PDA

View Full Version : Chuyện trái vải rừng



Longhai
12-16-2015, 07:14 AM
Chuyện trái vải rừng.


Trần Kim Diệp


(Đây là bài viết nhớ lại chuyện "Trần ai khoai củ" của một đời người, khó thể nào quên trong ký ức. Nhắc lại để nhớ một giai đoạn tối đen của lịch sử nước nhà sau ngày 30/4... để mọi người cùng thông cảm, chớ không phải nhắc lại để khơi thêm hận thù... Xin hiểu cho điều nầy.)

***

Sau một năm ở Long Giao, chúng tôi được lệnh chuyển trại để đến ‘’một nơi thuận lợi hơn cho việc học tập‘’.

Chúng tôi được chở bằng Molotova đến Tân Cảng, rồi từ đó di chuyển bằng đường thủy. Khoảng 3.000 cải tạo viên chen chúc nhau trong lòng chiếc Sông Hương được đậy nắp chỉ chừa khoảng hở hơn 1 mét để không khí vào.

Mọi người đều nghĩ ‘’có lẽ sẽ được chuyển ra Phú Quốc‘’vì nơi đây trước 1973 (trước khi hiệp định Paris được ký kết) có một trại nhốt khoảng 50.000 tù binh Cộng-Sản Phần tôi, vì là Hải Quân quen nhìn phương hướng, nên khi tàu ra đến biển vào buổi sáng, thấy ánh sáng mặt trời từ tay phải chiếu sang, tôi nói với những người bên cạnh rằng tàu đang đi về hướng Bắc. Tin lan đi, nhiều gương mặt bỗng đăm chiêu, nhưng cũng có nhiều người chưa tin, họ đề nghị tôi nên kiểm chứng lại. Họ sắp xếp để tôi và một người khác khiêng thùng phân và nước tiểu lên bong tàu để đổ xuống biển.

Khi trở xuống, tôi xác quyết về điều tôi đã nói trước đó. Mọi người đều lo lắng và buồn bã, nhưng dĩ nhiên cũng có một số bán tín bán nghi. Phải đợi đến khi tiếng loa từ trên boong tàu vọng xuống ‘’long trọng báo cho các anh, chúng ta đang tiến vào lãnh thổ miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa‘’, chừng đó mới không còn ai thắc mắc.

Sau khi rời chiếc Sông Hương, chúng tôi được chuyển về miền Thượng du Bắc Việt, khi thì bằng xe lửa, khi bằng Molotova, khi bằng phà, khi đi bộ ... và được dàn chào thật kỹ: bị ném đá vào toa xe lửa, bị mắng chửi dọc lộ trình di chuyển. v.v...

Ðến Yên Bái, 300 đứa chúng tôi được đưa đến một khu trại đang xây dở dang gồm 3 láng (nhà dài). Tôi may mắn được ở trong 1 lán đã có nóc và sạp nằm đan bằng nứa. Trong khi một người bạn H.Q của tôi được ở trong 1 lán chỉ mới có nóc. Lán anh lại nằm sát cạnh 1 cái ao nước đọng. Ngay buổi sáng hôm đó, đội anh được cung cấp dao để chặt phát cây, cỏ mọc quanh ao. Ðến chiều, số người phải lội xuống hay dẩm nước dưới ao bị sốt vàng da và đến tối thì đã có 1 người chết. Riêng anh bạn tôi, tuy cũng bị sốt và đái ra máu, nhưng may mắn thoát chết (hiện anh đang ở California).

Thời gian tôi ở trại này không lâu, nhưng cũng có vài chuyện ngồ ngộ:

Số là 3 láng của trại tôi được xây theo hình chữ U. Mỗi khi sinh hoạt, các đội đều tập hợp ở sân nằm giữa 3 láng, nhưng anh Quản giáo của đội tôi lại luôn dẫn đội lên 1 cái đồi nhỏ cách đó hơn trăm mét, để nói chuyện không theo đường lối của đảng C.S và nhất là để chửi bọn Trung Cộng (không biết anh có vấn đề gì mà luôn sỉ vả bọn Tàu, trong khi chế độ C.S thời đó luôn ngoác mồm là đồng chí vĩ đại Trung Quốc).

