PDA

View Full Version : Trong Lao Tù Cộng Sản



Longhai
04-06-2016, 12:10 AM
Trong Lao Tù Cộng Sản


Lê Hoàng Lương


30 tháng 4 năm 1975: Ngày Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, cũng là ngày mà tên tuổi của ngũ hổ tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú đi vào lịch sử... Ngày mà biết bao anh hùng vô danh thề hy sinh không để rơi vào tay giặc đã hiên ngang đi vào thiên cổ, mang theo hào khí ngút trời của QLVNCH.

Buổi sáng hôm đó, pháo của tôi vẫn nổ vang vùng trời Bến Lức, yểm trợ cho quân bạn ngăn chặn các cánh quân CSBV dần dần xiết chặt vòng vây. Khi viên đạn cuối cùng đã rời khỏi nòng pháo, tôi bảo với các binh sĩ thuộc quyền “ tôi về BCH/Pháo Binh xin tiếp tế đạn nhưng giờ này, chắc đâu còn gì để mà xin ? “.

Lái chiếc xe Jeep chạy quanh một vòng thành phố Sài Gòn trong cơn hấp hối. Vào Phú Lâm các chiến sĩ Mũ Nâu vẫn bình thản. Qua Ðại Học Vạn Hạnh, các chiến sĩ Dù vẫn hiên ngang ở đây. Qua tòa đại sứ Mỹ, một cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt.

Bước vào nhà, trên người tôi vẫn còn nguyên bộ Quân phục tác chiến mà 10 năm qua chưa hề rời nó một lần. Ngay lúc đó, tiếng của Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho QLVNCH buông súng đầu hàng, ngày tàn cuộc chiến :

“Những chiến thắng lẫy lừng trong Quân sử,
sao lại là kẻ chiến bại hôm nay ?
cơn gió nào làm buốt giá vai gầy ?
giọt lệ nào cho nổi sầu vong quốc ! “.

Những gì sẽ xảy ra cho đoàn quân bại trận ? Buổi cơm trước khi đi trình diện của gia đình tôi, thiếu vắng vợ con vì nàng đã ẳm con thơ về Phan Thiết trình diện nhiệm sở cũ là trường Trung Học Phan Bội Châu. Ba tôi trầm ngâm không nói gì, hai em còn nhỏ dại, chỉ có má tôi là căn dặn đủ thứ “Con cố nhẩn nhục để trở về với vợ con“. Bà bỏ hết vật này tới vật khác vào xách tay của tôi, từ chai dầu, viên thuốc chống sốt rét đến gói muối mè đậu phộng.

Tôi không ngờ buổi chia tay hôm đó, đến 18 năm sau tôi mới gặp lại ba má và 2 con. Tôi và ngôi nhà mà nơi đó vang lên tiếng cười khóc của anh em chúng tôi, một đi không trở lại. Ba tôi là một thương gia nên bị ghép tội “tư sản“, vì vậy nhà cửa, xe cộ đều bị đảng tịch biên và bắt đi vùng kinh tế mới. Lúc đó chỉ còn con đường duy nhất để sống còn là phải “ vươt biển“. May mắn thay sau những ngày lênh đênh trên đại dương, cả gia đình tôi được tàu Anh Quốc vớt.

Tôi khăn gói đến trình diện tại trường Marie Currie sao mà vắng lặng thế này ? Chỉ có 2 bộ đội đứng gát cổng. THế nhưng bước vào bên trong thấy cả một đoàn người đang ngồi ngay ngắn dưới đất, xếp hàng thành 10 người: Ngồi đầu là tổ trưởng, ngồi chót là tổ phó. Xếp đủ ba hàng thành một đội, mới đủ tiêu chuẩn bước vào lớp học, trên bảng đen ghi “Thực đơn hôm nay gồm có... do nhà hàng Ðồng Khánh thực hiện“. Ðến 8 giờ tối, họ tập hợp chúng tôi lại, cứ 30 người cho lên xe Molotova phủ mui phủ bít bùng, có một bộ đội ôm súng AK ngồi phía sau canh giữ và cứ thế mà chạy.

