Log in

View Full Version : Manh áo trắng



Longhai
07-22-2015, 08:08 AM
Manh áo trắng


Giao Sắc 20/4027
Thương Phế Binh Cộng Hòa. Loại 3


Viết đến đâu, cha muốn rơi nước mắt.
Đọc tới đâu, mẹ đẫm lệ hai hàng.
Bởi ai, bầy trẻ chăm ngoan.
Bỗng rơi vào cảnh trái ngang nhường này ?!

Ngày anh thi đậu vào lớp 10, mẹ mua cho một cái áo trắng để đi học (vì trường bắt buộc). Lần đầu tiên trong đời, anh được xỏ tay vào chiếc áo mới tinh (trước đây, chỉ mặc toàn đồ dạt của hai ông anh thôi). Tự ngắm nghía mình đóng bộ đồng phục “áo bỏ trong thùng”, anh cảm thấy hãnh diện vì nay mình đã lớn, đã là học sinh cấp Ba ! Gặp lại vài đứa bạn cũ, chúng nó nói: “Sao hôm nay thấy mày khang khác.” Làm cho anh cảm thấy vui vui.

Nhưng rồi kinh tế gia đình ngày một tuột dốc. Cha bị thương tật chiến tranh, chân đi không vững, bận chiếc quần hai “ti vi” phía sau mông, đi bán cà-rem. Mẹ hai bộ cũ mèm thay đổi, bán cóc ổi cho học sinh. Hai ông bà cứ 3 giờ sáng là chở nhau bằng chiếc xe gắn máy BS già nua (vừa chạy vừa “ho” sù sụ, để lại một “giải khói lam chiều” kéo dài gần 50 mét ở phía sau) về chợ Cầu Ông Lãnh Saigon “bổ hàng”. Bở hơi tai, nuôi năm anh em ăn học. Đôi khi nghe lén được tiếng ông bà to nhỏ chuyện cơm áo gạo tiền xen lẫn tiếng thở dài thườn thượt, anh cảm thấy xót xa. Suy nghĩ mãi chưa ra cách gì phụ giúp.

Một hôm thấy có ông già chở nước đá bẹ đi bỏ mối. Anh đánh bạo hỏi thăm. Ổng nói nếu chú em có xe đạp, vào mùa nắng này một mình bỏ không kịp, tôi sẽ chia cho. Thế là, ngoài giờ học, anh vào “nghề” bỏ mối nước đá.

Nhờ siêng năng, thật thà, mối lái ngày càng đông. Có nhiều nơi họ biết là học sinh đi làm thêm, thương lắm, nhưng họ ra điều kiện phải mang đến trước 6 giờ sáng. Anh cũng chấp nhận. Rồi sáng nào cũng khoảng 3-4 giờ, anh đi sắp hàng mua đá, bỏ vô bao, xếp lên yên sau (đôi khi nhu cầu cần tới 3 - 4 bao loại 50 ký), chở về dựng nguyên xe trước cửa nhà. Vào lùa vội chén cơm nguội, hoặc củ khoai rồi lấy sách vở. Thay đồng phục học sinh. Lên đường! Tính toán thời gian sao cho khi giao hết là vừa kịp giờ tới lớp.

Một bữa nọ, đến trễ, Bảo vệ đóng cửa không cho vô, may thay thầy Hiệu trưởng vừa đi tới, thấy áo anh ướt sũng, hỏi lý do xong, Thầy có vẻ xúc động, quay lại nói với Bảo vệ:

- Riêng em này, kể từ nay trễ mấy cũng cho vào! Quá mừng vì anh đã vô tình được cấp tấm thẻ “Miễn Trừ”.

Ngày nào cũng vậy, chiếc áo mới (và cả quần nữa), phía lưng ướt nước đá, phía trước đẫm mồ hôi.

Vì chỉ có duy nhất một manh áo trắng nên đi học về, anh phải giặt ngay, hong khô để hôm sau có cái mà mặc lại. Chiếc áo không chịu nổi cực hình, suốt ngày bị tẩm đẫm mồ hôi cùng nước đá, nên một thời gian bắt đầu “xuống cấp”, thâm kim. Khi lên lớp 11.

