PDA

View Full Version : Lý sự



Longhai
07-04-2016, 05:27 AM
Lý Sự


Ninh Hạ


Người quen kẻ biết, ai cũng thừa nhận Tư Vấn là một người tốt bụng. Nhưng ít ai chơi thân và gần gũi được với ông. Chỉ vì ông vừa mâu thuẫn, lại vừa cực đoan một chiều.

Ông tuyên bố và ông đã làm thật. Vợ chồng ông thà làm những nơi không có người Việt, dù lương tiền có thấp hơn, dù công việc có vất vả hơn. Không biết căn cứ vào đây, ông nói. Khác với người Tàu, người Ấn, người Phi người mình đã không giúp đỡ nhau thì thôi, lại còn kèn cựa, chèn ép, khó khăn ích kỷ, thượng đội hạ đạp.

Về nơi ở. Ông tìm nơi xa cộng đồng. Ông cằn nhằn, càng đông càng xô bồ, lắm chuyện. Ở xa thì thôi, ghé về khu người mình thì nghe đủ mọi thứ chuyện, không lợi cho thằng tây đen nào mà chỉ thấy bực mình.

Thế nhưng. Bất kể Xuân Hạ đẹp trời hay Thu Đông lạnh tuyết, chiều chiều đi làm về ông phải lái xe vòng qua khu chợ Việt Nam. Nhìn qua nhìn lại hàng quán cửa tiệm bên đường, những bảng hiệu chữ vàng chữ đỏ luộm thuộm. Nhìn những người nhàn du tản bộ hay kẻ vội vàng mua sắm.

Chúa nhật hay thứ bảy thì chắc chắn không thể nào vắng được. Đưa vợ con đi chợ, ông tấp vào một quán cà phê. Chọn một chỗ ngồi cạnh khung cửa kính, nhìn mông lung ra đường, hoặc nhìn người qua kẻ lại. Trong khói thuốc mơ màng, tựa như ông đang ngồi ở nhà hàng Kim Sơn, Thanh Thế… của Saigon xa xưa.

Mở miệng ra là ông chê người Việt mình đủ thứ. Cứ như ông là dân Tây dân Tàu. Nhưng bất cứ ai, người lạ hay quen, bạn bè hay cả con cháu trong nhà, hễ ai có lời nào đụng chạm đến đồng bào đất nước ruột thịt của ông, cứ như không phải của ai khác được, là… bỏ mạng. Bất cần có lý hay không. Nói đùa chơi hay nói thật. Ông đùng đùng nổi máu lôi đình bênh cho bằng được. Không nể nang hay sợ mất lòng mất bề gì cả. Giống như mấy đấng cha mẹ, con mình hư thân mất nết rõ ràng, nhưng chỉ mình mới được mắng nhiếc xỉ vả. Cô chú dì bác có ai mở mìệng chê là sinh chuyện ngay.

Qua Mỹ đã lâu, ông ít chơi thân với ai. Hay nói cho đúng hơn, không ai dám chơi thân với ông.

Nhân ngày giỗ mẹ, vợ chồng ông mời mấy cặp vợ chồng đến ăn uống.

Những người này. Có người là đồng hương cùng làng cùng xóm thường chia sẻ cho nhau những kỷ niệm quanh lũy tre xanh và cây đa đầu làng. Có người là bạn cùng học chung trường chung lớp, thỉnh thoảng vui thú nhắc lại những buổi cùng nhau trốn học đi đánh bậy ở trường bên hay đi tán gái. Có người là bạn đồng ngũ, từng vào sinh ra tử hay từng chia nhau những chén rượu nồng trong những bữa nhậu tưng bừng bạt mạng đời lính…Tất cả đều là bạn bè của một Tư Vấn một thời rất dễ thương và chịu chơi, trước khi bị hội chứng tị nạn tẩu hỏa nhập ma.

Sau mấy lon bia, anh bạn thân cùng học trường tây, nói rằng :

- “Phở Cali bây giờ ngon hơn phở Pasteur Saigon thuở trước rất nhiều.”

Thế là Tư Vấn nổi chứng bất tử, mắng xối xả :

- “Đồ lai căng mất gốc. Phở hay bất cứ thức ăn Việt Nam nào ở Mỹ không thể nào ngon bằng, chứ đừng nói ngon hơn, ở quê nhà. Bên mình ăn gì cũng ngon. Từ đĩa cơm tấm, gói xôi, tô bún riêu… đầu hẻm; cho đến tô phở Hiền Vương, Công Lý, hủ tiếu Thanh Xuân, chả giò Thanh Bạch, bún suông Thanh Thế… cái gì cũng tuyệt vời.”

