PDA

View Full Version : Nỗi buồn tuổi về già



Longhai
11-15-2015, 12:20 AM
Nỗi buồn tuổi về già


Nguyễn Trung Dũng


"Bao nhiêu năm làm kiếp con người.
Chợt một chiều tóc trắng như vôi" (TCS)

1.
Người ta thường nói về già thì khổ. Nói thế chưa thể hiểu thấu cái khổ của tuổi về già. Khổ ở đây là bốn cái khổ. Lời Phật dạy, thì Sinh, Lão, Bệnh, Tử là bốn cái khổ chẳng chừa một ai. Bởi thế, đời là bể khổ. Cho nên, con người đã sinh ra, lọt lòng mẹ nhập cõi, ta đã khóc rồi. Nếu vui, sao lại không cười. Cụ Nguyễn Công Trứ có thơ : "Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe. Đời có vui sao chẳng cười khì".

Tuổi 96, bố tôi cười không thể cười được. Còn khóc, sao lại khóc. Thế cho cho nên, chẳng có cách nào khác là buồn. Bố tôi buồn cái gì. Buồn nhiều cái. Buồn nói ra không được. Cho nên cứ phải ngậm miệng, nín thinh, lặng câm, để cam chịu cái khổ của tuổi về già đày đọa.

Bây giờ, mắt kém, bố tôi không đọc sách làm thợ. Bây giờ, răng long, bố tôi ăn ít và ăn không thấy ngon. Bây giờ, chân lỏng, bố tôi không thể đi đứng cứng cáp vững vàng. Một ngày nằm hay ngồi, ngày đó nó dài tưởng như một thế kỷ. Một ngày, lúc ngủ, lúc thức, ngó mắt lên trần nhà, trần nhà là khoảng không trống rỗng. Một ngày, tai lắng nghe tiếng động trong nhà, tiếng chim hót ở ngoài vườn, đi không thể đi được trong nhà hay ra vườn cây đứng ngắm nhìn chim chóc. Đã thế, căn bệnh sạn ở đường tiểu, căn bệnh đái rắt đôi khi ra máu, nỗi đau thân xác cộng với nỗi đau tinh thần, bố tôi mới chính là người hiểu thấu nỗi khổ và nỗi buồn của tuổi về già nó cay đắng như thế nào.

Tôi thường ngồi bên bố tôi đợi bố tôi cần gì sai bảo. Đêm tối đến, tôi cũng thường thức để nghe bố tôi gọi đến tên tôi. "Đỡ cho bố dậy" "Cho bố đi tiểu". Đấy là lời bố tôi lên tiếng mỗi khi Người cần tới sự giúp đỡ.

Nhiều năm trời, ở với gia đình em tôi, vợ em tôi đã tận tình lo lắng săn sóc cho cụ. Nhiều tháng rồi, ở với em gái tôi, em gái tôi hết lòng phụng dưỡng cho người bố già. Đấy là những người dâu con hiếu thảo biết nghĩ đến mẹ cha. Còn tôi, ở xa nơi bố tôi ở, vài năm mới có thể qua thăm viếng vấn an Người. Mỗi lần gặp, bố tôi lại đổi khác. Tóc trắng trước dầy thì nay thưa vì rụng. Răng trước đủ và chắc thì nay thiếu và long. Tai trước nghe tinh tường thì nay đã lãng. Chân trước đi đứng vững mạnh thì nay mỗi bước mỗi khó khăn nặng nề. Má trước đầy đặn thì nay hóp trũng với da bọc xương. Hình ảnh một con người qua chân dung của bố tôi nom thật thảm hại. Trong bốn cái khổ mà Phật dậy, bố tôi đang ở cái 2 và 3 trong bốn cái khổ của kiếp làm người.

