PDA

View Full Version : Giòng sông Tỉnh Thức



Longhai
08-07-2016, 05:01 AM
Giòng sông Tỉnh Thức


Kim Hài



I. Sự biến đổi.

1- Không biết cái vòi xám đen, nặng trịch đầy hơi nước bụi bẩn ấy từ đâu tới. Chỉ biết khi nó thòng xuống sát mặt đất, mang theo những luồng gió xoáy lộn, thì cả không gian như bị bao trùm bởi một tấm màn xám đậm. Tấm màn mềm mại, dịu nhiễu, lồng lộn len sâu vào từng ngôi nhà, sộc vào mũi, mắt con người, ép họ sát tường, rồi tan biến trong cõi hư không. Bắt đầu của một cuộc biến đổi…

2- Trưởng thôn Tối Thượng là một người thấp đậm. Hẳn ông ta cũng dễ nhìn nếu không có cái bụng thề lề bia rượu khiến ông giống như một con quay khổng lồ đang cố ngoi lên khỏi cái vòng xoay hình nón. Hôm đó, Ông đang chủ trì một buổi họp “quan trọng“ cùng với các đại diện ban ngành đoàn thể. Quyết định đổi mới, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hoá thôn làng là mục tiêu đề ra cho buổi họp sau khi ông đọc qua một lô một lốc những tuyên bố của các lãnh đạo bộ ngành vừa đi tham quan nước ngoài về.

Nhưng các cán bộ chỉ ngồi ngáp vặt. Buổi họp như thường lệ sắp đi vào ngõ cụt thì cái vòi bất ngờ vạch toang hai cánh cửa sổ, đổ dồn hết sức mạnh vào phòng họp, dán dẹp nhép mọi người lên bốn bức tường. Não họ như tan ra. Tất cả ngất đi trong tiếng gió thốc và chỉ tỉnh lại khi không gian yên ắng bị xáo trộn bởi tiếng hót phấn khích của con chim chiềng chiệng trong bụi duối.

Buổi họp tiếp tục sau mấy phút ngắt ngang, nhưng không ai nhận ra sự biến đổi ranh ma đang thẩm thấu vào người. Họ chỉ cảm thấy cơ thể chếch choáng như say và cơn khát dày vò. Mọi người chụp lấy chai nước trên bàn họp uống lấy uống để..

Họ bắt đầu tranh nhau nói, dõng dạc, đường bệ giống như các quan cao phát biểu trên TV về những điều trọng đại.

- Làm nông mà không ra tiền thì bỏ nông đi buôn. Thiên hạ lập dự án, xin được tiền Nhà nước. Chẳng lẽ thôn ta không có được một cái dự án hoành tráng hả ?

- Thôn ta cần phải có một bảo tàng lớn, một nhà hát thế kỷ, tổ chức “phết - ti - vang“ hàng năm để thu hút khách du lịch..

- Xây một sân đá banh hiện đại rồi mời các đội hạng nhất xuống giao lưu. Tụi nhỏ ở thôn ta đá cừ lắm…

Các sáng kiến vĩ mô trào ra như vòi nước mở.

- Thôn ta điện chập chờn chán ngắt, nếu có một nhà máy thủy điện, bà con xài điện vô tư, nhà buôn thả cửa bán TV, tủ lạnh, máy giặt.. chưa kể dư điện sẽ bán cho các thôn khác, tha hồ có lời.

- Phải có những dự án thế kỷ như dự án đường cao tốc, xe điện ngầm, giảm thiểu thời gian đi lại của bà con. Đường thôn hiện giờ cứ hai cái xe bò tránh nhau đủ gây tai nạn rồi.

- Không thể thiếu dự án khu mua sắm vui chơi. Bà con sẽ từ biệt mấy cái chợ xẹp ven đường, cái lồng chợ bùn lầy. Nào, cứ vào trung tâm siêu thị, đủ các loại hàng hóa, nội có, nhập có, phòng thuế tha hồ thu thuế nhá.

Cán bộ giáo dục hơi bị lép vế, cố vươn cổ hét :

- Phải xây một cái trường thật to tương tự trường Harvard ấy…

Mọi người nhăn mày.

- Trường học hả ? Ta đã có rồi, cấp1, cấp 2 đủ cả. Nhưng có học sinh đâu ? Ông báo cáo xem cuối cấp hai có mấy học sinh ? Năm ngoái đã phải dồn lớp với hai thôn Hạ, Trung …

- Ừ nhỉ. Gay đấy.

