PDA

View Full Version : Những bài thơ thời chiến



dnchau
12-10-2015, 12:05 AM
Những bài thơ thời chiến(1)
Trần Hoài Thư


Nhớ về những thám kích diều hâu 405

Em bảo tôi hãy quên những hồn ma cũ
Tôi bảo em rồi tôi sống với ai?
Tôi sống với ai giữa chập chùng xứ Mỹ
Cảnh lạ, người dưng tuyết đổ miệt mài…?

Bạn thấy tôi viết nhiều về lính. Không phải vì tôi yêu đời binh nghiệp hay vì nó đã cho tôi nhiều ân huệ để giờ tôi phải tiếc nuối. Nhưng vì là cái nợ tôi mang đối với bạn bè đồng đội không được may mắn như tôi, nỗi tự hào khiến tôi ngẩng đầu giữa xã hội người và danh dự tôi đang gìn giữ, dù hàng ngũ chúng tôi bị thất thế thua trận, bị trả thù, chà đạp, bôi nhọ…

Có sống trong cõi dữ, có nếm được mùi của máu và nước mắt, có cảm được cái đau nhức của một hạt cát lọt vào trong chiếc giày trận khi lội qua sông, có nếm được dĩa vắt sốt rét, có thấy được hố sâu tủi nhục khi mỗi ngày bị rủa xả, mới hiểu mà thông cảm cho tôi.

Những bài thơ được viết bằng chất liệu khói lửa, chiến trường, nỗi buồn rầu, niềm mơ ước v.v… nhưng chắc chắn là không cường điệu, không cái kiểu “áo chàng đỏ tựa ráng pha”… Bởi vì, vượt lên trên hết, người lính vẫn là một con người…

Kỳ sơn

Kỳ Sơn đồi trọc chim không đậu
Đại đội đi, một nửa không về
Lớp lớp người nhào lên, ngã gục
Đạn sủi bờ sủi đá, u mê

Kỳ Sơn cao độ hai trăm thước
Đêm hoảng kinh, đỏ huyết vầng trăng
Những xác hôm qua, vàng rám mỡ
Những anh hùng, ngụy tặc, nằm chung

Kỳ Sơn ơi Kỳ Sơn Kỳ Sơn
Người chưa về tóc mẹ bạc như sương
Ngày sau ai nhớ cho dòng lệ
Kỳ Sơn ơi, Kỳ Sơn Kỳ Sơn…

Một Ngày Không Hành Quân

Xin cô hàng thêm một két bia
Hôm nay lãnh lương tôi dành đãi hết
Cô hàng ơi, một mai tôi chết
Ai tiêu dùm, ba tháng tiền lương

Hôm qua tôi dừng chợ Bồng Sơn
Mẹ thằng bạn ôm tôi mà khóc
Tôi nói làm sao qua dòng nước mắt
Thị trấn này vừa mất thằng con

Tôi quá buồn ra đứng bờ sông
Sông Lại Giang ráng chiều đỏ sậm
Nhớ nó ngã nhào trên bờ đá xám
Thấy cả ngọn đồi những xác Bắc Nam

Cô hàng ơi cho một ly không
Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ
Trên đồi cao, mây vẫn xanh lơ
Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng
Tôi với hắn, đâu có gì thống hận
Bài thơ nào cũng viết để yêu em

Xin cô hàng thêm một chút từ tâm
Tôi quen đập đầu mỗi khi say rượu
Đừng sợ cô em, những thằng đánh giặc
Nhảy Diều Hâu nhưng thật yếu mềm
Em có đôi hàng lông mi thật đen
Tôi bỗng nhớ người tôi yêu, quá đỗi
Đôi mắt nàng cả một trời vô tội
Sao lòng nàng lại tàn nhẫn vô tâm

Khi tôi buồn tôi nói trăm năm
Có nghĩa là tôi vẫn còn muốn sống
Đừng nhắc cùng tôi người tôi yêu dấu
Kẻo tôi lại sầu, mửa hết mật xanh

Trường ở bên sông

Cô hàng chợ Quận mơ gì nhỉ
Mà sao yên lặng như tương tư
Tôi biết đêm rồi không chó sủa
Đêm rồi tôi cũng dệt cơn mơ

Cơn mơ tôi lại ngôi trường cũ
Trường ở bên sông, nhà hai gian
Thầy tôi tóc bạc ngồi yên lặng
Vách lở tường vôi. Màng nhện giăng

Cơn mơ tôi lại bên thềm lạnh
Sân cỏ hoang vu, trời hoang vu
Tôi gọi bạn bè chơi trốn bắt
Bạn bè tôi. Những trái mù u

Những trái mù u khô tróc vỏ
Tôi về ngơ ngác như chim sâu
Trời ơi tôi đã qua bao xóm
Trường đó bạn tôi giờ ở đâu

