PDA

View Full Version : Đồn phòng ngự số 21



Longhai
03-09-2016, 01:48 AM
Đồn phòng ngự số 21


Mai Thảo


Đồn tiếp viện này vừa được thiết lập trên cây số 21. Ba mặt núi đá, cây cỏ hoang đậm. Phía trước đồn, con đường trải nhựa băng qua, lúc nào cũng vắng bóng người đi. Thường thường mãi đến tận chiều mới có một vài chiếc xe hàng cũ chở gỗ, lá, từ vùng cao nguyên đổ xuống Saigòn. Bên kia đường một lối đi nhỏ khuất khúc chạy thẳng vào một cánh rừng già. Đầu con dường, một tấm biên gỗ, chữ viết đẫm nét : "Coupe Lê văn Viễn". Chiều hôm qua, Vững đã chặt đổ gục tấm biên đó.

Tiểu đội Vững được di chuyển xuống đóng ở đồn tiếp viện, đến buổi sáng bắt đầu xây đựng công sự Vững tính đã đến ngày thứ ba. Hôm đầu tiên, tiểu đội từ trên cao nguyên xuống tới nơi vào giữ trưa. Cả một vùng chung quanh cây số 21 nóng như thiêu đốt. Người nào cũng mệt lả. Rừng cỏ lau chạy đến sát cổng đồn, tịnh không có một bóng cây nào. Những ngọn cỏ vàng cháy nghiêng ngã trên sỏi đá.

Đất cằn rắn lại như đá. Mùi cỏ chết nắng ngột ngạt trong một vùng lòng chảo choáng váng mầu núi xanh, mầu lá chết, mầu đất cằn từ ba bốn mặt đổ xuống. Nắng thấp thoáng trên những đỉnh núi. Nắng đọng lại trong vùng lòng chảo.

Đi khỏi đồn một quảng, mặt đất đã ngổn ngang những tang đá nhẵn bóng. Mầu đá bạc phếch như mầu đất, mầu cỏ. Mấy anh em Vững đi thăm thú chung quanh đồn, vào cái buổi trưa đầu tiên, lúc sờ mó vào những tảng đá rời, thấy bỏng cháy cả đầu ngón tay. Trong ký ức đóng đồn của Vững, anh nhớ lại hồi còn ở ngoài Bắc, lúc chiến dịch tảo thanh Lạc Đà đi vào thời kỳ ác liệt nhất ở vùng Hưng Yên, Vững đóng ở một đồn phòng ngự dọc đường cái số 39. Cũng nóng như thế này hồi đó vào giữa tháng sáu. Đăng cữ nắng lớn. Nhưng được cái đồn dựng ở gần sông Hồng. Bọn Vững chiều nào cũng kéo nhau ra vùng vẫy ngoài sông lớn. Cũng đỡ hơn ở đây.

Ở đây, tịnh không có một con suối nhỏ. Khe lạch chung quanh đồn đều cạn khô. Lòng khe nứt nẻ phơi ra dưới nắng, hỏi thăm một vài người phu công chính đang làm đoạn đường hư ở dưới cây số 18 về qua thì trong vùng lòng chảo, phải đợi đến mùa mưa khe lạch mới có nước chảy. Năm ngoái, năm kia còn đang đánh nhau dữ, đồn này vì bé nhỏ và cô lập đã bị tràn ngập sau một đêm tấn công. Công sự bị phá hủy cả. Sau đó đồn cũng không xây dựng lại nữa. Những đoàn xe vận tải được hộ tống đi một mạch qua đồn để nghỉ lại ở đồn trên cách đấy gần 80 cây số. Rừng cỏ hoang dại tràn xuống mau lẹ trên cứ điểm thiêu hủy. Mấy dẫy nhà mái tường rụng đổ trở nên chỗ trú nắng cho những người thô dân địa phương lúc vượt núi xuống kiếm củi trong rừng già. Thỉnh thoảng, một chiếc xe hồ lô của sở lục lộ đỗ lại trong sân đồn một lát rồi lại bỏ đi ngay. Chả thể ở lâu được trong vùng chảo nghi ngút mùi cỏ hơi lá và lúc nào cùng ngột ngạt nồng cháy. Nắng chảy những suối lửa trên những hàng rào giây thép gai khô quăn. Những cột sắt lệch vẹo mang những hình dáng cỏ rừng. Vạch cỏ chung quanh những tháp canh cũ, thì thấy hai rãnh chiến hào song song hiện ra. Chông gai nằm cong queo dưới lòng rãnh cạn. Cảnh hoang đổ còn ghi nhưng vết tích của một cuộc dạ chiến ác liệt. Đối phương phá hủy. Nắng đốt cháy. Hoang bỏ nhiều ngày. Cả một khu đồn trại không còn gì. Ngoài những ụ đất từng quãng một còn nổi lên. Tấm biển đánh dấu cách rừng độc quyền Lê văn Viễn dựng lên từ đó.

