PDA

View Full Version : Món nợ ân tình



Longhai
12-29-2015, 08:02 AM
Món nợ ân tình.


Trần Ngọc Toàn


Vào cuối năm 1974, khi tôi cùng Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng Căn cứ Barbara, nằm dưới chân phía Đông rặng núi Trường Sơn, ngang Quảng Trị giáp sông Mỹ Chánh, khoảng 9 giờ sáng , chợt Sĩ quan Tùy viên của Tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn TQLC , gọi máy truyền tin báo cho biết tôi chuẩn bị quân phục chỉnh tề, đón chiếc trực thăng sẽ đến bốc tôi ra Làng TQLC, thiết lập sau biến cố 1972, nằm bên cạnh Quốc lộ I, vùng Hải Lăng, Quảng Trị.

Tôi không biết việc gì. Cứ nón sắt, dây súng đạn đầy đủ nhảy lên máy bay. Khi đến gần nơi, nhìn xuống tôi thấy lô nhô đám đông mặc thường phục trên bãi trống, gần sân khấu dã chiến. Trực thăng đáp xuống một bãi trống, gần đám đông. Máy chưa tắt, tôi nhảy xuống rồi cúi đầu chạy về phía đám đông. Bỗng cô em gái tôi, đang ở trên Đà Lạt, chạy ào về phía tôi, vươn hai tay với nụ cười rạng rở. Tôi hết sức ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết. Em tôi nắm tay tôi, nói rộn rã : “ Em nói với ông Tướng Lân em muốn được gặp anh, nhân chuyến đi thăm vùng giới tuyến với các Sinh viên du học ngoại quốc về thăm quê hương.” Tôi không nói được gì vì xúc động nên chỉ nhìn em sau một thời gian xa cách. Cô em tôi nay đã là Sinh viên Văn khoa Đà Lạt sau khi tốt nghiệp Tú Tài 2 Pháp bên trường Lycée Yersin. Cao ráo và xinh xắn như nữ tài tử Củng Lợi đóng phim Trung hoa nên khi Ngọc chạy tới gặp tôi, có một số chàng Sinh viên du học trẻ chạy theo.

Ngọc quay qua giới thiệu :” Đây là anh A học bên Pháp, anh B học bên Mỹ... ” Tôi chỉ cười và chào họ. Chắc bộ vó tôi trông cũng dữ dằn nên mấy chàng cứ nhìn lấm lét. Ngọc cho biết bác Tư Phụng của tôi, từ Pháp về thăm nhà ở Đà Lạt, đã trở về nước lập thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho Ngọc sang Pháp du học. Ngọc sẽ rời Việt Nam vào tháng Giêng năm 1975. Tôi hỏi đùa : “Còn Bồ em đâu ?” Ngọc lắc đầu nguầy nguậy, cười đáp : “Em chưa có bồ. Mà sau này nhất định em sẽ lấy chồng giàu để giúp đỡ gia đình.” Tôi biết tính cô em này rất cương quyết ngay từ lúc còn nhỏ. Nhưng làm sao biết được tình yêu. Tôi đưa em đến chào và cám ơn Tướng Lân lúc ông đang đứng mỉm cười với các Sinh viên nam nữ. Tôi kéo em tôi bước qua gặp Thiếu Tá Huỳnh Văn Phú, một Sĩ quan đàn em bên Võ Bị, là người phụ trách việc đưa đón Sinh viên. Em tôi vẫn cứ tíu tít chuyện trò về gia đình, trong niềm vui rạng rỡ. Đoàn Sinh viên du học sau đó được đưa lên xe GMC ra thăm cầu sông Thạch Hãn. Hai anh em tôi ngồi ké xe của Thiếu Tá Phú. Tôi vội gọi máy về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn cho xe ra đón tôi ở Thạch Hãn khi phái đoàn trở về Huế.

