PDA

View Full Version : Chân dung thằng bạn học



Longhai
01-21-2016, 06:46 AM
Chân dung thằng bạn học


Đạm Thạch


Những ngày nghỉ học, Kha và bạn bè thường rủ nhau lên nhà thằng Chơn ở An Phú Đông bằng xe đạp. Lần đầu, thằng Chơn ra tận cầu sắt Hạnh Thông Tây đón. Nhà nó lọt thỏm giữa khoảnh vườn cây ăn trái. Nhà lợp lá, vách ván bổ kho xẻ từ thân cây dừa lão. Nền đất đi mát rượi bàn chân.

Không đợi tụi Kha nói gièm, khách sáo, thằng Chơn đã trèo bẻ quày dừa xiêm vừa gắn cháo với con dao mác để nằm sẵn bên cạnh. Đạp xe từ Phú Nhuận lên tới đây đã đổ mồ hôi hột, khát nước cháy họng mà thằng nào cũng chịu nhịn thèm để tới nhà thằng Chơn uống nước dừa cho đã.

Cho nên khi nghe có tiếng phụ nữ đon đả mời chào, họ đứng chận giữa đường ăn mặc hở hang, mặt mày diêm dúa :

- Vào đây nghỉ uống nước đi các anh ! Thì tụi Kha càng chạy thục mạng, cố đạp riết qua các cửa ải ngả ba Chuồng chó, xưởng nhuộm Hạnh Thông Tây Gò Vấp. Đó là những xóm yên hoa khiến tụi Kha sợ điếng hồn, chạy như ma đuổi, không dám ngoái đầu lại.

Kha thắc mắc :

- Sao mầy gan vậy Chơn ? Mỗi ngày mầy đạp xe đi học tuốt xuống Phú Nhuận hai bận đi về qua mấy xóm chơi bời mầy không sợ sao ?

Thằng Chơn trề môi :

- Sợ gì ? Mình đi cứ đi. Họ làm gì mặc họ. Mắc mớ gì đến mình ?

Thằng Thanh có vẻ không tin :

- Rủi ma cô chận đường bắt mầy vô làm bậy thì sao ?

Thằng Hạ xì nẹt :

- Ở đó mà bắt ! Nó biết học trò một cắc dính túi không có, ngu sao cho mầy “ấy” không !

Thằng Chơn đồng ý :

- Thằng Hạ nói đúng. Vả lại, ai dám làm chuyện động trời đó. Dơ bỏ mẹ. Mình còn học sinh mà đụng vào mắc bệnh tiêm la chắc có nước độn thổ, mang tiếng con nít quỷ.

Riêng Kha tự nói thầm. Ai nói con trai mới lớn nghe đề cập đến chuyện đó đã đỏ mặt tía tai tò mò muốn hỏi tới, còn mình thì sợ muốn teo đi !

Kha nghe thằng Chơn kể cha nó mất tích hồi nào không biết. Nó sống với mẹ và thằng em trai đang học Tiểu học. Thấy trên bàn thờ còn hương khói có tấm hình chụp bán thân Kha tưởng là hình ba nó hồi còn trẻ. Thằng Chơn đính chánh nói không phải ba nó mà là anh nó. Anh nó đi Công an thỉnh thoảng về thăm nhà, không dè phía bên kia họ theo dõi đập đầu, ghim tờ giấy cảnh cáo.Vậy là tụi Kha vững bụng lui tới chơi với thằng Chơn khi biết chắc nó rặt Quốc gia. Hồi nào tới giờ cứ sợ phập phồng nghĩ bụng nhà nó ở An Phú Đông chắc thế nào cũng ảnh hưởng phía bên kia. Nhớ có bản nhạc “Đây An Phú Đông” hồi phong trào Việt Minh chống Tây thanh niên tập tầm vông hát đi hát lại xen lẫn tiếng đàn măng-đô-lin khảy theo điệu múa “Đây Liên Xô vui hát trên đồng xanh.”

Nói vững bụng nhưng tụi Kha cũng ớn chè đậu. Rủi lui tới nhà họ cảnh cáo biết đâu chừng họ ghét lây bắt vô trỏng có nước bỏ học. Thôi thì, lấy cớ, sợ qua xóm đĩ tụi Kha không còn bén mảng lên nhà thằng Chơn chơi. Nhìn bộ dạng nó, cũng dễ có ý nghĩ gán ghép nó là Việt cộng. Nó đi học đầu trần, chân không mang giày dép, chạy xe đạp cùi không vè, cạt te, dây sên tuột lên tuột xuống, hàm răng vẩu đóng bợn vàng khè, mặc cái quần tây xanh không biết đời vương nào, áo sơ mi trắng mỏng như lá lúa dính mủ chuối mủ dừa dơ cảy. Vào lớp chỉ có giáo sư mới cạy miệng, nó ngồi một mình bàn chót xóm nhà lá. Nhưng được nước nó hiền, học đều các môn, đặc biệt xuất sắc môn toán. Với Kha thì không biết sao các thầy có cảm tình đánh giá học trò giỏi siêng gạo bài; trừ môn toán, Kha tự biết mình giỏi mô phỏng hơn sáng tạo nên thường không chắc khi đề toán hóc búa không giống như bài mẫu. Nhà trường khuyến khích Kha nhảy lớp, bỏ đệ ngũ lên thẳng đệ tứ và được miễn học phí. Chỉ có thằng Chơn, thằng Thanh, thằng Tâm là tự nguyện nhảy theo Kha, còn thằng Hạ sợ đốt giai đoạn mà thi không đậu trung học đệ nhứt cấp thiếu căn bản, sau này thi khó hơn. Tháng nào thằng Chơn cũng bị thơ ký điểm danh nhắc đóng học phí. Lúc đó, mặt nó buồn xo. Nó cho biết, mẹ nó làm rẫy mấy mùa thất bại vì không đủ tiền mua phân bón và thuốc sát trùng.

