PDA

View Full Version : Saigon Xưa



Longhai
04-24-2016, 02:20 AM
Saigon Xưa


Nguyễn Thừa Bình


... Tôi về Việt Nam sau gần hai chục năm xa quê, nói thằng cháu “chở chú tới Trường Chu Văn An” để nhìn ngôi trường xưa. Qua Ngã Sáu Chợ Lớn ngày xưa bây giờ đổi tên đổi họ hết trơn. Ngã Sáu Chợ Lớn bây giờ còn Nguyễn Tri Phương như cũ, Minh Mạng là Ngô Gia Tự và Ðại Tá Trần Hoàng Quân là Nguyễn Chí Thanh. Ngang qua Ðại Học Xá Minh Mạng hồi đó, bây giờ là Ký Túc Xá Ðại Học Y Dược mà năm 1976 có tên là Ký Túc Xá 230 Ngô Gia Tự. Với những anh em Sinh viên thời chúng tôi, ai lại không nghe, không tới Ðại Học Xá Minh Mạng một lần. Tôi thì có chỗ ở nơi dạy kèm mấy đứa nhỏ, hồi đó gọi là “Précepteur”, sau lưng Ciné Văn Hoa dưới Tân Ðịnh, không thì cũng xin vào trỏng rồi. Gần như Thứ Bảy, Chủ Nhật nào, tôi cũng chun đầu vào nơi gió cát nầy, vui với anh em “bạch diện thư sinh” nghèo quá đổi là nghèo ! Trường Chu Văn An bây giờ không còn tên và sao hiu hắt, cô quạnh quá sức. Cửa đóng then cài im ĩm, không một bóng người. Cửa hông bước vào trường ngày trước nằm phía bên phải với Câu Lạc Bộ, nay bị bít kín và trổ cửa khác nằm phía bên trái cổng lớn của trường. Bức tường cao phía trước có kéo những vòng kẽm gai “concertina”, nhìn nhà trường như nhà tù. Ai mà không xúc động, không buồn được tôi khen. Trường tôi vĩ đại, sống động biết mấy ngày nào, sao nay đìu hiu, cô quạnh, Thẳng tới phía trước, bên kia đường không còn cô gái Tàu phụ với ông già bán nước rau má hồi nào. Cô ta có khi đã về Trung Quốc theo “nạn kiều” rồi chăng ? Nhớ năm 1965-1966, xe nước rau má của cô ta thường được bu quanh bởi mấy anh “…thứ ba học trò”, nhất là học trò Chu Văn An. Họ tới để uống nước rau má cho “mát” bụng cũng có mà để nhìn cổ cho “mát” hai con mắt cũng có. Tôi chẳng biết cô ta tên là gì, thường anh em cứ gọi là A Muối và chọc cổ mấy tiếng Tàu học lóm: “nị hữu len”. A Muối cười mủm mỉm, ai cũng muốn hun cái má đỏ hây hây của cổ cho đã. Nói đến A Muối lại nhớ đến anh chàng Bình Mập mê gái mà thấy gái thì run chết cha. Khoái A Muối, cứ bao tôi, Sử uống nước rau má hoài khỏi trả tiền, để cho nó lại gần mà dạn miệng dạn mồm chỉ để nói: “A Muối, nị hữu len”. Nó cũng là thằng khoái làm thơ thua xa thơ con cóc người ta mà cứ thơ với thẩn hoài. Thằng Sử ngán quá, gán cho nó một cái tên kể ra cũng xứng, đó là Ngụy Thi Sĩ và nhại mấy câu thở để đời của nó: “Hôm qua tao đi học. Quen cô gái trên đường. Về nhà nhớ nhớ thương. Hôm sau tao đi học. Không gặp cô gái hôm qua. Chắc cổ ở nhà? Ở nhà với mẹ hay đi với bồ? Tao khổ”.

