PDA

View Full Version : Bạt Ngàn Thác Đổ



Longhai
08-04-2015, 10:14 AM
Bạt Ngàn Thác Đổ


Phan Công Tôn


Mọi người trong chúng ta, không phân biệt nam nữ, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt hoàn cảnh gia đình, không phân biệt thời gian, không gian hay bối cảnh xã hội nơi mình đã từng sống, v.v..., bất cứ ai cũng có những điều mình luôn nhắc nhớ và trân quý một đời : đó là những kỷ niệm của tuổi ấu thơ và tuổi học trò! Những kỷ niệm này, dù vui hay buồn, cũng đã trở thành những dấu ấn bất biến ghi lại những chặng đường đầu tiên của đời mình, từ khi ký ức mỗi người bắt đầu ghi nhận được...

Tôi đang sống hồn nhiên với tuổi học trò, chỉ “lo ăn học” như cha mẹ tôi kỳ vọng và “nhồi nhét” cho tôi. Vào năm cuối cùng của bậc tiểu học, tôi bắt đầu có nhiều bạn, lý do thật là đơn giản : tôi mê chơi đá banh! Phải rủ rê một số bạn để cùng đi đá banh, còn phải “chia phe” để ít nhất phải có 2 đội mới đá với nhau được chứ! Từ chuyện mê đá banh, số bạn bè trong nhóm “chế” ra những thú vui hay trò chơi khác có liên quan đến việc giữ gìn sức khỏe hay đúng hơn là để “chạy cho đã” (chúng tôi khoái dùng 3 tiếng “chạy cho đã” thay vì dùng 2 tiếng :“đá banh”); do đó chúng tôi lại có thêm những “mục” thú vị khác như tập thể dục, bơi lội, chạy bộ, băng rừng, leo núi,... trong những ngày nghỉ, đặc biệt là trong dịp nghỉ Hè.

Năm 1951, 1952 một trường Trung học Công lập đang được xây cất tại Đà Lạt, về sau trường này mang tên Phương Mai (Công Chúa, con của cựu Hoàng Đế Bảo Đại). Trường Phương Mai (nam, nữ học chung) là tiền thân của trường Quang Trung (cũng còn nam, nữ học chung) và cũng là tiền thân của trường Bùi Thị Xuân (chỉ toàn là nữ sinh). Một hôm “nhóm mê đá banh” của chúng tôi chạy bộ lên “Đồi Cù” mới biết được công trình xây cất trường Phương Mai này, điều mà chúng tôi “mê” nhất là cái sân đá banh thật là lý tưởng đằng sau trường.

Thuở đó, bọn con nít chúng tôi “không có tư cách” và (dĩ nhiên) không được phép đá tại sân banh của Thị xã ĐàLạt (gần Hồ Xuân Hương, trên đường đi lên khu Nha Địa Dư và trường Lycée Yersin hay Grand Lycée). Chúng tôi cũng không được phép đá tại một sân banh bên hông Ty Cảnh Sát Đà Lạt (sân này đối diện với trường Nazareth, trên đường Yersin). Do đó, nhóm mê đá banh của chúng tôi thường lén vào đá tại sân đá banh của trường “Collège d’Adran” (một Trường Dòng, khoảng gần cây số phía Nam của khu “Kho Bạc”). Cái “khổ sở” và “đáng ghét” nhất mà chúng tôi ghim bụng là việc lâu lâu bị mấy ông “frère” ra đuổi và rượt chúng tôi chạy... có cờ, đôi khi còn bị mất banh vì cứ phải “bỏ của chạy lấy người”! Chúng tôi rất ghét mấy ông “frère” (thầy) này nên gọi mấy ổng là “corbeau noir” (con quạ đen) cho đỡ ấm ức!

Vì không có sân banh để “chạy cho đã” và vì cái “thù” đối với mấy ông “corbeau noir” mà chúng tôi đang ghim bụng, cho nên khi được tin trường Phương Mai sẽ mở một kỳ thi “concours” (thi tuyển) vào lớp Đệ Thất, nhóm mê đá banh của Petit Lycée chúng tôi (khoảng chục đứa) rủ nhau thi vào trường này.

Kết quả là chỉ có 3 ngoe được đậu (trong đó có tôi) và với kết quả này đã gây cho tôi vui buồn lẫn lộn ! Vui : vì tôi đã đạt được ý nguyện, qua trường mới có sân banh kế bên, tha hồ mà “chạy cho đã”! Buồn: tôi không còn được chung trường với các bạn ở Petit ngày xưa vì tụi nó phải qua Grand Lycée từ lớp Sixième; và dĩ nhiên, tôi không được gặp các bạn thân trong nhóm mê đá banh mỗi ngày, trong đó có thằng Lăng, là thằng bạn rất đặc biệt mà tôi thương và thân nhất kể từ khi hai đứa học chung với nhau từ lớp Huitième.

***

Lăng thuộc một gia đình khá nổi tiếng, khá giàu và có nếp sống “rất Tây”. Sau 2 năm học chung với nhau ở Petit Lycée, mặc dầu khi lên Trung học phải học khác trường nhưng chúng tôi vẫn thường gặp nhau và đi chơi chung với nhau vì chúng tôi có cái lợi thế là nhà ở gần nhau. Tôi ở cuối đường Nhà Chung (làng Xuân An), phía sau khu Nhà Thờ Con Gà ĐàLạt; Lăng ở khu “Kho Bạc”, gần đồi Tòa Đại Biểu Chính Phủ Cao Nguyên Trung Phần (nơi ba Lăng làm việc); khu này chỉ cách Hôtel Palace hơn trăm thước về hướng Bắc, cách Hôtel du Parc chừng hơn ba trăm thước về hướng Tây và cách khu Hôtel Au Sans Souci hơn hai trăm thước về hướng Đông (gần cây xăng Kim Cúc, đầu đường đi về Sài-Gòn).

Ngoài cái nhà ở khu Kho Bạc, gia đình Lăng còn có một cái nhà ở khu gần thác Liên Khàng, về sau chính quyền đổi thành Liên Khương (như thác Liên Khương, phi trường Liên Khương, v.v...) nhưng chúng tôi vẫn quen gọi là Liên Khàng (kèm theo với rất nhiều kỷ niệm liên quan đến địa danh này).

Ba Lăng có một cái xe Traction Quinze (15) màu đen (do Pháp sản xuất), vào đầu thập niên 1950 mà có cái xe như vầy thì coi như “oai ra phết”! Ông thường dùng xe hơi để đi về nhà dưới Liên Khàng vào những ngày nghỉ hay cuối tuần (khi nhà này đã xây cất xong), còn ở ĐàLạt thì ông chỉ lái xe đưa gia đình ra phố để đi ăn, đi mua sắm hoặc đi chơi ở các vùng phụ cận. Ông cũng ít khi lái xe đi làm, vì từ nhà chỉ băng qua con đường, đi bộ khoảng trăm thước trên con đường nhựa lên đồi là đã tới Tòa Đại Biểu Chính Phủ!