Anh quản giáo của đội tôi là 1 Thượng úy Ðặc công thủy, không biết xét lý lịch của tôi H.Q, chắc nghĩ là ‘’bà con‘’, một hôm anh gọi tôi ra nơi anh ở trọ nhà của dân để làm mộc. Tôi cho biết là không biết gì về mộc. Anh bảo cứ đi theo anh, nhưng thật bất ngờ tôi không phải làm gì cả mà chỉ đến để nghe nhạc vàng Thanh Thúy hát. Vài tuần lễ sau, anh bị thuyên chuyển.

Phần tôi, khoảng tháng sau lại phải chuyển trại. Chúng tôi được biên chế từ 14 trại tù trong tỉnh Hoàng Liên Sơn (chúng tôi gọi đùa với nhau là cuộc tuyển lựa tài tử thượng thặng) gom về Trại 10. Trại tôi có một số nhân vật khá nổi tiếng như : Phan Nhật Nam, Phan Khắc Huờn (G.Ð Chương trình Tiếng Gọi Tình Thương), Lê Quang Văn (em Ông Ba Cụt Lê Quang Vinh) ,v.v...và đa phần là các vị Tuyên úy.

Thời này, Bộ đội còn quản lý chúng tôi nên cuộc sống tương đối dễ thở. Chúng tôi chỉ phải lao động mỗi tuần từ thứ hai đến trưa thứ bảy, chủ yếu là xây dựng nhà cửa, phát quang, trồng sắn (khoai mì)... và học tập chính trị.

Chúng tôi được chia thành Ðội và Tổ để lao động và học tập. Tôi bị chỉ định làm tổ trưởng của 1 nhóm 15 người gồm 1 Trung tá thuộc P3/TTM, 1 Trung tá TP2/SÐ 2 BB, em Ông Ba Cụt ( biệt danh là Tướng Cướp Bảy Ớt ), 1 Ðại úy SÐ7 BB, 1 Ðại úy ÐPQ, số còn lại là các vị Tuyên úy.

Ngày đầu, tôi nhận lệnh dẫn tổ đi đẵn chỏm, chỉ tiêu mỗi người một bó. Từ đẵn thì trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan: tiều phu vài gã đẵn cành, tôi hiểu được, nhưng chỏm là gì tôi chịu thua, hỏi Cán Bộ Quản Giáo thì được biết là một loại cây giống như cây nứa, nhưng chúng tôi chỉ được phát mỗi người 1 chiếc liềm. Hỏi thì được trả lời là chưa có dao, phải khắc phục!

Hôm sau, Tôi nhận lệnh dẫn tổ đi đốn bồ đề, chỉ tiêu mỗi anh 2 cây. Chúa ơi! Gần nhà tôi ở Phú Nhuận có chùa Quán Thế Âm (chùa do Hòa Thượng Thích Quảng Ðức trụ trì) có cây Bồ đề to tổ bố. Cả tổ chưa chắc đã chuyển nổi 1 cây, làm sao mà mỗi anh phải đem về 2 cây. Tôi nêu thắc mắc và được giải thích rằng tuy có trùng tên nhưng chẳng dính dáng gì với cây Bồ đề ở miền Nam, Bồ đề ở miền Bắc là một loại cây công nghiệp dùng làm giấy và xuất khẩu. Thân cây suông, thẳng, cao gần 20 mét, đường kính có khi đạt đến 4 tấc.

Thời này, chủ yếu là xây cất trại. Trước kia, chúng tôi đều xuất thân từ đi học, rồi đi lính, làm công chức, đi tu... có ai là thợ mộc, thợ nề gì đâu. Bỗng dưng lại thành thợ xây cất bất đắc dĩ. Có điều thật ngộ là kể cả xây láng (thường 20 mét dài, 5 mét ngang) cũng không bao giờ có tí gì là kim loại, tất cả đều là nguyên liệu cung cấp bởi thiên nhiên: dây buộc thì có mây rừng, lạt giang; cột, kèo thì dùng gỗ; còn tre, nứa, chỏm thì chủ yếu dùng làm rui, mè, lợp mái nhà, làm sạp nằm, làm vách (nứa chẻ cột thành thưng, rồi trát bằng bùn nhồi với cỏ). Sau khoá xây cất này, khi được thả về, tôi nghiễm nhiên thành chuyên viên giúp hàng xóm trong việc xây cất thật ngon lành.

