PDA

View Full Version : Màu - Pleiku



Longhai
01-25-2016, 10:13 PM
Màu - Pleiku


Phạm Lương



Pleiku ngày đó: Gặp và quen Màu thật tình cờ. Từ đó Màu và Pleiku như một danh từ kép - Ba mươi tám năm đã qua, tôi vẫn bâng khuâng khi nghĩ lại những ngày tôi và Màu ở Pleiku. Tình yêu không có đoạn kết, và chẳng biết tại sao tôi và Màu mất nhau.........


Tôi trình diện TĐ 21 BĐQ ở Biển Hồ, Pleiku. Thời gian vừa đủ để làm quen mặt lính trong Trung đội thì Tiểu đoàn hành quân Lâm Đồng, sau đó Phan Thiết. Dù đã được huấn luyện và chuẩn bị tinh thần rất kỹ ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào cổng trường Võ Bị Đà Lạt, tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ với lối sống thật khác biệt và hành quân liên tục như những ngày này. Một hai đêm trước đây, tụi tôi còn ở Lâm Đồng, ngay trên Quốc lộ 20, gần sông Đại Ngã, hôm nay đã ở Phan Thiết. Hành quân ở vùng này rất khó chịu vì oi bức. Tiểu đoàn tôi đi khắp vùng Ma Lâm, Thiện Giáo, Khu Tam Giác Sắt và mật khu Lê Hồng Phong. Thời tiết nóng, nhưng cũng nhiều khi ngang qua những vùng lúa xanh mướt, mãng cầu nổi tiếng, mía lau ngọt thơm và đặc biệt đào lộn hột, màu hồng thật dễ thương, nhưng ăn vô thì khan cổ, khó chịu.

Mỗi lần hành quân khoảng 10 ngày, về thành phố vài ngày - Những ngày không hành quân tôi thường tới quán cà phê gần phi trường. Cô chủ còn độ tuổi học sinh, mặt dễ thương, giọng Nam ngọt ngào. Mỗi lần vào quán, tôi thường ngồi bàn gần cửa. Cô thường ngồi nói chuyện với tôi, nhất là những khi quán vắng khách. Cô dành cho tôi tình cảm hơi khác với những khách hàng hay lui tới như tôi - Ly cà phê sữa, hơi nhiều sữa, không thuốc lá, bình trà mới thật nóng, cái ly nhỏ lau khô cẩn thận. Không biết tại sao, các bản nhạc cô chọn thường rất hợp với tôi. Tôi nói với cô tôi thích nhiều cà phê, ít sữa, nhưng bao giờ cô cũng làm ngược lại. Cô nói: em thấy Thiếu úy cần nhiều sữa hơn thì phải - Đại khái những câu chuyện vô thưởng vô phạt nhưng cũng vui vui. Nhiều khi phải nhắc mấy lần, cô mới miễn cưỡng đứng lên tiếp người khách mới vào. Tôi đùa :

- Cô bé đừng mang họa cho tôi đấy, tôi còn yêu đời lắm. Đừng làm cho người ta tưởng lầm, có ngày tôi ăn lựu đạn.

- Sao anh cứ gọi là cô bé hoài, em lớn rồi ! Cô bé nhăn mặt.

- Vậy thôi gọi tên được chưa ?

Cô ta ngúc ngoắt lọn tóc óng mượt gật đầu. Từ đó tôi gọi Kim mỗi khi tôi tới quán. Tôi thích thú vì có chỗ ghé sau mỗi lần hành quân, thỉnh thoảng còn có vài trái mãng cầu thật to, chín cây. Kim nói :

- Anh mang về, mãng cầu nhà em đấy !

- Khi nào anh ghé thăm nhà em được không ? Tôi hỏi Kim.

- Lúc nào cũng được. Kim cười vui vẻ.

Hôm ấy về đơn vị, Tiểu đoàn nhận lệnh chuẩn bị ra phi trường ngay ban đêm, về Pleiku. Vậy là tôi rời Phan Thiết trong âm thầm, không kịp chào từ giã Kim. Thôi nhé ! Giã biệt.

- Em có nhớ, lần anh thấy em nhìn anh với ánh mắt thật khác thường, anh đã nói : Đừng bao giờ dại dột yêu lính tác chiến, nhất là lính BĐQ.

- Anh đi bất ngờ như anh tới. Cuộc đời lính tác chiến nay đây, mai đó. Thoảng qua như làn gió, tình cảm trao nhau chưa kịp đậm đà

- Thôi ! Chúc em luôn vui, yêu đời, nếu có dịp nào, anh sẽ ghé thăm em.

