PDA

View Full Version : Freedom Flyers : Chuyến Bay Solo Cuối của Người Tù



Longhai
02-01-2016, 10:16 AM
Freedom Flyers : Chuyến Bay Solo Cuối của Người Tù
Phan Quang Trọng


Mỗi năm khi những cánh hoa Bluebonnet đầu tiên nở trên xa lộ 1604 là lúc những phi công Hoa Kỳ từng bị tù tại Bắc Việt tụ tập về Trung Tâm Huấn Luyện Randolph. Họ về đây để ôn lại kỷ niệm tù đầy gian khổ và chia sẻ kinh nghiệm sinh tồn với những lớp đàn con, đàn cháu đang được huấn luyện tại đây. Từng luống hoa mùa Xuân nở rộ dưới Quân kỳ của tất cả các đơn vị Không Quân Hoa Kỳ tung bay trong nắng Xuân như chào đón những người hùng giờ đây đã tóc bạc, da mồi, nhưng không kém phần lẫm liệt trong những bộ áo bay hào hoa. Bốn mươi năm trước họ là những chàng trai phong độ, ưu tú cũng đi qua con đường này bắt đầu chương trình huấn luyện để trở thành phi công chiến đấu. Trong đó có hàng trăm chàng trai Việt Nam Cộng Hòa cũng qua trung tâm này để trở thành những phi công trong Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Tôi hơi buồn vì không thấy một bóng dáng phi công Việt Nam nào trong buổi lễ vinh danh long trọng hôm nay. Ðối với cộng đồng KQHK, những “lão phi công” này được gọi một cách kính nể - Freedom Flyers.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/image001.png
Freedom Flyers, Randolph AFB, Mar 2008

Sau thời gian tù đầy lâu dài, đa số họ về Randolph để tái huấn luyện tại Không Ðoàn 560 được thành lập sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Không Đoàn 560 được thành lập với mục đích duy nhất là giúp các cựu tù nhân tập bay trở lại. Nhưng phần lớn những phi công này sau khi tái huấn luyện, nhận Pilot certification, bay chuyến bay Solo cuối đời binh nghiệp (fini-flight), rồi xếp chiến y để… về hưu hay chuyển qua các ngành nghề khác trong Binh chủng. Chương trình Freedom Flyers được thành lập để biểu lộ lòng biết ơn của Quân đội Hoa Kỳ với những hy sinh của tù nhân trong chiến tranh. Hình ảnh và tên tuổi của họ được trưng bày tại một nơi trang trọng nhất của Không Đoàn 560 do Ðại Tá Don Ellis chỉ huy. Những người được đề cập đến trong buổi lễ tôi thấy những tên tuổi quen thuộc như Thượng Nghị Sĩ McCain, Thượng Nghị Sĩ Denton, Ðề Ðốc Stockdale, Chuẩn Tướng Reisner, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Peterson, và rất nhiều tên tuổi khác mà tôi không nhớ hết.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/image0021.jpg
Ðại Tá Chỉ Huy Trưởng KÐ 560 Don Ellis (cũng là cựu tù binh)
chào mừng Cựu Ðại Tá Carlyle Harris, ông thày dạy Tap Code ở Hỏa Lò


Ðặc biệt tháng Ba năm nay con số Freedom Flyers về Trường Huấn Luyện Randolph San Antonio đông hơn mọi năm vì nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày trao trả tù binh Hoa Kỳ và cũng là ngày chương trình tái huấn luyện Freedom Flyers được thành lập. Ðứng trước hàng ngàn người lính trẻ tuổi là cựu Đại Tá Carlyle Smitty Harris, người bị bắn rơi tại Cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa ngày 4 tháng Tư, 1965 và là môt trong những phi công Hoa Kỳ bị giam giữ lâu nhất tại Bắc Việt. Carlyle chia sẻ với người trẻ có mặt những ngày ông bị hành hạ, nơi danh dự của ông bị tổn thương, và những đau đớn tinh thần và thể xác trong 8 năm sống tại Hỏa Lò mà ông gọi bằng cái tên khôi hài Hanoi Hilton. Ông kể lại sau nhiều tuần lễ biệt giam, ông đã mừng rỡ thế nào khi gặp lại đồng đội đến sau. Bị cấm không được nói chuyện bằng tiếng Mẹ đẻ thân yêu, ông đã dạy những người tù mới cách nói chuyện bằng tiếng gõ (tap code) theo mẫu tự ABC…đã có từ Thế Chiến thứ II. Nhờ đó họ trao đổi, học hỏi về chế độ tù Cộng Sản, và động viên tinh thần lẫn nhau giữ vững lập trường trong những ngày lao tù ác nghiệt. Với nụ cười bao dung, Carlyle kể lại ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Bắc Việt xa lạ không bao giờ ông quên được. Ông mời người bạn tù bị cùm chung xà lim cùng ông hướng về gia đình và ngày lễ truyền thống. Sau đó hai người xào nấu trong tưởng tượng bữa tiệc Tạ Ơn ngon nhất đời hoàn toàn bằng những tiếng gõ vào xiềng xích. Cuối cùng tap code đã bị khám phá bởi cai tù Cộng Sản và những trận đòn thù khó quên dành cho người thày dạy của nó. Nhưng những phi công gan dạ lại nghĩ ra những cách liên lạc khác ngay trước những con mắt cú vọ của cai tù bằng những cách không gây tiếng động (mute code), như những lát chổi quét dọn, như cách thả thư tại những điểm tụ họp, và bằng vài lon sữa không, như trò chơi trẻ con, để truyền tin cho nhau qua những bức tường bẩn thỉu, dày, và lạnh của Hỏa Lò.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/image003.jpg
Ðại Tá Carlyle Smith Harris – tập sống những
ngày tự do đầu tiên sau 8 năm tù tại Bắc