Ngoài việc lao động, mỗi tối chúng tôi còn phải họp tổ để kiểm thảo, bình chọn cá nhân xuất sắc, học lại 5, 6 bài chính trị rập khuôn như hồi còn ở miền Nam, cũng với những lời khoác lác, ngớ ngẩn như ‘’các đồng chí phi công anh hùng của ta đem MIG lên trên mây, rồi tắt máy, phục kích chờ con ma (Phantom), thần sấm (Thundershif) của Mỹ đến, vồ lấy, bắt cả giặc lái Mỹ. v.v...’’Chúng tôi đã vỗ tay như sấm nổ và cười (thầm) đến ra nước mắt.

Về việc ăn uống của chúng tôi thì tệ hơn khi còn ở trong Nam nhiều. Nếu trước kia tuy phải ăn gạo sâu, mục nhưng không phải độn và hàng ngày được chút cá biển, rau bí..., thì nay không có hạt gạo nào, chỉ toàn bắp xay, bo bo, khoai mì, thỉnh thoảng mới có bánh mì luộc ( bột mì nhồi với nước, nắn thành bánh như bánh tiêu rồi đem luộc ) và tí canh kho (vài cộng rau với nước muối)

Chúng tôi tuy có chăn nuôi một bầy lợn và trồng khá nhiều rau, nhưng chủ yếu là để cung cấp cho Ðoàn (tức BCH/Liên Trại) và nuôi bộ đội, nên hầu như chẳng có phần cho chúng tôi. Có điều lý thú là nhờ sự chỉ đạo xuất sắc của họ mà chúng tôi được hưởng hầu như trọn đàn lợn. Số là họ bắt chúng tôi xắt chuối rừng, nấu với rau trai, vỏ sắn, muối rồi đem cho heo ăn. Họ không biết rằng trong vỏ khoai mì có chứa rất nhiều acide Anhydric vô cùng độc hại, đàn heo ăn phải kể cả những con heo gấu (gần giống với lợn rừng) lần lượt chết sạch.

Trong việc nuôi heo có một chuyện thật đáng thương tâm, đó là việc 1 anh Tuyên úy Phật Giáo phụ trách nuôi heo. Anh đi tu từ còn bé, dáng thật lực lưỡng, hàng ngày có nhiệm vụ đi đốn chuối rừng về nuôi heo, nhưng vì luôn đói do khẩu phần quá ít, mỗi hôm anh lén ăn sống lõi vài cây chuối rừng, hậu quả là một thời gian sau, bụng anh bị chướng lên to như bụng đàn bà có thai 5,7 tháng và cuối cùng là anh từ giã cõi đời.

Bản thân tôi cũng gặp nạn trong thời gian này. Như ở bất kỳ trại cải tạo nào, vấn đề vệ sinh đều thật tồi tệ. Cơm, canh nhà bếp vừa múc ra khỏi chảo là hàng đàn ruồi đã nhào vô kiếm ăn, dĩ nhiên là trong cơm, canh lại có thêm vô số’’đậu đen'’ . Tôi không may nên bị kiết, mỗi ngày phải đi ngoài hàng chục lần (có hôm hơn 30 lần) chỉ toàn đàm với máu. Người tôi gầy tọp, chỉ còn da bọc xương, có khi không còn đủ sức để ngồi dậy giăng chiếc mùng, phải nhờ anh bạn giúp cũng như xuống suối giặt giùm quần áo. Dù vậy, tôi vẫn phải lao động, ngồi tại chỗ để chẻ lạt. Thuốc men thì chỉ có xuyên tâm liên nên bệnh tôi ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên số tôi chưa hết nên khi họ định chuyển tôi đến trại cách ly ( tùbị kiết ở các nơi, chuyển về đây để chờ chết và để không lây cho tù khác), tôi đã buộc miệng đề nghị cho được ở lại Trại với lý do ở đây Cán Bộ Quân Y chăm sóc cho một mình tôi chắc chắn sẽ hữu hiệu hơn ở trại cách ly quá đông người. Có lẽ lời tôi đã vuốt ve tự ái của anh cán bộ Quân Y, anh có vẻ hài lòng nên quyết định giữ tôi lại. Thêm một điều may mắn khác là hồi còn nhỏ tôi rất thích nghiên cứu về dược thảo, tôi biết được lá thủ địch (còn gọi là lá mơ) trị được kiết nhiệt, quanh trại tôi lại có mọc thật nhiều loại lá này, thế là hàng ngày tôi hái lấy ăn sống như heo ăn cỏ và rồi tôi hết bệnh.