Một hôm, đứng xếp hàng vô lớp, cô giáo Chủ nhiệm tới nắm áo anh kéo ra tính dặn dò điều gì đó. Bỗng nghe tiếng “rẹt” khô khan. Chiếc áo tét một đường dài từ vai xuống gấu, để lộ phần da lưng đen nhẻm của anh chàng Lớp trưởng ! Cô hết hồn, xin lỗi và nói vì gấp quá, nên kéo hơi mạnh tay. Để Cô thường cho em áo mới. Anh trả lời : Dạ thưa Cô, áo này em mặc từ hồi vừa lên lớp 10 lận, cũ lắm rồi, quá lắm em khâu lại là mặc được như thường. Vả lại mẹ em cũng đã mua sẵn áo khác, nhưng bảo để khi nào rách hãy lấy thay (lần đầu tiên anh đã nói dối với cô !). Nay Cô cho em được cơ hội lấy áo mới ra mặc mà không sợ mẹ la. Em phải cám ơn Cô mới phải!

Ngày hôm sau đi học, anh mặc chiếc áo trắng khác, nhưng không phải tấm áo “mẹ mua để dành” như anh nói, mà là cái áo cũ cùa bạn đem lại tặng ngay chiều tối hôm xảy ra “tai nạn”. Còn chiếc áo trắng đầu đời, tuy rách lưng, nhưng vì nó đã hai năm vất vả, luôn bám sát theo anh trong “lao động” và học hành, anh cất kỹ làm kỷ niệm !

Tìm lối thoát.

Anh học hết lớp 12, Ba bịnh rề rề, có khi mấy hôm không đi bán kem được .Tiền bạc chỉ trông vào mớ cóc ổi Mẹ bán mỗi ngày. Nghĩ có học cho lắm cũng chẳng tới đâu (vì nhìn gương hai anh lớn đều tốt nghiệp 12, nhưng do lý lịch cha: “Đi Lính Ngụy!”

Nên dù thi Đại Học cũng không ai cho đậu, đành xin đi làm những việc linh tinh. Thu nhập bấp bênh, chỉ vừa đủ nuôi bản thân), ngoài ra, hai đứa em kế còn đang học chưa hết Cấp Ba, nên anh muốn chia sẻ gánh nặng cùng Cha Mẹ, phụ giúp phần nào cho các em được tiếp tục học hết lớp 12. Anh quyết định nghỉ học để làm việc kiếm tiền.

Do trước đây có bỏ nước đá cho Căn-tin Điện lực, anh nhờ họ xin dùm vô làm công nhân hợp đồng thời vụ (làm công nhật) ở Xí nghiệp Điện trên Xa lộ Hà Nội (Xa lộ SG - BH cũ). Nhiệm vụ dọn vệ sinh nhà xưởng, kho bãi trước và sau giờ hành chánh. Thời gian còn lại, anh xin làm phụ thợ hồ với ông bà cai thầu, chuyên sửa chữa và xây dựng nhỏ. Dường như mọi người đều thương tính tình và hoàn cảnh của anh, nên họ không ép buộc quá mức.

Đến một hôm, có người bảo Trại nuôi heo của nhà nước, ở gần nhà, đang cần người xay cám thực phẩm. Lương khoán theo định mức, nhưng chỉ làm vào ban đêm (6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau phải xong 1,5 tấn). Thấy dù sao cũng có vẻ nhẹ nhàng hơn và thu nhập tính ra cũng gần bằng hai việc kia cộng lại, anh bèn xin vô. Mấy hôm đầu, xay đến sáng là vừa đúng định mức. Về sau, tổ của anh, phần vì quen việc, phần do sắp xếp hợp lý nên có thời gian chợp mắt đôi chút trước khi trời hừng đông.