Chúng tôi đoán là xe chạy xa lắm vì mãi tới 6 giờ sáng hôm sau, xe mới ngừng lại. Xuống xe mới biết đó là thành ông Năm (Hóc Môn). Chúng tôi được ở trong những dãy nhà tôle dơ dáy, nhiều chổ không còn nóc. Mỗi người được lãnh một chiếc chiếu, chia nhau đi làm vệ sinh, đào hố xí, trải chiếu nằm dưới đất như cá họp. Họ phát cho gạo, cá, rau muống... cho chúng tôi tự lo liệu. Ôi cái thuở ban đầu... chẳng có ai biết nấu cơm, chảo thì lớn lại không có nắp, làm sao cơm chín được ? Nên những ngày đầu ăn toàn cơm sống nhưng không quan tâm mấy vì ai cũng có mang theo lương thực dự trữ. Sau đó tất cả đi vào nề nếp vì có một số anh em tình nguyện làm “hỏa đầu quân“. Chúng tôi quanh quẩn ở đây cuốc đất trồng rau, đào giếng... và học tập.

Thấm thoát đã một năm trôi qua nhưng tôi không biết một chút gì về thế giới bên ngoài. Mùa Xuân đầu tiên đến mang theo không khí lạnh. Một chiếc mền mõng không đủ ấm nhưng cái lạnh bên ngoài có thấm gì so với cái lạnh bên trong. Nhiều người trong chúng tôi bắt đầu chống gậy. Chúng cho thân nhân gửi tiền và quà. Tiền VNCH không còn xài nữa. Chúng tôi tiếp tục học 10 bài, cán bộ giảng dạy trình độ tầm thường không có gì xuất sắc, ngoài sự khoất lát mồm miệng quá đáng, để ca ngợi “chiến thắng“ của bọn chúng, nào là “Quân đội ta chiến đấu đầy sáng tạo, phi công của ta lái máy bay lên mây phục kích, khi thấy máy bay địch xuất hiện, ta quay 180 độ đuổi theo và tiêu diệt...”

Thêm một bài học khác, làm cho mọi người dở cười dở khóc, đại ý “Để nhớ ơn bác, đồng bào miền Nam đã gửi tặng nhiều cây cảnh như cây ‘kiến uôn‘“ .

- Cây ‘kiến uôn‘ là cây gì ?

Chúng tôi phải mất cả hai ngày để thảo luận, cuối cùng không ai biết cây đó là cây gì. Nhưng cũng có anh phát biểu "Tôi biết cây kiến ôm là loại cây mọc ở Tây Nguyên, chỉ có một là, còn thân lớn tới 2 người ôm“.

- Thật đơn giản đó là cây ‘kiểng uốn‘.

Ở đây chúng tôi đã gặp lại những bạn cũ, bạn từ thuở còn cắp sách đến trường, thuở đèo nhau trên chiếc Velo-solex, đến trường Trưng Vương, Gia Long tìm những bông hồng. Chúng tôi cũng đã gặp lại các chiến hữu suốt 10 năm chung màu cờ sắc áo, cùng nhau chiến đấu tuyệt vời cho miền Nam một thuở thanh bình. Là kẻ chiến bại trước một đối thủ không đáng thắng nhưng chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn nhau trong uất hận tủi buồn.

Sau một thời gian ở thành ông Năm, tôi được chuyển xuống trại tù quân Long Giao, chỉ một thời gian thật ngắn nhưng lại có một niềm vui nho nhỏ là tù nhân chúng tội được viết thư về thăm gia đình. Mọi người ngầm bảo nhau, bỏ đất đỏ vào bao thơ, ngụ ý báo cho người biết là chúng tôi đang bị nhốt ở Long Khánh. Có người còn viết “ anh đã may được chiếc áo 18 mảnh vải với ý báo tin là chúng tôi đang ở vùng đất của SÐ18BB. Ðương nhiên những thư này không thể nào đến tay gia đình được..