Quay sau lưng là Nhà Thờ Văn Lang đứng uy nghiêm, lặng lẽ, cô độc như thuở nào trời đất ngày xưa tôi đi học, có khác là bây giờ sơn phết màu đỏ hồng sáng chói, không như hồi đó trắng trắng bạc thếch. Nhà thờ khởi công xây dựng từ năm 1922, đến năm 1928 mới xong. Gọi là Nhà Thờ Văn Lang chắc nhà thờ nằm trong Công Viên Văn Lang? Nhà thờ Văn Lang vì nằm kế Ngã Sáu Chợ Lớn nên người ta cũng gọi là Nhà Thờ Ngã Sáu. Nhà Thờ Ngã Sáu còn có tên khác nữa là Nhà Thờ Jeanne d’Arc. Toàn khu công viên nầy, hồi đó tôi được một chú Chệt thuờng mặc bộ đồ tàu vải lụa đen đi tới đi lui trong công viên cho biết: “đất nầy thời trước là nghĩa địa của Người Huê Kiều, Người Pháp gọi là Plaine des Tombeaux”. Công viên, nhà thờ ở đây, ai học Chu Văn An dù thời xưa hay thời nay, tôi dám cả quyết đều nghĩ như nhau là, sao tiếng ve sầu đánh tiếng buồn quá sức, não nùng quá sức và ngôi nhà thờ quanh năm cô quạnh, thê lương, lạnh lẽo cũng quá sức. Tiếng chuông réo rộn ràng giờ giải lao. Người thì vào Câu Lạc Bộ mới, có bà chủ lúc nào cũng la lối và hai cô con gái nhà ai coi cũng xinh xinh lắm chứ. Tôi có vào đây gần như lúc nào cũng “cho ly đá chanh” và lúc nào hai cô cũng nhìn tôi, cười chím chím rồi nhỏ nhẹ “biết rồi, khổ quá, nói mãi” anh ơi. Người thì tụm lại với nhau trong sân trường, nói chuyện đời lính tráng sắp đến nơi. Người thì ra cổng, quẹo phải tới với cô gái Tàu bán nước rau má. Người thì ra cổng đi thẳng qua bên kia đường, dạo vòng vòng trong Công Viên Văn Lang, chắc tìm “yến sĩ phi lý thuần”, không phải “lạy Chúa, con là người ngoại đạo”? Trong công viên nầy, vào một chiều, chắc là Mùa Xuân năm 1966, có khoảng một chục nữ sinh áo dài trắng, quần dài trắng tự giới thiệu là Học Sinh Trung Học Thủ Thừa, Long An “lên đây bán Ðặc San Trung Học Thủ Thừa cho các anh Chu Văn An”. Bán ở đâu không bán lại bán nhằm chỗ anh hùng tứ chiếng thì “các cô từ chết tới bị thương” mà thôi. Thân gái dặm trường từ một quận nhà quê xa lắc xa lơ mà dám vào hang cọp chốn thị thành Thủ Ðô. Chốn thị thành Thủ Ðô đó lại là tụ điểm của những “Anh Hùng Lương Sơn Bạc” Chu Văn An thì các cô khác chi “hoa lạc giữa rừng gươm”. Các cô chỉ lạng, lách, né, tránh cho khỏi đụng qua đụng lại với các anh mua thì không mua mà nhiệt tình muốn xáp lá cà cũng đủ “mệt đứt hơi” rồi, còn đâu mời mọc bán hàng. Túng thế, các cô Nữ Sinh Trung Học Thủ Thừa “cám ơn các anh” chạy lấy thân muốn chết mà thề không bao giờ bén mảng. Chạy hốt hoảng làm sao, một chiếc guốc của cô nào đó bị tuột ra khỏi chưn mà không dám quay trở lại mang đi.