Ai dè, ông “sếp” nghe “báo cáo báo cầy” rằng định mức quá thấp, tụi nó ngủ không hà ! Thế là định mức cứ tăng dần.Tăng gấp ba, gấp bốn lần so với những ngày đầu. Chưa hết, sau khi cật lực xoay đủ số lượng, còn bắt tổ của anh phải nán lại, quét dọn vệ sinh cả căn nhà xay xát lẫn nhà kho mới cho về ! (Dù việc này đã có lao công ban ngày phụ trách). Thân “cu-li” bị bóc lột quá đáng. Anh đắn đo cân nhắc. Vì sinh kế, vì thương Ba Mẹ và hai em, nhưng rồi cũng đành xin nghỉ để tìm hướng khác. Anh quyết định phải trở lại với con đường học vấn (vì nghe nói phần “lý lịch”, nay đã “nhẹ” hơn trước).

Cầm hơn trăm đồng “lương” nửa tuần cuối, đưa cho Mẹ, anh nói: Thưa mẹ, đây là đồng lương cuối cùng trong kiếp làm tôi mọi của con. Con đã xin nghỉ việc! Con phải đi học lại! Ba mẹ cố lo cho hai em được tiếp tục cắp sách đến trường. Chứ câu: “Lao động là vinh quang”, với kinh nghiệm bản thân, con ớn cái “vinh quang” này quá rồi. Phần con, chỉ xin Ba Mẹ cho ngày hai bữa ăn thôi. Còn tiền sách vở, học hành con tự lo liệu được.

Thế là sáng sáng, anh lại cùng chiếc xe đạp thồ đá đi “phân phối” khắp hang cùng ngõ hẻm. Canh giờ, đến Lớp Học Luyện thi. May mắn, anh đậu cả 4 trường nhưng chỉ dám chọn vào trường Đại học Tài chánh Kế toán (cũng thuộc nội ô Saigon) vì gần nhà nhất.

Là Sinh viên, nhưng anh vẫn như thủa học sinh. Vẫn chiếc xe thồ, cái vỉ cây, mấy bao đá bẹ và tòn ten cái túi sách vở. Các thứ đó lại tiếp tục đồng hành cùng anh, đi phân phối “cái mát lạnh” cho các quán bên lề, từ làng Thương Phế Binh Thủ đức đến cửa Giảng đường Đại học.

Đôi khi, Thời khóa biểu thay đổi bất thường: Học cả ngày! Rờ túi lép xẹp, anh chỉ dám ra mua ổ bánh mì không dằn bụng, rồi tới Rô-bi-nê, làm bộ rửa mặt, “ních” đầy bụng nước cho... tròn bữa. Bởi vì, bằng mọi giá, phải chừa lại 500 đồng trả tiền gởi xe.

Một hôm, có tiết học chiều, phải ở lại. Nhân dịp trong túi bữa đó hơi “âm ấm”, anh bèn mạnh dạn ra quán cơm trước cổng, nơi các bạn sinh viên thường ăn, để “điều nghiên” giá cả xem thế nào. Hỏi bà già chủ quán. Cơm bao nhiêu tiền một dĩa. Bà trả lời, Bình dân 3 ngàn, thêm gì tính nấy. Trà đá 500 v.v... Anh kêu bán cho cháu một dĩa Bình dân.

Lúc đó đã thưa khách, bà bưng ra đưa rồi đứng lại hỏi. Cậu bỏ cái gì cho trường mà ngày nào cũng thấy dô dậy ? Dạ, thưa bác, con có bỏ gì đâu, con đang học năm Nhất. Ủa, vậy là... là... Sinh viên ? Nhà cậu ở gần đây hả ? Sao tui thấy cậu đi xe đạp thồ, lại còn cột theo cái vỉ cây cùng mấy cái bao rỗng, nên cứ ngỡ cậu mua giấy vụn hoặc bán gì cho trường. Cậu học đây sao không thấy ra ăn cơm trưa bữa nào dậy ? Đây là lần đầu mới dô ăn phải không ? Dạ, thưa bác nhà con mãi trên Thủ đức, trong Làng Phế binh cũ cơ. Chèng ơi, xa dữ dậy, sao không đi xe Honda ? Bộ sợ tốn tiền gởi xe chắc ?