Sau đó chúng tập anh em lại xài xễ “Các anh đã bêu xấu ‘Cách mạng‘ để cho thiếu thốn không đủ áo mặc, đến nổi phải mặc áo vá 18 mảnh". Vâng CSBV không để chúng tôi thiếu thốn mà chỉ mong chúng tôi chết dần mòn theo năm tháng tù tội mà thôi.

Từ Long Giao chúng tôi lại được chuyển về trại Suối Máu (Biên Hòa). Trại chia thành năm K, tôi ở K3 gồm 4 dãy nhà tôle (chứa chừng 100 người), 1 nhà bếp, 1 hội trường. Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, chúng tôi sống ngột ngạt trong sự câm nín chờ đợi, ngoài việc đi gở các loại mìn bẩy còn sót quanh trai, giờ ăn, làm các công tác linh tinh. Số thời gian còn lại bị nhốt kín trong các K.

Thương thay những bà mẹ, bà vợ. Họ ngồi rãi rác trên đường chúng tôi đi với chuối, bánh, kẹo...” đói lắm hởi các con, ăn đi“. Chúng tôi ngậm ngùi lặng lẽ bươc qua, không ai dám đụng đến.. Rồi một tết nữa lại đến với chúng tôi cùng quây quần trong láng, để chia xẽ với nhau nổi đau đời tù. Ðây cũng là lần đầu tiên, tôi và một số anh em có tên “thăm nuôi “.Chúng dắt anh em tôi vào một căn phòng, lục soát rất kỷ trước khi cho gặp mặt thân nhân.

Bước chân vào phòng thăm nuôi, âm thanh vang dội như ngày hội, tiếng reo vui, tiếng nức nở nghẹn ngào voí khóe mắt đầy ngấn lệ nhớ thương, của những người mẹ, người cha, người vợ , mang tâm trạng ngày xum họp, dù chỉ những giây phút thật ngắn ngủi. Mẹ tôi mang vào một bình cà phê lớn, trong lúc trò chuyện tôi đã cạn hết, cùng với 8 viên chè xôi nước, qua sự nài ép đầy tình thương của mẹ.

Bao điều muốn nói mà chưa thổ lộ hết thì tiếng kẻng báo hiệu giờ thăm nuôi đã chấm dứt. Tôi như ngây dại nhìn con thơ vừa mới chập chững biết đi, rồi ôm vội chúng vào lòng với đôi dòng nước mắt “Hãy ngoan với mẹ, đợi bố về !“. Phải cố gắng lắm, tôi mới đứng dậy nổi, xách cái giỏ thức ăn nặng, chân bước trên con dốc cao mà còn nhìn lại hình bóng của ba má, vợ con.. khuất dần dưới ánh chiều tà.

Sau đó chúng tôi lại được thăm nuôi một lần nữa. Kỳ này chúng rất khe khắt chứ không làm bộ màu mè đóng kịch như lúc đầu. Lần này mỗi người chỉ được giới hạn 3 kg, ba cởi chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Longine cho, tôi mĩm cười “Ở đây con đâu cần thời gian“.

Ba tôi trầm ngâm bảo “Cha bị ghép vào tội ‘tư sản‘ nên không còn gì để cho con, ngoài món này. Hãy nhận coi như món quà cuối cùng của ba cho con“. Chẳng những thế, ba và vợ tôi còn nhét vào túi tôi cả ngàn đồng và mấy chiếc nhẫn, họ đâu biết trại chỉ cho nhận 20 $. Cũng may chúng khám xét nhưng không tìm được số tiền trên được tôi cất dấu rất kỷ.

