Log in

View Full Version : Con nhà nghèo



Longhai
08-22-2016, 12:38 AM
Con nhà nghèo


Nguyễn Tài Ngọc


Bố mẹ tôi di cư vào Nam năm 1954 cùng hai anh và một chị của tôi. Chị kế của tôi sinh ở Nha Trang. Tôi và cậu em út sinh ở SàiGòn, nhân số trong gia đình bố mẹ tôi phải nuôi ăn là sáu đứa con . Bố tôi dành dụm được một số tiền khi làm cho người Pháp nên mua được một căn nhà gần chợ Bàn Cờ. Ông đã về hưu khi di cư vào Nam nên hàng tháng lãnh được một số tiền hưu nhỏ của người Pháp. Số tiền này rất đạm bạc nhưng ông là một người tiêu biểu "kẻ sĩ", "nhà nho" của Khổng Tử, không lo nghĩ việc kiếm tiền phụ trội nuôi gia đình ngoài đồng lương hưu trí bé nhỏ cố định. Hình ảnh sâu đậm của bố tôi mà tôi vẫn còn nhớ mãi là ông ta vui thú uống trà, làm thơ, đọc sách, dạy học cho con cái, và làm việc lặt vặt ở nhà. Tuyệt đối không bao giờ ông ta nói chuyện với người hàng xóm, chẳng bao giờ giao du với người khác ngoại trừ hai ông bạn là bác Hiển và bác Vĩnh; một năm vài lần hai bác này đạp xe đến nhà thăm bố tôi. Mẹ tôi là một thái cực ngược hẳn bố tôi 180 độ. Trong khi bố tôi tinh thông tiếng Pháp, tiếng Hán, mẹ tôi lúc nhỏ không đi học, đến khi chết vẫn không biết đọc chữ. Quen với nếp sống ở ngoài Bắc bố tôi là "ông Quản" một mình nuôi đủ gia đình, mẹ tôi không phải đi làm nên khi vào Nam, lúc bố tôi mất sớm khi tôi lên mười tuổi, mẹ tôi chỉ có một nghề nuôi gia đình là chơi hụi. Nghề này thì thỉnh thoảng có người giật hụi nên tiền mất tật mang, gia đình anh em chúng tôi sống trong nghèo khổ triền miên. May là khi mua căn nhà ở chợ Bàn Cờ, bố tôi có tiền gắn công-tơ điện từ Công ty Điện lực. Vì nhà tôi có điện nên cho những nhà khác trong xóm câu điện mướn. Ở trên lầu ngay đầu giường ngủ của tôi là khoảng chừng mười công-tơ điện của những nhà mướn điện từ nhà tôi. Tôi không hiểu tại sao họ không câu điện thẳng từ công-ty điện lực mà câu điện mướn, nhưng nhờ tiền lời cho câu điện này mà nó giúp chúng tôi sống sót theo thời gian.