Thưa không, nhà con nghèo lắm. Ba mẹ đi bán cà rem, cóc ổi. Ráng nuôi chúng con ăn học kiếm ba cái chữ, được tới đâu hay tới đó, để sau này đỡ phần nào mặc cảm với đời. Nội lo tiền trường chưa đủ, sao có tiền sắm xe. Con đi học bằng xe thồ, luôn tiện chở theo mấy chục bẹ nước đá bỏ cho các quán dọc đường, tự kiếm tiền để học. Tới đây là vừa hết, con ràng lại, gởi xe rồi vô lớp. Con còn hai đứa em nữa, một đứa cấp Ba, chưa đáng kể.

Một đứa em gái kế cũng đang học năm thứ Nhất Đại học Nông lâm ở trên ấy. Nó có chiếc xe đạp cũ (mẹ mua từ đầu năm cấp Hai). Dù không xa bằng con nhưng nghĩ “thân gái dặm trường”, phải “cót két” đạp 14 cây số mỗi ngày, lên đèo xuống dốc, thấy cũng tội! Có điều, nó không phải chở gì ngoài sách vở, do đó, có thể mang theo lon cơm và hai chai nước lạnh để... “tự phục vụ” bữa trưa tại chỗ. Vài Thày Cô thấy thế bèn nói đùa : Ch. ơi ! Sao em là Sinh viên mà Thầy nhìn như Mẫu giáo hoặc lớp Một vậy? Nào cơm, nào nước, nào khăn v.v... đều đựng trong cái cặp to đùng. Ngoài Căn-tin thứ gì chẳng có. Em“keo” quá! Theo ý Thày Cô, Em nên mua cái gùi của người Dân tộc đeo đi cho tiện! Em chỉ bẽn lẽn cười trừ.

Thưa bác, trường em con trên ấy, không có gì giá 500, bèo nhất là ly trà đá cũng 1000 đồng lận ! Muốn còn được đến trường, phải chấp nhận“hy sinh”. Vì thế, anh em chúng con phải tiết kiệm từng đồng bạc. Bác nghĩ coi, thời buổi khó khăn, chỉ hai người buôn thúng bán bưng như Ba Mẹ con, làm sao nuôi được cả nhà ?... Nghe anh kể, không hiểu sao, tự nhiên bà kéo ghế ngồi xuống bên cạnh, đổi cách xưng hô : - Giỏi thiệt ! Nghèo dậy mà thi đậu dô Đại học, tau thấy thương bay quá chừng. Phải chi con tao được một đứa như bay là vợ chồng tao cũng mát ruột... Thôi, dầy nè ! Từ mơi đi học, bay để xe chỗ kia, tau coi cho, đỡ tốn 500. Trưa nào ở lại, cứ ra ăn, có tiền thì trả, không có tau cho thiếu chịu, nghe chưa! Nếu kẹt nữa, tau cho nợ. Khi nào ra trường, đi mần có dư tiền đem lợi trả cũng đặng. Đừng ngại nghe con ! Bay ráng học cho giỏi nhé. Tao thương những đứa có chí như bay lắm ! Đa số tụi nó ở đây, đi học bằng xe này xe nọ. Tao thấy duy nhất có bay là đi xe đạp mà lại là xe thồ nên mới lầm. Thế rồi hôm sau, thấy anh vừa tới cổng, bà nhất định bắt phải đưa xe vào chỗ đã dặn. Anh lưỡng lự, bà nói : Cứ để đó, mất tao thường.

Trưa bữa nọ, biết anh còn học buổi chiều nhưng không thấy ra, bà nhắn người bạn cùng lớp. Cậu dô kêu dùm thằng T. ra tui biểu. Tới nơi, bà chỉ dĩa cơm đầy ắp bắt anh ăn. Nhìn dĩa cơm không phải”bình dân” tí nào, anh ái ngại. Bà liền nói, cũng 3 ngàn, nhưng riêng bay thôi. Tao biết, nếu nói cho, thì chắc chắn bay ngại không dám, nên tao phải lấy tiền. Tụi nó giàu tau tính giá khác, bay khác. Ăn lẹ đi con rồi dô học kẻo trễ.

Cảm động quá, anh phải cúi đầu, dấu mặt hầu che đi đôi dòng lệ sắp trào. Nhưng không được, nó đã từng giọt... từng giọt... nhỏ xuống thay canh... vào chính dĩa cơm “Xiếu Mẫu”. Trong lòng anh, Bà như là Một người Mẹ thứ hai!

