PDA

View Full Version : Cái lon Guigoz không khác nào cái nón sắt Chiến binh



Longhai
02-16-2016, 06:13 AM
Cái lon Guigoz không khác nào cái nón sắt Chiến binh


Nguyễn Cao Trường


Có ai có thể ngờ loại lon đựng sữa bột này đã trở thành một của quí trong các trại cải tạo. Cũng nhờ nó mà sống. Cũng vì nó mà có thể được thêm một người bạn. Và cũng có thể vì nó mà mất đi một người bạn khác.

Khi trình diện học tập cải tạo, tôi chỉ mang theo một số tiền nhỏ, gọi là để đóng tiền ăn cho một tháng, đúng như lời dặn dò của Việt Cộng trên đài truyền hình. Ngoài hai bộ quần áo mà một bạn hạ sĩ quan cho tôi sau 30-4-1975, hành trang của tôi có thêm một áo “len”, một áo mưa nhà binh mua ở chợ trời, một tấm “nylon” trải nằm, và đôi giày cao su hiệu Bata mà tôi còn giữ được cho đến khi được tha khỏi trại cuối cùng. Và một áo “blouson” mua từ Pháp mà tôi còn giữ được ở nhà má tôi ở tỉnh lẻ. Nhẹ nhàng khi bước ra khỏi cửa, tôi gở chiếc đồng hồ “Omega Dynamic” theo tôi từ lâu, để lại trên bàn. Ra đi không hề ngoái đầu nhìn lại vợ con còn đang ngủ, không có một nụ hôn trên má, không có lời giã từ, vì những thứ đó sẽ làm cho người nhà thêm khổ, thêm buồn, thêm cảm thấy bơ vơ không ai đùm bọc. Hướng về bến xe “lam”, mặt cuối nhìn chân đi hấp tấp, đầu như trống không. Khi đến bến đỗ, xuống xe và hướng về một quán nước bên đường ngồi xuống. Tôi nghĩ lúc đó là lúc duy nhất tôi còn hưởng được phút giây tự do trên cõi đời này. Cô bán hàng nước ăn mặc gọn gàng một bộ đồ kiểu trắng. Nhìn cũng biết trước kia, cô không phải thuộc loại bán hàng này, mà có lẽ là một cô gái “kín cổng cao tường”. Nhưng một khi thành phố “đổi đời” thì có chừa được ai. Cô cho tôi một trái dừa xiêm, bỏ một ít múi. Với ly dừa, tôi nhăm nhi từng ngụm thời gian còn lại trước giờ trình diện, mong chỉ đẹp dạ mát lòng chỉ phút này thôi. Nhìn cái đẹp của người bán hàng mà lòng không xao xuyến, không gợi cảm như bình thường. Trong cô cũng như trong tôi, tuy không nói ra mà ai cũng hiểu, cô đưa tôi lên đường trình diện… Chắc trong gia đình cô cũng có người đi trình diện…Khi uống xong, tôi hẹn cô một tháng sau sẽ về ngồi lại đây uống một trái dừa khác. Hy vọng sẽ ngọt ngào hơn ! “Em sẽ đợi anh về !” mà ánh mắt long lanh rơi lệ… Cả thành phố chìm trong bi thảm…

Chỗ tập trung là một trường học. Sau khi ghi danh, tôi tìm một xó yên tĩnh để trải chiếc nylon ra nằm, mắt nhìn trần nhà, mặc kệ cho ai ai nói nói ồn ào, bàn tán xôn xao. Chẳng bao lâu thiếp đi lúc nào không biết. Vào khoảng nửa đêm, có người đánh thức dậy và lùa chúng tôi lên xe, điểm danh từng xe một. Bỏ vải che kín xung quanh và phía sau Molotova, hai tay súng AK ngồi cạnh cửa, xe lăn bánh theo một đoàn dài, chạy ngoằn ngoèo trên khắp phố Saigon, rồi rẽ vào xa lộ.