Một hôm, đi học về, ngang qua ngã tư Phú Nhuận ngang bịnh viện Cơ Đốc, Kha chựng lại khi có một người đàn ông chừng như đợi sẵn với ý định chờ gặp Kha để hỏi thăm việc gì đó. Người đàn ông, gương mặt mét chằng, tóc điểm bạc, áo quần bèo nhèo, tay ôm một xấp nhựt trình. Như không ngại ngùng, người ấy vừa nói vừa nhìn Kha quan sát :

- Qua mới ở tù ra. Em có thể giúp qua chút ít để đón xe về Mỹ Tho? Lâu quá rồi qua nhớ vợ, nhớ con quá ! Em coi, tụi nó đánh đập qua nên nông nỗi này chỉ vì tình nghi qua hoạt động Cách mạng.

Không biết sao, Kha thấy xúc động trước hoàn cảnh của người đàn ông xa lạ này và tự nhiên Kha tự động tháo chiếc đồng hồ đeo tay của mình trao cho ông ta rồi vội bước đi với câu nói để lại : Xin bác nhận làm lộ phí, đừng ngại.

Câu chuyện tình cờ đó rồi Kha cũng chóng quên vì phải chú tâm vào việc học hành cho kỳ thi cuối năm.

Hồi học lớp đệ lục, thầy Xuất dạy việt văn. Thầy người Bắc, đi dạy ăn mặc giản dị, gương mặt nghiêm và buồn như ẩn chứa một niềm tâm sự gì. Chỉ những chiều mưa, trước giờ tan học, thầy bước ra cửa lớp, nhìn trước nhìn sau rồi trở vào. Lúc đó, đôi mắt của thầy như toát lên vẻ vui tươi, phấn khởi. Thầy hắng giọng và bắt đầu ngâm cho chúng tôi những bài thơ như “Trường giang” của Huy Cận hay “Từ ấy” của Tố Hữu.

Năm học Đệ tứ, nhà trường có mở lớp Ngũ-Tứ ban đêm, và thầy Xuất vẫn dạy môn Văn. Chỉ có Kha ghi tên theo học thêm, còn ba người bạn vì phải đóng học phí lớp buổi sáng nên gia đình không đủ sức cho học thêm. Khi khóa luyện thi Ngũ-Tứ đêm mãn khóa còn mấy tháng chót Kha ráo riết gạo bài cho kỳ thi Trung học. Thời gian này vào một đêm Kha, Tâm và Thanh được thầy Xuất gọi lại nhà thầy ở miệt chợ Vườn Chuối.

Vừa bước vào nhà, thầy giới thiệu qua loa với tụi Kha ba thầy, một cụ già đạo mạo, tóc râu bạc và vợ, con thầy. Cô người mảnh dẻ, đôi mắt buồn buồn, còn hai đứa con độ dưới năm sáu tuổi. Xong, thầy đưa học trò lên gác và tất cả ngồi bẹp xuống sàn ván. Không đợi tụi Kha hết ngạc nhiên, thầy vào đề ngay :

- Có lẽ đêm nay là đêm chót thầy tâm sự với mấy em, rồi thầy đi...

Tụi Kha buộc miệng :

- Thầy đi đâu ?

-Rồi thầy sẽ cho biết. Bây giờ thầy hỏi thiệt mấy em. Mấy em có biết tình hình bên ngoài lúc này ra sao ?

- Xin thầy nhắc lại, ý thầy nói tình hình gì ?

- Thôi được. Nếu các em có để ý thì thấy bây giờ người dân họ đang bất mãn với chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm. Như hồi nãy, các em nhìn thấy đó, ba thầy đã già, con thầy còn nhỏ, khó khăn lắm thầy mới chọn lựa con đường để nói lên lý tưởng của mình. Thầy nói ít mong các em hiểu nhiều. Con đường thầy đi không biết có đúng hay không. Nếu thấy đúng thầy sẽ tìm cách liên lạc với mấy em. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kỹ sư Huỳnh Tấn Phát họ đã ra đi, chắc thầy cũng sẽ theo bước chân của họ.

Trong không khí cảm động của đêm chia tay, thầy trò cầm tay nhau với lời chúc may mắn.

Ra về, Kha tự thắc mắc với lòng. Tại sao thầy lại chọn mình ? Không lẽ vì cái bề ngoài nhà quê của cậu học trò miệt tỉnh lên Sài Gòn học mới vài năm, ăn mặc không giống ai với chiếc áo bà ba cùng với cái quần tây dài, đi đôi guốc vông lộc cộc.Còn thằng Tâm, nó ít khi gần gũi với thầy lại theo đạo Thiên Chúa. Nó nói trên đời chỉ có mẹ nó và chúa là trên hết. Ngay cả con Ánh thật đẹp gần như nó chiếm được cảm tình vì nó học giỏi nó cũng cho pha luôn nếu như ý mẹ và ý chúa không bằng lòng. Riêng về thằng Thanh, ba mất sớm, mẹ người Bắc di cư, bán đậu hũ ở chợ Phú Nhuận vất vả nuôi anh em nó. Tánh tình nó hời hợt.

