PDA

View Full Version : Saigon Xưa



Longhai
07-18-2016, 12:50 AM
Saigon Xưa


Thúy Liễu


Cái đất Tân Định của tôi có nhiều… thứ nổi tiếng lắm nhé. Rất rất nhiều thứ. Những nhân vật trứ danh của vùng Quận nhất Tân Định nói chung, và khu Nhà Thờ của tôi nói riêng, thì… hằng hà vô số, nhớ sao cho hết và kể sao cho xuể? Một thí dụ nôm na thôi, tầm thường thôi, nhưng chắc chắn sẽ còn rất nhiều người vào lứa tuổi sồn sồn như tôi khó mà quên cho được…

Chú Hòa có cái xe đẩy bán Sirop đá bào ở đầu cái hẻm đối diện với nhà thờ Tân Định. Những buổi trưa nắng gắt mà được sà vào dầm dầm khuấy khuấy một ly “đá nhận” thoang thoảng chút mùi chanh muối rồi chấm chấm mút mút từng muỗng đá bào có xịt xịt tí sirop mầu xanh mầu đỏ, thì cứ gọi là coi ông mặt trời như… nơ-pa, đã khát và mát ruột gì đâu! Đối diện Trại hòm Tobia là Café Thu Hương nằm gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ Hiền Vương. Ngày xưa, lúc đang còn trong thời kỳ nhắng nhố… sắp sửa thành người lớn, bọn ghiền ngồi cà-phê chúng tôi cứ phân vân không biết phải chọn cà-phê Văn Hoa Dakao hay Thu Hương Tân Định để được nghe những bài nhạc ngoại quốc “mới ra lò”, thịnh hành nhất, rô-măng-tic nhất… Văn Hoa thì nhạc hay, âm thanh hay và có mấy cô thu ngân yé yé xinh đẹp nhưng cà-phê chỉ tàm tạm thôi nên chúng tôi đóng đô Thu Hương thường hơn, vả lại những hôm lười đi xa, tôi chỉ việc băng qua đường là đã tới, gần xịt. Gần hơn nữa là cái quán bánh xèo Đinh Công Tráng rộn rịp từ xế xế chiều cho đến tối khuya, lúc nào cũng tấp nập người và xe...

