PDA

View Full Version : NHÀ VĂN CAO XUÂN HUY - Nghe Huy kể chuyện



dnchau
02-12-2016, 05:25 PM
NHÀ VĂN CAO XUÂN HUY - Nghe Huy kể chuyện
NGUYỄN & BẠN HỮU

Cao Xuân Huy không cho mình là nhà văn và “Tháng Ba Gãy Súng” cũng không phải là tác phẩm nghệ thuật. Ông viết nó ra chỉ là do một nỗi bức bách để trả lời một ông tướng về việc mất Miền Nam. Trong lời tựa ông viết: “Quyển sách này không hề là tiểu thuyết mà là một hồi ký, bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. “Tháng Ba” thì mọi người đã rõ, còn “gãy súng” - tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục.
Chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải đã bị bẻ gãy không, khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đâu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi?
Tôi đặt chữ “gãy súng” cho quyển sách là như vậy. Tôi gọi “Tháng Ba gãy súng” là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết. Tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết. Và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết.” (theo Mặc Lâm RFA)
http://baotreonline.com/images/stories/BAOTREONLINE/TINTUC/Tin-anh/nghehuy-lechuyen-02.jpg
Cao Xuân Huy
Cao Xuân Huy sinh tháng 9 năm 1947, quê nội ở Bắc Ninh, quê ngoại ở Hà Nam. Sau hiệp định Geneve cắt đôi Việt Nam năm 1954, gia đình ông cũng bị chia hai. Cha ông ở kháng chiến về Hà Nội, chị ông ở lại Hà Nội với bố. Ông theo mẹ di cư vào Nam.
Tháng 2 năm 1968 Cao Xuân Huy đi lính Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975 đi cải tạo. Tháng 9/1979 ra, vượt biên năm 1982, đến năm 1984 định cư tại California Hoa Kỳ.
“Tháng ba gãy súng” là cuốn hồi ký được viết năm 1985, ghi chép lại những diễn biến của mặt trận Thừa Thiên- Huế đến khi tác giả bị bắt làm tù binh. Cuốn sách đã được tái bản đến 10 lần và có mặt trên 58 thư viện lớn trên toàn thế giới. Trong trường thiên tiểu thuyết “Mùa biển động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, ông cũng đã xin tác giả Cao Xuân Huy đưa y nguyên câu chuyện này vào tác phẩm.
http://baotreonline.com/images/stories/BAOTREONLINE/TINTUC/Tin-anh/nghehuy-lechuyen-01.jpg
Tháng Ba Gãy Súng
Năm 2005, Cao Xuân Huy làm chủ biên tạp chí Văn học kế tục sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đến tháng 4 năm 2008 Văn học phát hành số 236 thì đình bản vì lý do chủ biên bị ung thư mắt, sức khỏe suy yếu trầm trọng nên không thể cáng đáng tờ báo. Ngày 12/11/2010 nhà văn Cao Xuân Huy đã từ trần sau một thời gian dài bệnh nặng, tác phẩm cuối cùng ông xuất bản là tập truyện ngắn “Vài mẩu chuyện”.
Hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày Cao Xuân Huy lìa đời, nhiều độc giả và bạn bè vẫn còn nhớ tới anh. Sau đây là một mẩu chuyện được nhà văn/nhà biên khảo Đặng Phú Phong thuật lại theo lời kể của Cao Xuân Huy, cho thấy bộ mặt cuộc chiến và kẻ thắng người bại.

NGUYỄN & BẠN HỮU
Đặng Phú Phong
Có lần, trong một bữa nhậu, Cao Xuân Huy kể tôi nghe: Khi ở tù ngoài Bắc, một hôm, cán bộ vác súng dẫn Huy cùng bốn, năm bạn tù đi xuống dân làm công tác. Trước khi đi, cán bộ dặn, dân chúng rất thù ghét các anh, cẩn thận, đừng đến gần họ, không khéo phải đòn thù đấy. Khi đi ngang qua một chợ xổm, cả bọn cắm cúi đi nhanh nhưng cũng cố hết sức tránh va chạm với mọi người. Qua gần hết chợ, Huy mới len lén liếc nhìn chung quanh. Mắt Huy bắt gặp một cái mẹt đựng vỏn vẹn một miếng thịt heo luộc, để trên miếng lá chuối, ngồi đàng sau là một người đàn bà trạc 60. Thấy miếng thịt là Huy chảy nước bọt ngay.
“Chao ơi, chưa bao giờ tôi thấy nó ngon đến thế, ông ạ!” Chàng xuýt xoa.
Huy bước đi không đành. Mắt cứ dán vào miếng thịt. Bà bán thịt bỗng vụt hỏi, khiến chàng ta giật cả mình. “Lính Ngụy hả?”. Sợ bị đánh, Huy ngần ngừ, nhưng cũng phải trả lời. “Dạ vâng”. Bà bán thịt bốc miếng thịt, đứng dậy, vừa nhét vào tay Huy vừa nói: “Này, ăn đi con, ăn đi”. Cầm miếng thịt trong tay, Huy cứ run lên. Xúc động đến cùng cực. Nước mắt chảy dài trên má. Huy, hai tay để miếng thịt lại trong mẹt, nghẹn ngào cảm ơn. Rồi đi thẳng.
Huy kể chuyện, giọng đều đều, môi hơi nhếch lên, cười cười. Tôi xúc động một hồi lâu, rồi hỏi có viết ra không. Huy bảo “Có chứ”.
Hôm đọc xong Vài Mẩu Chuyện không thấy có chuyện này, định hỏi, nhưng rồi quên vì có nhiều chuyện nói hơn, nhất là trong thời kỳ này, anh đang làm chemotherapy.
Cao Xuân Huy không nói với mọi người mình là nhà văn. Và, những người viết về anh, gọi anh bằng cách của họ. Nhưng dù cách gọi thế nào thì họ cũng nói về một Cao-Xuân-Huy-Viết-Văn. Riêng tôi thì Cao Xuân Huy là một Nhà Văn. Thứ thiệt. Không cần kèm theo bất kỳ bổ từ rắc rối nào cả. Bây giờ Cao Xuân Huy đã ra đi, và, NHÀ VĂN CAO XUÂN HUY vẫn còn ở lại với chúng ta.

ĐPP - Nguồn: Da Màu