Như phần đông tất cả các nhà nghèo trong xóm khác, nhà tôi có hai tầng. Trên lầu không có chất cách nhiệt với mái ngói nên rất nóng. Ban ngày có những hôm oi bức không chịu được vì không có máy lạnh hay tủ lạnh. Bố tôi làm một cái quạt thời thực dân: một miếng vải to tướng hình chữ nhật một chiều có một thanh gỗ. Thanh gỗ này nối liền với một sợi dây chạy ngang một cái ròng rọc. Một người cầm một đầu dây kéo ra kéo vào sẽ đẩy miếng vải to lớn phất phơ trước sau tạo ra gió. Dĩ nhiên lúc còn sống ông là người kéo cái quạt vải đó cho con cái mát khi chúng tôi ở trên lầu. Mái ngói nhà tôi thủng ít nhất hơn mười lỗ mà không hiểu sao không bao giờ vá lại. Mỗi lần mưa hay vào mùa mưa trước khi đi ngủ là chúng tôi phải lấy nồi niêu soong chảo để dưới những lỗ thủng để hứng nước mưa. Sàn của ban-công là gỗ, hai cửa sổ chỉ là những thanh gỗ xếp đều có nhiều khẽ hở, nước mưa sẽ tạt vào bên trong nếu không che. Vì thế nên vào mùa mưa, mọi người phải chạy gấp rút lên lầu giăng poncho và những miếng plastic to lớn che bít bùng ban-công cho khỏi ướt. Tường giữa hai bên nhà là gạch, nhưng không hiểu sao trên lầu một phần ngắn phía sau khúc tường chia với căn nhà bên phải lại là những thanh gỗ đóng sát liền rồi dán giấy lên. Không là tường gạch nên hai nhà nghe nhau rõ mồn một. Nhà bếp là phần kinh hoàng nhất, đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao có thể sống cả cuộc đời trẻ tuổi ở đó. Tuy rằng có một lỗ hổng hình chữ nhật độ 2.5 tấc x 9 tấc nhìn lên trời, lỗ hổng này quá nhỏ để có đủ ánh sáng nên nhà bếp lúc nào cũng tối âm u với một bóng đèn vàng leo lét. Một phần góc bếp nếu tôi nhớ không lầm là có một thời nấu bằng bếp than nên gạch cũ xì với tro, tối tăm và đầy máng nhện. Nền đất chỉ là tráng xi-măng không gạch bông nên theo năm tháng đất đai nhờm nhợp, nhất là phần để tắm rửa với ống cống thoát nước: không có gì che đậy nên chuột cống tha hồ từ trong lòng ống cống dưới đất chạy vào bếp lục lọi garde-manger để tìm thức ăn.