Rồi không biết sao, chính sau cái đêm đó ra về, cả ba thằng bạn tự nhiên gắn bó, như có cùng chung lý tưởng, thường tỏ bày quan điểm giống nhau với những bài báo đả kích chế độ. Hình ảnh thầy Xuất đẹp như Dũng trong Đoạn Tuyệt. Họ yêu mến thầy như yêu bóng chim tăm cá.

Rồi sau đó, Kha và hai người bạn được rủ đi tham dự những buổi dã trại ngoài trời vào những ngày nghỉ học. Khi thì ở suối Lồ Ồ, khi thì ở những công viên quanh quẩn Sài Gòn, Gia Định. Nhưng, có một bận, địa điểm tổ chức ở tận An Phú Đông. Điều này khiến Kha và bạn mình dè dặt tự bảo nhau phải cố tránh chạm mặt thằng Chơn nếu phải đi ngang qua nhà nó.

Ấn tượng đầu tiên là có rất nhiều người trong lứa tuổi học sinh tham dự. Bề ngoài, gương mặt người nào cũng có vẻ thong dong, nhàn nhã, nhưng bên trong, không khỏi chất chứa mối lo những điều bất trắc có thể xảy ra. Vài người nào đó vẻ chững chạc, có lẽ trong ban tổ chức, sắp xếp từng nhóm, lớp ngồi dọc bờ sông, lớp trèo ngồi trên nhánh cây de ra bờ sông. Họ thảo luận chung quanh nội dung truyền đơn in bột chữ nhòe nhoẹt, kêu gọi thành lập phong trào Học sinh, Sinh viên yêu nước. Để bảo tồn lực lượng khi trở về thành hoạt động, họ căn dặn người tham dự cách nhận diện kẻ theo dõi . Đó là những Công an chìm gọi là cớm thường ăn mặc giản dị, áo sơ mi bỏ ngoài quần dể giấu khẩu súng ngắn, đi giày ba ta màu vàng không mang vớ, đặc biệt, đeo kính đen gọng bự. Từ đây Kha tự cảm thấy mình đã đi vào quỹ đạo đầy nguy hiểm, có muốn rút chân ra không phải dễ dàng. Thôi thì, cố học để thi đậu như cái cớ chánh chỉ tham gia lấy lệ trong khi chờ tin thầy Xuất liên lạc về.

Để chuẩn bị cho kỳ thi Trung học đệ nhứt cấp trong ba tháng còn lại, Kha đã tự ép xác mình trong cách học khổ hạnh bằng cách tránh ngủ gục những đêm thức học khuya, Kha cột tóc mình bằng sợi dây nhợ treo thẳng trên trần nhà, và uống cà phê thật đậm. Kết quả, Chơn và Tâm đậu ngay kỳ thi đầu, còn Kha và Thanh thi lại kỳ hai. Và may mắn đã đến với Kha, trong khi Thanh thì tự an ủi mình thi lại năm tới coi như mình đã có kinh nghiệm thay vì học Đệ ngũ.

Trong lúc lòng buồn vì thi rớt, Thanh được biết có một chuyến đi chơi xa nó rủ Kha và Tâm. Vừa được gia đình cho phép như một phần thưởng thi đậu, vừa để an ủi bạn mình, ba người bạn lên đường theo ngày hẹn. Họ chưa biết sẽ đi đâu nên đồng lòng báo gia đình đi Vũng Tàu tắm biển vài ngày.

Chỗ hẹn là bến xe đò Chợ Lớn - Hậu Nghĩa. Như được dặn trước, Thanh khều hai bạn và đến gần người đàn ông có vẻ nông dân, mặc áo bà ba trắng, quần dài đen, chân mang dép nhựa màu nâu. Ông ta nhìn Thanh quan sát rồi cất tiếng hỏi :

- Cháu đây có phải là cháu Năm không ?

Thanh trả lời gọn bâng :

- Dạ, cháu thứ tư.

Ông ta như xác định đúng đối tượng :

- Như vậy cháu con anh Chín.

Thanh đáp một cách máy móc :

- Thưa phải.

Thấy ngưới đàn ông không thắc mắc cách trả lời như vậy mà còn chìa ba tấm vé xe và ông quày quả bước lên ngồi ghế trước và chỉ băng ghế sau cho ba người.

Xe chạy chừng hai tiếng đồng hồ thì ngưng lại dọc đường. Người đàn ông ra dấu cho ba người cùng xuống. Ông xắn quần lội xuống ruộng đi xăm xăm về phía trước. Thỉnh thoảng ông mới quay đầu lại dòm chừng rồi tiếp tục đi mút qua cánh đồng và đi xuyên qua cánh rừng rải rác mấy căn chòi lá bỏ trống trơn. Họ đi thêm một đỗi đường nữa đến một ngôi nhà cất giữa mấy bờ mía xác xơ xen lẫn mấy bờ chuối um tùm. Ông giới thiệu một người đàn bà ở nhà một mình, bảo tụi họ tạm nghỉ ngơi, cơm đã có người nấu sẵn, chờ chập tối thay quần áo rồi sẽ có người đến hướng dẫn đi tiếp. Ông ta nói, đây là địa phận ấp Bàu Trai. Nhiệm vụ ông tới dây là hết. Chúc lên đường may mắn. Rồi ông trở lại đón đoàn người kế tiếp.

Trên chiếc chõng tre, một nồi cơm nguội đựng trong nồi đất đã ăn dở dang, một tô bầu luộc, một dĩa dưa mắm với ba cái chén đá cùng đũa muỗng.