- Có phương án nào khả thi không ? Cỡ một vốn mười lời. Hoàn vốn nhanh mới thu hút đầu tư chớ.

Trưởng thôn vỗ đùi :

- Tính khả thi hả ? Vậy xây nhà máy bia. Nấu rượu là nghề của dân ta. Nấu bia khác gì (?)! Mở thêm một nhà máy chế biến rượu Tây nữa…

Trưởng phòng Tài chánh vò đầu :

- Nhưng tiền…

Trưởng thôn trừng mắt :

- Thế dân đóng thuế cho các đồng chí không để làm dự án chẳng nhẽ để đi du lịch nước ngoài à ? Vả lại biết bao thằng muốn thầu dự án. Nếu cậu muốn thử sức tự làm, cứ vạch kế hoạch, anh chuẩn ngay. Nhưng này... làm chủ dự án vất vả lắm đấy.

Mọi người gật gù. Cơn khát bỗng biến mất. Trưởng thôn cười khùng khục.

Ngoài cửa sổ, tiếng chim hót như tiếng cười nhại.

Trưởng thôn giựt mình, ông đảo mắt nghi ngờ nhìn mọi người. Rồi đột nhiên ông hét thật to :

- Bảo vệ đâu ? Lưới hết lũ chiềng chiệng cho tao. Khớp miệng chúng lại.

3- Lạ thật. Cái vòi rồng đầy mây, loang loáng nước và bụi không di chuyển đi đâu xa. Chúng giống như cái lọng che đóng đô vĩnh viển trên bầu trời quê. Có điều hầu như không một ai nhận ra. Hầu như ai cũng xem đấy là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng, vài cơn mưa giông buồn bã rót xuống tưới tắm những cánh đồng mới trổ đòng đòng đã vàng ngọn. Cỏ mọc lèn chân lúa chưa có ai làm sạch. Vườn cam, vườn bưởi xơ xác dăm ba trái không đủ cho tất cả đám trẻ sục sạo. Nhưng hình như chẳng ai lo lắng gì. Bởi trước mắt là một tương lai huy hoàng. Ít nhất là họ nghĩ như vậy.


II. Một năm sau.

4- Hải dừng xe ngay ngã ba con lộ. Chặng đường dài trên con ngựa sắt cọc cạch quá đát cả chục năm khiến mông anh tê rần. Nhưng tới đây thì khỏe rồi. Chẳng mấy chốc nữa anh sẽ về tới nhà, được uống ly nước dừa ngọt lịm, thì bao nhiêu mỏi mệt cũng tan biến thôi.

Một cơn gió thổi qua mát rượi. Mây tầng trên kéo đàn kéo lũ ngang bầu trời. Sắp có mưa mất. Những cơn mưa miền Nam bất chợt như thế nầy không hiếm, chỉ cần một chỗ trú là xong. Trong lúc nhổm mông đạp máy, anh ngước mắt quan sát chân trời hướng nhà để đoán mưa. Bỗng anh dừng chân đạp, trố mắt nhìn một xoáy mây lạ thường hình phểu đang thò cái vòi dài vặn vẹo từ trên không xuống đất. Anh buột miệng :

- Không lẽ đây là vòi rồng ?

Anh không tưởng tượng nổi một cái vòi rồng to dường ấy lại xuất hiện trên vùng quê mình. Trong khi anh còn ngơ ngác, cái vòi rồng đã phồng lên, loang loáng nước trong ánh chớp của một cơn giông, băng băng di chuyển theo một đường thẳng, cắt ngang rồi trùm lấp một khoảng trời...

Hải đứng đơ một chỗ như bị chôn chân. Anh nhớ đến các hình ảnh thấy được trong những phim mô tả cảnh vòi rồng tàn phá nơi mà nó đi qua. Thật khủng khiếp. Nghĩ tới nhà mình, tới bố mẹ, Hải vội vàng đạp máy, vặn tay ga hết tốc lực.