Thời còn đi học ở Petit Lycée, mỗi buổi sáng tôi và Lăng đi bộ từ nhà mình ra địa điểm đón xe buýt học sinh ở bên hông tiệm “Poinsards et Vérets” (cái “mũi tàu” trước Hôtel du Parc). Cái độc đáo của Đà Lạt thời bấy giờ là cái xe buýt chở học sinh chạy qua lại giữa hai trường Petit và Grand Lycée. Đây là cái xe buýt duy nhất của cả thành phố Đà Lạt. Xe buýt này không nhỏ như cở xe buýt học sinh sơn màu vàng mà chúng ta vẫn thường thấy ở Mỹ bây giờ, mà xe buýt này lớn cở xe buýt chở hành khách “xuyên bang” ở Mỹ nhưng sơn với màu sắc và hoa văn rất trang nhã, rất đẹp và “rất Tây”! Xe buýt này chỉ chạy từ Grand Lycée xuống tới Petit Lycée và ngược lại, và chỉ có thế!

Ngoài việc đưa đón một số học sinh ngoại trú ở 2 địa điểm quy định, xe buýt này được xử dụng đặc biệt để chở các nữ sinh nội trú học ở Grand Lycée đi, về mỗi ngày [vì các nữ sinh này, ban ngày thì học ở trường Grand Lycée (Trung Học) nhưng tối phải ở nội trú trong trường Petit Lycée (Tiểu Học), cách nhau khoảng hơn 4 cây số].

Nhóm bạn trẻ mê đá banh của chúng tôi vẫn sống vui vẻ, hồn nhiên trong cái thành phố sương mù đầy mộng mơ này. Ngoài việc chăm chỉ học hành, chúng tôi vẫn đam mê với những trò chơi có tính cách rất thể thao và rất lành mạnh. Khi đổi qua hệ thống trường Việt, tôi mới học thêm được nhiều ca dao, tục ngữ rất hay và rất lạ. Một hôm, trong lúc đang thay đồ, chuẩn bị ra đá banh, tôi nói chuyện với đám bạn về câu: “Nhất: Quỷ, Nhì: Ma, Thứ ba: Học trò” mà tôi mới học được. Cả bọn nhao nhao phản đối, nhất là Lăng. Lăng lập luận : “Học trò bị ‘classée’ (xếp hạng) thứ ba sau Quỷ và Ma, có nghĩa là Học trò là loại xấu lắm. Tụi mình vẫn ngoan, có làm gì xấu đâu. Nói như thế là oan cho tụi mình quá!” Tiếp theo, Lăng lộ vẻ tức giận và gằn giọng nói: “Nous ne sommes pas mauvais. Pas mal!” (Chúng ta không xấu. Cũng chẳng tệ tí nào!). Một đứa nào trong nhóm nói lớn: “Thôi, ra ‘chạy cho đã’, để quên câu nói oan ức này đi!” Thế là, cả toán túa ra sân để quần thảo với trái banh, hùng hục chạy lên chạy xuống, la hét trong khoái chí và cứ như thế các cậu “nhí” này đã quên hết... mọi sự trên đời!

***

Gia đình Lăng gốc người Thái trắng, dòng họ Cầm, ở vùng Sơn La, Hòa Bình (Bắc Việt). Thời Ông Cố, Ông Nội của Lăng là những lãnh tụ Thái (Phụ Đạo) được cai quản một số lãnh địa và trở thành giai cấp quý tộc của các vùng đó. Ba Lăng được qua Pháp du học, sau khi thành tài, trở về nước năm 1949; trở thành Công chức Đông Dương, đổi vào ĐàLạt năm 1950 và làm việc cho Tòa Đại Biểu Chính Phủ Cao Nguyên Trung Phần. Gia đình Lăng chỉ có 4 người: ba của Lăng tên Cầm Kha Tạo, tên Pháp là Francois, ở nhà gọi là bố Xoa; chị của Lăng tên Cầm Hoàng Na, tên Pháp là Joséphine, ở nhà gọi là chị Phin; Lăng tên Cầm Tòng Nam, tên Pháp là Roland, ở nhà gọi là Lăng; ngoài ra còn có một người dì, đó là dì Tơ. Mẹ Lăng đã chết năm Lăng mới lên 6.

Khi trở thành đôi bạn thân, Lăng đưa tôi về nhà chơi. Lần đầu tiên gặp chị Phin, tôi rất dè dặt vì 2 lý do : chị là chị của Lăng và chị lớn hơn tôi (và Lăng) 3 tuổi. Về sau, tôi cảm thấy được dễ chịu và thoải mái hơn vì tánh tình chị Phin rất cởi mở và rất dễ thương; đặc biệt là chị Phin cũng quý và thương tôi và coi tôi như thằng em thứ 2 trong gia đình. Thời gian đầu đến nhà Lăng chơi, tôi rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy mọi người trong gia đình không nói với nhau bằng tiếng Thái. Họ nói tiếng Việt (khá thông thạo), và đôi khi nói xen kẽ bằng tiếng Pháp hoặc hoàn toàn bằng tiếng Pháp.

Sau đợt di cư năm 1954, có rất nhiều người Thái trắng trong đó có nhiều gia đình bà con của bố Xoa vào định cư tại vùng Liên Khàng, Tùng Nghĩa và vùng cầu Đại Ninh. Đó là lý do bố Xoa quyết định xây thêm một cái nhà ở vùng Liên Khàng vào năm 1957. Bố Xoa thường nói: “Về Liên Khàng sống thì tha hồ được đi thăm gặp bà con và tha hồ được đánh chắn”, vì đánh chắn là cái thú giải trí của cả bố Xoa và dì Tơ!

Việc bố Xoa cho xây cái nhà sàn ở Liên Khàng đã gây ra những “tiếng vang” thú vị. Dân địa phương thường gọi những nhà sàn của người Thượng là “nhà sàn Mọi”, nhưng khi nhà sàn của bố Xoa sắp hoàn thành, dân địa phương gọi nhà sàn bố Xoa là “nhà sàn Tây”. Cả 2 kiểu nhà sàn đều có cái nét độc đáo giống nhau: mái lợp bằng tranh có đường cong (rất Mọi) với 2 chỏm nhọn cao vút phía 2 hông nhà. Nhưng cái “chõi” nhất và dễ “bắt mắt” nhất của 2 kiểu nhà sàn này là :

- “Nhà sàn Mọi”: lối đi lên bằng những bậc tam cấp làm ở hai đầu hồi (bề ngang của nhà sàn) và bên trong thì để trống trơn. Ở hai phía đầu hồi (phía bên trong) là 2 cái bếp lớn để cho nhiều gia đình nấu ăn và ban đêm đến ngủ “tập thể” chung quanh 2 cái bếp lớn này.

