PDA

View Full Version : Anh về Thủ Đô



Longhai
06-17-2009, 01:14 AM
Anh về Thủ Đô

25 Năm mới có ngày này


Bức tường đá hoa cương màu đen, xây dựng theo hình chữ V, ghi tên hơn 58,000 chiến binh Hoa Kỳ (Trong đó có 69 Nữ Quân nhân) tử trận tại Việt Nam, tọa lạc bên trong Vietnam Veterans Memorial, trên Đại lộ Constitution, khu Northwest của Thủ đô Washington, DC. Đây là tác phẩm của kiến trúc sư Maya Lin, một cựu sinh viên trường Đại học Yale. Tường cao 246 feet 9 inches. Bức tường nổi tiếng này được khánh thành vào năm 1982 với một cuộc diễn hành vĩ đại. Kể từ ngày đó đến nay đã 25 năm trôi qua, mới có một cuộc diễn hành lớn lần thứ hai được tổ chức do Hội Cựu Chiến binh Hoa Kỳ (Vietnam Veterans of America – VVA). Liên Hội Cựu Chiến sĩ VNCH Vùng Hoa Thịnh Đốn của chiến hữu Trần Thiện Hiệu, được TTCS/VNCH/Hải ngoại ủy thác trách nhiệm đứng ra điều hợp tham gia cuộc Diễn hành, theo lời mời của Hội Cựu Chiến binh Hoa Kỳ.

Các Cựu Chiến binh VNCH đã không quản ngại đường xa, thời tiết giá lạnh, từ nhiều tiểu bang trên đất nước Hoa Kỳ, và Canada về tham dự Diễn hành để tỏ lòng tri ân sự hy sinh cao cả của các Chiến binh Hoa Kỳ đã bỏ mình vì lý tưởng TỰ DO. Họ là những người con của một đất nước thanh bình và thịnh vượng, đang sống sung túc và hạnh phúc, nhưng đã đáp lại tiếng gọi của LƯƠNG TRI để thi hành nghĩa vụ bảo vệ một miền đất xa xôi của Thế giới Tự Do khỏi lọt vào tay Cộng sản xâm lược. Họ đã giúp người dân miền Nam Việt Nam xây dựng một chế độ TỰ DO, DÂN CHỦ, PHÚ CƯỜNG và PHÁP TRỊ.

Chương trình Kỹ niệm 25 năm Bức tường Đá đen kéo dài từ 6 Nov – 11 Nov 07, gồm nhiều tiết mục như Đêm Thơ Nhạc, đọc tên Tử sĩ, thăm viếng các Tượng đài “The Three Soldiers”, “The Vietnam Women’s memorial, vv…và cuộc Diễn hành trên Đại lộ Constitution của những đơn vị Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, và Phái đoàn của
các cựu chiến binh QLVNCH.

Đoàn Diễn hành của các Cựu Chiến binh VNCH tương đối đông đảo với nhiều màu sắc của các Quân Binh chủng và Dân sự. Ước lượng có lối 500 người với một rừng cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, cờ các Quân Binh chủng, cờ các Quân trường, cờ Bộ TTM, cờ các Quân đoàn, Sư đoàn, Cảnh sát Quốc gia, và Xây dựng Nông thôn.

Suốt đoạn đường dài lối 3 miles, người dân Thủ đô đứng hai bên lề đường vổ tay tàn thưởng khi đoàn Diễn hành của các cựu Chiến binh VNCH đi qua. Họ không ngớt nói lời CÁM ƠN bằng tiếng Việt, và tràn xuống đường bắt tay.


