PDA

View Full Version : Trận Ban Mê Thuột



Longhai
04-11-2016, 05:58 AM
Trận Ban Mê Thuột


Khiết Nguyễn


Trong số những trận đánh sau cùng của Việt Nam Cộng Hòa thì trận Ban Mê Thuột được chú ý đến nhất và cũng có nhiều người thắc mắc nhất.

Chúng ta chú ý đến trận này nhiều là vì nó đưa đến việc rút khỏi Cao Nguyên, đưa đến nhiều sự kiện khác và rồi chúng ta mất nước. Chúng ta thắc mắc nhiều là vì mãi cho đến nay có nhiều điều vẫn chưa được nói ra một cách trung thực và đầy đủ. Nhân chứng của trận này cho đến giờ này, 2016, còn khá nhiều nhưng những vị này cũng như nhiều vị đã khuất không dám nói hết sự thật, vì sợ gây oán thù, sợ làm buồn lòng thân nhân của những vị đã mất.

Cá nhân chúng tôi, trước khi đưa bài này lên đây, cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, chúng tôi quyết định phải kể ra những gì mà mình được biết vì nhiều lý do. Chúng ta phải tôn trọng sự thật, dù rằng sự thật cay đắng và mất lòng. Chúng tôi phải tôn trọng các nhân chứng, họ kể ra những gì liên quan đến sự thật, tôi phải ghi lại đầy đủ. Sau hết, hiện nay có một số trong chúng ta vẫn còn tìm hiểu về trận này để qua đó, họ có thể tìm được tông tích thân nhân của họ, hoặc biết rằng thân nhân của họ đã chiến đấu như thế nào.

Trong suốt hơn 40 năm qua, hầu hết mọi người, kể cả những tay viết cự phách, vẫn dùng mấy chữ “Tỉnh Ban Mê Thuột” và rồi nhiều người cứ vậy mà dùng theo. Trên thực tế, trong thời gian chúng tôi phục vụ tại Quân Đoàn II, tất cả các văn thư đi và đến đều ghi là Tỉnh Darlac và Tiểu Khu Darlac. Ban Mê Thuột chỉ là Thị xã của Tỉnh này. Vì vậy nên trong bài này chúng tôi dùng địa danh như khi còn tại ngũ, tức là khi mà sự việc xảy ra.

Cao Nguyên Trung Phần có bốn tỉnh là Darlac, Kontum, Pleiku và Quảng Đức. Trong khi Quân Khu 2 có đến 12 tỉnh chưa kể Đặc Khu Cam Ranh thì Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2, lại chỉ chú tâm đến Kontum và Pleiku, vì ông sợ rằng Cộng quân sẽ đánh vào đây giống như năm 1972. Có thể đó là tại vì trước đó Tướng Phú chưa từng chỉ huy tại vùng này bao giờ, trong bất cứ một cương vị nào. Sau đây là phối trí của các đơn vị tại Cao Nguyên, theo lệnh của Tướng Phú.

Tất cả các đơn vị Biệt Động Quân cơ hữu của Quân Khu 2 là Liên Đoàn 21, 22, 23, 24 và 25 đều theo lệnh Tướng Phú mà phòng thủ Kontum. Như vậy, Sư Đoàn 23 Bộ Binh phải chịu trách nhiệm cả ba tỉnh còn lại. Trung Đoàn 44 và Trung Đoàn 45 được đưa về phòng thủ Pleiku. Trung Đoàn 53 do Trung Tá Võ Ân chỉ huy phải chia ra phòng thủ cả Quảng Đức lẫn Darlac. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh thì đóng ở Thị xã Ban Mê Thuột còn Bộ Tư Lệnh Hành Quân thì đóng ở Căn Cứ Hàm Rồng, gần Thị xã Pleiku.

Sau đó, cả ba liên đoàn tổng trừ bị của Biệt Động Quân là Liên Đoàn 4, Liên Đoàn 6 và Liên Đoàn 7 được tăng phái cho Quân Khu 2. Tiếc thay, Tướng Phú lại cho cả ba liên đoàn này tạm dừng quân ở quanh Kontum và Pleiku, như thể ông tin chắc rằng Bắc Việt sẽ tấn công vào đây một cách ồ ạt.

Cùng lúc đó, tức là tháng Hai 1975, chỉ mấy ngày sau Tết Ất Mão, lực lượng chính yếu của địch quân trong vùng này như sau. Sư Đoàn Thép 320 hoạt động ở Kontum, Sư Đoàn F 10 hoạt động ở Pleiku, Sư Đoàn 986 hoạt động tại vùng Tam Biên. Ngoài ra, còn có Trung Đoàn 25 là một đơn vị khá thiện chiến thường trực có mặt phá rối trong hai tỉnh Quảng Đức và Darlac.

Chung quanh Thị xã Ban Mê Thuột toàn những cánh rừng cao-su. Nó hoàn toàn không có chướng ngại thiên nhiên như Kontum và Pleiku. Lực lượng phòng thủ cơ hữu tại đây chỉ có Nghĩa Quân và Địa Phương Quân người Thượng, tinh thần chiến đấu kém mà lại trang bị không được đầy đủ. Như thế, tất cả chỉ trông nhờ vào Trung Đoàn 53 của Sư Đoàn 23 Bộ Binh mà Trung đoàn này thì lại phải chịu trách nhiệm một vùng quá rộng rãi. Lẽ đương nhiên, địch nhận ra điều này và chúng sẽ tấn công Darlac, chỉ có Tướng Phú là không tin rằng điều này sẽ xảy ra. Ngay cả khi mà các toán tình báo ghi nhận được việc địch quân khai thông các trục lộ huyết mạch chuẩn bị đánh Darlac, Tướng Phú vẫn cho rằng đó chỉ là kế nghi binh của địch nhằm mục đích đánh lừa quân ta.

