốc Gia Trung Lập Dân Chúng Quần Đảo An Ninh" (État neutre des Insulaires de L Archipel d ‘An - Ninh).

Trong phòng điện không có (thường vào những đêm đặc biệt kỷ niệm của những ngày lễ của Miền Nam trước đây trại đều cho cúp điện cũng như chiều cho vào buồng sớm) ánh sáng lập lòe của một vài ngọn đèn dầu mà anh em tự chế lén không đủ soi tỏ mặt của bạn tù nằm cạnh bên, nhưng tôi cũng cảm thấy được sự rộn ràng của anh em trong buồng, vì đã gần tới nửa đêm, chắc sẽ có một màn văn nghệ hào hứng, đặc biệt sẽ có rất nhiều bản nhạc về Ngày Noel cũng như các bản thánh ca. Quả như điều tôi dự đoán, một giọng nói rất khỏe vang lên (có lẽ của Anh Tùng, một nghệ sĩ cổ nhạc trước 75)

- Thưa các anh em đồng cảnh, chỉ còn 5 phút nữa là chương trình văn nghệ mừng Chúa Giáng Sinh sẽ bắt đầu, Tôi nghe rất rõ giọng của Anh Tân (Ban Q Phủ ĐUTƯTB)

- Không có đồng hồ làm sao biết giờ biết phút đây cha …

Tôi thấy không còn hứng thú để kể chuyện nữa, với tay lấy ống thuốc lào, tay ve thuốc tay mồi đóm lửa, âm thanh rít lên dòn dã, sau khi nhả khói tôi chiêu một ngụm nước trà.

- Ê Mỏng, mầy kể lẹ đi Mỏng, kết cuộc mối tình nầy có hậu không ? Sơn Vương có con cái gì không? Giọng của Anh Tư Thái như thúc giục tôi, đồng thời tôi cũng nghe giọng của Diệp Tùng giới thiệu mở đầu chương trình văn nghệ đêm nay sẽ là màn hợp tấu giữa Anh Khiêm, Guita, Vũ Thành An, phong cầm, Định, Violon và Anh Bửu Uy, trống ...

Tôi lẹ làng kể tiếp, bỏ đi nhiều chi tiết để câu chuyện được kết thúc.

Khi Tây lấy lại chính quyền trong tay Nhật, thì chuyện gì xảy ra chắc các anh đều biết, những viên chức tại quyền đều vào nằm khám, cũng giống như tụi mình sau ngày bể dĩa, cũng những màn khai báo, hỏi cung để chờ ngày chỡ về đất liền ra Tòa lãnh án, tù ngày xưa hơn tù bây giờ là ở chỗ đó, có ra Tòa, có biết án chớ đâu có u u minh minh như mình bây giờ, ngày Sơn Vương lên tàu về đất liền để thọ án cũng là ngày đau buồn nhất đời của Cô Giáo Hoa, Anh em cứ tưởng tượng cái cầu tàu Côn Đảo chắc cũng không lớn lao gì, Anh Tư Thái biết quá rõ cảnh trí đảo Côn Sơn mà, từng cặp chung còng lần lượt xuống tàu (Cũng giống như lúc mình xuống tàu Sông Hương để ra Bắc vậy mà, chỉ khác chút là mình ra đi, gia đình không biết, cũng như không có ai đưa tiễn) Dĩ nhiên trong số người tiễn đưa trong buổi chia tay hôm ấy không thể thiếu mặt cô giáo Hoa.

Tôi nhắp một ngụm trà rồi tiếp:

- Chỗ chia tay nầy tôi mượn mấy câu thơ của Nguyễn Bính để diễn tả nỗi lòng của kẻ ở người đi:

" Những chiếc khăn hồng phảng phất bay.
Những bàn tay vẫy những bàn tay.
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt.
Buồn ở đâu hơn ở chốn nầy ...

Nhưng mà ở đây chỉ có một bàn tay vẫy của cô giáo Hoa chứ làm sao có được những bàn tay, bởi vì chiếc còng số 8 đã xích tay Sơn Vương chung với bạn đồng cảnh, còn tay thong thả lại bận bịu với xách hành lý cá nhân, nên chỉ có những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt...