Tiệc Tiếp Tân & Gây Quỷ

Buổi Dạ tiệc được tổ chức tại nhà hàng Thần Tài vào lúc 6:30 tối ngày 9/11/07, qui tụ lối 200 thực khách - họ là các Cựu Chiến binh VNCH đến từ khắp các Tiểu Bang Hoa Kỳ về đây để tham dự cuộc Diễn hành vào ngày mai. Buổi tiệc hân hạnh có sự tham dự của Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Cựu Tư lệnh Sư đoàn 3BB, Chuẩn tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ TTM, nhiều vị Đại tá, Phu nhân Thiếu tướng Lê Minh Đảo, đại diện Tướng Đảo vì sức khỏe không tốt không thể đi tham dự được. Hai ông bà Thiếu tướng Đảo từ tiểu bang Connecticut đã về đây từ những ngày trước. Đặc biệt có sự hiện diện của Nghị viên Janet Nguyễn, đến từ California, và Jay Veith, Nhà văn, Sử gia Quân đội Hoa Kỳ đến từ Delaware. J. Veith là tác giả của FIGHTING IS AN ART, một tác phẩm nghiên cứu quân sự giá trị về trận chiến cuối cùng Xuân Lộc tháng 4 năm 1975. Khi viết tập Fighting Is An Art, J. Veith đã gặp gở và phỏng vấn các Tướng Tá CSBV có tham dự trận đánh Xuân Lộc, và các cấp chỉ huy QLVNCH tham dự trận chiến. Tôi được J. Veith tiếp xúc nhiều lần qua phone và e-mail, nhưng chưa một lần gặp mặt. Khi J. Veith từ ngoài cửa đi vào, anh Phúc Đặng, Gia trưởng gia đình 18 nói với tôi có lẻ là J. Veith, nhưng không chắc lắm. Khi J. Veith đi ngang qua bàn, tôi đánh bạo hỏi :

“Are you Jay Veith?”

“Yes”

“You know me ? (và tôi chỉ tay lên bảng tên trên áo field jacket của tôi)

“Ah ! Nguyễn Hữu Chế, I’m very surprised. It’s truly an honor to meet a great soldier like you, Mr. Che”.

Sau đó chúng tôi hàn huyên tâm sự nhiều chuyện. Tôi giới thiệu J. Veith với Mai Mạnh Liêu, một Đại đội trưởng xuất sắc của Tiểu đoàn 3/52 của Thiếu tá Phan Tấn Mỹ - một Nhà văn, Nhà thơ Quân đội với bút danh Ý Yên - Trong trận đánh ĐỒI MÓNG NGỰA ngày 15/4/75, Đại đội của Liêu đã bắn đến viên đạn cuối cùng, sau đó đành phải tháo chạy về BCH/CĐ 52, trấn đóng ở phía Nam, gần ấp Nguyễn Thái Học, vùng ngã ba Dầu Giây. Đại đội của Liêu sau một ngày chống trả quyết liệt với các đợt tấn công biển người của quân CSBV, đã đốn ngã nhiều địch quân, xác chết của chúng chồng chất lên nhau, lớp này đến lớp khác, tràn ngập ngọn đồi. J. Veith rất thích thú, lắng nghe say mê lối diễn tả sống động của Liêu. J. Veith vẫn còn tìm hiểu, còn nghiên cứu về trận chiến Xuân Lộc lừng danh của QLVNCH. Anh viết cho Tập san Quốc phòng để làm tài liệu nghiên cứu. Anh đã rất hãnh diện và sung sướng báo tin cho những người bạn Việt Nam, khi bài khảo cứu FIGHTING IS AN ART , viết về trận chiến Xuân Lộc của anh được chọn đăng.

Là một buổi tiệc tiếp tân và gây quỹ, BTC đã không ngần ngại kêu gọi mọi người tham dự đóng góp thêm chút đỉnh, để bù vào chỗ thiếu hụt trên $3,000 hầu đủ tiền mướn xe bus đưa các cựu chiến binh chúng ta vào DC đi diễn hành vào ngày mai. Anh Tô Phạm Thái, Sĩ quan Điện ảnh Sư đoàn, đại diện gia đình 18 đóng góp mở màn $200.00. Sau đó các đơn vị khác cũng tiếp tục hưởng ứng, và chẳng mấy chốc, số tiền thu được đã vượt quá con số đòi hỏi. Tôi nói đùa với Thái, nếu mình mở đầu $500.00, chắc con số ủng hộ còn cao hơn nhiều.