Theo lời Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng Nhì của Quân Khu 2 thì ngay khi Tướng Phú mới nhậm chức Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2 từ Trung Tướng Phạm Văn Toàn vào đầu tháng Chạp 1974, Quân Đoàn II đã biết được việc địch quân chuẩn bị đánh Darlac. Đó là nhờ có hệ thống truyền tin điện tử, Quân Đoàn II đã lần lượt mở được khoá mật mã của Cộng quân và do đó, đọc được các điện văn của địch liên lạc với nhau.

Để đánh Darlac, Cộng quân huy động ba Sư đoàn nói trên cùng với Trung Đoàn 25 và tăng cường thêm Sư Đoàn 3 Sao Vàng từ Bình Định xuống.

Trước hết, Cộng quân cho Sư Đoàn 986 từ Tam Biên kéo xuống vùng phía Tây của quận Thanh An thuộc tỉnh Pleiku để thay thế cho Sư Đoàn F 10. Sư Đoàn F 10 thì kéo xuống phía Tây-nam Thị xã Ban Mê Thuột. Trung úy Trác Ngọc Anh, Sĩ Quan Không Thám của Phòng Nhì Quân Đoàn II đã thuật lại như sau.

Trong một phi vụ không thám vào cuối tháng Giêng 1974, anh phát hiện một đoàn xe cả trăm chiếc đang từ Tam Biên chạy về hướng Nam để xuống Pleiku. Anh liền báo cáo về Bộ Tư Lệnh, và có một sự việc tuy là phụ thuộc nhưng rất đáng chú ý đã xảy ra.

Khi chúng ta đang điện đàm với nhau, các nhân viên Quân báo của Hoa Kỳ có theo dõi. Nghe thấy vậy, họ liền xen vào và nói rằng đó Sư Đoàn 986 đang chuyển quân. Tại sao họ biết rõ như thế mà không thông báo cho chúng ta ngay từ đầu ?

Được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II báo cáo việc chuyển quân này của địch, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngay lập tức điều động các phi đoàn phản lực cơ A-37 ra oanh tạc đoàn xe chở Cộng quân. Cả Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 6 Không Quân đều trực thuộc Quân Khu 2, đã cho hết các phi cơ A-37 của mình tham gia cuộc oanh kính này. Cuộc oanh kích kéo dài từ 9 giờ sáng đến quá trưa mà vẫn chưa hạ được cả đoàn xe này, vì còn một số vẫn di chuyển. Vì thế nên Sư Đoàn I Không Quân phải gửi thêm phi cơ từ Đà Nẵng vào oanh kích, mãi đến 4 giờ chiều mới thôi. Bộ Tổng Tham Mưu đã cho một chiếc C-47 ra chụp không ảnh cảnh này. Nghiên cứu các không ảnh, chúng ta thấy có những tiếng nổ lớn gây ra những cột khói rất cao, xe của địch nằm la liệt.

Trung úy Trác Ngọc Anh được vinh thăng Đại úy nhờ công trạng rất lớn này.

Bị thiệt hại nặng trong vụ oanh kích này, Sư Đoàn 986 mất hẳn khả năng tác chiến. Vì thế nên bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên của địch báo cáo về Hà Nội và xin tăng viện. Lúc bấy giờ, Sư Đoàn 316 là đơn vị gần miền Nam nhất, đang đóng quân ở Nghệ An và Hà Tĩnh, nên được Bắc Việt ra lệnh vào miền Nam. Sư Đoàn 316 vốn chỉ có hai Trung đoàn nên khi vào gần đến nơi đã được tăng cường thêm một Trung đoàn đang ở gần An Khê trong tỉnh Bình Định. Ngay sau đó, Sư Đoàn 316 cắt Quốc Lộ 19 nối liền Pleiku và Bình Định để chặn đường tiếp viện của Sư Đoàn 2 Bộ Binh đồng thời làm nghi binh. Vì đơn vị này quá xa lạ với chiến trường miền Nam nên Bắc Việt tăng cường thêm cho Sư đoàn này Trung Đoàn 95-B để hướng dẫn.

Sư Đoàn F 10 từ Pleiku kéo xuống vùng phía Tây của tỉnh Darlac. Đơn vị này sau đó cắt ngang Quốc Lộ 14 nối liền Ban Mê Thuột và Đức Lập.

Sư Đoàn Thép 320 từ Kontum chuyển xuống phía Bắc của Thị xã Ban Mê Thuột. Đến nơi, nó dừng quân cách Quốc Lộ 14 khoảng 5 cây số về phía Tây để chặn đường quân ta giữa Ban Mê Thuột và Pleiku. Sau đó, nó cho 1 Tiểu đoàn đóng chốt trên đoạn đường giữa Phú Bổn và quận Thuần Mẫn ở phía Đông-bắc Ban Mê Thuột.

Trung Đoàn 25 tiến về vùng Đông-nam Ban Mê Thuột. Nó chặn Quốc Lộ 21 nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Darlac và chiếm giữ khúc đèo Chư Cúc nằm giữa Khánh Dương và Phước An.