***

Về Pleiku, ngày hôm sau, kiểm tra trực gác xong, mượn chiếc xe Jeep của Trung úy Châu ĐĐT, ra thăm thành phố. Gần ba tháng rồi, mang tiếng ở Pleiku mà chưa bao giờ ra khỏi Biển Hồ. Tôi lái một vòng gần khắp thành phố, cuối cùng dừng xe bên lề đường ngay trung tâm, mua tờ báo, vừa ngồi ngắm thiên hạ, vừa đọc báo. Buổi chiều, thành phố nhiều người qua lại. Loáng thoáng đủ loại xe, một vài cặp tình nhân thong thả đi bộ trên vỉa hè. Một người lính BĐQ, tay dắt bé gái, lững thững theo sau cô vợ trẻ, thấy vui vui và hạnh phúc. Bên kia đường một anh Pilot, hông lủng lẳng khẩu Rulo, bên cạnh một người đẹp. Thành phố Lính, đúng như mọi người gọi, chỉ thấy lính và lính. Ngồi trên xe, dưới bóng một tàng cây lớn, nhìn bao quát nhiều con đường, những căn phố nằm san sát trên đường Hoàng Diệu, chạy thẳng tới tận ngã ba Thiết Giáp, về Qui Nhơn. Trước mặt tôi, con đường rẽ phải xuống Chùa, rẽ trái lên ngã ba Diệp Kính và dốc Phượng Hoàng. Đang lơ đãng tận hưởng khoảnh khắc thanh bình, an nhàn, tôi bỗng chăm chú nhìn hai cô gái, áo dài trắng, vừa cười giỡn, vừa liến thoắng nói chuyện. Hai nét mặt chợt nghiêm khi thấy tôi đang nhìn. Chờ hai người đi sát gần, tôi mỉm cười, chào cầu tài. Hai cô cau mặt nhìn nhau như thầm hỏi : không biết ông Thiếu úy BĐQ chào ai.

Tôi cảm thấy mình vô duyên, có quen biết gì đâu mà chào. Nếu không phải vì nụ cười vừa kiêu ngạo, vừa khuyến khích trên khuôn mặt đẹp, cặp mắt to, chắc không bao giờ tôi đủ can đảm theo chân cô bé vào buổi chiều nóng khô, không chút gió, buổi chiều cuối hè. Những cây Phượng thật cao dọc theo đường phố chỉ còn hoa rải rác, họa hoằn lắm mới có một cành hoa rơi nhẹ xuống mặt đường. Dù chỉ nhìn thoáng qua thôi, tôi cũng nhận ra cô gái có mái tóc thề vừa chấm bờ vai, khuôn mặt thoang thoảng nụ cười nghịch ngợm, kiêu sa. Có một cái gì thật cuốn hút và gần gũi. Hai cô gái vẫn tiếp tục đi và tôi vẫn nghe vang tiếng cười. Tôi nhủ thầm: Gớm chuyện gì mà vui thế - Hai cô coi khách qua đường như không có, bản tính cố hữu của những cô gái đẹp và biết mình đẹp. Cô gái, vâng, chính cô gái tôi thầm chọn ngoái đầu nhìn lại như tìm kiếm người nào. Cô thấy tôi vẫn ngồi trên xe, cô cười thật nhanh và quay lại tiếp tục đi - Tôi thẫn thờ, nụ cười như mời gọi làm tôi khó xử. Hai tà áo dài sắp sửa rẽ sang trái lên dốc Diệp Kính, tôi vẫn cứ nhìn theo. Làm gì bây giờ, đi bộ theo sau thì kỳ lắm - Cuối cùng, như không cưỡng nổi, tôi nổ máy và chiếc xe như bị nam châm cuốn, cứ rề rề theo sau hai tà áo trắng. Ý tưởng được quen và nói chuyện với hai cô gái làm tôi phấn chấn hẳn lên.

Cô gái quay mặt lại, một thoáng ngạc nhiên khi thấy chiếc xe đã gần sau lưng. Cặp mắt ánh nét vui, nụ cười ngạo nghễ như thầm nói: "Tôi biết thế nào ông cũng phải theo tôi"- Có lẽ cũng đã nhiều người trước tôi như vậy. Chỉ còn vài bước nữa là tôi chạy ngang hai cô. Cô gái nói nhỏ với người bạn, rồi cả hai bước vội vã băng ngang sân nhà thờ, mất hút. Tôi muốn bỏ xe đi theo, nhưng e ngại. Đối với những người như hai cô này, sinh ra để làm khó những anh chàng si tình, phải lui một bước vậy. Đừng dại dột làm chiếc bóng, sẽ chẳng bao giờ gần được chiếc hình đâu. Tôi dừng lại tiệm tạp hóa, mua một gói kẹo, định bụng đem về cho người lính giúp nấu ăn, giờ này chắc cậu ta cũng đang chờ tôi về ăn cơm.

