PDA

View Full Version : Góc Chiến Trường Xưa



Longhai
11-10-2015, 01:12 AM
Góc Chiến Trường Xưa


Trần Hoài Thư


Khi rời Thủ Đức

Bài học cuối cùng cho một người sắp sửa xuống núi. Ðạn mã tử bắn rát trên đầu, hai đầu cùi chỏ trầy trụa. Hàng rào dây kẽm chằng chịt như màng nhện giăng ngang dọc. Trườn. Chỉ trườn. Trườn và lết. Nắng lớn. Mặt trời chói chang, nhức mắt. Ðạn đại liên tiếp tục quạt. Ráng đi con. Nay mai con sẽ rời chốn này, sẽ chạm vào thực tế khác. Dữ dội hơn, khủng khiếp hơn, tàn bạo hơn.

Ðoạn đường chiến binh. Có bao nhiêu đoạn đường để đôi giày ta thêm một lần vẹt đế. Và ta phải tiếp tục thêm bao nhiêu đoạn đường nữa, cho xong. Mới đó mà như thể một chuyện không tin. Thằng trẻ tuổi hôm nào, tóc dài quá ót, mang trong lòng những tra vấn, những phẫn nộ, những thao thức, nôn mửa hiện sinh, bây giờ hắn sợ phẫn nộ, sợ thao thức, hay tra vấn bâng khuâng. Hắn sợ tự do. Ôi, tự do tuyệt vời. Tự do Alexis Zorba. Mái tóc tuyệt vời. Ðôi dép Nhật tuyệt vời. Bây giờ chúng trở thành những món quà đầy bất trắc. Cán bộ chửi mày là con bò, mày cũng vẫn câm, không được cãi lại. Ðàn anh phạt mày hít đất, nhảy xổm, chạy máy vòng quanh Vũ Ðình Trường mày cũng phải tuân hành. Mày không có quyền phẫn nộ khi con cá mối cứ ăn hoài, hay bữa cơm khi thì khê khi thì sống. Mày không có quyền thao thức trước một xã hội ngày một tan rã... Người ta dạy mày phải cúi đầu tuân lệnh. Ðó là bài học huấn nhục. Ðoạn đường chiến binh đầu tiên mà mày bắt đầu thử thách.

Huấn nhục. Thương vô cùng cái quyền của ta. Cái tôi yêu, yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, hay nếu ai bẻ ngòi bút của tôi, tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá... Cái tôi bây giờ chỉ là một thân xác vô hồn, một con người máy không hơn không kém... Cái tôi của ta đã mất, đã chạy, đã sợ trốn đi rồi. Ðừng xem ta là kỹ sư, bác sĩ hay là tú tài II thi hỏng, đau lòng ta muốn khóc nữa... Ðừng luyến tiếc chiếc áo sơ mi và chiếc quần tây nhẹ tênh nữa. Ðừng rưng rưng nhìn đầu tóc chất ngất thanh xuân và mơ ước tiếp tục rơi rụng trên nền nữa. Mới ngày đầu tiên, mà đã bị choáng ngợp bởi một đổi đời kỳ cục, lạ lùng. Quân đội là thế ư ? Hàng ngũ là thế ư ? Những doanh trại tiền chế, dãy nhà đại đội, những khu giảng dạy, những khu thăm nuôi, thiết giáp, hội quán, những cổng số 1, số 9... ngay cả những người chung quanh mình, từ cán bộ đến sinh viên khóa đàn anh, hay đến những chú lính học trò bỡ ngỡ... Tất cả xa lạ. Tất cả bỡ ngỡ. Tất cả như đè nặng bao quanh đến ngạt thở khiến mình không thể cục cựa, không thể tách rời ra khỏi đám đông, không thể nhìn lên bầu trời để đếm những vì sao mà thầm thì được bao nhiêu thì anh yêu em bấy nhiêu. Những bộ quần áo trận, nhận đôi giày bố đen, đôi giày da, chiếc nón sắt, súng trường. Nhận căn phần chiến tranh cho một bản án mà tuổi trẻ không hề gây nên mà phải gánh chịu. Nhận lấy như nhận một gia tài của Việt Nam, của những xâu xé tranh giành, những hận thù ngút ngàn, không ngưng nghỉ. Nhận lấy mang về phòng trại, mang vào soi gương. Rộng thùng thình. Gia tài của mẹ để lại cho con. Nhưng còn gia tài của con. Gia tài của tuổi trẻ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh thì sao. Mẹ để lại cho con những gì ? Cha anh để lại cho con em những gì? Hay chỉ là cái gia tài nhét trong chiếc sac marin và khẩu súng trường M1 bắn bằng đạn mã tử. Thôi, bỏ qua đi, hỡi thằng trẻ tuổi Việt Nam sinh lầm thế kỷ, mà guồng máy luôn luôn ca ngợi tận mây xanh, người trai thời loạn, bổn phận thiêng liêng, trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, anh hùng hào kiệt, chí trai tang bồng hồ thỉ. Chẳng hiểu những tay ấy có dám chứng tỏ những điều họ nói bằng hành động hay không...