- “Nhà sàn Tây” : thì chỉ làm một lối đi lên thật rộng bằng những bậc tam cấp ở giữa (theo chiều dài của nhà sàn), còn bên trong nhà sàn thì chia thành các phòng ốc như: phòng ngủ, phòng tắm, phòng vệ sinh, phòng khách, phòng ăn, quầy rượu, nhà bếp, nhà kho, v.v... Khu phòng khách, dọc các hành lang và trong mỗi phòng ngủ đều có trải thảm.

Cái “Tây” nhất của “nhà sàn Tây” là có điện và nước máy !

Chị Phin, sau khi lấy bằng “Bac 1” (Tú Tài 1) đã theo học ngành y và lấy bằng “Infirmière Nationale” (Y Tá Quốc Gia) và về thực tập với Bác sĩ Schoyier (người Pháp, ở ĐàLạt). Đầu năm 1959 chị dọn về nhà ở Liên Khàng, mở một “Centre de Santé” (Trạm Y Tế) cách “nhà sàn Tây” hơn trăm thươc để khám bệnh và cấp thuốc cho đồng bào địa phương. Chị cũng phụ trách các “ca” “Chirurgie Primaire” (Tiểu Phẫu Thuật) nên bà con trong vùng thường gọi chị là “Bác Sĩ Phin”!

Mấy tháng đầu của năm 1959, gia đình Lăng bị xôn xao và chấn động: bác của Lăng (anh ruột của bố Xoa) cho biết thủ tục bảo lãnh gia đình bố Xoa sang Pháp sẽ được kết thúc trong vòng 1, 2 năm tới. Bác của Lăng đang ở Mont-Saint-Michel, một thị trấn trong tỉnh Manche, khoảng 300 cây số phía Bắc của Paris. Bố Xoa phác họa vài kế hoạch chính của gia đình: sẽ bán cái nhà ở khu Kho Bạc Đà Lạt, cái “nhà sàn Tây” sẽ cho dì Tơ và gia đình chú thím Buôn (vì dì Tơ không đi Pháp), qua Pháp bố Xoa sẽ đi làm thêm 5, 6 năm nữa rồi nghỉ hưu, chị Phin và Lăng sẽ tiếp tục đi học để trở thành Bác Sĩ...

Gần Hè năm 1959, một thay đổi lớn sắp đến làm thay đổi cuộc đời tôi : tôi phải nhập ngũ vào Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.

Tôi và gia đình bố Xoa thường hay nói chuyện, bàn tán về những đổi thay trước mặt. Ai cũng tỏ ra lo lắng và bị rơi vào tâm trạng nhiều buồn hơn vui !

***

Vì mẹ Lăng mất sớm nên chị Phin phải đóng cả 2 vai : vừa làm chị, vừa làm mẹ. Tôi chưa từng thấy một người chị nào lại thương em, săn sóc và lo lắng cho em như chị Phin đã lo cho em mình. Chị Phin đã lo đủ mọi thứ, lo từ “cái ăn, cái mặc” (đúng chữ và nghĩa của nó) mà đi :

- Cái ăn : từ khi chị Phin về sống ở Liên Khàng, chị vẫn thường xuyên nấu thức ăn, gởi theo xe đò lên cho bố Xoa, cho Lăng và đôi khi cho tôi nữa (với những món ăn tôi thích nhất). Chị dặn dò đủ điều, thậm chí “déjeuner” (bửa ăn trưa) thì ăn món gì; “di^ner” (bửa ăn tối) thì ăn món gì v.v...

- Cái mặc : tùy theo khí hậu và thời tiết, chị viết thư gởi kèm theo (và dặn cả 2 đứa) lúc nào thì phải bận “chandail” (áo len), lúc nào phải bận “blouson” (áo gió), lúc nào phải mang theo “imperméable” (áo mưa), lúc nào phải quàng “foulard” (khăn quàng cổ), lúc nào cần phải mang “gants” (găng tay),... Lăng và tôi thường “chọc quê”, gọi thư của chị Phin là “ordre” (mệnh lệnh) và hai đứa thường cười khúc khích, nói đùa với nhau : “Chắc có ngày, chị Phin sẽ “conseiller” (cố vấn) cho tụi mình nên bận loại “sous-vêtements” (đồ lót) nào”!

Mặc dù chị Phin rất thương Lăng nhưng khi nào Lăng làm điều gì sái khuấy, thì phải biết, chị bắt ngồi xuống (có khi cả tiếng đồng hồ) để nghe “tụng” “enseignement” (lời chỉ dạy). Nếu làm lỗi nghiêm trọng hơn, chị sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt (thường là “cấm vận”) như cấm không được : đi chơi, đi bơi, đi leo núi, tụ tập bạn bè, đá banh (cái “cấm vận” đáng sợ nhất), v.v... Nếu vì lý do nào đó mà lệnh phạt của chị bị Lăng “phe lờ” hoặc không được thi hành đứng đắn, thì chị sẽ áp dụng biện pháp kế tiếp: Mách Bố !

Bình thường bố Xoa rất xuề xòa, rất dễ chịu nhưng khi “vấn đề” được chị Phin trình lên, thì bố Xoa “trừng trị thẳng tay” và không “du di” hay “khoan nhượng”. Một trong những trừng phạt của bố Xoa là “cúp viện trợ” (Lăng sợ nhất cú phạt này) vì phải bị 2 hoặc 3 tuần lễ “không có đồng xu teng dính túi”!

Bố Xoa phạt như vậy có 2 điều lợi :

1. “Dằn mặt” thằng con trai.

2. Vuốt ve tự ái và xác định vị trí “bề trên” của cô con gái.

Mỗi lần bị “cúp viện trợ” như vậy, Lăng đành ca bài ca “con cá sống vì nước” với chị Phin. Phần vì thấy tội nghiệp cho thằng em, phần vì thấy “tự ái” được xoa dịu; chị Phin xiêu lòng, “gạt nước mắt” mở “hầu bao”, “xì” cho thằng em một “mớ” cho “qua cơn bĩ cực” nhưng không quên rên rỉ : “Em véo hết tiền của chị rồi”! Lăng vồ lấy tiền, nhét vội vào túi; trước khi chạy đi, Lăng “trả đũa” bằng một câu thật “nhức nhối”: “Cho đáng đời. Ai bảo chị ...mách Bố”!

Phần vì thương em, phần vì được rút kinh nghiệm qua những lần “mách Bố” (nó như con dao 2 lưỡi: thằng em bị phạt “dằn mặt” nhưng chính mình cũng bị vạ lây, cũng trở thành dân ... “Ma Rốc”), nên từ khi Lăng lên 16, 17 chị Phin đã xóa đi chữ “Mách Bố” trong cuốn “tự điển của riêng mình”!

***

Mùa Hè năm 1959 ! Đã được biết trước là mùa hè cuối cùng của đời học sinh, cho nên tôi đã sắp xếp, dành nhiều thời gian xuống Liên Khàng chơi với gia đình Lăng, đặc biệt là để thưởng thức cái “nhà sàn Tây” còn mới cáo cạnh!

