PDA

View Full Version : Đà Lạt buổi sáng



Longhai
02-28-2016, 12:32 AM
Đà Lạt buổi sáng


Nguyễn Văn Tuấn


Đã hơn 40 năm rồi tôi mới ghé lại nơi có thời được ví von là “Thành phố sương mù” này. Cái ấn tượng đầu tiên tôi có khi đến đây là Thành phố này không còn là một Đà Lạt chậm chạp và trầm tư như ngày xưa nữa, mà đã bị “Sài gòn hóa” rồi.

Nếu tìm được một điểm để nói về sự “thay da đổi thịt” của đất nước thì tôi sẽ chọn con đường từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Đó là một đoạn Quốc lộ có thể nói là đạt tiêu chuẩn Quốc tế về xây dựng. Đó cũng là một con đường tốt nhất so với tất cả những con lộ tôi đã đi qua từ Bắc chí Nam. Đó cũng là một con đường đẹp nhất của VN, băng ngang qua những rừng cao su, rừng thông vi vút, và chập chùng đồi núi, thật đúng với câu “tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam / Trên quê hương ta đó cố tìm đâu đây chút tình”.

Nhưng hiểm nguy lúc nào cũng trực chờ trên con đường tốt này. Có lẽ vì đường tốt, nên những chiếc xe tải, xe đò lao nhanh và lấn đường đến chóng mặt. Có những giây phút tôi chỉ nhắm mắt vì không dám nhìn hai chiếc xe đang chạy ngược chiều trên cùng một làn xe và chỉ cách nhau vài mét thì họ mới “nhường” nhau. Ngay cả trên những con đường ngoằn ngoèo ôm quanh núi mà họ cũng phóng nhanh, cực kỳ nguy hiểm. Tài xế ở đây phải nói là kinh khủng, họ có vẻ chẳng biết hiểm nguy là gì, họ cũng chẳng cần tỏ ra có trách nhiệm với hàng chục hành khách trên xe. Phải đi trên những con đường này mới thấu hiểu những con số thống kê về tai nạn giao thông ở VN.

Tôi đến Đà Lạt vào buổi tối. Trời mùa Đông, chỉ mới 8 giờ nhưng trời tối lắm, nhìn hai bên đường chẳng thấy gì. Buổi sáng đứng trên tầng cao của khách sạn nhìn xuống thấy nhà cửa “lởm chởm” chẳng khác gì Sài Gòn. Những mái tole rỉ sét bên cạnh những mái ngói đỏ au và những mái ngói rêu phong, chúng ta có cảm tưởng như là Thành phố mới hay đang ra khỏi cái nghèo. Cảnh này rất khác với Đà Lạt của hơn 40 năm trước, nhưng chưa biết sự khác biệt theo chiều hướng nào thôi.

Buổi sáng xuống ăn sáng để trải nghiệm xem sao. Khách sạn khá to, nhìn khá vắng khách. Chỉ khoảng hơn chục thực khánh đang ăn uống và họ không ồn ào, tôi thấy yên tâm. Cô tiếp viên đòi “phiếu ăn sáng” nhưng tôi không mang theo. May phước, cô cho tôi ân huệ được vào phòng. Món ăn nghèo nàn, sơ sài, không ngon. Món mì quảng mà tôi cứ ngở là món bún riêu. Bánh mì chẳng cái nào ra cái nào. Trái cây quá bèo. Xứ sở của cà phê mà họ cho khách dùng cà phê … bột. Xứ của trà mà họ cho khách uống trà lipton ! Hết biết.

Cái khách sạn này coi hiện đại bề ngoài vậy đó, chứ bề trong nó vẫn còn cái phong cách và tư duy XHCN lắm. Họ giữ Passport! Họ phát phiếu ăn như thời bao cấp. Cách phục vụ cũng thế, cả đống tiếp viên đứng xớ rớ, nhưng khi hỏi xin một ly cà phê họ bèn chỉ cái bàn self service chứ không chịu phục vụ khách. Biết là mình đang ở một khách sạn của Nhà nước quản lý nên tôi không dám kì vọng gì ở họ cả. Ở đây, họ là thượng đế, khách là nô lệ được thượng đế ban phát ân huệ.