Đi quá thêm vài ba bước nữa là tới cái ngõ hẻm của Nghệ sĩ Tùng Lâm, danh tiếng thì cả nước biết. Tôi thường đi băng tắt ngang cái hẻm này mỗi ngày để ra chợ, cái hẻm đâm thẳng vào hông chợ, đầu hẻm có xe nước mía (pha lẫn với dâu Đàlạt) của chị Tám, trời thần ơi là ngon, nhất là được uống vào những buổi tối cúp điện. Có lẽ chưa có loại nước uống nào trên thế giới, theo tôi nghĩ, mà vừa rẻ, vừa đã khát, vừa ngon lại vừa bổ như nước mía, nếu đừng để ý đến cái đám nhặng xanh bay vần vũ trên những xác mía đã được ép lấy nước rồi, cũng như những đẵn mía chưa ép. Chả cá Lã Vọng Sơn Hải là tiệm của Bố thằng Châu, bạn tôi ở ngay ngã ba Lý Trần Quán và Đinh Công Tráng ngon tuyệt cú mèo? Cứ gọi là lịm cả người đi ấy chứ! Và trong cái ngõ hẻm sát kế bên còn có một nhân vật, lúc còn sinh thời, đã từng làm mưa làm gió trong giới điện ảnh hồi đó: tài tử Đoàn Châu Mậu, bố của Thanh Tuyền, cô bạn học cùng lớp với tôi ở M.C. và cùng học violon với ông xã nhà tôi ở trường Quốc Gia âm nhạc. Một cô bạn tính tình hiền hậu, lành như cục đất, ai nói gì cũng chỉ ngỏn ngoẻn cười. Cô bạn này của tôi đã có dạo, trước 75 một chút, cùng với Đức Huy là một Duo khá nổi tiếng trong làng ca nhạc Saigon. Sát bên nhà thờ Tân Định là trường Thiên Phước. Ngôi trường đạo này là của các Sơ, chỉ nhận toàn con gái và có một đặc điểm rất dễ thương là bắt các nữ sinh phải mặc đồng phục váy mầu hồng thay vì mặc váy mầu xanh nước biển đậm và blouse trắng như các trường đạo khác (Couvent des Oiseaux, Régina Pacis và Régina Mundi… chẳng hạn). Cứ đến giờ tan học là cả khu Tân Định nhộn nhịp hẳn lên với một đàn bướm mầu hồng khổng lồ ríu rít túa ra xúm đông xúm đỏ các gánh hàng rong túc trực sẵn trước cổng trường, trông vui mắt đáo để. Quà vặt của vùng Tân Định là có tiếng đấy. Có tiếng là ngon ! Mà cũng có tiếng là đắt ! Chả thế mà người ta vẫn thường kháo với nhau là “chợ Tân Định chỉ dành riêng cho những dân nhà giầu, bán toàn hàng “tuyển”... Yểm Yểm thư quán trên đường Trần Văn Thạch chắc nhiều người trong giới chữ nghĩa vẫn chưa quên. Còn nữa, đối diện với chợ Tân Định ngay đầu cái xóm sát với nhà thuốc bắc Kim Khuê (có trưng một ông hổ to thật to, và thật, đứng chình ình trong tiệm) là chỗ cho mướn sách với một kho truyện phong phú không thể tả được ! Trên thì giời dưới thì sách, thôi thì không thiếu một thể loại hay tác giả danh tiếng nào. Những Văn Bình Z.28, “Lửa cháy Thành Phiên Ngung”, “Thủy Hử” hay Kim Dung hay Duyên Anh hay Ian Fleming v..v.., đã góp cái vốn kiến thức cho biết bao già trẻ lớn bé không chỉ vùng Tân Định.

Còn giới văn nghệ sĩ tụ tập trong vùng này thì đông vô số kể. Nào là nữ ca sĩ Bạch Quyên và Tuyết Mai của những năm “hồi đó lâu lắm rồi”, nào là nữ diễn viên kịch Mỹ Chi, nào là nữ sĩ Nguyệt Hồ nổi tiếng như cồn nhờ tài bói bài tây…

Nói chi đâu xa, cũng vào đầu những năm 60, ngay trong cái ngõ trước cửa Nhà Thờ của tôi, ông hàng xóm soạn giả Hoàng Khâm là… số dzách trong làng cải lương. Mỗi tối khuya mà thấy ông bách bộ đi tới rồi lại đi lui, phía bên kia đường nhà thờ, để vắt tim nặn óc viết kịch bản dựng tuồng cho các gánh hát (hạng nhất thôi đấy nhé) là thiên hạ xung quanh nhìn bằng con mắt ngưỡng mộ ghê lắm.

Hiệu uốn tóc Mô-Đéc (dấu sắc) sát bên nách hiệu thuốc tây của nhà tôi cũng được các tài tử giai nhân của cả Sài Gòn tận tình chiếu cố. Cô em Lìn Dí làm chủ tiệm này còn bà chị Lìn Chế có thêm một tiệm nữa, cũng tên Mô-Đéc, nhưng nằm trên phố, đường Lê Lợi. Hai tiệm này lúc nào cũng đông nghẹt, nhất là vào những mùa Noel hay Tết. Chỉ cách nhau chưa đầy ba phút đi bộ mà cái vùng tôi ở có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ là rạp Mô-Đẹc (dấu nặng) và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp này thay phiên nhau chiếu những phim Ấn Độ và cao bồi hay ra phết, thỉnh thoảng để thay đổi không khí lại mời các gánh Cải Lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn tuồng...


Thúy Liễu