PDA

View Full Version : Người đàn ông với biệt danh “quái kiệt cắt may” đất Sài Gòn



TAM73F
06-07-2016, 09:37 AM
Cái tên cúng cơm của ông, nghe cứ như một dân… nhậu thứ thiệt: Hai Ve. Nhưng ông tên thật là Võ Văn Ve, đã 74 tuổi. Ông được người trong giới coi là một tay kéo huyền thoại của đất Sài Gòn.

http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1465292240-copy-of-2ve-.JPG

Ông Hai Ve đang đo thử đồ cho khách đặt bộ complet. Ảnh: Q.Đ

May đồ riêng cho hoàng gia Sihanouk

Khi 14 tuổi Hai Ve bắt đầu phụ việc cho người bà con, ông này thường lấy đồ về ráp cho tiệm Tân Việt. Tân Việt và Adam lúc đó là hai nhà may nổi tiếng nhất Nam Vang (Phnôm Pênh, Campuchia), chuyên may cho các chính khách phương Tây và hoàng gia Sihanouk lúc bấy giờ. Sau một thời gian phụ việc, ông Hai Ve được chủ tiệm nhận vào Tân Việt học nghề. Từ một người học nghề, ông Hai Ve đã được lên cai cắt chính cho tiệm. Sau đó ông Hai Ve đứng ra làm riêng rồi cơ duyên đến với ông khi được hoàng thân Sihanouk mời vào phủ cắt may riêng...

Năm 1970, ông Hai Ve hơn 30 tuổi, hồi hương về Sài Gòn và xin vào nhà may Chua. Chua là nhà may quen thuộc của Tổng thống Ngô Đình Diệm, ngoại trưởng, đại sứ và tướng tá của chế độ Sài Gòn cũ. Trong thời gian ngắn, ông Hai Ve đã được lên làm cai cắt. Cai cắt là người chủ yếu đo và cắt, có thể kiêm luôn người may nếu cần thiết. Khi làm việc tại nhà may Chua, ông Hai Ve thường chỉ cho khách biết lỗi kỹ thuật trên quần áo họ mặc vì thế chủ tiệm may Chua không hài lòng. Nếu khách biết thì sau này sẽ làm khó tiệm may. Ông Hai Ve cũng chỉ làm được 8 tháng cho nhà may Chua. Sau đó ông về Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng), mở tiệm may Hai Ve. Từ đó danh tiếng về một tay kéo huyền thoại một thời nức tiếng trong giới sành điệu Sài Gòn bắt đầu từ đây.

Nói về kỹ thuật may quần, ông Hai Ve hồ hởi cho biết: “Quần cắt đúng trước hết phải lưng cao hơn bụng, căng nhẹ ra hai bên thì lưng quần không bị thụng hay quằn ở giữa mà phải căng như là không cần căng. Nửa sau ống quần phải thấp hơn phía trước khoảng 2cm để che hài hòa gót giày cũng như để lộ phần mặt trước giày. Tay đút vào túi rút ra túi không chạy theo ra ngoài, tay đút vào ly không bẹt. Trải quần ra không cần vuốt thì quần cũng không được chùng ở đường nối dọc hai bên. Ngồi xuống lưng quần không bật ra sau, quần cắt đúng phải được thử cho việc đi lên cầu thang không có cảm giác tức hai đầu gối và mông. Mặc quần vào khép chân lại không được chùng khu vực quanh dây kéo và phía sau phải thấy được dáng mông nhưng không bị bó chặt, không được có nếp nhăn hay bị đùn”.

Do những kỹ thuật khắt khe đặt ra để có được một chiếc quần đúng kiểu Hai Ve mà trước năm 1975 dân sành điệu Sài Gòn từng nói hai câu mà sau này ông rất đỗi tự hào mỗi khi nhắc lại: “Quần Hai Ve ôm mà thoải mái” và “Ra đường nhìn thấy dáng quần là biết quần Hai Ve”.Với lối làm việc có trách nhiệm, ông Hai Ve chuẩn bị cho mỗi khách một bộ forme (khung) số đo riêng biệt, ngoài phần ghi chép trong sổ tay khách hàng, để theo đó mà may chính xác nhất. “Vì vậy đừng lấy làm lạ khi bạn đã vào một nhà may sang trọng nhưng vẫn có cảm giác không vừa ý với bộ comple mà vẫn không biết tại sao, một cách rõ ràng, vì chủ tiệm đã không bao giờ cho bạn biết thợ ráp của họ đã mắc lỗi gì và như thế nào là đẹp”, ông Hai Ve tiết lộ bí mật nghề nghiệp.