Trong khu xóm tôi có độ chừng 50 căn nhà, tôi đoán cứ 3 hay 4 căn thì có một nhà không có cầu tiêu. Những nhà này do đó phải dùng cầu tiêu công cộng. Ban ngày sinh hoạt tấp nập khó đoán biết nhà nào không có cầu tiêu, nhưng sáng sớm ra ngồi ở ban-công nhìn xuống đường sẽ biết ngay ai phải chọn mặt gửi vàng không ở trong nhà mình: nhà nào không có cầu tiêu người trong nhà tay cầm giấy nhật trình (làm gì có giấy toilette !) lũ lượt rủ nhau rời nhà đi cầu tiêu công cộng bầu từ sáng sớm... Tôi không thích nghe nhạc nhưng lại mê những show TV Mỹ thời đó như Wild Wild West, Batman, Combat, Voyage to the bottom of the sea..., mặc dù chẳng hiểu một tiếng Anh. Những lúc show chiếu tôi thường lẻn đến xem ở nhà hàng xóm. Không hiểu vì mặc cảm nhà nghèo con mình phải sang nhà hàng xóm chầu chực xem, hay vì sợ mê xem TV trễ nãi không lo học mà bố tôi cấm không được đến xem TV ở nhà hàng xóm. Lúc bấy giờ tôi rất "ghét" chị tôi vì chị ấy làm chỉ điểm. Rất nhiều lần tôi đang đứng ngoài hàng rào của nhà láng giềng xem TV ké, và mặc dù đã dặn những đứa trong xóm khác đứng bao vây để chị tôi không thấy, nhưng trong khi tôi đang trong mê hồn trận xem cực kỳ gay cấn thì bỗng nhiên tai mình nóng cháy như có ai đốt lửa vì chị tôi xéo tai tôi kéo về...Khi bố tôi còn sống, buổi sáng đi học tôi được cho hai đồng ăn sáng. Món ăn tôi thích nhất là bánh mì, cháo lòng, và bánh cuốn, lúc nào tôi cũng đến bà bán hàng nói: "Con mua hai đồng, một đồng bánh cuốn, năm cắc chả, năm cắc tôm khô". Khi bố tôi chết thì tiền ăn sáng giảm lại cho đến một lúc không còn nữa. Tôi nhớ lúc mua bánh mì, tôi không có đủ tiền mua bánh mì thịt, chỉ đủ để mua "bánh mì chan tương với đồ chua". Dần dần tôi tự thấy mặc cảm, mua bánh mì mà không mua được bánh mì thịt hay xí mại, chỉ chan tương với đồ chua, phiền lòng người bán không có lời nên những năm sau này tôi nhịn luôn không ăn sáng. Sau khi ăn cơm tối, vào gần khuya trước khi đi ngủ, tôi thường rang cơm cháy ăn không với nước mắm để sáng thức dậy đi học bụng đã no, khỏi cần ăn. Thức ăn hàng ngày rất đạm bạc từ khi bố tôi mất. Rau muống chấm tương, rau cải luộc chấm nước mắm pha trứng luộc, và cá, lúc nào cũng cá. Ở Mỹ thỉnh thoảng bán sale bắp ba trái 99 cents, rẻ mạt rệp, thế mà ngày xưa tôi thèm thuồng cũng không có tiền mua. Đối diện xeo xéo nhà tôi có bà bán bắp. Một giờ trưa bà ấy đem gánh bắp vừa nấu để trước nhà chuẩn bị đi bán rong. Lúc này người trong xóm đến mua lai rai. Tôi ngồi trên ban-công nhìn xuống, thèm thuồng muốn ăn nhưng không bao giờ có tiền bố mẹ cho hàng ngày như những bạn bè khác nên chỉ đành ăn trong mộng tưởng. Bắp không có tiền mua thì làm gì có tiền mua bánh canh, chè, xôi... là những món hàng gánh khác mà người trong xóm của tôi bán ? Bây giờ đi đâu tôi cũng rất thích ăn chè vì mỗi lần ăn chè, nó mang lại cho tôi ký ức xưa kia rất thèm chè nhưng không có tiền mua. Kỷ niệm ăn chè duy nhất không bao giờ phai nhạt trong trí tôi là ngày xưa vợ chồng anh tôi có một đứa con trai bốn tuổi. Cả hai đều đi làm nên cháu ở nhà với chú, là tôi. Có một bà bán chè gánh trong xóm tôi bắt đầu bán từ một giờ trưa, và chị dâu tôi dặn tôi mua chè cho cháu ăn sau khi ăn cơm trưa. Bà này nấu đủ loại chè, mỗi ngày bà ta gánh bán hai món khác hơn hai món hôm trước. Bà ta nấu chè rất ngon, tôi thèm nhỏ giãi nhưng không bao giờ có tiền mua. Cháu của tôi thì ngày nào nó cũng ăn vì tôi mua cho nó, nhưng vì ăn thường quá nên đôi lúc nó ngán. Chỉ chờ dịp thấy nó lơ là không muốn ăn nữa là tôi hỏi nó ngay có muốn ăn nữa không ? Đợi cho nó vừa trả lời không là chú ăn hộ bát chè dư của cháu, nhanh hơn sao xẹt.

Thường thì chè chỉ còn lại ba, bốn muỗng, nhưng đó là những muỗng chè tôi ăn ngon nhất trong đời. Cái cảm giác chè ngon thần tiên ấy không bao giờ tôi có thể lập lại được ngày hôm nay, dù rằng bây giờ tôi có thể mua cả mấy chục hay mấy trăm nồi chè ăn cho thỏa chí. Cả đời tôi nhớ chỉ được nhà dẫn đi ăn tiệm hai hay ba lần, một lần ăn phở tiệm Tân Khánh Hoàng ở Ngã Bẩy, và một lần ăn chè ở tiệm Hiển Khánh trên đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu bây giờ). Vì lý do nghèo không có tiền nên tôi ít tiếp xúc, và nhất là không giao du với bạn bè. Sau này về Sài Gòn gặp bạn cũ trong lớp 11, những cô bạn cho tôi biết ngày xưa ai cũng nghĩ là tôi phách lối, không thèm chơi với bạn bè trong lớp. Họ không biết rằng ngày xưa tôi biết là nếu đi chơi chung thì thỉnh thoảng cũng phải có tiền để ăn uống, và con trai phải bao con gái, nhưng tôi không có lấy một xu và đạp chiếc xe đạp lọc cọc nên không dám đi chơi với ai, không muốn quen biết người khác. xóm Bàn Cờ của tôi thì ít nhà có tủ lạnh, kể cả nhà tôi. Nước uống thì bắc ấm đun sôi, để cho nguội rồi uống. Tôi nhớ là nhà có vài ly thủy tinh chưng ở tủ bufet, thế nhưng nơi bàn để ấm nước, nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ có một hay hai ca nước, mọi người dùng chung ca để uống. Bạn bè tôi gia đình nào có tủ lạnh, mỗi lần nhìn chúng nó uống nước đá lạnh, tôi mơ tưởng được vài cục đá lạnh như mơ ăn được một món gì thật là cao lương mỹ vị. Nước đá cục còn không có, huống gì là nước ngọt ? Mỗi năm tôi chỉ uống nước ngọt được một lần vào dịp Tết.

