PDA

View Full Version : Người Đàn Bà Giấu Mặt



Longhai
03-04-2016, 09:52 PM
Người Đàn Bà Giấu Mặt


Phạm Hy Sơn

- Viết cho Huế Tết Mậu Thân.


Mãi 4 giờ chiều chiếc xe đò mới tới thị trấn Long An. Xe chạy chậm lại, người phụ xe đu phía sau đập tay vô thùng xe rầm rầm, miệng la lớn :

- Xe hư ngưng sửa bà con ơi, ai khát nước xuống uống nước.

Mấy chục hành khách đã mệt đừ ngồi lại trên xe. Người thanh niên bên cạnh ghé tai tôi nói nhỏ :

- Hư hỏng gì chú, nó ngưng lại chờ trạm kiểm soát Tân Hương rút về mới chạy. Khốn kiếp từ Cần Thơ về Sàigòn mất gần một ngày trời. Có bao giờ như vậy không chú ?

Tuổi trẻ nóng nảy. Tôi kéo anh ta xuống cái quán bên lề đường kêu mỗi người 1 ly trà đá. Chiều tháng năm oi bức, mặt trời như cục than hồng chiếu chênh chếch ở phía Tây.

Thỉnh thoảng 1 cơn gíó lùa cát bụi và hơi nóng vô trong quán làm không khí oi bức lại càng oi bức thêm. Bà chủ quán ốm tong teo, mặt đem sạm một tay cần 2 ly nước, một tay cầm miếng rẻ rách phủi phủi mặt bàn rồi lặng lẽ đặt nước xuống cho khách.

Tôi và người thanh niên im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng không ai nói với ai câu nào. Suốt dọc đường từ Cần Thơ về tới đây qua bốn, năm trạm kiểm soát lương thực chúng tôi làm bạn với nhau bằng cách trao đổi con mắt, cần thiết lắm mới nói một vài câu ngắn ngủi. Bỗng từ xa tôi nghe tiếng đàn, tiếng hát vọng lại và mỗi lúc một gần hơn.

Giọng ca sao buồn quá. Ở Saigòn tôi vẫn quen với cái cảnh đi xin ăn văn nghệ này. Một đứa trẻ đi trước cầm lon sữa bò dẫn ba hay má đi sau vừa đàn vừa hát nhắc nhở lòng trắc ẩn của đồng loại. Chúng tôi chưa uống hết ly nước thì tiếng hát buồn não nuột đó đã tới gần bên. Tiếng hát nghe quen quen chắc tôi đã nghe ở đâu vài lần với bản Đêm Tàn Bến Ngự này.

Một đứa bé gái độ 9, 10 tuổi da sạm nắng, tóc vàng hoe tay cầm cái nón tai bèo rách đi trước, mẹ nó thậm thệch bước thấp, bước cao theo sau ! Chị ta mặc bộ đồ đen bạc thếch, rách nát, đầu đội nón lá cũ, mắt mang cặp kiếng đen. Đợi cho con bé tới trước quán, tôi vãy tay ra hiệu. Nó tiến lại phía tôi còn người mẹ đứng bên ngoài luỡng lự một chút rồi im lặng bỏ đi.

Với khuôn mặt trái soan sạm nắng, đôi mắt to đen buồn buồn, có cái gì quen quen nơi đứa bé này sao tôi không nhận ra ? Tôi mở ví đưa cho nó 4 đồng và gợi chuyện :

- Ba con đâu mà phải dẫn má đi xin ?

Con bé cúi mặt trả lời :

- Ba con chết rồi !

- Sao ba con chết ?

Ba má con cuốc đất trồng thơm trúng phải mìn nổ. Ba con chết, má con gãy giò nên phải đi xin ăn.

- Trước đây ba má con ở đâu ?

- Ba má con ở Sàigòn, sau về Đức Hòa làm ruộng.

Tôi thảng thốt kêu lên :

- Trời ơi ! Có phải ba con tên Tú không ?

- Dạ phải, sao ông biết ?

Tôi ôm chầm con bé vô lòng nước mắt lã chã :

- Bé Chi ơi bé Chi ! Phải con là bé Chi không ! Trời ơi sao ra nông nỗi này ! Con không nhận ra ông sao, ông Sơn nè con !

Con bé lấy tay gạt những giọt nước mắt rơi trên mặt nói mếu máo :

- Tại tóc ông bạc quá con không nhận ra !