Ông vừa nói vừa nuốt nước miếng ừng ực, thèm thuồng thật sự.

Ông bạn tức quá không kềm được cãi rằng :

- “Mấy tay nấu phở trứ danh ở Saigon thuở trước thì nay đã qua Mỹ tiếp tục nấu phở. Ở đây, thịt bò xương bò đầy đủ chẳng cần bột ngọt bột nêm; đồ màu gia vị nước mắm hảo hạng, rau húng rau quế rau mùi, giá sống ớt xanh ớt đỏ… không thiếu thứ gì, tô phở tất phải ngon hơn chứ !”

Nói gì thì nói, Tư Vấn không chấp nhận.

Giận quá ông đứng dậy hét lớn :

- “Mày nói cái gì cũng có, nhưng cái không có được là… là… là mùi quê hương”.

Tức quá làm ông nói cà lăm. Còn mùi quê hương là mùi gì thì… bố ai mà biết được !

Thế là đám tiệc thành ra đám cãi lộn. Mọi người đứng dậy rút lui. Vợ Tư Vấn níu kéo không được, theo khách ra tận cầu thang năn nỉ phân trần xin lỗi. Hai ông bạn thân giận nhau đến hai năm. Rồi thì cũng xí xóa bỏ qua vui vẻ cả làng. Nghĩ cho cùng cũng tội nghiệp cho ông. Ông biết lỗi mình nhưng không sửa được. Muốn chữa ông lành bệnh thì cũng không khó, chỉ cần… trục xuất ông về Việt Nam !

Năm nay lại đúng ngày giỗ mẹ.

Cũng từng ấy cặp vợ chồng được mời. Bữa tiệc vui vẻ.

Thức ăn ngon, rượu ngon, trời đẹp, nhà đẹp. Khách, chủ biết ý và giữ ý. Rượu uống tùy sức không ai ép ai. Bi nhiêu thì bi. Không có cái cảnh… Chăm phần chăm. Dô! …Rồi ra !!!. Hay…”Rượu bất khả ép. Ép bất khả từ !”. Không từ rượu ép thì từ vợ bỏ con. Từ bỏ cuộc đời, vì… đụng xe. Xe ở Mỹ chạy vù vù, uống cà phê đậm ngắt, mắt sáng đầu óc tỉnh táo mà còn đụng như điên, huống hồ nửa say nửa tỉnh. Bây giờ mới đúng câu “Một giọt rượu một giọt máu”, như phe ta thường lý sự. Rượu vào thì lời ra.

Chân lý này bên ta, bên Tàu hay bên Mỹ đều đúng. Dân nhậu mà ngồi với nhau thì có trăm thứ chuyện để nói. Thiếu gì người để móc ra chửi, chán gì chuyện để moi ra chê. Thời giờ qua nhanh như chớp. Vợ chờ chồng ở nhà thắc mắc không thể hiểu được. “Ông có đi đâu nữa khai ra ! Nhậu gì mà từ ba giờ chiều đến một hai giờ khuya ?” Đem vợ đi theo cho vui vẻ cả nhà. Mấy bà ngồi nghe các đấng con trời đấu láo trên trời dưới đất phát mệt. Nháy mắt, khều tay níu kéo đòi về. Nhậu cũng mất hứng !

Một ông bạn đồng hương nãy giờ im thin thít bỗng phọt miệng lên tiếng :

- “Tại sao người Việt mình cái gì cũng chia rẽ. Nếu có một hội đoàn thì thế nào cũng đẻ ra hai. Mấy người cũng lập ra một hội, nhưng không lâu chắc chắn sẽ chẻ làm đôi. Chia ra không phải để phân công, phối hợp nhau mà làm. Trước lo cho đồng hương ở đây, bao chuyện khó khăn, tiếng Mỹ tiếng mẽo không rành, luật pháp chằng chịt như thiên la địa võng. Xa hơn, góp tay cho đồng bào trong nước hạ bệ một oan nghiệt lịch sử dành lấy tự do dân chủ.

Họ chia ra để mà chống nhau, chửi nhau. Không chịu tìm ra cái chung để thương nhau gần nhau. Vạch lá tìm sâu, cố moi cho bằng được cái khác để chống nhau, để xa nhau. Như mặt trăng mặt trời. Có đằng ấy thì không có đằng này. Không thể ngồi chung cùng mâm, cùng chiếu được !”