Tại bàn tiệc số 18, con số trùng hợp với gia đình 18, đã quây quần các cựu chiến binh 18 gồm Đặng Văn Phúc, Sĩ quan thuộc Biệt đội Quân báo Sư đoàn, gia trưởng; Tô Phạm Thái, Sĩ quan Điện ảnh Sư đoàn; Đặng Trần Hoa, Sĩ quan Truyền tin Sư đoàn; Mai Mạnh Liêu, ĐĐT thuộc Tiểu đoàn 3/52; Trần Hà, cũng ĐĐT thuộc Trung đoàn 52; Bảo Định Nguyễn Hữu Chế, Tiểu đoàn 2/43; chị Thủy, Phu nhân của Thiếu tướng Đảo; anh Bình, Pilot thuộc Sư đoàn 4/KH & Phu nhân.

Diễn hành

Từ sáng sớm, xe bus đã đưa các cựu chiến binh VNCH từ chỗ tập trung gần khu Eden vào địa điểm Diễn hành trên Đại lộ Constitution. Con số tham dự có lối 500. Họ là các cựu chiến binh QLVNCH, Cảnh sát Quốc gia, Xây dựng Nông thôn, và Đồng bào. Lực lượng Lôi Hổ và Trường Đại học Chiến tranh Chính trị là hai đơn vị có số thành viên tham dự nhiều nhất. Phái đoàn xa nhất đến từ Canada, do chiến hữu Nguyễn văn Tấn, Chủ tịch Hội Cựu QN/QLVNCH Ontario, Đồng môn Thiện, Hội trưởng Thủ Đức Ontario hướng dẫn.

Những người lính từng một thời vào sinh ra tử, bỏ hết cả một thời xuân xanh, cầm súng chống lại quân xâm lược CSBV, sau ngày tan hàng, bị tù tôi, bị ngược đãi bởi chế độ độc tài vô nhân, nay tại quê người, có dịp gặp nhau thì tay bắt mặt mừng, chuyện trò như bắp rang.

Trong tinh thần HUYNH ĐỆ CHI BINH, mọi người cùng nhau lo cho cuộc Diễn hành được tốt đẹp. Nhưng cũng có những trở ngại nho nhỏ. Đó là thiếu người cầm cờ. Các cựu chiến binh của ta chỉ muốn đi trong đội ngũ của đơn vị mình để dương cao lòng kiêu hãnh của đơn vị. BTC thì thiếu nhân sự. Chiến hữu Trần Thiện Hiệu, Trưởng BTC, và Bùi Mạnh Hùng, phải chạy đôn chạy đáo, nhưng cũng không tìm ra đủ người để cầm cờ các Quân đoàn và Sư đoàn. Các cựu chiến binh Sư đoàn 18, hai anh Hùng & Trang thuộc phái đoàn Michigan, và một số các cựu chiến binh của các đơn vị khác phải tình nguyện đi cầm cờ. Do đó gia đình 18 đã không xuất hiện cùng một group như các đơn vị khác.

Một trở ngại khác, một viên police sắc phục, một thường phục bảo rằng có người mất máy camera, và nghi ngờ trong đoàn này lấy. Hắn ta đòi lục soát, nếu không sẽ không cho đoàn diễn hành đi. Nghị viên Janet Nguyễn và BTC phải lúng túng một lúc mới giải quyết xong. Có thể đây là một âm mưu phá hoại. Nhưng từ phía nào? Cuối cùng đâu cũng vào đó, sẵn sàng đi theo nhịp bước quân hành, theo sau các đoàn của Vietnam Veterans of America.

Gia đình 18 gồm có anh Hà cầm cờ Quân Kỳ Quân Đoàn II, anh Liêu cầm cờ Sư Đoàn 18, và anh Hoa cầm cờ Sư Đoàn 5.

