PDA

View Full Version : Bốn mươi năm tình yêu



Longhai
07-12-2016, 05:50 AM
Bốn mươi năm tình yêu


Lê Anh Dũng


Hết bốn năm học Tăng Bạt Hổ đầy những kỷ niệm, tôi lang bạt kỳ hồ vào đất Nha Trang. Học Võ Tánh, có thời gian cư ngụ trong thành phố đầy nắng ấm, sau này lấy vợ Ninh Hòa, một trong những nữ sinh cũng vào Nha Trang trọ học…

Thôi thì tôi cũng công nhận mình là công dân “xứ Nem” cho nó oai ! Thời gian học Võ Tánh với các lớp Tam Nhị rất ngắn và cũng chẳng có gì phải nói nhiều, năm đầu là năm dưỡng lão, năm thứ hai là năm gạo để bất cứ giá nào phải lấy bán phần; bằng không thì Ðồng Ðế sẵn sàng welcome. Sau khi nhảy qua được Ðệ Nhị, tôi lại phải vào Sài Gòn vì gia đình chạy giặc khỏi Tam Quan Bồng Sơn; tiếp tục học Petrus Ký năm cuối Trung Học, từ đó bắt cầu vào Ðại Học cho tiện.

Ninh Hòa là trung tâm của đủ mọi sắc lính, chủ yếu là mũ nâu. Dục Mỹ và Núi Ðeo cách Ninh Hòa không xa, nên thành phố nầy mang màu sắc “lính” giống như Pleiku. Các sắc lính khác cũng không thiếu ở Ninh Hòa, rừng nào cọp đó mà lỵ! Thế mà một anh chàng thư sinh trói gà không chặt lại dám can đảm tán gái Ninh Hòa. Lại nữa, cô gái nầy có ông anh nổi tiếng là trùm đánh lộn, khét tiếng xứ Ninh. Thế mới biết trong tình yêu là “điếc không sợ súng”! Nhưng nghĩ cho cùng, có biết gì đâu mà sợ! Chun vô được Võ Tánh, ở trọ học, dạy kèm cho ba nhóc tì, chủ nhà bao ăn ở luôn đã là sướng rên rồi, còn chuyện chung quanh đều lạ lùng, đều mới, biết gì mà sợ phải không!

Trong lớp tôi học, ngồi cạnh một thằng gốc Hoa nguyên bản Ninh Hòa. Tôi rủ nó tham gia vào phong trào Hướng Ðạo, hai đứa sinh hoạt trong một toán thuộc Tráng Ðoàn của Ðạo Khánh Hòa. Anh chàng nầy đang ngấp nghé một cô nữ sinh, nhà ở trước Tháp Bà. Khoảng thập niên 1960, khu vực từ cầu Hà Ra đến cầu Xóm Bóng trên Quốc Lộ số 01 không có một bóng nhà cửa, toàn đầm lầy, đầy cây bần cây đước. Với địa hình vắng vẻ như vậy nếu đi xe đạp ban đêm từ phía Nha Trang để qua hai cái cầu định mệnh thăm em thì cũng hơi “teo”. Anh chàng nầy mới dụ khị tôi rằng thì là, nhà cô bạn gái của chàng có một cô bé Ninh Hòa xinh xinh, nho nhỏ, nếu tôi chịu đạp xe đi với anh qua Xóm Bóng những buổi tối sau khi học bài… thì anh ta sẽ giới thiệu cô bé với tôi.

Ðược lời như mở tấm lòng, thế là tôi và hắn thỉnh thoảng lại đạp xe trong đêm qua Xóm Bóng. Cảnh vắng lặng đầy ma quái trên khúc đường từ cầu Hà Ra đến Xóm Bóng vì thế mà dần dà chẳng có gì để ngán. Cô bé và cô bạn gái của bạn tôi lại có một thằng anh họ cũng đang trọ học ở đó. Chúng tôi rủ anh chàng nầy cùng sinh hoạt trong tráng đoàn Hướng Ðạo. Thế là không những ban đêm hay ban ngày, kể cả thứ bảy, chúa nhật, chúng tôi trong đồng phục Hướng Ðạo thường xuất hiện trong căn nhà trước Tháp Bà đầy huyền bí… Gần sáu tháng, nhưng tôi chưa thể nào làm quen được với cô bé xinh xinh nho nhỏ vì cô nàng nhát và còn bé quá. Nói theo bài hát Em Ði Chùa Hương: “Em mới mười lăm, em còn bé lắm các anh ơi” là đúng nhất!

Tết năm ấy tôi mua một thiệp chúc Tết thật đẹp ở hiệu sách trên đường Phan Bội Châu, cẩn thận viết : “Một câu chúc Tết, một lời làm quen !”. Tôi nhờ thằng anh bà con của cô bé đưa hộ. Anh chàng nầy nói với tôi là đã đưa tận tay, nhưng tôi quan sát thấy cô nàng vẫn chẳng có gì tỏ ra dấu hiệu là nhận được thiệp chúc Tết của tôi. Mãi sau nầy khi đã cưới nhau, nàng mới thố lộ rằng, một hôm dọn tủ sách của ông anh, thấy có một bì thư đẹp ghi tên người nhận là cô bé. Ngạc nhiên và tò mò, cô bé mở ra… Thế là cái câu ghi rất ngắn, rất giản dị trong cánh thiệp chúc Xuân đó làm cho cô ta thấy lạ, khác với những câu tán tỉnh đầy văn chương của những anh chàng văn hoa khác. Vậy là cá đã từng bước cắn câu !