Cựu Ðại Tá Jerry Driscoll kể lại ngày tất cả tù nhân HK bị bắt đi diễn hành trên hè phố Hà Nội xám xịt ngày 6 tháng 7, 1966. Trên đường đi, họ bị cùm chung với nhau và Cán bộ dân phố được chỉ thị trước đã hò hét động viên người dân Hà Nội bày tỏ thái độ căm thù hạ cấp với “Giặc Lái” Hoa Kỳ. Hôm đó họ bị dân Hà Nội đánh bằng gậy và gạch đá. Mặc dù đau đớn và nhục nhã, nhưng người tù khốn nạn rất mừng vì lần đầu tiên được trông thấy nhau, có cơ hội trao đổi tin tức, biết ai còn ai mất. Chính quyền Hà Nội định đem tù binh ra bêu xấu nhưng không thành. Thế giới tự do thấy được cách đối xử kém văn minh của người Hà Nội qua ống kính ký giả Quốc tế. Sau dịp đó cái trò diễn hành bêu rếu tù bình không bao giờ được lập lại.

“Chương trình Cuba cũng là một trò đểu cáng khác của Hà Nội”. Cựu Ðại Tá Ed Habbard tiếp lời Jerry. Chính quyền Hà Nội đã dùng những người Cuba da trắng biết nói tiếng Anh thông thạo để tra khảo và tra tấn dã man một số tù nhân Hoa Kỳ tại Hỏa Lò. Những người này bị bắt ký vào biên bản lên án Chính phủ, Tổng thống Mỹ và xin đầu hàng vô điều kiện. Hà Nội đã dùng thủ đoạn để lừa tù nhân và dùng họ để lên án Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền miền Bắc. Trong ánh mắt buồn, Ed không dấu vẻ đau lòng “đây là những trò hèn hạ và khốn nạn nhất dành cho các Quân nhân có văn hóa và trọng kỷ luật Quân đội”.

Khi một phi công bị bắt sự đau khổ không chỉ giới hạn với cá nhân họ mà cả gia đình người thân. Phu nhân Ðai Tá Harris, Bà Louise và hai con thơ đã phải sống những ngày cô đơn cay đắng. Bà Louise kể đã dạy hai con thế nào để chúng không quên người Cha mất tích “Tôi luôn nhắc với hai cháu những kỷ niệm về Carlyle, những thói quen và ưa thích của anh ấy. Tự nhủ hãy cố sống thanh thản xem như mọi sự đều tốt đẹp !”. Trong 8 năm dài, Bà Louise nhận được 14 lá thư của chồng. Bà tâm sự “Trong những năm tháng này, không phải lúc nào chúng tôi cũng có nghị lực, có những lúc tôi tưởng đã không còn hy vọng. Rất may Carlyle đã chuẩn bị cho tôi biết sống xứng đáng trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất.” Một điều giúp họ vượt qua được thử thách này là niềm tin vào ý chí sống còn của Carlyle. Bà Louise khuyên những người vợ lính trẻ đang lắng nghe: “Các bạn có biết các bạn có thừa khả năng để sống trong mọi nghịch cảnh không ? Ðừng bao giờ quên điều đó.”


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/image004.jpg
Ông Bà Louise và Carlyle Harris,
Missing Man Memorial, Mar 2008
Hoàng Lan Chi ghi chú: Ts Phan Quang Trọng ( áo trắng)


Nhưng không phải ai cũng may mắn như cặp uyên ương Carlyle - Louise. Cựu Trung Tá Elmo Baker, hiện là chủ tịch Hội Tù Nhân Chiến Tranh Việt Nam, tâm sự người vợ thứ nhất của ông đã không đủ kiên nhẫn đợi chồng khi nghe tin ông bị bắn rơi tại vịnh Bắc Bộ. “Nhưng Chúa gửi thử thách cho mình thì cũng không quên ban cho một phép lạ”. Elmo cười hóm hỉnh, “Nhà tôi hiện giờ chính là vợ người bạn đã bay chung và tử nạn trong chuyến oanh kích Bắc Việt. Chúng tôi có thêm hai đứa con chung với nhau”. Tôi nhớ lại hoàn cảnh tương tự của nhiều cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, không phải ai đi tù về cũng có “người yêu nằm chờ bên gối” như trong một bài hát của Phạm Duy. Lòng tự trọng và chung thủy của người vợ lính như Bà Louise trong bất cứ xã hội nào cũng đáng phục. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam sau 75, sự hy sinh của phụ nữ Việt quý giá gấp trăm lần.