Một bà ngứa miệng chọt một câu :

- “Mặt trăng mặt trời có khi vẫn gặp nhau chứ.”

Ông kia phản pháo :

- “Đúng ! đúng ! Có khi mặt trăng mặt trời gặp nhau. Đó là khi nhật thực, mặt trời đớp mặt trăng; hay là khi nguyệt thực, mặt trăng xơi tái mặt trời; hay là khi toàn thực, trăng trời cắn nhau tưng bừng loạn xạ, đến nỗi thế gian tối mịt. Mặt nào mặt nấy đen thùi lùi !”

Ông nói thêm :

- “Cộng đồng thì đâu có đông đúc gì cho lắm. Ngày tết, ngày Trung thu, ngày Quốc hận, ngày Quốc tổ…đủ thứ ngày để kỷ niệm, để tưởng nhớ. Nhưng lại không muốn nhớ muốn kỷ niệm cùng một lúc, mà phải chia làm hai mới được. Có khi cùng ngày, cùng giờ, địa điểm chỉ cách nhau mấy bước. Tại sao không gom lại làm một, thay phiên nhau mà làm. Cậu làm thì tớ ủng hộ, tớ làm thì cậu góp một tay. Trước là để vong hồn tổ tiên, chiến sĩ, đồng bào tử nạn khỏi đau lòng; đễ cựu lính gặp nhau mừng rỡ, tù cũ thấy mặt vui vẻ hân hoan. Sau là để tránh làm trò cười cho đám trẻ. Thực tế hơn là tránh cho bà con khỏi bận lòng. Bỏ thì thương vương… bực mình, không biết đi bên nào. Chi bằng ở nhà là thượng sách. Những người có lòng, có tâm huyết gắn bó, càng ngày càng chán nản tránh xa. Nghe tới sinh hoạt cộng đồng là rùng mình ớn lạnh.”

Bởi vì ông bạn này chỉ nêu thắc mắc, lời nói lại nhỏ nhẹ lịch sự, nói với tất cả tấm lòng của mình không cay cú bênh ai bỏ ai, nên Tư Vấn không có lý do để nổi nóng. Nhưng cứ động đến người Việt nắm ruột của ông là ông bênh.

Ông lên giọng :

- “Nếu bảo các tổ chức hội đoàn người Việt chia hai là chia rẽ thì thật là nông cạn, không biết gì hết trọi. Chỉ nhìn vào hiện tượng mà không thấy rõ bản chất - Câu này ông học được trong trại cải tạo - Tôi rất lạc quan và tự hào về người Việt hải ngoại chúng ta. Chúng ta là những người dẫu xa quê hương vẫn luôn nhớ nguồn gốc và luôn làm theo truyền thống tổ tiên.”

Mọi người há mồm, chẳng hiểu ông ấy muốn nói gì. Không ăn nhập đâu vào đâu cả.

Tư Vấn biết, cười nhẹ rồi nói tiếp :

- “Có phải tổ tiên ta Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở trăm con không nào ? Hai ông bà chia hai chẵn chòi mỗi bên năm chục.”

Ông đằng hắng lấy giọng :

- “Sâu sắc ở chỗ không phải là năm mươi, gồm hai lăm trai hai lăm gái. Mà, phe ông thì rặt con trai, phe bà thì rặt con gái. Bên âm bên dương khác biệt như đêm và ngày, như mặt trăng mặt trời. Gái theo mẹ lên núi, trai theo cha xuống biển. Cách xa nhau mịt mù.

Mới đây mấy thằng cộng sản mất dạy nó đổi ngược. Đày mấy ông lên núi…cải tạo, đẩy mấy bà xuống biển…vượt biên. Riêng cái tội làm ngược ý tổ tiên này không thôi cũng đủ cho Việt công tiêu tùng.”

Không có ai dám lên tiếng để hỏi Tư Vấn. “Nếu là trai rặt, gái rặt thì ai sinh ra ông bà cố tổ cao tằng để giờ đây ông đứng đó lên lớp và bạn bè ông ngồi nhậu ở đây ???”