Bà chủ nhà dọn xong đã bỏ ra ngoài như tránh mặt. Họ đứng lớ ngớ một hồi rồi cùng xúm lại lua đại lúc đói bụng trong tình cảnh lỡ làng này.

Trời vừa sụp tối, một người con gái còn trẻ, tuổi không quá hai lăm, quấn chiếc khăn rằn quanh cổ, trao cho họ ba bộ bà ba đen bảo thay và dặn họ vài điều cần thiết như tuyệt đối không nói chuyện, hút thuốc, hoặc cố ý nhìn những người lạ mặt cùng đoàn, đồ đạc nào kình càng thì gởi lại có người giữ. Cô gái cũng phát cho mỗi người khăn và chỉ cách trùm đầu, chỉ chừa đôi mắt nhìn đường đi. Họ được chỉ định vào cùng một tổ. Cô gái ra lịnh lên đường và gia nhập vào đoàn người không biết từ đâu túa ra rồi theo hàng một, ăn mặc giống như nhau, như con trăn khổng lồ lầm lũi bước đi theo lối mòn giữa rừng lát mênh mông cao ngập đầu. Đoàn người đi trong ánh trăng non mập mờ. Thỉnh thoảng, thình lình có lịnh ngồi sụp xuống khi nghe có tiếng động cơ từ xa bay lượn trên nền trời. Và cứ như vậy, đoàn người rồng rắn lê lếch đi ròng rã suốt đêm.

Đoàn người đến nơi trời cờn mờ mờ chưa sáng hẳn. Ngay lập tức, họ được phân tán vào các dãy nhà chòi thấp lè tè cất bằng cây tràm mái và vách lợp bằng lát và đưng bện. Mỗi chòi cách nhau chừng mười thước, theo từng dãy một, dãy này cách dãy kia bằng một con mương lạn để lấy đất làm nền.

Đây là khu Đồng Tháp Mười mênh mông với rừng lát và đưng lẫn cỏ mọc hoang vu.

Ngoài những giờ ăn điểm tâm, cơm trưa, và cơm chiều, thời giờ còn lại học tập và nghỉ ngơi. Ròng rã ba ngày trời như vậy. Thức ăn thường là mắm kho, khô và hột vịt chiên hoặc luộc giầm nước mắm. Nước ở lung, đìa chỉ dành nấu ăn và rửa mặt. Nội qui trại cấm hút thuốc và phơi vật chiếu sáng ngoài trời. Những bài học phần lớn nội dung chỉ trích chánh quyền Ngô Đình Diệm và lên án đế quốc Mỹ xâm lược. Mọi người chuyền nhau đọc và thảo luận trong tổ ở mỗi chòi. Bao giờ kết thúc giờ học cũng là động viên lòng yêu nước của Sinh viên, Học sinh thành thị với tấm gương của trò Trần Văn Ơn.

Những lúc vắng vẻ, ba người bạn thường tâm sự. Kha nói :

- Không hiểu sao tụi mình đi đến nơi nguy hiểm này !

Thanh nói như an ủi :

- Lỡ rồi. Thôi đành chấp nhận một trò chơi may rủi.

Tâm làm dấu thánh giá, nói trong buồn bã :

- Lạy chúa. Xin cho chúng con trở về bình yên.

Và họ đã trở về trong an toàn nhưng không theo lối cũ của chuyến đi.

Lần này giao liên lạ mặt chỉ đưa họ từ Bàu Trai đến con lộ tỉnh. Rồi từ đây họ đón xe đò Hậu Nghĩa về lại bến xe Chợ Lớn với tiền túi của mình. Họ mừng thầm mình vừa thoát nạn mặc dù trở lại chốn ồn ào, cuộc sống vội vã của đô thị, nhưng tâm hồn họ cảm thấy yên tĩnh. Tuy vậy, họ cũng chuẩn bị câu hỏi của gia đình rằng họ đi đâu, nói đi Vũng Tàu sao không thấy nắng ăn, xin phép đi vài ngày mà hôm nay đã lố hai ngày ! Chuyện gì xảy ra mà không cho gia đình biết ? Họ có biết đâu gia đình không thấy họ trở về đúng ngày đã hứa nên chạy tở mở hỏi thăm nhau trong lòng hết sức lo lắng không hiểu có chuyện gì bất trắc xảy ra cho con em mình. Trong hai ngày họ biệt dạng, gia đình họ như ngồi trên đống lửa không biết tìm ai để hỏi đích xác chỉ còn biết an ủi lẫn nhau.

Và khi thấy họ trở về với bộ mặt bơ phờ, bí xị nên vừa giận lại vừa mừng.

Riêng với Kha, một biến cố đã xảy ra trong gia đình chỉ vì chuyến đi bạt mạng của Kha mà sau này khi nghĩ đến Kha vô cùng ân hận. Đó là, người anh kế của Kha mượn chiếc xe gắn máy Sach của anh mình để đi tìm em. Trong lúc lo lắng cho số mạng của em, không còn nhớ khóa xe bị kẻ gian trộm mất. Anh Kha buồn và quẫn trí nên có ý định tự vận may mà có người phát hiện kịp cứu sống.

Rồi những ngày học của niên khóa mới cũng đã tới. Thanh ngồi lại lớp Đệ tứ, còn Kha, Chơn và Tâm đã sốt sắng ghi tên vào lớp Đệ nhị bắt buộc phải sang học ở một ngôi trường khác. May mà thằng Chơn không hay biết gì về chuyến đi của Kha và hai người bạn.