5- Hải là một nhà giáo. Đồng nghiệp gọi anh là “thầy giáo khờ”. Cái nickname ngoài ý muốn này phát sinh từ ý tưởng muốn thay đổi cách dạy và cách học của anh. Anh cho rằng học để hiểu biết chứ không phải để trả bài cho thầy cô, học để khai tâm mở trí với mục đích thoát nghèo, thoát tụt hậu, cho dân giàu nước mạnh, vươn cao, ngang tầm với thế giới.. Anh khẳng định hiện tượng chạy theo giáo án, lờ đi mức độ tiếp thu của học trò là phản giáo dục. Anh nghĩ trách nhiệm của người thầy là phải xắn tay áo diệt dốt, không những cho con trẻ mà còn cho người lớn kể cả chính người thầy. Nhưng mấy ai chịu nhận mình dốt hoặc tự thú rằng sự nghiệp giáo dục của mình còn nhiều vô kể các khoảng trống do bịnh sĩ, do thiểu năng lực, do bám thành tích, do… trăm thứ do… khiến giặc dốt bám rễ, hoành hành. Họ lập luận đối đầu với cái dốt là đụng chạm đến… chính trị (?). Dù ai cũng hiểu xóa dốt hoặc đối đầu cái dốt cũng giống nhau thôi. Chỉ khác ở chỗ nếu nói đối đầu thì phải có phản biện, phải đem lên bàn cân đong đếm, phải có cơ quan uy tín khảo sát kết quả. Còn việc xóa dốt, Nhà Nước ta đã có kế hoạch chương trình ròng rã thường xuyên bao nhiêu năm rồi, nhìn thời gian để đếm kết quả, rất nhẹ nhàng. Thêm nữa, đã đối đầu là phải có hành động, rất dễ suy diễn theo kiểu, hành động cứng rắn sẽ biến tướng thành bạo động, bạo động đồng nghĩa với khủng bố, mà nói đến khủng bố, ôi thôi đã là chuyện lớn, chuyện an ninh v.v... Chỉ có những kẻ điên, khờ mới có những ý nghĩ nguy hiểm như vậy.

Vì tình đồng nghiệp, họ không quy cho Hải là kẻ phá thối trong trường học, nhưng Hải phải có một cái tên để biện minh cho sự suy nghĩ của anh : “Hải khờ”. Tất nhiên sau khi mất rất nhiều nước bọt sinh học lẫn vật chất, anh ngộ ra mình đang cô đơn, đang nói chuyện với những cái cối xay gió giống nhân vật Đông - Ki - Sốt trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tây Ban Nha. Lỗi của anh là đã mơ ước quá nhiều mà chẳng ước mơ nào thực hiện được.

6- Hải vặn nhẹ tay ga để tống hết hơi xăng và khói rồi tắt máy dắt xe vô cổng. Ông Quang đang nằm trên cái chõng tre trước hiên nhà, tay quạt phành phạch, miệng ngâm nga : Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng…

- Ba, ba có thấy vòi rồng ?

Bà Quang bên trong chạy ra, tay bưng một trái dừa xiêm cắt vạt đầu :

- Vô đây con, uống trái dừa rồi hãy nói.

- Nhưng vòi rồng…

- Chẳng có vòi rồng vòi rắn gì hết. Xứ mình ruộng đồng nhỏ xíu, cò bay còn không thẳng cánh. Con thấy ở đâu? Chắc là mây đùn trên núi thôi.

Hải nghe má mình nói cũng có lý. Anh cổi áo sơ mi đẫm mồ hôi vắt lên cái đinh móc cạnh cửa, rồi ngồi ghé xuống chõng uống một hơi hết trái dừa. Đến lúc nầy Hải mới thấy ông Quang có gì đó là lạ.

- Ba, có chi vui mà ca hoài vậy ?

Ông Quang chồm dậy, đập tay vào vai Hải :

- Hát là một cách để giảm xì - rét, để thấy mình hạnh phúc. Người ta giăng đầy quảng cáo ra đó không thấy sao ?

Hải xụ mặt :

- Vụ đất ruộng ba giải quyết xong chưa ?

Ông Quang nhíu mày lắc đầu :

- Đâu có chuyện gì phải giải quyết. Ba chán làm ruộng rồi…

Bà Hai phụ họa :

- Má cũng thấy vậy. Phải chi làm có ăn còn ham. Giờ, giá lúa tuột thang mà giá phân bón, con giống, thuốc trừ sâu tăng chóng mặt, chưa kể giống giả, phân bón giả, thuốc trừ sâu giả…

- Phải đổi mới tư duy con ơi…Ba định lấy chút ít tiền đền bù rồi mở tiệm game… Con thấy tính vậy được không ?

Hải trố mắt nhìn ba má như thấy người lạ. Một ông Hai Quang đau đáu chuyện ruộng nương, một bà Hai chỉ quen chăm sóc đàn heo, đàn gà. Vậy mà…chuyện gì đang xảy ra ?