Cô bé ấy, sau khi tôi chia tay để vào Sai Gòn, những cánh thư học trò bắt đầu, những chuyện kể cho nhau nghe về trên trời dưới đất, về hờn giận không tên, về những bản nhạc thời chinh chiến… Tuyệt nhiên chúng tôi chưa nói với nhau những lời ngọt nào về trái cấm tình yêu. Nhưng con tạo khéo xe, không nói gì cả tức là nói tất cả. Cả hai chúng tôi tuy không viết cho nhau những lời yêu đương mật ngọt nhưng trong ý nghĩ đã hướng về nhau. Tuần nào ông đưa thư không gõ cửa là tuần lễ đó như chẳng có gì vui, tâm trạng khoắc khoải chờ thư là một trong những bệnh mà con vi khuẩn tình yêu đã xâm nhập hoành hành đến thời kỳ nguy hiểm.

Ngày nay, 2008, tôi tin chắc rằng, chẳng có một cặp tình nhân nào phải trải qua tâm trạng chờ ngóng bóng dáng ông đưa thư và vội chạy ra thùng thư tìm kiếm! Tuổi trẻ bây giờ mỗi người một phone cầm tay, gọi nhau bất cứ lúc nào chúng muốn, hẹn hò nhau bất cứ nơi đâu chúng thích, vì ai cũng có phương tiện để đến được với nhau… Có lẽ vì thế mà những kỷ niệm về tình yêu cho nhau không đậm nét bằng thời đại cha ông chăng? Có triết gia định nghĩa: “người là sinh vật sống cho quá khứ”. Nếu định nghĩa đó đúng thì trong tình yêu, càng có nhiều kỷ niệm đẹp, càng có nhiều những giây phút đợi chờ ngóng trông trong xa cách, có thời gian dài quen biết… thì lại càng bền chặt về sau!

Cô bé nho nhỏ xinh xinh ấy, lúc tôi làm quen, mới vào đệ tam trong tuổi mười lăm để khi nàng đúng hai mươi là tôi xin rước về nhà cho khỏi phải gởi thư từ qua lại. Những ngày tôi vào Quân trường Thủ Ðức là thời gian thuận tiện tỏ tình với nàng. Trường Ðức Trí Ninh Hòa không giữ nàng được nữa khi tôi ra trường, cưới nàng và đem theo ra đơn vị như một chiến lợi phẩm đầu tiên của một Sĩ Quan trẻ vắt ra sữa. Lúc ấy tôi hai mươi sáu tuổi, hơn nàng nửa con giáp. Hình như có nhà tư tưởng nào đó phát ngôn: “Ở bất cứ nơi nào, có người mình yêu, nơi đó là thiên đường”. Có lẽ vì thế mà nàng đã theo tôi trong suốt những chặng đường gian nan nhất trong cuộc chiến từ Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Củ, Ðồi Mười, Pleiku… Và theo ra tận Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, Vĩnh Phú… để “động viên” tôi trong những ngày tù trôi theo vận nước nổi trôi.

Năm 2008 là kỷ niệm bốn chục năm hai đứa tôi sống với nhau. Bốn chục năm thăng trầm trong tình yêu, tình vợ chồng, tình non tình nước đau buồn đầy nước mắt hay trong hạnh phúc, niềm tự hào về con cái; chúng tôi đã tự thắng để đứng vững được trong những giây phút yếu đuối, những thất vọng hụt hẫng của cuộc đời mang đến. Ở tận cùng của suy nghĩ, sở dĩ chúng tôi có được ngày hôm nay là phép lạ, là phúc đức. Chúng tôi được hưởng những ngày về chiều trong yêu thương đầy đủ của gia đình hai bên, của con cháu như là ân sủng. Tuy rằng nguyên nhân chính của hạnh phúc bền vững đã giữ được đến ngày hôm nay vẫn là do chính chúng tôi; mà nàng là nhân vật chính. Nếu thời gian tôi bị tù tội ở vạn dặm Bắc Hà, không có một bằng chứng cho ngày sum hợp, ở ngoài đời không đủ sức tần tảo nuôi con và trước những cám dỗ đầy hấp lực; nàng có thể bước qua hướng khác để sống còn, thì đâu có những giờ phút trọn vẹn tốt đẹp như bây giờ ?

Ðể kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập gia đình của tôi và nàng, mượn những dòng chữ nầy, tôi lặp lại câu nói với nàng trong thời xa lắc xa lơ trước khi lấy nhau: “Anh yêu em!” Câu nói giản dị, cũ rích mà tồn tại trên cõi đời này không biết đã có từ bao giờ và về sau này mãi mãi. Cám ơn Ninh Hòa đã sinh sản ra những người con gái chung thủy, suốt đời hy sinh cho chồng cho con, mà vợ tôi là một điển hình!


♦ Lê Anh Dũng
Trích tuyển tập truyện ngắn GIỌT NẮNG XIÊN của Lê Anh Dũng và Diệp Thế Mỹ.