PDA

View Full Version : Một ngày cuối tháng Tư



Longhai
11-07-2015, 06:46 AM
Một ngày cuối tháng Tư


Hồng Vũ Lan Nhi


Hàng năm, cứ đến tháng Tư, lòng tôi lại nôn nao khó tả. Tôi đoán, không riêng gì tôi, mà có lẽ tất cả những người VN di tản của tháng Tư 1975, đều có tâm trạng giống nhau. Tôi nhớ lại những ngày sôi động mấy tháng trước đó. Mọi người nhốn nháo, lo âu, và những tiếng "phải ra đi" đã như một tiếng vang, cứ lan dần, lan dần, lan rộng mãi, sau khi gần như cả nước đã chạy đôn chạy đáo tìm đường đi Mỹ.

Tôi chỉ là cô giáo dạy học, không quen với một người Mỹ nào, cho nên khi nghe được tin, một người Mỹ, có thể đem được 5 người đi Mỹ, thì tôi vội vàng chạy đến cô bạn thân đã từng làm sở Mỹ, hơn nữa cô ta lại có người chị lấy chồng Mỹ, làm ở Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Nhưng, đến nơi, tôi chỉ gặp người chồng cho biết, KB đi về Suối Lồ Ồ. Tôi nghĩ thầm trong bụng :

- Trong lúc đất nước đang sôi động, thế này, KB về Suối Lồ Ồ làm gì ?

Sau đó vài ngày, tôi lại được tin, một người Mỹ, có thể mang theo 10 người, tôi lại tìm đến KB lần nữa. Lần này, thì người chồng đành nói sự thật :

- KB đi rồi.

Tôi ra về trong thất vọng. Mỗi ngày qua đi, nỗi lo âu trong tôi càng mãnh liệt hơn. Lời của Mẹ tôi cứ vang vang trong đầu :

- Con phải tìm cách đi cho bằng được, vì ở lại, tụi VC bắt lấy thương phế binh thì chết...

Chính vì câu nói ấy, mà trước đó cả mấy tháng, tôi cùng với mấy người bạn đã bàn tính đến việc đóng tàu, và đi Nouméa, theo lời chỉ dẫn của người thân quen, có chồng Tây. Chị nói, Nouméa, dễ sống lắm. Nó chỉ là một cái đảo nhỏ của Pháp... Ngày xưa, những người VN đi lính cho Pháp, sau khi theo Pháp về nước, chính phủ Pháp đã đưa họ sang sinh sống ở đảo Nouméa này. Và người nào cũng giàu vì đàn bà VN, chịu khó, đảm đang, và chắt chiu...

Thế nhưng, mọi dự định đã không thành. Ý nghĩ phải đi Mỹ càng ăn sâu vào tư tưởng của tôi.

Cho đến một ngày, tôi nhớ rõ lắm, đó là ngày 25 tháng Tư chị tôi, đến chào Mẹ và tôi để ra đi. Sự ra đi này là do một gia đình Mỹ đưa đó, tôi mới thấy thiên hạ đã sửa soạn ra đi từ lâu lắm rồi. Tôi thấy có gia đình anh chị Bác sĩ Đào Đức Hoành, gia đình anh Đào Hữu Dương, và nhiều gia đình khác nữa... Các anh chị ấy hỏi tôi :

- Em cũng di chuyến này hả ?

- Dạ không.

- Còn chờ gì nữa, nguy lắm rồi đó.

Và tôi ra về trong âu sầu, lo lắng. May quá, bạn thân của tôi là Thanh Tước, có cô em gái làm ở Usaid, cho tờ giấy chứng nhận là đã học về Nursing ở Mỹ. Và cô em còn dặn :

- Các chị cứ cầm tờ giấy đó, là nguời Mỹ sẽ cho lên máy bay.

Cầm tờ giấy trong tay, tôi lại phải đi tìm người đưa chúng tôi vào trong phi trường Tân Sơn Nhất. Sau khi dễ dàng vào tiễn gia đình chị tôi đi Mỹ, thì ngay sau đó lệnh ban ra, chỉ có những người có giấy tờ đi mới vào được phi trường mà thôi. Tôi đã không còn cách nào vào D.A.O trong phi trường Tân Sơn Nhất.