7- Hải thấy như mình đi lạc về đâu đâu... Khi còn đi học, chiều nào anh chẳng cùng lũ bạn nhỏ tới đá banh, lội sông. Đất nơi đây tuy bị phèn trắng mặt nhưng cỏ đâu kén đất. Mùa hè là lúc ruộng bỏ không và trở thành sân chơi của đám trẻ con trong thôn. Con sông Tỉnh Thức sóng sánh nước trong veo là hồ tắm lộ thiên của lũ trẻ. Hải làm quen với Lệ tại đây. Lệ sống ở ven sông Tỉnh Thức. Hải hơn Lệ 6 tuổi, thường đá banh cặp với anh họ Lệ. Cô gái nhỏ có đôi mắt tròn vo hiền như mắt thỏ. Một lần anh đá banh trúng Lệ. Cô bé khóc mắt đỏ ửng khiến Hải tò mò để ý. Anh cứ nhìn mắt Lệ rồi liên tục hỏi sao mắt Lệ giống hệt mắt con thỏ nhà nuôi. Hỏi riết đâm quen, không nói chuyện thành nhớ. Nhớ hoài sinh tình. Tình yêu chân chất như cây lúa, hòn đất, không tỏ tình, không hò hẹn. Nhưng mỗi năm đến hè anh lại trở về ghé thăm Lệ để nhìn vào đôi mắt thỏ, để nghe lòng xao động.

Giờ đây, anh không tin vào mắt mình nữa. Đồng cỏ không còn. Chỉ mới một năm mà nơi đây lạ hẳn. Một khu phố bụi bặm nằm dọc con sông cạn nước đục ngầu. Phố chưa ra phố, chợ chưa ra chợ, nhưng nhạc xập xình và thanh niên đổ về chầu rìa trên những chiếc ghế thấp. Suốt khu đồng cỏ ngày xưa ngổn ngang những cột bê tông, những đống sắt thép. Một chiếc cần cẩu rỉ sét nằm im bên ụ cát thù lụ, đối diện với hai công trình dở dang mới lên một tấm. Bất chấp đất đá ngồn ngộn bùn bụi, những con buôn đã lợi dụng mái che mưa nắng mở đủ mọi cửa hàng tạp nham, những quán nhậu chất đầy bia rượu nước ngọt có gaz và những thức ăn đặc sản chim cò.

- Anh Hải... anh về hồi nào vậy ?

Hải quay lại, anh ngờ ngợ cô gái đứng trong một quán nhậu đang ngoắc tay điệu nghệ. Anh bước tới... Đôi mắt, phải đôi mắt thỏ... anh chới với. Lệ đây sao ? Chắc anh nhầm? Lệ hiền lành, người bạn gái nhút nhát ngày xưa, không lẽ ? Nhưng đúng là Lệ. Cô mặc chiếc quần sọt, áo thun đen, tóc xõa dài, móng tay đỏ chót.

- Anh Hải vô đây, em mới mở quán, bán được lắm.

Hải bước vô và ngồi xuống chiếc ghế nhựa màu xanh nõn chuối. Anh tự nhiên thấy dễ chịu vì không bị bụi và cái nóng bao phủ như lúc đứng bên ngoài.

- Anh uống bia nghe.

Thấy Hải vẫn còn lơ ngơ, Lệ mời chào.

- Hay anh uống đế. Cam đoan không phải alcool pha nước đâu. Gạo nếp mới nhập từ Thái Lan…

- Lệ bỏ học rồi à ?

Hải hỏi một câu không ăn nhập gì hết. Lệ hơi nhíu mày.

- Trời đất, anh không biết gì hết sao ? Thôn mình dẹp trường rồi, để đất làm kinh tế. Trường học chuyển sang thôn Cần Mẫn. Xa quá, mấy đứa bạn em nghỉ học hết trọi nên em nghỉ luôn. Không học trường học thì học trường đời cũng được mà anh.

Chỉ là một cách nói. Hải chua xót thầm nghĩ. Cứ nhìn cách ăn mặc và cử chỉ của Lệ, Hải cũng cảm nhận được sự thay đổi trong tâm hồn cô. Nhưng tại sao ?

Lệ vẫn hào hứng kể lể :

- Thôn mình chừ đi lên lắm. Toàn những dự án lớn. Khi nào nhà máy thủy điện xong, có điện, thôn mình sẽ xây ca - si - nô, rì - sọt với sân góp nữa… Có nhà đầu tư đòi mở sân bay mà trưởng thôn chưa duyệt đó.