Rồi thì tin đồn đi Bắc cũng thành sự thật. Anh em chung láng với tội, được ăn cơm chiều trước 5 giò để đợi lệnh. Ðến giờ ấn định, chúng tôi bị gom lại để lên đuờng, giả từ những ngày tù tội tại trại Suối Máu, tiếp tục kiếp lưu đày nơi núi rừng biên giới Hoa Việt.

Xe chở chúng tôi tới Tân Cảng, xuống tàu ra Bắc. Khoang tàu nhỏ nhưng chứa tới 100 người xếp như cá hộp, ăn uống, đại-tuểu tiện tại chỗ. Tàu lênh đênh trên biển suốt 3 ngày đêm thì cập bến Hải Phòng. Rời tàu, đoàn tù từ miền Nam tới, được công và chó, áp tải ngay lên những toa xe lửa chở than đá bịt bùng ngộp thở. Tàu vừa chuyển bánh thì đã có người chết vì không chịu nổi.. Trời tối đen như mực, đoàn tàu vẫn tiếp tục cuộc hành trình nhưng chúng tôi không biết sẽ đi về đâu. 10 giờ sáng hôm sau, đoàn tàu hỏa ngừng lại giữa rừng và ở đây công an bàn giao chúng tôi cho bộ đội. Nắng đã lên cao, đoàn tù đói rách của miền Nam, thất thiểu đi qua khu rừng đến xóm nhà dân, nước tiếp tế được đựng trong những thùng phuy lớn để dọc hai bên lề đường. CSBV tập trung đàn bà trẻ con ném đá và chưỏi bới chúng tôi “Đồ bán nước”.

Giữa cái nắng nghiệt ngã của miền Bắc, sự đói khát và nhục nhã, khiến cho nhiều người như không còn sợ gì đã nói to như thét “Nước không có mà uống, thì lấy đâu mà bán?!“. Ðoàn tù mắt ứa nghẹn ngào, âm thầm tiếp tục bước đi giữa cái nắng như thiêu đốt, qua phà bắt ngang sông Hồng. Ở đó đã có sẵn một đoàn xe Molotova. Chúng tôi cứ một đợt 30 người lên xe và bắt đầu chuyển bánh đến vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn ở thương du Bắc Việt, sát biên giới Hoa Việt. Nhà tù đầu tiên chúng tôi tới là trại 5.

Ðược nghĩ ngơi một ngày, kế tiếp chuổi thời gian đầy gian khổ, không làm sao kể xiết. Trại 5 tương đối còn dễ thở, chỉ tiêu mỗi người mỗi ngày chặt 6 cây dan. Chúng tôi còn chặt cây đốt rừng để trồng khoai mì. Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, từ trại 5, đợt chuyển trại đầu tiên gồm các Tuyên uý tôn giáo (Phật, Thiên Chúa, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tin Lành), ANQÐ, CTCT qua trại do Công an quản lý. Riêng các đơn vị tác chiến vẫn thuộc quyền Quân đội.

Sau đó trại 5 giải tán, chúng tôi được chuyển về trại 3. Tôi được bổ sung vào đội của Bùi Ðình Thi và nằm cạnh hắn. Thi về trại Thanh Cẩm (Thanh Hóa) làm trật tự, đã gây ra nhiều cái chết cho đồng đội trong đó có một Dân biểu, một Thiếu tá. Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cũng bị đánh đập và tra tấn gần chết vì các vị này trốn trại.

Một thời gian ngắn ở trại 3, chúng tôi lại được thanh lọc một lần nữa, một số do giao cho Công an, số còn lại vẫn thuộc Quân đội quản lý, tôi được chuyển sang trại “ Ðói “.Một chữ “ đói “ đã nói lên tất cả, từ chỉ tiêu dành cho một tù nhân, với một con dao cùn và vài củ khoai, mà phải mang đủ về trại 30 cây nứa (dài 6m) hay một cây gổ to cở một người ôm dài 2m. Ai không dạt mức ấn định trên, ngày chủ nhật phải đi làm để bù cho đủ số.