Ba chìm bảy nổi.

Lên năm thứ Ba. Vật giá, sách vở, các dịch vụ tối cần trong cuộc sống, cái gì cũng lên như diều gặp gió, còn anh, tóc đã lác đác dăm sợi bạc. Thấy vậy, bạn cùng lớp đua nhau chọc ghẹo. Anh bèn đọc hai câu thơ :

Tóc ta bạc không phải vì sương vì gió.
Mà bạc vì phải lo đối phó với áo cơm.

Các bạn vỗ tay cười ầm, nhưng có bạn thấu hiểu, đăm chiêu suy nghĩ…!

Đã vậy,"con lừa sắt" của anh cưỡi cũng bị “lão hóa” quá mau. Cặp vỏ ruột cứ thi nhau xì xẹp dọc đường. Thế nên, sách vở trong chiếc túi, đành phải nép mình, chừa chỗ cho cái ống bơm và đồ nghề vá xe “ngự” chung. Một hôm đi học về, thấy một ông đang gồng mình đẩy chiếc Honda Dame, vỏ trước xẹp lép. Nhè khúc đường xa lộ không có chỗ sửa. Lại gần, thấy ông cũng trạc tuổi ba mình, chân cũng “cà thọt”. Anh hỏi, xe bác bị cán đinh hả ? Ông chẳng nói chẳng rằng, chỉ gật đầu, đưa tay áo quệt mồ hôi trên trán rồi đứng thở dốc. Con có mang theo đồ nghề. Để con vá giúp cho bác nhé. Ông ta bèn dựng chống xe và ngồi bệt xuống lề cỏ. Mặc kệ cho anh làm gì thì làm. Bơm vá xong, anh nói, Bác có thể đi được rồi. Ông hỏi bao nhiêu ? Dạ, cháu chỉ vá dùm thôi. Ủa, chú không phải thợ sửa xe à ? Dạ không, cháu vừa tan học về. Cháu học trường nào ? Nhà ở đâu ?... Thì ra cháu là Sinh viên, còn ba cháu cũng là Thương Phế Binh. Bác cám ơn cháu nhiều lắm, xin cho bác gởi lời thăm hỏi và cám ơn đến Ba Mẹ cháu nhá.

Dọc đường, anh chợt lóe ra ý tưởng : Sao ta lại không thêm nghề vá xe ? Nghĩ là làm. Anh tức tốc tìm mua lại Bộ vá ép cũ, nhưng còn xài được, cùng vài thứ lỉnh kỉnh đi kèm. Thế là hôm sau,“đồ nghề” được sắp xếp vào chiếc thùng sữa cạc-tông, ràng trên bao đá. Anh lại lăn bánh tới Giảng đường. Trong lòng tràn trề hy vọng !

Tiếc thay, mấy tuần liền, chẳng xe nào bị bể bánh dọc đường…, trừ xe anh !

Thấy không ổn, anh bèn chuyển hướng “kinh doanh”. Kiếm chỗ ngồi cố định. Để ý thấy lề đường nơi kia rộng rãi, gần trường phổ thông, xe cộ tấp nập, nhất là lại không có tiệm sửa xe. Trưa đó, tan học về, anh bèn dựng xe, ôm thùng đồ nghề xuống, bày “hàng” ra. Chưa kịp sắp đặt như ý thì một chiếc xe đạp non hơi tới bơm, kế tiếp là chiếc gắn máy tới vá, lại một chiếc nữa đứng chờ… Anh tự trách, “địa lợi” là đây, sao mình khờ quá không phát hiện từ trước ? Đang lui cui nạy vỏ chiếc xe sau, không thấy mấy bà bán hàng rong đằng xa vội vã cuốn gói bỏ chạy. Bỗng xe Công an trờ tới, một chú trên xe lao xuống, chụp ngay cái bàn vá ép chưa kịp nhúm lửa và cái ống bơm... quẳng lên xe. Anh ngỡ ngàng giây phút rồi chạy theo năn nỉ xin lại. Chú ta ngoái cổ nói: Tám giờ sáng mai lên Phường giải quyết ! Mặt buồn so như kẻ mất hồn, anh đành thu dọn những gì còn sót, dồn cả vào chiếc thùng giấy, ràng ra xe, để…“hồi cố quận”.