Hải đưa tay chỉ những công trình dang dở, hỏi :

- Những thứ đó phải không ? Bao giờ thì xong ? Khi nào xây trường lại cho sắp nhỏ có chỗ học ? Hổng lẽ bỏ học luôn ? Còn ruộng nương thì sao ? Cái nhà máy thủy điện nằm ở đâu mà con sông cạn queo vậy ? Lấy nước đâu tưới tiêu ?

Lệ cười to :

- Ai còn muốn làm ruộng, trồng rau nữa ! Mai mốt mấy dự án nầy xong, mình cứ ngồi rung đùi hưởng lợi.

- Mai mốt là bao giờ ? Ai hưởng lợi ? Dân quê mà không làm ruộng thì làm gì ?

Giọng Hải gắt gỏng làm Lệ cụt hứng. Cô nói xuôi xị :

- Anh nầy lạ. Phải đổi mới chớ. Cứ nhà quê hoài, chán chết. Sống mà không có ai - pat xài , ai - phôn nghe, xem phim, hát hò đờn ca thì…

Hải ngắt lời :

- Lấy tiền đâu mua những thứ đó, lấy gạo đâu để ăn ? Thôn nghèo, muốn sung sướng phải phấn đấu, làm những gì có ích chớ mở toàn những dự án trên trời như vầy…Mọi người điên hết rồi…

Lệ hoảng hốt bịt miệng Hải :

- Trời đất, anh mới điên…

Một người đàn ông mập lùn, áo vét quần bò mỉm cười bước tới :

- Cứ để anh ấy nói, tui sẽ giải thích mà. Tự giới thiệu, tui là trưởng thôn. Có phải thầy giáo Hải không ? Ba anh hay nhắc đến anh lắm. Bắt tay một cái đi.

Hải trừng trừng nhìn người đàn ông rồi nhìn đám người đủ loại tuổi đang xúm đen xúm đỏ, mặt mũi đỏ gay, ăn nói tục tĩu quanh anh. Cách đó không xa, lũ trẻ con tuổi đi học cũng vật vờ quanh người lớn hoặc các quán games tạm bợ bên lề đường. Anh thở dài, cảm giác bức bối giận dữ cứ giăng ngang dọc trong đầu, trong ngực, khiến anh không thốt được lời nào.

- Tất cả chỉ mới bắt đầu thôi. Chừng năm, mười năm nữa, thôn ta sẽ đổi da đổi thịt sánh cùng với thế giới, anh không tin à ?

- Tin ? Tui tin lũ trẻ nầy trong tương lai sẽ giống đám thanh niên kia... rồi thành đám đàn ông đó. Ai được lợi nhứt hở ông trưởng thôn ? Mấy đại gia làm dự án hay dân thôn mình ? Ông trả lời đi. Tui là dân thường mà cũng thấy ngao ngán. Tụi nhỏ thất học, thanh niên đua đòi ăn chơi, rượu chè, gái gú thì sao biết phấn đấu làm lụng để cải thiện cuộc sống của mình chớ ?

Trưởng thôn vẫn cười xởi lởi. Chuyện nầy ông đã bao lần giải trình với các cấp cao rồi. Phải an dân mới bình thiên hạ được. An dân là cho họ thấy một tương lai tươi đẹp phía trước. An dân bằng cách cho họ nếm những thú vui vật chất hiện đại để họ muốn thụ hưởng phải lao vào việc kiếm tiền bằng mọi giá. Phải hướng họ đi theo đúng con đường, không chọn đi lề nào, lần chần là hỏng chuyện hết.

- Tui duyệt những công trình nầy là để lại cho hậu thế chớ tui có hưởng gì đâu.

Hải bắt đầu nổi nóng, anh hươi tay xém chút nữa đụng vào mặt trưởng thôn.

- Giá như ông Trưởng thôn mở trường cho con em trong thôn được học hành tử tế thì hay biết mấy. Chớ để chúng mù chữ hay tái mù chữ chỉ vì không được học hành thì “hậu thế” của trưởng thôn chỉ toàn lũ dốt.

