PDA

View Full Version : Xóm tui



Longhai
05-07-2016, 01:19 AM
Xóm tui


Y Nguyên


Sài Gòn - Gia Định có nhiều địa danh rất đơn giản, mộc mạc, như Xóm Củi, Xóm Chiếu, Xóm Lò Gốm, Xóm Thơm, Xóm Lò Vôi, nhưng hiếm có một xóm có tên của động vật... Xóm Gà.

Tôi cũng không thấy mấy ai viết về những cái xóm này. Tôi không biết ông Cố tôi đến định cư ở đây lúc nào, chỉ biết họ gọi nhà ông tôi là nhà ông Phó, nhà cất theo kiểu Pháp ông mất đi năm 1962 tròn 92 tuổi.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Xóm Gà cho đến khi rời Việt Nam, nên kỷ niệm của tôi về Sài Gòn và Xóm Gà rất thâm sâu, không bao giờ phai nhạt.

Xóm Gà có một diện tích rất nhỏ (khoảng 3 - 4 cây số vuông), bắt đầu từ ngã tư Xóm Gà ( ngã tư Lê Quang Định và Nguyễn văn Đậu, tên xưa ngã tư đường làng 15 và 20) giáp giới với Đông Nhì (Bắc) Cây Thị (Đông) Cây Quéo (Tây) Bình Hòa (Nam)

Xóm Gà, ngày xưa thuộc Bình Hòa Xã, Quận Gò vấp, tỉnh Gia Định, là xã tiếp cận với Quận 1 Saigon chỉ cách nhau qua cầu Bông (trên đường Lê Văn Duyệt bây giờ là Đinh Tiên Hoàng) và cầu Sắt trên đường Bùi Hữu Nghỉa (xưa chỉ dành cho tuyến xe lửa ). Ngày nay thuộc quận Bình Thạnh. phường 11. Ngày xưa có ba ga xe lửa nằm trên đường Lê Quang Định (Bình Hòa, Xóm Gà và Đông Nhì) trên tuyến đường Gò Vấp ra đến Sài Gòn. Tôi nhớ mang máng thấy đường rầy xe lửa và ga nữa. Đối diện với ga Xóm Gà là thành cai tổng Huy hay Qui gì đó kiến trúc đồ sộ, kiểu Pháp xưa (có lẽ trước đó là nhà của cai Tổng, sau bị trưng dụng ?) . Hồi còn nhỏ, trước 1954 tôi thấy người ta bị bắt dẫn vào thành này thẩm vấn, có lúc bị bao cái đầu bằng bao bố chỉ chừa 2 con mắt để chỉ điểm (thời Tây mà !). Sau thành này là đổi thành trường Trung học Tân Phương, cạnh bồn nước (giờ vẫn còn) . Sở dĩ có tên Xóm Gà là vì nơi đây là trường đá gà, chớ không phải nuôi gà nhiều (tôi không thấy ai nuôi gà nhiều ở đây, ông Cố kể lại trước đây , đức tả quân Lê văn Duyệt Tổng Trấn Gia Đinh thành rất thích đá gà, nên Saigon - Gia định có nhiều trường gà.

Đường Nguyển Văn Đậu (trước đây là Ngô Tùng Châu, trước đó đường làng 20 không đèn, những ngày đầu được điện hóa, bà con đi dạo chơi như đi mở hội dưới ánh đèn vàng, không may tôi lại bị xe đạp tung vào, phải vào nằm nhà thương Chợ Rẫy mất một tuần). Đường này ngày xưa có một khu vườn rất lớn, gọi là vườn ông Thinh (của gia đình Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh thời Nam Kỳ tự trị ?), đoạn đường gần ngã tư Xóm Gà cũng nên thơ lắm có hai hàng cây sao ở hai bên đường, hoa sao co hai cánh nâu lúc rơi quay như bông vụ đặc biệt khi có gió thổi nhiều, học trò đi học về, nhặt hoa thẩy tung lên biến thành cả đàn chim cánh nâu tung bay quay tròn đẹp mắt. Tuổi thơ ngây thơ và đẹp quá phải không !. Chính nhờ vẻ nên thơ và sự nhộn nhịp của Xóm Gà nên nơi đây còn là điểm đến, là nơi cư ngụ, lai vãng của những văn nghệ, thi sĩ, nhà báo tên tuổi ngày xưa như Tản Đà, Phan Khôi, Ngô Tất Tố.

Trên đường Ngô Tùng Châu cũng có một đặc điểm thời đó là nhà hàng cây vườn bán thịt dơi, gọi là Quán dơi, theo tôi được biết đây là quán dơi đầu tiên ở SàiGòn - Gia Định, chuyên bán nhiều món thịt dơi, sau đó một thời gian thì đóng cửa...

Ngay ngã tư Xóm Gà trước 75 có “bót” Cảnh sát Nguyễn Văn Gặp và một tiệm mì-hủ tiếu-xíu mại-dầu chao quẩy-bánh bao, điển hình cho những tiệm ăn Tàu ở các ngã tư, ngã năm đông người qua lại thời đó. Thường má tôi sai tôi mang “gà mên” đi mua đem về ăn.