Cái sân đất thịt nào trơ trọi
Những lỗ bi, lỗ đáo ngậm ngùi
Hình như trong cõi trưa đồng vọng
Tiếng cúc cù tưởng niệm ngày vui

Tôi về buồn bã học trò côi
Chiếc bảng đen còn một chữ Đời
Muốn thú với Thầy con không thuộc
Bởi Đời là biển học mù khơi

Thầy tôi ngồi đấy lưng còm cõi
Vạt nắng xiên xiên đọng héo mòn
Tôi cố gọi Thầy con có mặt
Sổ điểm danh thầy nhớ tên con

Cô hàng chợ Quận mơ gì nhỉ
Sáng đã lên rồi em biết không
Em hiểu lòng tôi giờ ấm lắm
Khi trống trường vọng lại bâng khuâng…

Em nhỏ đời tôi từng mất mát
Em vui tôi cũng chia niềm vui
Ít ra trong kiếp đời gian khổ
Thấy một ngôi trường có mái tươi

Trước giờ tiếp viện

Nửa đêm kẻng giục, quân ra trận
Kinh động cả lòng đêm tối bưng
Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy
Không buồn chỉ một chút bâng khuâng

Đời ta là con số không vô tận
May trên đầu còn chiếc mũ rừng
Mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ
Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân

Người lính sao anh còn ngái ngủ
Anh có lo gì một chuyến đi
Anh có mang theo lòng thống hận
Hay là cái nghiệp buổi sinh ly

Anh có buồn không, giữa cõi đêm
Mỗi lần xuống núi, về mông mênh
Lên xe, bỏ lại đồi thiên cổ
Bỏ trại gia binh lạnh ánh đèn

Thì đi, lầm lủi đi vô định
Ở cuối trời kia, vẫn cuộc chơi
Hỏi ông thượng sĩ Nùng, xin rượu
Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi …

Quán Sớm

Quán sớm. Cô hàng nhăn nếp lụa
Tóc còn vương vít lòng chiếu chăn
Nước sôi reo ấm gian nhà chật
Bếp lửa hồng gió tạt. Mùa đông

Gọi cốc cà phê un khói gió
Mấy thằng râu tóc chụm thanh xuân
Vách trống, sát vào nhau đỡ lạnh
Trời ngoài kia, sương phủ mênh mông

Năm giờ. Thành phố còn yên lặng
Những chuyến xe đầu run rẩy qua
Con đường sương khói hai hàng nến
Những nhánh cây khô đụng mái nhà

Năm giờ. Quán sớm không ai nói
Cô hàng ngồi đó, buồn mông lung
Cô có chạnh lòng nơi cửa phố
Tôi trở về, máu đổ mùa xuân

Năm giờ. Hết phép chờ xe hốt
Từ biệt cô, từ biệt bạn bè
Từ biệt một ngày trai phóng đãng
Mai về trên núi thiếu cà phê…

Longhai
12-10-2015, 12:28 AM
Anh ơi đừng có bay xà.


VeSau


Quê em xứ bưởi Biên Hòa.
Nhà em ở cạnh đường ra phi trường.
Các anh Pilot dễ thương.
Thường hay dừng lại bên đường ngắm em.
Thỉnh thoảng lại cất tiếng khen.
Rời ơi bưởi bự anh thèm chệt luôn.
Lại có một... anh chuồn chuồn.
Mỗi khi dzìa tới bay ngang qua nhà.
Nóc nhà em ảnh bay xà.
Liệng xuống một đóa hoa và tình thư.
Làm em mang bịnh tương tư.
Mơ người trong mộng dzìa từ trăm năm.
Khiến em yêu trộm nhớ thầm.
Suốt ngày tơ tưởng để mong gặp người.
Nhưng ba em giận quá chời.
Cái thằng giặc lái báo đời dzỡn chơi.
Mỗi khi ảnh dzìa tới nơi.
Tía em la hét ông trời điếc tai.
Tiếng Đức ổng xổ tràng dài.
Tay chỉ lia lịa anh tài Phi công.
Mái tôn nó lại bập bùng.
Nóc nhà em chắc sắp bung mất rồi.
Hỡi anh Pilot họ Lôi.
Chơi chi cắc cớ cho đời ghét nhau.
Ví rằng muốn chuyện trầu cau.
Dzìa nói tía má mau mau lại nhà.
Nhỏ nhẹ mà xin với ba.
Cho em xách gói bỏ nhà theo anh.
Bưởi anh em vẫn để dành.
Cho anh ôm ấp mình anh thôi à.
Đừng chơi cái kiểu bay xà.
Nhà em mất mái ông già nổi điên.
Ổng mà đi kiện thêm phiền.
Anh bị ký củ em duyên lỡ làng.
Nhớ nghe cưng !!!

VeSau