Trong năm đầu nơi đất Bắc, chúng tôi chưa được phép liên lạc với gia đình nên chưa được tiếp tế, khẩu phần ăn lại quá ít, do đó bị đói kinh niên. Bộ Ðội ít hắc ám hơn Công An nên cho phép chúng tôi được tự động cải thiện thêm (từ cải thiện có nghĩa kiếm cái gì để ăn thêm) và chúng tôi đã tận dụng chiều thứ bảy và chúa nhật không phải lao động để đi kiếm ăn. Thường thì hái lá mối vò làm sâm ăn hay đi kiếm rau. Phần tôi luôn với 2 bao (bao chứa cát làm công sự phòng thủ), 1 để chứa rau má, 1 để chứa lá lốt ăn dần trong tuần.

Sở dĩ tôi luôn hái thật nhiều lá lốt vì lý do sau đây. Anh Trung Tá TP2/SÐ 2 BB trong tổ tôi tuy đã lớn tuổi nhưng còn thật khỏe. Có lần tôi đùa bố Q lớn tuổi mà lao động khoẻ còn hơn cả thanh niên trẻ. Anh trả lời cậu nói thế chớ trước kia có lần tôi bị bệnh gần như bán thân bất toại đó. Tôi hỏi tiếp thế Bố làm sao khỏi. Anh cho biết vì gia đình khá giả, nên ai bày cho thuốc tây, thuốc ta, thuốc bắc gì cũng đã thử qua, nhưng phải đến khi dùng thật nhiều lá lốt nấu uống một thời gian dài mới khỏi được bệnh.

Rồi một việc không may khác xảy đến trong trại chúng tôi thật khủng khiếp. Trong khu vực trại có một cây vải rừng (còn có tên khác là vải thiều hay vải guốc), có lẽ mọc từ lâu đời nên thân cây thật to, tàn lá sum sê và có thật nhiều trái, nhưng vì từ gốc lên cao khoảng 4 thước thân cây không có nhánh và vỏ cây thật trơn láng nên chỉ có khỉ và chim ăn trái vải, còn con người thì chưa ai leo lên được. Cho đến một sáng chúa nhật nọ có 1 Tuyên úy Công Giáo (Cha N.Q.T) không biết làm cách nào anh ta leo lên được và một mình một cõi tha hồ hái vải cho vào bao. Một số người cũng cố leo lên nhưng đều thất bại. Tôi cũng thử và cũng không thành công. Tôi vốn sanh trưởng ở miền quê, leo trèo giỏi, thế mà đành bó tay, thật đáng tức, nhưng không bỏ cuộc, tôi bảo một anh bạn kê vai nâng tôi lên và thêm một ít cố gắng cuối cùng tôi thành công. Tôi hái thật nhiều vải cho vào bao mang theo, nhưng đồng thời cũng bẻ thật nhiều nhánh quăng xuống cho bên dưới . Các bạn tù xúm nhau vừa nhặt vải, vừa ăn. Có một anh ăn cả hột và phát hiện rằng thật béo như đậu phọng hay hạt điều. Nhiều bạn tù khác bắt chước anh.

Sau khi đã hái đầy bao (khoảng vài nghìn trái), tôi tụt xuống đem vải về trại cất, rồi xách cần đi câu cá (tôi vốn mê câu cá từ khi còn thật bé).

Ðặc biệt hôm đó trại tôi được ăn bánh bột mì và mỗi người được lãnh khoảng 100g đường. Thế là một số bạn tù nghĩ ra việc nấu chè với hạt vải ăn. Riêng tôi, đi câu đến chiều được vài chục con cá bải trầu và cá lòng tong, tất cả tôi đem kho thật mặn để ăn dần. Xong tôi luộc 1 lon gô (lon sữa Guigoz) hạt vải và nhờ thằng bạn nằm bên cạnh trông giùm, rồi đi gặp Cán Bộ Quản Giáo để nhận công tác của tổ hôm sau.

Khi tôi trở về lán thì tất cả anh em đã chui vào mùng, chỉ còn thằng nằm bên cạnh và một anh khác là chưa đi ngủ. Tôi phổ biến công việc của ngày mai cho mọi người xong rồi lấy vải cho 2 anh chưa vô mùng, mỗi người khoảng trăm trái, những anh tổ viên khác, định bụng ngày mai sẽ cho tiếp. Tôi ăn khoảng mươi hột vải đã luộc chín, xong đi ngủ, số còn lại 5, 7 chục hột dành để sáng mai ăn trong khi di chuyển.