Cuối năm đó, Chơn và Tâm đều thi đậu Tú tài phần một một cách dễ dàng và họ thẳng tiến lên lớp Đệ nhất. Kha thi rớt đành chuyển trường nhồi lại lớp Đệ nhị. Kha mặc cảm nên từ đó họ ít có dịp gặp nhau.

Vào một đêm Kha đến lớp học luyện thi Toán lý hóa thì bắt gặp trong hộc tủ chỗ ngồi của mình có một xấp truyền đơn hô hào chống chế độ Ngô Đình Diệm. Kha lặng lẽ bỏ buổi học về sớm. Kha biết có ai đó đang theo dõi nên cẩn thận thu xếp thủ tiêu mớ truyền đơn. Bỏ lại là chỉ điểm cho mọi sự rắc rối. Kha bất dĩ phải tìm một khu vực vắng vẻ nào để liệng. Liệng chứ không phải rải như người nào đó mong muốn. Kha linh cảm có con mắt đang theo dõi, quan sát mọi hành động của Kha. Và như cái máy, Kha ném đại bó truyền đơn trong con hẻm và cố đạp xe chạy trối chết như đang có người vừa phát hiện. Cũng từ đó, Kha bỏ lớp học luyện thi. Kha cảm thấy sợ nên cắt đứt mọi liên hệ những tổ chức mà trước đây Kha đã lỡ dây dưa. Tuy nhiên, cái máu nóng của Kha cũng đã nhiều lần khiến Kha tham gia một cách độc lập, tự nguyện vào ngày Tướng Nguyễn Chánh Thi tấn công vào dinh Tổng thống. Hoặc Kha tham gia xuống đường ngày đông đảo đồng bào Phật tử dự định an táng Hòa thượng Thích Quảng Đức. Những hoạt động có tính cách cá nhân và vô tổ chức của Kha chỉ thật sự chấm dứt khi chàng bắt đầu cuộc đời của một công chức ngành khuyến nông. Đó là năm 1964. Trước khi nhận sự vụ lịnh về tỉnh chàng còn tham gia biểu tình cùng với đồng bào thủ đô đòi xé bỏ hiến chương Vũng Tàu. Nhiều khi Kha nằm đêm suy nghĩ Kha không tự trách mình nhẹ dạ, nông nổi mà còn tự hào về cái tuổi trẻ bồng bột theo tiếng gọi của con tim. Và điều may mắn cho Kha là qua những thử thách và nguy hiểm Kha không bị bắt bớ, tù đày về những hoạt động có tính cách chống đối đó đối với chánh quyền mà sau này Kha dù muốn dù không cũng phải đi vào quỹ đạo. Quỹ đạo của cuộc chiến tranh khốc liệt. Khốc liệt về tư tưởng và thân xác.

Năm 1967 Kha tới tuổi động viên vào trường Sĩ quan Thủ Đức. Kha cũng như hầu hết những người cùng lứa tuổi, chắc cùng tâm trạng là mong thi hành nhiệm vụ chờ hết hạn định trở về đời sống dân sự. Nhưng, chiến tranh thì kéo dài, kéo dài... Kha như bị cuốn hút trong con trốt xoáy ác liệt. Kha thả mình trong dòng sinh mệnh. Cho đến một ngày...

Cuối năm 1974, thằng Chơn đến tìm Kha nơi đơn vị Kha làm việc. Nó đứng nghiêm chào Kha theo Quân cách. Nó mang lon Trung sĩ. Nó cười vui vẻ nói ngay :

- Chào Trung úy Kha. Lâu quá tụi mình mới gặp lại. Trông bồ vẫn vậy. Gian nan lắm tao mới tìm ra địa chỉ bồ.

Kha bắt tay bạn thật chặt vồn vã hỏi :

- Mầy đi đâu biệt dạng ? Khi tao bị động viên vào Thủ Đức, bạn bè lên thăm nói mầy tốt nghiệp đại học canh nông. Rồi từ đó, không ai được biết về mầy ?

Rồi họ kéo nhau ra quán để nói chuyện cho tiện.

Thằng Chơn vào đề ngay :

- Bồ còn nhớ, hồi tao đậu xong Tú tài phần một, tao nằm trong danh sách tài nguyên Sĩ quan. Sợ động viên nửa chừng nên tao học riết để kịp lên Đại học. Cũng may, số tao hên, nên mọi việc đều suông sẻ. Vừa tốt nghiệp ban canh nông xong, chưa được bổ nhiệm đi làm thì có phong trào Sinh viên, Học sinh xuống đường, tao gia nhập theo phong trào đấu tranh của bà Ngô Bá Thành. Thế là bị bắt. Nha động viên truy hồ sơ sao đó, thay vì đẩy lên Thủ Đức họ lại tống tao lên trại huấn luyện Đồng Đế Nha Trang. Ra trường, nhờ cô bạn gái hiện du học tại Pháp, vận động với ông anh họ là Trưởng ty An ninh Quân đội tỉnh này, kéo về đây. Ảnh gởi gấm nên tao được phân phối giữ an ninh cho nhà máy điện tại Thị xã. Bây giờ để tao nói tiếp một chút về cô bạn gái. Cô ta tốt nghiệp đại học canh nông một lượt với tao. Chính vì cô mà tao hăng hái gia nhập phong trào của bà Ngô Bá Thành. Chẳng may tao bị bắt. Cô ta ra Nha Trang thăm tao lần chót. Cô ta cho biết, gia đình vận động cho cô sang du học bên Pháp. Cô bảo tao yên chí chờ đợi. Mấy năm quen nhau, cô nói cô hiểu rõ hoàn cảnh và ý chí của tao. Cô chỉ sợ tao mặc cảm, chứ cô thì không. Mầy biết, nhà cô ở đường Gia Long Sài Gòn, hẳn là giàu. Chuyện đi du học với cô là dễ dàng. Nếu như cô có mộng học Tiến sĩ, thì với tao tốt nghiệp Đại học canh nông cũng là ý nguyện tha thiết của tao. Mầy nhớ, hồi má tao còn sống, bà cứ thất bại trong mùa màng đến đổi năm Đệ tứ tao thật mắc cỡ khi thầy thơ ký trường cứ nhắc nhở tên tao về việc đóng học phí.