Riêng tàn quân của Sư Đoàn 986 thì còn vào khoảng bốn Tiểu đoàn. Tất cả kéo về phía Tây trong tỉnh Pleiku, đánh quấy rối để làm nghi binh, giữ chân hai Trung đoàn của Sư Đoàn 23 Bộ Binh lại đây.

Sau hết, Bắc Việt còn có một đơn vị khác trong vùng này từ lâu. Đó là Sư Đoàn 2 Sao Vàng. Sư đoàn này đã bị quân ta đánh tan tại Kontum trong năm 1972 nên đã bị xóa tên. Tàn quân của nó được sát nhập vào Sư Đoàn 3 Sao Vàng lúc đó trấn đóng trong vùng Bình Định.

Vì mở được mật mã của Cộng quân nên vào gần cuối tháng Giêng 1975, Quân Đoàn II biết đích xác ngày giờ mà Văn Tiến Dũng sẽ từ Bắc vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Ngày Văn Tiến Dũng đi qua phía tây Kontum, Quân Đoàn II đã thả xuống đây một Đại đội Trinh sát để phục kích. Tuy nhiên, vì đường Đông Trường Sơn tại khu vực này có nhiều nhánh nên chúng ta đã không phục kích đúng lộ trình của y, và đoàn xe của y đã chạy thoát.

Nói một cách tóm tắt, việc di chuyển của địch cũng như ý đồ của chúng như thế nào thì chúng ta đã biết rất rõ. Thế nhưng chúng ta đã không có biện pháp kịp thời và thích đáng. Điều này, chỉ vì Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, tân Tư lệnh của Quân Đoàn II và Quân Khu 2.

Đại Tá Phùng Văn Quang, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 45 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh, thuật lại như sau.

Vào đầu tháng Hai 1975, một Tiểu đoàn của Trung Đoàn 45 đang hành quân trên Quốc Lộ 14 gần Thuần Mẫn thì có một cán binh Bắc Việt ra hồi chánh. Anh này tên là Sính, một Thượng sĩ truyền tin. Vì có nhiệm vụ cùng đồng đội đặt đường dây ngang qua đây để nối Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 ở phía Tây với một đơn vị trực thuộc ở Thuần Mẫn nên Sính biết khá nhiều về kế hoạch hành quân. Theo Sính, Sư Đoàn 320 tập trung gần hết ở phía bắc Buôn Hô, chuẩn bị đánh vào Thị xã Ban Mê Thuột. Tin này được gửi ngay về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II.

Thiếu Tướng Phú ra lệnh cho Trung Đoàn 45 cho một Tiểu đoàn hành quân lục soát dọc theo Quốc Lộ 14 từ Darlac về hướng Pleiku để tìm dấu vết địch. Đại Tá Quang tuân lệnh, nhưng đã có một sơ sót. Địch đóng quân cách Quốc lộ đến 5 cây số trong khi đơn vị hành quân chỉ lục soát cách lộ gần 1 cây số, do đó không thấy dấu vết gì.

Vì Sính vẫn quả quyết rằng lời khai của anh là chính xác nên Đại Tá Quang muốn kiểm chứng một lần nữa bằng cách khác. Ông cho Sính cùng ngồi trên trực thăng và bay quan sát khu vực mà Sính nói rằng Cộng quân tập trung. Đến vị trí mà Sính quả quyết rằng Sư Đoàn 320 đặt Bộ tư lệnh, Đại Tá Quang nhìn thấy rõ ràng các trại binh, bằng chứng địch đóng quân. Ông báo ngay về cho Tướng Phú. Mặc dù chính Tướng Phú đã ra lệnh cho Đại Tá Quang tìm dấu vết địch, nhưng khi nhận được báo cáo này, ông đã không hề có một phản ứng nào.

Cũng vào lúc đó, mặc dù đã di chuyển vào Darlac để chuẩn bị đánh chiếm tỉnh này, Sư Đoàn 320 vẫn để lại Kontum một đơn vị truyền tin và hoạt động thường xuyên. Quân Đoàn II bắt được tín hiệu, định vị được và qua nội dung, biết ngay rằng đây là kế nghi binh của địch để đánh lừa ta. Thế nhưng Tướng Phú thì lại tin rằng Sư Đoàn 320 quả thật vẫn ở Kontum, và chuẩn bị đánh Kontum.

Cũng vào đầu tháng Hai 1975, và cũng nhờ phá được khóa mật mã của địch, Phòng Nhì Quân Đoàn II đọc được một điện văn của địch. Điện văn này nói về một buổi họp trước đó, ngày 1 tháng Hai, tổ chức tại một địa điểm phía tây Đức Cơ. Tham dự buổi họp này là Tư lệnh và Bộ tham mưu của Sư Đoàn 320, Sư Đoàn F 10 và Sư Đoàn 986. Họ bàn thảo về việc triển khai Chiến Dịch 275, tức là ám chỉ tháng Hai năm 1975. Người ký điện văn này là Tuấn, một trong những bí danh của Văn Tiến Dũng.

Cũng vào thời gian này, một nữ cán bộ Cộng sản ra hồi chánh tại Darlac. Chị này cho biết rằng Trung Đoàn 25 Cộng quân được lệnh ăn Tết Ất Mão sớm hơn rồi chuyển quân về vùng Khánh Dương. Ngoài ra, một số đơn vị thuộc Sư Đoàn F 10 đã có mặt quanh Đức Lập.