Tôi vuốt tóc bé Chi ngậm ngùi nói :

Tội nghiệp con ! Ông muốn gặp má con. Ông muốn má con và con về Saigòn ở với ông bà. Má con đâu rồi ?
Tôi kéo con bé ra khỏi quán, nhìn ngược nhìn xuôi không thấy má nó. Hai ông cháu đi tìm quanh khu phố hồi lâu cũng không thấy, cuối cùng tôi dặn nó :

- Con kiếm và nói với má con ông muốn gặp. Ông chờ má con ở đây.

Con bé tất tả ra đi, tôi chờ một lúc lâu khi mặt trời tắt nắng vẫn không trở lại. Chiếc xe đò chuẩn bị chuyển bánh, người thanh niên chào tôi lên xe. Còn lại một mình, tôi trầm ngâm bên ly nước đá lạnh với bao kỷ niệm dồn dập trở về.

Vào thập niên 1950 tôi và anh Chương cùng dạy tại một trường Trung học ở Saigòn. Anh là người tài hoa, ngoài việc viết lách về văn học anh còn say mê âm nhạc và hội họa. Tôi thân với anh vì cả hai cùng viết cho một tạp chí văn học xuất bản ở Sàigòn lúc bấy giờ. Chúng tôi hợp tác nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn. Giai đoạn này rất quan trọng vì là thời kỳ xuất hiện nhiều nhà thơ, nhà văn lớn như thi hào Nguyễn Du, Đoàn thị Điểm, Hồ xuân Hương, Phạm đình Hổ... Tại sao nhà Lê lúc suy tàn lại sinh ra nhiều văn tài rồi sau đó văn học Việt Nam lụn dần ?

Công việc còn đang tiếp tục thì hết năm học 1952 - 1953 anh xin chuyển ra Huế vì theo anh Thư viện ngoài đó có nhiều tài liệu để tham khảo, nghiên cứu văn học trong giai đoạn này.

Sau 10 năm xa cách, năm 1964 tôi được cử ra chấm thi Tú Tài tại Huế. Tôi lưu lại nhà anh suốt thời gian làm việc tại đây. Anh chị sống với đứa con gái duy nhất là Mộng Hà cùng tuổi với con gái tôi. Nước da trắng như tuyết, mặt trái soan dịu hiền, đôi mắt đen và trong, trông Mộng Hà vừa thanh nhã vừa mơ màng như dòng sông Hương xứ Huế.

Chẳng những đẹp, nhờ di truyền từ bố, Mộng Hà đàn giỏi, hát hay nên đài phát thanh Huế mấy lần mời Mộng Hà cộng tác nhưng anh chị Chương muốn để con yên tâm học hành. Hai năm sau, thi Tú Tài xong Mộng Hà lấy Minh Tú, sinh viên Văn Khoa năm thứ 2 và là môn sinh học nhạc của anh. Cả hai vợ chồng đều nghỉ học để theo nghiệp cầm ca. Họ rời Huế vô hát cho đài phát thanh Saigòn. Nhờ vững vàng nhạc lý, nhờ giọng ca điêu luyện, chẳng bao lâu đôi ca sĩ này được nhiều người hâm mộ.

Khi bé Chi 1 tuổi anh chị vô Sàigòn dự tiệc thôi nôi của cháu. Bé Chi giống mẹ như đúc, da trắng như tuyết, môi đỏ như son, mắt to và sáng. Tiệc xong anh chị ngồi cạnh nhau truyền tay bế bé Chi trong khi Mộng Hà và Minh Tú vừa đàn vừa hát bài Ơn Nghĩa Sinh Thành để tỏ lòng biết ơn cha mẹ, tiếp đến là bài Đêm Tàn Bến Ngư cũng của Dương thiệu Tước để nhớ về Huế làm mọi người bồi hồi xúc động.

Đó là lần sau cùng vợ chồng tôi gặp anh chị. Chỉ ít lâu sau, biến cố tết Mậu Thân.

- 1968 bùng nổ với vụ thảm sát ở Huế tất cả gần chục ngàn nạn nhân, trong đó có anh chị. Khi được tin cha mẹ mất tích, vợ chồng Mộng Hà tức tốc ra Huế tìm kiếm nhưng vô vọng. Mộng Hà đành góp nhặt những di vật của cha mẹ đem về Saigòn và may mắn có một số bản thảo của anh về văn học mà tôi còn giữ cho đến giờ chưa xuất bản được.

Kể từ đó tiếng hát của Mộng Hà trở nên buồn thảm qua những bản Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến của Đặng thế Phong hay Đêm Tàn Bến Ngự của Dương thiệu Tước. Hiểu được sự đau khổ của Mộng Hà, vợ chồng tôi thường đến thăm hoặc cũng có khi vợ chồng Mộng Hà bế con lại thăm chúng tôi vào những ngày chúa nhật rảnh rỗi.