Chưa nói hết Trưởng thôn đã bỏ đi. Hải bức bối nói to :

- Mà dốt thì ai nói gì cũng nghe, đâu biết hay dở ra sao để làm cuộc sống tốt hơn. Bây giờ dốt thì đời con đời cháu cũng dốt theo rồi mãi mãi kiếp nghèo, tạm bợ. Dốt thì làm sao biết được quyền lợi trách nhiệm mình đến đâu để đòi hỏi hoặc đấu tranh với những điều phi lý như xây cái sân bay to đùng mà vô dụng hoặc làm cái nhà máy thủy điện khiến ruộng đồng không còn nước tưới…

Hải càng nói càng hăng. Lệ vuốt lưng Hải nhỏ nhẹ.

- Anh Hải à. Uỷ Ban họp nói sẽ nghiên cứu dự án xây trường Đại Học ở thôn mình đó. Lại còn liên kết với quận thay sách giáo khoa, đổi chương trình học theo kiểu nước ngoài, do đó cần mấy cái dự án kiếm ra tiền nhanh như nhà máy bia rượu, Casino… Mình là dân biết chi đâu, cứ để nhà Nước lo.

Hải gạt tay Lệ ra. Xung quanh anh, toàn những nụ cười ngô nghê lạ lùng. Chuyện gì đang xảy ra cho cái thôn nhỏ của anh? Bao đời nay, thôn Tối Thượng tuy nghèo nhưng nổi tiếng hiếu học, siêng năng. Gia đình nào cũng cố gắng cho con cháu mình học hành tới nơi tới chốn, để mong một ngày làm rạng rỡ tổ tông, thoát cảnh đói khổ. Vậy mà hình như có điều gì đó đã làm thay đổi nếp nghĩ của họ. Mọi thứ bày ra trước mắt Hải cho thấy dường như ai cũng quên mất mục đích của mình. Cảnh ăn chơi thụ hưởng trở thành tất yếu cho cuộc sống. Các giềng mối lễ nghĩa, đạo đức văn hóa làng quê bị xới tung mà chẳng ai để ý. Hải lặng người khi nghĩ đến những ngày sắp tới, khi những khu ăn chơi hoàn tất, khi tiền của người dân đổ vào những công trình xa xỉ mà không mang đến chút lợi ích nào cho bản thân họ, khi cái dốt ngự trị toàn diện, khi diện tích ruộng vườn biến mất, người dân quê biết làm gì để sống, để tự lực tự cường. Dân trí không còn, dân khí sẽ mất, dân sinh sẽ cùng khốn.

Hải đi như chạy. Máu nóng xông lên mặt. Trái tim đập loạn nhịp trong lồng ngực. Anh nhớ lại những ngày còn ngồi trên giảng đường Đại Học. Cái đầu nông dân của anh đã thay đổi, đã được khai phóng, thức tỉnh để hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình, để biết phản kháng với áp bức, bất công. Ngày nhận nhiệm sở, anh muốn hiện thực những suy nghĩ của mình. Không ai có lợi thế hơn nghề giáo bởi một người thầy có thể thay đổi hoặc hình thành nhân cách và tư tưởng của biết bao thế hệ. Thế nhưng anh thất vọng bởi mình quá cô đơn trong cái biển trồng người. Và giờ đây trên quê mình, anh cảm nhận rõ ràng hiệu quả của sự ngu dốt khốn cùng. Anh thấy trước viễn ảnh tương lai mờ mịt của người dân thôn Tối Thượng khi lún sâu trong vòng xoáy của sự ngu dốt, đói nghèo. Nhưng câu hỏi tại sao thì anh không giải đáp được. Anh ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy mây hét vọng :

- Tại sao ?... Tại sao ?...

Hải lại nhìn thấy cái xoáy lốc lừng lửng trên cao. Không một mảng xanh trên đầu thôn Tối Thượng. Hàng trăm cái vòi cần mẫn phóng ngập vào bầu không khí như muốn hút hết sự thông tuệ, sức sống và cả niềm hy vọng của thôn. Hải thản thốt khi lờ mờ hiểu được tác động của những cái vòi ma mị đó. Một cái vòi rồng đang hướng đến phía Hải đang đứng. Một nỗi căm giận bùng lên. Bàn tay anh nắm lại. Dù đó là cái gì đi nữa anh cũng không muốn thua cuộc như đã từng thua cuộc. Điều tốt đẹp không thể chịu thua cái xấu xa. Bầu trời xanh không thể bị mây đen che phủ mãi. Anh phải làm một điều gì đó. Nhưng khi Hải còn suy nghĩ, cái vòi rồng đã nhanh chóng nuốt lấy anh trước khi phủ những bụi rác lấp đầy giòng sông Tỉnh Thức…


Kim Hài