Bên cạnh đó, những toán thợ rừng lấy tin cho Phòng Nhì Quân Đoàn II và Phòng Nhì Tiểu Khu Pleiku đều xác nhận một điều. Đó là địch đang chuyển quân từ phía tây Pleiku xuống Darlac.

Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng Nhì Quân Đoàn II, thì thuật lại thêm như sau. Ngày 25 tháng Chạp năm Ất Mão, tức là trước Tết Nguyên Đán 5 ngày, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu ra Pleiku thăm nhiều đơn vị, ở ngoài đó gần hết cả ngày. Nhân dịp này, Đại Tá Tiếu đã trình bày lên Tổng Thống tất cả kế hoạch của địch quân.

Tuy nhiên, trong một bài báo sau đó thì Đại Tá Tiếu lại viết như sau. Mồng Hai Tết Ất Mão 1975, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu bất ngờ ra Pleiku một lần nữa. Điều khác thường là buổi họp hành quân không được tổ chức tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và thay vào đó, tại Trung Tâm Hành Quân của Sư Đoàn 6 Không Quân trong Phi Trường Cù Hanh. Trong phiên họp này, Đại Tá Tiếu trình bày một lần nữa về kế hoạch Cộng quân chuẩn bị đánh Darlac. Tổng Thống ra lệnh cho Tướng Phú trả hai Trung đoàn thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh về Darlac. Tướng Phú nhận lệnh nhưng không thi hành.

Về việc này, theo các nhân chứng thì Trung Tá Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh thuật lại sự việc chính xác nhất. Sau đây là những gì mà Trung Tá Xuân đã cho biết.

Lúc đó, Trung Đoàn 44 đang đóng tại Căn Cứ 801, cách tỉnh lỵ Pleiku khoảng 20 cây số về hướng Tây-bắc. Ngày 30 Tết, Trung Tá Xuân được lệnh của Quân Đoàn II chuẩn bị đón Tổng Thống đến ăn Tết với đơn vị. Đúng 12 giờ trưa Mồng Một Tết, Tổng Thống đáp trực thăng từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đến Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 44. Tháp tùng Tổng Thống là Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Trung Tướng Trần Văn Trung, và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú.

Tại đây, Trưởng Phòng Nhì của Sư Đoàn 23 Bộ Binh là Trung Tá Điều Ngọc Chuy đã báo cáo tình hình trong vùng trách nhiệm của đơn vị cùng phái đoàn. Trung tá Chuy đặc biệt nhấn mạnh đến lời khai của các tù binh và hồi chánh viên mà theo đó, địch đang chuẩn bị đánh Darlac.

Nghe Trung Tá Chuy trình bày xong, Tổng Thống cúi đầu suy nghĩ khá lâu, rồi quay sang hỏi ý Tướng Phú. Tướng Phú trình bày rằng địch quân cố ý đánh lạc hướng chúng ta qua mấy cán binh trá hàng nói trên. Theo Tướng Phú, Darlac chỉ là diện trong khi Pleiku mới thực sự là điểm. Tướng Phú quả quyết rằng địch sẽ đánh Pleiku vì đây là nơi đặt bản doanh của hầu hết các cơ quan đầu não của Quân Đoàn II và Quân Khu 2.

Một khi đánh chiếm được Pleiku, chúng sẽ kiểm soát được toàn thể Cao Nguyên rồi từ đó tràn xuống duyên hải.

Tổng Thống tỏ ra sáng suốt hơn Tướng Phú. Ông ra lệnh cho Tướng Phú đưa toàn bộ Sư Đoàn 23 Bộ Binh về Darlac. Tổng Thống nói rằng Pleiku địa thế trống trải, bao quanh bởi các đồi trọc, có tầm quan sát rộng và xa, địch không dám mon men bò vào. Cuối cùng, Tổng Thống hứa sẽ tăng cường cho Tướng Phú thêm một liên đoàn Biệt Động Quân, nếu cần.

Tướng Phú đáp lại rằng ông tuân lệnh. Phần Tổng Thống thì vì nghe thuyết trình như thế nên đã không đi Kontum để ăn Tết với các đơn vị Biệt Động Quân như đã dự định mà thay vào đó, xuống ủy lạo các chiến sĩ tại Darlac và Quảng Đức.

Ngày 15 tháng Hai 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã triệu tập một phiên họp tại Bộ Tư Lệnh để kiểm điểm tình hình trong Quân Khu 2. Trong phiên họp này, Đại Tá Trịnh Tiếu đã trình bày thêm về các tài liệu mới nhất mà theo đó, địch quân sẽ tấn công Darlac. Mọi người đều chăm chú nhìn Tướng Phú, chờ ông quyết định, nhưng ông vẫn chần chừ và sau cùng lại quyết định không chuyển quân.

Trong hai ngày kế tiếp, không rõ có ai trình bày thêm với Tướng Phú về tình hình hay không, hay là có lệnh nào từ Sài Gòn đưa ra hay không, nhưng ngày 17 tháng Hai thì Tướng Phú lại triệu tập một phiên họp khác. Trong phiên họp này, Tướng Phú đưa ra kế hoạch chuyển quân về Darlac.

Theo như kế hoạch mà Tướng Phú đưa ra, Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn 23 Bộ Binh sẽ di chuyển bằng đường bộ. Khi đến Đèo Tử Sĩ, Trung Đoàn 45 Bộ Binh sẽ đi theo. Ba ngày sau, một liên đoàn Biệt Động Quân sẽ đến thay thế Trung Đoàn 44 và rồi Trung đoàn này sẽ di chuyển về Darlac.