Niên khóa 1966 - 1967 chúng tôi tham dự Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Ðường đầu tiên do thầy giáo Lê Ðình Ðiểu cũng là cựu học sinh Trường Chu Văn An khởi động. Cứ cuối tuần, một nhóm chúng tôi tụ tập trong Sở Thú, Thị Nghè tập hát, kể chuyện, đối thoại, cắm trại… Nhưng không được mấy lần thì tôi nghỉ luôn và chương trình anh em có còn tiếp tục nữa hay ngưng thì tôi không biết. Có điều, bài hát buổi sinh hoạt đầu tiên là bài hát mới sáng tác của Nhạc Sĩ Phạm Duy, bài Việt Nam, Việt Nam. “Việt Nam, Việt nam nghe từ vào đời. Việt Nam hai câu nói bên vành môi. Việt Nam nước tôi…” nghe sao hay quá, mau thuộc lòng quá và nhớ lâu đến bây giờ. Cũng trong năm nay, nếu trí nhớ tôi còn tốt thì anh bạn Tín người Nam, không phải Tín người Bình Ðịnh có làm Ðặc San Nhóm Lửa cho Lớp Ðệ Nhất C. Nói là đặc san, thật ra hình bìa là tờ giấy trắng có in ngọn lửa đỏ là hiệu đoàn của nhà trường. Những bài viết bên trong chắc khoảng 60 trang giấy đánh máy, quay ronéo, mực đen. Tất cả đóng thành tập. Tôi có một bài dài hơn một trang nói về những kẻ giàu thì hoang phí mà những kẻ nghèo một miếng ăn tìm rất khó. Anh Tín nói : “ông bạn là một Nhà Xã Hội Học”. Nói về tên anh em năm học đó, chắc tôi quên nhiều hơn nhớ: Ý, Bách, Lữ, Tín Nam, Tín Bình Ðịnh, Phát, Thắng, Sử, Nghĩa, Chính… Bách thì tôi gặp lại một lần trong Trường Bộ Binh Thủ Ðức, chắc trong trường hợp giáo chức bị động viên. Ngồi kế bên tôi, Chính là anh chàng người Bắc, cao to, giỏi đàn địch, cứ hát và khen hay hoài bài Ai Nói Với Em của Nhạc Sĩ Minh Kỳ mới ra: “Ai nói với em, nếu anh là lính, không biết nói yêu mỗi khi gần em” và khoái biết chừng nào, ảnh đập tay, giựt chưn đoạn “khi lính đã yêu, rừng tàn núi lở. Tình còn vững bền muôn thuở. Bao la như lòng đại đương”. Phát sau nầy nghe nói vào Khóa I Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị, Ðà Lạt không biết phiêu bạt nơi nào. Phát một lần với tôi lên Ðà Lạt dự Trại Hoa Anh Ðào do Tướng Kỳ tổ chức. Chúng tôi uống Cà Phê Tùng, đi ngựa bờ Hồ Xuân Hương, dự lễ Nhà Thờ Con Gà, đi vòng vòng Khu Chợ Hòa Bình. Lữ và một, hai anh em nữa từ Trường Lasan Tabert qua, có giỏi Tiếng Pháp thiệt nhưng không giỏi các môn khác còn lại, có vẻ ít thân thiện với bạn bè chung quanh. Có phải Tây và Ta không hợp nhau hay mấy ông học Trường Tây là con nhà giàu đâu khoái giao du với bàng dân thiên hạ không “môn đăng hộ đối” với mình? Thắng thường khoe mình trong Ban Nhạc Mây Trắng. Tôi không rành ca, nhạc nên không biết Ban Nhạc Mây Trắng, Mây Hồng gì của Thắng. Thường, chiều Thứ Sáu sau khi Thầy Tự, Giám Thị dãy lầu I đi một vòng kiểm điểm là Thắng dzọt qua cửa sổ đi liền, đi tuốt. Sau thi Tú Tài II, không biết Thắng đậu hay rớt và đi đâu. Sử, anh chàng sún răng, con nhà giàu ở Huỳnh Tịnh Của miệt Tân Ðịnh, chơi tennis ở Tao Ðàn, học cũng học mà chơi cũng chơi. Ðậu Tú Tài II một lần với tôi. Nghe nói, Sử Sún vào Quốc Gia Hành Chánh năm 1967, nhưng không gặp một lần. Ý, nhà trong Cư Xá Ðô Thành, sát Trường Tiểu Học Bàn Cờ, thích cà phê đen với thuốc hút, không mần mò học với hành nhiều. Rớt Tú Tài II, Ý vào Thủ Ðức, không biết tới bể dĩa đã lên tới lon gì hay đã “vị quốc vong thân”? Hồi đi học chung, tôi thỉnh thoảng tới nhà Ý nhiều lần nhưng mấy lần sau không biết tại làm sao, tôi không tìm ra được nhà của Ý, đành xa cách nhau biền biệt từ đó. Chúng tôi là tôi, Thắng, Sử, Ý bốn thằng thường “coupe cours” bằng con đường “chun lỗ chó” vách tường trên đường Triệu Ðà hay hàng rào lưa thưa cuối trường. Thường bốn đứa ra Quán Chú Chệt bên kia