PDA

View Full Version : Rũ Áo Thênh Thang



Longhai
08-28-2015, 09:49 PM
Rũ Áo Thênh Thang


MX Phan Văn Đuông
TĐ 5/ TQLC


Tôi trở lại Sàigòn sau hơn 8 năm xa cách với tâm trạng hoàn toàn khác lạ từ tinh thần đến cách suy nghĩ. Từ năm 1973 đến 1980 với hai thời điểm khác nhau, 2 chế độ, xã hội và sinh hoạt kinh tế hoàn toàn khác hẳn. Cứ như người từ trên cung trăng rớt xuống. Sách vở, quần áo và những vật dụng khác đều đem ra ngoài trời bày bán. Tôi đi lang thang trong chợ sách được bày bán tại đường Bùi thị Nhu, tại đây tôi gặp lại người bạn cũ, Vinh, tên hắn. Tay bắt mặt mừng và 2 thằng kéo nhau đến quán café bên lề đường.

- Cô cho tôi 2 ly càfé đen nhỏ, ít đường và 5 điếu Hoa Mai. Đợi cô bán hàng đi khỏi, Vinh nói tiếp.

- Như mầy thấy đó, sau khi học tập 3 tháng từ ngày “trời sập“ đến nay tao vẫn sống với cái nghề bơm gaz sửa quẹt tại đường Hàm Nghi này. Đến nay gần 5 năm rồi tao chưa bỏ nghề, nghĩa là tao vẫn còn sống được với cái bề trái của nó, tao vẫn còn nuôi nổi vợ và 2 con dù rằng rất èo uột, nhưng không phải đi kinh tế mới.

Rít một hơi thuốc Vinh tiếp :

- Theo tao nghĩ, với hoàn cảnh của mày, dù muốn làm gì thì làm, muốn tính toán gì đó cứ tính toán, mày cứ ngồi ngoài lề đường một thời gian mày sẽ nhìn rõ được tất cả những diễn tiến cuộc sống của xã hội.Tất cả mọi hoạt động khắp nơi trên đất nước đều phụ thuộc vào Thủ Đô Sàigòn. Vì như trung tâm thần kinh hệ điều khiển tất cả mọi nơi trong cơ thể con người, như mầy thấy đó đa số “ phe ta “đều sống rải rác quanh các chợ trời ở Saìgòn. Từ từ rồi mày sẽ gặp lại tất cả những thằng cùng hoàn cảnh với mày, mày sẽ bớt cô đơn và sợ hãi. Từ cái cùng hoàn cảnh để đi đến thông cảm và tin tưởng để “ làm “ một cái gì cho mai sau. Chỉ có người cùng khổ mới biết thương người cùng khổ.

Ngừng thở 30 giây Vinh lại tiếp tục truyền kinh nghiệm sống ở chợ trời cho tôi biết.

- Bây giờ mày ra đây ngồi với tao là tiện nhất, phụ bơm gaz sửa quẹt, ban ngày mày ngồi đây không thằng công an nào để ý, bởi vì tại đây rất đông người qua lại đa số là người nghèo, cảnh mua bán, đổi chác, giựt dọc và có rất điều phức tạp khác xảy ra hàng ngày, bọn bò vàng không rỗi để quan tâm đến những thằng bần cùng, làm ăn rất hợp pháp với cái nghề chân tay, bên cạnh đó cái thùng gỗ và dăm ba cái quẹt hư cũ và có ghi rất rõ ràng “bơm và sửa quẹt gaz“ - Đó là ban ngày, ban đêm mày cứ về nhà tao nghỉ nhưng với điều kiện phải sau 10 giờ đêm và sáng 6 giờ sáng mày phải rời khỏi nhà - Mày đừng suy nghĩ nhiều vì đó là kinh nghiệm tao sống dưới xã hội chủ nghĩa, tình báo nhân dân của nó rất nhiều và đa số là báo cáo không chính xác đó là điều rất đáng sợ cho bọn mình.

Tôi chỉ đợi Vinh dứt lời.