Anh binh nhì Vững nhìn xuống tấm biển nằm dưới đất. Sự gẫy đổ này đánh dấu cho một thời oanh liệt đã tàn lụi. Tiểu đội Vững đến đóng ở cải đồn lẻ loi này chính là để chấm dứt cho cái sự kiện phai tàn này. Vững đá mạnh vào tấm biển một cách thích thú. Anh nghĩ đến Bảy Viễn. Khét tiếng anh chị mà bây giở cũng chìm lặn, cũng gẫy đổ nhục nhã như tấm biển dưới chân anh.

Chả là vì cánh rừng đốn gỗ của Viễn mà trước kia đã có một trung đội lính mũ xanh của y tới đóng ở đây. Suốt một thời kỳ, vùng lòng chảo chói nắng này làm chỗ tụ họp của bọn thảo khấu. Chúng canh gác rừng gỗ đánh đập những người thổ dân miền núi vào kiếm củi trong rừng già. Lâu dần rồi tốp thổ dân cũng không dám xuống núi vượt đường sang kiếm củi nữa. Chẳng ai dám qua lại. Những chuyến xe dò, xe vận tải, đi về vùng cao nguyên bị đánh chặn luôn luôn trong vùng lòng chảo. Cứ điểm bỏ hoang khoác thêm cái không khí man dại của Tội Ác. Sân đồn ngổn ngang những vỏ chai rượu mạnh. Bọn lính mũ xanh sau những buổi cướp chia hàng đêm họp ngay trong sân đồn đốt lửa uống rượu rồi đập luôn những sác chai tại chỗ. Ban đêm chúng căng lều ngủ, ban ngày đi lang thang hoặc đổ nhau vào các bản xóm chung quanh vùng lòng chảo cướp bóc, sách nhiểu dân chúng. Thỉnh thoảng bọn chủ tướng lên thăm rừng, săn voi săn hổ, đoàn xe hộ tống lại rầm rộ tới đậu chật trong sân đồn không người. Một hai ngày, bọn "Anh Bảy" trở về, cỏ hoang lại bồng lên những vệt bánh xe, và bọn thảo khấu lại cướp bóc dữ hơn.

Mãi đến khi có tin từ thủ đô truyền lên là bọn phiến loạn đã chạy đạt về Rừng Sát, bọn lính mũ xanh canh giữ khu rừng độc quyền này mới chịu kéo nhau ra đầu thú. Chúng dắt nhau đi bộ dưới nắng, lúc đi tới đồn chỉ huy trên cây số 52, thằng nào thằng nấy trông gớm ghiếc như những con cọp dữ sa lưới. Chúng nộp súng ống, xin quy thuận.

Ban chỉ huy phân khu cao nguyên liền quyết định cho chiếm đóng lại đồn 21.

*

Trưa hôm theo tiểu đội xuống lập lại cứ điểm trong vùng lòng chảo cháy nắng, Vững cũng đã được thượng sĩ chỉ huy cho biết sơ sơ công tác phải làm dưới ấy. Đất Bình Xuyên ở, quân đội Quốc Gia về chiếm đóng lại, anh binh nhì phải làm việc nhiều. Công tác kiến thiết xây dựng nặng nhọc. Nhưng đến nơi, Vững không ngờ là nặng đến thế.

Vững đập tay vào một người bạn :

- Này, đằng ấy này, thế này thì ở thế nào được nhỉ ?

- Chả ở thì cũng phải ở. Nhà lính mà lại !

Vững ngẩn người : Ờ nhỉ !

Trong công cuộc tái lập an ninh trật tự khắp vùng cao nguyên, ở những miền trước kia bọn Bình Xuyên chiếm giữ, một hệ thống những đồn nhỏ ở rải rác trên những trục giao thông chính sẽ được thiết lập để tiếp viện cho những cứ điểm trọng yếu. Đồn 21 của bọn Vững là một. Vững biết thế. Có lẽ phải đóng ở đây lâu. Công việc trước tiên của các anh là phải làm cho vùng lòng chảo này thành một chỗ ở được.