Về Sài Gòn, Sơn Vương bị giam tại khám Chí Hòa, Cũng giữ chức xếp tù (Con người đều có số, số làm lớn ở tù cũng có chức phận) ra Tòa lãnh án, vẫn ở lại Chí hòa cho tới cuối thập niên 50 Ông mới trở ra Côn Đảo, và thời đệ nhị Công Hòa, Tổng Thống Thiệu ân xá cho Sơn Vương; năm 1972, ông có về thăm lại cố hương Gò Công và có tạt ngang nhà thăm Ba tôi.

Tôi nghe tiếng cửa buồng bung ra thật mạnh, thì ra trại đã có chủ đích sẵn, buổi chiều vào buồng, trực trại đã không khóa phòng mà chỉ gác hờ cây sắt xuyên qua khoen khóa, để đêm nay trong lúc anh em quây quần bên nhau chung vui đêm mừng Chúa giáng sinh thì chúng đột xuất nhập buồng.

- Tất cả ngồi tại chỗ, không được di chuyển, tiếng của thằng Hùng, an ninh trại, một tên cán bộ an ninh được xem là hung hãn nhất từ ngày lập trại Hà Tây, Hùng tay cầm đèn pin, tay cầm gậy, theo sau là mấy tay thi đua, Triệu râu, nguyên Trung Tá phục vụ tại Tòa Tổng Trấn Sài Gòn, một tay đê tiện nhất trong những người đê tiện của trại Hà Tây, đã phải luồn cúi năn nỉ xin cho bằng được vào ban thi đua trại. và đã chứng tỏ khả năng cho ban giám thị thấy bằng cách trổ hết tài chó săn của hắn ra để khám xết nghe ngóng tin tức của anh em trao đổi nhau; sau lưng Triệu râu là hai tên hình sự. Tên Hùng ra lệnh cho Triệu râu và hai tên hình sự tịch thu tất cả đèn cũng như bếp lò, cùng tất cả các cây đàn, mấy tên chó săn làm thật nhanh thật gọn, tất cả được chất đầy lên một xe cải tiến, trước khi ra khỏi phòng, tên Hùng không quên cảnh cáo anh buồng trường đã để anh em nấu nướng trong buồng cũng như ca hát nhạc vàng.

Tiếng thanh sắt xuyên khoen và tiếng ổ khóa được bóp lại nghe thật rõ ràng, trong phòng thật tối, anh em im lặng mắc mùng đi ngủ, Trong lòng mỗi người chắc cũng đều thấm thía thân phận của người thua cuộc, cũng như thân phận cảnh tù đày, dù cảnh nầy vẫn thường xuyên diễn ra, Tôi ngồi bên ngoài mùng tay càm ống thuốc lào, mắt mơ màng nhìn qua song sắt khung cửa, Giọng của Khanh, nằm cách tôi mấy chiếu ngâm khe khẻ (đủ cho cả buồng nghe) mấy câu thơ của thi nô Tố Hữu:

"Rồi một hôm nào cởi áo xanh.
Hết cùm hết xích hết roi canh.
Nghiêng vai trút nhẹ đời giam cấm.
Anh trở về anh của gia đình."

Tôi thấy Thành Đỏ từ từng trên ló đầu xuống, vừa cười vừa nói:

- Ê Khanh, chừng nào con cóc mọc râu thì mầy trút nhẹ đời giam cấm đó Khanh.

Dù trong lòng còn bao nhiêu bực bội, nhưng nghe Thành Đỏ nói tôi cũng thấy vui vui, Phải rồi chừng nào cóc mọc râu Cộng Sản mới thả tụi mình.

“Mấy đời bánh đúc có xương.
Mấy đời Cộng Sản mà thương dân mình…



Thủy Lan Vy
Viết tại Kỳ Đà Động, Tháng 7 năm 2001.

(Viết để Kính nhớ hương hồn Anh Nguyễn Tư Thái (Thái Đen) một thiên tài tình báo không xuất thân bất cứ một quân trường nào, đã qua đời tại Cali)