Cái nhà ở khu Kho Bạc ĐàLạt chỉ có 3 phòng ngủ : bố Xoa một, chị Phin và dì Tơ một, Lăng và tôi một (những đêm tôi ở lại làm bài hoặc học bài).

Còn “nhà sàn Tây” thì có tới 5 phòng ngủ rất rộng, mỗi người có phòng ngủ riêng. Khi nào ở lại chơi với Lăng, thì tôi ở trong phòng ngủ dành cho khách, ngay sát phòng của Lăng.

Ở “nhà sàn Tây”, chơi trong phòng ngủ của mình thì chán phèo nên Lăng và tôi thường khoái qua phòng ngủ của chị Phin chơi. Điều mà chúng tôi khoái nhất là được “ăn ké” những thức ăn chị Phin để trong phòng ngủ như: bánh, kẹo, trái cây, những thứ nước uống đặc biệt, v.v... Cái khoái thứ hai là được nghe những bản nhạc “mise à jour” (cập nhật) của Pháp mà các anh chị (con ông bác ở bên Pháp) gởi đĩa về cho chị.

Những cô gái Thái Trắng trên vùng Cao Nguyên.

Mỗi lần như vậy, sau khi “ăn ké” xong, chúng tôi nhào lên giường, vùi đầu vào chăn và gối, nằm im ỉm để thưởng thức nhạc. Mười lần như một, nằm nghe nhạc một hồi rồi ngủ thiếp luôn vì chúng tôi mới về nhà sau những trò chơi như khi thì đi tắm thác, khi thì leo núi, khi thì đá banh,...

Phòng ngủ chị Phin rất rộng (bằng cỡ phòng bố Xoa), có bàn trang điểm, có bàn sách vở và bộ máy nghe đĩa nhạc, có 1 bàn máy may và có cả 1 bộ bàn ghế nhỏ để “nhẩm xà”.

Bên vách trái, đối diện với giường ngủ, có treo 3 tấm ảnh của chị: 1 ảnh mặc bộ đồ “quốc phục Thái”, áo trắng với viền đen rất nổi (năm 12 tuổi), 2 ảnh mặc đầm (năm 16 và 20). Chị Phin chọn ảnh để treo lên vách, những ảnh này được chụp cách nhau mỗi 4 năm, “để xem đến năm nào thì chị không còn đẹp nữa?” (chị thường nói đùa như vậy)! So sánh 3 ảnh treo trên vách thì dễ dàng thấy được: càng lớn tuổi chị càng đẹp thêm! Và điểm đặc biệt hơn là mặc dù chị chụp rất “manger photo” (ăn ảnh) [người Việt mình thường nói đùa như vậy, đúng ra phải dùng chữ “photogénique”], nhưng ở ngoài chị còn đẹp hơn rất nhiều! Chị có thân hình cân đối, nước da trắng hồng và đẹp như một cô đầm lai !

Khi tôi nêu ý kiến với nhận xét này, một lần chị đã nói với tôi: “Để sau này chị sẽ cho em một ‘cadeau spécial’ (món quà đặc biệt) nhé!”

Bên phải là cái giường ngủ thật lớn (có thể bằng cỡ King Size bây giờ). Chị sắp đặt các gối nhỏ, các gối ôm, các tấm đắp, cách xếp các cái mền thật là mỹ thuật và thật là... “Tây”. Chị có một cái mùng rất đặc biệt, màu xanh lạt, treo lên như hình khối có chóp và các cọc mùng có hình lục giác rất lạ mắt. Phòng ngủ của chị thật ngăn nắp, sạch sẽ, trang trí rất nghệ thuật, có thể nói là tuyệt vời! Cái mà Lăng và tôi rất thích là mùi thơm thoang thoảng trong khắp cả phòng. Riêng tại giường ngủ của chị, qua drap, nệm, mền, gối có một mùi thơm rất đặc biệt. Tôi cứ thắc mắc: “không biết đó là mùi nước hoa hay mùi... con gái?!”

Chị Phin rất thích và rất hãnh diện về cái giường ngủ của mình và chị gọi nó là “Barque Royale” (Thuyền Rồng) của chị !

***

Theo chương trình, tôi phải vào SàiGòn khoảng đầu tháng 10/1959, cho nên tôi đã thu xếp để xuống nhà Lăng chơi vài ngày trước khi chia tay, đặc biệt là tham dự trận đá banh có Coupe (giải) lần cuối cùng. Lăng nói, đây coi như một “visite d’adieu” (cuộc viếng thăm để chia tay), do đó chúng tôi càng quấn quít nhau hơn. Phần chị Phin, cũng lăng xăng sắp xếp các chương trình: cùng đi chơi, cùng đi thăm viếng mấy người bà con dưới vùng cầu Đại Ninh và chương trình ăn uống của các parties… Chị Phin trông buồn hẵn ra và nhiều khi hai chị em ngồi nói chuyện riêng với nhau (có khi cả giờ mà chưa hết chuyện), chị cứ rươm rướm nước mắt vì cái “moment des adieux” (giây phút giã từ) này !

Gần 10 năm quen biết với gia đình bố Xoa, biết bao kỷ niệm buồn vui đã xảy ra và cùng nhau chia xẻ. Những tình cảm thân thiết, đậm đà cũng đã được tích lũy và vun đầy qua tháng năm. Chị Phin vẫn coi tôi như là một đứa em, vẫn thương tôi thật nhiều và tình thương đó, trong giờ phút sắp xa nhau này, như được bung lên từ vùng sâu lắng, cơ hồ như lan tỏa hơn, cơ hồ như mênh mông hơn ...

Theo chương trình, ngày hôm sau tôi phải về Đà Lạt để chuẩn bị hành trang. Hôm nay là ngày cuối cùng tôi ở lại Liên Khàng. Sau bữa cơm trưa, bố Xoa và dì Tơ cùng lái xe về Đại Ninh để đánh chắn tại nhà chú thím Buôn, dự trù sẽ ở lại đêm dưới đó, trưa mai mới về lại “nhà sàn Tây” để tiễn tôi về Đà Lạt. Chiều hôm đó cả 3 chị em cùng với một số bạn trong đội banh thuộc équipe Liên Khàng-Tùng Nghĩa có tổ chức một “pique-nique” (picnic) tại khu rừng thưa (phía thượng nguồn của thác Liên Khàng) để tắm và tụ tập lại ăn uống với 2 mục đích :

1. Tiễn tôi “đi lính”

2. Ăn mừng đội nhà đoạt được Coupe hai ngày trước đó. (Équipe Liên Khàng-Tùng Nghĩa thắng Équipe vùng cầu Đại Ninh).