Như vậy, ta đã bắt đầu, thưa bạn bè, bằng hữu, thưa học trò của ta, thưa mẹ, thưa em, thưa đất nước. Không có gì đáng lo, đáng nghĩ ngợi. Ai cũng như ai. Chỉ việc học tuân lệnh. Thế thôi. Tay phải đã bắt đầu làm quen những lần chào tay bỡ ngỡ. Mắt phải nhìn thẳng, mặt phải ngẩng, và ngước lên, hiên ngang hào kiệt nam nhi. Trên ngọn đồi Tân Nhơn Phú ít thấy bóng cây, bóng lá, chỉ có chăng là ánh mặt trời chói lọi, làm cát sỏi, như hừng hực làm mái tôn doanh trại như thiêu đốt, làm bốn bề tám hướng như thể một lò luyện thép. Trong lò ấy, những con người đang trở thành những con người máy, những bộ phận tội tình, bị xào nắn, lột xác, lột vỏ, lột cả tâm tình. Mới vào mà đã thấy những chàng đàn anh một hai ba bốn một hai ba bốn... vừa nhịp nhàng bước vừa hát “đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn”... Ai mang ta đến chốn này. Ta không bao giờ mơ tưởng đến một ngày trở thành một vị danh tướng lẫy lừng, cũng chẳng xem nghề võ biền là nghề nghiệp. Ấy vậy, bạn và ta, phải lặn ngụp cùng cõi võ. Thấy thương bạn vô cùng. Một giáo sư từ giã mái trường, học sinh, viên phấn bảng xanh. Một kỹ sư bỏ lại những dự án, những kế hoạch. Một tiến sĩ bỏ lại đứa con mới sanh. Một người tình bỏ lại em đôi mắt bồ câu buồn đưa anh ra bến sông, thui thủi trở về tập thành chinh phụ.

Tiếng gọi nào kỳ bí bắt người trong cuộc phải cố gắng vươn lên, vượt qua những gian truân nhọc nhằn trong lò tôi luyện. Ôi tiếng gọi không hề nghe, chẳng hề nhận, sao lại bão bùng. Tiếng gọi thúc hối con tim, luân lưu và hâm lại dòng máu. Tuổi trẻ chấp nhận, như bạn đã chấp nhận. Ít ra, mình cảm thấy không là kẻ hèn. Có phải vậy không.

Phải. Vì không muốn mình hèn nên mới trình diện Quân vụ Thị trấn, mới chấp nhận cuộc chơi buồn bã trên một quê hương buồn bã tang thương.

