PDA

View Full Version : Saigon 1950 - Bình Hòa - Gò Vấp



Longhai
07-26-2016, 12:44 PM
Saigon 1950 - Bình Hòa - Gò Vấp


Nguyên Thuốc Rê


Đường làng 15 (đường Lê Quang Định) ngày xưa chỉ có người đi xe đạp, thỉnh thoảng có vài chiếc Mobylette hay xe nhà binh của Pháp chạy qua, lẫn tiếng xe thổ mộ lóc cóc trên đường. Khoảng đầu thập niên 50, phương tiện di chuyển chính là thổ mộ. Xe thổ mộ (xe làm bằng gỗ có hai bánh cũng bằng gỗ hai bên thùng xe, thường sơn màu nâu đậm rất thịnh hành ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn, Chợ Cầu, Gò Vấp, Bà Chiểu, chợ Đakao, Tân Định ra tận đến Sài Gòn, xe nào cũng có 4 cái mốc, mỗi bên hai cái bên hông xe để người đi treo dép hoặc gồng gánh.

Ai đi xe thổ mộ củng phái ngồi xếp bằng, co ro trong thùng xe, xe chật dĩ nhiên chuyện cọ sát với nhau là thường, anh nào còn trai tráng thường phải ngồi phía sau, hoặc ngồi phía trước đối diện với anh lái xe thổ mộ.

Người đi thường là bạn hàng mang hàng xuống từ Hóc Môn, Bà Điểm, chợ Cầu, trái cây, hoa, rau, trầu cau, thuốc rê Gò Vấp.

Trước khi tới quận lỵ Gò Vấp, có ga xóm Thơm (tên địa phương, nhưng cũng gọi là tên ga Gò Vấp). Ga Gò Vấp là một ga nối vì từ ga này đi ra các tỉnh miền Trung, Nha Trang, đi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, dĩ nhiên đi ra Sài Gòn (ngừng tại ga xe lửa Mỹ (Mỹ Tho, cũng gọi là ga Sài Gòn, bây giờ là công viên 23/9 gần chợ Bến Thành) - rồi từ ga Saigon đi Chợ Lớn Bình Tây hay đi Mỹ Tho.

Tuyến đường Gò Vấp Saigon được đưa vào sử dụng ngày 7/9/1897, lúc đầu chạy bằng nước sau bằng điện, từ năm 1913.
Tuyến xe đi từ Gò Vấp ra Sài Gòn qua Ga Đông Nhì, lúc rạp Đông Nhì cùng chủ với Đại Đồng Nguyễn văn Học và Đại Đồng Cao Thắng, Bàn Cờ, cũng là chủ rạp Đại Đồng Hà Nội di cư vào Nam, có tài liệu cho biết Đại Đồng Hà Nội là rạp chiếu bóng đầu tiên của người Việt Nam cho người Việt Nam ở Hà nội.

Rạp Đông Nhì là rạp bình dân, chiếu toàn phim cũ nhưng mới hơn Lạc Xuân, có đặc điểm hát thường trực, lúc nào mua vé vào xem và xem bao lâu cũng được.

Rời Ga Đông Nhì thì đến ga Xóm Gà , ga này có mái che và xây bằng gạch nằm trước tiệm tạp hóa chú Xi. Chú Xi, gia đình người Tàu sang Việt Nam đã lâu nên con cái chú ăn mặc theo kiểu Việt Nam và các con nói tiếng Nam rành rọt, tiệm chú Xi bán tạp hóa nên cái gì cũng có kể cả nước màu (nước đường nấu lên cho có màu nâu đen dùng để kho thịt hay cá.)

Sau khi bỏ khách xuống thì xe điện chạy đến ga Bình Hòa, ga này nằm đối diện với cây xăng Bình Hòa hiện tại vẫn còn, mỗi lần xe lửa chạy là có cây chắn ngang hạ xuống chận lưu thông trên đường Nguyễn Văn Học, xe điện tiếp tục chạy qua khu chợ Ngã Tư Bình Hòa, dọc theo đường làng 15 - đường Lê quang Định ra Bà Chiểu.

Trước 1960, nơi đây vẫn còn dấu vết ga Bình hòa trên tuyến đường Gò Vấp - chợ Bến Thành. Chợ Bình Hòa tuy nhỏ nay vẫn còn, nhưng mang lại cho Nguyên biết bao kỷ niệm. Bà Nguyên có một chỗ bán trầu cau, rất nổi tiếng trong chợ, chỗ bà là chỗ duy nhất, mặc dù thỉnh thoảng vẫn có cạnh tranh, người ta gọi bà là “bà Mười bán trầu cau” bà là người rộng lượng và biết cách chiều đãi khách hàng, người buôn bán với bà rất trung thành với bà, có chuyện, bà nghỉ thì họ vào tận nhà để mua. Bà quê Hóc Môn, sản phẩm “mười tám thôn vườn trầu” nên bà có móc nối mua cau, trầu tươi từ Hóc Môn Bà Điểm, mua thuốc lá từ Gò Vấp và cau khô từ những tiệm đại lý ở Chợ Lớn đem về nhà sàng lọc, sắp xếp rồi đem ra chợ.

Từ Ngã tư Bình Hòa, nếu ta đi trên đường Nơ trang Long (Nguyễn văn Học) hướng về Thủ Đức và Bình Dương sẽ phải qua ngã Năm Bình Hòa nơi đây đã xảy ra cuộc oanh tạc khốc liệt của máy bay trực thăng năm Mậu Thân 68. Ngã năm là giao điểm của hai đường Nơ Trang Long và Phan văn Trị và một đường đi vào xóm Lò Vôi thẳng ra luôn tới rạch nước mà bây giờ gọi là rạch Bến Bôi. Từ Ngã Năm đường Nơ Trang Long đi thẳng qua cầu Băng Ky đến cầu Bình Lợi.

Đường Nguyễn Văn Học đoạn gần cầu Bình Lợi trước 75 có hãng Vissan - Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản - sản xuất sản phẩm gia súc theo đường lối dây chuyền và xưởng kỹ nghệ mền len Sakymen (Sài Gòn Kỹ nghệ Mền Len). Từ Nguyễn văn Học quẹo trái về Phan Văn Trị hướng Gò Vấp có công ty lớn may dệt Vinatexco

Đường Phan văn Trị có hai ngôi chùa với đồng mả bao quanh, chùa Thập Phước (Tập Phước) và chùa Bảo An. Hai chùa này cổ này giờ vẫn còn tuy nhiên đồng mả bao quanh không còn nữa và đất chùa bị thu hẹp rất nhiều. Ngày xưa, ban đêm ít ai đến vùng này vì nghe tiếng nhiều ma.....


Nguyên Thuốc Rê