Về việc chuyển quân này, Đại Tá Tiếu thuật lại rằng Tướng Phú ra lệnh chuyển quân vào ngày 1 tháng Ba 1975. Thấy có sự khác biệt quan trọng như thế, cá nhân tôi đã hỏi hai Sĩ quan thuộc Trung Đoàn 45 thì cả hai anh đều quả quyết rằng có lệnh chuyển quân ban ra vào chiều ngày 17 tháng Hai. Như thế, Đại Tá Trịnh Tiếu đã thuật lại không chính xác.

Đúng 8 giờ sáng ngày 18 tháng Hai 1975, các Quân nhân thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn 23 Bộ Binh tập họp tại Hàm Rồng chuẩn bị chuyển quân. Đến 11 giờ, lại có lệnh từ Tướng Phú huỷ bỏ việc này. Tướng Phú nói với ban tham mưu của ông rằng địch sẽ đánh Pleiku và việc chúng chuyển quân về Darlac chẳng qua chỉ là kế nghi binh. Ngay sau khi Tướng Phú ban ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân, rất nhiều Sĩ quan đã tỏ ra ngạc nhiên trong khi có một số bày tỏ sự phẫn uất, nhất là những người có gia đình tại Ban Mê Thuột.

Ngày 1 tháng Ba 1975, Sư Đoàn 3 Sao Vàng chiếm Đèo Mang Yang và đặt chốt tại đây. Như vậy, Quốc Lộ 19 nối liền Bình Định và Pleiku coi như hết dùng được đồng thời Pleiku bị áp lực mạnh từ phía Đông. Tiếc thay, điều này lại càng làm cho Tướng Phú thêm tin tưởng rằng địch sẽ đánh vào Pleiku. Vì thế, ông xin tăng viện để phòng thủ Pleiku cho thêm vững. Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân được gửi đến đây. Tướng Phú ra lệnh cho Đại Tá Nguyễn Văn Đồng, Tư Lệnh Lữ Đoàn II Kỵ Binh phối hợp với Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân trấn giữ phía đông Pleiku.

Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân được lệnh tái chiếm Mang Yang với sự yểm trợ của Lữ Đoàn II Kỵ Binh. Tuy nhiên, địch quân rất đông, từ trong các hốc đá bắn đại pháo thẳng vào quân ta, cầm chân tại chỗ. Vì thế, việc tái chiếm Mang Yang đã không thành.

Cũng trong ngày 1 tháng Ba 1975, Sư Đoàn 986 đánh chiếm hai căn cứ ở phía tây Thanh An, gây áp lực mạnh lên quận lỵ. Thấy vậy, Tướng Phú càng tin chắc rằng chúng sẽ đánh vào thị xã Pleiku.

Sáng sớm ngày hôm sau, tức 2 tháng Ba, chi nhánh Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ CIA tại Nha Trang đánh điện cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, báo rằng địch quân sẽ đánh Darlac. Ngay sau đó, chi trưởng CIA này đã bay lên Ban Mê Thuột gặp Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlac. Ông này khuyên Đại tá Luật đề phòng cẩn thận.

Ngay sau đó, Tướng Phú ra lệnh một liên đoàn Biệt Động Quân xuống Quảng Đức hành quân thay thế Trung Đoàn 53 để đơn vị này trở về phòng thủ Ban Mê Thuột. Vài tiếng đồng hồ sau đó, Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac báo cáo có thấy một toán Việt Cộng gần Quốc Lộ 21 phía Đông của thị xã Ban Mê Thuột, trong một cánh rừng cao-su.

Ngày 4 tháng Ba, Sư Đoàn 3 Sao Vàng đánh chiếm Bình Khê và Suối Đôi trên Quốc Lộ 19. Trung Đoàn 41 và Trung Đoàn 42 thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh đến tái chiếm nhưng không khai thông được đoạn đường này.

Sang ngày hôm sau, Trung Đoàn 25 Việt Cộng mai phục trên Quốc Lộ 21 giữa Khánh Dương và Phước An. Một đoàn quân xa của ta không biết, chạy đến Đèo Chu Cúc thì bị chúng chận đánh. Đến trưa hôm đó, một đoàn quân xa 14 chiếc của Trung Đoàn 45 chạy trên Quốc Lộ 14, đến gần Thuần Mẫn thì bị một Tiểu đoàn của Sư Đoàn 320 phục kích. Đây là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với quân ta bởi vì trong hai tuần lễ trước đó đoạn đường này tuyệt đối an toàn, ngày nào cũng có trên 50 chiếc quân xa từ Pleiku chạy ngang qua đây đến Ban Mê Thuột, hoặc ngược lại. Được tin này, Tướng Phú ra lệnh Trung Đoàn 53 cho quân đi lục soát nhưng địch đã rút đi hết mà không để lại dấu vết nào.

Ngày 7 tháng Ba, địch quân cắt đứt Quốc Lộ 14 tại Chư Xê, phía bắc Buôn Hô. Cùng ngày, chúng pháo kích vào Phi Trường Cù Hanh và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tại Pleiku. Chúng còn tung ra mấy trận đánh lớn tại Bình Định nhằm mục đích cầm chân Sư Đoàn 22 Bộ Binh của ta tại đây đồng thời đánh lạc hướng quân ta. Quả nhiên, Tướng Phú tin rằng địch sẽ cầm chân Sư Đoàn 22 tại Bình Định để đánh Pleiku. Vì thế nên Tướng Phú đã cùng Đại Tá Tiếu bay trực thăng lên quan sát trận địa tại Tam Quan, Bồng Sơn và Mang Yang.