- Mày nói cũng có lý nhưng để tao suy nghĩ lại, bởi vì đây là chợ trời, một nơi phức tạp dễ bị hỏi giấy tờ tùy thân, mà như mày biết tao lận lưng chỉ có cái “đuôi CMND” dỏm do thằng Tường Gia Long ký . ”Nó” mà chụp được tao khó có ngày gặp được mẹ cha .

- Mày chậm tiêu quá Đuông À . ”Học tập với Bác và Đảng” mấy năm mày vẫn chưa khôn ra. Đó... đó là kẽ hở để mày sống đó con à ! Càng “ lộn xộn xà bần”, càng phức tạp mày càng dễ thả qua kẽ hở đó - Bọn Việt cộng chỉ quan trọng việc kiểm soát ở địa phương thôi .

- Tại sao ? Tôi tròn mắt ngạc nhiên chờ Vinh giải thích tiếp.

- Như thế này nhé ! Ở đây thuộc phường 2, bên kia đường là phường 4, một ngày “nó” đuổi 2 lần, sáng khoảng 9 giờ, chiều khoảng 3 giờ ngày nào cũng như ngày nào, tao ở đây lâu rồi tao biết. Mày cứ thấy đầu trên chổ nhà hàng Vân Cảnh đó (Vinh vừa nói vừa chỉ hướng trước mặt), bà con người ta chạy, mày cứ chạy qua phường 4 hướng công trường Quách thị Trang. Không ai bắt được mày vì bọn nó không có làm việc hàng ngang với nhau . Bọn nó làm việc rất cục bộ . Nhưng khi chạy nhớ ôm theo thùng đồ nghề, đó là gia tài của mình mà.

Như sợ tôi đổi ý, Vinh nói tiếp :

- Bên cạnh chổ tao ngồi sửa quẹt có một em rất dễ thương bán đồ phụ tùng máy may . Mày cứ ngồi chờ thời biết đâu là duyên nợ .

Nghe Vinh giải thích, tôi bớt lo lắng phần nào, hứa ngày mai sẽ bắt đầu vào nghề mới, sau khi chia tay Vinh. Trên đường về, nói về cũng không đúng - Chân cứ bước đi nhưng tôi không biết đi đâu bây giờ. Nhà tôi đó, căn nhà thân yêu tôi đã sống với ba mẹ và các em từ thuở nhỏ nhưng tôi không bước vào được, tôi muốn vào để nhìn cha đã già, mẹ đã gầy, những em thơ sau hơn 8 năm xa cách, kể từ ngày tôi đi phép lần cuối cùng năm 1973. Nhưng tôi nuốt lệ cương quyết quay lưng về hướng khác, tôi còn nhớ lời mẹ tôi dặn dò ngày hôm qua. Sau khi cho tôi $100 nơi nhà bác Sáu “Con nhớ đừng bao giờ bước vào nhà dù là ban đêm, nguy hiểm lắm. Nếu có gì khó khăn con cứ tới bác Sáu nhắn lại. Má sẽ đến thăm con ?” Thằng Tân ở cạnh nhà mình bị bắt cách đây 1 tuần lễ, khi nó trốn trại tập trung trở về thăm nhà.

Tôi bước đi lang thang ngoài phố, nhớ đến giờ hẹn với Thành, tôi quay gót trở lại hướng nhà ga trên đường Phạm Hồng Thái. Hơn 1 tuần lễ nay ngày nào tôi và Thành đều hẹn gặp nhau tại đây, thỉnh thoảng có Lộc đen và Vinh trở từ Trương Minh Giảng xuống. Nơi đây có thể nói khá an toàn đối với bọn tôi ít nhất là trong lúc này vào ban đêm. Chúng tôi trà trộn vào những người mua vé đợi tàu đến và những người bị bắt buộc đi kinh tế mới sống cơ cực chịu không nổi phải sống lây lất ở vĩa hè và những bến xe. Vào buổi tối ngồi uống chè và hút thuốc Lào, với khung cảnh ồn ào náo nhiệt về đêm ở nhà ga. Làm cho chúng tôi quên đi cái hiện tại nhục nhằn cay đắng và tinh thần chúng tôi bớt căng thẳng một phần nào, và cũng chính tại đây, tôi gặp lại những thằng bạn cũ cùng cảnh ngộ, nào Tuấn Sún, Long Điên, Sơn U cùng là dân “4 chữ“ với nhau.