2.
Ở phòng vệ sinh, ngọn đèn được bật sáng suốt đêm. Bật sáng suốt đêm để giúp bố tôi dễ dàng mỗi khi muốn đi tiểu tiện. Với tuổi của bố tôi bây giờ, thể lực mỗi ngày một cạn. Chân cẳng yếu. Nhãn lực kém. Đầu óc thiếu minh mẫn. Dù chưa đến nỗi phải nằm liệt giường như ông nội tôi đã nằm suốt nhiều năm trước khi ông tôi nhắm mắt lìa trần. Nhưng bố tôi, thực sự bây giờ đã không còn tự mình lo cho mình được như một người bình thường. Vì thế, chuyện gì bố tôi cũng phải nhờ cậy con cái giúp đỡ mới làm được.

Đêm thức giấc, mỗi lần đi tiểu trong phòng tiểu, có khi bố tôi tự xuống được giường, có khi xuống không được, bố tôi buộc phải gọi con vực đỡ để đi vào phòng vệ sinh. Đấy chính là lý do ngọn đèn trong nhà cầu phải thường xuyên bật sáng để có ánh sáng giúp bố tôi mỗi lần đi tiểu và đại tiện.

Bệnh đái vặt, bố tôi trở mình thức giấc, đêm tính ra có bốn hoặc năm lần. Bốn hoặc năm lần đó, cô em tôi lại mất ngủ. Phải vực đỡ bố tôi đứng, phải coi chừng bố tôi ngã, cái mất ngủ đó đã làm sức khỏe của em tôi xuống một cách đáng ngại. Nhưng vì chữ hiếu, phận làm con, cô đã hết lòng hi sinh để tận tụy chăm sóc người bố lúc về già.

Một tuần lễ qua Canada thăm bố tôi, đêm thức với nhiệm vụ lo cho bố, tôi mới cảm nhận được sự hi sinh to lớn của em tôi trong việc săn sóc người bố nó vất vả như thế nào. Và sự săn sóc của em dâu tôi cho bố tôi trước đây, trong suốt 6 năm trời, việc làm đó quả là vượt sức nếu không có lòng hiếu thảo và tình thương bao la khó có thể vững lòng gánh vác được.

Ở phòng vệ sinh, ngọn đèn được bật sáng suốt đêm như tôi đã nói, ánh sáng của ngọn đèn đó đã giúp bố tôi vào ra phòng vệ sinh mỗi khi buồn đi tiểu tiện. Ngọn đèn đó cũng giúp tôi vực đỡ xốc nách bố tôi trên mỗi bước chân lê lết qua mặt sàn nhà bằng gỗ mà khoảng cách từ giường đến nơi tiểu tiện, bố tôi phải vất vả như đi suốt qua một vùng thảo nguyên dài và rộng.

Đêm với nước mắt ứa ra không sao cầm giữ được, lòng tôi quặn thắt khi nghĩ lại lúc bố tôi ở tuổi thiếu thời. Cái thuở đó, bố tôi là một người đàn ông vạm vỡ, cường tráng. Bố tôi thường hãnh diện nhắc đến thời sung sức, bố là quán quân trong đội bóng đá của nhà trường. Cuộc đời của bố được bố tôi kể lại trong những bữa ăn gia đình, thì cuộc đời đó bố tôi đã năng nổ hoạt động với tài sức và học lực của mình để tạo ra sự nghiệp đã có trong quá khứ. Một quá khứ vàng son huy hoàng của bố tôi chính là tấm gương sáng cho con cái sau này soi chung. Lúc sinh thời, mẹ tôi đã mang công sức của mình giúp bố thăng tiến trên đường danh phận. Vì thế, nhà cửa có, tiền bạc dư, nhờ vậy, chúng tôi đã được nuôi nấng dậy dỗ học hành để thành nhân. Bố tôi đi làm cần mẫn, mẹ tôi tháo vát kinh doanh, của cải trong nhà dư ăn dư để, cuộc sống khá giả giầu có. Nếu kể ra những gì bố mẹ tôi đã làm, chữ nghĩa e rằng không đủ viết.