Tiểu đoàn khi không hành quân, ở hậu cứ, những người có gia đình ra trại gia binh, còn những người độc thân nằm trong trại. Tôi, hai người truyền tin, người lính ô đô, đều độc thân nên tụi tôi ăn cơm chung, nói chuyện gẫu như một gia đình nho nhỏ. Đêm đó, tôi nằm trên võng cứ vẩn vơ nghĩ về cô gái, nhất là nụ cười và đôi môi đỏ của cô.... tôi thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ, tai còn mơ màng nghe tiếng ai đó ca :

Em đến thăm anh một chiều mưa, mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều - Em đến thăm anh người em gái... tà áo hương nồng... mắt duyên trìu mến, sưởi ấm lòng anh...

Sáng hôm sau, đang nhâm nhi ly và phê với mấy thằng bạn cùng khóa, cùng về Tiểu đoàn một lần, đang nói chuyện về những ngày dạo phố, đánh Billard tại Hồng Ngọc, ăn chè ở đường Minh Mạng ĐàLạt, truyền tin mời đi họp - Thôi tan hàng Tự Thắng.

Tiểu đoàn nhận lệnh hành quân 10 ngày. Tôi tập họp trung đội, ban lệnh chuẩn bị, một ngày cơm nóng, ba ngày cơm sấy, hai đơn vị đạn. Xe tới, đi mở đường đèo An Khê, chạy ngang qua dốc Diệp Kính, trước khi rẽ theo quốc lộ 19 - Tôi cứ nhìn hai bên đường, biết đâu chẳng thấy tà áo trắng, làm gì có - Trở về thực tế, tôi chăm chú nhìn vào bản đồ, hết giờ mơ mộng. Đường đi An Khê không xa lắm, xuống xe chuẩn bị đóng quân đêm. Ngày hôm sau giữ đường. Hành quân mở và giữ đường rất nhàm chán, nhưng nếu lơ là thì bị phục kích ngay. Tôi luôn luôn cho lục soát kỹ hai bên đường, vào sâu trong rừng ít nhất 100 thước. Nhiều đơn vị ỷ y, tới là rải quân, tụi VC sẽ điều động từ xa tấn công, rất nguy hiểm. Vào buổi sáng, sau nhiều ngày mở đường, VC biết quy luật, lại càng phải cẩn thận. Tôi dặn dò binh sĩ lục soát kỹ, canh gác kỹ - Khi hành quân tôi rất cẩn thận, lúc súng nổ hăng máu thì liều lĩnh, nhưng khi về hậu cứ thì hơi khó kiếm. Không hành quân, tôi nhất định phải ra phố : cà phê, billard, nếu có tiền thì vào phòng nhảy, nếu không thì kiếm đào mang theo, chỉ phải mua hai chai nước thôi, tính tôi ham vui nên luôn luôn thích không khí vũ trường.

Buổi chiều ngày thứ mười, mặt trời sắp ngả sau mấy cây thật lớn, có lệnh sẵn sàng, khi có xe tới thì lên xe. Tôi ban lệnh miệng cho Trung đội, khi người lính cuối cùng lên xe, đoàn xe hướng về Pleiku. Tôi rất vui, gọi máy cho Trung úy Châu : Ngày mai Trung úy cho tôi mượn xe nghe ! Trung úy Châu cười dễ dãi - Ông ta có vợ con, những ngày không hành quân, chỉ loanh quanh ở nhà, mọi công việc ở hậu cứ đã có tôi, bù lại, ông luôn giao xe cho tôi - Ông cũng tâm lý lắm, hết tiền thì có năn nỉ tôi cũng không ra khỏi trại.

Trưa hôm sau, cũng vẫn bổn cũ soạn lại, đang nằm tòn teng trên võng, đọc mấy tờ báo, nghe radio thì tài xế đem xe tới :

- Trung úy Châu nói Thiếu úy cứ lái xe đi, tới tối cũng được, xăng đổ đầy rồi. Thiếu úy có cần tôi theo xe không ? Anh ta còn hỏi.

- Thôi, anh ở nhà đi. Ngày mai nhớ ghé mang xe trả Trung úy.

Lái một vòng thật lớn tại Pleiku, xuống ngã ba Thiết Giáp, lên khu Chợ Mới, chạy lên đồi Pháo Binh, ngang qua trường trung học. Mùa hè, trường đóng cửa, cuối cùng trở lại đường Hoàng Diệu. Đậu xe, đi bộ dọc theo phố, chẳng biết bắt đầu từ đoạn nào, phố vắng người. Ngang mấy tiệm tạp hóa, tiệm may, tiệm phở và chè Diệp Kính, tôi nhìn vào quán, chiếc bàn gần cửa có bóng ai ngồi quay mặt vào trong, chiếc áo dài trắng hơi lạ, hai cánh tay gần vai có khuyết và luồn giây màu đỏ. Tà áo trắng làm tôi chăm chú, sao giống cô bé tôi gặp bữa nào vậy. Trở lại một lần nữa, khi biết chắc chính cô bé đã làm tôi mơ mộng suốt ngày đang ngồi một mình, tôi bước vào quán, đi thẳng tới bàn cô, đột ngột hỏi :

- Xin lỗi cô, tôi có thể ngồi chỗ này không ?

