PDA

View Full Version : Dân "Quận Tư" thân thương...



Longhai
03-01-2016, 09:40 PM
Dân "Quận Tư" thân thương...


SaiGon xưa


Hihi, theo yêu cầu của quý vị nay ad viết lại bài về Dân Quận Tư nha, Ai chưa sống ở đường Tôn Đản, mỗi khi nghe nói tới hai chữ Tôn Đản liền nghĩ ngay tới “du đãng” hoặc đại ca Năm Cam, hoặc một vùng đất dữ dằn của các tay anh chị giang hồ bến tàu. Nói vậy không phải vậy, dù hơn nửa thế kỷ trước Năm Cam thành danh ngay đầu hẻm 148 đường Tôn Đản khi đâm chết tay du đảng cùng xóm tên Lót. Đường Tôn Đản còn có những cái đáng nhớ khác, sau đây là chuyện kể về một con đường của một Quận nghèo nhất đất "Sài Thành hoa lệ". Thời gian trước và sau 1955, cách đây hơn nửa trăm năm, tức một phần hai thế kỷ,nên chuyện rất xa xưa, xưa như chuyện tình Mộng Cầm - Hàn Mặc Tử, đường Tôn Đản là con đường chạy xuyên qua một vùng dân cư lao động của vùng Khánh Hội, Quận Tư, Sài Gòn. Đầu đường, nối với đường Trình Minh Thế tạo thành một ngã ba xe cộ lúc nào cũng đông đúc. Cuối đường, gặp đường Tôn Thất Thuyết chạy dọc theo Kinh Tẻ. Bên kia Kinh Tẻ là vùng Tân Qui Đông, thuộc quận Nhà Bè, người bạn sinh đẻ tại đây, năm nay tuổi tám bó thiếu bốn que, cho biết đường nầy thời Pháp thuộc có tên “Route de Cần Giuộc”, là một con đường đất ngoại ô Sài Gòn. Về sau được mở rộng, trải đá tráng nhựa phẳng phiu, Tây đặt lại tên đường Matelot Manuel, ban đêm hai hàng cột đèn khí cháy sáng choang, tỏ rõ cái văn minh của kẻ đi cướp nước, lai lịch của ông tây Manuel nầy cũng khó tìm hiểu. Tại sao một anh lính thủy người Pháp có công trận gì mà được đặt tên đường ? Ví như ông Lê-Nin, được dựng tượng trong một vườn hoa ở Hà Nội thì còn có thể hiểu được, tuy vẫn có người thắc mắc Lê-Nin người ở nước Nga

1. Con đường Tôn Đản từ đâu ra.

Sử gia Trần Trọng Kim, trong Việt Nam Sử Lược, có chép : “Tháng ba năm Nhâm dần (1782) vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem hơn 100 chiếc thuyền vào cửa Cần Giờ đánh nhau với quân Nguyễn Vương ở Thất Kỳ Giang (tức Ngã Bảy). Trận ấy quân Nguyễn Vương thua to, có người nước Pháp tên là Mạn Hoè (Manuel) làm chủ một chiếc tàu phải đốt tàu mà chết. Nguyễn Vương phải bỏ thành Sài Gòn chạy về đất Tam Phụ ( Ba Giồng ), rồi ra lánh ở đảo Phú Quốc”. Phải chăng Matelot Manuel là ông Mạn Hoè nầy, người đã chỉ huy một tàu chiến trong lực lượng của Nguyễn Vương ? Nhưng dù ông Manuel có công với Nguyễn Vương đi chăng nữa, ông cũng không xứng đáng nằm trên con đường của nước Việt Nam, khoảng năm 1956, 1957 không nhớ đích xác, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sau khi đã thu hồi chủ quyền Quốc gia từ tay người Pháp, đặt lại tất cả tên đường trong đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Matelot Manuel đổi thành đường Tôn Đản từ đó. Bên các quận khác, mấy ông Tây Thực dân như De Lattre De Tassigny, Bonard, Colonel Grimaud, Jauréguiberry, Kitchener, Chanson và nhiều nữa, được mời "xuống tàu về nước".

Tôn Đản là ai ? Đó là vị phó tướng của Tướng quân Lý Thường Kiệt, đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Tôn Đản tên thật Nùng Tông Đản, gọi tắt Tông Đản, người dân tộc Nùng. Vì kỵ húy tên vua Thiệu Trị là Miên Tông, nên sử triều Nguyễn viết thành Tôn Đản thay vì Tông Đản ...“ Năm Ất mão (1075) Lý Thường Kiệt đem quân sang vây đánh Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông). Đạo quân của Tôn Đản đánh Ung Châu (tức là thành Nam Ninh, thuộc tỉnh Quảng Tây), quan Đô Giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem binh lại cứu Ung Châu, bị Lý Thường Kiệt đón đánh ở Côn Lôn Quan (gần Nam Ninh) chém chết Trương Thủ Tiết ở trận tiền. Tôn Đản vây thành Ung Châu hơn 40 ngày, quan tri châu là Tô Đạm kiên cố giữ mãi. Đến khi quân nhà Lý hạ được thành, thì Tô Đạm bắt người nhà tất cả 36 người chết trước, rồi tự đốt mà chết”. (Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim).