Xót của, cả đêm anh không ngủ, mong trời mau sáng,"cúp cua" một tiết học để vô Phường năn nỉ xem sao. Sáu giờ sáng anh đã có mặt, đứng sớ rớ trước cánh cổng còn đóng kín. Bảy giờ ba mươi có người tới, anh hỏi thăm và kể sự việc, họ bảo đợi ông X, tám giờ sẽ đến giải quyết. Ông X vừa thấy mặt anh đã nói ngay: Mày mới ra nghề phải không ? Muốn lấy đồ nghề lại hả, Vô trong kho đó, có mấy chiếc xe anh em Công an bị xì lốp đấy, vá hết đi, xong thì cho mày lấy đồ nghề về. Nhớ là ở đây không cho ai chiếm dụng lòng lề đường cả, nghe không. Anh vá xong gần chục chiếc xe mới được lấy đồ nghề về, vừa đạp xe đi vừa lẩm bẩm :

- “Mất toi nó cả vốn lẫn lời, hèn chi mà người ta nói Công an là bọn ăn cướp mặc đồng phục.”

Ôm mớ đồ nghề lỉnh kỉnh, anh vội trực chỉ đến Giảng đường, lòng rối như tơ vò. Phần buồn ngủ, phần lo toan, nên khi Thầy giảng, không chữ nào chui lọt được vào lỗ tai.

Khoảng nửa tháng sau, dù chưa hoàn hồn, nhưng “kinh tế” quá suy sụp, ngại tóc… bạc thêm, anh đánh bạo đi tìm”địa lợi” hướng khác. Ban ngày Công an bắt, vậy ta làm ban đêm. Biết bên trường Đại Học Sư phạm có mở nhiều lớp dạy Ngoại ngữ buổi tối, khá đông người học. Tan trường, anh đạp tới sớm. Chọn ngay sát lề góc ngã tư (địa lợi quá đi chứ !). Bày biện đồ nghề, ngắm tới ngắm lui, lấy làm đắc ý. Mới 6 giờ, còn sớm, chưa có ai. Lát sau, mấy bà hàng rong rồi xe giải khát v.v… lục tục kéo tới. Dường như người nào có chỗ nấy, không ai lấn qua lấn lại, thật là trật tự.

Đang mải quan sát xung quanh, bỗng nghe có tiếng quát :

- “Ai để đồ sửa xe ở đây?”

Quay lại, thấy một anh to con, ở trần, mình xâm kín mít, bản mặt thật cô hồn. Anh trả lời :

- “Dạ của em.”

- “Ai cho mày bày chỗ này ?”

- “Dạ hồi nãy thấy trống nên em ngồi vá xe.”

- “Dẹp ngay, không tao búa cho một búa nứt sọ bây giờ. Mày biết tao là ai không?”

- “Dạ không, nhưng nếu bị đuổi đi chỗ khác thì thà anh búa em một nhát cho rồi đời, em khổ lắm, cũng đang muốn chết đây.”

- “Mày làm ở đâu, sao hôm nay tới đây?”

- “Dạ em đang đi học, nhà nghèo quá không đủ tiền mua sách lẫn nộp tiền trường nên họ đòi đuổi. Bí quá, nên vừa tan học, em phải đi làm việc này để kiếm thêm.”

Không hiểu sao anh ta đột nhiên dịu giọng:

- “Khu này tao “bảo kê”. Đây là chỗ của người khác, mày phải dời đi. Bao giờ có chỗ trống, gặp tao, sẽ ưu tiên sắp xếp cho. Mày đã kiếm được đồng nào chưa ?”

- “Dạ em mới tới lúc còn vắng, chưa được xu nào cả.”

Anh ta móc trong túi quần ra một xấp tiền có chẵn, có lẻ, đưa hết cho anh và nói :

- “Tao chỉ còn hơn bảy chục (70 ngàn), cho mày hết, mai đóng cho trường rồi về kiếm chỗ khác.”