Căng lều nghỉ ngơi, phân chia công tác hai ngày. Đến ngày thứ ba, cả trung đội bắt tay vào việc. Tiểu đội Vững đào giếng. Một tiểu đội thu dọn cỏ hoang san phẳng gạch đá làm chỗ dựng đồn. Tiểu đội thứ ba đi đốn gỗ trong rừng độc quyền.

Vững làm việc trong nắng, cả vùng lòng chảo chói lòa sống lại như một con người thức giậy sau giấc ngủ ma quỷ. Từ đỉnh núi ngút nắng đến những bờ khe khô cạn, đều vang vọng tiếng cuốc tiếng sẻng phá vỡ đất cứng. Những tiếng động mở mai vào lòng đất. Bọn Vững cởi trần. Mồ hôi chảy đi trên những bắp thịt hồng lửa. Vững dạng chân nghiêng người, phơi hẳn một bờ lưng rộng phẳng dưới ánh mặt trời. Bóng Vững đổ xuống những nhát cuốc. Nhát nào cũng nặng chình chịch. Lưỡi cuốc đi phang phang gắn bén vào lòng đất rừng, vậy mà cũng làm Vừng hăng hăng, say say. Anh bổ xuống mau hơn, có cảm giác như khi anh dấn mình băng đuổi đối phương trên đồng lầy trong thời kỳ tiếp diển chiến dịch Lạc Đà. Hôm nay, Vững mở một chiến dịch mới trong vùng lòng chảo cháy nắng, cũng giống như những chiến dịch mà những bạn anh đang mở ra ở các vùng mới tiếp thu: Bình Định, Cà Mâu. Nhưng chiến dịch Hòa Bình mở ra ở khắp các vùng giải phóng trong nhịp điệu kiến thiết xây dựng.

Một người bạn dừng tay cuốc, bảo Vững:

- Này cậu, khá rồi đấy nhỉ ?

- Khá cái gi ?

- Cậu không thấy nhát cuốc chúng mình đi xâu hơn ban nẫy à ? Đất ở dưới mềm nhiều rồi. Chắc có nước.

Vững cười : Có mê đi chứ ! Chả nhẽ lại phải xin nước tiếp tế à !

Cả tiểu đội lại hì hục cuốc. Đất đào lên, vật sang hai bờ, nằm phơi dưới nắng. Màu đất ở những tầng lớp bên dưới không bạc phếch như đất mặt mà tươi mịn một mầu nâu đỏ vàng đậm. Mùi đất ngai ngái từ lòng giếng bốc lên, khác hẳn với mùi cỏ úa chết nắng. Vững ngửi thấy quen thuộc như mùi đất đồng. Anh cảm thấy vui vui trong người. Niềm vui của người lính trong công tác xây dựng công sự, thiết lập đồn trại còn là niềm vui của người dân cày lúc rời bỏ cây súng cầm lấy cán cuốc bổ những nhát chắc nịch vào thịt đất.

Đến trưa, anh thượng sỉ hô nghỉ. Cả tiểu đội kéo ùa vào lều vải. Vững còn ở lại sau. Anh vất cuốc nhẩy đại xuống lòng hố. Chiều xâu đã ngập tới vai. Vững cọ lưng vào bờ đất. Hơi mát toát ra thấm vào anh.

Vững cất tiếng nói thật to về phía lều :

- Các đằng ấy ơi, đến vai tớ rồi. Vài ngày nữa là tha hồ mà tắm.

Tiếng cười tiếng nói từ chỗ Vững, từ trong lều ở khắp cứ điểm đang được xây dựng lại bát ngát vang lên khắp vùng lòng chảo. Vững vịn tay vào bờ đất đu mình ra khỏi lòng hố. Anh đội mũ vải lên đầu, lững thững đi lại chổ tiểu đội bạn đang dọn cỏ. Vững nói đùa :

- Này, dọn cho kỷ. Mai này tớ đứng gác chỗ này đấy.

Nói đoạn, anh sà xuống, bốc một bốc những sác cỏ chết nắng :

- Chỗ này dễ đến một tiểu đoàn mũ xanh chứ chơi à, các cậu ?