Chúng tôi tìm đến nhau, cùng quây quần bên nhau, chia xẻ những đau thương, khốn cùng vì được trót mang trên người là những kẻ “phản Cách mạng, phản lại Nhân dân” do những kẻ chiến thắng cho. Địa điểm và thời gian chúng tôi gặp nhau thường thay đổi luôn, từ nhà ga, bến xe và những quán càfé dọc trên đường Gia Long. Bây giờ tôi mới thắm thia câu người xưa thường nói “Mã tầm Mã, Ngưu tầm Ngưu, Ngựa nào rồi cũng về tàu đó để ăn cỏ”, quanh đi quẩn lại cũng chỉ những thằng ”hủi” chúng tôi là thân thiết với nhau, tương trợ thiết thực cho nhau. Ngoài ra không còn ai tin ai nữa dù là thân thuộc, tôi vẫn còn nhớ rõ ngày hôm qua, cậu Tư anh của mẹ tôi bảo :

- Đuông à! Cậu với mợ rất thương con, nhưng kể từ ngày mai con đừng đến đây nữa, cậu rất sợ và lo, lo cho con và lo cho gia đình cậu, nếu công an biết được cậu chứa con trong nhà, hậu quả sẽ rất bi đát.

Từ đó tôi lẳng lặng bỏ đi, tôi lại học được thêm một điều nữa cộng với kinh nghiệm của những năm ở trại cải tạo.”Đừng bao giờ nói sự thật với những người không cùng hoàn cảnh, luôn luôn phải sắp đặt những câu nói dối đối với tất cả mọi người nhất là đối với Công an phường khóm, luôn luôn cảnh giác và nhớ rằng mỗi người dân là 1 Công an“. Lúc đầu nói láo thấy ngượng nhưng dần rồi cũng quen theo thời gian, nếp sống hiện tại của một xã hội hoàn toàn ”mánh mung”.

Tôi tiến đến bàn ở một góc của nhà ga, Thành ngồi đây từ lâu. Nhìn xung quanh không có gì khả nghi là bị theo dõi. Tôi ngồi xuống vân ve “bi” thuốc lào.

- Thành à ! Bây giờ mày tính như thế nào ? Định tìm nơi nào dung thân chưa ? Tôi hỏi.

- A ! Xin lỗi mi ! Ngộ bây giờ là Hàng Nguyên Lợi. Ngộ không biết Thành là ai ?

Nó nháy mắt, thấy không ai để ý rồi nói nhỏ.

- Ngày mai tao đi Long An, đi kinh tế mới với giấy tờ người Hoa của thằng anh rể tao.

- Mày nghĩ kỹ chưa Thành, có ai buộc mày đi kinh tế mới đâu, tự động mày nạp mạng cho chúng nó, đã lỡ sống bất hợp pháp, thì phải liều, mày về đó liệu có sống được với bọn nó hay không, tôi nói không cần suy nghĩ.

Thành từ từ nạp đạn ba con 8 vô điếu bát, châm lửa hít một hơi dài rồi trả lời

- Mấy ngày qua tao suy nghĩ thật kỹ rồi Đuông à. Sống ở đây tinh thần tao quá căng thẳng. Ngày cứ đi lang thang đi không có điểm đến, đi cho hết giờ - mỏi chân lại lên xe bus, không dám đi xe lam vì đi xe lam nó đi quá nhanh phải đi bộ mong cho mau tới để tìm một chổ ngủ, một chổ không có tiếng gõ cửa, không có tiếng chó sủa của hàng xóm. Đôi lúc tao muốn trình diện trở lại cho yên thân, không phải nhọc công suy nghĩ, tính toán tìm một chỗ ngủ qua đêm.

- Tối nay mày ngủ ở đâu ? Tôi hỏi.

- Vẫn thời khóa biểu thường lệ, khách sạn Lê Hồng Phong, tao là dân tư sản mại bản Hàng Nguyên Lợi bị đưa đi kinh tế mới mày quên rồi à ! Nó vuốt mấy sợi lông mép rồi cười. Còn mày ?