Chiến tranh mỗi ngày một thêm ác liệt, rồi cuộc thay ngôi đổi chủ ngày 30-4-1975 xẩy ra...

Một buổi chiều cuối tháng 2 năm 1976 tôi đạp xe lại đường Cao Thắng thăm vợ chồng Mộng Hà. Vừa dừng xe tôi đã trông thấy hai người đang ngồi bán cà phê ở đầu ngõ. Bàn học của bé Chi, bàn đọc sách và mấy cái ghế được cưa thấp xuống bày bên cạnh đường làm kế sinh nhai.

Tôi hỏi sao không đi hát lại, Minh Tú cho biết đài phát thanh có kêu đi làm nhưng họ từ chối và cả hai nói với tôi :” Chúng con sống thế này tạm đủ bác ạ ”. Bẵng đi ít lâu, một hôm vợ chồng Mộng Hà dẫn bé Chi lại chào chúng tôi và cho biết chỗ bán cà phê đã bị Công an dẹp rồi. Có người bạn thấy thế rủ vợ chồng Mộng Hà về Đức Hòa vỡ đất hoang lập nghiệp.

Trước vẻ ái ngại của vợ chồng tôi, Minh Tú nói :

- Chúng con còn trẻ, sau một thời gian chúng con sẽ quen với công việc trồng trọt. Ở Saigòn chúng con biết sống bằng cách nào !

Tôi nói :

- Tới đó hai cháu nhớ viết thư về, khi nào ổn định đem bé Chi về thăm hai bác.

Vợ tôi âu yếm ôm bé Chi mãi trong lòng như muốn giữ lại nhưng cuối cùng đành ngậm ngùi từ biệt. Hình ảnh buổi chia ly còn hiện rõ trước mắt tôi thế mà mới hơn 1 năm trời ai ngờ Mộng Hà lâm vào cảnh khốn cùng như vậy.

Quán chiều vắng khách, ngoài đường ánh hoàng hôn đã tắt. Tôi buồn bã ngồi đợi bé Chi nhưng con bé đi biệt tăm không trở lại. Chắc là Mộng Hà nhận ra tôi nên cố tình giấu mặt không muốn gặp.

Người lái xe ôm chở tôi về nhà lúc 9 giờ tối, vợ tôi ngồi chờ ngoài cửa có vẻ lo lắng lắm. Tôi cho vợ tôi biết hoàn cảnh hiện nay của mẹ con Mộng Hà. Vợ tôi không cầm được nước mắt bảo tôi cố tìm Mộng Hà và bé Chi đem về Saigòn ở với chúng tôi : “ Tội nghiệp bé Chi, tội nghiệp Mộng Hà, em cần mẹ con nó “ !

Sáng hôm sau tôi trở lại Long An ghé quán nước chiều hôm trước đã ngồi uống để hỏi thăm tin tức. Bà chủ quán cho biết trước đây hai mẹ con Mộng Hà quanh quẩn xin ăn ở Đức Hòa nhưng trong đó dạo này mùa màng thất bát ai cũng thiếu ăn nên mới ra đây xin ít bữa thôi. Bà ta nói tiếp :

- Chú biết không, bữa trước mấy ông Thông Tin Văn Hoá ngồi uống trà đá ở đây thấy chỉ đi qua hát hay quá nên bàn nhau đưa về hát cho đài Long An. Bàn đi bàn lại mấy ổng nói chị ta hát toàn nhạc vàng, không hát nhạc Cách mạng nên lại thôi. Tội nghiệp, người có tài mà gặp cảnh lận đận khốn cùng ! Bữa nay không thấy hai má con qua đây.

Tôi giã từ bà chủ quán đi vô chợ, vô các khu phố rồi ra bến xe, chỗ nào cũng tìm, cũng hỏi thăm nhưng không thấy. Người ta nói có lẽ hai má con nhà ấy đã đi xin ăn ở nơi khác. Mấy bữa sau, ngày nào tôi cũng ra bến xe Miền Tây lần mò hỏi thăm hành khách từ các tỉnh lên. Giới tài xế và lơ xe thường là những người có nhiều tin tức nhất. Một ông tài chạy đường Vĩnh Long cho tôi biết mấy bữa trước thấy hai má con Mộng Hà hát xin ăn ở bến xe nhưng 2 bữa nay đi đâu mất. Sau đó một lơ xe chạy đường Rạch Gíá nói sáng nay khi ra xe về Saigòn có gặp hai má con Mộng Hà hát xin ăn ở gần chợ. Anh ta nói :

- Bả hát hay và buồn quá, mọi người xúm lại nghe nghẹt cả khúc đường làm Công an phải đến giải tán. Tiếng hát buồn nát gan, nát ruột ! Cái gì... à...