Tôi nhớ đến anh Lương, người hàng xóm của gia đình chị tôi ở Truơng Minh Giảng. Tôi đến tìm anh, được anh sốt sắng gọi điện thoại đến người anh ruột của anh làm ở Tân Sơn Nhất, nhưng khi gọi điện thoại, chị người làm cho biết ông bà chủ và các em đã đi rồi. Anh dẫn chúng tôi đến USOM, họ đang cho nhân viên lên xe... Nhưng, những người Việt lo cho chuyến đi ấy đã đòi chúng tôi phải có 1,000 dollars, mỗi người, mới lên xe được.

Chúng tôi lắc đầu, vì đào đâu ra tiền dollars nhiều như vậy. Cả gia tài của Mẹ cho chỉ có 300 dollars để nhét túi, phòng khi sang đất lạ quê người có chút tiền để sống bước đầu. Thấy chúng tôi đứng tần ngần, họ xuống giá, vậy 2 người 1,000 được không ?

Chúng tôi vẫn lắc đầu, và chỉ biết đứng nhìn chiếc xe đang từ từ lăn bánh, mà tan nát cõi lòng vì nghèo...

Anh Lương lại bảo chúng tôi về nhà chờ, anh đi một thời gian khá lâu. Trong khi đó, tôi thấy nhiều người gồng gánh chạy về phía Tân Sơn Nhất, và nói to :

- Bà con ơi, chạy đi, VC đã về tới Thủ Đức rồi.

Lòng tôi rối bời, tôi gọi điện thoại cho mấy ông anh báo tin VC đã về tới Thủ Đức, nhưng chẳng anh nào có nhà. Chắc cũng đang tìm đường đi như tôi. May quá anh Lương trở về, với xe ngoại giao, có tài xế Tàu lái, đầu có đội mũ Casquette. Và luôn miệng giục 2 đứa tôi lên đi nhanh nhanh.

Thế là người gác cổng Tân Sơn Nhất, sau khi thấy xe ngoại giao, đã vẫy cho đi liền, không cần trình giấy tờ. Qua được cổng Tân Sơn Nhất rồi, tôi chỉ đuờng cho ông ta lái thẳng đến D.A.O. Tuy vậy, còn phải qua một trạm của Mỹ khám xét giấy tờ.

Chúng tôi đưa tờ giấy của USAID chứng nhận, và được ra đi bình yên, dù lòng tôi lúc ấy như đánh lô tô, vì có hai nguời Mỹ đen, hai bên canh gác, mà súng ống lúc nào cũng lên đạn như sẵn sàng để bắn.

Tới nơi bằng yên rồi, có bao nhiêu tiền VN, chúng tôi vét đưa hết cho người Tàu dễ thương, như thầm cám ơn con người có lòng nhân. Thế mà cũng được cả 60 ngàn, tiền VN lúc bấy giờ.

Vào đến D.A.O thì trời đã chiều tối, tôi gặp mấy con bạn đang chờ để được gọi ra máy bay trong chừng 1 tiếng đồng hồ nữa thôi. Trong khi ngày mai tôi mới được làm thủ tục giấy tờ. Bụng đang đói, vì tiền VN thì cho hết rồi, không còn một đồng để mua thức ăn. Tôi cứ tưởng là vào đây sẽ được ăn thức ăn chùa.

Bụng thì đói, còn đang lo vụ giấy tờ ngày mai, thì mấy người lính Mỹ, vào phòng nói loa, yêu cầu mọi người ra ngoài, nằm sát xuống đất, vì có pháo kích. Thế là mọi người chạy ra ngoài, nhảy xuống cái hố chung quanh nhà, mà ban ngày, thì dùng đổ rác rến, hoặc cho con nít phóng uế, tè tiểu ở đó, bây giờ, ai cũng muốn tránh làn tên mũi đạn, nên chẳng còn sợ gì đến hôi thối, bẩn thỉu nữa.