Kha nghe bạn nói, rồi tự nghĩ, có nên thố lộ với bạn những gì mà Kha cùng với Thanh và Tâm đã làm ? Nhưng Kha chợt nhớ, tấm hình chưng trên bàn thờ với cái chết thảm thiết của anh nó, Kha đành chựng lại, bắt qua chuyện khác.

- Mầy còn liên lạc với cô ta không ? Nói mầy đừng buồn, sợ khi cô ta trở về thấy mầy như vầy đâm ra mặc cảm, cô ta biết đâu chừng sẽ nghĩ lại ?!

- Bồ nói cũng phải. Tuy nhiên, tao làm gì bên nhà cô ta đều biết. Hai đứa tao thường xuyên liên lạc. Cô còn nói, cô theo dõi báo chí ở nước ngoài, cô nhận thấy cuộc chiến Việt Nam đến hồi kết thúc. Hiệp định ngừng chiến đã ký giữa các bên. Tao cũng hy vọng vậy, đối với tao, tình yêu đất nước là chuyện lớn, chuyện tình yêu trai gái là chuyện nhỏ. Giả dụ cô ta mặc cảm về tao, thì cũng là chuyện đương nhiên, có buồn chỉ buồn một thời gian rồi cũng nguôi ngoai. Khi đó, đất nước thay đổi, nỗi mừng lớn sẽ lấn át nỗi buồn thân phận cá nhân. Thôi cám ơn bồ đã quan tâm. Bây giờ tao muốn nhờ bồ giúp một chuyện. Nếu được thì tốt, còn bằng không cũng không sao.

- Đó là bồ có thể kéo tao về đơn vị bồ có được không ?

Kha suy nghĩ rồi trả lời không dứt khoát :

- Để mình coi, chớ bồ cũng biết, với cấp bực trung úy, mình chẳng là cái thớ gì. Khi đơn vị có nhu cầu, đơn vị trưởng làm tờ trình với Bộ tư lịnh Quân đoàn, ở đây chỉ thị phòng một ban quân số cứu xét. Mình chỉ có thể chờ cơ hội thuận tiện nhờ ông sếp mình chấp thuận giúp đỡ.

Thằng Chơn lộ vẻ vui mà không thất vọng.

- Bồ an tâm. Được thì quí. Không được cũng không sao. Hiện đơn vị mình cũng nhàn nhã tuy trách nhiệm nặng nề. Bồ biết, giữ an ninh cho hệ thống điện hoạt động đâu phải chuyện chơi. Chỉ cần một tên nội tuyến gài vào phá hoại là mình bị kẹt ngay. Tao muốn được về làm với bồ, công việc hành chánh nhưng có tầm quan trọng của kế hoạch Quốc gia.

Kha tự hỏi sao thằng Chơn nó rành khi biết đơn vị an ninh phát triển của Kha là kế hoạch Quốc gia ?! Để trấn an cho bạn và cả cho mình, Kha bảo :

- Thôi mầy chịu khó chờ, tao sẽ cố nói giúp.

Sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm, trong khi Kha chờ ngày đi trình diện học tập cải tạo thì thình lình thằng Chơn tìm đến nhà trong y phục dân sự. Kha tiếp bạn như hai người bạn cùng chung số phận mất nước. Trong hoàn cảnh hiện tại, Kha cảm thấy bây giờ thằng Chơn mới là người may mắn, dầu sao nó cũng chỉ là anh Trung sĩ quèn, Cách mạng họ đâu bắt nó đi cải tạo, nó lại chưa vợ con, còn mình, Kha nhìn bạn thở ra :

- Không ngờ cuộc chiến lại kết thúc bi thảm như vậy ! Mầy thì chắc không ai đá động tới, còn tao, không biết số phận rồi đây sẽ ra sao ?!

Không ngờ thằng Chơn trả lời tỉnh queo :

- Nước nhà hòa bình rồi bồ không vui sao ? Bây giờ tao hỏi thiệt, bồ đã giao nạp vũ khí chưa ?

Kha trả lời xụi lơ rồi hỏi lại :

- Rồi. Còn mầy thì sao ?

Thằng Chơn trả lời chắc nịch, con mắt toát vẻ phấn khởi là đàng khác :

- Tao vẫn giữ.

Kha ngạc nhiên nói bằng giọng nghiêm trọng :

- Đừng dại. Bộ mầy muốn giỡn với tử thần hay sao ? Các vị Tướng còn tự vận biết không thể xoay ngược thế cờ, mầy với tao chỉ là con chốt, nói cạn tàu ráo máng mình chỉ là cọng rác cọng rơm đừng có ý định dại dột.

Thằng Chơn vụt đứng dậy và bắt tay từ giã Kha, nó nói :

- Bồ đừng lo. Tao sẽ có câu trả lời.