2. Những kỷ niệm xưa về Quận Tư.

Con cháu đời sau đọc lại lịch sử nước nhà, mới thấy tổ tiên ta thật anh hùng, xứng đáng với bốn chữ “Phá Tống Bình Chiêm”. Đây cũng là lần đầu tiên tổ tiên ta đánh thắng giặc Tàu ngay trên đất Tàu, lập nên một chiến công hiển hách muôn đời còn ghi nhớ! Chẳng bì với thời nay, thời của "độc lập, tự do, hạnh phúc" có đảng lãnh đạo, đất liền và biển đảo cứ mất dần, từ đầu ngã ba Tôn Đản - Trình Minh Thế (tức đường Jean Eudel cũ), dân nghèo Quận Tư đều biết đến hai Tiệm cầm đồ bình dân, khách ra vô nườm nượp. Đầu đường bên tay phải là tiệm mang tên Huỳnh Thị Dậu, nghe tên cũng đoán biết đó là tên chủ nhân. Đầu đường bên tay trái có tiệm Hòa Thành, chiếm hai mặt tiền, một mặt tiền ngó ra đường Trình Minh Thế đón khách từ kho 5, kho 11 lên; một mặt ngó ra đường Tôn Đản. Ai đã từng là dân phu khuân vác bến tàu, chạy xích lô máy, xích lô đạp, xe ba bánh, đánh xe ngựa, học trò nghèo hay làm tư chức miệt Khánh Hội và bên kia cầu Tân Thuận, cầu Hàn mà không là thân chủ của Hoà Thành và Huỳnh Thị Dậu, tiệm cầm đồ bình dân, ăn lời 3%, còn gọi 3 phân, thuở ấy cái gì cũng cầm được; từ món nữ trang, chiếc đồng hồ đeo tay cho đến bộ đổ "tây", cái quần mỹ a, bộ áo dài, chiếc xe đạp đều có thể biến thành món tiền trang trải trong lúc ngặt nghèo, qua khỏi tiệm Huỳnh Thị Dậu, là cơ sở sửa tủ lạnh của ông Hai Dung, có đứa con trai tên Bòn, sau nầy nối nghiệp cha, tiệm làm ăn rất phát đạt. Kế đó, có kho hàng hãng Poinsard Veret của người Pháp - chữ nầy lâu quá không bảo đảm viết đúng - sau 1975 thành xí nghiệp bóng đèn Điện Quang.

Dân Tôn Đản cựu trào chắc không ai quên nhà bảo sanh Lao Động, của bác sĩ Nguyễn Bính Phương. Bác sĩ Phương là anh của nhà văn An Khê Nguyễn Bính Thinh. Tháng 6/1954, Thiếu tá Nguyễn Bính Thinh bị thương nặng trong trận phục kích Binh Đoàn 100 của Pháp tại cây số 15, đèo Mang Yang nên viết văn lấy bút hiệu An Khê. Dù nhà bảo sanh có tên Lao Động, mọi người đều gọi là “Nhà thương Con Cò”, vì lẽ đơn giản phía trước Nhà bảo sanh này có gắn hình một con cò đang chắp cánh bay. Tháng 4 năm 1955, Bình Xuyên gây hấn ở Đô Thành, không biết vì lý do gì mà Bác sĩ Nguyễn Bính Phương bị mấy ông kẹ “Công an xung phong” của Bình Xuyên bắt thủ tiêu !

Thời nay, thời của Độc lập Tự do Hạnh phúc tràn trề, lại có “Công an Nhân dân” thường xuyên đánh đập người vô tội đến chết trong đồn hoặc ngay giữa công lộ mà vẫn nhởn nhơ, không khác đám Công an côn đồ của Bảy Viễn ! Người hiểu chuyện nói đó là “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Còn người không hiểu “chủ nghĩa của ba ông râu rậm”, thì van vái Lăng Ông Bà Chiểu có linh, vặn họng “tụi nó” bớt… đi xuống chưa tới 100 mét, gặp ngã ba Tôn Đản - Đỗ Thanh Nhơn, còn gọi ngã ba Cầu Cống. Có sử gia viết tên ông Đỗ Thanh Nhơn thành Đỗ Thanh Nhân, đó là quyền của nhà chép sử. Chớ thật ra, tên thật của người ta thì nên viết cho đúng, hà cớ gì phải đổi ? Trong Gia Định tam hùng theo phò vua Gia Long, ngoài Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp còn ông Võ Tánh, sau nầy có người dám viết Vũ Tính, đọc thấy không giống con giáp nào, đường Đỗ Thanh Nhơn nầy, sau 1975 đổi tên thành đường Đoàn Văn Bơ. Nếu có người chơi cắc cớ, hỏi Đoàn Văn Bơ là ai, tôi xin chịu thua. Chỉ thấy thời “giải phóng vô”, nhiều tên đường rất có "ý nghĩa Cách mạng" đua nhau xuất hiện ! Như đường Huỳnh Văn Bánh, Đoàn Văn Bơ, Mai Thị Lựu, Nguyễn Văn Đậu. Toàn là các nhà Cách mạng thuộc giai cấp lao động tiên phong tiên tiến, hoặc danh nhân văn hóa gì đó, làm sao dân ngu khu đen biết được. Nhưng cũng có nhiều người rất “tâm đắc”, vì đã có bơ, có đậu, có hột lựu chỉ cần thêm chút đường, tất có bánh ăn. Ăn xong mới biết đó chỉ là bánh vẽ, bèn ngẩn ngơ hỏi nhau : “Giải phóng vô” chừng nào “Giải phóng ra”?