Ánh mắt cô nhìn sang các bàn trống bên cạnh như thầm nói : "Sao ông rắc rối vậy ? Bàn trống thiếu gì sao không ngồi!"

Cô trả lời:

- Tôi không phải là chủ, Thiếu úy hỏi chị kia kià.

Nói rồi cô chỉ ngay người ngồi ở quầy tính tiền. Tôi tảng lờ như không nghe, kéo ghế ngồi đối diện. Cô bé nhìn lên trần nhà, cố dấu nụ cười. Chắc cô ngạc nhiên, tôi hơi lỳ lợm. Tôi hỏi tiếp :

- Cô kêu gì chưa, tôi mời cô ly chè được không ?

Cô gái không dấu nụ cười ngạc nhiên, chắc cô thầm nghĩ : "Sao lại có người tự nhiên như vậy nhỉ ! Không quen, không biết mà lại làm ra vẻ thân thiết ". Cô trả lời chậm rãi :

- Cám ơn, tôi kêu rồi. Tôi chờ anh tôi thôi !

Tôi hơi thất vọng nhưng định bụng nếu anh cô tới thì cứ như người xa lạ (tất nhiên là xa lạ). Hai ly chè lạnh mang ra, nhìn hai ly chè cùng loại, tôi nói :

- Cô cũng thích chè Sâm bổ lượng? Vậy là mình giống nhau nhỉ !

Chờ thật lâu không thấy ai tới. Tôi nhìn cô bé, thấy cô vẫn ngồi thản nhiên ăn từng miếng nhỏ. Nhìn thái độ của tôi, cô ta như đọc được ý nghĩ, nên mỉm cười nói :

- Tôi không muốn ông ngồi chung bàn nên nói vậy thôi chứ có chờ ai đâu !

Nghe vậy, tôi như được tăng thêm hy vọng nên mạnh bạo lên tiếng :

- Tôi lại thích được ngồi cùng bàn và được quen với cô nữa !

- Quen tôi ? Cô bé cười, hỏi gặng lại.

Tôi mừng vì cô ta bắt đầu trả lời. Chỉ cần trả lời là được, có nhiều hy vọng tiến tới ...

Chỉ sợ mấy cô lạnh lùng. Tôi gợi chuyện tiếp:

- Xin lỗi cô tên gì cho tôi biết để dễ gọi!

Không trả lời, có lẽ đây là câu hỏi... khó - Mới gặp nhau đây, làm gì đã cho biết tên được - Tuy không trả lời nhưng cô cũng không vội vã, cô vẫn thư thả ăn từng miếng nhỏ. Chiếc muỗng chạm nhẹ vào thành ly tạo nên những tiếng lanh canh nghe êm tai. Tôi nhận ra cô gái không muốn ăn nhanh, cố kéo dài thời gian - Tiếc rằng câu chuyện của tôi và cô bị ngắt quãng, nên tôi cũng chỉ biết ngồi nhìn cô ta mà thôi. Cuối cùng hai ly đá lạnh mang ra, cô cầm chiếc ví nhỏ lên. Thấy vậy tôi nhanh hơn đi trước tới quầy trả tiền. Khi cô bé đưa tiền cho người chủ, chị ta thảng thốt :

- Chết, chị xin lỗi. Chị tưởng em đi chung với Thiếu úy đây nên nhận tiền lỡ rồi! Hay để chị trả lại nghe !

- Thôi ! lần sau cô trả cũng được. Tôi cười.

Cô bé miễn cưỡng cám ơn rồi ra khỏi quán.

Tôi ra trước, nán lại chờ để cùng đi với cô. Nhưng cô bé khôn ngoan đã rẽ ngay vào hàng vải. Tôi lững thững một mình, thấy tiêng tiếc một dịp làm quen đang thuận tiện, nhưng tôi tự an ủi : Thôi ! Vậy cũng đủ rồi, còn có dịp khác nữa mà! Tôi về Biển Hồ mà lòng phơi phới. Một ngày của đời lính độc thân, nếu không có hành quân và nếu không có một bóng hồng để tâm sự thì đúng là dài lê thê.

Chiều đến, có lệnh họp hành quân. Tiểu đoàn hành quân Kon Tum, chỉ hai chữ Kon Tum thôi cũng đã hứa hẹn hành quân dài ngày và nguy hiểm. Đoàn xe theo Quốc lộ 14 đi Kon Tum, bốn mươi cây số, nhưng phải mất hơn hai giờ xe, vì lý do an ninh. Lệnh tiếp tục đi Tri Đạo, Tân Cảnh. Đêm đó đóng quân tại một trường học bỏ hoang, sáng hôm sau vào rừng, đi ngược lên phía Bắc. Đi đã mấy ngày, rừng rậm, cây lớn. Khoảng ba giờ chiều đã phải dừng quân, đóng quân sớm để đào hố phòng thủ cũng như bố trí các toán tiền đồn, canh gác.