Anh em tôi bịn rịn chia tay. Không biết bao giờ gặp lại. Em tôi sẽ đi xa nghìn trùng. Còn tôi ở trong vòng lửa đạn sống chết gần kề. Ngọc nắm chặt tay tôi nói như muốn khóc :”Anh hãy ráng giữ gìn sức khỏe”. Ngọc đã từng xuống Quân Y Viện Vũng Tàu thăm nuôi tôi sau khi tôi bị thương nặng, sống sót trở về, từ mặt trận Bình Giả, vào đầu năm 1965. Tôi cười trấn an : “Em cứ lo đi Pháp. Con người sống chết đều có số cả. Không sao đâu”.

Thế là cuộc chiến nổ bùng lên ác liệt, khi Cộng sản Miền Bắc tràn vào xâm chiếm Miền Nam. Tôi ba chìm bảy nổi trong máu lửa hoang tàn, suốt cuộc di tản chiến thuật, từ Phong điền về Huế. Từ Huế theo lệnh lui binh tan tác về Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng vượt sóng ra tàu Hải Quân HQ 401 về Cam Ranh. Từ Cam Ranh nhận lệnh xuống tàu HQ 802 di tản về Vũng Tàu. Củng cố lại hàng ngũ đến nay 20 tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi được lệnh lên trấn thủ Hố Nai, Biên Hòa, trước 3 Sư đoàn chính quy của CS. Sau khi Dương Văn Minh kêu gọi buông súng đầu hàng, tôi đưa cả Tiểu Đoàn còn nguyên vẹn về Căn cứ Sóng Thần tại Thủ Đức, rồi tan hàng tìm đường về nhà. Sau đó, tôi bị kéo vào tù và bị chuyển ra vùng Thượng du Bắc Việt, sát biên giới Tàu năm 1976. Tù đày khổ ải đã lần lượt đưa chúng tôi vào chỗ chết. “Nước mất nhà tan”. Tất cả sụp đổ xuống cuộc đời đến tận bùn đen. Vào năm 1978, dưới áp lực của Quốc tế, Việt Cộng cho chúng tôi viết lá thư đầu gởi cho gia đình. Tôi tự thấy không còn sống sót được, nên trong thơ đã ẩn dấu khuyên gia đình nên tìm đường vượt biên. Vợ tôi đã đưa hai con vượt thoát đến Pilau Budong cuối năm 1978. Khi bị chuyển giao cho Công An, ở Trại tù, dưới chân rừng Trường sơn, Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh, tôi lén gởi một mảnh thư ngắn gởi cho Bác Tư tôi bên Pháp, qua gia đình đi thăm nuôi tù. Dù túng thiếu, nhưng họ đã gởi lá thư sang Pháp rất tốn kém. Sau đó, tôi đã nhận đuợc gói quà đầu tiên, do cô em gởi từ Pháp. Gói quà Bưu điện gồm cả một cây thuốc lá Dunhill và thuốc men. Tôi sống sót đuợc từ đó. Đến năm 1983, khi tôi được chuyển Trại tù Hàm Tân, Phan Thiết, em tôi nhân chuyến về thăm gia đình, đã lếch thếch mang cả càn xé quà vào Trại tù cho tôi. Đầu năm 1984, khi ra rù, tôi nhận được lá thư của em tôi viết : ”Anh cứ yên chí ở nhà chờ giấy tờ bảo lãnh. Đừng vượt biên vì dễ chết. Em sẽ gởi tiền hàng tháng nuôi anh”. Nhưng tôi đã vượt biên sau hai tháng ra tù. Qua tới Mỹ, em tôi còn gởi cho mấy ngàn để mua xe chạy đi làm. Gia đình của cha tôi, trên Đà Lạt, bị tịch thu hết tài sản sau năm 75, cũng trải qua cảnh đói kém. Cha tôi phải đánh xe ngựa. Đứa em gái đầu bôn ba buôn bán từ Đà Lạt về Sài Gòn tìm sống cho gia đình.