Ông say sưa lên bổng xuống trầm như đọc Quốc văn Giáo khoa thư :

- “Bởi theo truyền thống huyền thoại đó, lịch sử ta lấy chia hai làm gốc. Có vua Lê tất có chúa Trịnh. Có chúa Nguyễn phải có Tây Sơn. Có quốc gia thì có cộng sản… Sông Gianh, sông Bến Hải chặt hai đất nước. Tôn giáo chia hai, Phật giáo Ấn Quang, Việt Nam Quốc Tự. Đảng phái chia hai. Đoàn thể chia hai. Người Việt cũng chia hai, người Việt trong nước người Việt hải ngoại. Chia hai, chia hai, chia hai… Người Việt chúng ta ở hải ngoại, mất nước xa quê hương, cái gì cũng chia hai là để gìn giữ cái truyền thống của ông cha chúng ta vậy !”

- “Trời ơi là trời !”

Một ông không nén được, đứng phắt dậy, la lên :

- “Mấy lần toàn dân một lòng đánh đuổi ngoại xâm giữ nước. Mấy triều đại Lê Lý Trần…Vua dân trên dưới một lòng dựng nước thì sao ?”

Tư Vấn phát một câu xanh rờn :

- “Lúc đó không cùng nhau đánh thì..bỏ mẹ, chết cả đám. Nhưng khi nguy biến qua rồi, nhất là khi có tí danh tí lợi, thì tức khắc trở lại truyền thống… chia hai. Triều đình chia làm hai. Phủ bộ cũng chia hai.”

Mọi người tưởng ông ta nói đùa xả óan cho qua chuyện, nhưng thấy mặt ông rất nghiêm trang trịnh trọng, vả lại ông không hay biết nói đùa.

Ông thủng thỉnh nói tiếp :

- “Rành rành trước mắt đó. Cộng sản hô hào, đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết đánh Mỹ. Giờ cắn xé nhau và quay về truyền thống chia hai, phe đổi mới, phe níu cũ. Gần đây nhất, còn nóng hổi là cánh cầm bút nhà ta ở hải ngoại cũng chia làm hai. Gà nhà bôi mặt chặt nhau !”

Ông xuống giọng, thầm thì như chỉ nói với riêng mình :

- “Phước lớn cho nòi giống. Giá thử đẻ ra một trăm lẻ một vị là… xong om ! Có một vị sẽ bị cân đo đong đếm chặt đôi. Rồi thì ông, bà ? Ai chịu phần đầu ? Ai lấy phần đuôi ? Và giờ đây con cháu theo truyền thống đó, không phải chia hai, mà đè cổ nhau ra chặt làm đôi thì… Hú vía !”

Một bà xưa nay chẳng dây dưa gì đến cộng đồng. Bà cấm luôn không cho chồng dính dáng đến hội này đoàn nọ. Lý luận của bà đơn giản và thực tế. Bà nói. Làm cho lắm vào, mười chuyện mà chín chuyện làm tốt chỉ một chuyện không vừa lòng là người ta vin vào đó mà chửi. Người xưa có câu “Giao du nhiều thì dễ mang tiếng thị phi”. Tội đếch gì mang cái bực vào thân. Ở nhà lo vợ lo con là chắc ăn, chẳng ai đụng đến mình.

Bà ít nói, ít khi chen vào chuyện của ai sợ mang vạ. Nay nghe Tư Vấn lý sự cùn, kềm không được vọt miệng :

- “Thế nhiều tổ chức không dừng ở hai mà còn chia bốn, chia tám theo cấp số nhân, thì sao ? Có một trăm cách chống cộng, nên có hàng trăm hội đoàn chống cộng và chống các người khác không chống cộng như mình. Phần sau xem chừng quan trọng hơn phần trước ! Điều này đã khó hiểu. Trường hợp các nhà khoa học trí thức khoa bảng, chuyên gia kỹ thuật hàng đầu, họ cùng hiểu chung Cl là cờlo, ốcxy là O, nitơ là N. Cùng dùng chung hệ thống đo lường, kilôgam, mét… Số lượng họ không nhiều mà cũng có đến năm, sáu hội. Thế… thế họ theo truyền thống nào hở ông ?”

Tư Vấn không hề lúng túng, nghĩa là nắm rất vững lập trường và vấn đề.

Ông dắn từng chữ :

- “Lai…Tàu ! Lai…Tàu ! Lai Tàu !”

- “Cái gì ?”

Mọi người đồng hét lên.

Tư Vấn cười tươi :

- “Tôi nói những người này lai Tàu.”

Thấy bạn bè của mình tối tăm chậm hiểu, ông hét lớn :

- “Họ bị nhiễm nặng dịch lý Trung Hoa… Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh bát quái. Bát quái sinh…???”



Ninh Hạ