Ngày kế tiếp, Trung đội tôi đi đầu đội hình, tôi đi thứ năm, sau tôi là hai truyền tin và bảo vệ sát theo - Khoảng xế trưa, vượt một khoảng tranh lớn, kế tiếp một trảng tranh nhỏ, vừa vào cánh rừng thì thấy lố nhố Việt cộng, quần áo xám tro, chính quy Bắc việt - Tôi vừa la : "Phục kích", thì hàng loạt đạn quét về phía đội hình. Tụi tôi dạt sang một bên, cố tìm những cây để che đạn. Hai người truyền tin theo chân tôi, kèm theo ba người lính kế tiếp nữa - Đạn bắn như mưa. Tôi thật sự hoảng hốt, cầm ống liên hợp máy báo cáo. Mấy trung đội phía sau cũng ào hàng ngang lên. Một loạt đạn quét ngang mặt đất, tôi trúng đạn. Cạnh đó hai người lính nữa cũng trúng đạn. Tôi bị ngã nằm xuống nhưng vẫn cố đưa tay ngoắc mấy người lính kế cận, ra dấu hiệu bắn tối đa và chuyển qua hàng ngang - Đạn đủ loại nổ dòn, trên trời, chiếc L.19 nhào qua lại rồi rời khoảng trời cho pháo binh yểm trợ. Tiếng pháo binh bắt đầu nổ, Súng đôi bên vẫn tiếp tục nổ, tiếng máy truyền tin trao đổi, trung đội tôi vẫn nằm tại chỗ nhả đạn liên hồi, quyết không để cho VC xung phong. Hơn nửa giờ sau, tiếng súng bắt đầu thưa dần. Y tá chuyển tôi và những người bị thương ra gần trảng tranh chờ tản thương - Mấy thằng bạn biết tôi bị thương gọi máy hỏi thăm tới tấp - Vết thương trúng chân trái, chiếc giày MAP đã được cởi ra để bên cạnh, chỉ còn một chiếc. Tiếng máy bay trực thăng tới gần, chúng tôi sáu người được cõng chạy ra hai chiếc máy bay. Cả súng đạn, cả ba lô và chiếc giày bị lủng ngang mắt cá đều được đưa theo tôi.

Trực thăng đưa tôi về bệnh viện Hai Dã Chiến. Vết thương trúng chân không đến nỗi tệ, được bó bột tới đầu gối. Còn năm người lính Trung đội tôi thì hai người bị nặng, ba người khác nhẹ ...

Nằm Bệnh viện, ngày nào cũng có quà ủy lạo, kem đánh răng, sữa hộp, kẹo bánh, giấy viết thư, khăn mặt v.v... Tôi chia bớt cho mấy người cũ, ít ủy lạo hơn. Tôi chợt nghĩ đến người đẹp Pleiku, giờ này mà gặp mặt thì vui biết mấy. Tôi ao ước được gặp lại khuôn mặt trái xoan, nụ cười xinh và mái tóc của cô nữ sinh. Tôi nhớ giọng Bắc ngọt ngào, cách trả lời thông minh của cô bé. Nằm bệnh viện Hai Dã Chiến mười ngày, có lệnh chuyển về Pleiku - Tôi chia phần quà còn lại cho mọi người, quần áo, ba lô, đôi giày lủng theo tôi nằm ngay ngắn dười chân băng ca, gia tài tôi chỉ có vậy - Máy bay tới, tôi bắt đầu từ giã mọi người. Ai cũng chúc tôi mau lành, gặp lại gia đình v.v... Tình chiến hữu làm tôi cảm động. Trực thăng đáp xuống ngay Quân Y Viện Pleiku. Tôi được đưa về Ngoại Thương Hai. Trung sĩ Sơn, y tá trực đưa tôi về phòng bệnh dành cho sĩ quan, vừa đi vừa nói với tôi :

- Thiếu úy nằm một mình. Tháng trước bốn giường đầy hết. Ngày mai bác sĩ sẽ khám vết thương. Nếu cần gì Thiếu úy cứ mở cửa phòng gọi tôi.

Tôi nhìn quanh. Phòng có bốn giường, sạch sẽ. Tôi lựa nằm giường gần cửa sổ. Chỉ một chút xíu sau, đợt khách đầu tiên tới thăm tôi. Họ là những người bị thương trước, có người đã nằm ở đây cả năm, đủ loại thương tật. Họ cởi mở, vui vẻ làm tôi cũng vui lây. Tình lính thật chân thành và nồng nhiệt. Một người lên tiếng :

- Thiếu úy muốn mua gì kêu tụi em. Tụi em xuống Câu Lạc Bộ hay ra Pleiku mua cho !