Cũng vào lúc đó, các tin tức tình báo nói về việc Cộng quân chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột dồn về quá nhiều. Vậy nên Tướng Phú mới nói với Đại Tá Phùng Văn Quang rằng Đại Tá Quang rành địa thế Darlac thì hãy bay về đó xem tình hình ra sao. Đại tá Quang tuân lệnh, bay trực thăng nhiều vòng quanh Buôn Hô thì nhận thấy dấu xe tăng của địch chạy qua nơi này rất nhiều. Đại tá Quang đáp trực thăng xuống, gặp các đơn vị địa phương thì được cho biết như sau. Chỉ mấy tiếng đồng hồ trước đó, các toán quân báo tại đây vào trong rừng có được dân đốn cây báo rằng địch quân di chuyển ngang đó rất nhiều, và bọn chúng là quân chính qui Bắc Việt.

Ngày hôm sau, 8 tháng Ba, Sư Đoàn 320 đánh Thuần Mẫn. Lực lượng ta tại đây chỉ có một Tiểu đoàn Địa Phương Quân nên chống trả không được bao lâu thì địch tràn ngập. Sau đó, chúng đánh chiếm luôn đoạn Quốc Lộ 14 gần đó.

Đến đêm hôm đó, Sư Đoàn F 10 bắt đầu tấn công Đức Lập. Hai căn cứ Núi Lửa và 23 lần lượt rơi vào tay địch quân.

Khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau, 9 tháng Ba, Tướng Phú và một số Sĩ quan tham mưu của Quân Đoàn II bay lên Ban Mê Thuột. Các đơn vị trưởng tại đây liền đến để họp với Tướng Phú. Đó là Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Đại tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó; Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlac; Đại Tá Nguyễn Văn Nghìn, Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Quảng Đức; và Trung tá Võ Ân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53. Tất cả theo dõi một Tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 45 đang giao tranh với Sư Đoàn F 10 của Bắc Việt tại Đức Lập. Sau đó, Tướng Phú cho rằng tình hình tại Đức Lập không thể cứu vãn được nên không cho quân tăng viện, bỏ mặc Tiểu đoàn đó sống chết với địch quân.

Điều đáng ngạc nhiên là cho đến lúc đó, Tướng Phú vẫn còn tin rằng địch đánh chiếm Thuần Mẫn, Buôn Hô và Đức Lập chẳng qua là kế nghi binh, và chúng sẽ đánh chiếm Pleiku chứ không phải Ban Mê Thuột. Vì thế nên nhiều cấp chỉ huy bắt đầu bày tỏ sự bất mãn đối với Tướng Phú. Cuối cùng, họ hối thúc Tướng Phú nên cuối cùng ông chỉ thị cho Đại tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, xin tăng viện cho Darlac. Đại tá Lý gọi về Bộ Tổng Tham Mưu thì được cho phép toàn quyền xử dụng Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân do Trung tá Lê Quý Dậu chỉ huy. Trung tá Dậu trước đó là một trong những Tiểu đoàn trưởng của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân tử thủ An Lộc năm 1972. Liên đoàn này lúc đó đang trấn giữ Kontum, được trực thăng bốc đến thả xuống gần Buôn Hô, cách thị xã Ban Mê Thuột 30 cây số về hướng Bắc. Liên đoàn này có mặt tại đây lúc 4 giờ chiều cùng ngày, sẵn sàng kéo về Ban Mê Thuột bất cứ khi nào địch quân tấn công vào nơi này.

Nhận thấy tình thế nguy ngập, Đại Tá Luật đã cho vợ con ông và vợ con một số viên chức cao cấp của tỉnh Darlac bay về Sài Gòn trên một chiếc phi cơ. Tất cả các giới chức trong tỉnh Darlac đều biết rằng chỉ trong vòng một hoặc hai ngày nữa thì Cộng quân sẽ đánh vào thị xã Ban Mê Thuột.

Thế nhưng họ không có cách nào để đối phó với địch, vì Tướng Phú không tin như thế và không tăng cường quân để phòng thủ.

Trưa ngày 9 tháng Ba, Tướng Phú đáp trực thăng xuống Ban Mê Thuột một lần nữa. Ông nghe báo cáo tình hình rồi chỉ thị cho Đại tá Vũ Thế Quang và Đại tá Nguyễn Trọng Luật phối hợp phòng thủ. Sau đó, Tướng Phú bay về Pleiku.

Đại tá Quang tuy rằng tuân lệnh Tướng Phú nhưng lại không lấy đâu ra quân để phòng thủ. Lúc đó, Ban Mê Thuột chỉ có hai Tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 45. Một Tiểu đoàn thì trấn giữ ngã ba Dak Sak, và một trấn giữ căn cứ B.50 gần Phi Trường Phụng Dực. Yểm trợ hai Tiểu đoàn này là hai chi đội cơ giới và một pháo đội. Các đơn vị cơ hữu chỉ có hai Tiểu đoàn Địa Phương Quân và mấy Trung đội Nghĩa Quân phân tán mỏng để bảo vệ các kho nhiên liệu và đạn dược trong thị xã. Lực lượng bán quân sự cơ hữu là Cảnh Sát Dã Chiến thì bố trí trên các cao ốc, sẵn sàng tác chiến.