Như vậy ta đã nhập cuộc rồi, hỡi những kẻ áo thụng tháp ngà miệng môi dạy thanh niên là rường cột nước nhà, chí trai hào kiệt. Con ngựa đã bị thúc thủ bỏ lại thảo nguyên xanh và vó câu tung bụi lốc. Thủ Ðức. Ta đang có mặt. Bộ quần áo đã được mang đi sửa lại. Chiếc quần đùi trắng, có lỗ hổng kỳ dị cũng phải làm quen. Này là đôi giày bố, giày da, giày đi phép... Này là sợi dây nịt, chiếc mũ nồi. Này là cà mèn hay bi đông nước. Và thẻ bài. Và một chỗ của ta giữa tập thể người máy. Trung đội. Ðại đội. Tiểu đoàn. Thân ta như nàng Kiều mười hai bến nước. Thủ Ðức là một trong mười hai bến. Cái bến được phong tỏa bởi những hàng rào dây kẽm gai, những đôi mắt diều hâu của cán bộ xoi mói, những luật lệ nghiêm ngặt bao vây. Như vậy, Thủ Ðức đâu có đáng gì để mà nhớ. Ngọn đồi trọc với những dãy nhà mái lợp ngói đỏ, với Vũ Ðình Trường, với Trung Nghĩa Ðài, với hội quán Sinh viên Sĩ quan, với khu nhà ăn gần cổng số 9, với khu gia binh, thiết giáp, và xa hơn là những bãi bắn, đồi mẹ bồng con, xa hơn nữa là giòng sông, là lũng thấp... Nơi đó đâu có phong cảnh tuyệt vời, mỹ lệ. Ðâu có hàng thông reo vi vu hay hoa tươi thắm nở. Chỉ có chăng là mồ hôi gian khổ, những con cá mối quanh năm, những giấc ngủ mê mệt chập chờn, những tiếng mớ thảng thốt, cùng với âm thanh của muôn vàn tiếng nổ của đạn mã tử vang rền trên bãi bắn bốc khói. Nó chỉ là cái lò để hấp luyện da thịt trở nên chai sạn hơn, bỏ quên cái tôi của mình ở đàng sau. Nó chỉ là chiếc nón sắt nặng trĩu đè nặng trên đầu hay khẩu súng trường M1 đè nặng trên vai. Lúc này mới hiểu thế nào là giấc ngủ quý như vàng. Nó chỉ là những trận phạt dã chiến, hay những tiếng còi ré lên giữa đêm hôm khuya khoắt. Nó là một cửa ải bắt đầu cho một bản án định mệnh. Dù phản chiến hay không phản chiến, cũng vậy. Lò luyện chẳng từ một ai.

Có gì để mà nhớ, ở đó. Không, nhớ lắm chứ. Bởi ở đó cát sỏi đã thấm cùng mồ hôi của ta. Bởi nó thấy ta đổi lốt, đổi cách sống, cách nhìn. Bởi nó cho ta sức mạnh, ít ra. Bởi nó dạy ta tự tin, và tự thắng. Bởi ở đó dạy ta thế nào là một cuộc lên đường. Dạy ta thế nào là người lính.

Phải. Người lính là phải thử thách, là phải lao về phía trước, là ngẩng đầu, vươn cao, không sợ, không lo, không bịn rịn. Người lính là người đi san bằng bất công, bạo lực. Người lính là người chỉ được sử dụng khi đất nước cần, chứ không phải trở thành công cụ cho ông Tướng, ông Tá, ông lãnh tụ... Người lính Thủ Ðức mà ta biết, anh cũng có vợ trẻ con thơ, cũng có bằng cấp kỹ sư hóa học, mắt mang kính cận thị, thế mà ra trường anh tình nguyện đi Cọp Ba Ðầu Rằn và sau đó tử trận... Người lính Thủ Ðức dù chưa ra trường mà cũng sắm sẵn áo rằn ri, mũ nâu, mũ đỏ, mũ xanh... Cả lò tôi luyện nay trở thành một núi hỏa diệm, phun lên những nhiệt tình đỏ thắm...

Phải. Cám ơn Thủ Ðức ít ra cho ta được lon chuẩn úy để ta biết thế nào là một cấp bậc tang thương nhất của hàng ngũ. Xin các ngài đừng buộc tội tôi không có chí trai nếu các ngài chưa bao giờ biết cảnh 5 người chuẩn úy trình diện thì 4 người đã tử trận, và một người còn lại bị thương tật. Tang thương lắm các ngài ạ. Chức vụ của chuẩn úy bộ binh còn nguy hiểm và nặng nề hơn người lính binh nhất binh nhì nữa. Thử hỏi ai cầm địa bàn để hướng dẫn trung đội đi cho đúng phương giác ? Trong trường hợp này chàng chuẩn úy phải đi sau người tiền sát viên. Và nếu người Tiền sát viên mở đường sợ quá đến nỗi đái trong quần thì ai là kẻ làm gương, và là kẻ nghe đại đội trưởng chửi trong máy? Còn biết bao nhiêu chuyện khác nữa, mà người lính Thủ Ðức phải chịu đựng, phải thử thách, phải trả với cái giá rất đắt để bây giờ các anh sống mãi trong con tim của chúng tôi trong những buổi dạ vũ có áo hở ngực, vai trần trắng nuột, mắt lim dim trong tiếng nhạc lời ca dìu dặt như một miền Nam trước năm 1975.



(Trích trong “Thủ Ðức ta về, Thủ Ðức ta đi”)
Trần Hoài Thư