Tối hôm đó, khi ra ngoài đi tiểu, ngang qua một láng bạn, thấy một số đông đang cạo gió, tôi nghĩ thầm là chắc có luồng gió độc, nên khi trở về lán đã đắp mền thật kỹ kín đến tận cổ. Thế nhưng, sáng hôm sau tôi cũng cảm thấy bị choáng váng. Hôm đó, tôi phải dẫn tổ đi đến một nơi cách xa trại khoảng 5, 6 cây số, san bằng một ngọn đồi làm nền cất nhà mới để chuyển trại. Với cây cuốc chim, tôi đã làm việc cật lực, mồ hôi đổ ra như tắm. Ý định của tôi là nhằm giúp cho cơn bệnh lướt qua. Dù vậy, buổi chiều khi trở về trại, tôi như người say rượu, lảo đảo đi không vững, phải chặt 2 khúc cây nhỏ làm gậy chống. Tôi không hề biết rằng đã trúng độc vì ăn những hạt vải. Mãi đến khi về đến trại, nghe thông báo từ chiếc loa phóng thanh rằng: ‘’những anh nào đã ăn hạt vải phải trình diện BCH ngay, để được chở lên Ðoàn cứu cấp‘’.

Tôi không trình diện, nhưng vội vã đem mấy nghìn trái vải còn lại đổ xuống một khe sâu để tránh cho những người bạn tù khác nhặt lấy ăn.

Số tôi chưa hết, nên may mắn nhờ một quyết định ngẫu nhiên mà phần lớn độc tố đã được mồ hôi loại ra khỏi cơ thể và tôi được tai qua nạn khỏi.

Trong khi đó, những bạn tù khác bị trúng độc được chở lên Liên Trại thì có vài người chết, hơn chục người khác bị điên (trong đó có anh bạn Tuyên úy Phật Giáo nằm cạnh đã luộc giùm tôi gô hạt vải. Tội nghiệp, thương anh, nhưng vô tình tôi đã hại anh. Khoảng 3 tháng sau được trả về trại, anh vẫn còn ngớ ngẩn chưa nhận ra tôi).

Về chất độc chết người thì có rất nhiều, nhưng ăn hạt vải mà trở nên điên loạn thì thú thật đây là lần thứ nhất trong đời tôi được chứng kiến và một điều khác tôi cũng không hiểu nổi là:’’tại sao biết được ăn hạt vải rừng có thể bị chết, nhưng tại sao BCH Trại 10 CS đã không ngăn cản người tù cải tạo?‘’.

Ðây chỉ là vài mẩu chuyện đã xảy ra trong năm đầu nơi đất Bắc. Năm sau, chúng tôi được chuyển về Vĩnh Phú, Trại Tân Lập K1 do Công An quản lý - một tầng địa ngục khác còn khắc nghiệt hơn gấp nhiều lần.



Paris - Đông 2007
Kỷ niệm một thời cải tạo.
Trần Kim Diệp.

ducquany
12-17-2015, 08:59 PM
Tôi không biết tác giả có nhầm lẩn không..??, vì trái vải rừng khó ăn nhiều được vì chua té đái, khi lao động ngoài rừng Thanh Hóa, Đô Lương, Nông Cống, anh em tù chúng tôi cũng gặp trái vải rừng mà dân địa phương ( đi mót củi ) gọi là cây trường điều ,nhìn giống hệt vải nhà ( Lệ Chi ), lúc đầu cũng hái ăn thử nhưng chua lét, chúng tôi phải phát hoang, đẳn gổ trên rừng, hôm nào gặp cây vải rừng ( trường điều ) là coi như tới số, vì gổ trường điều dai, sớ gổ xoắn chặt nhau nên khó đốn, gổ lim tuy cứng nhưng sớ gổ thẳng chặt ê tay, và ai đã từng ăn hột lim lùi tro thì biết, nó vừa béo vừa bùi nên ngon miệng lắm , ăn xong giống như say xỉn, ói mữa ngộ độc, tôi cũng dính chấu nhưng lướt qua được nhờ sau đó ăn đường ngọt vào giải độc.