Chỉ có một con dao cùn, chúng tôi chặt hết đồi này đến núi nọ, đợi cho lá khô trở lại đốt và nhặt những cây nhỏ sót lại đem về làm củi. Sau đó đánh gốc cây, làm sạch cỏ đất rồi giao cho nông trường trồng trà. Trưởng trại này là một tên Cộng sản sắt máu, hắn luôn tìm đủ mọi cách trả thù chúng tôi một cách hèn hạ, không còn tính người.

“Anh nào nói ‘đói‘ không cải tạo được, đưa tay lên ?“. Rồi không đợi trả lời, hắn cởi hết hàng nút áo, để lộ bộ ngực với lằn ngang vết dọc và bảo “Ðây là kết quả của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ “. À ra thế !

Cũng cần nói thêm, trại này được xây dựng trên một vùng đất cằn cỗi không thể trồng được bất cứ một thứ gì kể cả khoai mì. Chúng tôi phải đi bộ sang một làng khác rất xa để mua. Sáng sớm đi chiều tối mới về, mỗi người phải đào và vác về 20 kg. Lúc đó tôi chỉ còn cân nặng 37kg, đi còn không nổi thì làm sao vác mỗi ngày 30 cây nứa ? Chính trong bước tuyệt lộ này, trời cao đã cho tôi nhiều may mắn, nhờ những con đom đóm trong đêm tối soi lối, giúp tôi vượt qua cơn nguy khốn.

Lần đầu tiên được lệnh đi lãnh khoai mì, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ðây là khu kinh tế mới của đồng bào miền Bắc, bị Cộng sản đày ải lên núi rừng từ năm 1954, nên họ không có thái độ ác cảm với chúng tôi. Lúc đó tôi đang đứng trước cổng một căn nhà, thì ông bà chủ đưa tay ngoắt tôi vào và đẩy vào phòng đóng cửa lại, sau khi thốt lên hai tiếng “ ăn đi“. Căn phòng lờ mờ ánh sáng, một đĩa khoai mì luộc còn đang bốc khói hiện ra trước mắt tôi. “ Ăn “ nhưng lòng hồi họp lo sợ tên Bộ đội theo canh giữ tù nhân biết về trại báo cáo thì khổ thân. Cao quí thay cho tấm lòng lương thiện của đồng bào cùng chung cảnh ngộ.

Ðể đáp lại lòng tốt của họ, lần kế tiếp được lệnh đi lãnh lương thực, tôi mang theo một chiếc quần Jean biếu cho họ. Vì lệnh trại cấm tù nhân tiếp xúc với dân chúng, nên tôi chỉ nói ngắn gọn “ biếu ông bà “ rồi lẻn vào đám đông lo làm nhiệm vụ. Ðến giờ về, bà chủ nhà mĩm cười và chỉ vào gốc cây đã để sẳn ‘ một ký đường, 1 gói xôi ‘. Cứ như thế, quần áo tôi lần lượt ra đi, chỉ còn lại vài chỉ vàng mà vợ tôi đã đưa cho trong lần thăm nuôi cuối cùng tại Suối Máu. Tôi đã khâu nó vào bâu lai quần và luôn giữ nó bên mình.

Tôi lấy một chiếc trao cho bà chủ mà không đòi hỏi gì nhưng bà đã tính toán thật sòng phẳng, với những trao đổi tương xứng với giá 1 chỉ vàng như thịt gà, xôi, cơm, đường... Tôi cũng gặp may trong những năm tháng vật lộn với chỉ tiêu, lang thang trong rừng chặt nứa, có lần tôi bắt gặp gà rừng đang mắc kẹt giữa lùm gai mây, có lúc đang đói khát thì gặp trứng gà hay dẫn trâu đi cày ruộng lại bắt gặp những quả trứng vịt nước.