- Biệt thự Võ Tánh...

Thật ra khách sạn Lê Hồng Phong chỉ tốn 5 cắc tiền mướn chiếu ở bến xe Ngã Bảy. Biệt thự Võ Tánh là vỉa hè nằm trên đường Võ Tánh cạnh những cao ốc cho Mỹ mướn ngày xưa .Vỉa hè này cứ đêm đến là dân kinh tế mới tụ tập về đây như là nơi tạm trú của họ. Thỉnh thoảng Công an đưa xe cây đến xúc đi, nhưng đâu cũng vào đó, bắt những người khố rách áo ôm, chỉ có trên răng dưới “Hồ chí Minh “chỉ khổ tốn cơm, tốn gạo. Dù gì những nơi này cũng an tâm hơn ngủ ở trong nhà, tôi nghĩ như thế.

- Mày định đi với ai ?

- Đi với bà chị, bây giờ tao là chồng của chị tao trên giấy tờ và pháp lý - Mày cố gắng ngồi trụ trì với thằng Vinh ở Hàm Nghi cho vui, có khi lại biết tin của Hưng. Bây giờ tao về khách sạn và mai đi sớm. Thỉnh thoảng ta sẽ đến thăm mày.

Tôi nhìn theo bước chân Thành mà ngậm ngùi, như vậy là nó chịu đựng không nổi cuộc sống ở Sàigòn rồi. Thành với tôi ngày xưa ở cùng đại đội, cùng bị bắt một ngày và cải tạo cùng trại. Khi vượt trại tôi và Thành cũng chuẩn bị và điều nghiên hơn một năm, nay an toàn về đến Sàigòn, Thành lại bỏ cuộc, không tiếp tục chuẩn bị vượt thoát cái trại tù khổng lồ này. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn hơn lúc này.

Sáng nào cũng thế khoảng 6 giờ là tôi rời khỏi nhà đi bộ đến quán café đường Gia Long ngồi nhâm nhi café chờ Vinh đến. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi và Vinh đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ bò từ chợ An Đông, Tân Bình, Bà Chiểu lục lọi tìm mua từ những cái quẹt gaz hư cứ đến những bút máy, viết bi đem về lề đường Hàm Nghi sửa và bán lại . Tôi chỉ ao ước mổi ngày kiếm được khoảng 10 đồng là đủ sống rồi, không phải làm phiền gia đình, ăn thì đã có bánh mì ở nhà ga bên kia đường, để lại khoảng 3 đồng chỉ đủ để mua 1 gói Hoa Mai quốc doanh và 1 ly café cho buổi tối, chờ đến khuya mọi người đều đi ngủ, bò về nhà Vinh hoặc Hà ngủ chờ qua đêm. Sáng lại dậy sớm ra đi . Có những buổi trưa ngồi gậm bánh mì. Bánh mì cứng như củi, mà đầu óc để đâu đâu, biết nơi nào là an toàn, phải sắp xếp theo thời khóa biểu, thứ tự ngày thứ hai nhà Vinh, thứ ba nhà Hà, thứ tư nhà ga, bến xe... Bao khó cứ chồng chất nhưng còn an ủi hơn những ngày ở trại bị đối xử như những con vật. Vẫn còn sung sướng và thoải mái hơn những bạn hữu còn ở trại cải tạo, vì thế tôi vẫn như lòng phải cố gắng hơn nữa trong những kẽ hở ngoài xã hội này, phải ngoi đầu lên giữa đống rác của cuộc đời, phải hy vọng một ngày đẹp trời mai sau.

Trưa nay cũng thế, tôi đang lom khom bày những thứ lặt vặt, lĩnh kĩnh ra tấm nylon trải trên vỉa hè.

- Xin lỗi ! Anh là bạn cùng đơn vị với anh Vinh ‘ngày trước” một giọng nói thật dịu dàng.

- Tôi giật mình nhìn lên.

- A ! không, tôi là anh họ của Vinh, tôi... tôi từ kinh tế mới trên Dương Minh Châu về. Và như để phân bua tôi nói tiếp, tôi làm rẩy, tôi không có đi lính.