Cả toán khoảng 15, 16 người cùng ăn chơi, chuyện trò vui vẻ để át đi cái không khí “chia tay” ảm đạm. Chị Phin, Lăng và tôi đã tắm ở đây nhiều lần lúc trước. Hôm nay chị Phin bận lo thức ăn và lo đốt lửa trại nên không tắm. Chỉ có Lăng, tôi và một số bạn khác xuống tắm mà thôi! Suối vùng này là do nước của thác Prenn và suối Bồng Lai đổ về, gọi là suối nhưng khoảng hơn 200 thước phía thượng nguồn của thác Liên Khàng, 2 bờ cách nhau xa và rộng như một con sông.

Bơi lội và đùa giỡn với đám bạn bè gần tiếng đồng hồ, tôi cảm thấy lạnh và mệt nên muốn lên bờ để nghỉ và sưởi ấm. Thay vì bơi thẳng vào bờ gần nhất, tôi lại thả trôi theo dòng nước, định sẽ tấp vào khu picnic cho nhanh hơn (vì khu picnic cách chỗ chúng tôi tắm hơn trăm thước phía thượng nguồn và cách chỗ thác đổ khoảng trăm thước). Những lần trước tắm ở đây, chúng tôi lấy cái chuẩn là những gộp đá nổi trên mặt nước, cách nơi thác đổ khoảng trăm thước. Theo quy luật (bất thành văn): “không được bơi tới gần vùng gộp đá nổi này vì nước bắt đầu xoáy, chảy xiết và rất là nguy hiểm”. Tôi quên mất là ngày hôm trước có trận mưa rất to, nước trên nguồn đổ về nhiều, nước dâng lên phủ ngập các gộp đá (làm chuẩn), nên tôi bị trôi vào vùng “báo động” (vùng cấm) mà không hay.

Khi nhìn thấy một số người trên bờ quơ tay và làm dấu hiệu để tôi bơi vào bờ ngay, tôi mới biết tình thế đang rất nguy hiểm. Tôi cố bơi sải vào bờ nhưng vì đang ở trong vòng nước xoáy quá mạnh không thể bơi tấp vào bờ được mà cứ bị nước cuốn đi thẳng về hướng thác. Một số đông bạn bè trên bờ chạy theo tôi, chắc họ la hét dữ lắm nhưng tôi không nghe gì cả, chỉ thấy các động tác quơ tay của họ mà thôi! Tôi bị nước cuốn phăng đi như vậy thêm ba, bốn chục thước nữa; cũng may khi qua khỏi vùng nước xoáy thì tôi có thể bơi chênh chếch khoảng hai chục thước nữa mới có thể tấp vào hướng bờ. Mấy người trên bờ vung những cành cây thật dài (như những cây sào) về hướng tôi để may ra tôi chụp được. May mắn làm sao, tôi vớ được một cây, chân tôi đạp nước loạn xạ và tôi được kéo bung tới mép nước. Có một người vồ lấy cánh tay tôi kéo mạnh lên, người này mất thăng bằng, té ngửa ra. Tôi cũng bị mất thăng bằng, té sấp và đè lên (ngực và bụng) của người đó.

Tôi nằm yên như vậy một lúc, nghe tiếng thác đổ ầm ầm rất lớn và rất rõ (vì quá gần) và nghe mọi người chung quanh vỗ tay vui mừng vì tôi được thoát nạn. Khi hoàn hồn lại, tôi mới biết tôi đang nằm đè lên người... chị Phin. Mấy người xúm kéo tôi dậy, tiếp theo, tôi và vài người khác xúm kéo chị Phin lên. Chị Phin ôm vồ lấy tôi, vỗ vào lưng tôi và miệng thì kêu lên khe khẻ: “Dieu. Merci! Dieu. Merci !” (Cám ơn Thượng Đế) và Lăng cũng đã đứng phía sau tôi, ôm lấy vai tôi và cũng nói lời tạ ơn Trời như vậy!

Sau đó mọi người lục tục kéo lại khu picnic, tiếp tục ăn uống và nói chuyện râm ran bên cạnh đống “lửa trại” với ngọn lửa thật cao, với tiếng nổ vui tí tách!

Hơn tiếng đồng hồ sau, đám bạn trong đội banh đến chia tay với tôi. Đây là lần chia tay khá đặc biệt và đáng ghi nhớ với đám bạn bè bên dòng thác nước...

***

Về đến “nhà sàn Tây” cũng đã xế chiều. Nhà chỉ còn 3 chị em thôi, bố Xoa và dì Tơ đã đi xuống Đại Ninh rồi. Vì mới ăn ngoài picnic nên chưa đói, do đó chị Phin cho ăn qua loa thêm một chút ở phòng ăn với gỏi gà và bánh tráng mè đen. (Lăng và tôi rất “hẩu” món này vì gỏi gà chị Phin làm là “số dzách”, còn bánh tráng mè đen làm ở Tùng Nghĩa thì “hết sẩy”)! Sau đó kéo qua phòng khách ăn “dessert” (tráng miệng) với “crème caramel flambée” (bánh Flan) (cũng do chị Phin làm) và “nhẩm xà”. [Mấy chị em khoái dùng tiếng này hơn tiếng “boire du thé” (uống trà)].

Ba chị em ngồi nói chuyện với nhau, nhắc lại biết bao kỷ niệm vui buồn từ ngày quen nhau, tiếp theo là câu chuyện xoay quanh các chủ đề : chị Phin đã “sauver” (cứu) tôi lúc chiều ngoài thác, chuyện tôi sắp “đi lính”, chuyện cả nhà bố Xoa sẽ “đi Tây”. Đặc biệt, đêm nay là đêm cuối cùng được gặp nhau !

Ôi ! Cảnh biệt ly ! Sao mà buồn vậy !!!

Khoảng hơn 8 giờ tối, Lăng cứ than là mệt quá và đòi đi ngủ sớm. Tôi cũng đã thấm mệt vì cú thoát chết lúc chiều nên cũng muốn đi ngủ. Thế là tiệc “nhẩm xà” đành phải tan để... ai về buồng nấy !

Lăng vừa rời phòng khách, tôi định quay đi thì chị Phin níu cánh tay tôi lại và nói nhỏ : “Em đừng cài cửa phòng. Tí nữa chị sang, nói em cái này” !

Tôi đi về phòng mình, không cài cửa phòng như chị Phin dặn; thay bộ pyjamas xong, tôi lên giường nằm nghỉ lưng một chút. Khoảng 15, 20 phút sau, tôi đang thiu thiu ngủ thì đã nghe tiếng ngáy của Lăng ở phòng kế bên (qua cái vách bằng gỗ). Lăng có cái “xấu tật” khi ngủ, nó ngáy thật to và ngủ như chết. Tôi thường nói với nó : “Khi mày ngủ, trời gầm bên tai mày cũng không biết”! (Quả thật như vậy. Khi ngủ là nó ngủ một lèo, chẳng biết trời trăng mây nước gì cả. Thậm chí đến sáng, phải thức dậy để chuẩn bị đi học; lay nó ba lần, bốn lượt mà nó vẫn “sật sừ”, dậy không nổi !)