Tới sáng thì xuống xe trong một khu vắng người trên lộ Bình Giả về Xuyên Mộc. Đây là trại đầu tiên, là Long Giao, trước là Trung Tâm Huấn Luyện Địa Phương Quân của Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Bắt đầu từ trại này, chúng tôi chia thành đội, và đội trưởng đầu tiên của tôi là ông Hà Trọng Tín. Đội phó là Phạm Văn Thường. Ở đây không có lao động, nhưng bắt đầu đóng tiền cơm và học tập chánh trị. Bắt đầu công tác “tẩy não”, thay đổi lối suy nghĩ trước kia là “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm”, là công lớn với huy chương này nọ, trở thành “tội ôm chân đế quốc, ăn gan uống máu đồng bào”… kèm theo những lời hăm dọa, “Đánh người chạy đi, không đánh người chạy lại”. Những điều đó thật chưa quen.

Phải học hoài mà khó mà tiếp thu cho được. Người nhà cũng cho gởi quà và thuốc men vào địa chỉ mà trại cho phép ghi trong thơ, nhưng tuyệt đối không được tiết lộ nơi đang bị giam giữ. Lần đầu tiên nhận quà, tôi được một lon Guigoz đựng thức ăn mặn, nên bị rỉ mất một lỗ nhỏ dưới đáy lon. Nhờ vậy mà tôi mới sử dụng được lon này để tắm. Ở Long Giao, nước phải lấy từ giếng sâu hơn 25 mét. Chúng tôi dùng thùng đạn làm gàu múc nước từ đáy giếng. Một cái rõ rẻ treo trên miệng giếng, và một dây cáp bằng nhiều sợi dây điện thoại kết thành dùng để kéo thùng nước lên. Hai người luân phiên kéo nước, một người đứng đổ nước vào thùng lớn bằng nylon, và hai con voi (trong đó có Huỳnh Minh Quang) gánh thùng nước lớn về bếp để nấu nướng. Tắm tại giếng là khi nào có trong nhóm lấy nước này thôi, vì không có phương tiện riêng để lấy nước một mình. Vì thế, xin được một lon nước là không dễ. Do đó, chỉ hài lòng với một lon nước để tắm gội. Tôi tìm một xó yên tịnh, đặt lon nước hơi cao, rồi mở cho nước rò từ dưới đáy lon mà tấm với cái khăn nhỏ chà xát quanh người. Chưa khi nào tôi thấy sung sướng được tấm như vậy. Một vài tháng sau thì vào mùa mưa, không còn khan hiếm nước nữa, nhưng cũng là lúc mà mình thấy không còn khỏe như trước vì ăn uống thiếu thốn. Trại bò lục lúc đó có khoảng 375 người mà bếp nấu một con gà trống già để chia nhau húp nước. Phần thì tay nghề nấu nướng của các quan, trước có người hầu hạ khi đánh nhau đã quen rồi, nên thủ bếp thì có lúc khê, lúc nhão, lúc sống, lúc cháy đen, nên chỉ ngày nào phụ bếp thì có cơm cháy để ăn. Mà đặc lợi này chỉ có khi có bạn làm bếp chia phần. Tiêu chuẩn cơm đã không đủ vào đâu mà còn bị hỏng mãi nên chỉ ăn được vào bụng chừng nửa tiêu chuẩn.

Tội cho các anh đã về hưu cũng vào đây, đã quá 70 tuổi rồi, mình đầy bệnh tật. Tội cho một chị nữ Quân nhân phải chung chạ với chúng tôi, vì là “bò lục”. Nên chúng tôi che màn cho chị ở riêng, làm nhà tắm để cho chị làm vệ sinh cá nhân. Còn cái cầu xí nữa, thật là trăm bề khó khăn cho chị. Mãi sau này đưa chị nhập chung với các nữ Quân nhân khác ở một trại khác, có lẽ sống đỡ hơn với chúng tôi.