Buổi sáng Đà Lạt rất dễ chịu. Nhiệt độ chắc cỡ 17-20 là cùng, nhưng ai cũng mặc áo lạnh cứ như là mùa Đông bên Tây. Đường lộ đầy xe gắn máy và họ cũng “loạn nhịp” y như ở những đô thị khác ở VN. Phụ nữ lái xe gắn máy còn đeo thêm cái khẩu trang như những người ở Sài Gòn. Họ ăn mặc nói chung là lam lũ chứ không có dấu hiệu gì của một địa điểm thanh lịch. Hết rồi những nàng Đà Lạt e ấp, má đỏ hây hây, và tinh tế. Hết rồi một Đà Lạt mộng mơ để Lam Phương viết “Thành phố buồn”, và cũng khó tìm “đồi thông vi vút nghe chừng lá động muôn phương.” Đà Lạt bây giờ hối hả lắm.

Nhìn những người cưỡi xe và những cái áo lạnh made in China ở đây và dòng xe gắn máy tôi cứ tưởng mình đang ở Hà Nội hay một thị xã nào đó ngoài Bắc.

Nhạc quán Diễm Xưa.

Tối nay, qua sự đưa đường chỉ lối của các bạn, tôi đi nghe nhạc ở nhạc quán Diễm Xưa. Đó là một không gian nhỏ nhưng ấm cúng và khá chuyên nghiệp.

Các nghệ sĩ ở đây tôi đoán là dân tài tử, những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, v.v... (Tức là những dòng nhạc “favorite” của tôi.) Tuy có vẻ là ca sĩ tài tử, nhưng họ chơi nhạc tuyệt vời. Chỉ với hai cây đàn Guitar và một sân khấu nhỏ, họ có khả năng làm mê hoặc khán giả và đưa họ về miền quá khứ với những ca khúc bất hủ như Biển nhớ, Phôi pha, Níu tay nghìn trùng, Diễm xưa, Hạ trắng, Cây đàn bỏ quên, Như chiếc que diêm, v.v...

Tôi đặc biệt ấn tượng với người chơi đàn Guitar (hình như tên là Đức Trọng). Trong suốt buổi trình diễn, anh đệm đàn cho hầu hết ca sĩ, và bài nào cũng hay. Suốt hơn 2 giờ đồng hồ, anh không phạm một tiếng đàn “lép” nào cả ! Anh chơi đàn một cách điệu nghệ, thả hồn theo tiếng đàn và giọng hát, đúng với phong cách của một virtuoso.

Phần lớn khán giả là người trung niên và đứng tuổi. Khỏi nói cũng có thể đoán được họ đến đây để thưởng thức những dòng nhạc của một thời xa xưa, hay tìm về kỷ niệm thời Sinh viên và học sinh trước 1975. Chỉ cần nhìn họ say mê thưởng thức nhạc cũng có thể đoán họ là những khán giả có trình độ văn hóa tốt.

Nhưng thật không may mắn vì có 2 người đàn ông hết sức mất lịch sự và vô giáo dục. Hai người này liên tục gây phiền nhiễu cho ban nhạc và khán phòng, vì họ nói chuyện lớn tiếng trên điện thoại. Họ còn mở loa để nói chuyện với con của họ ở nhà ! Họ nói giọng Bắc. Nhìn cách ăn mặc thì họ có vẻ là quan chức nhà nước. Những người này đi đâu cũng gây nhiễu. Chẳng hiểu họ vào đây để làm gì. Cũng may là họ chỉ nghe vài bài rồi bỏ đi.

Nói tóm lại, tôi đã có một buổi tối đẹp ở Thành phố sương mù. Lâu lắm rồi mới có dịp thưởng thức một chương trình nhạc có ý nghĩa và sâu lắng như thế này. Có thể xem đây là một “highlight” của chuyến đi và một kỷ niệm đẹp trong đời:

Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố.
Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ.
Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa.


Nguyễn Văn Tuấn