Ngồi chổ nầy gần một tháng, bên cạnh có một cô gái còn trẻ nhưng tôi nào có để ý, lúc nào mắt tôi cũng nhìn về phía Công an phường 2, vừa thấy bóng aó vàng là tôi chuẩn bị ôm thùng đồ sửa quẹt chạy qua phường 4. Bây giờ có dịp nhìn kỹ cô bé bán phụ tùng máy may thật dễ thương với cái dáng dấp của một cô học trò, không phải là cung cách và dáng dấp của một cô gái bán ở chợ trời.

- A ! xin lỗi ngồi bán ở đây lâu rồi nhưng chưa có dịp biết tên cô ạ.

- Em tên Thu. Trương thị Thanh Thu. Cô gái nhoẻn miệng cười, có cái răng khểnh thật dễ ghét.

- Cô bán ở đây lâu chưa ?

- Hơn một năm rồi anh à. Thu cũng chưa biết tên anh .

- Tôi tên Lộc.

Tôi đáp bừa, bởi vì bây giờ tôi dung quá nhiều tên, tôi không nhớ tên thật, tên giả của tôi là gì. Lúc ngồi ở chợ trời tôi dung giấy tùy thân ở tỉnh, nghề nghiệp làm rẩy, lúc về nhà bạn bè tôi trình giấy là công nhân viên của xí nghiệp từ tỉnh đến tạm trú. Có lúc trong người tôi có đến 2, 3 bộ giấy tờ tùy thân.

- Thu nghe anh Vinh gọi anh tên khác mà.

- A ! đó là tên anh dùng ở nhà.

- Lúc trước ở đây có một anh ngồi bơm gaz chung với anh Vinh. Nghe đâu cũng là Sĩ quan cải tạo về, trạc tuổi anh và anh Vinh. Tánh tình cũng ná như anh, ít nói, trầm ngâm, cả ngày chỉ ngồi hút thuốc suy tư. Không biết “bon chen, mánh mung“ ngồi ở đây làm sao sống nổi ?

Tôi giật mình (bụng bảo dạ) con bé này lém thật, nó để ý bọn này quá, biết đâu nó là công an nó gài đây ?

- A ! Anh khác, người ta khác chớ, bây giờ cái anh gì đó còn ở đây không, sao anh không nghe anh Vinh nói đến.

- Anh Vinh bảo, anh ấy đã về quê làm rẫy rồi.

Thật ra trước đây tôi có nghe Vinh kể. Hưng ngồi ở đây bơm gaz quẹt một thời gian khá lâu, đợi thời và gặp một thằng bạn cùng khóa ở ND dẫn về vùng Định Quán - Long Khánh. Từ đó đến nay không nhận được tin tức của Hưng - Nó Vinh và tôi học cùng lớp.

Cô gái có vẻ ngượng ngùng.

- Dạ, Thu đi học xong Cao đẳng Sư phạm, trường phân phối về huyện Duyên hải, Thu bỏ nhiệm sở và bán phụ tùng máy may phụ giúp gia đình.

- Gia đình Thu ở gần đây hay xa?

- Nhà Thu ở trong cư xá Thanh Bình đường Trần Quốc Toản.

Tôi bắt đầu để ý và có thiện cảm với cô bé này vì cư xá Thanh Bình là cư xá dành cho Công chức và Cảnh sát đây có thể cũng thuộc gia đình “ Ngụy ‘.

- Ba của Thu làm nghề gì ?

- Ba Thu đã chết vào ngày 1-5-1975, trước đây ông là Cảnh sát ở Ba Xuyên. Thu còn hai ông anh đi cải tạo chưa về. A ! Anh Lộc này, các ông của chính quyền Cách mạng bảo ”chỉ đi học tập có 10 ngày, bây giờ hơn 5 năm rồi sao chưa thấy ông ấy trở về“.

- Có lẽ anh của Thu học kém nên ra trường chậm đó thôi. Tôi cười chua chát.