Tôi đang mơ mơ màng màng như vậy thì thấy chị Phin mở cửa và đi rón rén vào phòng tôi. Tôi ngồi bật dậy, chị đến bên tôi, nói nhỏ : “Em theo qua phòng chị”. Như một phản xạ, tôi đứng dậy và nhè nhẹ bước theo chị vì lúc nào tôi và Lăng cũng làm theo “ordre” của chị cả ! Vừa đi theo chị tôi vừa tự thắc mắc : “Chắc chị muốn nói chuyện thêm với mình ?...”

Vừa vào phòng, chị gài then cửa lại. Tôi đang đứng lớ ngớ chưa biết mình phải làm gì ? Có thể hai chị em sẽ ngồi vào bộ bàn ghế nhỏ để “nhẩm xà” chăng? Trong đầu chưa dứt lởn vởn về câu hỏi mới đặt ra thì chị vụt kéo tôi thẳng đến... “barque royale” của chị. Chị ấn tôi nằm xuống giường và leo lên nằm bên phải của tôi. Tôi đang chới với vì những sự việc vừa xảy ra thật nhanh, thật đột ngột, thật bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của mình. Chính những điều này đã tác động “chớp nhoáng” (như điện xẹt) vào đầu tôi làm tôi hoang mang, luống cuống và run sợ!

Tôi và Lăng đã nhiều lần leo lên “quậy” cái “thuyền rồng” của chị. Biết bao nhiêu lần lên đây nằm nghe nhạc và ngủ vùi... Nhưng đêm nay, ngay bây giờ, tôi (không biết là được hay bị) nằm gần bên chị. Vì luống cuống và run quá, chân tay (nhất là hai tay) không biết đặt vào đâu? Tôi cứ nằm “thẳng đuột” và 2 tay đặt lên bụng mình (như dấu hiệu biết “phận em út”, không dám làm gì “phạm thượng”). Có lẽ chị Phin “thấy được” những luống cuống, vụng về của tôi là do tôi quá quýnh quáng và quá run. Chị xích lại sát bên tôi, nằm ở thế nghiêng, đầu hơi nghếch cao hơn để nhìn tôi.

Và như muốn trấn an tôi, như muốn làm tan đi những run sợ trong tôi, chị bắt đầu tỉ tê nói chuyện trong khi một bàn tay chị mân mê vuốt vào trán, mắt, mủi, má và tai tôi, v.v... Chị nói về những kỷ niệm đã có với nhau trong gần 10 năm quen biết, những tình cảm chị đã dành cho tôi, chị thương tôi còn hơn tình thương của một người chị thương em mình. Chị thương tôi với một tình thương đặc biệt! Rồi bây giờ đang phải đối diện với sự chia tay... Sau cái buồn khi mẹ mất năm chị 9 tuổi, đây là cái buồn thứ hai trong đời: chị sắp xa tôi!

Qua ánh sáng của ngọn đèn ngủ, tôi thấy chị đang bận cái “soirée” (áo ngủ rộng) màu hồng; chị đã đẹp, đêm nay lại càng đẹp lộng lẫy như thiên thần, dù là thiên thần sầu muộn...

Sau khi nói chuyện một hồi để cho tôi bớt run, chị lăn qua nằm đè lên người tôi, cầm hai tay tôi vắt choàng qua lưng chị. Hai tay chị nâng đầu tôi và chị bắt đầu hôn lên môi của tôi. Từ ngày biết đi coi ciné (các phim ngoại quốc), thấy các tài tử trai gái hôn nhau, tôi thật sự không biết bên trong miệng họ phải làm cái gì? Tôi có cô bạn gái người Pháp (ba Pháp, mẹ Lào lai Pháp) tên Yvonne, học ở Petit Lycée dưới tôi và Lăng 3 lớp (Lăng cũng đã gặp và biết Yvonne). Quen nhau suốt cả bao nhiêu năm, mà (chỉ mới 2, 3 năm sau này thôi) tôi chỉ biết hôn (đại khái) lên má của Yvonne, và chỉ có vậy. Cái gọi là “hôn” của tôi chắc là “quê” lắm và chắc chắn chẳng “Tây” chút nào ! (Tôi chỉ đưa mũi mình đụng vào má Yvonne “một cái rẹc” vậy thôi!)

Đêm nay, chị Phin hôn tôi (như là một phản ứng thoải mái và tự nhiên của chị?) hay chị biết tôi “cả ngố” quá nên muốn dạy tôi biết hôn và đặc biệt là biết cái “hôn môi” (thực sự) phải như thế nào? Chị không nói, chị chỉ dùng “Body language”! Tôi chỉ bắt chước chị và “thực tập” theo chị...

Cho đến khi thấy tôi khá nhuần nhuyễn, chắc chị cũng rất thích thú và hài lòng khi nhận biết: tôi đang rơi vào cảm giác đê mê và chới với trong ngấu nghiến và vồ vập hưởng thụ những nụ hôn “mới lạ” này!

Đến lúc đó, chị cởi phăng cái áo ngủ của mình và từ từ cởi nút áo ngủ cho tôi... rồi lăn qua nằm phía bên phải của tôi như lúc nãy. Một lần nữa, tôi lại hồi hộp và luýnh quýnh thêm, không biết chị Phin sẽ làm cái “màn” gì tiếp theo? Rất nhanh, chị vồ lấy bàn tay trái của tôi và bóp nhè nhẹ trên lưng bàn tay tôi như một dấu hiệu “được cho phép”! Chị như hướng dẫn, như khuyến khích, như thúc giục, như gọi mời bàn tay tôi trườn qua vùng núi đồi cao vời vợi; đưa bàn tay tôi lần xuống thám hiểm vùng khe suối thâm u hoặc xoa rộng mượt mà nơi cánh đồng đầy “hoa thơm cỏ lạ”...

Bàn tay tôi cũng cảm nhận được nhịp tim của chị đang đập dồn dập, quyện với những âm thanh ú ớ, ngắt quãng như rên rỉ, như gọi mời và cùng lúc đó tôi cũng nghe được cả tiếng gầm của thác nước Liên Khàng đang vọng về trong đêm vắng! Chị Phin đang “tập hư” cho tôi... Và không biết điệp khúc “tập hư” này đã lập lại đến bao nhiêu lần, nhưng thời gian cơ hồ như ngừng lại...

Tôi mơ hồ như chị đang níu kéo tôi cùng rơi vào vùng hôn mê đầy kỳ thú. Tôi mơ hồ như chị đang dẫn đưa tôi đến đỉnh cao tận cùng của rạo rực. Tôi mơ hồ như đang bị thúc bách: muốn khám phá (hay nói đúng hơn) muốn thỏa mãn sự tò mò với ắp đầy náo nức, trong khi cơ thể mình như đang chờ đợi một tín hiệu để được nổ tung... Và đó chính là lúc, lần đầu tiên trong đời, chị Phin dạy tôi và cho phép tôi biết làm... thác đổ!