Cả một đêm bị pháo kích. Tôi tuy chưa ăn gì từ chiều qua đến giờ, cũng không cảm thấy đói bụng, vì lo âu. Bên cạnh tôi, có ông Không Quân, ông nằm ngửa nhìn trời, và cắt nghĩa cho bà con nghe rằng, nghe đường lằn đạn pháo kích bay qua, ông ta cho biết, nó sẽ đi qua đây, khi nào, không nghe tiếng đạn bay, ấy là nó đã tới chỗ chúng mình ẩn trú. Và tiếng đạn bay qua đầu chúng tôi, rối nổ ở chỗ rất xa. Thôi thì lúc này, tôi nghe đủ tiếng cầu kinh với Chúa, với Phật. Ai theo tôn giáo nào thì cầu xin đấng linh thiêng của tôn giáo đó. Sáng tinh sương hôm sau, tiếng đạn pháo kích im lìm, tất cả mọi người trong D.A.O bàn tán xôn xao, vì cửa văn phòng lo giấy tờ đóng im lìm. Cứ thấy ai đứng ở cửa sổ xếp hàng, là mọi người lại tụ nhau xếp thành hàng dài. Chờ cả mấy tiếng, không thấy động tĩnh gì, lại tản ra, và cứ thấy nhóm nào đông, là mọi người lại tụ lại.

Trời đã nắng to, rồi đã tới trưa, mà chẳng thấy động tĩnh gì, mọi người yêu cầu một người nào đó, trong đám đông, giỏi tiếng Anh, tìm người Mỹ, hỏi xem, có cứu những người ở trong D.A.O không. Nếu không, cho biết để mọi người ra về, kẻo tối nay sẽ bị pháo kích nữa. Ông Mỹ lại đi vào, và đến 2 giờ chiều, ông ta đã đi ra và tuyên bố, Mỹ sẽ cứu hết mọi người trong D.A.O.

Từ đó, tất cả mọi người đang chờ để sửa soạn ra đi, không ai bảo ai, cùng đứng tụ lại một chỗ. Nhất là, sau khi người lính Mỹ, ra mở kho lương thực, trong phía D.A.O, thì chẳng hiểu sao, bao nhiêu người trong gia đình binh sĩ Không Quân đã biết để hò nhau vào lấy, chỉ một loáng, là cái kho lương thực đã trống trơn. Đúng 3 giờ chiều, một nhân viên người Mỹ, đưa ra danh sách của những người đã làm giấy tờ từ trước, cho một người đọc. Có nhiều ông đứng lên đọc vài tên, rồi ông đọc tên gia đình của ông, và sau đó là trao tờ giấy cho người khác, để ông ra đi với gia đình. Cứ thế, rồi lại đến 1 ông khác đọc to :

- Gia đình Đại tá (xin lỗi đã quên tên) 10 người. Không có ai, ông ta đọc lại lần nữa :

- Gia đình Đại tá... 10 người.

Tôi là kẻ thuộc loại nhát hơn cáy, mà không hiểu vì sao, lúc đó lại thông minh, bạo gan thế. Ngó quanh, ngó quẩn, không thấy ai, tôi đứng lên, và gọi cô bạn là Thanh Tước, hãy cùng đứng lên. Cùng với hai đứa tôi, có một cụ già, và 1 cậu trai trẻ cùng đứng lên, đi theo với tôi. Và khi đi qua mặt người đọc, họ hỏi tôi :

- Chỉ có 4 người thôi hả ?

- Dạ vâng.

Qua khỏi cửa ải của hành chánh, hai bà cháu cụ già, cám ơn tôi rối rít, vì cụ tưởng tôi là gia đình của ông Đại tá. Thực ra, tôi cũng chỉ là kẻ mượn oai hùm nhát khỉ mà thôi.

Tôi nói với bà cụ như vậy.