Anh cám ơn và suy ngẫm :

- “Ai bảo dân “Giang hồ thứ thiệt” không có lòng Từ tâm? Nên để cho đám này làm Công an mới đúng”

Thấm thoắt đã cuối Năm Tư , phải tự kiếm nơi thực tập, anh trở lại Xí nghiệp Điện, nơi đã từng làm công nhân dọn vệ sinh lúc trước, trình bày với “Xếp”. May mắn, được họ chấp nhận. Hết thời gian, về trường làm Luận văn. Bù đầu trong Thư viện, nặn óc viết cả trăm trang giấy. Anh thuê đánh máy và in ra, đóng thành năm cuốn mang nộp. Bài của anh được Hội Đồng chấm hạng Khá. Anh đủ điểm tốt nghiệp!

Một tuần trước ngày mãn khóa, Văn phòng thông báo :

- “Các Sinh viên có tên sau đây... còn nợ tiền trường (trong đó có anh, với số tiền không nhỏ). Nếu không thanh toán sẽ không được tham dự lễ phát bằng tốt nghiệp.”

Vì không tiền, anh đành chấp nhận làm “con nợ” thêm một thời gian. Thế là , dù tốt nghiệp Đại học, anh chưa một lần được mặc áo thụng, mũ vuông, không được chụp tấm hình ghi lại khoảnh khắc vinh dự hiếm hoi này để làm kỷ niệm. Phần vì mặc cảm, phần vì phẫn uất, anh cũng không dám có mặt đứng “làm khách” trong buổi lễ để nhìn các bạn bước lên bục sân khấu nhận bằng, thôi thì về nhà lấy tấm hình ra ngắm đỡ nghiền vậy.

Lủi thủi cầm tấm giấy chứng nhận, anh làm đơn xin việc vào Điện lực. Họ chấp nhận cho làm Kế toán kiêm Thủ kho, hưởng lương thử việc 3 tháng ( theo nguyên tắc). Trong thâm tâm, anh cố kiếm đủ tiền để “chuộc”tấm bằng còn bị giam, nên cố “cày”. Khi xe tới nhận hoặc giao hàng, ký giấy tờ xong, nếu họ thiếu nhân công bốc xếp, cần thuê người, anh giơ tay xin làm. Cởi tấm áo công nhân viên, khoác chiếc áo rách, kê vai vác sắt kiếm thêm . Nhiều người tới, không biết anh làm gì trong cái Xí nghiệp này : Khi là “xếp” Kho, lúc lại là bốc vác.

Công ty Điện lực Miền trung thuê Xí nghiệp Điện, nơi anh làm, gia công những thanh sắt ráp trụ. Mấy lần người đi giao hàng bị nhân viên bên nhận làm khó dễ để vòi vĩnh. “Xếp” Xí nghiệp không tin, đi theo, nhưng cũng phải “lót tay” mới xong. Một lần, sếp cử anh đi giao hàng tại Nha trang. Đến nơi, trời gần tối nhưng họ viện lý do này nọ, không cho xe chở đồ vào cổng. Anh và tài xế xin cho để xe bên trong, còn người ra ngoài, họ cũng không chịu. Vì tài sản trên xe rất dễ mất trộm, mà nghe nói nơi đây không an toàn. Thế là hai anh em đành phải qua đêm dưới gầm xe, ngay trước cổng. Sáng sớm cho xe vào, chờ tới giờ làm việc. Sau khi kiểm sơ vài thanh sắt, họ nói không nhận vì chưa đạt yêu cầu, nhưng không nêu rõ lý do. Anh năn nỉ hết lời cũng không xong bèn “đánh bài lì” nói rằng: Vậy chúng tôi ở lại đây, vì hàng này đã kiểm rất kỹ trước khi đi, chừng nào nhận tôi mới trở về. Tài xế có nhà người quen, xin đi. Còn anh phải ở lại trông chừng xe sắt. Đêm mắc võng ngủ kế phòng Bảo vệ. Ngày ra quán mua mấy bao mì gói, là xong bữa. Chờ ba đêm hai ngày, anh bảo vệ mách nước: “Lót” cho nó mấy trăm là xong, anh tiếc làm gì? Thời buổi này, ai cũng vậy cả! Nó neo anh lại để kiếm chác. Anh trả lời, chúng tôi đi đây, tiền công tác chỉ có Hai trăm rưỡi để ăn uống dọc đường. Hiện còn chưa tới Một trăm, lấy đâu mà hối lộ? Tối đó, anh bảo vệ tâm sự với anh rằng: Buổi chiều “nó”mới hỏi tôi, thấy anh ăn uống ra sao, có đi đâu không ? Tôi nói hết những gì tôi đã thấy, “nó” bèn bảo: thằng này không có tiền thiệt hả? Sáng hôm sau, có lệnh cho nhận hàng. Mừng quá, nhưng họ nại lý do không có người bốc xuống và bên giao phải lo khoản này (có lẽ họ muốn thử lần cuối xem anh thực sự có tiền hay không). Anh bàn với bác tài xế, thôi hai chú cháu chịu khó xuống hàng đặng về sớm. Tới nhà tôi sẽ đề nghị “sếp” bồi dưỡng lại cho chú. Quá trưa là xong mấy tấn sắt. Tuy mệt nhưng thấy nhẹ nhõm vì… thoát nạn. Chẳng cần tắm rửa, hai người lên xe trực chỉ Saigon.