Lúc nãy, tôi như quả bong bóng căng đầy hơi, bây giờ đang từ từ xẹp xuống nhưng những cảm giác thích thú tột đỉnh và tuyệt vời lần đầu tiên trong đời được hưởng thụ vẫn còn vây bủa cả thần trí tôi. Tôi nhớ lại, có lần chị Phin đã nói với tôi: “Để sau này chị sẽ cho em một ‘cadeau special’” và tôi tự hỏi lòng: đây có phải là “món quà đặc biệt” mà chị muốn cho tôi đêm nay?

Dù tự hỏi như vậy nhưng tôi cảm thấy như đang ngập ngụa trong hạnh phúc! Và như được thêm dạn dĩ, tôi ôm và siết mạnh chị Phin trong vòng tay mình và thì thầm: “Merci, Chị Phin. Je t’aime beaucoup”. (Cám ơn chị Phin. Em thương chị nhiều lắm)! Chị Phin cũng thì thầm đáp lại: “Cám ơn em. Moi aussi. Je t’aime de tout mon coeur!” (Chị cũng thương em với tất cả tình thương của chị).

Nằm như vậy một lúc khá lâu và như có phản ứng “vừa chợt tỉnh cơn mê”, tôi ngồi bung dậy, định sẽ đi về phòng mình. Chị Phin ghì tôi nằm xuống và nhỏ nhẹ nói: “Em cứ nằm đây. Đợi chị một tí nhé”! Chị ngồi dậy, lấy cái áo ngủ choàng vào người, bước tới bàn “nhẩm xà” cầm lấy cái “thermos” (bình thủy) lớn, mở cửa bước ra khỏi phòng. Tôi đoán, chị đang đi đến phòng tắm (bên ngoài phòng ngủ). Một lúc sau chị trở lại, đưa cho tôi một ly nước ngọt để uống, sau đó chị dùng một cái khăn mặt và một cái khăn tắm nhỏ đã được nhúng nước ấm để lau khắp mình mẩy tôi. Chị cũng cho biết là vừa đến phòng Lăng, “nó vẫn ngáy và đang ngủ say”...

Rồi chị dịu dàng nói tiếp: “Em yên tâm. Cứ nằm đây với chị một chốc”!

Sau lần “thác đổ” đầu tiên, cái vụng về và khớp sợ hầu như không còn đeo đẳng trong tôi. Tôi cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn, thân mật hơn và gần gũi với chị hơn! Với “sức bật của tuổi trẻ” cộng với tâm lý “ngựa non háu đá” và dường như tôi đang bị thôi thúc qua náo nức và rạo rực; còn hơn thế nữa, với cái tánh háo thắng của thằng con trai mới lớn: muốn làm một cái gì để xóa đi cái tâm lý “tự ti mặc cảm” và “bị động” lúc ban đầu... Những lần sau, tôi không cần chị “hâm nóng” và “tập hư” cho tôi nữa. Tôi đã “tự vùng lên” và “biết” nắm quyền... chủ động!

Cái “một chốc” của chị Phin đã kéo dài “suốt mấy tiếng đồng hồ” trong cái đêm “một đời không quên” ấy. Vậy mà, trong tận cùng sâu lắng (với thật nhiều háo hức và tham lam của tôi cộng với sự khuyến khích và “hợp tác” của chị), tôi vẫn ước mong: cái “một chốc” đó cứ kéo dài... bất tận!!!

***

Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức chính thức nhập khóa vào ngày 7 tháng 10 năm 1959. Thời gian ở Quân trường, tôi vẫn thường xuyên nhận được thư của Lăng và của chị Phin. Thư của chị, bây giờ, đúng nghĩa là một cái “thư” chứ không phải là cái “ordre” như Lăng và tôi vẫn châm chọc lúc trước. Thư nào chị cũng nhắc đi nhắc lại là chị rất nhớ và thương tôi, và rất mong ngày hai chị em có dịp gặp lại nhau.

Qua thư từ, được biết một số tin tức của gia đình chị như sau: bố Xoa vẫn đi làm ở ĐàLạt; dì Tơ vẫn chạy lên xuống giữa Liên Khàng và ĐàLạt để lo cho bố Xoa; Lăng “đành” phải học lớp “Terminal” (để thi Bac 2) ở Grand Lycée trong khi chờ đi Pháp; chị Phin phải bán căn nhà làm “Trạm Y Tế” và “Bác Sĩ Phin” không tiếp tục hành nghề. Trong thời gian chờ đợi đi Pháp, để khỏa lấp thời gian trống rỗng và nhất là để làm bớt đi những “pensées permanentes à toi” (những suy nghĩ thường trực về em), chị Phin tạm thời đi làm “Hôtesse d’accueil” (Tiếp Viên Hàng Không, không phi hành) cho Air Viet Nam tại phi trường Liên Khàng.

Đầu tháng 9/1960, tôi nhận được thư của Lăng và của chị Phin, báo cho biết gia đình sẽ rời Việt Nam vào hạ tuần tháng 9; chị Phin còn viết : “Khi mãn khóa về thăm nhà, em nhớ ghé dì Tơ để lấy ‘cadeau’ của chị nhé !”

Khi nhận được tin, tôi đã khóc thật nhiều; bỏ ăn và không ngủ được trong mấy đêm liền. Thôi, như vậy là hỏng kế hoạch rồi, vì tôi đã sắp đặt chương trình : sẽ “dzọt” về thăm chị khi Khóa 9 tham dự “Thực tập Chiến thuật” tại vùng La-Ba (gần Liên Khàng) trong tháng 10 sắp tới ! (Theo chương trình của Khóa, chúng tôi có một ngày nghỉ để được lên thăm thành phố Đà Lạt).


***

“Tang bồng hồ thĩ” với các SVSQ Trừ Bị Thủ Đức trong Lễ Mãn Khóa.

Khóa chúng tôi làm Lễ Mãn Khóa vào ngày 28 tháng 11 năm 1960. Được đi phép 2 tuần và phải trình diện đơn vị khoảng 1 tuần trước Noel năm 1960.

Cái vui về thăm gia đình tại Đà Lạt sau hơn một năm xa cách vẫn không thể làm giảm đi những nỗi buồn đang u ẩn trong tôi vì tôi cứ bị ám ảnh về việc không bao giờ có dịp gặp lại mọi người trong gia đình bố Xoa.

Ngày phép đầu tiên tôi về thẳng nhà để quây quần với cha mẹ và các em. Ngày hôm sau tôi mướn taxi “bay” xuống Liên Khàng ngay. Xe vừa ngừng trước “nhà sàn Tây”, tôi như bị nghẹt thở! Phóng vội qua các bậc tam cấp để lên nhà, tôi gặp lại dì Tơ và chú thím Buôn (đã dọn về ở chung với dì, tôi đã gặp chú thím Buôn và 2 người con dưới Đại Ninh lúc trước). Dì Tơ ôm vồ lấy tôi và khóc ngất. Tôi cũng ôm ghì dì Tơ trong lòng và khóc như mưa !