Dù thời tiết giá lạnh, dù BTC thiếu nhân sự nên đã lúng túng trong việc điều hành, dù có một âm mưu phá rối, nhưng mọi sự đều vượt qua. Cuối cùng cuộc Diễn hành đã khai diễn, và đã thành công tốt đẹp. Người dân Thủ đô rất tán thưởng, nhất là các cựu chiến binh Hoa kỳ và thân nhân của họ không ngớt nói lớn hai chữ CÁM ƠN bằng tiếng Việt để bày tỏ lòng cám ơn chúng ta, cũng như chúng ta đi Diễn hành là để tỏ lòng TRI ÂN hơn 58,000 chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh cho lý tưởng TỰ DO của chúng ta.

Như chúng ta đã biết, cuộc chiến tranh Quốc – Cộng đã kéo ngót 20 năm. Toàn khối Cộng sản, đứng đầu là Nga Xô và Trung Cộng, đã viện trợ dồi dào cho CSBV trong cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam. Trong khi đó Miền Nam chúng ta, chỉ có Hoa Kỳ là tận tình ủng hộ cuộc chiến bằng vật lực và nhân lực. Nhưng bọn phản chiến như Jane Fonda, John Kerry, …và một vài chính khách yếu hèn, thiển cận và ích kỷ; lòng đầy ác ý và ngu dốt; đã khuấy động dư luận cùng giới truyền thông, làm cho người dân Mỹ nhụt chí, làm lu mờ chính nghĩa cuộc chiến tranh VỆ QUỐC của chúng ta. Các chiến binh Hoa Kỳ sau khi làm tròn nhiệm vụ giúp đở người dân Việt chiến đấu vì TỰ DO, trở về nước đã không được đón tiếp như những vị Anh Hùng. Họ không được đối xử như các chiến binh trở về từ Âu châu khi Thế chiến thứ 2 chấm dứt, hoặc trở về từ cuộc chiến tranh Cao Ly năm 1953. Và đó cũng là số phận của hơn 58 ngàn chiến binh tử trận. Mãi về sau này, giá trị đích thật của những cựu chiến binh, những tử sĩ mới được công nhận và vinh danh. Do đó các cựu chiến binh Hoa Kỳ và thân nhân của họ đã cảm động đến chảy nước mắt khi thấy đoàn Diễn hành của chúng ta đi ngang qua. Nhất là khi thấy tấm banner chữ lớn ghi WE HONOR THE AMERICAN HEROES WHO FOUGHT FOR FREEDOM IN VIETNAM.

Tấm lòng người anh Cả

Người anh cả của Sư đoàn 18 BB là Thiếu tướng Lê minh Đảo. Danh hiệu truyền tin của ông là Hằng Minh, là tên của người em trai - Tiểu đoàn trưởng TĐ2 Trâu Điên TQLC. Trung tá Lê Hằng Minh đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Vùng I Chiến thuật. Ông đã
ngã xuống trên con đường mà phóng viên người Pháp nổi tiếng Bernar B. Fall gọi là Street Without Joy, thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên, giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, sau vụ biến động Phật giáo xuống đường ở Huế năm 1966.

Sau 17 năm tù đày trong các trại tù lao cải của Cộng sản, dù thể xác đã rã rời, mắt mờ đi đôi chút, chân phải giải phẩu, có lúc phải chống gậy; nhưng tinh thần của ông vẫn còn rất minh mẫn, và sắc sảo như dạo nào. Là một trong 4 vị tướng được cộng sản thả sau cùng, và đến Hoa Kỳ định cư muộn, nhưng ngay từ những ngày đầu đặt chân lên miền đất hứa, ông cùng một số Tướng lãnh còn tâm huyết, các cựu chiến binh QLVNCH còn nghĩ đến Quốc gia và Dân tộc, đã ra sức tập hơp lại những người từng một thời cầm súng, cầm bút hay hoạt động chống CSBV xâm lược, tổ chức và thành lập một lực lượng đối kháng mạnh mẽ chế độ CS Hà Nội là Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại. Sau 5 năm hoạt động không ngừng nghỉ, giờ đây TTCSVNCH/HN đã vững mạnh, nhưng sức khỏe của ông thì ngày càng suy yếu do hậu quả của những năm dài sống trong ngục tù cộng sản, nên ông đã rút lui, nhường lại trọng trách đó cho những chiến hữu trẻ hơn, sức khoẻ còn tốt để lo xây dựng và củng cố TTCS ngày càng vững mạnh. Tôi còn nhớ chiến hữu Khuông, Phát ngôn nhân TTCSVNCH/HN trong lần Đại hội đầu tiên vào năm 2002 tại nam Cali để thành lập TTCSVNCH/HN, khi giới thiệu ông, đã nói: Quân đội có thể bỏ ông, nhưng ông không bao giờ bỏ Quân đội. Nghĩa là cuộc đời của ông đã gắn liền với Quân đội. Ông trở về với Sư đoàn 18BB. Đơn vị mà tên tuổi của ông đã gắn liền. Người ta vẫn thường nói: Sư đoàn 18 của ông Đảo. Nói đến Sư đoàn 18 là phải nhắc đến trận Xuân Lộc. Nhắc đến trận Xuân Lộc là phải nói đến Tướng Lê Minh Đảo.