Tôi là người tù duy nhất ở trại này nhận được quà gửi từ Pháp dù rất ít ỏi. Số là vợ tôi nóng lòng vì thời gian này việc gửi quà và thăm nuôi chưa có, nên viết thư cho ba má tôi ở Pháp xin gửi quà cho tôi. Vì vậy ông bà đã gửi cho tôi 15 gói,mỗi gói nữa ký nhưng đến tay tôi được ba gói (gói thứ nhất chỉ 1 chiếc giày, gói thứ 2 hộp bơ Pháp và gói thứ ba cây thuốc 555). Tuy vậy cũng đã mang đến cho tôi một niềm vui nho nhỏ làm tăng thêm sinh lực trong chốn tù đày.

Chúng tôi sống trong cảnh khẩu phần ăn vốn đã ít ỏi nay lại bị cắt xén thêm. Những ngày lễ trại cũng giết trâu nhưng lấy hết thịt, chỉ để lại xương và da, nhà bếp nấu thật nhừ và phát cho tù mỗi người một miếng bằng ngón tay cái. Bộ Nội Vụ Cộng Sản cũng cử cán bộ cao cấp tới trại để có dịp “giả ơn giả nghĩa“ nhưng đã bị lộ tẩy ngay khi có người lên tiếng “Báo cáo cán bộ tôi xin đi ngoài“. Tiếng nói của người tù chưa dứt, thì đã bị đánh túi bụi, kèm theo sự thóa mạ cục mịch “Bố láo ! trước mặt ông mà dám hổn thế“. Chúng tôi không ai dám buớc ra ngoài và đã thủ sẳn mỗi người một ống nứa để sử dụng khi cần.

Ngày tháng vẫn tiếp tục trôi qua, tôi làm bạn với núi rừng và may mắn được chuyển từ trại “ 2 đói “ sang “ trại 2 no “ như tên gọi của nó, vì trại này bạt ngàn khoai mì, còn xung quanh trại thì không thiếu bầu bí, rau muống... Nhờ vậy chúng tôi có phần dễ thở hơn. Một hôm tôi được gọi lên văn phòng trại làm việc. Cán bộ hỏi :

- Anh đã tham dự bao nhiêu trận đánh ?

- Tôi không nhớ rõ.

- Anh là dân Pháo binh à ? Cứ mỗi quả đạn bắn đi là một trận đánh !

- Ngày nào tôi cũng bắn, Cán bộ tính hộ tôi.

- Tôi ghi Anh 100 trận nhé !

Hắn lại hỏi thêm tôi câu thứ hai :

- Anh cưới vợ năm nào ?

- Năm 1973

- Sao trễ thế ?

Tôi trả lời tự nhiên “Thưa Cán bộ, lo đánh giặc quá“. Hắn xài xễ tôi một trận “ Ðến giờ phút này mà anh vẫn xem chúng tôi là giặc, thế thì đến bao giờ anh mới học tập tốt, đến bao giờ anh mới cải tạo được ? “ .

Năm 1979 chiến tranh Việt Trung bùng nổ, quân Tàu đỏ tràn ngập các tỉnh biên giới nên CSBV chuyển hết các trại tù quân về miền xuôi. Quân đội cũng bàn giao ‘tù‘ cho Công an. Chúng tôi từ Trại “Hai No“ được đưa tới Trại Thanh Cẩm (Thanh Hoá). Trại này rất kiên cố, nằm cạnh bờ sông Mã. Lúc đầu tại chỉ giam các tù nhân chính trị Miền Nam. Ðây là một trạ tù đúng nghĩa nên được tổ chức rất quy mô gồm đủ các đội như rau xanh, đặp đá, cưa xẽ, trồng khoai mì.. Tôi được xếp vào đội đào khoai, mỗi đội có một cán bộ quản giáo trông coi. Mỗi khi đi lao động có cán bộ quản chế đi theo canh tù.