Mọi buổi chiều sau lúc mặt trời lặn, tôi bắt đầu lo sợ, buổi tối đến với tôi quá dài. Nếu có một người con gái ngồi bên cạnh, vừa nhâm nhi café vừa tán gẫu cho thời gian qua nhanh thì hay quá.

- Thu cắt ngang dòng tư tưởng của tôi.

- Anh suy nghĩ điều chi vậy ?

- Định mời Thu đi uống café với tôi tối nay.

- Buổi tối Thu không có làm gì, nhưng để ngày mai.

- Hôm nay anh còn tiền để mời Thu uống café quán cóc.

- Quán cóc là quán gì ? Thu chưa nghe bao giờ ?

- Là... là quán ngoài vỉa hè, bàn và ghế kê thấp thấp, tôi diễn tả đại khái, thật sự tôi cũng không biết cái “gốc“ của danh từ quán cóc từ đâu ra.

- Như thế thì Thu đi cho biết quán cóc của anh xem sao. Thu cười.

Ngày qua ngày, như một thói quen, tôi và Thu sau khi gởi những đồ lặt vặt xong, đi bộ đến quán lộ thiên trên đường Nguyễn Trung Trực và Gia Long, tâm tình đến khuya mới chia tay, với thời tiết về đêm dễ chịu làm tôi cảm thấy thần kinh bớt căng thẳng đôi chút, ít nhất là trong lúc này, thời gian này tôi lại mong cho buổi tối đến nhanh. Riêng ngày hôm nay tôi cảm thấy sắp mất một cái gì dễ thương và quí báu.

- Như thường lệ, tôi và Thu tìm một cái bàn quen thuộc và kín đáo.

- Thu uống gì ?

- Café đen ít đường.

- Tôi ngạc nhiên, xưa nay Thu có uống café bao giờ đâu ? Bây giờ bày đặt làm người lớn.

- Hôm nay Thu cảm thấy buồn muốn uống café, để biết thật sự café nó đắng như thế nào, chỉ có vậy thôi.

- Chị cho tôi 2 ly café đen, nửa gói Hoa Mai, tôi nói với người hầu bàn.

- Tôi choàng qua vai Thu, hôn nhẹ lên má, Thu vẫn để yên. Đột nhiên Thu hỏi :

- Anh có thật sự yêu Thu không ?

- Bây giờ Thu hỏi quá thừa. Trước đây, bây giờ và mãi mãi Thu luôn luôn là người anh yêu, anh nhớ nhiều nhất. Tôi dỗ dành.

- Anh nói gạt em. Thu đẩy tôi ra.

Tôi rất ngạc nhiên với thái độ của Thu ngày hôm nay chưa bao giờ có cử chỉ nóng giận như thế, và lại uống café tối nay nữa .

- Anh nói thật đi, sáng nay anh gặp anh Hưng phải không ?

Tôi giật mình, tại sao Thu lại biết chuyện tôi với Hưng gặp nhau.

Thu nói tiếp:

- Anh Hưng dù thay hình đổi dạng, nhưng em vẫn còn nhận ra với vết thẹo bên cánh tay trái . Có đúng như em nhận xét không anh ?

- Ơ ... ơ ...

Thu đưa tay không cho tôi giải thích, nói tiếp :

- Thu biết, khi Thu yêu anh là chấp nhận đau khổ cho riêng Thu. Anh là con ngựa chứng không thể đứng yên với cái vị trí đó, anh không thể ngồi yên với cái nghề bơm gaz, sửa quẹt. Lần đầu tiên gặp anh Thu đã thấy khác lạ hơn những người đứng chợ trời ở đây. Anh không giành giựt mua bán, anh không biết “mánh mung” như anh Vinh và những người khác tại đó. Anh luôn suy tư và tính toán. Thỉnh thoảng anh còn tiếp xúc với những người xa lạ, có vẻ bí mật mà đa số không phải là những người mua bán.

Tôi chống chế.

- Có lẽ Thu đa nghi.