(Anh ta bắt chước) “Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng, biết bao buồn thương thuyền mơ buông trôi xuôi dòng. Bến mơ dù thiết tha thuyền ơi đừng chờ mong “, lại còn : ”Thuyền ơi đưa ta tới đâu... ”. Không thấy bả hát bản nào vui, chỉ thấy buồn, toàn là buồn, buồn quá !

Sáng hôm sau tôi lặn lội đi Rạch Giá, tới nơi đã năm, sáu giờ chiều. Hỏi thăm ở khu bến xe ai cũng nói bữa nay không thấy Mộng Hà. Tôi vội thuê xe xích lô vô khu phố chợ. Chợ búa, phố xá thưa thớt chỉ có vài người ế hàng còn sót lại. Tôi đi khắp khu chợ và những dãy phố chung quanh gặp ai cũng hỏi thăm, nhưng mọi người đều nói bữa nay không thấy má con Mộng Hà ! Tôi nghĩ má con Mộng Hà lại đi khỏi nơi đây.

Thất vọng, tôi uể oải bước qua cầu sang mé bên kia sông. Trời mờ tối, bờ sông vắng vẻ, dinh thự cũ hoang tàn. Sát biển là đền thờ Nguyễn Trung Trực đứng hắt hiu trước gió. Một, hai quán cóc còn mở cửa, lưa thưa năm ba người khách hầu hết là ngư phủ ghé uống vài ly rượu đỡ thèm sau những ngày vất vả ngoài khơi. Tôi đi lần ra mé biển rồi ghé vô quán kêu bia uống. Ba chàng ngư phủ nghiêng ngả dìu nhau đi ra. Bàn bên trong hai thanh niên gục đầu ngủ say sưa.

Tôi kéo ghế ngồi quay mặt ra bờ sông. Dòng sông xám xịt chở phù sa cuồn cuộn chảy ra cửa biển. Kè đá phía bên kia bị những cuộn sóng lồng lộn xô vô nước bắn lên tung toé làm tôi nhớ tới mấy câu thơ không biết đọc được từ đâu :

Thời gian nhiều thay đổi.

Sự thế biết đâu lường.

Dòng đời như nước cuốn.

Bao vũng đồi tang thương !

Ôi cuộc đời ! Cuộc đời đổi thay, cuộc đời khổ hận ! Tôi bỗng nhớ tới vợ tôi, đến những biến cố đau buồn dồn dập xẩy ra trong những năm tháng gần đây. Đứa con gái của chúng tôi theo chồng ra dạy học ở Đà Nẵng, cả hai bỏ chạy về Saigòn bị mất tích không biết bỏ xác ngoài biển cả hay trong rừng sâu. Một năm sau đứa con trai bỏ cha mẹ, bỏ đất nước dẫn vợ con ra đi. Mất mát, chia lìa... vợ chồng tôi sống bơ vơ hiu quạnh lúc tuổi già không con, không cháu ! Bây giờ chắc bà ấy đang ngồi bên ngọn đèn cố tìm quên trong những trang sách.

Tôi nhớ tới bạn tôi, tới con anh, cháu anh mà lòng xót xa vô hạn. Tôi còn mắc anh món nợ tinh thần vì chưa xuất bản được mấy tập nghiên cứu văn học Việt Nam anh để lại. Những bản thảo này trước đây tôi đã gửi đi vài nơi nhưng đều được trả lời “ Chưa thuận tiện cho việc xuất bản “. Trong hoàn cảnh chiến tranh nay còn mai mất chẳng ai nghĩ đến chuyện lâu dài. Còn bây giờ, với những con người mang bộ mặt xa lạ này, công trình nghiên cứu của anh khó có hy vọng được công bố ! Thật là một mất mát lớn lao cho nền văn học nước nhà.

Rồi đây không biết tôi có tìm được mẹ con Mộng Hà đem về sống với chúng tôi không hay hai mẹ con nó cứ kéo dài cuộc sống lạc loài để cuối cùng gục ngã nơi đầu đường xó chợ. Sao Mộng Hà lại tự đày đọa tấm thân và mãi mãi đem tiếng hát thê lương làm day dứt lòng người ?

Ly bia rót ra còn để nguyên trước mặt, tôi ngồi tư lự một mình miên man với những buồn phiền lo lắng lúc màn đêm buông xuống nơi chân trời góc biển này.


Phạm Hy Sơn