Chú thím Buôn dìu tôi và dì Tơ vào phòng khách ngồi, họ mang nước trà ra mời tôi và dì Tơ uống để dằn cơn xúc động. Hơn nửa giờ sau, khi cơn xúc động đã lắng xuống, dì Tơ mới đưa tôi đi xem nhà. Và với niềm hãnh diện lộ ra trên nét mặt, dì Tơ nói: “Bà con vẫn gọi nhà này là ‘nhà sàn Tây’ đấy cháu ạ !”

Sau khi đi một vòng xem nhà, tôi có một nhận xét là: nhà không được đẹp và khang trang, đặc biệt là không còn “Tây” như hơn một năm về trước.

Có vài thay đổi : dì Tơ dời qua ở trong phòng bố Xoa; hai người con của chú thím Buôn ở trong phòng của Lăng và phòng dành cho khách (lúc trước); vợ chồng chú thím Buôn thì ở trong phòng của dì Tơ (lúc trước); riêng cái phòng của chị Phin thì vẫn để trống. Dì Tơ giải thích : “Để dành cho cháu Phin về ở, khi cháu có dịp về thăm hoặc để cho khách dùng, khi nhà có khách”.

Khi trở lại phòng khách, dì Tơ mới buột miệng : “Rõ khổ ! Dì quên khuấy đi mất. Cháu Phin có gởi cho cháu cái hộp quà. Để dì đi lấy cho cháu”.

Dì Tơ đưa cho tôi cái hộp quà và một lá thư. Mở hộp ra, thì đó là một cái chìa khóa màu vàng thật xinh xắn. Dì Tơ trầm trồ khen và buột miệng: “Có phải là vàng thật không cháu ?”. Tôi mỉm cười : “Chắc là vàng mạ thôi dì ạ”!

Tôi mở thư đọc vội mấy hàng chữ của chị trong đó có câu : “Như chị đã nói với em lúc trước ‘Clé d’or ouvre toutes les portes’ (Chìa khóa vàng mở được tất cả các cánh cửa), do đó chị gởi em món quà này. Hy vọng rằng em sẽ ‘biết cách dùng’ nó và... đừng bao giờ quên chị!”

Dì Tơ dặn chú thím Buôn làm cơm và bảo tôi ở lại dùng cơm trưa, dì nói : “Sáng nay, ở nhà mới mua được một cân thịt nai tươi bên Tùng Nghĩa. Ngon lắm !”

Sau khi ăn cơm trưa xong, mặt tôi đỏ gay vì tôi có uống một chung “rượu cần” (của người Thượng). Dì Tơ và chú thím Buôn cứ ép tôi uống tí “dziệu” và cứ luôn miệng nói: “Lúc trước đi học thì không nói làm gì. Bây giờ ‘đi lính’ thì phải biết uống ‘dziệu’, không người ta lại cười cho!” Một lúc sau, thấy tôi mệt, dì Tơ bảo tôi: “Cháu vào phòng chị Phin nằm nghỉ một tị cho khỏe. Chiều hẵn về!”

Không bao giờ tôi tưởng tượng ra cảnh tôi còn có dịp nằm trên cái “thuyền rồng” của chị Phin thêm một lần nữa! Hôm nay, nằm đây, nhìn qua vách đối diện, tôi không còn thấy 3 tấm ảnh của chị lúc trước (chắc chị đã mang theo qua Pháp). Cái bàn để sách và để máy nhạc không còn, chỉ còn cái bàn máy may và bộ bàn ghế “nhẫm xà” nhưng không có các thermos. Cái bàn trang điểm của chị vẫn còn đó nhưng không còn những lọ nước hoa hay những lọ, những “tubes” trang sức rất đẹp và thoang thoảng mùi thơm “rất Tây” ngày nào.

Riêng cái “thuyền rồng” của chị mà tôi đang nằm và đang mỉm cười vì cái “thắc mắc” (ngày xưa) của mình : “Nơi giường ngủ của chị có một mùi thơm rất đặc biệt, đó không biết là do mùi nước hoa hay mùi... con gái” ?!!!

***

Chị Phin ơi ! Em đang nằm trên cái “barque royale” của chị và đang ngắm “cái chìa khóa vàng”, món quà em vừa nhận được. Em cố nghiền ngẫm câu chị viết trong lá thư ngắn đó : “Clé d’or ouvre toutes les portes”. Nhưng có lẽ em còn non nớt quá, nên không hiểu được đầy đủ và trọn vẹn cái “nghĩa bóng” rất sâu sắc và trừu tượng của câu nói mà chị muốn truyền đạt và muốn “dạy” cho em!

Hơn một năm trời bước chân vào “đời lính”, em vẫn như thế. Em muốn nói, em cũng chỉ là một cậu học sinh với hình ảnh chị ghi nhận được qua em và Lăng từ hơn mười năm nay: em vẫn ngây thơ, hồn nhiên như ngày nào. Và dưới mắt chị: em vẫn còn bé dại, vẫn cần nhận thêm “ordre”, vẫn cần nhận thêm hướng dẫn và dìu dắt của chị, có phải vậy không ?

Qua cái đêm “một đời không quên” của hơn 1 năm về trước giữa hai chị em mình, em vẫn như vậy: em vẫn “ngoan” với đầy học sinh tính. Em vẫn chưa biết đến cánh cửa thứ 2, sau chị. Em đâu cần “cái chìa khóa vàng” này, phải không chị Phin ?

Em đang nhớ về chị. Nhớ thật nhiều ! Em muốn gào lên cho át cả tiếng gầm của thác Liên Khàng đang vọng lại : “Chị Phin ơi! Je t’aime! Je t’aime! Je ne t’oublierai jamais!” (Em thương chị. Em sẽ không bao giờ quên được chị !)

Em cố tưởng tượng nhưng không thể hình dung nổi bây giờ chị ra sao?

Mont-Saint-Michel là một thị trấn như thế nào trong tỉnh Manche thuộc vùng Basse-Normandie của Pháp? Chị đang sống trong vùng trời nào xa xôi quá ! Lạ lẫm quá ! Và chị đang ở... ngoài tầm tay với của em mất rồi!

Em đang nằm đây, trên “thuyền rồng” của chị. Em mơ ước, chị hiện về bên em. Em muốn vồ lấy chị như ôm vồ lấy biết bao kỷ niệm đang phủ chụp quanh mình...

... Nhưng khi “nghe” được vị mặn qua làn nước mắt nhạt nhòa, em chợt tỉnh để nhận biết một sự thật chát chúa:

Dù đang vùi sâu trong ngút ngàn kỷ niệm.
Nhưng.
Hai chị em mình.
Trên thực tế.
Đã và đang... lạc lối chim bay!



Phan Công Tôn