Ðường Trần Hoàng Quân, ngay ngã tư hai Ðường Trần Hoàng Quân và Ðường Triệu Ðà. Trốn học vì “học không dzô” như thằng Ý nói. Những giờ Triết của Thầy Trần Ðức An, Thầy Huỳnh Già thì không đứa nào đành bỏ học. Thầy Lương dạy Anh Văn cả bốn đứa cũng ráng ngồi nghe, ngồi học đường hoàng. Giờ Lý Hóa và Toán của Thầy Lâm thì y như rằng, rủ nhau “ra uống cà phê tụi bay”, thằng Sử dụ. Mấy giờ Pháp Văn, Sử Ðịa… thì “khi vui nó đậu, khi buồn nó bay” chưa biết chừng. Ra Quán Chú Chệt để làm gì, thì cũng để cho khuây khỏa mà hút thuốc Bastos Ðỏ, Bastos Xanh với cà phê đen, cà phê đá chớ gì. Tôi, bị tụi nó chửi hoài “nghèo mà sang”, cứ hút Capstan không. Thật ra, mình không “bụi đời” mà chơi nổi mấy loại thuốc đó. Nó vừa khô khốc lại vừa đắng nghét, “ngon chỗ nào”. Cà phê tiệm mấy anh Ba Tàu ở Chợ Lớn thì giống nhau y hệt, nấu trong một túi vải. Người Miền Nam bình dân ta đặt cho nó một cái tên hết sức biểu tượng là “cà phê dợt”, “cà phê dớ”. “Cà phê dợt”, “cà phê dớ” vì nấu trong một cái túi vải thụng thịnh như một cái vợt, như một cái vớ. Cũng cà phê đó, bỏ sữa vào là “cà phê sữa”, bỏ đá vào là “cà phê đá”, không bỏ gì hết là “cà phê đen”. Ngày đó, đường sá còn rộng thênh thang, tôi đi học bằng xe đạp. Chiếc xe đạp “cà tàng”, cà rịch cà tang tôi đạp từ con hẻm Trần Quang Khải, bên hông Ciné Văn Hoa dưới Tân Ðịnh xuống tới Chợ Lớn, xa cũng xa thiệt. Ði học, tôi thường đi qua khúc Ðinh Tiên Hoàng rồi thẳng trước mặt Hiền Vương, qua Công Trường Dân Chủ đến Trần Quốc Toản quẹo trái lên Pétrus Ký mà vào Ngã Bảy rồi quẹo phải trên Ðường Minh Mạng để tới trường. Nghĩ đường sá xa xôi, mình cũng bắt chước bạn bè làm Thẻ Công Quản Xe Buýt Saigon đi cho bớt mệt và tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Nhưng có thẻ rồi, bây giờ ngồi nghĩ lại, không biết mình đã đi một lần nào chưa nhỉ. Xe Bus, đi còn lâu hơn xe đạp. Nó chạy rề rề, ngừng nhiểu trạm, giờ giấc không chắc ăn. Nghĩ vậy, thôi “ta về ta tắm ao ta” chiếc xe đạp cũ bảo đảm hơn. Thà ta đi một vòng có dài mà nghêu ngao được lời ca, tiếng hát thênh thang, thong dong… Huống gì hồi đó đi học bằng xe đạp, tôi lại có một mối tình nho nhỏ với một cô nữ sinh lớp Ðệ Tam của Trường Gia Long. Chúng tôi cùng trong con Hẽm Trần Quang Khải. Cổ, nhà sát Trường Trung Học Tư Thục Văn Hiến. Tôi, nhà ở sâu trong xóm, bên bờ Kinh Cầu Bông. Khi nào gặp nhau, chúng tôi thường kè kè song đôi, chuyện vu vơ, bâng quơ ra Trần Quang Khải, quẹo phải Ðinh Tiên Hoàng, đến Phan Thanh Giản quẹo phải, chạy tới Ðường Bà Huyện Thanh Quan thì cô bé lúc nào cũng như lúc nấy, vừa cười vừa nói “ráng đạp nghen anh” mà vào trường. Tôi thì tiếp tục hết đường nầy cho tới Ngã 7 rồi vào Minh Mạng, đến Ngã 6 Chợ Lớn, lại tiếp Ðường Minh Mạng để tới trường. Thỉnh thoảng chúng tôi nói với nhau “hôm nay có phim hay” mà rủ vô Ciné Văn Hoa, ngồi kế bên nhau coi mà chưa từng đụng tay, đụng chưn với nhau bao giờ. Rồi tôi đi xa như đời lính người trai thời chiến và cô bạn nho nhỏ Gia Long của tôi đi lấy chồng như đời một người con gái thường tình nhi nữ. Người mà tôi cả gan nắm tay và dám hun lên má đầu tiên đời người con trai nhát gái của tôi chính là vợ tôi, không ai khác. Ðâu cũng là một cái duyên, người ta gọi là “duyên tiền định” phải không? Tôi có học Chu Văn An, tôi mới đi dạy kèm mấy đứa nhỏ dưới Tân Ðịnh. Tôi có đi dạy kèm mấy đứa nhỏ dưới Tân Ðịnh, tôi mới gặp cô nữ sinh Ðệ Tứ của Trường Văn Hiến lấy làm vợ. Trường Chu Văn An từ đó còn thêm một ý nghĩa hết sức thi vị cho đời học sinh của tôi khi nhắc tới...



Nguyễn Thừa Bình