Đường ra trực thăng cũng gian nan lắm. Lòng tôi lúc nào cũng hồi hộp, khi nhìn ánh mặt trời cứ thấp dần, nhạt dần trên bầu trời. Tôi chỉ thấy trời màu xám đen, và âm u buồn. Chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến ai khác, vì đoàn nguời chúng tôi cả trăm người, đã được 1 người lính Mỹ hướng dẫn lối đưa ra phía trực thăng đang chờ sẵn. Cứ đi một đoạn, lại được lênh dừng lại và coi chừng pháo kích...

Trên đường đi, tôi đã nhìn thấy không biết cơ man nào là Valises, Samsonites đủ màu, vất ngổn ngang, chất đống cao, bên lề đường. Tôi đoán là của những người đã bỏ lại trong đêm bị pháo kích, vì được lệnh cứu người. Những ai mang đi nhiều Valises như đi du lịch, đều phải bỏ lại, vì trực thăng không có sức chứa nhiều. Nhìn đống Valises và Samsonites chất đống cao nghệu, mới biết dân Việt Nam cũng nhiều người giàu có lắm. Nhất là khi có một bà, dắt trong tay hai đứa con Mỹ lai, một trắng, một đen. Bà ta đi tay không, nên đã bảo đứa con lấy đại 1 cái Valise nào, mở ra được, tìm xem có áo quần nào vừa, thì lấy mặc... Và trong hàng ngàn cái Valises đó, họ đã bắt được vài trăm tiền đô cất trong cái sắc nhỏ. Áo quần thì tha hồ chọn cái nào đẹp thì lấy. Nhiều người trên đường đi, thấy vậy, cũng khui mấy Valise khác, nhưng của trời cho ai nấy được hưởng.

Tôi thì cứ lo lắng vì chỉ sợ có pháo kích là trực thăng không cất cánh nổi, và phải ở lại đây, chịu một đêm pháo kích như đêm qua thì chắc chỉ lo sợ mà chết thôi.

Đoàn người cứ rồng rắn di chuyển mãi thì cũng tới nơi. Người lính Mỹ, bắt mọi người cúi rạp xuống vì cánh quạt trực thăng quạt mạnh lắm, bay đất cát bụi mù. Tôi phải nhắm mắt lại, vì cát đang lả tả bay lên tóc, lên người tôi.

Khi mọi người đang leo lên trực thăng, tôi vẫn không ngớt đọc kinh cầu xin cho VC đừng pháo kích lúc này. Và khi tôi đã ngồi an toàn trên trực thăng, nhìn hai lính Mỹ cao to, vạm vỡ, chĩa súng ra ngoài cửa sổ, lòng tôi vẫn chưa hết âu lo. Và khi trực thăng cất cánh, tôi nhìn xuống ánh đèn vàng vọt của Thành phố Saigon, tôi bỗng khóc rấm rức... Thế là tôi vĩnh biệt Saigon thật rồi. Cho đến lúc ấy, trí óc tôi mới quay về gia đình, không biết, Mẹ tôi, các anh chị tôi có thoát khỏi được như tôi không.

Trực thăng, đưa chúng tôi ra chiếc xà lan, để từ xà lan, sẽ đưa chúng tôi ra tàu lớn đang đậu ở ngoài khơi chờ. Khi chúng tôi lên được tàu lớn, thì thân xác tôi đã thấm mệt, đã mỏi nhừ, vì thức dêm lại không được ăn uống gì. Tôi nhìn những người Mỹ, đã làm việc suốt đêm ngày, di chuyển những bà già, những em bé từ xà lan lên tàu lớn, tàu Pioneer (có sức chứa cả 7,000 người), dưới ánh đèn pha rọi sáng chói cả một góc biển... Buổi sáng sớm hôm sau, vào sáng 30-4, khi ai đó, vặn to Radio, để nghe tin tức, và khi nghe được tiếng cô gái Cán bộ, nói the thé trên đài Phát Thanh, báo tin "quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập..." thì cả tàu không ai bảo ai, đã òa khóc.

Thôi thế là Vĩnh Biệt Saigon. Vĩnh Biệt Đất Nước Thân Yêu của tôi. Và tôi sẽ chẳng bao giờ quên được ngày cuối tháng Tư : 30-4-1975.



Hồng Vũ Lan Nhi.