Nắm quyền Tư lệnh từ những ngày đầu tháng 4 năm 1972, Tướng Lê Minh Đảo đã đưa Sư đoàn từ môt đại đơn vị yếu kém trở thành một đại đơn vị hàng đầu của QLVNCH. Đó là nhờ sự lãnh đạo tài ba, tính gần gủi quân sĩ, lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến và quyết thắng của ông đã dẫn dắt Sư đoàn đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, và điển hình là trận chiến cuối cùng Xuân Lộc tháng 4/75. Trung tướng Phillip B. Davidson của Quân đội đồng minh Hoa Kỳ có nhận xét như sau: “The battle for Xuan Loc produced one of the epic battles of any of the Indochina War III…In this final epic stand ARVN demonstrated for the last time that, when properly led, it had the ‘right stuff”.

Lúc này anh cả Lê Minh Đảo, ông vẫn thích gọi là anh Tư (vì ông là người con thứ tư của gia đình, riêng tôi, Bảo Định, vẫn thích gọi danh xưng Hằng Minh, để nhớ lại những ngày còn chiến đấu bên nhau) dù không còn giữ vai trò gì trong TTCSVNCH/Hải Ngoại, nhưng khi được biết các cựu chiến binh Sư đoàn 18 chúng tôi hưởng ứng lời kêu gọi của Chiến hữu Trần Thiện Hiệu, Trưởng BTC, về Thủ đô tham dự cuộc Diễn hành, thì hai ông bà từ tiểu bang Connecticut đã đi xe bus về trước một ngày để sắp xếp chỗ nghĩ cho đàn em của ông. Ông đã “trưng dụng” nhà cô con gái là cháu Hồng và chồng là Thụy làm chỗ “dừng quân” cho đơn vị “Sư đoàn 18BB”. Không những thế, còn kéo thêm một pilot và phu nhân là anh chị Bình, chiến hữu Không quân thuộc Sư đoàn 4KQ, cũng đến từ Connecticut.

Những ngày lưu lại Thủ đô thật là vui. Phái đoàn gia đình 18 đã được anh Tư hướng dẫn đi thăm viếng các nơi nổi tiếng của Thủ đô, và hang động Luray Carverns. Nghe nói hang động này được khám phá từ thời nội chiến Nam – Bắc, khi một đạo quân không biết là Bắc hay Nam tìm ra, và dùng làm nơi trú ẩn. Buổi tối, chúng tôi quây quần chung quanh chiếc bàn dài, chuyện trò rôm rả. Chúng tôi đã sống lại những ngày của trước biến cố 30/4 bi thảm. Liêu thì nhắc lại trận đánh Đồi Móng Ngựa, Hà thì những trận đánh ở Bình Cơ – Bình Mỹ, Thái thì nhắc lại những kỹ niệm trong những cuộc hành quân vượt biên Kampuchia, Phúc thì nhắc lại những kỹ niệm không thể nào quên được của trận chiến cuối cùng Xuân Lộc. Hoa nhắc lại kỹ niệm khi cây anten 292 trên nóc Trung tâm HQ/SĐ bị pháo đánh sập, anh đã cùng quân sĩ dưới quyền bất chấp mưa pháo, đã dựng lại ngay lập tức, nối liền được truyền tin không một phút gián đoạn. Còn tôi, dĩ nhiên là chuyện NGƯỜI Ở LẠI ĐỊNH QUÁN, chuyện LUI BINH, chuyện VÕ ĐẮC TRONG BIỂN LỮA, chuyện ĐỒNG NAI DẬY SÓNG, … Anh Tư chỉ ngồi nghe, và thỉnh thoảng phải trả lời những thắc mắc về sự phối trí lực lượng và điều quân tại mặt trận Xuân Lộc, nhất là vụ đánh hai trái BLU – 82. Theo Đại Tá Hứa Yến Lến, Tham Mưu Trưởng HQ/SĐ18BB trong bài viết “TUYẾN THÉP XUÂN LỘC”, hai trái BLU.82 được Phi công Không Quân QLVNCH bay trên chiếc C130 đi thả. Mục tiêu theo đề nghị của Tư lệnh mặt trận, được Đại Tướng Tổng TMTchấp thuận, và chỉ có Tư lệnh Không Quân biết để thi hành.