Năm 54, bố tôi đem một lũ con chạy vào Nam. Mẹ tôi sau đó mới vào vì mẹ không muốn bỏ lại con tầu chở đầy gạo. Ba dãy nhà gạch mới xây cất xong, giặc vào tiếp thu Thành phố, ba dãy nhà đó là công của mồ hôi nước mắt làm ra, cuối cùng cũng đành mất trắng cho VC vì mang không được. Vào Nam, bố tôi tiếp tục đi làm, mẹ tôi nhờ tài tháo vát buôn bán, từ cái không thành có, từ cái quyết chí mà nên, bố mẹ tôi lại gầy dựng tương lai mỗi ngày mỗi vững và mỗi khá. Nhà cửa mua, làm ăn phát đạt, sự nghiệp vững vàng, đời sống ổn định, đúng với câu "thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn". Tưởng cứ thế rồi vui hưởng đến lúc tuổi già, khi đau yếu có bầy con báo đền ơn nghĩa, khi qui tiên thanh thản ra đi, nhưng năm 75 là năm trời đất không yên, cửa nhà lại mất, của cải trắng tay, mồ hôi công sức như "dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công trạng gì".

Ngày 30 tháng 4, bố mẹ tôi xuống tàu vượt biển. Tầu đông nghẹt người. Tầu như một đàn kiến khổng lồ đen ngòm lúc nhúc ra khơi. Tầu tới đảo rồi từ đảo, bố mẹ tôi được tiếp nhận vào Gia Nã Đại. Bấy giờ, tuổi đã cao, đất người xứ lạ, bố mẹ tôi chẳng còn khả năng và vốn liếng để làm ăn sinh sống. Lãnh tiền già, ở nhà già, cuộc đời buông thả theo ngày tháng và năm, cho tới lúc mẹ tôi ngã bệnh rồi đi, bố tôi sống với nỗi buồn đơn chiếc kể từ đó.

Bầu trời ở Canada thường u ám với mây vào mùa Đông. Cái lạnh của gió và cái rét buốt của tuyết chẳng vui bao nhiêu cho người cao tuổi. Lúc tuyết xuống, nhìn qua cửa sổ thấy tuyết bay tơi tả như những cánh hoa mai, nỗi buồn như kim đâm thịt chích da, đầu óc bố tôi lại thả hồn về với mẹ tôi mà ở đó, khu nghĩa trang tuyết đã phủ trắng xóa các mộ phần.

Vào những giờ con cái đã rời khỏi nhà đi đến hãng xưởng, bố tôi thường ngồi thu mình trong cái ghế sofa bọc da, đầu óc thả trôi về vùng quá khứ. Quá khứ của bố còn nhìn thấy vì quá khứ có làng quê xưa cũ, người trăm năm thân quen, Thành phố với nhà cửa và hàng cây trên hè đường, ở đó, quãng đời bố tôi đã kinh qua một thời lịch sử. Tôi biết thế vì những lúc tôi ngồi bên bố tôi, cha con ôn cố tri tân chuyện xưa tích cũ. Ngọn lửa thắp sáng trong đêm tối như người già nhớ tuổi hoa niên, những lúc đó tâm hồn bố tôi tìm thấy niềm vui trong chốc lát thay vì nhìn về hiện tại, hiện tại xa lạ và ngỡ ngàng ở một nơi đất khách quê người. Tôi biết cũng chỉ biết phần nào tâm trạng ủ ê của bố cũng như tôi biết có giới hạn nỗi buồn của bố tôi lúc tuổi xế chiều bao phủ ưu tự Cái ưu tư u uất lắng đọng rồi đông đặc, nó biến thành một thể cứng đóng cục trong đầu óc bố tôi. Cái cục cứng đó từ thể tĩnh hóa thể động mỗi khi bố tôi có quá nhiều suy tư về một vấn đề gì, thì đấy là lúc bố tôi bận tâm nghĩ ngợi. Khi người ta có khả năng giải quyết dứt khoát một chuyện rắc rối nào đó, thì mọi việc chẳng còn rắc rối đến nỗi phải tích tụ trong óc não để rồi trở thành chất cặn lắng xuống gây u uẩn tâm can. Còn bố tôi, điều đó hẳn nhiên bố tôi không còn cách nào khác để làm được.