Nằm bệnh viện Pleiku được bốn ngày, tôi đã quen quen, nên thường đẩy xe lăn ra phòng Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ đánh cờ, uống cà phê, tán dóc. Bác sĩ nói vết thương của tôi phải bốn tháng mới lành hẳn - Bốn tháng! Biết làm gì cho hết ! Chiều nay thứ bảy, đang ngồi trên xe lăn xem chơi Domino, Trung sĩ Sơn gọi :

- Thiếu úy về phòng đi. Phái đoàn học sinh ủy lạo tới !

Tôi lăn xe về phòng. Chưa tới cửa phòng thì từ ngoài hành lang, một toán học sinh ùa vào, nói cười vui vẻ. Hình như họ đã quen với không khí Bệnh viện và đã vào thăm nhiều lần. Một cậu học sinh đi đầu, tới người thứ hai, tôi nhận ra cô bé. Cùng lúc đó, cô bé cũng nhận ra tôi, dù màu áo xanh bệnh viện làm hơi lạ đi - Cô đứng lại, trố mắt, thảng thốt kêu lên:

- Ô ! Anh. À Thiếu úy làm sao vậy ? Thiếu úy bị thương hả ?

Cô bé vừa nói vừa nhìn vào chiếc chân bó bột, hai hàng nước mắt tự nhiên chảy trên gò má. Nhìn dòng nước mắt của cô, tôi thật cảm động và sung sướng. Qua phút sửng sốt ban đầu, cô bé đã lấy lại bình tĩnh, cô nói:

- Để em đẩy xe anh vào phòng nhá ! Anh nằm phòng Sĩ quan hả !

Hai tay cô đẩy chiếc xe thành thạo, trở về phòng của tôi, theo hướng ngược chiều với toán học sinh đang mang đầy quà bánh bước vào. Cả toán ai cũng nhìn tôi với cô bé, tôi chợt nghe có tiếng gọi nhìn lên:

- Màu ! Ai vậy ?

Tôi nhận ra cô bạn của Màu, cô cũng chợt nhận ra tôi. Một chút sững sờ, cô im lặng cúi đầu chào và hỏi nhỏ :

- Thiếu úy bị thương hả ? Thiếu úy có đau lắm không ?

Tôi ngỏ lời cám ơn cô và tiếp :

- Mấy ngày đầu cũng đau lắm, nhưng bây giờ thì hết rồi.

Quay sang Màu, thấy nước mắt còn đọng trên mi mắt, cô ta nói :

- Ồ ! Sao Màu lại khóc ? Đáng lẽ phải cười chứ vì anh ấy vẫn được bình an mà !

Quay sang tôi cô ta nói :

- Thiếu úy biết không, ngày nào Màu cũng kể cho em nghe Màu gặp Thiếu úy trong quán chè. Màu nói chưa bao giờ gặp ai kỳ như Thiếu úy. Tôi hỏi :

- Thế dễ thương hay dễ ghét ?

- Màu nói "Dễ thương". Cô ta trả lời thật mau.

- Thôi Trâm ơi ! Mày im lặng cho tao nhờ chút đi ! Nói xong Màu quay chiếc xe lăn, với tay mở cửa kéo tôi vào phòng.

- Anh nằm một mình hả ?

Tôi gật đầu, bước ra khỏi xe lăn. Màu đưa tay đỡ tôi. Tôi lò cò về giường. Tôi nói với Màu :

- Em chịu khó ngồi đây chút nhé ! Phòng không có ghế.

Màu ghé ngồi lên cạnh giường, đưa mắt tò mò nhìn quanh phòng. Có lẽ thấy tôi nằm một mình một phòng nên hỏi :

- Anh ngủ ở đây có.... sợ không ?

- Sợ gì ? Tôi hỏi lại.

Màu im lặng, mắt liếc đọc bảng định bệnh của tôi treo ở đầu giường rồi hỏi :

- Anh bị thương ở Kon Tum hả ? Gia đình có ai thăm chưa Anh có muốn gửi thư cho... vợ anh không ? Anh viết vài dòng chiều em mang gởi cho. Hay anh muốn em đánh điện tín cho mau !

Nghe Màu hỏi, tôi biết Màu cũng tò mò, muốn hỏi khéo về đời tư của tôi. Tôi lại không muốn để Màu biết dễ dàng như bản lý lịch của một Thiếu úy ra trường Võ Bị, trăm phần trăm độc thân, tôi trả lời dứt khoát :

- Anh không muốn ba má anh lo lắng. Má anh sẽ đôn đáo đi thăm. Anh độc thân thì biết gửi thư cho ai bây giờ. Em muốn nhận thư anh không?