Đại tá Quang báo cáo lên Tướng Phú, trình bày hiện tình. Tướng Phú cho phép Đại tá Quang rút hai Tiểu đoàn Địa Phương Quân từ Ban Đôn về thị xã. Tướng Phú cũng hứa sẽ gửi đến một chi đoàn kỵ binh, nhưng không biết từ đâu mà có.

Tối ngày 9 tháng Ba, toàn vùng Đức Lập rơi vào tay Cộng quân. Sư Đoàn F 10 tiến về thị xã Ban Mê Thuột.

Khoảng quá nửa đêm Chúa Nhật, ngày 9 rạng 10 tháng Ba 1975, địch quân pháo kích dữ dội vào thị xã Ban Mê Thuột. Sau đó, với chiến xa dẫn đầu, chúng tiến vào thị xã, từ mọi phía.

Trung Đoàn 174 theo Quốc Lộ 14 hướng Đức Lập tiến vào trước tiên. Sau đó là Trung Đoàn 149 từ phía Nam tiến vào. Trung Đoàn 95-B thì từ Buôn Hô đánh xuống, và Trung Đoàn 148 từ hướng Ban Đôn đánh vào.

Ngay sau khi được tin Cộng quân tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột, Đại tá Phùng Văn Quang đã điện đàm với Tướng Phú. Ông trình bày rằng anh em Quân nhân các cấp trong Trung Đoàn 45 của ông rất nóng lòng vì gia đình của họ đều ở Ban Mê Thuột, họ rất muốn giải cứu Ban Mê Thuột ngay. Tướng Phú lạnh lùng ra lệnh cho Đại tá Quang án binh bất động. Tướng Phú nói rằng nếu Đại tá Quang đem Trung Đoàn 45 đi Ban Mê Thuột, Cộng quân sẽ tràn vào đánh Pleiku.

Tại Ban Mê Thuột, mãi đến 8 giờ sáng thì một đơn vị Cộng quân có chiến xa T-54 yểm trợ mới chiếm được kho đạn Mai Hắc Đế của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Thấy tình hình nguy kịch, Đại tá Luật cho hai Đại đội và một chi đội M-113 ra Ngã Sáu chận đánh địch. Mặc dù quân ta được phi cơ đến yểm trợ, địch vẫn tràn lên và đến 11 giờ thì chúng đánh vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac. Đại tá Luật, thay vì ở lại đây điều động quân sĩ, lại trao quyền chỉ huy cho Tiểu Khu Phó rồi chạy qua Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh với Đại tá Vũ Thế Quang. Đến 3 giờ chiều, Đại tá Quang mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac.

Trong khi đó thì Trung tá Lê Quý Dậu cùng Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân từ Buôn Hô tiến về Ban Mê Thuột. Đến khoảng 5 giờ chiều, Đại tá Quang liên lạc được với Trung tá Dậu. Đại tá Quang chỉ thị Trung tá Dậu cho Tiểu Đoàn 72 Biệt Động Quân tái chiếm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac, và Tiểu Đoàn 96 Biệt Động Quân tái chiếm kho đạn Mai Hắc Đế. Tuy nhiên, sự việc đã diễn ra theo lối khác.

Khi Cộng quân bắt đầu tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột, Đại Tá Quang cấp báo cho Chuẩn Tướng Lê Trung Tường xin viện binh. Tướng Tường xin viện binh từ Tướng Phú nhưng Tướng Phú không quan tâm vì ông còn đang lo việc phòng thủ Pleiku vì ông tin chắc rằng địch đánh Ban Mê Thuột chỉ là kế nghi binh. Sau đó, Trung Tá Lê Quí Dậu tự ý kéo quân về giải cứu Ban Mê Thuột, vì đó chính là nhiệm vụ của Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân khi nhảy xuống Buôn Hô.

Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân tiến vào thị xã Ban Mê Thuột, tạo được mấy chiến công đáng kể, đang tái chiếm một số mục tiêu thì bỗng nhận được một lệnh quái đản từ Tướng Tường. Tướng Tường ra lệnh cho Trung tá Dậu đem hết quân ra sân bay L-19 ngay trong khu phía Bắc thị xã để Tướng Tường cho trực thăng đến đón vợ con ông. Tại đây, Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đã giao tranh dữ dội với địch quân nên trực thăng không thể đáp xuống được. Tướng Tường lại ra lệnh cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân bảo vệ Trung tâm Huấn luyện cách thị xã khoảng 3 cây số. Sau đó, một chiếc M-113 chở vợ con Tướng Tường đến đây và trực thăng đến đón đi. Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân lúc đó mới trở lại với nhiệm vụ ban đầu thì đã quá trễ. Địch quân đã chiếm gần hết Ban Mê Thuột và chận đán Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân khi đang trên đường trở về giải cứu thị xã. Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân quay trở sang hướng khác, định tiến về Phi Trường Phụng Dực nhưng cũng bị địch chận đánh dữ dội.

Đêm 10 tháng Ba, các Chiến sĩ Cảnh Sát Dã Chiến, Nghĩa Quân, Địa Phương Quân quần thảo với địch, tranh từng tấc đất. Địch không thuộc đường sá nên chậm chạp và bị quân ta bắn hạ rất nhiều.

Đến khoảng 7 giờ sáng ngày 11 tháng Ba, Cộng quân tấn công vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Quân ta chống cự rất anh dũng, đẩy lùi tất cả các đợt tấn công của địch. Đến 11 giờ, một phi tuần A-37 đến yểm trợ đã thả bom lạc vào góc hầm Bộ Tư Lệnh khiến hệ thống truyền tin bị hư hỏng hoàn toàn.