Kha nhìn bạn ra về trong lòng hết sức lo lắng. Rồi âm thầm tự trách mình mang tiếng Sĩ quan mà nhu nhược không đáng làm bạn với thằng bạn chỉ mang lo Trung sĩ mà còn biết đớn đau, tức tối, còn muốn đứng lên chống lại mà vẫn biết mình vô vọng, sẽ dẫn đến cái chết. Rồi Kha tự an ủi mình. Có lẽ cơ hội cuối để nó trả thù cho cái chết của anh nó ?

Sau gần bảy năm tù trở về, Kha được gia đình cho biết có người bạn tên Chơn đến thăm và còn động viên gia đình, căn dặn chừng nào Kha được về sum hợp nhớ nhắc Kha cứ vào khu đại học sẽ gặp nó.

Kha đi tìm bạn trong lòng vẫn không tin là thằng Chơn mang đầu óc chống Cách mạng kịch liệt như vậy mà vẫn bình yên như không có việc gì xảy ra lại còn được làm việc ở trường đại học. Hay là trước đây nó đã nói láo với mình là nó còn giữ súng để thấu cáy mình chơi. Rồi biết đâu họ cứu xét lý lịch nó bất phục tùng quân dịch chế độ cũ mà nó lại có trình độ Đại học nhất là Kỹ sư canh nông nên họ lưu dụng ? Lý luận này có vẻ hợp lý khiến Kha hăm hở tìm gặp bạn.

Nhưng Kha đã thất vọng. Không ai tên Chơn làm việc ở khu đại học này. Kha cố hình dung gương mặt, hình dáng bạn mình xa khuất gần hai mươi năm để diễn tả cầu may người nào có thể dựa theo đó giúp Kha gặp bạn. Trong lúc định quay về Kha bỗng nhớ ngày xưa thằng Chơn tốt nghiệp canh nông. Thế là Kha hỏi thăm phân khoa nông nghiệp với một hy vọng mỏng manh. Mọi người vẫn trả lời khẳng định không có đồng chí nào tên Chơn làm việc ở đây. Tuy nhiên, họ cũng chịu khó giới thiệu với Kha một ban mới thành lập thuộc phân khoa canh nông. Đó là ban côn trùng học do một cô tiến sĩ từ nước ngoài về phụ trách. Kha như lấy lại tự tin hơn khi gặp một người du học về chắc là chuyện hỏi thăm sẽ thoải mái hơn là phải đối diện với đồng chí này anh ba anh tư nọ. Người phụ nữ tiếp Kha ăn mặc giản dị, gương mặt không son phấn nhưng vẫn giữ được nét sang trọng, lịch sự dễ nhận thấy giữa đám đông mà phần lớn từ miền Bắc vào như còn lộ chút gì tự hào của kẻ đắc thắng.

Phản ứng đầu tiên của cô là khẽ lắc đầu khi Kha nói tên bạn. Rồi chừng như nhớ lại điều gì biểu lộ bằng cái nhíu mày, cô như chịu khó hỏi thăm thêm :

- Ông có thể cho biết người bạn ông muốn tìm quê quán ở đâu, chừng bao nhiêu tuổi ?

Kha trả lời lấp lửng :

- Bạn tôi sanh năm 41. Còn cái địa danh xa lạ lắm chắc cô không bao giờ nghe nói tới.

- Ông đừng nói là bạn ông ở Paris nhé !

- Thôi để khỏi mất thời giờ của cô - Đó là An Phú Đông.

Bỗng người phụ nữ như bước tới gần nhìn sát mặt Kha nói trong mừng rỡ với giọng nói đầy xúc động :

- Trời ơi ! Anh là anh Kha phải không ? Tôi nghe chồng tôi nhắc đến tên anh hoài. Ảnh bảo với tôi là ảnh tiếc không thể giúp anh trong việc trình diện học tập. Bây giờ anh chờ tôi một chút, tôi thu xếp công việc xong sẽ đưa anh về nhà gặp, chắc là anh Thuận mừng lắm.

Kha tưởng mình nghe lầm nên hỏi lại :

- Chị mới nói anh Thuận mà anh Thuận nào ?!

Người phụ nữ bỗng vịn vai Kha nói trong thân mật vừa như bí mật :

- Thì đồng chí bảy Thuận đó. Bộ anh không nghe nói bảy Thuận tiếp thu toàn bộ khu đại học ngay sau ngày giải phóng năm 75 sao ?

Kha há hốc nhìn người phụ nữ tưởng như mình từ hình tinh nào vừa mới rơi xuống.

Người phụ nữ đưa tay nhấn chuông trước cổng nhà vừa giới thiệu :

- Đây là ngôi biệt thự của Trung tá An ninh Quân đội ngụy bỏ chạy ra nước ngoài để lại. Mời anh vào chơi. Để tôi kêu anh Thuận ra gặp anh.

Nghe tiếng chuông reo, một người đàn ông vừa bước ra thấy người khách đã chạy tới bắt tay vồn vã nói :

- Kha ! Bồ đó hả ? Vào đây. Vào đây.

Kha xấn rấn như không tin ở mắt mình. Kha bước theo hai người mà tâm trí dường như bỏ lạc ở đâu. Kha ngồi phịch xuống sô pha, trong khi người phụ nữ mau mắn đi rót nước, còn bạn mình nhìn Kha với nụ cười như để mặc cho một sự ngạc nhiên.