Ngồi trên xe, anh nghĩ. Làm nhà nước như anh, không thế, không thần thì... không được. Ta phải tìm cách “làm chủ thực sự”. Anh xin nghỉ việc. Kêu bốn bạn cùng lớp (chưa có việc làm) hợp tác mở quán Café “Sang”. Được nửa năm, sập tiệm! Mỗi thằng lỗ 5 triệu (ấy là gặp may, vì người ta thấy thương hại, nên mới chịu sang tay nửa giá). Tiền chuộc mảnh bằng còn chưa có, nay anh lại nợ thêm năm triệu!

Vươn lên.

Trước đây, có thời gian làm thuê cho xưởng làm mái tôn tư nhân. Anh thấy không khó lắm, nhưng vốn ban đầu khá nặng, ngoài ra còn phải có mặt bằng rộng rãi.Thằng bạn học, quê Bến tre, Ba Mẹ nó cũng thương anh như con. Biết được dự tính của anh, ông bà nói : Cứ về đây, giúp được gì trong khả năng, bác lo cho.

Tốt nghiệp Đại học cũng chẳng nhìn thấy tấm bằng, đi làm cu li cũng không xong, thôi thì tự mình làm cho mình vậy... tay làm hàm nhai. Thế là anh xin Ba Mẹ cho về Miền Tây lập nghiệp. Qua sự giới thiệu ban đầu của bác, anh mướn được mặt bằng, rồi quen được với những “quới nhân”, được họ tận tình giúp đỡ.

Xưởng “Tôn Thép Sàigòn” ra đời. Được bà con địa phương tín nhiệm, ủng hộ. Cho tới nay, gần mười năm, nó không những vẫn tồn tại mà còn phát triển thêm hai chi nhánh nữa. Và anh, nay đương nhiên là Giám đốc (làm chủ) công ty của riêng mình, sau bao nhiêu năm “ba chìm bảy nổi”.

Dù nhìn lên chưa bằng ai, dù khó khăn chưa hoàn toàn được dỡ bỏ, nhưng mỗi khi nằm nghĩ lại đoạn đường chông gai thủa thiếu thời, anh thấy mình quá hạnh phúc. “Hãy chia sẻ một phần những gì tốt đẹp mà cuộc đời ban tặng cho bạn với những kẻ khốn cùng”.

Đó là tâm nguyện của anh.

Hằng đêm, anh vẫn không quên cầu nguyện Ơn Trên gia độ cho Ba Mẹ, anh em, bạn hữu, những Ân nhân cùng những người cộng sự và cảm ơn Trời Phật... đã ban phước cho mình có được sự may mắn ngày hôm nay!


Saigon 22/6/2015.
Mùa hoa Phượng
Giao Sắc 20/4027.