3. Trịnh Minh Thế - Tôn Đản - Đỗ Thành Nhơn.

Ngay đầu ngả ba Tôn Đản - Đỗ Thành Nhơn phía bên trái, có một ngôi chợ nhỏ mang cái tên thật bình dân : chợ Cầu Cống. Chợ nầy càng về sau càng sung, vì dân số Quận Tư càng ngày càng tăng. Có lẽ Quận Tư bao giờ cũng là đất dung thân cho dân nghèo bốn phương tám hướng. Khói lửa chiến tranh khiến biết bao mảnh đời thôn dã phải bỏ ruộng, bỏ vườn trôi giạt về đây tìm một chỗ nương náu, chợ Cầu Cống đặc biệt hơn các chợ khác vùng Khánh Hội, Vĩnh Hội vì người ta gọi nó tới ba tên mà ai cũng hiểu. Chợ Cầu Cống, chợ Cây Bàng hay chợ Cây Keo đều chỉ ngôi chợ nhỏ đó. Từ cuối đường Tôn Đản, vùng Tôn Thất Thuyết muốn đi chợ Cầu Cống mua đồ ăn (viết thức ăn nghe văn chương hơn, còn viết "đồ ăn" e có người "nhạy cảm", tưởng đồ nọ thành đồ kia thì tai hại bạc triệu) chỉ cần leo lên xe ngựa, tới chợ trả một đồng bạc. Vô chợ mua một xâu lòng bò cột sẵn giá ba đồng gồm lá sách, tim, gan, phổi và một bó cải ngọt một đồng, chị bán hàng cho thêm hai tép hành không tính tiền. Thế là buổi chiều, cả nhà có bữa cơm ngon miệng, "lòng bò xào cải ngọt" thua gì đi ăn cao lầu Đồng Khánh trong Quận Năm ? Đừng chê nha, sau năm 1975 có lúc chỉ có "canh thầy hù" và "cải ngọt xào tóp mỡ" có đâu lòng bò mí lại lòng heo, tưởng cũng cần giải thích, tại sao gọi chợ Cầu Cống ? Nguyên do là sát bên đó, rạch Cầu Chông từ sông Bến Nghé đâm ngang đường Bến Vân Đồn, sau khi quanh co trong những xóm nghèo, ra tới đường Tôn Đản, băng ngang một cái cống lớn xây bằng xi măng rồi tiếp tục chảy về vùng kho 11. Bên cạnh cống, có cây keo thân lớn xù xì, không biết trồng từ đời nào. Loai keo nầy cho trái màu xanh, lúc chín màu đỏ, ăn có vị ngọt, trẻ em rất thích. Thập niên 50, những chiếc ghe mía từ Cầu Ông Lãnh qua hoặc ghe chở nước uống, neo đậu tại miệng cống, bán hết mía, đổi hết nước mới về.

Ông bà ngày xưa, cứ "thấy mặt đặt tên", nào là Xóm Gà, chợ Cây Thị, chợ Cây Sa Sà, Xóm Lu rồi Cầu Ba Cẳng, chợ Cầu Cống thật dễ hiểu, dễ nhớ cũng rất thân thương, thời gian về sau, dân cư càng ngày càng phát triển đông đúc, nhà sàn lấn dần dòng chảy, rạch Cầu Chông chịu chung số phận với những con kinh nước đen của Sài Gòn và Gia Định. Nhất là sau ngày "phỏng dái" cho tới bây giờ, gần 100% kinh rạch nhỏ biến mất trên thực địa, hay chỉ còn trong ký ức của mấy ông già. Người ta thi nhau san lấp kinh rạch, ao hồ biến nó thành "mặt bằng" tính bằng vàng "cây" và đô la. Sự biến mất nầy cắt nghĩa tại sao Thành phố mang tên “bác” năm sau ngập cao hơn năm trước !

Bài nầy chỉ là những hoài niệm lang thang về một con đường, của cư dân một Quận nghèo nhất Sài Gòn khi đó và ad kính gởi tới các bạn và quý vị đã từng sống tại Quận Tư, Khánh Hội và những con đường ở Quận Tư sẽ còn lang thang dài dài, xin hẹn hồi sau nữa nhé. Xin Hết.


SaiGon xưa
trên Facebook