Buổi tối vào giờ mọi người đã ngủ, tôi còn ngồi bên bố tôi nói dăm ba chuyện vẩn vơ. Thường thì bố tôi hay quay về quá khứ, nhắc đến tên những người này người kia trong họ hàng, nhắc đến làng xưa quê cũ, nhắc đến nội ngoại trong dòng họ, nhắc đủ thứ chuyện cần nhắc theo óc bố tôi liên tưởng dẫn dắt đưa đi.

- Ông nội sinh thời làm nghề dạy học. Ông ngoại làm quan thời Pháp đô hộ nước ta. Bố lấy mẹ con bấy giờ danh chưa thành công chưa toại. Sau cố sức học hành, đỗ rồi vào làm Tòa sứ ở tỉnh. Cuộc đời có lúc thăng lúc trầm, nhưng hết thẩy tiền nhân đến kẻ hậu sinh đều giữ lễ nghĩa con người làm trọng. Nghèo vẫn sạch, giầu vẫn bình dân, chẳng một ai coi khi kẻ dưới.

- Bố nên viết gia phả để lại đời sau con cháu biết tông biết tổ. Ông nội những năm còn sống, con thấy ông đã lập một cuốn ghi đầy đủ ngọn nguồn gốc gác. Đến bây giờ, con thiết nghĩ bố cần tận dụng quãng đời còn lại, bố khởi dựng gia phả nối tiếp cuốn gia phả của ông nội ghi chép cho con cháu sau này.

- Việc làm này đáng nhẽ phải bắt tay ngay vào những năm trước đây. Nay sức khỏe mỗi lúc mỗi suy sụp, điều này bố biết đã muộn rồi.

- Muộn thì muộn, con nghĩ bố nên làm. Mỗi ngày ghi chép một ít, nhớ tới đâu viết tới đó, như ông nội đã bỏ công khó mới có cuốn gia phả để lại bây giờ. Nếu bố ngại không làm công việc đó, đến lúc bố trăm tuổi, cái quá khứ đời bố mẹ, con cái không ai biết, cháu chắt không ai hay, gốc gác dòng họ vì thế mà mai một.

Bố tôi nghe nhưng không trả lời. Những chuyện quá khứ tuy xa lại rất gần với bố tôi khi được gợi đến. Những chuyện đó đối với tôi chỉ là những mảnh chắp vá vụn vặt khi tôi nhớ lại. Như về ngôi nhà ba gian có mái đỏ của ông nội tôi ở cuối con đường xóm giếng Chùa. Mặt tiền nhà có giàn hoa thiên lý. Hoa hình loa kèn màu đỏ chót. Một cây mít sai quả trồng ở cánh tả đầu hồi nhà. Một cây bưởi trồng ở cánh hữu bên kiạ Tới mùa cây mít ra quả, từ cành cho đến thân đều trĩu nặng những quả mít như một bầy con ôm mẹ. Những quả mít đó bổ ra đầy múi màu vàng mỡ gà. Mùi thơm phức.