Một người ngừng tay phạt cỏ : Chỗ ấy mà một tiểu đoàn thì chúng tớ từ sáng dễ đã tiêu diệt hàng nghìn sư đoàn rồi.

Anh hô to : Nào cố lên, tiêu diệt cỏ mũ xanh.

Cả bọn cười phá. Mấy chục cánh tay vươn lên, lùa xuống đàn cỏ mũ xanh đang bị tiêu diệt dần trong vùng lòng chảo cháy nắng. Bầy cỏ phản động theo nắng ngày dâng lên, cứ đùn đùn chồng chất hết đống này đến đống nọ. Chúng đang lũ lượt đi khỏi vùng lòng chảo. Mầu xanh của cỏ thảo khấu cứ dọn quang trên từng thước đất một, theo một nhịp tuần tự đều hòa. Không ai nghĩ tới giờ nghĩ.

Vững hướng về phía tiểu đội anh, hô to :

- Anh em ơi ! Ra đây dọn cỏ Bảy Viễn.

Có tiếng trong lều nói ra : cỏ Bẩy Viễn à, chúng tớ ra đấy !

Thế là hai tiểu đội họp thành làm một. Chỉ một thoáng lại có hàng chục đống cỏ lớn. Nắng đổ xuống một lũ cỏ tử thi mất dần chất xanh tái cuối cùng. Vững chấm lửa vào cỏ. Một vài nếp khói, rồi những đống cỏ đồng loạt cháy bùng lên. Cả bọn ngừng tay một phút nhìn cảnh tượng cỏ cháy. Vững nhặt một cành cây khô gẩy gẩy trong đám lửa thấp thoáng. Hình như nắng cũng cháy. Những vệt nắng đọng kết bỗng nhiên tưng hừng bay múa theo sức tác động của lửa đốt cỏ. Cả một vùng lòng chảo hoang vắng như bắt đầu một cuộc sống mới toát ra từ những ngọn lửa này. Những ngọn lửa tạo lập. Của anh binh nhì Vững. Của người lính quốc gia tự do. Hôm nay, lửa đã cháy lên như một đợt gió đầu mùa. Và đã thiêu hủy bằng hết những đời cỏ phiến loạn của mùa cũ.

Đến xế chiều thì cả cái sân đồn rộng không còn bóng một ngọn cỏ nào. Tiểu đội vào đốn gỗ trong rừng độc quyền từ buổi sớm cùng vừa trở về. Gỗ rừng đốn tận gốc chặt tận ngọn, còn cả cành cả lá kéo lê thê từ rừng cấm về nằm ngổn ngang trên sân đồn. Trung đội xúm lại. Anh chỉ huy chọn một thân cổ thụ dài thẳng, bảo Vững :

- Cây này đẹp nhất, ta để riêng làm cột cờ.

Anh lầm nhầm tính toán trên đống gỗ: "Còn thiếu độ năm cây nữa. Sáng sớm mai, tiểu đội sẽ đi lấy nốt cho đủ. Rồi chúng mình sẽ cất nhà ngay. Vật liệu thiên nhiên của phiến loạn bỏ lại thừa thãi như thế này thì anh em mình chỉ phải ngủ lều độ vài bữa nữa thôi.

Cả trung đội cùng cười.

Một giếng nước đang khơi, những thước cỏ hoang dọn sạch và mấy chục cây gỗ chặt đốn trong rừng độc quyền của phiến loạn, cứ điểm 21 đã có một bộ mặt khác hẳn. Từ một dĩ vãng man dợ, tấm áo dã thú rụng xuống. Tất cả vùng lòng chảo bao la hình như cũng đang chăm chú ngó xuống hiện tượng mới lạ này.