Trong lúc trò chuyện với các lão tướng, Ðại Tá Don Ellis, chỉ huy trưởng Không Đoàn 560, đập vai tôi và hỏi “Bạn có phải là người Việt không ?”. Tôi nhanh nhẹn gật đầu. “Thế bạn có biết Ðạt Nguyễn là ai không?”. Tôi chưa thấy người Mỹ nào nói được chữ Nguyễn rõ hơn, “Dân Việt Nam ở Texas làm sao không biết Ðạt Nguyễn, phải anh chàng linebacker cho Dallas Cowboy chứ ?”. Ông mỉm cười và đưa tôi xem hình một người Việt Nam trung niên đẹp trai với hàng râu mép và nụ cười thân thiện. “Không tôi muốn nói đến ông Ðạt này, tất nhiên ông ta cũng trạc tuổi chúng tôi, ít nhất cũng 7 bó rồi “. Qua câu chuyện với Carlyle, Don, và Elmo, tôi được biết thêm một “Giặc Lái” (Cộng Sản Hà Nội gọi phi công Hoa Kỳ là giặc lái) Việt Nam chính cống tên Nguyễn Quốc Ðạt. Ông là người Việt Nam duy nhất bị giam giữ chung với các tù nhân Hoa Kỳ. Prison code name của ông tại Hỏa Lò là Max.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/image005.jpg
Ðại Tá Don Ellis, Chỉ Huy Trưởng KÐ 560,
Missing Man Memorial, Mar 08



Elmo, đúng là chủ tịch Hội Cựu Tù Nhân Hoa Kỳ, biết rất rành về ông Ðạt. Elmo kể ông Ðạt là một phi công khu trục của Không Quân Việt Nam, khi ông Ðạt bị bắn rơi tại miền Bắc, trong túi ông Cộng Sản tìm thấy bằng lái xe Texas (ông lấy bằng lái khi tập bay tại Randolph năm 63), bằng công dân danh dự của tiểu bang Texas có chữ ký của Thống Đốc Connally, và trên tay còn đeo chiếc nhẫn ra trường từ Trung Tâm Huấn Luyện Randolph. CS không tin ông là dân miền Nam, đinh ninh ông là công dân Hoa Kỳ, và quyết định giam ông với các phi công Hoa Kỳ. Elmo nói “Nếu bạn có cậy miệng Max cũng không nói gì nhiều về 7 năm ông sống với chúng tôi tại Hỏa Lò đâu! Ông ta không thích khoe thành tích. Nhưng không một tù nhân Hoa Kỳ nào sống tại Hỏa Lò mà không biết Max Ðạt”. Theo các các cựu tù Hoa Kỳ tôi có dịp tiếp xúc, chính ông Ðạt đã giúp họ biết phải làm gì để sống còn trong trại tù Cộng Sản. Nhờ nói tiếng Việt và thông thạo Anh Ngữ, ông Ðạt trở thành người cung cấp những tin tức quan trọng cho các tù nhân Hoa Kỷ qua những tiếp thu và đánh giá tình hình của ông. Ðề Ðốc Stockdale kể lại trong một bài báo, nhờ ông Ðạt mà Stockdale biết trước cuộc tổng phản công Mùa Hè Ðỏ Lửa trong lúc ông đang ngồi tù tại Hỏa Lò. Sau khi được trao trả về miền Nam, ông Ðạt được mời qua Randolph năm 1974 để tái huấn luyện và trở thành thày dạy tại trung tâm. Ðầu năm 75, ông tình nguyện trở về Việt Nam để chiến đấu bên cạnh các Chiến hữu Không Quân Việt Nam. Khi hay tin miền Nam sắp mất vào tay Cộng Sản, các bạn tù Hoa Kỳ tại Hỏa Lò đã vận động nhà triệu phú và ứng cử viên Tổng thống Ross Perot đưa ông trở lại Hoa Kỳ. Ông Ðạt đi học và trở thành Kỹ sư cho hãng EDS do Ross Perot làm chủ tịch. Ông Ðạt có lẽ là một Sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa hiếm hoi được nhận huy chương Legion of Merits, một trong những tưởng thưởng cao quý nhất của quân đội Hoa Kỳ. Ông hiện về hưu, sống với vợ và hai con tại California. Hai người con của ông hiện là Sĩ quan của Quân đội Hoa Kỳ, xuất thân từ Trường Võ Bị West Point và Air Force Academy.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/image006.png
Ông Nguyễn Quốc Ðạt, Prison Code Name Max

Xin cảm tạ các Binh sĩ Hoa Kỳ đã chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng Tự do tại miền Nam Việt Nam

Phan Quang Trọng
(nguồn: http://hoanglanchi.com/?p=8600 )