Chừng như không khí buổi gặp gỡ giây phút ngỡ ngàng đầu đã lắng xuống, thằng Chơn không còn giấu giếm :

- Bây giờ mọi việc đã qua. Bồ đã học tập trở về. Chúng mình vẫn là bạn với nhau. Thầy Xuất có hỏi thăm bồ với thằng Thanh, thằng Tâm.

Giờ thầy là Bí thư Quận nhứt Thành phố. Thầy nói, bao nhiêu lần thầy nhờ người về liên lạc với bồ, có gặp bồ, bồ có giúp đỡ chi đó, nhưng, chừng như bồ không dám liên hệ. Sau đó, thầy được biết bồ cùng thằng Thanh, thằng Tâm cũng đã gia nhập phong trào Sinh viên Học sinh thầy mừng. Chính thầy chỉ thị mình theo dõi các bạn để hỗ trợ. Chuyện tương đối dài dòng. Thôi mình để dịp khác sẽ nói chi tiết hơn. Bây giờ, bồ nghĩ gì về mình ?

Kha im lặng một hồi lâu rồi khẽ khàng nói :

- Vậy là tao hiểu được một phần nào về mầy. Tuy nhiên, tao còn thắc mắc về tấm hình của anh mầy ?

Thằng Chơn cười ngất :

- Tao ở trong vùng xôi đậu. Đó chỉ là thủ thuật nhằm đánh lạc hướng lính Quốc gia mà thôi. Trong số bạn bè tao nắm được chí hướng từng đứa. Bởi vậy, tao giới thiệu bồ, Thanh và Tâm đâu có sai. Còn thằng Hạ, nó khác tụi bồ cho nên sau này nó học Quốc gia Hành chánh, không biết nó có ra trình diện học tập hay đã đi ra được nước ngoài ! Cách nay vài năm, tình cờ tao có tìm gặp thằng Thanh. Nó cho biết thằng Tâm tốt nghiệp khoa dược trên chuyến máy bay ra miền Trung nhận nhiệm sở thì bị trận bão. Máy bay rớt, nó tử nạn. Riêng thằng Thanh, nó chỉ có chứng chỉ lớp Đệ nhị nên bị động viên ra trường cấp Trung sĩ làm việc tài chánh Bộ quốc phòng. Sau tiếp thu nó giúp vợ buôn bán và cuối cùng nó học thêm đậu bằng luật sư. Còn tao, như mầy thấy đó. Ừ. Tao quên giới thiệu với bồ, vợ tao, Cúc. Sau khi đậu bằng Tiến sĩ côn trùng học bên Pháp , ngay sau ngày giải phóng Cúc trở về. Tụi tao kết hôn. Giờ Cúc là chủ nhiệm phụ trách nghiên cứu bảo vệ mùa màng ở miền Tây.

Câu chuyện giữa hai người bạn tưởng chừng không bao giờ kết thúc. Kha như người bỗng bị cơn sốt hoành hành đứng dậy kiếu từ. Hai vợ chồng bảy Thuận miễn cưỡng tiễn đưa Kha ra cổng, Kha muốn bắt tay bạn nhanh để thoát về ngay thì thằng Chơn của thuở nào giọng như buông chùng xuống nói nhỏ như chỉ để một mình Kha nghe mà thôi :

- Sao bồ không đi mà còn ở lại làm gì !

Trên đường về nhà, Kha cứ băn khoăn. Nếu như câu nói đó của thằng Chơn - thằng bạn của năm xưa thì mình thông cảm và cảm ơn nó. Còn nếu câu nói đó là của bảy Thuận chắc là mình cần phải dè dặt !

Kha không đủ tiền và gan dạ để có thể gồng gánh vợ con đi vượt biên.

Kha cũng như phần lớn anh em bị tù đày trở về làm bất cứ công việc nặng nhọc gì để có thể sinh tồn trong hoàn cảnh của cuộc đổi đời xem như số phận đã an bài. Nhưng, mười năm sau đó, một chuyển động không ngờ của lịch sử đã mở ra và cứu vớt hàng trăm ngàn gia đình cựu tù nhân cải tạo. Gia đình Kha được định cư tại đất Mỹ trong chương trình H.O. Từ đây có biết bao điều xảy ra trên cục diện thế giới và ảnh hưởng sâu xa đến đất nước Việt Nam. Giờ đây nhìn lại Kha tự nói thầm. Thầy Xuất chắc cũng đã nhận thấy con đường mà thầy theo đuổi đã có câu trả lời đúng hay sai. Kha chỉ tội nghiệp cho thằng Chơn nếu nó chân thành khuyến khích mình đi vượt biên thì trong thâm tâm nó hồi ấy nó có lóe lên một sự tuyệt vọng nào về cái chủ nghĩa mà nó đã theo đuổi và phục vụ? Khi nghe nó bị tử nạn không dính dáng gì nghề nghiệp của nó, Kha thật sự xúc động. Thằng Chơn phụ giúp một nhân viên trong khu đại học mắc lại đường dây điện, và chẳng may nó trượt chân ngã xuống lầu cao bị chấn thương sọ não. Nó chết trong khi vợ nó cô Tiến sĩ Cúc đang vui vẻ hướng dẫn nông dân cách bảo vệ mùa màng trên hệ thống truyền hình miền Tây. Kha không phải là người thích nhìn thấy những người ngã ngựa nên âm thầm đốt cho nó nén hương với niềm an ủi rằng may mà nó chết đi trước khi thấy cái Chủ nghĩa Cộng sản đang trên đà suy sụp.



Đạm Thạch