Ở trại Long Giao, chúng tôi gần một năm sống ở đó, nên biết các kho tàng của chúng ta là các kho đạn cùng khắp trong trại. Vào đó mà hôi các vải túi đạn để may thành quần đùi, lấy vải quần áo trận trước kia làm bao lô, hay để nguyên vậy sau này mặc đi lao động khi đã ra Bắc. Có hôm hôi của, không biết có anh nào bất cẩn làm một kho cháy nổ tung, mặc cho cán bộ trại chửi bới và áp dụng kỷ luật. Những thứ chúng tôi hôi được cũng có thứ dùng đến mãi sau này, nhưng không có gì thay thế được cái lon Guigoz mà gia đình gởi đến. Vì nó vừa nhẹ, vừa đa dụng.

Khi ra Hoàng Liên Sơn mới lao động cực nhọc. Cái lon Guigoz theo sát chúng tôi như cái bidon đựng nước khi đánh trận. Ta chỉ cần may một bao, có quay mang vào vai, hay thắt ngang lưng. Sáng sớm, để trà sẵn vào lon, chạy xuống bếp chĩa một lon nước sôi là có uống cả ngày.

Đi lao động mà gặp bất cứ thứ gì có thể tăng cường bữa ăn, như con rít, con bò cạp, con rắn, con cua, con kỳ nhong, những thứ gì mà chỉ cần nướng sơ qua than hồng của bếp đội hay bếp trại, là ta bỏ vào lon mang về.

Về đến các trại do Công an quản lý, đi lao động có thể mang theo những thức ăn khô như mì ăn liền, cơm sấy khô để sẵn trong lon. Khi bếp đội nấu xong nước, chỉ cần đổ nước sôi vào, đậy nấp lại một ít lâu là có thức ăn nóng tuyệt vời. Có người còn được thăm nuôi cho gạo trắng, họ canh gạo và nước quen rồi, chỉ cần để lên than hồng khi nấu nước xong cho đến khi than nguội là nồi cơm tí hon cũng chín. Lon Guigoz đã biến thành nồi dã chiến hữu dụng nhứt.

Ngoài việc dùng làm nồi hay chứa thực phẩm không mặn, vì muối làm cho nhôm bị rỉ nhanh, có bạn còn dùng lon này để chuyển tin cho nhau. Để thơ hay tài liệu dưới thức ăn trong lon, và khi gặp người bạn ở đội khác, chỉ giả vờ trao đổi lon là xong, ít ai để ý. Chuyển thơ chui ra ngoài cũng theo cái lon đựng nước này, vì mang theo hai lon, một khô một ướt thì cũng ít ai để ý theo dõi. Trong một lon Guigoz có thể đựng hàng chục bức thơ nếu khéo nén vào.

Tại Nam Hà, chúng tôi chứng kiến một việc đau lòng quanh vụ lon Guigoz. Có một bạn mất lon đựng nước uống của mình. Ít lâu sau, một anh bạn khác chỉ cho, có thấy cái lon đã mất đang nằm ở đâu. Nhưng người chủ cái lon ấy nói, “bỏ đi! tôi có làm dấu, lấy lại thì dễ, nhưng tôi sẽ mất đi một người bạn, mà cũng có thể có thêm một kẻ thù”. Cũng tại Nam Hà, có lần một anh bạn nhờ tôi mang giao cho một cán bộ một lon Guigoz mới tinh, nói là trong đó có thơ chui của tôi. Khi ra ngoài trại, tôi kiểm lại coi có đúng vậy không, vì tôi rất mong tin nhà. Than ôi! Khi mở lon ra chỉ thấy một “T shirt” mới tinh, còn thơ thì chẳng thấy. Té ra, anh bạn ấy đã lừa chúng tôi, lấy mỗi thơ một đồng để mua cái áo kia mà biếu cho cán bộ. Còn thơ thì anh đã thủ tiêu đâu rồi. Chán ơi là chán !

Bao nhiêu năm tù bằng bấy nhiêu năm qua mưa đạn của kẻ thù, cái lon Guigoz không khác nào cái nón sắt chiến binh. Còn sống phút giây nào, tôi vẫn còn nhớ hai biểu tượng này trong tâm trí.


Nguyễn Cao Trường