Vị ngọt ngào như mía lùi lửa rơm. Cây bưởi thì sai trái. Đến mùa hoa nở, hương thơm bay tỏa khắp sân nhà. Hoa thụ trái. Đó là những quả bưởi vỏ ngoài màu hoàng kim, trơn và bóng. Bưởi loại bưởi đào. Múi bưởi nom như son môi. Bên nội tôi là thế. Bên ngoại, nhà ông tôi thì lớn hơn nhiều. Ông ngoại tôi làm quan, có dinh cơ và lính phục dịch. Ông ngoại tôi mỗi lần ra tỉnh họp, ông ngồi xe có người kéo. Thời bấy giờ xe chưa có động cơ gắn máy như thời văn minh tiến bộ sau này, những cái xe tay có phu cầm càng, chân chạy bộ, trên có người ngồi, còng lưng kéo. Hình ảnh đó bây giờ không còn thấy nữa, nhưng trong ký ức tôi, tôi vẫn còn mường tượng ra cái cảnh ấy mỗi khi nhớ lại. Làm chức nghị viên, ông ngoại là người có địa vị và quyền hành hơn hẳn ông nội tôi chỉ là thầy giáo làng. Nhưng phận ai nấy giữ, việc ai nấy lo, thông gia giữa hai bên vẫn được hai ông tôi bên nội hay bên ngoại giữ đạo tương thân trọng kính. Nếu ông nội tôi ngồi hút thuốc lào, ông tôi tự lo chuyện điêù đóm, thì, ông ngoại tôi có lính lệ đứng hầu châm lửa đốt, có người đứng cầm quạt để quạt mát. Cung cách hai bên có khác nhau, nhưng việc hút xách cũng chỉ là một thông lệ bình thường. Ở dinh thự lớn, ở ngôi nhà dân giả ba gian hai chái, ông nội và ông ngoại tôi vẫn giữ đúng đạo làm người, ăn ở phải cách, trung tín lễ nghĩa trước sau.

Đêm khuya khoắt, tôi ngồi canh giấc ngủ cho bố tôi, bỗng chốc mắt đã nhắm, đi sâu vào cơn mộng. Lùi vào quá khứ của một thời xa lơ xa lắc, thấy người xưa cảnh cũ, thấy mọi vật trước sao nay vậy, như lúc ngồi coi lại cuốn phim quay thuở đó có ông nội ông ngoại tôi còn sống, có cảnh làng cũ quê cha rõ ràng y hệt. Mơ chỉ là cơn mơ khi hồn mình rời khỏi xác, bay lên cao và đi rất xa để lạc vào cõi ký ức thời xửa thời xưa chợt đến và nhập vào giấc mộng.

Tiếng động làm tôi thức giấc. Đó là lúc bố tôi muốn đi tiểu. Chân cẳng cứng, bố tôi đứng không được, gọi tôi để tôi đến đỡ cho bố đứng. Vầng trăng đêm ở bên ngoài khung cửa sổ vẫn sáng với ánh sáng lúc về khuyạ Vườn cây với cây cối được ánh sáng của vầng trăng tỏa xuống đám lá óng ánh như tráng một lớp thủy ngân. Tôi chờ bố tôi đi tiểu, mắt ngó lên bầu trời quang đãng của một đêm đẹp trời, vài ba ngôi sao nhấp nháy, một vầng trăng rực rỡ, bóng tối của cây rừng ở dẫy đồi không xa đó, có tiếng một con chim lạ chốc chốc lại kêu.

3.
Nếu năm 75 miền Nam không rơi vào tay Quân đội miền Bắc, không có cảnh bỏ nước ra đi, trên mảnh đất Quê hương và Thành phố với ngôi nhà đã sẵn có, ở tuổi về già, mẹ tôi đâu đến nỗi phải gửi xương cốt nơi đất người, bố tôi đâu có phải sống quãng đời về già nơi xứ lạ.

Nếu năm 75 Sàigòn không mất bởi cuộc cưỡng chiếm của Bộ đội quân nhà Hồ, bố mẹ tôi đã có những ngày hạnh phúc sống bên những đàn con, quây quần sum họp bên lũ cháu, hưởng cảnh già vui với niềm vui gia đình, mãn nguyện với thành quả đã làm ra và để lại tài sản của cải là công lao khó nhọc của mình gầy dựng cho con cháu thừa hưởng.