Khó tính và… chịu chơi

Trong số khách hàng của ông Hai Ve, có một người không phải nổi tiếng, cũng không phải chính khách, nhưng đáng để được nhắc đến là ông Nho. Ông này kinh doanh nhà hàng ở Pháp, là bạn chủ tiệm may Chua, là một người sành điệu, một quý ông đúng nghĩa. Ông Nho từng mang một bộ comple từ Pháp về và nhờ nhà may Chua may y như vậy. Chua không may được. Theo ông Hai Ve giải thích sở dĩ ở Sài Gòn lúc bấy giờ các nhà may không may được bộ áo đó cho đẹp, là vì họ đều theo “coup” Ý, mà bộ đồ lại là “coup” Pháp. Tuy nhiên ông Hai Ve lại là người may được. Kể từ lần đó, ông Nho biết đến ông Hai Ve và khi ông Hai Ve đứng ra làm riêng ông này đã đặt ông Hai Ve tổng cộng 62 bộ comple khiến ông vẫn nhớ đến giờ.

Ông khách này còn đặc biệt ở chỗ, khi thử đồ ông Hai Ve may, ông không nhìn vào kính hay bộ đồ, mà lại nhìn thẳng vào ông Hai Ve coi ông có… run trước mặt khách không. Thử xong, ông Nho nói: “Tui đi từ Á sang Âu, nhưng phải công nhận, chưa có ai bằng ông”.

Ông Hai Ve làm việc bằng đam mê, ít hưởng thụ hay nghĩ chuyện sống gì khác ngoài nghề may, có khi chỉ vì hứng mà 3 giờ sáng ông bật dậy lôi vải ra cắt, vì hứng mà có khi ông bỏ cắt giữa chừng vì sợ tâm trạng không tốt sẽ cắt xấu cho khách. Mất khách không phải vấn đề ông lo, mà là lòng tự trọng, vì chính ông đã chỉ cho khách biết những gì cần có để một bộ comple được gọi đẹp. Có thể ngoài kia không thiếu nhà may giỏi, nhưng từ nhà may giỏi cho đến một nhà may sống và làm việc bằng lòng tự trọng đối với khách thì chắc không còn mấy.

Ông Hai Ve sẵn sàng hạ giá tiền, thậm chí còn tặng không khách hàng cái quần, chiếc áo khi thấy khách đó hợp ý, đồng điệu với mình. Còn khách hàng ỷ lại sự giàu có, lấy bộ comple do ông cắt may để khoe của, khoe sự sành điệu… ông cũng khẳng khái từ chối. Cái đặc biệt nữa của “tay kéo già” này là, ông không bao giờ may quần áo cho những ai mang vải đến. Cứ đến cái tiệm nhỏ, khiêm tốn nằm trong hẻm của ông trên đường Lý Chính Thắng là được ông tư vấn về vải, cung cấp vải các loại màu, sọc hoặc ca rô… tùy theo dáng vóc, tuổi của khách.

Ông cho biết về cái sự… khó này của mình là, khách hàng mang vải đến, vải đó, chất liệu và màu đó không hợp với khách, khi lên đồ, “nhìn nó không đẹp thì người khác sẽ thắc mắc về người may, từ đó ảnh hưởng đến uy tín của mình”, ông Hai Ve giải thích.

Cách Hai Ve đối với khách, có thể nói gọn trong một câu rằng, người ta có thể xa xứ hay không may comple một thời gian rất dài như 30 năm, nhưng khi cần đến hay mỗi khi quay về thì nơi họ tìm đến là tiệm Hai Ve.

Ông Hai Ve sẵn sàng hạ giá tiền, thậm chí còn tặng không khách hàng cái quần, chiếc áo khi thấy khách đó hợp ý, đồng điệu với mình. Còn khách hàng ỷ lại sự giàu có, lấy bộ comple do ông cắt may để khoe của, khoe sự sành điệu… ông cũng khẳng khái từ chối.

Quốc Định