- Lần nào em thăm các anh thương bệnh binh em cũng nghe câu : "Anh còn độc thân". Ai nghe cũng thảm não hết. Em không nhận thư anh đâu ! Màu vênh váo trả lời.

Câu chuyện cứ tiếp tục. Màu hỏi tôi. Tôi kể từng đoạn một, đời học sinh, đời sinh viên ở Sài Gòn, đời sinh viên Võ Bị. Màu nghe, thỉnh thoảng cũng hé cho tôi biết chút xíu về gia đình Màu. Màu có hai em, gái kế và chót là em trai. Đầu năm học tới, Màu bắt đầu vào Đệ Nhị. Tôi hỏi Màu chọn gì, Toán hay Vạn Vật ? Màu nói :

- Em chẳng biết chọn gì. Em dốt Toán, lại lười nữa. Anh chọn cho em đi !

- Đẹp như em thì học gì chẳng được ! Tôi nói.

- Anh nói dễ thương ghê đi ! Lần đầu tiên nghe người khen em đẹp đấy ! Màu cười dễ dãi.

- Lần đầu tiên anh khen một người đẹp đấy ! Tôi đáp lại.

- Em không tin !

Câu chuyện dẫn tới Đà Lạt. Màu hỏi tôi :

- Đà Lạt đẹp lắm phải không anh ? Mấy cô Đà Lạt đẹp nổi tiếng ghê lắm. Em có ông chú, bạn thư tín với một cô ở Đà Lạt. Cô gửi hình, thấy mà mê luôn. Em thích phong cảnh Đà Lạt nữa. Có mấy thác nước. Nghe nói hồ Than Thở, vườn Bích Câu, thác Prenn mơ mộng lắm phải không anh. Thế nào em cũng phải lên Đà Lạt mới được ! Tôi nói nhỏ :

- Người ta nói đừng bao giờ lên Đà Lạt một mình. Thành phố của những cặp tình nhân, những đôi vợ chồng mới cưới hưởng tuần trăng mật. Em đi Đà Lạt một mình buồn lắm... Hay em chờ anh được nghỉ phép, anh làm hướng đạo cho em.

- Thôi đi ! Em với anh đâu đã quen. Anh khôn quá đi. À quên ! Anh có nhiều bạn gái không ?

- Ngay cả một người cũng không có. Tôi trả lời chắc nịch :

- Ai tin. Mấy ông sĩ quan Đà Lạt nhiều cô thích lắm.

Tôi chuyển hướng câu chuyện :

- Gái Pleiku đẹp ghê đi !

- Anh nịnh đầm lắm, em bất ngờ luôn đó. Pleiku chắc... không thích anh đâu... Màu tiếp luôn giọng đùa cợt :

Câu chuyện chợt ngừng khi cánh cửa phòng bật mở. Toán học sinh, có cả cô bạn của Màu ùa vào. Cô bạn đưa hai gói quà cho Màu nói :

- Màu! Tặng chiến sĩ của lòng em đi !

- Mày đưa đi ! Màu chanh chua.

Một giọng con trai nói lớn :

- Màu phải hát nữa. Thiếu úy biết không, Màu ca hay nhất trường đấy.

Màu nhăn nhó, cuối cùng cầm hai gói quà đến trước mặt tôi nhỏ nhẹ :

- Thay mặt học sinh trường Trung học Pleiku, em và các bạn chúc anh mau lành bệnh và sớm về gặp người yêu.

Tôi thắc mắc :

- Sao lại hai gói ? Có gì lạ không ?

- Thiếu úy đặc biệt mà. Cô bạn Màu liến thoắng.

Tôi cầm hai gói quà, nhìn Màu, nói đùa, nhưng thật chậm để mọi người cùng nghe :

- Tôi nhận quà, nhận lời chúc đầu, trả lại em lời chúc thứ hai.

- Tại sao ? Tại sao ? Mọi người cùng nhao nhao lên hỏi.

- Tại tôi chưa có người yêu mà ! Tôi vui vui.

- Thiếu úy sẽ có. Ai đó nói tiếp.

- Thiếu úy có duyên lắm đấy. Chưa bao giờ Màu ngồi với ai được nửa giờ. Trâm, bạn Màu thêm vào.

Cả toán lại rời phòng và dặn Màu :

- Tụi tôi đi thăm Ngoại thương Một và Nội Thương Một rồi trở lại. Màu cứ ở đây nghe !

Câu chuyện giữa tôi và Màu càng lâu càng vui. Màu bớt e ngại và nói chuyện một cách rất vui vẻ, thông minh và hóm hỉnh. Chợt Màu nhìn xuống ngón tay áp út của tôi đang đeo chiếc nhẫn Đà Lạt nhận hột màu đỏ. Tôi làm bộ lấy tay che. Màu càng tò mò, Màu năn nỉ :

- Nhẫn đẹp ghê. Anh cho em xem đi.