Hè năm 1980 bắt đầu cho gửi quà và thăm nuôi nêm vợ tôi ra thăm tôi. Khi nàng rời khỏi trại, giọt lệ chia tay đã thắm ứơt đất Thanh Cẩm “ mỗi bước chân từng giọt lệ lăn dài, mang thương nhớ trải dài đường đất đỏ “. Ðường khúc khủy nhưng lòng này càng uốn khúc biết đến bao giờ mới gặp lại nhau đây, mang buồn đau về lại xứ Phan Thành, gửi thương nhớ theo từng cành cây ngọn cỏ “em đã đến đây núi rừng Việt Bắc, ngàn năm sau còn mãi dấu chân em, trao cho nhau những giây phút êm đềm, trong cay đắng trong nghìn trùng xa cách“.

Ở đây chúng tôi cũng có những ngày nghỉ ngơi, chúng phát cho anh em một tập giấy, vài điếu thuốc, rồi bắt kê khai lại lý lịch “ba đời“ từ lúc học lớp nhì cho tới ngày “tự đút đầu vào tù“ , qua cái được gọi là “trình diện học tập cải tạo“, đại để như lúc anh hoc lớp nhì cho đến hết bậc trung học đại học. Khi vào lính, tốt nghiệp trường nào, từ đơn vị đầu tiên đến đơn vị cuối cùng, vẽ sơ đồ của vị trí đóng quân, vị trí phòng ngủ của mình... Anh quen bao nhiêu bạn gái, lý do không cưới bạn gái làm vợ ? Anh quen vợ anh vào lúc nào, lý do làm đám cưới với nàng...”

Một ngày ngồi viết bao nhiêu tờ cũng được, thậm chí không viết chữ nào cũng không sao. Mỗi chiều chúng vào thâu lại tập giấy đã phát kể cả giấy trắng, rồi đưa tập giấy khác. Mùa Hè năm 1981, vợ tôi lại dắt con ra thăm tôi lần thứ hai. Ôm con vào lòng mà nước mắt chảy quanh. Ngày đi con mới tròn 7 tháng, nay đã là cậu bé lên 7 tuổi.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, năm 1982, một số anh em trong số chúng tôi được chuyển về Nam tại trại Z30 Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, riêng tôi vẫn còn ở đây. Thỉnh thoảng một vài người được thả, còn tôi không có ánh sáng ở cuối đường hầm. Rồi một ngày, tôi trong số 40 anh em khác, cũng bước chân ra khỏi cổng thiên đường cộng sản tại trại tù khét tiếng Thanh Cẩm.

Tôi còn nhớ lời một danh nhân đã viết “tôi không gọi anh hùng những kẻ đã thắng tôi bằng vũ lực. Tôi gọi anh hùng những kẻ có tâm hồn cao thượng. Vâng tôi xin gọi anh hùng những kẻ có tâm hồn cao thượng!“.

Tôi xin cám ơn những chiến hữu đã giúp đỡ tôi, tôi cũng xin được nói lời cám ơn đến những người không cùng chiến tuyến nhưng đã nói lời khích lệ, cho điếu thuốc, củ khoai.. trong những chuỗi ngày đen tối bất hạnh, giúp tôi giữ được hào khí của người lính VNCH.

Nay xa rời quê hương và đất mẹ VN yêu dấu, xa cách muôn trùng:

“Cách ngăn này không chỉ dòng sông nhỏ,
cách ngăn này ngăn cách một đại dương
mơ một ngày tôi trở lại quê hương
để nhìn thấy nụ cười của trăm họ..”


Ðại úy Lê Hoàng Lương
Khóa 20/SQTB Thủ Ðức.


Viết từ Texas Hoa Kỳ.
Riêng tặng Hiền Thê Yêu Quý Ðỗ Kim Huê và các con.