Trong khi đó, cô em tên Ngọc, như nhờ một phép lạ, đã ung dung lên máy bay sang Pháp du học, với sự bảo lãnh của ông bà bác Tư của tôi, vào tháng 1 năm 1975. Tại thành phố Nice, là trung tâm nghỉ mát của cả Âu Châu, bên bờ biển Địa Trung Hải, Ngọc ghi tên nhập học Đại học Pháp. Từ tháng 2 năm 1975, hàng ngày, Ngọc ôm tập vở ra bến xe buýt chờ đến trường. Dáng vẻ xinh đẹp và thùy mị, còn nguyên của một cô gái Việt Nam, đã lọt vào đôi mắt của một bà người Việt, ngụ trên một căn nhà lầu kế cận. Bà nguyên là vợ của một ông chủ đồn điền cao su bên Việt Nam mang quốc tịch Pháp. Ông có căn biệt thự đồ sộ ngay sát bên hông dinh Độc Lập, trên đường Công Lý. Ông có một người con trai và hai gái. Trước lệnh Tổng động viên của Tổng Thống Thiệu, khi chiến tranh bùng nổ, ông sợ con trai phải đi lính. Ông vội bán tất cả tài sản rồi mang cả gia đình sang Pháp. Cậu con trai đi học lại và tốt nghiệp Đại học đã đi làm kế toán. Khi ông mất đột ngột, tất cả tài sản do ông gây dựng về địa ốc, tại thành phố Nice, đã giao lại cho con trai. Bà góa phụ thấy con trai đã lớn sợ vướng vợ “Đầm” như dễ xảy ra bên Pháp. Chợt bà phát giác ra cô con gái Việt xinh xắn, dịu hiền, ngay trước mắt. Bà vội vàng dò hỏi và bắt liên lạc với bác Tư Phụng của tôi, là người định cư từ năm 1946. Trong khi, Ngọc còn bận tâm về gia đình bên Việt Nam và cố lo học.

Đùng một cái Miền Nam rơi vào tay Cộng sản vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tất cả đều sụp đổ. Ngọc nhận lời cầu hôn của bên bà Góa phụ. Hôn lễ được cử hành ngay tại Nice, với gia đình hai bên. Trong lúc Miền Nam Việt Nam rơi vào tang tóc. Nhờ phía bên chồng, nói quả không ngoa, một mình cô em tên Ngọc đã kéo cả gia đình lớn của tôi qua cảnh lầm than. Cô này, tôi biết rõ, từ lúc nhỏ cho đến khi du học, chưa bao giờ bước chân vào bếp, dù chỉ rửa chén bát. Thế mà đứng ra mở nhà hàng lớn ngay bờ biển Nice, mà nàng lại là Đầu bếp. Do lấy chồng người Nam nên tính tình cũng xởi lởi, xuề xòa, dù tính cứng rắn vẫn còn nguyên. Hai đứa con, trai và gái đều tốt nghiệp Đại học. Cô con gái khi qua chương trình trao đổi Sinh viên đã lập gia đình với một Kỹ sư Tin học gốc Việt họ Trần bên Mỹ. Đặc biệt là cả hai đều nói được tiếng Việt nhờ Bà Ngoại chăm nuôi. Cậu con trai tốt nghiệp ngành Hàng Không nhưng được tuyển vào làm cho một Ngân hàng Thụy Sĩ. Vợ chồng Ngọc về Đà Lạt mua một ngôi biệt thự bên hồ Xuân Hương làm nơi tránh lạnh mùa Đông bên Pháp.

Cuối cùng, không mấy ai biết, cô em tên Ngọc quý giá của tôi là em cùng cha khác mẹ với tôi. Dù tôi rơi vào hoàn cảnh tệ mạt khi mất mẹ lúc 9 tuổi nhưng cha tôi lại là một người cha gương mẫu, đối với mấy đứa em khác mẹ của tôi. Dù không giàu có nhưng, thú thật tôi không rõ động lực nào, cha tôi cho Ngọc theo học chương trình Pháp, từ Petit Lycée đến Grand Lycée, ở Đà Lạt. Theo học rất tốn kém, từ trang phục cho đến chi phí tiền học, xe đưa rước… Tôi nghe nói Ngọc sinh ra trong bọc điều và cùng tuổi với cha tôi. Cha tôi đã đầu tư đúng người. Nếu không có Ngọc, gia đình lớn của tôi không ai ngóc đầu lên được. Có lẽ, còn hơi sớm để nói về một cuộc đời. Nhưng với riêng tôi, đã không còn nhiều thời gian để đáp lại một mối ân tình của cô em gái dành cho mình.



Trần Ngọc Toàn