- Không được. Lần tới em đến thăm, anh cho xem và kể cả tiểu sử chiếc nhẫn nữa. Tôi ỡm ờ, bí mật.

- Hay ghê hé ! Tiểu sử có dài không anh ?

- Dài lắm !

Gần hai giờ đồng hồ trôi qua. Sợ Màu khát nước, tôi nhờ Màu:

- Em ra phòng ngoài, tới giường số 5, mượn cho anh bình nước và ly.

Màu nhanh nhẹn đi, chút xíu sau mang vào hai ly nước. Màu hỏi ngay :

- Lính cùng đơn vị anh hả ? Lần tới em không làm dùm anh nữa đâu. Họ ghép em với anh, như em là người yêu anh vậy.

Nghe thế, tôi nói thật nhỏ :

- Họ nói đúng đấy !

- Anh nói lại đi !!! Màu kêu.

Tôi không bao giờ có dịp nói lại. Vì kể từ ngày hôm đó, tôi và Màu yêu nhau.

Bỗng có tiếng Trâm kêu ngoài cửa phòng :

- Màu ơi về thôi ! Xe chỉ còn thiếu mình mày.

Màu đứng dậy thảng thốt :

- Chết, em phải về. Anh nhớ giữ gìn sức khoẻ nha ! Em sẽ trở lại thăm anh.

- Mai nhé ! Tôi hăm hở.

- Không được đâu !

- Thế bao giờ ?

Màu không trả lời. Tôi nhờ Màu đưa cặp nạng. Màu biết ý cản tôi :

- Thôi! Anh ngồi đây đi. Em ra một mình cũng được.

Tôi nhất định không chịu. Cuối cùng chiều ý tôi, Màu dịu dàng đi bên cạnh. Cả toán học sinh trên xe vỗ tay khi thấy tôi và Màu xuất hiện. Màu vừa đi vừa châm chọc :

- Sao anh không giống lính chút nào vậy ? Lính gì mà trắng trẻo. Môi lại đỏ như con gái. Anh biết không, bữa gặp anh ở quán chè, em về nói với Trâm, ông Thiếu úy đó sao thấy "sữa" quá.

Chợt như nhớ ra, Màu hỏi :

- Anh cần gì không để em mua vào ?

- Đừng mang gì cả. Em thấy đó, giường của anh đầy quà bánh, để chỗ nào nữa! Sợ Màu buồn, tôi cắt nghĩa thêm.

- Anh không hút thuốc phải không ? Anh thật đặc biệt. Em thấy ai cũng hút thuốc, nhất là mấy anh lính.

- Màu thích anh hút thuốc hay không ?

- Ơ kià! Sao anh lại hỏi em ? Làm như em có quyền lắm đấy.

- Em có quyền ngay từ khi lần đầu tiên anh gặp em dưới phố.

- Anh nịnh ghê. Nếu vậy thì em không muốn anh hút thuốc, được không ?

- Được chứ ! Em về, mỗi ngày viết một lá thư. Cuối tuần thăm, mang vào cho anh.

- Em không viết thư đâu. Viết thư dở lắm, sợ anh liệng đi không kịp. Hơn nữa, vài bữa khi tin anh bị thương tới tai mọi người, anh thiếu gì thư đọc.

- Một ngày rất gần thôi, em sẽ thấy em lầm. Chẳng ai thăm anh cả, chỉ mình em thăm thôi. Đến khi đó em lại cấm : "Không ai được thăm anh đâu nhé !"

- Lần tới anh phải cho em xem chiếc nhẫn của anh và kể tiểu sử như anh hứa. Anh nợ em đấy. Màu im lặng suy nghĩ, cuối cùng nhắc tôi.

- Anh hứa, nếu em muốn. Chiếc nhẫn sẽ vào tay em.

- Không, em sợ lắm.

Tay vịn vào chiếc thang lên xe. Mắt nhìn tôi, em nói vừa đủ mình tôi nghe :

- Thôi em về. Anh vào đi.

Trong ánh mắt thật đẹp của Màu, tôi đã đọc được tất cả những gì nàng muốn nói ra.

Chiếc GMC từ từ lăn bánh. Cả toán học sinh vẫy tay chào. Tôi đứng nhìn theo. Hai cô bạn ngồi cạnh ghé tai nói gì với Màu. Chỉ thấy Màu đấm thùm thụp trên lưng hai người.

Tôi vẫn đứng cho tới khi chiếc xe khuất sau hàng dương ngoài cổng bệnh viện, mới tập tễnh đôi nạng đi vào. Trời về chiều, ánh nắng vàng chiếu nhè nhẹ vào mặt tôi, vui vui và ấm áp...



Phạm Lương
(Trích Trong Tập San BĐQ Số 17)
http://www.bietdongquan.com/