Ngày ngả về chiều. Những đỉnh núi nhạt nắng. Chói chang nghi ngút ngả sang một thứ vàng tươi dịu dàng trườn đi từng lớp mỏng nhẹ. Những bếp lửa bắt đầu bốc khói. Bọn Vững ngừng tay thổi cơm ăn cho bữa chiều trên cứ điểm tiếp viện đang nghiêng vào hoàng hôn. Khói xanh nhờ nhờ bốc lên những tảng núi đã đổi mầu. Nền đá tím lại. Gió rừng thổi từ một hướng nào bên kia núi, đẩy tới những tảng mây lớn trắng sốp. Vững ra đứng nhìn mây bay về phía rừng già, bắt gặp một tốp thổ dân địa phương ở phía núi đi xuống. Họ ở trong những bản xóm rải rác khắp vùng lòng chảo đã hàng tháng, chiều nay mới dám đánh bạo xuống đồn. Nhìn thấy Vững những người thổ dân ngừng lại không dám tiến nữa. Vững ra hiệu cho họ cứ đi. Bọn người miền núi cởi trần đóng khố, chậm chạp tiến lại. Người đầu đoàn chào Vững, Anh liền đưa cả bọn vào chỗ thượng sĩ chỉ huy. Thì ra buổi trưa ở trong nhà sàn, tốp thổ dân đã nhìn thấy những đám lửa đốt cỏ bốc lên. Rồi một người chạy về báo tin cho cả bản rằng ở dưới đồn 21 vừa có một tốp lính mới đến, nhưng lại không phải bọn thảo khấu vẫn canh gác rừng độc quyền. Ho liền kéo nhau xuống tận nơi xem sao.

Anh chỉ huy cho bọ biết ngay là bọn lính mũ xanh độc ác vẫn thường kéo vào cướp bóc các bản xóm đã ra đầu thú. Và từ nay họ lại có thể đi lại tự do trong lòng chảo và lại được vào kiếm củi trong rừng già. Những nét mặt lầm lỳ hiền lành vụt tươi lên. Họ cúi đầu chào anh chỉ huy quay trở ra. Vững theo ra cửa đồn. Anh nhìn theo những bước chân người đang nối đuôi nhau trở về, anh nghĩ thầm rằng cứ điểm hẻo lánh này với những người dân miền núi thuần hậu kia cũng không đến nỗi hoang vu như anh tưởng. Ngày mai trung đội chia công tác mới, các anh đào giếng, dựng nhà, lập đồn canh gác, thì cứ điểm 21 này sẽ lại là một thứ quê hương tiền tuyến cho cuộc sống mãnh liệt của anh vẫn chưa ngừng đổi rời trong chiến thời. Với anh, cứ điểm phòng ngự nào cũng là một thứ quê hương. Nó đòi hỏi những sự cố gắng cùng là niềm tin yêu của người. Người lính quyết tâm bảo vệ cứ điểm, chính là con người sống chết với quê hương. Sau mỗi lần chuyển dịch, lại thêm một cứ điểm mới. Và cũng lại thêm một quê hương mới nữa. Vững lần lượt nhớ lại từng cứ điểm cũ. Trên những ngã đường chiến lược miền Bắc. Đường số 5. Đường 39. Tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng Hà. Những buổi vác súng đứng gác trên mái cứ điểm phòng ngự rét buốt sương đêm mưa phùn. Những đêm lòa sáng ánh lửa hỏa pháo trên những hệ thống phòng ngự. Súng nổ vang rền bốn phía, rồi những đợt xung kích của đối phương ào lên. Những xác chết vắt trên giây thép gai. Những rãnh chiến hào ngập máu. Những tháp canh bị san phẳng. Rồi bọn Vững lại dọn dẹp, lại xây dựng, lại chiến đấu.

Đời sống của cứ điểm là đời sống của bản thân anh. Cũng như ở đây. Đồn 21 và vùng lòng chảo cháy nắng sẽ góp thêm cho những ngày tháng anh một thứ quê hương thân yêu không ngừng đổi rời. Một miền đồng bằng ngô bắp nườm nượp. Đến một miền núi rừng xanh lam. Đâu đâu cũng vẫn là anh. Là cây súng của anh. Là đất nước. Là tình yêu xâu nặng của anh gửi xuống cứ điển. Lòng Vững chìm lắng lại trong sáng tỏ chan hòa của một ý thức trách nhiệm.

Anh quay trở vào. Từ bao giờ, đêm rừng đã dấy lên. Dưới chân anh, một tiếng sỏi đá lăn động trong bóng tối. Gió núi hiền hòa. Anh nhìn lên. Sau rừng muôn vạn lấp lánh. Anh nghĩ đến những bản xóm, đến những người thổ dân hiền lành. Anh nghĩ đến quê hương xóm làng. Đến bông lúa, hạt thóc. Đất nước sẽ được bảo vệ. Cứ điểm sẽ được bảo vệ. Vì những con người mang nặng tình đất nước tình cử điểm. Vì những con người sống chết với đất nước với cứ điểm. Sống chết với quê hương.


Mai Thảo
(Trích Đêm giã từ Hà Nội)