Không còn liên lạc được với các đơn vị khác, Đại tá Quang và Đại tá Luật đành bỏ vị trí. Cả hai luồn ra phía sau Chùa Khải Hoàn để chạy sang Căn Cứ B-50. Tuy nhiên, cả hai đã lần lượt bị bắt trong rừng cao-su gần đó.

Địch quân chiếm được thị xã Ban Mê Thuột một cách nhanh chóng, nhưng chúng lại điên đầu tại Căn Cứ B-50. Căn cứ này rất nhỏ nhưng có công sự chiến đấu rất kiên cố. Đây là nơi đặt bộ chỉ huy Trung Đoàn 53 Bộ Binh của Trung tá Võ Ân. Ông đã chỉ huy vỏn vẹn một Tiểu đoàn đẩy lùi tất cả các đợt tấn công có chiến xa của địch trong suốt hơn một tuần lễ. Mãi đến ngày 18 tháng Ba, tức là hai ngày sau khi Quân Đoàn II di tản khỏi Pleiku, Trung tá Võ Ân và các Quân nhân thuộc quyền mới cùng đường rút đi vì hết đạn. Đây là đơn vị chiến đấu anh dũng nhất của trận Ban Mê Thuột. Khi trực thăng của Quân Đoàn II tìm thấy Trung tá Võ Ân, chỉ còn khoảng 20 Quân nhân còn sống sót bên cạnh ông.

Trở lại với Ban Mê Thuột trước đó thì không một ai rõ Tướng Phú nghĩ gì trong suốt thời gian Cộng quân đánh Ban Mê Thuột. Mãi đến sáng ngày 12 tháng Ba, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú đem hai Trung đoàn còn lại của Sư Đoàn 23 Bộ Binh về giải cứu Ban Mê Thuột thì Tướng Phú mới tuân lệnh.

Trong cuộc họp ngay sau đó của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, Tướng Phú đưa ra kế hoạch như sau.

Ngay trong ngày hôm đó, Trung Đoàn 45 sẽ được trực thăng bốc từ Đèo Tử Sĩ và đổ xuống Phước An, phía Đông thị xã Ban Mê Thuột. Đơn vị này sẽ từ đây theo Quốc Lộ 21 tiến về thị xã cho đến khi đụng địch quân thì dừng lại và chờ lệnh.

Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân sẽ được chuyển đến thay thế Trung Đoàn 44 tại Căn Cứ 801. Trung Đoàn 44 sẽ đến Hàm Rồng đợi trực thăng đến bốc xuống Phước An.

Việc chuyển quân của Trung Đoàn 45 không có gì trở ngại, nhưng đến phiên Trung Đoàn 44 thì khác. Một lực lượng hơn 50 chiếc trực thăng đã đến đưa Tiểu Đoàn 3, Đại Đội Trinh Sát và Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn đi. Vừa đến đó thì lại có lệnh ngưng di chuyển. Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 2 vì thế bị bỏ lại Hàm Rồng.

Hai Trung Đoàn 44 và 45 tiến về giải cứu Ban Mê Thuột nhưng bị địch chận đánh khi đã vào đến vòng đai thị xã. Lúc đó, tại Phước An quân ta vẫn đánh nhau ác liệt với Trung Đoàn 25 của Cộng quân.

Đến ngày 16 tháng Ba, các lực lượng còn lại của Sư Đoàn 23 Bộ Binh được lệnh tập trung tại Phước An. Lúc đó, đã có lệnh rút bỏ Cao Nguyên nên lực lượng này được trực thăng bốc về Nha Trang.

Thay lời kết.

Trong suốt thời gian phục vụ tại Pleiku, tôi không hề có cơ hội làm việc chung với Đại úy Trác Ngọc Anh. Khi ông còn là Trung úy, tôi gặp ông qua trung gian một người bạn cũng là một Sĩ quan tình báo. Về mặt nhân cách, khả năng làm việc cũng như tinh thần phục vụ, tôi kính trọng Đại úy Anh hơn cả một số Sĩ quan cấp Tá.

Tháng Ba 1985, Đại úy Trác Ngọc Anh thoát được đến Mã Lai Á. Lúc đó, tôi đang làm Trưởng Ban Hồ Sơ Hoa Kỳ (US Submission Chief) trên đảo Bidong nên chính tôi đã hoàn tất hồ sơ để ông định cư tại Hoa Kỳ. Trong thời gian ngắn ngủi ở đảo Bidong, Đại úy Anh giữ chức Trưởng Phòng An Ninh, làm việc tận tụy cả ngày lẫn đêm.

Người thứ hai tôi rất muốn gặp nhưng lại không có cơ hội là Trung tá Lê Quý Dậu. Tôi cần hỏi ông một số chi tiết về cả Trận An Lộc 1972 lẫn Trận Ban Mê Thuột 1975 nhưng không có dịp. Ông đã qua đời tại Hoa Kỳ, và tôi vẫn nhớ đến ông, Antôn Lê Quí Dậu.

Nói tóm lại thì qua trận Ban Mê Thuột, chúng ta có nhiều điều cần suy nghĩ, nhưng nói ra lúc này chưa tiện, và mong rằng một ngày kia tình hình sáng sủa hơn để chúng ta cùng nhìn lại quá khứ một lần nữa theo tinh thần Ôn Cố Tri Tân



Khiết Nguyễn.