Đường Lê Quang Định, Xóm Gà đi về hướng về ngã tư Bình hòa, có nhà ông Thầy nước lạnh, ngày xưa , người ta đồn rằng nước lạnh được ông làm “phép” trị bá bịnh. Dân chúng có một thời đổ xô tới đây tràn cả ra đường, nhiều khi đến hỗn loạn, ngày nào Cảnh sát cũng phải đến giữ trật tự. Khu đất nhà ông thầy bây giờ là cao ốc cách ngã tư Xóm Gà khoảng hơn 100m, còn mộ của ông nằm trong Hưng Gia Tự ? phía bên kia đường cách đó khoảng 100m.

Lúc nhỏ tôi chẳng hiểu tại sao và ba tôi không bao giờ tin điều ấy, ông Thầy nước lạnh làm chung sở với ba tôi, là một viên lục sự tại Tòa án Sài Gòn nằm trên đường Công Lý.

Ngã tư Bình Hòa trước có quán cơm tấm rất nổi tiếng, giá bình dân, ngon nhất là cơm bì sườn, hoặc cơm với lòng heo phá lấu. Quán của bà chỉ bán từ 5 giờ sáng đến 11-12 giờ trưa là xong. Mì Minh Sanh nổi tiếng vùng này giống như mì Cây Nhãn ở Đakao, nhưng cách nấu khác với mì Cây Nhãn - trong nước lèo không có thịt heo bầm nhỏ, thường tôi và các bạn sau một chầu dạo đêm Honda vòng quanh Sàigòn ghé đây ăn mì và sâm bảo lượng rồi chia tay về trước giới nghiêm 12 giờ đêm. Một điểm đáng chú ý có lẽ nơi đây là nơi xuất phát món bánh mì thịt có bơ đánh hột gà và pate. Xe bán bánh mì này dĩ nhiên rất thành công, mỗi lần ba tôi “thăm” ông hớt tóc - cũng mua bánh mì về cho các con vì tiệm này sát xe bán mì.

Thời đó, ở Xóm Gà, trong số các "đại ca" nổi bật nhất là Ba Giáp (1947). Những tay du côn có tiếng ở vùng Chợ Lớn khi xưa như Tư Mắt, Năm Liễu hay Sáu Thắm, Tư Sơn ở vùng An Nhơn, Gò Vấp, đều bái phục và gọi tôn ông là Lý Nguơn Bá, tức ví ông như một vị Tướng có sức mạnh trong truyện Thuyết thời Đường của Tàu. Cũng theo sách trên, thì Ba Giáp, nguyên quán ở Quảng Bình, nhưng theo gia đình lưu lạc đến vùng Xóm Gà sinh sống bằng nghề dạy võ... Tướng mạo khôi ngô, tính tình thẳng ngay, giỏi võ, nên ông có rất đông môn sinh. Một hôm, tại chùa Ông có lễ lớn, một nhóm du côn ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm kéo đến phá phách. Ba Giáp hay tin, tới phân phải trái, nhưng vừa dứt lời thì bị đối phương xông vào đánh. Kết cục, một mình ông đã đánh hạ hơn chục tên. Kể từ đó, không băng đảng nào dám kéo đến Xóm Gà gây rối. Được nhiều người tôn phục, nhưng Ba Giáp không hề sinh kiêu. Trái lại, sau lần đánh đuổi nhóm du côn trên, ông thường hay suy tư và buồn rầu. Thấy vậy, một số đàn em rủ nhau đến hỏi, thì được ông trả lời rằng : Hiện tại các em thấy anh mạnh mẽ, nhưng rồi anh sẽ lớn tuổi, sức sẽ yếu đi và lúc đó, còn chống cự lại được ai ? Con người ai cũng có một thời thôi, mấy ai được viên mãn trọn đời. Anh muốn rửa tay gác kiếm đi tu để giải hết oan nghiệp...

Ba Giáp còn độc thân, nên việc rời bỏ cõi tục cũng không vướng bận gì nhiều. Ông vào tu tại chùa Sắc Tứ Tập Phước (hiện nay tọa lạc tại đường Phan Văn Trị, Q. Bình Thạnh), được mang pháp danh Thiện Minh. Sau đó ông sang trụ trì chùa Hội Phước, lên tới chức Hòa thượng. Ông đi tu khi mới 25 tuổi (không rõ năm) và viên tịch vào ngày 11 tháng 11 Âm lịch, năm 1947.

Dân Xóm Gà mà Vương Hồng Sển gọi là người Sài Gòn xưa, là nguồn cung cấp sức lao động dồi dào cho Sài Gòn... Xóm Gà trong trí nhớ của người Sài Gòn không phải là khung trời văn nghệ hay vùng đất dữ ngày nay giới Văn nghệ sĩ nhắc đến Xóm Gà với cái tên bình dân, khiêm nhường, bé nhỏ nhưng tràn đầy kỷ niệm thương yêu. Tất cả, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm đẹp của một thời, ngoại trừ cây xăng Bình Hòa vẫn còn đó... như ngậm ngùi yêu thương chốn cũ...


Y Nguyên