Quần áo đi học mỗi năm tôi chỉ có một bộ quần xanh và hai áo trắng duy nhất. Vì chỉ có mỗi một cái quần, mỗi ba ngày sau khi đi học về vào buổi trưa, tôi phải giặt tay, phơi khô rồi đem ủi cho xong tối hôm ấy vì ngày hôm sau còn mặc đi học. Có những hôm đi học về quên giặt, mãi đến tối mới nhớ, tôi lật đật đem ra giặt, vừa giặt xong quần áo còn ướt nhẹp tôi đã phải ủi ngay lập tức hơi khói bốc bay mù mịt để kịp sáng mai mặc đi học. Ciné là môn giải trí lành mạnh thịnh hành duy nhất thời đó nên có lẽ không một ai mà không xem ciné. Nhưng cả đời tôi chỉ đi xem ba rạp Ciné rẻ tiền là Đại Đồng, Long Vân, và Thăng Long. Rạp Đại Đồng là rạp rẻ tiền nhất, chiếu phim cũ nên đang xem nếu đứt phim là chuyện thường tình. Chưa bao giờ tôi bước vào một rạp ciné sang trọng như Rex cho mãi đến năm 1975, một cô bạn dẫn tôi đi xem hai lần, một ở Mini Rex, một ở Eden...


Nguyễn Tài Ngọc

ducquany
08-22-2016, 09:58 PM
Khi đọc tựa đề " Con nhà nghèo ", tui liên tưởng đến chuyện GIÀU & NGHÈO hoặc nghèo mặc quần áo thiếu vải, đến khi đọc xong mới biết là con nhà nghèo thiệt, buồn 5 phút. Thôi để tui kể cho quý NT nghe chuyện GIÀU NGHÈO nhé:
Có một bà mẹ trẻ trông rất HOT, dắt cô bé con đi tắm biển. Nàng nằm phơi nắng còn cô bé chạy chơi loanh quanh. Chợt cô bé hỏi mẹ:
-Mom, sao con phải mặc áo tắm 2 mãnh mà mấy đứa kia chỉ mặc có cái quần thôi hả mom ??
-À, mấy đứa kia là con trai, còn con là gái nên khác nhau.
Cô bé chạy chơi một chút rồi lại hỏi:
-Mom, sao tụi nó có cụt gì trong cái quần mà con không có ??
-Con à, tụi nó để tiền trong bóp đó ,thôi chạy chơi đi để mom nằm nghỉ.
Chút xíu sao cô bé lại hỏi :
-Mom, sao tụi nó có đứa có cái bóp lớn còn đứa khác lại có cái bóp nhỏ ?
-À, ai giàu thì tiền nhiều nên cái bóp lớn, còn nghèo thì cái bóp nhỏ. Thôi chạy chơi đi hỏi hoài mom mệt quá.
Cô bé chạy lòng vòng rồi chợt đến nói nhỏ vào tai của mom:
-Mom ạ, con thấy cái ông kia kìa, hồi nãy ông nghèo lắm, mà đứng nhìn mom sao càng lúc ổng càng giàu đó mom.