PDA

View Full Version : Nhớ Đakao - Tân Định



Longhai
06-18-2016, 03:11 AM
Nhớ Đakao - Tân Định


David Hà


Hồi đó có Cô bạn nhà ở đường Lý Trần Quán, tui hay đạp xe lảng vảng khu vực này nên biết... chứ nhà tui đâu có ở đây, Ai rành xin kể thêm !

Đa Kao có rất nhiều trường Tư thục nổi tiếng như Huỳnh Khương Ninh (Đường Huỳnh Khương Ninh) giờ vẫn còn, Huỳnh thị Ngà (đường Trần Nhật Duật), Les Lauriers sau đổi tên Tân Thịnh (đường Đinh Công Tráng), Văn Hiến, Việt Nam Học Đường (đường Đặng Tất), trên đường Phạm Đăng Hưng bây giờ là Mai Thị Lựu ngày xưa có trường chuyên dạy Anh Ngữ Trần Gia Độ, có lẽ mở cùng thời với trường dạy Anh Văn Ziên Hồng của hai anh em Lê Bá Kông Lê Bá Khanh ở đường Kỳ Đồng.

Xuống dốc cầu Bông trước khi đến Trần Quang Khải có tiệm thịt quay, heo, gà vịt vẫn còn mở đến ngày nay, nhìn xuống sông khoảng thập niên 50s có trại cưa Trần Pháp. Quẹo phải vào đường Trần Quang Khải, phía bên trái có đình thờ với hình ông cọp trên tường và cây da bên trong sân, đối diện xéo một chút là bót TQK và đường hẻm đi vô xóm Vạn Chài, phía ngoài đầu hẻm có trường Tư thục Văn Hiến (hiệu trường là Phan Ngô). Kế đó là rạp Văn Hoa và tiệm cà phê Văn Hoa rất thanh lịch kế bên. Rạp Văn Hoa sang trọng, có máy lạnh và hệ thống âm thanh tối tân, màn ảnh lớn nhưng giá rẻ hơn Eden hay Rex.

Trần Quang Khải quẹo vào Nguyễn huy Tự là chợ Đakao, gần chợ có con đường nhỏ Trương Hán Siêu nơi đây có đền thờ của cụ Phan Chu Trinh, đi thẳng Phan Chu Trinh băng qua Đinh Tiên Hoàng thì gặp bánh cuốn Tây Hồ, thực sự không có gì đặc biệt nhưng giá bình dân, nơi đây có bán dầu cà cuống.

Nối dài Nguyễn Huy Tự là Phạm Đăng Hưng bây giờ là Mạc Thị Lựu, trên đường này có một chùa cổ, chùa Đakao hay là chùa Ngọc Hoàng, Nguyễn Huy Tự quẹo trái sẽ vào đường Bùi Hữu Nghĩa qua cầu Sắt về Bà Chiểu. Quẹo phải sẽ gặp đường Nguyễn văn Giai băng qua Đinh Tiên Hoàng, gần cuối Nguyễn văn Giai là trường Huỳnh Khương Ninh cuối Nguyễn Văn Giai là Phan Liêm, chạy dọc theo nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi (bây giờ là công viên Lê Văn Tám)

Đoạn Đinh Tiên Hoàng giới hạn bởi Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) và Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) có nhà ăn Pháp rất nổi tiếng như Chez Albert, La Cigale và hai quán Café nổi tiếng Hân và Duyên Anh

Trước 75, nếu ai có đến vùng này nhất là đám Sinh viên, Học sinh lớn ngày xưa chắc đã đến thăm thường thạch chè Hiển Khánh, tiệm này nằm sát Casino Đakao, chuyên bán thạch sợi nhỏ trắng với đá bào,chè đậu xanh nấu đặc, chè thạch đựng trong chén nhỏ, nên đôi khi phải gọi hai chén mới đã. Rồi thì bánh xu xê, bánh gai, mùa nóng đi đâu về ghé đây là tuyệt. Chủ người Nam trung niên lịch sự với khách

Qua khỏi Casino Đakao về phía đường Hiền Vương (bây giờ Võ thị Sáu) rồi quẹo phải vào Nguyễn phi Khanh, nơi đây có một quán cơm tấm bì chả nổi tiếng sau có tiệm bán bún than Như Ý, đặc biệt có dầu cà cuống. Chỉ cần nhỏ một hai giọt tinh dầu cũng đủ hương vị Mùi cà cuống khá mạnh nên không được thông dụng. Cà cuống là một trong những nhóm côn trùng có kích thước lớn nhất hiện nay, có cơ thể dẹt, hình lá, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình từ 7-8 cm, có con lên đến 10-12 cm.

Khi còn non cà cuống giống như con gián, mình dài khoảng 7-8cm, rộng 3cm, màu nâu xám, có nhiều vạch đen, đầu nhỏ với hai mắt tròn và to, miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn. Ngực dài bằng 1/3 thân, có 6 chân dài, khỏe. Bụng vàng nhạt có lông mịn, ở phía trên có một bộ cánh mỏng nửa mềm nửa cứng.