- Anh cứ để yên Thu nói hết đã, quen biết không phải ngày hôm nay rồi ngày mai hoặc hôm sau. Thu cũng sẽ xa anh và mất anh vĩnh viễn. Gia đình Thu, ba Thu, các anh của Thu đều ở trong quân đội, Thu sống rất gần những người thân đã từng sống trong Quân đội Cộng Hòa ngày trước. Thu nhìn dấp dáng, cử chỉ của anh và anh Hưng, Thu đoán và biết ngay là những người đã từng sống trong Quân đội. Có điều là chưa biết chắc chắn là các anh cải tạo được về hay trốn cải tạo mà thôi. Thu biết lúc trước anh Hưng đã được đưa vào rừng hoạt động cho một tổ chức chống Cộng sản. Người giới thiệu cho anh Hưng vào tổ chức là bạn của anh Tân, anh thứ hai của Thu.

Tôi đưa tay lau nước mắt Thu. Tôi không ngờ với tuổi đời và dốc dáng rất ngây thơ -Thu đã biết và có những nhận xét thật chính xác.

Sáng nay tôi có gặp Hưng thật, Hưng kể cho tôi nghe tất cả những gì nó đã làm và biết trong thời gian nó vắng mặt ở Sàigòn. Nó đưa những người từ T.L về, sống trà trộn ở những vùng kinh tế mới do một cựu Trung tá tên L.H ở hải ngoại yểm trợ, tôi chỉ biết đại khái như thế - Những thằng cùng đường như bọn tôi, những thằng hết đất sống chỉ có một con đường phải đi và đi tới dù có nhiều gian khổ trước mặt. Tôi đồng ý và dự định tối nay sẽ báo cho Thu biết là tôi sẽ về quê làm rẫy. Ở đó có Hưng, có Hiếu có những người cùng khổ, như thế cũng đủ để tôi tin tưởng và gia nhập không cần suy tính. Ngày xưa trước khi quyết định trốn trại tôi và Thành luôn luôn đinh ninh rằng bên ngoài có những phong trào của kháng chiến rất mạnh, có nhiều cấp chỉ huy còn ở lại với binh sĩ đang chiến đấu gian khổ trong rừng. Khi về đến Sàigòn tôi và Thành mỗi thằng một hướng, tôi về Định Quán, Dương minh Châu, Mộc Hóa những nơi nào có tin anh em đang hoạt động tôi đều tìm đến, có những nơi có thật và những nơi thật không có kháng chiến. Thành về Nha Trang, Tuy Hòa, Cam Ranh. Sau hơn một tháng trở lại Sàigòn kết quả đến như nhau.

Không tìm ra được đầu mối và không có người giới thiệu. Bây giờ gặp lại Hưng, tôi như người sắp chết đuối vớ được cái phao, dù là phao lủng tôi vẫn tiến đến cho bằng được. Tôi biết khi xa Thu tôi rất buồn, nhớ xa mẹ già tôi rất khổ, rất đau nhưng thà một lần dứt khoát ra đi còn hơn buồn mãi mãi để rồi không có ngày mai cho tương lai.

Nhìn ánh mắt buồn dịu vợi của Thu, lòng bâng khuâng.

- Như thế là Thu biết gần hết những việc anh sắp làm rồi đó. Tối nay anh Hưng sẽ đưa anh đến bến xe và sáng sớm ngày mai Hiếu sẽ đưa anh đến một vùng thuộc kinh tế mới, những gì sắp đến và xảy ra anh chưa được biết đến. Có một điều anh biết chắc chắn là trên con đường gian khổ, hình bóng Thu luôn luôn có bên cạnh anh, tiếp sức cho anh làm hết nhiệm vụ của người lính mà anh chưa hoàn thành.

- Em sẽ chờ anh, và Thu sẽ chờ những người bạn tù của anh trở về và ra đi như anh và anh Hưng. Thu sẽ làm cái gạch nối giữa các anh như nhiệm vụ anh Vinh đang làm. Anh yên tâm. Dù anh có chân trời nào, dù ở nơi đâu, hình ảnh anh còn mãi mãi trong tim Thu.

Thu nhìn ánh đèn pha phía trước :

- Tạm biệt anh. Anh Hưng đã đến. Chúc các anh yên lòng.


MX Phan Văn Đuông
TĐ 5/ TQLC