Đêm ở Canada thức trông chừng bố tôi, tôi thấy vầng trăng khuya khoắt trên bầu trời mùa hạ. Đêm ở San Jose nằm trong căn phòng bình yên ấm áp, cũng nửa khuya tôi thấy vầng trăng treo lơ lửng tỏa sáng trên màu đen tối sẫm. Nghĩ đến bố tôi mỗi lần rời khỏi giường, đi với chân cẳng quơ quét trên mặt sàn ván để vào nhà vệ sinh, có bốn năm lần như thế, lòng tôi không khỏi quặn thắt thương xót người bố tuổi đã già.

Làm sao tôi có thể ngủ yên giấc khi biết bố tôi không thể có những đêm yên giấc như tôi. Những lần mót tiểu là một lần quấy rầy giấc ngủ của bố tôi và bắt buộc bố tôi phải trở dậy mò ra khỏi giường. Buổi sáng vẫn có tiếng chim hót. Tiếng chim chào mừng sớm mai khi trời đất đã sáng tỏ. Một ngày lại đến, lại đi. Một ngày của một ngày nối tiếp theo vòng quay của quả đất. Một ngày thêm mãi cho tháng và năm làm tăng tuổi đời của con người, dấu mốc thời gian và sự hủy diệt.

Chén trà, điêù thuốc lá, tôi ngồi uống và hút khi ánh nắng đã bò lên bức vách trong phòng, lại nghĩ đến bố tôi kể từ khi tuổi già, bố đã không còn thói quen dùng trà và hút điêù thuốc như tôi nữa. Tôi ngồi uống trà, hút thuốc vừa cầm ở tay "Lão Ngư Ông Và Biển Cả" của nhà văn Hemingway. Quá khứ một thời khá xa, bố tôi đã có lần nói với tôi về cuốn sách đó. Về biển, về con cá, về ông già, cuộc chiến đấu giữa đàn cá mập, cuối cùng, lão ngư ông đã chiến thắng để đưa con cá tới bờ bãi mép cát. Chỉ là bộ xương nằm ở đó với sóng biển ì ọp đùa vào rồi lại rút ra xa. Chỉ là bộ xương vô tích sự nhưng lại là bộ xương mang ý nghĩa một chiến tích của một ông già. Bố tôi bây giờ chắc hẳn chẳng còn nhớ đến Lão Ngư Ông của nhà văn Hemingway để bắt chước cái ông lão đánh cá đó thử thách tài sức mình trong cuộc vật lộn với tuổi già mang trong người bệnh tật phiền hà.

Vườn cây có những bông hồng đỏ nụ, tôi nhác thấy có con Humingbird đang bay đứng trước một đóa hoa, rúc cái mỏ dài vào tâm điểm của đóa hoa hồng, hút chất nước ngọt của thứ hoa đó. Chim nhỏ, mỏ dài, bay đứng, loáng một cái tôi đã thấy mất dạng với hai cái cánh vỗ như hai thanh gươm sáng được một kiếm sĩ múa như vẽ một vòng sáng nhỏ như sợi chỉ. Tôi quên con chim mỏ dài, cánh nhọn, bay đứng để uống một ngụm trà, phà một bụm khói, rồi nhớ đến bố tôi.

"Cứ hồn nhiên tự tại mà sống. Chẳng hơi đâu bố phải lo nghĩ vẩn vơ những chuyện vô ích mà làm gì. Cứ ...".

Có lúc tôi nói như thế như nói với bố tôi lúc ngồi cạnh giường săn sóc người. Tôi nói thế thực ra tôi đang nói với tôi vì bây giờ, bố tôi ở xa nơi tôi ở nếu tính thời gian, thời gian 5 tiếng đồng hồ ngồi trong chiếc phản lực bay trên độ cao mà nhìn qua cửa sổ xuống, có lúc thấy Thành phố phía dưới, có lúc thấy biển màu xanh dương, có lúc thấy rừng núi cây nom như rêu, có lúc thấy tuyết phủ trắng xóa như vôi bột trên những đỉnh non cao, có lúc thấy những tảng mây đen nặng sũng nước, có lúc thấy máy bay đang bay giữa đám sa mù che phủ mắt chẳng còn nom thấy gì cả.



Nguyễn Trung Dũng