Cà cuống có một bộ máy tiêu hóa dài khoảng 45cm, gồm có một ống đầu trên nhỏ là cuống họng, đầu dưới phình to chứa một thứ nước có mùi hôi. Sát ngay bầu chứa nước nầy là hai ngòi nhọn mà con cà cuống có thể thò ra thụt vào được. Ở dưới ngực, ngay gần phía lưng, có hai ống nhỏ gọi là bọng cà cuống. Mỗi bọng dài khoảng 2-3cm, rộng 2-3cm, màu trắng, trong chứa một chất thơm, đó là tinh dầu cà cuống. Nhưng chỉ có con đực mới có tuyến này phát triển.
Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, cho thoảng ra một mùi đặc biệt gần giống như mùi quế.

Nếu ai muốn thử đến tiệm bánh cuốn Tây Hồ trên góc đường Đinh Tiên Hoàng - Huỳnh Khương Ninh. Bánh cuốn nơi đây được làm tại chỗ nên đông khách. Quán Tây Hồ có từ lâu, trước ở trong khuôn viên đền thờ cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh, nên người Đa Kao gọi là Bánh cuốn Tây Hồ.

Cũng đặt tên như vậy, tiệm mì nổi tiếng Cây Nhãn, lấy tên cây nhãn được trồng trong sân rộng dùng làm tiệm mì đối diện với khu trường Tiểu học Đakao.

Phía đầu đường Hiền Vương trước khi đến nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi (nay công viên Lê Văn Tám) Đakao có đền đức thánh Trần. Những dịp Tết hay giỗ ông người ta đổ xô vào lễ, gây trở ngại lưu thông trên đường huyết mạch dẫn vào Ngã Sáu - Công Trường Dân Chủ - Theo các nhà khảo cổ, Công Trường Dân Chủ là vùng Mả Ngụy - Mồ chôn tập thể của những người theo Lê Văn Khôi 1833-1835.

Từ đền Đức Thánh Trần, quẹo trái vào đường Phan Tôn bên hông nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi. Đường Mạc Đĩnh Chi ngày xưa có trạm xe điện.

Xe điện trên đường Mạc Đĩnh Chi, nhìn từ nghĩa trang Mạc đĩnh Chi trên đường Phan Thanh Giản (giờ là Điện biên Phủ)

Trên đường Mạc Đĩnh Chi còn có Hội Việt Mỹ dạy tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12 để lấy Certificate of Effiency in English. Trụ sở Hội Việt Mỹ bây giờ là Mặt Trận Tổ Quốc thành phố HCM.

Song song với đường Mạc Đĩnh Chi có đường Phùng Khắc Khoan có tư gia tòa Đại Sứ Mỹ. Đây là con đường đẹp với nhiều dinh thự, hai bên đường có hàng me to.

Khu Đakao, trên đường Nguyển Bỉnh Khiêm có Thảo Cầm Viên và hai trường trung học nổi tiếng Võ Trường Toản (nam) và Trưng Vương (nữ).

Trên đường Đinh Công Tráng bây giờ nổi tiếng môn bánh xèo, trước có trường tư thục Tân Thịnh (trước nữa là Les Lauriers), tiệm chụp hình nổi tiếng Văn Minh và Duy Hy (không còn nữa).

Xe điện rời ga Đất Hộ (Đakao) chạy dọc theo đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) rồi quẹo vào đường Mạc Đĩnh Chi (rue de Bangkok) ra đường Thống Nhất (Norodom thời Pháp, nay Lê Duẩn) rồi dọc theo Cường Để, Bến Bạch Đằng (nay Tôn Đức Thắng) rồi quẹo vào Hàm Nghi (de la Somme về chợ Bến Thành.

Ngày xưa đường Phan Đình Phùng nằm cuối khu vực Nguyễn Bỉnh Khiêm (kho đạn cũ, sau lưng đài phát thanh Quân Đội ) và kéo dài ra đến đường Lý Thái Tổ (nay Nguyễn đình Chiểu) Số 3 Phan Đình Phùng là đài phát thanh Sài Gòn
Đường Đinh Tiên Hoàng bắt đầu từ đường Hồng Thập Tự có khu Đại học trước là thành lính Pháp rồi thành của Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.

Đường thẳng vào cửa chính là Cường Để (thời Pháp Boulevard Luro, sau 75 là Tôn Đức Thắng, phía trước là đường Norodom - Thống Nhất - sau Lê Duẩn, kiến trúc bên trái sau 1963 xây dựng lại thành Đại Học Dược Khoa, bên trái là Văn khoa, phía sau hai kiến trúc này là Cao Đẳng Nông Lâm Súc có lúc đổi tên là Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp. Nơi đây người ta sẽ tìm thấy sinh hoạt chính trị và văn nghệ sôi nổi của một thời Sinh viên thập niên 60 và đầu thập niên 70, chúng ta sẽ thấy Khánh Ly, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Trịnh Công Sơn và các tay lãnh đạo Tổng hội Sinh Viên Saigon...


David Hà
GNSĐ