Đêm trước ngày đi Diễn hành, anh Tư đã không cho chúng tôi thức khuya chuyện trò, bắt đi ngủ sớm. Buổi sáng anh Tư đi từng phòng đánh thức chúng tôi dậy để có thì giờ chuẩn bị quân phục và cờ đơn vị; chị Tư thì lo thức ăn sáng, để phái đoàn kịp ra khu Eden tập trung, đi xe bus vào DC.

Các cháu Điệp, Thủy & Phong, Phương & Long, Dũng & Patricia, Hồng & Thụy, và cháu Út Bích Chi đã đối đãi các chú trong gia đình 18 như người thân trong nhà. Mỗi tối, các cháu mỗi người mang thức ăn đến góp chung để khỏan đãi. Đêm cuối cùng, cháu Điệp còn mời các chú đi ăn ở nhà hàng Đại Hàn. Việc làm của các cháu làm tôi nhớ lại những lần tôi được đại diện Sư đoàn 18BB về Thủ đô Sàigòn tham dự Ngày Quân lực 19/6 của những năm 1971 và 1974. Có một kỹ niệm khó quên là cháu Thủy giới thiệu cậu con trai với lá cờ vàng ba sọc đỏ do cháu vẽ. Một lần cô giáo yêu cầu học sinh trong lớp vẽ lá cờ của Tổ quốc mình. Một vài học sinh Việt khác vẽ lá cờ máu của Cộng sản (điều đáng buồn). Ban đầu cháu trai này cũng thế, liền sau đó, cháu đã xóa đi và vẽ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Khi đem nộp, cô giáo nói rằng sai, nhưng cháu nhất định cho là đúng, bởi vì “ Grandfather told me that”. Dĩ nhiên lá cờ do cháu vẽ không được cô giáo khen và treo lên lớp như các bạn khác. Nhưng cháu vẫn hãnh diện để mang về khoe với mẹ.

Chia tay

Xuân đến rồi đi. Tan hợp, hợp tan. Thấm thoát một tuần lễ qua mau. Buổi sáng ngày 14/11, sau buổi ăn sáng, Phái đoàn gia đình 18 đến từ Cali giã từ ra về trước. Tôi ở lại cùng anh Tư hàn huyên tâm sự hơn một tiếng đồng đồ, rồi cũng ra về nhà cô con gái để chuẩn bị trở lại Michigan. Anh Tư là người đến trước, và cũng là người sau cùng rời Thủ đô, hai ông bà trở về Connecticut.

Người chiến binh Sư đoàn 18, dù tha phương khắp bốn phương trời, vẫn gắn bó, thường xuyên liên lạc với nhau. Đó là tinh thần 18, tinh thần của người anh cả, từng thể hiện trong cuộc chiến, tất cả đều thấm nhuần tinh thần HUYNH ĐỆ CHI BINH của QLVNCH.

“Anh về Thủ đô chúng em chờ mong…”

Washington, DC, ngày Veteran Day, 2007



Bảo Định